Trong bài “
Các Mác - Một tình yêu bao la” (talawas 24-1-2006), ngoài phần ca tụng chủ nghĩa Mác và chỉ trích những người đã chê trách Các Mác, Đông La viết:
“[C]ó một sự thực khách quan, dù phía này hay phía kia buộc ta phải công nhận: Từ khi Bác Hồ đọc
Tuyên ngôn thành lập nước Việt Nam mới, 2-9-1945, nước ta mới bắt đầu có lại chính thể, có người lãnh đạo, sau bao năm nước thì bị mất, vua thì bị đi đầy, dân thì không phải được sống trong “thế giới tự do” như bây giờ mà là dưới sự thống trị của một chủ nghĩa thực dân nguyên chất, với đầy đủ những thuộc tính như áp bức, bóc lột, tù đầy của nó. Những chủ nhân muốn đuổi kẻ cướp nước mình, khi bị bắt, thì bị xâu dây thép vào tay như người ta xiên cá, và cuối cùng là hàng mấy triệu người chết đói... Vậy
chính Bác Hồ cùng Đảng Cộng sản đã tiếp nối truyền thống của Đinh Bộ Lĩnh, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung...
giành lại đất nước từ tay bọn xâm lược chứ không phải ai hay bất cứ một thế lực nào khác. Có một số người cho rằng cuộc cách mạng giành độc lập, theo luật pháp quốc tế, chỉ là một cuộc đảo chính, bởi tại điện Elysée, đích thân Tổng thống Pháp Vincent đã chính thức trao trả quyền độc lập cho Việt Nam vào ngày 8.3.1949 với đại diện là cựu hoàng Bảo Đại. Nhưng có điều họ không biết, thực chất Pháp đã trao trả cái mà Pháp không có, bởi Pháp đã bị Nhật đảo chính ngày 9.3.1945, ngày mà ông vua còn đang bận đi săn! Liền sau đó ông cũng đã tuyên bố hủy bỏ những hiệp ước ký với Pháp và ngày
12.8.1945 còn làm lễ “thoái vị” giao quyền lãnh đạo đất nước cho Chính phủ Lâm thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Rồi sau đó khi
Mỹ không ký vào Hiệp nghị Giơ-ne-vơ (7.1954), phá hỏng tổng tuyển cử 7.1956, thành lập chính phủ Việt Nam Cộng hòa, đem quân vào, thì sau đó việc lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến thống nhất đất nước của một chính phủ hợp pháp là lẽ đương nhiên, và cuộc kháng chiến đó là chính nghĩa cũng là lẽ đương nhiên”. (Những chữ in đậm do người viết bài này nhấn mạnh.)
Những điều Đông La trình bầy trên đây có phải là “sự thật khách quan... buộc ta phải công nhận” không? Đông La đề cập tới ba điểm:
- Vai trò của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản trong việc giành lại đất nước từ tay bọn xâm lược
- Hành động của Mỹ tại Hội nghị Genève và với cuộc tổng tuyển cử dự trù vào năm 1956
- Chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước.
Trong 60 năm qua, Việt Nam là điểm nóng của cuộc Chiến tranh Lạnh, tình hình đất nước này đã liên hệ trực tiếp tới hai thế lực đối đầu. Do đó, muốn biết đâu là sự thực, cần phải tìm hiểu từ nhiều phía. Sau đây là ba nhân chứng về ba điểm trên: Hồ Chí Minh, Nikita Khrushchev, và Richard Nixon.
1. Hồ Chí Minh đã viết trong “Tuyên ngôn Độc lập” ngày 2-9-1945, nguyên văn như sau:
“Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp. Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”.
