trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
25.7.2008
Huỳnh Ngọc Chiến
Từ Buddha đến Bụt và Phật
 
Vấn đề nguồn gốc danh xưng Bụt hay Phật đã được bàn cãi rất nhiều suốt mấy năm qua, dù cả hai danh xưng đó đều được chấp nhận là cách phiên âm của danh từ Buddha trong Phạn văn. Song cũng như nhiều cuộc tranh luận khác, dường như khẳng định cuối cùng vẫn còn để ngỏ. Trên tinh thần trao đổi và học hỏi, chúng tôi đóng góp bài viết nhỏ này, dựa vào kết quả nghiên cứu của nhà Phật học Quý Tiển Lâm của Trung Quốc [1] để trình bày mối liên quan giữa Buddha trong Phạn văn với Phật (hay Bụt) trong Hán văn, mà chúng tôi cho là có tính thuyết phục và đáng tin cậy hơn cả. Trong bài viết này, chúng tôi không đi sâu vào vấn đề từ nguyên và ngữ âm, mà chỉ trình bày vì sao danh từ Buddha với hai âm tiết lại được phiên âm thành Phật hoặc Bụt chỉ với một âm tiết.

Về danh xưng BụtPhật, đại khái hiện nay có ba quan điểm:

a. Quan điểm thứ nhất: Phần đông cho rằng từ “Buddha” trong Phạn văn được phiên âm sang Hán văn là “Phật Đà 佛陀” hoặc “Bột Đà 勃 陀”; và Phật là cách gọi tắt của Phật Đà, còn Bụt cách đọc trại chữ “Bột” trong “Bột Đà”.

b. Quan điểm thứ hai: Bụt (chữ Nôm viết là 孛) là cách phiên âm trực tiếp âm tiết thứ nhất của từ Bhudha của người Việt trong giai đoạn sơ kỳ, khi Phật giáo Ấn Độ truyền bá vào nước ta: Bud Bụt. Quan điểm này cho rằng cách đọc Bụt (là cách đọc bình dân của người Việt) đã xuất hiện trước cách đọc Phật (là cách đọc bác học theo kinh điển Trung Quốc), để khẳng định rằng vào buổi ban đầu, Phật giáo Việt Nam được truyền trực tiếp từ phương Nam tức từ Ấn Độ sang, chứ không phải được truyền từ phương Bắc là Trung Quốc. Cách đọc Phật là do ảnh hưởng của Trung Quốc, và cách đọc này chỉ xuất hiện khi quân Minh sang xâm lược nước ta, tức khoảng cuối thế kỷ 15.

c. Quan điểm thứ ba: Về từ nguyên thì BụtPhật đều là cách đọc khác nhau của cùng một chữ 佛 trong chữ Hán mà thôi. Chỉ khác là trước kia đọc là Bụt, sau này đọc là Phật. Nói chung thì BụtPhật tuy hai mà một.

Song có một điều đơn giản mà các nhà nghiên cứu chưa giải quyết được là: vì sao trong cả hai cách phiên âm Bụt hay Phật đều chỉ có một âm tiết, trong khi từ Buddha trong tiếng Phạn lại có hai âm tiết? Do đó mới nảy ra cách phỏng đoán Phật chỉ là cách đọc tắt của Phật Đà,Bụt là cách đọc tắt của Bột Đà hoặc là cách phiên âm trực tiếp âm tiết thứ nhất của từ Bhudha.

BụtPhật, điều đó hiển nhiên không có gì để bàn cãi. Trong truyện cổ tích Việt Nam thì Bụt là hình tượng dùng để chỉ vị tiên hiền lành nhân hậu, chuyên ban phúc và cứu giúp cho người lương thiện, điển hình là trong truyện “Tấm Cám”. Từ Bụt đã tồn tại rất lâu trong ca dao tục ngữ, lẫn văn chương bác học.

