Tác giả
Đông La viết rằng: ông rất trân trọng nâng niu, cất giữ những lời khen tặng ông trên sách báo, đặc biệt trên talawas, trong khoảng thời gian ngắn đã có 2 lần được khen, gần bằng (3 lần?) được khen trong hơn 20 năm cầm bút trong nước, không kể nhiều ngàn lần không phải trên sách báo mà được khen ở ngoài đời (thư từ, điện thoại). Có điều ông nản chí và băn khoăn vì không bao giờ có mặt trong bàn tiệc văn chương, ý ông muốn nói được cưng chiều đãi ngộ? Ông phân vân tự hỏi: không biết mình bất tài hay nền phê bình ở Việt Nam bất tài bất công?
Đến đây, tôi cũng bắt chước ông tự hỏi những lời ca ngợi phê bình và sự nhập cuộc vào cái bàn tiệc văn chương cho người cầm bút có thực sự quan trọng đến thế không? Tôi cứ tưởng văn chương chữ nghĩa là sự chuyển tải những ý nghĩ của mình đến nhiều người khác, đồng cảm cũng có, phản bác cũng nhiều, khen cũng mừng, mà chê cũng vui, viết mà không ai thèm ghé mắt đến mới đáng buồn. Còn chuyện bất tài hay không bất tài, có được nhập tiệc hay không chỉ là thứ yếu. Văn dĩ tải đạo, miễn là đừng bẻ cong ng̣òi bút của mình, rồi sẽ được công nhận. Các cụ Tản Đà, Tú Xương của ta thời trước cũng có được đãi ngộ đâu, thế rồi văn thơ các cụ cũng đi vào văn học sử nước nhà để cho con cháu chúng ta bình phẩm và học hỏi.
Băn khoăn vậy thôi chứ ông hiểu ra vấn đề ngay: ông chưa nổi tiếng, một là vì ông một mình một chợ, ở lưng chừng giữa 2 phái, không tô đỏ cũng chẳng bôi đen, không ai cho ông ngồi chung cả; hai, vì ông không có tên trong Hội Nhà văn nên không được đội lên mây xanh; ba, vì trình độ và thái độ của các người phản biện không đủ cao để nâng đúng tầm lý lẽ của ông. Điểm thứ ba là điểm chính ông Đông La dùng để phản biện những tác giả phê bình những luận cứ của ông, tôi xin được nói tới sau. Riêng điểm 2 về việc không được ở trong Hội Nhà văn Việt Nam, một nhà văn Việt Nam (ông Trần Mạnh Hảo?) có nói trong một cuộc phỏng vấn mới đây thôi: thẻ hội viên, nó chỉ là mảnh giấy nhỏ có hình, chữ ký của Hữu Thỉnh, để có cái mà ăn, và để cho anh công an phân biệt anh với, chẳng hạn, anh bán thịt lợn thôi mà. Sao ông Đông La coi trọng nó thế? Anh em cầm bút ở bên ngoài có ai sống được bằng nghề viết lách đâu? Bây giờ tôi xin mạn phép đi vào ý chính trong bài “
Vài cảm nghĩ về khen và chê”.