Trước khi người Pháp đô hộ, chủ quyền Việt Nam nằm trong tay triều Nguyễn. Khi Pháp đô hộ, chủ quyền sang tay người Pháp. Khi Nhật lật Pháp, chủ quyền sang tay người Nhật. Khi Nhật đầu hàng Đồng Minh vào ngày 15-8-45, chủ quyền Việt Nam trở lại tay vua Bảo Đại. Khi vua Bảo Đại thoái vị vào ngày 25-8-1945
[1] (Đông La viết ngày thoái vị là 12-8), nhà Nguyễn cáo chung, chủ quyền quốc gia đương nhiên thuộc về toàn dân. “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”, Việt Nam trong tình trạng vô chính phủ, vậy làm gì có chuyện “
giành lại đất nước từ tay bọn xâm lược”? Nếu có chuyện giành giật ở đây, là Đảng Cộng sản đã lợi dụng thời cơ, giành lấy quyền định đoạt vận mệnh quốc gia từ tay người dân, rồi giữ luôn từ đó. Đến nay vẫn chưa chịu trả lại.
2. Ai chủ trương chia đôi Việt Nam? Khrushchev, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên sô kể trong hồi ký:
“Tôi gặp Hồ Chí Minh nhiều lần. Tôi nhớ chúng tôi làm việc chung với nhau thời Hội nghị Genève (1954). Vào lúc đó, chúng tôi vẫn còn liên hệ rất tốt với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trước Hội nghị Genève, có cuộc gặp gỡ chuẩn bị tại Mạc Tư Khoa. Đại diện Trung Quốc là Chu Ân Lai, và đại diện Việt Nam là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Chúng tôi thảo luận về lập trường của chúng tôi tại Genève, dựa trên tình hình Việt Nam. Tình hình rất trầm trọng. Phong trào kháng chiến Việt Nam trên bờ sụp đổ. Dân quân mong đợi Hội nghị Genève đạt được một thỏa thuận ngừng bắn để giúp họ có thể tồn tại hầu đạt chiến thắng trong cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam chống lại quân Pháp xâm lược. Hà Nội nằm trong tay người Pháp. Nếu nhìn trên bản đồ, phần mà chúng tôi đòi hỏi, người ta sẽ thấy tại Bắc Việt Nam có những vùng đánh dấu nơi quân Pháp đã chiếm giữ.
Sau một trong những cuộc thảo luận tại Phòng Catherine ở Điện Cẩm Linh, Chu Ân Lai kéo tôi vào một góc. Ông nói: ‘Đồng chí Hồ Chí Minh nói với tôi là tình hình ở Việt Nam hết hy vọng, và rằng nếu chúng ta không đạt được đình chiến sớm, Việt Nam sẽ không thể đứng vững để chống lại Pháp. Do đó, họ đã quyết định nếu cần sẽ rút lui sang phía biên giới Trung Quốc, và họ muốn Trung Quốc sẵn sàng kéo quân sang Việt Nam, như chúng tôi đã làm tại Bắc Hàn. Nói cách khác, phía Việt Nam muốn chúng tôi giúp họ đánh người Pháp. Chúng tôi không thể đáp ứng yêu cầu của đồng chí Hồ Chí Minh. Chúng tôi đã mất quá nhiều người ở Đại Hàn – cuộc chiến đó khiến chúng tôi tốn phí rất nhiều. Chúng tôi không có lý nào can dự vào một cuộc chiến khác trong lúc này’.
Tôi đã yêu cầu đồng chí Chu Ân Lai: ‘Một cuộc chiến đấu quan trọng đang diễn ra, và dân Việt đang chiến đấu hăng hái. Pháp đang thiệt hại nặng nề. Không có lý nào ông lại nói với Hồ Chí Minh là ông sẽ từ chối giúp đỡ ông ta nếu quân của ông ta bị Pháp đánh bật tới biên giới nước ông. Tại sao ông không cứ nói dối? Cứ để cho phía Việt Nam tin là ông sẽ giúp họ nếu cần, và đây sẽ là nguồn cảm hứng cho dân quân Việt Nam chống lại Pháp’. Chu Ân Lai đồng ý không nói với đồng chí Hồ Chí Minh là Trung Quốc sẽ không tham chiến chống Pháp trên lãnh thổ Việt Nam.