Ví dụ:
  • Chưa dễ ai là Bụt Thích ca/ Mọi điều nhân nghĩa nhẫn thì qua (Nguyễn Bỉnh Khiêm);
  • Bụt cũng hiền từ sư cũng khá/ Chỉ hai con chó chữa từ bi (Nguyễn Công Trứ);
  • Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy (Tục ngữ) v.v…
Tác giả Nguyễn Trọng Phu trong bài nghiên cứu “Bụt hay Phật?”có trích dẫn theo quyển Lịch sử chữ Quốc ngữ” của Ðỗ Quang Chính (Tủ sách Ðường Mới, Paris, 1985) một bản thảo của Bento Thiện (sinh năm 1614) là một thầy giảng thuộc Dòng Tên đạo Thiên Chúa, sống gần thời với Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes 1593-1660) và đã học chữ quốc ngữ đầu tiên với các linh mục Dòng Tên Marini, Gaspar d'Amiral, Ðắc Lộ. Trong bản thảo đó cho thấy hai từ BụtPhật đều được dùng đồng thời [2] .

Theo các tự điển Phật học thì từ Phật 佛 còn có các cách gọi khác như:
  • Bộ Đa 部多
  • Bộ Đà 部陀
  • Bột Đà 勃 陀/勃 馱/馞 陀
  • Bộ Tha 步 他
  • Hưu Đồ 休 屠
  • Một Đà 沒 馱/没陀
  • Phật Đà 佛陀/佛 馱
  • Phật Đồ 佛圖
  • Phí Đà 沸 馱
  • Phù Đà 浮 陀
  • Phù Đầu 浮 頭
  • Phù Đồ 浮 屠/浮 圖
  • Phục Đậu 復豆
  • Vật Tha 物 他
  • Vô Đà 毋陀 v.v….
Trên đây là một số cách mà người Trung Quốc, qua nhiều giai đoạn, dùng để dịch âm danh từ Buddha trong Phạn văn, dịch ý là “Giác giả”, nghĩa là “Đấng giác ngộ”, dùng để chỉ đức Phật. Hai cách phiên âm phổ biến được sử dụng trong kinh điển là “Phù Đồ” 浮屠 hay 浮圖,và “Phật” 佛, song cách phiên âm được kinh điển Trung Quốc sử dụng nhiều nhất vẫn là Phật.Trong bài này, chúng ta tập trung vào cách phiên âm Phật.

Theo các vận thư và tài liệu cổ Trung Quốc thì chữ Phật có nhiều cách phiên thiết. Căn cứ vào Tập vận 集韻 và Chính vận 正韻 thì chữ Phật có hai cách phiên thiết, và do đó có thể đọc theo hai cách bằng âm Hán Việt:

1. Phù vật thiết (符勿切)
=>
Ph(ù) + (v)ật => Phật.
2. Bồ một thiết (蒲沒切)
=>
B(ồ) + (m)ột => Bột.

Theo Thích Văn 釋 文 thì Phật được đọc theo âm Bật 弼.

Đây có lẽ là cơ sở ngữ âm để các nhà nghiên cứu suy ra rằng Bụt (là cách đọc trại của Bột) và Phật đều là cách đọc của một chữ Hán duy nhất, tại hai giai đoạn khác nhau. Theo nhà Hoa ngữ học lỗi lạc Karlgren, trong tác phẩm Grammata Serica, thì chữ Phật có 3 cách đọc là [b’i̭wt/b’i̭ut/fu]. Trong các tự điển Trung Quốc hiện đại, chữ Phật được phát âm theo hai cách là [Fó] và [Bó]. Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng giữa cách phát âm BụtPhật có mối liên quan mật thiết. Còn vì sao cách đọc Bụt hầu như mất hẳn khỏi nền văn chương truyền khẩu lẫn văn chương bác học thì mọi nghiên cứu để chứng minh cũng chỉ đều là sự suy diễn và phỏng đoán, chứ chưa có một cơ sở khoa học hoặc chứng cứ lịch sử vững chắc nào để khẳng định một cách thuyết phục, ngoài những luận cứ về ngữ âm.