Đông La rất thích thú được tranh luận với những người có trình độ, dựa trên căn bản, hiểu đúng lập luận của mình, dùng lý đấu với lý. Nhưng tiếc rằng, ông chỉ gặp toàn những người tranh luận có khả năng tư duy giới hạn, không đủ sức tiếp cận văn bản, các nghiên cứu và lập luận của ông nên có phản bác ngô nghê buồn cười. Ông khó chịu nhưng không ngạc nhiên, vì chua xót nhận ra rằng, thực tế Việt Nam chưa bao giờ là một xứ sở của lý luận, của tư tưởng, của sáng chế và phát minh. Ông kết luận diễn đàn thường xảy ra những “đại chiến” kiểu “cơn bão trong ly nước”. Chuyện ông chỉ muốn tranh luận với những người đủ trình độ (nghĩa là người có trình độ ngang bằng hoặc hơn ông) là một điều vô lý và thiếu công bình; chúng ta tranh luận phản bác để có cơ hội tìm hiểu học hỏi nhau, chứ không phải để khoe khoang kiến thức hay chỉ để sửa chữa những sai lầm thiếu sót, tại sao ông có thể tranh luận tìm hiểu ở những người đáng làm thầy của ông, mà không cho người dưới cơ ông cái cơ hội học hỏi nơi ông và những người kiến thức rộng rãi khác? Đáng lẽ ông nên rộng lượng để chỉ ra cho những người kiến thức nông cạn như tôi đây được mở mắt. Ngay cả những người dốt nát nhất ta vẫn có thể học hỏi ở họ một điều gì đó. Tôi còn nhớ trên 15 năm trước, khi tham dự một buổi lễ tuyên dương một bà giáo già về hưu, bà đã nói rằng: “Thực ra, trong hơn 30 năm dạy học, đám trẻ đã không học được tôi nhiều bằng cái tôi học được từ chúng”, một câu nói mà từ đó đến nay tôi đã lấy làm phương châm cho cuộc sống. Việc ông cho rằng Việt Nam không là xứ sở của những lý luận, tư tưởng… có quá cường điệu không? Xin ông đưa những dẫn chứng cụ thể? Có thể các tư tưởng, lý luận lớn, các sáng kiến, phát minh vĩ đại chưa có, nhưng tầm trung và nhỏ thì thiếu gì; nhà nước Việt Nam chẳng đang bắt toàn dân học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam chẳng đang loay hoay giải thích cái định hướng xã hội chủ nghĩa đó sao? Mấy năm trước chẳng có một ông nông dân chế máy cắt cỏ thành máy gặt lúa? Năm rồi có một ông kỹ sư tại Tây Ninh đã đang chế tạo cái “máy bay lên thẳng” đầu tiên của Việt Nam sao? Còn điều này nữa: ông đang tranh luận trên talawas, một diễn đàn mở có quy mô toàn cầu mà, đâu phải chỉ ở trong nước Việt Nam, tại sao ông lại có nhận định chua xót trên?
Nói về tác giả
Cố Nhân, ông Đông La nhắc đến những nguyên lý của triết học trong những quy luật cơ bản chi phối sự phát triển của cả tự nhiên và xã hội, ông phàn nàn rằng Cố Nhân bàn về lý luận mà phủ nhận lập luận thì còn tranh luận nỗi gì. Tại sao không nhỉ? Phủ nhận một lập luận cũng là một lý luận: lý luận phản bác. Đó là sự tranh luận. Nếu lập luận của ông đưa ra đều được hoàn toàn ủng hộ thì đâu còntranh luận nữa.
Ông lại chê ông Cố Nhân không hiểu thế nào là bóc lột. Theo ông, chỉ có định nghĩa của Marx là đúng: bóc lột nghĩa là chiếm đoạt giá trị thặng dư, bần cùng hóa người lao động, rồi dùng sự chiếm đoạt ấy nô dịch người khác. Nếu thế xin hỏi, thay vì đem cái chiếm đoạt ấy đi nô dịch người khác mà đem nướng vào các cuộc đỏ đen thì có phải là bóc lột không thưa ông Đông La? Cái gì của Marx, ông cũng cho là tuyệt đối: Marx thấy sự bất công là mầm mống, là nguyên nhân của cách mạng xã hội. Ông Đông La cũng cho rằng, tuy chưa được thành xã hội như Marx «tưởng tượng», nhưng sự tiến bộ và công bằng trong xã hội của các nước tư bản ngày nay có được, không phải tự nhiên mà có, mà đã được đổi bằng máu của những cuộc kháng chiến chống xâm lược và bất công. Xin lỗi ông Đông La, đọc câu ông chê tác giả Cố Nhân là ngớ ngẩn khi phê bình ông ở chỗ này, xin nói ngay ông là kẻ ăn ốc nói mò. Ở các xã hội phương Tây hiện tại, ngoài Pháp có cuộc Cách mạng Xã hội 1789 mà máu đổ ra cũng không nhiều lắm, các quốc gia khác như Anh, Úc, Tân Tây Lan, và đặc biệt là Mỹ, không nơi đâu có cuộc nổi dậy đẫm máu của giới lao động chống lại đám tư bản, giữa chủ nhân và công nhân, giữa chủ đồn điền và nông nô, chủ da trắng và nô lệ da đen. Có bao giờ ông đã đọc tác phẩm
Cuốn theo chiều gió (Gone with the Wind) của Mỹ để biết về liên hệ chủ tớ giữa dân da trắng và dân nô lệ da đen miền Nam Hoa Kỳ? Tác phẩm lớn vẫn được coi là biểu tượng văn học của Mỹ để hiểu thế nào là xâm lược, thế nào là bị trị, thế nào là anh dũng, thế nào là hèn nhát, thế nào là cao thượng, thế nào là vị tha. Quá trình tư bản của những xã hội phương Tây này không có sự thay đổi, mà chỉ là sự liên tục cải tiến để cho nó mỗi ngày trở nên tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn.