Rồi phép lạ xẩy ra. Khi phái đoàn tới Genève họp, thì dân quân Việt Nam đạt được chiến thắng to lớn và chiếm được Điện Biên Phủ [2] . Tại phiên họp đầu tiên, Thủ tướng Pháp Mendes-France đề nghị quân Pháp rút xuống phía nam vĩ tuyến 17. Tôi phải thú thật là khi nhận được tin này từ Genève, tôi thở phào nhẹ nhõm với ngạc nhiên và thích thú. Chúng tôi đã không trông đợi điều này. Vĩ tuyến 17 là điểm tối đa mà chúng tôi có thể đòi hỏi. Chúng tôi chỉ thị cho các đại diện tại Genève đòi làn ranh đình chiến phải dịch xuống phía Nam thêm nữa, tới tận vĩ tuyến 15, nhưng điều này chỉ nhằm mục đích làm ra vẻ khó khăn trong khi mặc cả. Sau khi cò kè một thời gian ngắn, chúng tôi chấp nhận đề nghị của Mendes-France, và Hiệp định được ký kết. Chúng tôi đã thành công trong việc gom về một mối những thành quả cho cộng sản Việt Nam.” (Dịch từ
Khruschchev Remembers, nxb Little, Brown and Company, 1970, tr. 481, 482, 483).
Và sau đây là Richard Nixon, Phó Tổng thống Hoa Kỳ 1953-1961, và Tổng thống Hoa Kỳ 1969-1974, nói về Hiệp định Genève và tổng tuyển cử dự trù vào năm 1956:
“Trong thời gian chiến tranh, nhiều người phê bình nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc cứu Nam Việt Nam đã tranh luận về điều này. Họ nói rằng Tuyên cáo Genève (Geneva Declaration) năm 1954 có giá trị pháp lý buộc chính quyền Diệm và Hoa Kỳ phải thống nhất hai nửa Việt Nam qua bầu cử và rằng không thể tránh được việc Hồ sẽ là kẻ chiến thắng. Họ đã lầm cả hai điểm.
Văn bản của Tuyên cáo Genève về bầu cử không có giá trị pháp lí buộc Hoa Kỳ hay Nam Việt Nam phải thi hành. Chín nước gặp nhau tại hội nghị đã sản xuất ra sáu tuyên bố đơn phương, ba thỏa thuận ngừng bắn song phương, và một tuyên bố không có chữ ký. Chỉ riêng các thỏa hiệp ngừng bắn có hiệu lực thi hành đối với các bên ký tên; dự trù liên hệ tới thống nhất bằng bầu cử xuất hiện trong tuyên bố riêng sau cùng. Chỉ bốn trong chín nước có mặt can dự vào nội dung tuyên bố. Hoa Kỳ đã không tham dự. Nam Việt Nam, không hiện diện ngay cả ở Genève, giữ lại quyền tự do hành động của mình bằng cách chính thức lên tiếng phủ nhận bản tuyên bố. Bắc Việt cũng không liên hệ tới bản tuyên bố. Rất giản dị, vì nó không có giá trị pháp lý.
Cũng chẳng có ai tham dự mong đợi bầu cử sẽ diễn ra. Hội nghị Genève đã không chủ ý thiết lập hòa bình lâu dài qua thùng phiếu mà chỉ tạo một sự phân chia giống như ở Triều Tiên. Sự phân chia đã được chính thức nhìn nhận như một thuận tiện tạm thời, nhưng mọi phía tham dự đều coi đó là chuyện lâu dài. Dù lời lẽ thế nào về bầu cử, hành động của họ đã cho thấy rõ ý định: Họ đã thành lập hai chính quyền, cho phép hai khu vực quân sự riêng, và xếp đặt việc di chuyển của di dân giữa các vùng. Thật là vô lý nếu phải làm tất cả những việc rắc rối này trong năm 1954 để rồi sẽ phải làm lại tất cả sau bầu cử năm 1956.