Nếu cho rằng Bụt là cách đọc trại của Bột trong Bột Đà thì phải chấp nhận hai sự kiện. Thứ nhất: từ Bột Đà trong kinh điển Trung Quốc đã xuất hiện trước từ Bụt trong tiếng Việt. Song hiện nay vẫn chưa thấy có văn bản nào được trích dẫn làm sở cứ để chứng mình điều đó cả. Thứ hai: để Bột trong Bột Đà biến thành cách đọc Bụt trong dân gian thì rõ ràng Bột Đà phải là từ rất phổ biến. Song từ Bột Đà chủ yếu chỉ xuất hiện trong các chân ngôn và thần chú trong kinh điển như kinh Lăng Nghiêm, kinh Phật đỉnh tôn thắng đà la ni (bản dịch của sa môn Phật Đà Ba Lợi) v.v… Mà trong kinh điển Phật giáo, tần số xuất hiện của thần chú, chân ngôn so với kinh văn do Phật thuyết lại không cao, thêm vào đó là trúc trắc rất khó đọc, khó nhớ. Tín đồ Phật giáo không còn lạ gì câu: “Đi lính sợ trèo ải, làm sãi sợ chú Lăng Nghiêm”, đủ thấy các chân ngôn, thần chú đọc khó tiêu, khó nhớ như thế nào. Do đó, chúng tôi cho rằng Bột Đà khó lòng được sử dụng phổ biến trong dân gian để biến thành cách gọi tắt là Bụt trong tiếng Việt được.

Còn nếu chỉ căn cứ vào sự xuất hiện của từ Bụt trong những câu ca dao, tục ngữ hoặc các câu chuyện cổ tích dân gian mà ta không thể xác định được thời điểm ra đời, để khẳng định rằng Bụt là cách người Việt phiên âm trực tiếp âm tiết thứ nhất của từ Bhuddha, và qua đó khẳng định rằng Phật giáo được truyền đến Việt Nam trước khi qua Trung Quốc, thì e rằng rất khó thuyết phục.

Thông thường, khi một từ của ngôn ngữ nước ngoài được du nhập vào ngôn ngữ bản địa, mà ta gọi là tá tự hay là từ vay mượn (loan-word), thì người ta phải dùng cách đọc tương tự của ngôn ngữ bản địa để dịch âm, gọi là âm dịch hoặc thể thanh, sao cho cách đọc đó bảo lưu được âm hình ban đầu, dù từ phiên âm đó không có nghĩa trong ngôn ngữ bản địa. Ví dụ người Việt dùng từ “xà-phòng” hoặc “xà-bông” để gọi savon của người Pháp, hoặc “xăng-uých” để gọi bánh sandwich của người Mỹ. Chắc chắn phải trải qua một thời gian dài và được sử dụng phổ biến, dần dần người ta mới quên hẳn nguồn gốc từ vay mượn đó và xem nó như là ngôn ngữ bản địa.

Danh từ Buddha cũng vậy. Khi Phật giáo mới truyền bá đến Trung Quốc, các thuật ngữ chuyên môn đều được những tín đồ phiên dịch kinh Phật giữ nguyên âm điệu, bằng cách dùng những từ Trung Quốc có cách đọc tương đồng để phiên âm cho chính xác. Theo các nhà nghiên cứu, chưa có trường hợp từ hai âm tiết trong Phạn văn nào lại được phiên âm rút gọn thành một âm tiết trong Hán văn. Hơn nữa, Buddha được xem là giá trị tối linh thì chắc chắn các tín đồ Phật giáo dịch kinh thời kỳ đầu không dám phiên âm tắt được. Đó là điều hiển nhiên. Ví dụ tín đồ Thiên Chúa giáo không dám gọi tắt đấng Giê-hô-va là đấng Giê-hô, cũng như tín đồ Hồi giáo không dám gọi tắt đấng Ala là đấng A được hay nhà tiên tri Ma-hô-métMa-hô được.