Tranh luận với
Vũ Huy Quang về lịch sử, ông Đông La định nghĩa: lịch sử là một quá trình, một khoảng thời gian trong quá khứ. Ông viết: “
Lịch sử làm sai quy trình…
cũng chính là lịch sử làm sai lạc…”, và ông buồn cười vì ông Vũ Huy Quang hiểu không đúng ý ông. Trước hết, ông thử thay thế từ
lịch sử bằng cái định nghĩa của ông ở trên xem câu văn của ông có ý nghĩa hay không? Tôi thực tình không hiểu ý ông muốn nói gì. Công việc của người viết là làm sao để người đọc hiểu ý mình rõ ràng nhất một cách đơn giản nhất và nhanh nhất. Không làm được việc này, ta nên tự cười mình, chứ sao lại cười người đọc?
Qua phần phản bác của ông Đông La với
Nguyễn Trung Lương, xin được miễn bàn vì quá rối rắm, tối nghĩa và khó hiểu. Tuy nhiên xin được chia sẻ với ông Đông La rằng: một học thuyết mang tính chủ nghĩa (như chủ nghĩa xã hội) để chống lại một chủ nghĩa khác (như chủ nghĩa tư bản) có thể đúng hoặc sai, tùy theo lý luận. Nhưng khi chủ nghĩa ấy quay ngược 180 độ để theo đuôi cái chủ nghĩa mà nó từng chống đối bài bác, ra vẻ “đổi áo đổi màu” kiểu con cắc kè để tồn tại và thích ứng với môi trường và đời sống, là một chủ nghĩa sai trái và đã
chết. Cho đó là một sự biến đổi chung nhất trong quy luật của sự tiến triển như lập luận ông đưa ra là một nguỵ biện. Một cãi chày cãi cối. Một điểm khác, khi cho rằng không có các nhà tư tưởng, các nhà khoa học, con người không được quyền tự quyết mà phải biết phục tùng một cách khoa học những giáo điều, đây cũng lại là một lập luận lầm lẫn tai hại. Con người sinh ra trong tự do, phải được sống trong tự do, tự quyết cho cuộc sống của mình, miễn là sự tự do tự quyết ấy không xâm phạm tới quyền tự do tự quyết của người khác. Như thế, tại sao lại phải phục tùng một cách khoa học những giáo điều? Vả lại, xin ông giải thích như thế nào là phục tùng một cách khoa học? Khi viết “Các Mác, một tình yêu bao la”, ông có nhìn vào thực tế những gì mà chủ nghĩa Mác gây ra trên thế giới chưa? Cho dù trên lý thuyết, chủ nghĩa Marx có hay đẹp cách mấy, trên thực tế qua vận dụng hàng trăm năm qua, nó đã gây ra quá nhiều máu và nước mắt cho nhân loại, là chỗ dựa cho những tội ác ghê rợn mang tính diệt giai cấp, diệt chủng. Đã là nền tảng gây ra hận thù, tội ác thì chính nó là tội ác, có một chút tình yêu nào trong đó để gọi là bao la?
Với tác giả
Đinh Từ Thức, ông Đông La tính cho cuộc kháng chiến chống xâm lược của Việt Nam do Đảng CSVN lãnh đạo là một quá trình bắt đầu từ năm 1911, ngày Hồ Chí Minh “tìm đường cứu nước”. Là một người tin vào khoa học, xin ông Đông La hãy dẫn chứng các tài liệu lịch sử, các lời tuyên bố có kiểm chứng của ông Hồ để chứng minh rằng, thực sự năm 1911, ông Hồ ra đi để tìm đường cứu nước. Dường như, chính ông cũng không tin lắm vào cái huyền thoại đó, bằng chứng là ông đã để những từ này trong ngoặc kép trong lối viết của ông.
