trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐồng tính luyến ái trong xã hội hiện đại
15.7.2002
Nguyễn Anh Cơ, Thy Vân, Tre Xanh
Bàn Tròn Talawas về Ðồng tính luyến ái trong xã hội hiện đại
Ra Mặt - Lúng túng
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20 
 
Tre Xanh (xoivo@yahoo.com):

Chào chị Thy Vân!
Tôi đã có dịp đọc bài viết khai mở Bàn tròn của chị, và cũng thật hân hạnh lẫn mừng vui được tiếp chuyện với người đồng hương, đồng tính trên diễn đàn mở rộng này. Qua bài chị viết, Tre Xanh đọc thấy chị đưa ra những quan điểm mà điểm nào cũng nặng ký, nặng pound cả; Ví như thân phận tị nạn, bình đẳng bình quyền, nhân quyền, dân quyền, vân vân và vân vân. Tre Xanh đang tập tạ lại để gồng gánh chia xẻ với chị về những vấn đề này trong tương lai gần. Nhưng bây giờ xin dùng thời giờ hạn hẹp trong một buổi sáng chủ nhật nắng ấm Cali để hồi đáp lại câu hỏi của chị: "Khi một người bạn, người thân của các bạn là người ÐTLA ra mặt (come out) với các bạn thì các bạn sẽ nghĩ gì, tỏ thái độ gì, và sẽ cư xử với họ ra sao: xa lánh hoặc tìm hiểu thêm về người đó? Bạn nghĩ người ÐTLA ấy sẽ nghĩ sao thấy cách cư xử như vậy của bạn? Bạn có thay đổi quan điểm về người thân quen ÐTLA sau khi họ "ra mặt" với bạn không?" Thưa chị, hỏi có nghĩa là trả lời. Hay nói cách khác, qua kinh nghiệm đã ra mặt nhận diện mình là người đồng tính với gia đình, bạn bè, cộng đồng, xin chị Thy Vân chia xẻ những kinh nghiệm có thể sẽ rất đắng cay nhiều hơn là ngọt bùi của chị cho mọi người trên Diễn đàn này hiểu; để mà biết đâu nó sẽ là một khởi điểm đi đến sự cảm thông, cởi mở trong Bàn tròn hội luận giữa người đồng tính và dị tính, và sự "đồng hội đồng thuyền" giữa những "đồng chóe " trong đảng "ái nữ, ái nam" (ái là động từ ở đây) như tôi và chị trên Diễn đàn này. Chắc chị sẽ đang thắc mắc: tại sao là "đồng chóe". Người đồng tính chúng ta đã từng và còn đang bị gán ghép cho những từ như "bóng", nên tôi nghĩ "chóe" thì nghe nó diêm dúa cho chúng ta hơn. Vì biết chị là người Việt Nam chủ trương "không đòi xương máu" chỉ "kêu gọi thương nhau" nên xin giỡn một chút cho bầu không khí bớt lạnh lẽo trong căn phòng Talawas mà ai cũng là những đồng bào "không chân dung" của Tre Xanh. Tre Xanh xin tạm dừng bút cho đề mục "Ra mặt" ở đây, rất mong đón nhận được thơ hồi âm của chị và của các quý vị khác trong Diễn đàn này.
Phần e-mail kế, Tre Xanh sẽ nhảy sang đề mục thứ hai "Hôn nhân đồng tính - Lợi và Hại" mà chị đã nêu ra nhé. Thân ái chào hòa bình và đoàn kết trong cùng bào thai Mẹ ÂU CƠ.

Thy Vân (catbui_tinhxa@yahoo.com):

Thân chào chị Tre Xanh,
Chị có ý kiến hay khi đưa ra đề tài "Ra mặt". Ðây chính là bước đầu tiên sau khi mình tự nhận mình là người ÐTLA, tức là mình ra mặt với chính mình. Tôi "ra mặt" cả 20 năm trước nên không còn nhớ rõ ràng sự thể ra làm sao. Chỉ nhớ đại khái là bố mẹ tôi đều chống đối rất mạnh, cho là tôi bị xã hội Mỹ làm khủng hoảng tinh thần, làm cho hư đốn. Phần anh chị em trong nhà thì có người thông cảm có người không. Dạo ấy, tôi nhớ tôi bị ốm rất lâu vì bị áp lực quá nặng từ gia đình mình. Bởi vì gia đình là những người đầu tiên tôi ra mặt nên tôi hoàn toàn không có kinh nghiệm và không có sự chuẩn bị tinh thần nào cả. Giá chi tôi tập qua với vài người bạn từ trước đó thì có lẽ điều ấy đã giúp được tôi có một sự chuẩn bị tinh thần để "ra mặt". Tôi chủ trương là sống không nên giả dối với nhau, nên gia đình chính là những người thân tôi phải cần nói rõ về mình, cho dù có ra sao đi nữa. Về sau này, bắt đầu có kinh nghiệm rồi thì tôi "ra mặt" cũng giống như tôi tỏ tình vậy… Cứ nghĩ như mình tỏ bày tình cảm của mình cho ai và phải từ tốn ra sao, thì với đúng cách đó, tôi đã nói về tôi. Mà tôi cũng không "cố đấm ăn xôi," khi thấy người ta không thích nghe nữa là tôi dừng. Nhiều lúc tôi nghĩ việc mình "ra mặt" cũng đơn giản như mình nói cho người khác nghe là mình ăn chay vậy. Chỉ có là cách sống khác nhau, thế thôi chứ chẳng có gì phải làm to chuyện.
Còn chị Tre Xanh, có thể nào chia xẻ kinh nghiệm của bản thân không? Và không biết là các anh chị trong Bàn tròn có ý kiến hoặc kinh nghiệm để chia xẻ trong chuyện này không ạ?