Như vậy từ Buddha được phiên âm thành Phật hẳn phải bắt nguồn từ nguyên nhân khác. Như đã nói trên, rất nhiều người cho rằng Phật là cách đọc tắt của Phật Đà hoặc Bột Đà. Ngộ nhận này khá phổ biến, và đều bắt nguồn từ Dị bộ tông luân luận thuật ký 異 部 宗 輪 論 述 記 mà ra. Cuốn này ghi rằng: “Phạn âm ‘Phật Đà’ là nói đấng giác ngộ. Từ xưa đã gọi tắt là Phật” (佛陀梵音,此云覺者. 隨舊略語,但稱曰佛: Phật Đà Phạn âm, thử vân giác giả. Tuỳ cựu lược ngữ, đản xưng viết Phật).
Sư cô Chơn Không của thiền viện Làng Mai dẫn chứng lời nói của pháp sư Khuy Cơ, trong phần chú thích cho “Lá thư Làng Mai 25”, như sau:

“Sư khuy Cơ, cao đệ của Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang, đời Ðường, trong sách Ðại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương, quyển thứ sáu, có nói: ‘Bột Ðà (Buddha) là tiếng Phạn, gọi tắt một cách sai lầm là “Phật” (Phạn văn Bột Ðà, ngoa lược vân Phật)’” [3] .

Điều này lâu nay đã trở thành hiển nhiên đến mức hầu như không còn ai nghi ngờ gì nữa. Song trong các thư tịch còn lại từ thời Hậu Hán Tam Quốc, thì danh từ “Phật” đã xuất hiện trước danh từ Phật Đà rồi! Thư tịch cho thấy không có trường hợp danh từ Phật Đà xuất hiện trước danh từ Phật. Có thể Phật Đà chỉ là cách phiên âm bổ sung thêm vào từ Phật trong giai đoạn về sau, chứ không phải Phật là cách đọc tắt của Phật Đà.

Nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc sống sau thời Hậu Hán, khi đối chiếu nguyên bản Phạn văn với những danh từ được phiên âm trong bản dịch kinh Phật đời trước, thấy không tương đồng, nên cho rằng đó là cách phiên âm sai hoặc phiên âm tắt. Thật ra, trong buổi ban đầu, Phật giáo truyền đến Trung Quốc không phải là Phật giáo Ấn Độ như chúng ta lâu nay lầm tưởng, mà chính là Phật giáo vùng Trung Á, từ các nước như Đại Nhục Chi và các nước nhỏ vùng Tân Cương ở Trung Á, thông qua con đường tơ lụa. Do đó, khi được du nhập vào Trung Quốc trong buổi sơ kỳ, thì phần lớn kinh Phật không được dịch trực tiếp từ Phạn văn mà thông qua một ngôn ngữ trung gian. Chỉ đến đời ngài Huyền Trang thì công việc dịch thuật mới được xem là tập đại thành. Chính vì vậy, trong tác phẩm Đại Đường Tây Vực ký của mình, ngài Huyền Trang đã phê phán cách phiên âm nhiều thuật ngữ Phạn văn trước đó là sai (Ngoa dã). Ví dụ ngài cho rằng phải phiên âm Yojana là du thiện na thay vì do tuần hay do diên, Vaiśya là Phệ Xá thay vì Tỳ Xá v.v… [4] Thực ra, đó không có gì là sai cả. Điều này cũng tương tự như ta phiên âm các danh từ Hy Lạp bằng tiếng Việt, qua trung gian tiếng Anh hoặc tiếng Pháp.

Khi kinh Phật truyền vào Trung Quốc thì danh từ Buddha trong Phạn văn được phiên âm khác nhau là “Phù Đồ” hoặc “Phật”, chỉ vì do con đường du nhập vào Trung Quốc khác nhau, nghĩa là qua hai ngôn ngữ trung gian khác nhau. Danh từ Buddha trong Phạn văn được phiên âm là “Phù Đồ” khi qua nước Đại Hạ và But khi qua các nước nhỏ vùng Tân Cương, Trung Á. Nhà Phật học Quý Tiển Lâm, với kiến thức uyên bác và những luận chứng thuyết phục về ngữ học đã chứng minh cho thấy trong văn tự Hồi Hột, Buddha biến thành trọc âm (âm đục) But. Và các tín đồ Phật giáo Trung Quốc buổi sơ kỳ đã dùng chữ Phật để phiên âm lại danh từ But, vì trọc âm xưa của Phật “佛” cũng là But.