Để phản bác những lý luận có tính “trọng cứ hơn trọng cung” của Đinh Từ Thức, ông viết: cứ theo lập luận của Đinh Từ Thức thì Đảng CSVN phải từ trên trời rơi xuống. Đảng CSVN, theo chứng cớ lịch sử, được sinh ra và nuôi dưỡng từ cái nôi Liên Xô và sau này Trung Quốc bảo bọc. Với hai nguồn sữa mẹ cực kỳ to lớn cộng với sự gian manh xảo trá cố hữu của cộng sản quốc tế (cứu cánh biện minh cho phương tiện) dùng thủ đoạn lừa bịp để cướp công kháng chiến của toàn dân Việt Nam. Có thực là người dân phải có Đảng CSVN lãnh đạo mới biết phá kho thóc, trong khi Nhật đã đầu hàng Đồng Minh? Ngay cả khi ông trích dẫn phần phỏng vấn cụ Hoàng Xuân Hãn của bà Thuỵ Khuê, cũng không có bằng chứng nào cho Đảng CSVN giành quyền từ tay bọn xâm lược. Khi nói đến mặt trận Việt Minh, cụ Hoàng Xuân Hãn nói đến một tập hợp của tất cả các đảng phái chống thực dân xâm lược Pháp, mà Đảng CSVN chỉ là một phần nhỏ, có chỗ nào để cho rằng chỉ có Đảng CSVN có công giành chủ quyền cho Việt Nam? Ông Đông La cho rằng lúc đó, nhân dân Việt Nam đang chết đói nên không có sức và không còn đầu óc để chiếm và giữ quyền lực là một nguỵ biện thiếu khoa học. Nên nhớ, khi trận đói năm Ất Dậu 1945 làm chết rất nhiều người, ước tính có đến trên 1 triệu người, cũng không thể dựa vào dữ kiện này để tuyên bố rằng cả dân tộc Việt Nam đang chết đói và không còn đủ người và đủ sức để giành lại quyền từ tay bọn thực dân. Thế còn các đảng phái quốc dân khác ông bỏ đi đâu? Cũng nên biết, chính phủ đầu tiên do Hồ Chí Minh đứng đầu là một chính phủ liên hiệp nhiều thành phần. Chính sau này Đảng CSVN đã dùng thủ đoạn để tiêu diệt các đảng phái trong liên hiệp đa thành phần này, các tài liệu về việc này có đầy rẫy trong các thư viện ngoại quốc, ông Đông La cho rằng nghiên cứu của mình có tính khoa học sao không tham khảo? Hồ Chí Minh có công trong việc giành độc lập cho Việt Nam hay không? Công ấy to lớn bao nhiêu? Dữ kiện lịch sử khi được viết lại thật sự công minh sẽ chỉ ra điều ấy, không phải chỉ vì Đảng CSVN và ông Đông La cho rằng nó to lắm thì nó phải to. Hơn thế nữa, chuyện công lao của ông Hồ có liên quan gì tới việc ông mang áp đặt cái chủ thuyết Marx-Lenin đầy tai ương ấy lên dân tộc Việt Nam mà di hại của nó ngày nay vẫn còn đang rất khủng khiếp? Không lẽ vì ông có công lớn trong một thời điểm nhất định nào đó, là một anh hùng dân tộc, nên ông có quyền chỉ đạo toàn nước toàn dân theo ý riêng mình muôn đời, theo như quyết tâm hiện tại của Đảng CSVN được sao?
Việc ông Đông La cho rằng 99% nhân dân Việt Nam là công nông mà nông dân là chính, lực lượng cộng sản gồm tất cả con em của nông dân là một sự gượng ép sai lạc, một lối tính lập lờ. Ông Đông La hãy đi tìm tài liệu của Đảng CSVN để rõ vào thời điểm đó, con số chính thức đảng viên của Đảng CSVN là bao nhiêu? Hiện nay, sau hơn 3 phần tư thế kỷ thảnh lập Đảng, số đảng viên cũng chỉ khoảng 2 triệu, chưa tới 4% dân số cả nước, thế thì cái đa số của Đảng CSVN vào lúc đó ở đâu mà có? Cái sự kiện trên 1 triệu người di cư vào Nam năm 1954, đa số là nông dân, sự kiện vượt biên sau 1975 của hàng triệu người khác cũng thành phần lao động chứng tỏ rằng đa số nhân dân tin yêu và hoàn toàn nhắm mắt trao quyền cho Đảng CSVN ư?
