trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtĐiện ảnh
26.10.2007
Lý An
Những cảnh Sex làm đau đớn...
(Phỏng vấn của báo Süddeutsche Zeitung, Marcus Rothe thực hiện)
Trần Kh. dịch
 
Đạo diễn Lý An - Ảnh: Reuters
Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, sau cuốn phim Brokeback Mountain (Núi Brokeback), mùa hè vừa rồi đạo diễn Lý An (Ang Lee) đã giật giải Sư tử Vàng lần thứ hai tại Liên hoan Phim Venice. Cuốn phim mới của ông mang tên Sắc, Giới (Se, Jie), tựa tiếng Anh là Lust, Caution, xoay quanh một câu chuyện về gián điệp, tình dục và tình yêu xảy ra tại Thượng Hải trong thời gian thành phố này bị quân Nhật chiếm đóng, vào những năm 40 của thế kỷ trước.


*


SZ: Dường như với mỗi một bộ phim, ông lại muốn thử nghiệm một điều gì đấy hoàn toàn mới mẻ... Lần này là một câu chuyện chiến tranh với rất nhiều cảnh sex cuồng bạo.

Lý An: Ồ, tôi muốn thử nghiệm nhiều "vị thế" hoàn toàn khác nhau ấy mà - đấy là những thứ tôi chưa từng làm! Nói thực là chưa có phim nào từng gây trong tôi một nỗi sợ hãi lớn như phim này. Khó khăn gấp nhiều lần việc kể một câu chuyện về những người đồng tính Mỹ. Kịch bản phim dựa trên một truyện ngắn của nữ văn sĩ Trương Ái Linh (Eileen Chang), tức là từ góc nhìn của phụ nữ, với bối cảnh là cuộc kháng chiến mang tinh thần ái quốc cao độ của người Trung Hoa chống lại quân Nhật. Trong văn học Trung Quốc không hề có một thứ chân dung về tình dục của phái nữ - tất cả thường chỉ xoay quanh chuyện của các ông. Nhưng trước hơn hết, đây là một câu chuyện về lòng tin cậy và tình yêu, đấy là những thứ tác động sâu sắc lên tôi.

SZ: Nhưng tại sao ông lại muốn kể câu chuyện "amour fou" này, một mối tình cuồng dại giữa một nữ điệp viên và một một kẻ cộng tác (collabo) với Nhật - trước hơn hết - bằng những trường đoạn sex?

Lý An: Những cảnh sex trong phim là một thách thức to lớn, nhưng đứng nhìn các diễn viên "lao động" ở những cảnh này không phải là một việc thích thú cho tôi, một điều cực kỳ hành hạ và làm đau đớn. Người châu Á chúng tôi không quen phô bày tâm tình của mình, mà thường rất nhút nhát và dè dặt. Bởi chúng tôi không thích nói về đời sống thầm kín của mình, nên chúng tôi chỉ biết sử dụng ngôn ngữ thân xác. Trong lúc làm phim, chúng tôi đã phải khắc phục những đối kháng nội tâm của mình và thường xuyên tự hỏi, người ta sẽ nghĩ như thế nào về những cảnh như thế này. Ở những cảnh quay này, công việc của chúng tôi hoàn toàn mang tính ứng tác - tương tự như ở những cảnh đấu đá trong phim Crouching Tiger, Hidden Dragon (Ngoạ hổ tàng long). Kịch bản chỉ ghi vỏn vẹn: "Họ đấu với nhau". Vào những lúc như thế thì tôi và các diễn viên trở thành "đồng tác giả" của kịch bản.

SZ: Ông đã phát hiện ra nữ diễn viên Thang Duy (Tang Wei) cho vai nữ chính của ông như thế nào?

Thang Duy trong vai nữ điệp viên Vương Giai Chi
Lý An: Chúng tôi đã tìm được cô ấy trong số hàng ngàn nữ diễn viên Trung Quốc, bởi cô ấy là người có dáng vẻ thích hợp nhất cho thời đại ấy. Cô ấy làm tôi nhớ đến thế hệ của bố mẹ tôi, và tôi đã tin tưởng rằng câu chuyện có thể được thể hiện tốt trên gương mặt của cô ấy. Thang Duy chính là một "alter ego", một "cái tôi (nữ tính) khác" của tôi. Cô ấy có một cái gì đấy như là sự trong trắng vô tội, nhưng đồng thời cũng là một phụ nữ "chịu chơi" - bởi thế tôi đã hơi bị... thất thần lúc quay cô ấy diễn cảnh làm tình với Lương Triều Vỹ (Tony Leung Chiu Wai).

Phát hiện mới Thang Duy và ngôi sao Lương Triều Vỹ trong phim Sắc, Giới
SZ: Từ phim Sense and Sensibility (thường mang cái tên Việt ngữ: Lý trí và Tình cảm - ND) cho đến Lust, Caution (Sắc, Giới), các phim của ông đều diễn ra trong những môi trường căng thẳng từa tựa nhau, phát sinh từ tình trạng xung khắc giữa lý trí và tính dục.

Lý An: Tôi cứ luôn tự hỏi rằng liệu quyền tự do định đoạt cá nhân có thể tương hợp được với những nghĩa vụ đối với xã hội hay không. "Lust" - sự thèm muốn (nhục dục) - là một lớp vỏ che bên ngoài, một phần của cá tính của chúng ta, một lớp bề mặt nhất định. Và ý tưởng của "Caution" - sự thận trọng - là một kiểu đùa cợt của số phận, như thể ta bảo rằng: Nhân vật nam đã thoát chết vì anh ta cẩn trọng, trong lúc người tình của anh ta, một nữ điệp viên, lại để lộ sự yếu đuối... Nhưng điều còn đọng lại là: Người ta đừng nên bao giờ khước từ tình yêu.