Trong kinh nhật tụng bằng văn tự Hồi Hột, ta thấy cách tụng Nam mô Phật/ Pháp/Tăng như sau:

Quy mệnh Phật (Nam mô Phật)
歸命佛(南無佛)
=>
namo but
Quy mệnh Pháp (Nam mô Pháp)
歸命法(南無法)
=>
namo drm
Quy mệnh Tăng (Nam mô Tăng)
歸命僧(南無僧)
=>
namo sag

Cách phiên âm của từ Buddha trước khi vào Trung Quốc, đã thay đổi qua ngôn ngữ trung gian như sau:

1. Ấn Độ
=> Đại Hạ (Đại Nhục Chi)
=> Trung Quốc
Buddha
=> bodo, boddo, boudo
=> Phù Đồ.
   
2. Ấn Độ
=> Các nước nhỏ vùng Tân Cương, Trung Á
=> Trung Quốc
Buddha
=> But
=> Phật/Bột.

Sau đây là bảng đối chiếu cách phiên âm từ Buddha trong một số văn bản:

Trong văn tự
Buddha biến thành
Đại Hạ
bodo,boddo,boudo
Các nước nhỏ vùng Tân Cương, Trung Á
but
Văn tự Ba Tư cổ (Thánh điển của Bái hoả giáo)
bwt
Văn tự Ma Ni giáo của An Tức
bwt/but
Văn tự Ma Ni giáo của Mễ Đặc
bwty,pwtyy
Kinh điển Phật giáo Mễ Đặc
pwt

Như vậy, chính vì do cách phiên âm qua trung gian của ngôn ngữ vùng Trung Á [5] , trong khoảng trung thế kỷ, mà người Trung Quốc đã dùng từ Phật để phiên âm từ Buddha của tiếng Phạn, chứ hoàn toàn không phải là cách phiên âm trực tiếp. Điều này cho thấy chữ Phật có thể được đọc là Bụt trong thời cổ. Đây là những luận cứ khoa học về ngữ âm mà chúng tôi thấy là đáng tin cậy hơn cả.

Do đó, chúng ta có thể tạm kết luận: Phật hay Bụt đều là hai cách đọc khác nhau của một từ duy nhất. Và từ này không phải được phiên âm trực tiếp từ danh từ Buddha trong Phạn văn, mà thông qua ngôn ngữ trung gian của vùng Trung Á.

Chúng tôi hy vọng rằng bài viết ngắn này giải thích được phần nào nguồn gốc của hai từ BụtPhật. Song theo thiển ý, đã là Phật tử thì chúng ta cũng không cần phải quan tâm quá đáng với sự phân biệt giữa BụtPhật như các nhà nghiên cứu, mà hãy tự hỏi từ Bụt có đem lại an lạc tâm linh hơn từ Phật hay không, và ngược lại? Đạo Phật chủ trương “Bất hoại giả danh nhi thuyết thực tướng”. Trong kinh Lăng Già, đức Phật luôn nhắc nhở môn đồ rằng tất cả ngôn thuyết đều do nhân duyên hoà hợp mà thành, cho nên ngôn thuyết không thể nói về đệ nhất nghĩa đế, huống chi là hai từ Bụt Phật?

© 2008 talawas


[1]Quý Tiển Lâm, Phật giáo học thuật luận văn tập, Nxb Đông sơ xuất bản xã, Đài Bắc, 1996, tr. 1 - 18.
[2]Xem “Bụt hay Phật?”, Nguyễn Trọng Phu, http://www.thuvienhoasen.org/ddpp-buthayphat-01.htm
[3]Xem “Danh từ Bụt - Trích Lá thư Làng Mai ngày 12-2-2002”, Sư Cô Chơn Không, http://www.thuvienhoasen.org/ddpp-buthayphat-02.htm
[4]Xem thêm Bút ký Đường Tăng, dịch giả TS Lê Sơn, Nxb Phương Đông, 2007, các tr. 75, 128, 153, 157…
[5]Mễ Đặc tức Sugda thời trung thế kỷ, còn gọi là Tốt Lợi (sūlīk), người BaTư cổ đại gọi là Suguda. Đại Hạ là quốc gia ở vùng tây bắc Trung Quốc thời cổ, người Hy Lạp cổ đại gọi là Bactria. An Tức là Arsacid hay Parthia thời cổ.