Là người cho rằng mình lập luận một cách khoa học, ông Đông La lấy dữ kiện ở đâu để khẳng định rằng ông nói cho đa số nhân dân? Xin dẫn chứng thời điểm ông hỏi ý dân hay trưng cầu dân ý để ông mạnh miệng tuyên bố rằng: thực sự rất ít người chối bỏ quá khứ, một quá khứ lừa bịp, đầy tang tóc, máu và nước mắt của nhiều triệu người dân vô tội, chỉ với mục đích làm vinh quang một Đảng, tôn vinh một cá nhân? Như trên đã thừa nhận, ông chỉ ngồi một mình một chiếu, không tô hồng bôi đen, không thân thiết với ai, làm sao ông biết người dân không muốn thay đổi một chế độ tham ô thối nát và cùng hung cực ác, một Đảng tự cướp quyền lực, làm gì có người dân nào cho phép Đảng nắm lấy quyền lực ấy để đè đầu cưỡi cổ mình mãi mãi?
Là người luôn lập luận một cách khoa học, làm sao ông có thể biện minh cho chủ thuyết Marx, mang cái vỏ bọc làm dáng của một xã hội không tưởng (chính ông nói là “xã hội tưởng tượng” của Marx), nhưng là cái cớ cho một số người dùng làm điểm tựa để bám lấy quyền hành, đàn áp bóc lột chính đồng bào mình còn tàn tệ gấp trăm lần thời phong kiến thực dân? Thống kê nào cho ông biết số người oán ghét và muốn giải thể chế độ cộng sản, đem chủ thuyết Marx-Lenin vào thùng rác lịch sử chỉ chừng 1 đến 2%? Miền Nam Việt Nam, một nửa nước đã biết rõ bộ mặt thật của Đảng CSVN, sự sai trái, lỗi thời của chủ nghĩa xã hội từ trên 30 năm, một nửa kia cũng đã và đang có nhiều triệu người hiểu rõ đâu là sự thật. Còn ông Đông La, ông đang đứng ở đâu? Hãy đi ra khỏi cửa để nhìn, những cơ sở cửa Đảng và nhà nước thì nguy nga đồ sộ, các trường học bệnh viện thì già nua xấu xí, cán bộ đảng viên thì tham ô cá cược nhiều triệu đô la, công nhân lương tháng đáng giá 30-40 đô la, như thế là
sự bất công hay là sự khác biệt tất yếu. Nhân dân ra khiếu kiện đòi trả lại nhà đất của họ đã bị trưng thu hay mua rẻ để kiếm lời gấp trăm lần hơn là trả lại
sự công bằng hay cào bằng. Những quy luật phát triển của chủ nghĩa Marx trong duy vật biện chứng để cho Đảng CSVN nắm toàn quyền cai trị nhân dân Việt Nam như chăn những con vật, đối với ông sẽ có giá trị mãi mãi? Cái lối ông gộp chung những cán bộ, nhân sĩ đang mạnh dạn lên tiếng cho quyền làm người của nhân dân Việt Nam vào dạng những người ham quyền lực, bị thất sủng, vì quyền lợi, vì cái tôi của mình chứng tỏ ông không đàng hoàng và thiếu khoa học. Thử hỏi, họ được lợi lộc gì ngoài sự đàn áp, khủng bố, nghèo đói và tù tội cho bản thân và gia đình họ. Ông cứ việc ca tụng chế độ và chủ nghĩa nếu ông còn tin tưởng, hoặc chỉ vì miếng cơm manh áo. Đừng lôi cả dân tộc về hùa với mình để làm nhục những người quên chính bản thân và gia đình họ để tranh đấu cho những người khác. Đất nước Việt Nam đang ở tận đáy cùng của thế giới ông có thấy không? Hãy chỉ cho tôi và cả nhân dân Việt Nam, chỗ nào trên mặt địa cầu này, người ta đã áp dụng triệt để chủ nghĩa Marx mà con người được ấm no hạnh phúc, để cho tất cả chúng tôi sẽ cùng ông viết thật to chữ: “
Các Mác, một tình yêu bao la”?
Australia, 12. 02. 2006
© 2006 talawas