SZ: Bên cạnh những trường đoạn sex người ta còn thấy trong phim một cảnh giết người kéo dài chừng như không muốn dứt - Có phải qua đó ông muốn chứng tỏ rằng việc giết người và cả sự chết cũng không phải là điều dễ dàng?

Lý An: Không, tôi liên hệ cảnh này với thời điểm lúc cô gài đánh mất trinh tiết của mình. Giết người và cuộc làm tình đầu tiên - cả hai thứ này đều thể hiện sự chấm dứt của lòng trong trắng. Người Trung Hoa lớn lên cùng với vô số những bộ phim tuyên truyền, trong đó người ta nói về lòng trung kiên và cuộc kháng chiến vẻ vang. Nhưng không ai chỉ ra rằng việc cầm dao đâm một người khác là điều chẳng dễ. Hoặc họ luôn luôn mô tả kẻ phản bội tổ quốc như một hình tượng-kẻ thù thuần tuý, chứ không bao giờ như là một con người - một con người có đời sống tình dục. Tôi đã đem vào phim vô số những nhát dao đâm, để dành riêng cho khán giả châu Á... Cho nên có thể khi xem phim này, người ta không tránh được cảm giác đau đớn.

SZ: Ông đã bắt đầu cuộc hành trình vinh quang đến với giải Oscar bằng phim Brokeback Mountain tại Liên hoan Phim Venice 2005...

Lý An: ... và đấy là một cuộc hành trình cực kỳ mệt nhọc, kéo dài nửa năm. Hầu như tôi đã có bổn phận là rốt cuộc phải giành cho được giải Oscar, vì toàn bộ việc phát hành cuốn phim ấy dường như đã được chuẩn bị trong tinh thần giành được giải. Nhưng lần này thì khác. Lust, Caution không phải là một phim thích hợp cho tất cả mọi người. Trong khi với phim Brokeback Mountain, người ta bước ra khỏi rạp hát như là những kẻ đang yêu.

SZ: Liệu có phải là với cuốn phim này, ông muốn làm một cái gì đấy như là một nối tiếp của phim In the Mood for Love (Tâm trạng khi yêu) của đạo diễn Vương Gia Vệ (Wong Kar-Wai) - với sự trợ giúp của nam diễn viên Lương Triều Vỹ?

Lý An: Đúng là có vài điểm tương đồng giữa hai bộ phim, đấy là điều tôi phải thú nhận. Mỗi lần Tony dùng kem chải tóc để chải ngược mái tóc của mình, hoặc lúc anh ta vận bộ âu phục ấy và xuất hiện với một phụ nữ Trung Hoa trong chiếc áo sường xám lụa, thì người ta phải tự động nghĩ ngay đến Vương Gia Vệ. Lúc tạo dựng lại chân dung thành phố Thượng Hải những năm 40, tôi đã bị chế ngự bởi cùng một điều mê hoặc, như Vương Gia Vệ cũng đã từng bị như thế, khi ông dàn dựng lại một Hồng Kông của những năm 60. Phong cách trang phục của thời đại ấy cực kỳ sexy. Thế nhưng phim của tôi diễn ra ở thời điểm sớm hơn 20 năm, và điều này cũng tạo ra một khác biệt lớn. Trong một cảnh quay, tôi đã dựa theo Vương Gia Vệ qua việc tôi cho tập trung vào những tiếng gõ lộp cộp của đế giày cao gót. Lúc ấy Tony tỏ ra hoàn toàn ngỡ ngàng và bối rối, vì những thứ ấy làm anh ta nhớ đến phim In the Mood for Love. Dường như việc đóng phim ấy với đạo diễn họ Vương đã mang lại cho anh một kinh nghiệm mang tính chấn thương tinh thần. Còn tôi thì cứ phải nghĩ đến bố tôi, bởi vì ngày xưa ông cũng dùng cái thứ kem brillantine kinh hoàng ấy để chải tóc - giống như nam diễn viên Lương Triều Vỹ trong cuốn phim của tôi. Chỉ nội cái mùi brillantine ấy cũng đủ khiến cho bao kỷ niệm xưa cũ bỗng cùng lúc đổ về, khiến tôi cảm thấy bồi hồi và bối rối.

SZ: Ông có cảm thấy khó khăn nhiều khi chuyển đổi qua lại giữa phim dùng tiếng Anh và phim có lời thoại bằng Hoa ngữ?

Lý An: Tôi có thể nhảy qua nhảy lại giữa hai nền văn hoá và ngôn ngữ một cách dễ dàng. Dĩ nhiên vai trò của đạo đức, não trạng và kỹ thuật thì mỗi nơi thể hiện một khác. Đấy là hai thế giới hoàn toàn khác biệt. Đôi lúc tôi cũng cảm thấy lúng túng, nhưng thường thì tôi rút ra từ đấy những điều mang lợi cho mình. Những phim nói tiếng Hoa thì chứa đựng nhiều chất riêng của tôi hơn và vì thế cũng làm đau đớn hơn, thế nhưng khi quay những phim này thì tôi cảm nhận được cái cảm giác tự do to lớn hơn. Còn với những phim có lời thoại Anh ngữ, thì tôi có một cái nhìn cách biệt hơn đối với các sự kiện.


Bản tiếng Việt © 2007 talawas