Nguyễn Anh Cơ ( bocohan@hotmail.com):

Chào các anh các chị,
Thường thường thì tôi rất thích suy nghĩ về các vấn đề xã hội "khó nói". Nhưng lần này quả tình tôi hơi lúng túng! Lúng túng vì không thực sự am hiểu đề tài là một phần thôi. Lúng túng thực sự vì sợ động chạm, nhất là lại ở vấn đề "bồ đoàn" như thế này.

Theo tôi, muốn có được sự cảm thông thật rộng rãi giữa những người ÐTLA và những người dị tính, cần phải gạt bỏ nỗi e sợ động chạm này! Muốn như vậy, tôi e rằng không thể chỉ bàn về "làm thế nào để mang lại công bằng cho người ÐTLA" mà không bàn về các hệ quả của hoạt động tình dục ÐTLA lên xã hội. Xin phép các anh chị, nhất là các anh chị ÐTLA, cho phép tôi được khỏi phải tránh né trong khi trình bày rất thẳng thắn các ý nghĩ sau. Hy vọng sẽ được các anh chị giải đáp để mở rộng tầm mắt.

Trong số những người chống ÐTLA có rất nhiều người không hoàn toàn chỉ vì ác ý, sai lầm, mà vì họ lo lắng cho các hệ thống giá trị đang tồn tại nhiều hơn. Ðộng chạm tới các hệ thống giá trị, người ta thường không biết sẽ phải kết thúc ở đâu, làm thế nào để thấy giới hạn của một thay đổi quan niệm; làm thế nào vạch ra được một giới hạn ảnh hưởng do việc công khai hóa, phổ cập hóa sinh hoạt ÐTLA đem lại... Tôi không nhìn thấy một nguyên tắc nào khả thủ để thấy được giới hạn đó.

Ðể thấy rõ sự lúng túng này của tôi, xin được phép nêu ra các câu hỏi có thể rất thô sơ, nhưng tôi không thấy một câu trả lời hiển nhiên hay đơn giản:

1. Tại sao ÐTLA lại cần lập gia đình?
Gia đình là di sản của một cấu trúc kinh tế tư hữu thời cổ có liên quan tới sự bất bình đẳng trong vai trò của một giới. ÐTLA bắt đầu được phổ cập ngày nay, tại sao cần quay trở lại với hình thức này? (Câu hỏi này là: monogam hay poligam trong ÐTLA?)

2. Sinh hoạt ÐTLA giữa những người thân có vi phạm đạo đức không?
Tiêu chuẩn đạo đức về loạn luân dựa trên cơ sở bảo vệ gene di truyền. Nếu sinh hoạt ÐTLA không mang lại con cái thì phải chăng tiêu chuẩn này không apply? Bản thân câu hỏi này gây nên một loạt câu hỏi và một số kịch bản về hành vi mà tôi chưa có nguyên tắc trả lời hiển nhiên.

3. Hoạt động tình dục ÐTLA mang tính thương mãi có vi phạm đạo đức (trong cái hệ thống đạo đức tương lai có bao gồm ÐTLA) không?
Chúng ta không thể đòi hỏi hoạt động tình dục chỉ dựa trên cái gọi là tình yêu được. Nếu hoạt động tình dục ÐTLA là một hình thái văn hóa đơn thuần thì hoạt động thương mãi là bình thường. Các hệ quả đạo đức đối với gia đình không áp dụng với ÐTLA.

4. Trong ÐTLA khi có tình yêu, có khái niệm ngoại tình hay không?
(Ngay cả khi người có tình yêu ÐTLA là lưỡng tính luyến ái)

Các câu hỏi này tuy có vẻ "lặt vặt", nhưng khi thử trả lời tôi thấy động chạm đến rất nhiều các vấn đề khác mà tôi khó thấy có thể dừng lại trong một giới hạn.
Và vì vậy tôi vẫn rất lúng túng không biết nên bắt đầu từ đâu.