Trong mọi trường hợp, toàn thể ý tưởng về vụ này đều không thực tế. Thống nhất đáng lẽ phải được quyết định qua bầu cử tự do. Vì không có bầu cử tự do tại Bắc Việt, Nam Việt có lý do để phản đối. Không thể tránh được bế tắc. Bắc Việt hiểu chuyện này. Sau Hội nghị, đại diện của họ là Phạm Văn Đồng đã tuyên bố với một ký giả: ‘Ông thừa biết cũng như tôi, là sẽ không có bầu cử’.
Khi đến thời gian thảo luận về bầu cử năm 1956, Diệm từ chối tham dự, và Hoa Kỳ ủng hộ ông ta. Chúng ta không sợ tổ chức bầu cử ở Việt Nam, nếu bầu cử diễn ra dưới những điều kiện thật sự tự do theo như Tuyên cáo Genève kêu gọi. Nhưng chúng ta biết rằng những điều kiện đó chỉ có ở Nam Việt Nam, và đây là cảm nghĩ (sentiment) của cả hai đảng. Nghị sĩ Kennedy [3] nói rằng cả Hoa Kỳ lẫn Nam Việt Nam không nên là thành phần của một cuộc bầu cử ‘rõ ràng gian lận từ trước’. Sau hai năm nghiền nát mọi dấu tích tự do tại Bắc Việt, các nhà lãnh đạo Hà Nội sẽ không bao giờ cho phép quốc tế giám sát một cuộc bầu cử tự do để định đoạt số phận của họ. Theo sự thăm dò sau này, ngay cả Liên sô cũng đồng ý rằng trưng cầu dân ý là điều không làm được.
Với một thái độ thiếu thành thực đến thậm chí cả Hồ cũng phải sợ, Bắc Việt thúc ép việc bầu cử trong một thời gian ngắn. Nhưng việc bầu cử tiến hành trong vùng Việt Minh vào năm 1946 đã cho thấy rõ dự định của họ vào năm 1956. Hồ không bao giờ cho phép một cuộc bầu cử diễn ra mà không nắm chắc được kết quả. Ðể bảo đảm có sự tham gia của các thế lực chính trị khác, ông ta công khai cam đoan với lãnh đạo một đảng là họ sẽ chiếm được hai mươi ghế trong Quốc hội, và với các lãnh đạo một đảng khác là họ sẽ chiếm được 50 ghế. Kết quả kiểm phiếu [hồi đó] khiến những cuộc bầu cử dưới thời Diệm giống như mẫu mực của một chính quyền tốt. Hồ được 169.222 phiếu bầu ở Hà Nội, một thành phố với dân số chỉ có 119.000 người. Ðiều này có nghĩa là Hồ đạt được 140% số phiếu, nếu tất cả mọi người dân, bất kể tuổi tác, đều đi bầu. [4]
Việc Hồ không ưa lối bầu cử tự do ngoài tầm kiểm soát vẫn không giảm vào năm 1956. Phạm Văn Đồng đã nói với một ký giả về việc Hồ mong đợi cuộc bầu cử sẽ như thế nào. Sẽ có đa đảng tranh cử tại Nam Việt Nam, nhưng lá phiếu ở Bắc Việt Nam, nơi mà nhân dân đã ‘đoàn kết’, sẽ chỉ có (ứng viên của) Đảng Cộng sản. Điều này sẽ khiến Hà Nội ăn chắc cuộc bầu cử, vì Bắc Việt Nam chiếm 55% tổng số dân trên toàn quốc. Một cuộc bầu cử bảo đảm thắng lợi là điều duy nhất Hồ có thể chấp nhận.” (Dịch từ
No More Vietnams của Richard Nixon, nxb Avon Books, 1985, tr. 40, 41, 42).
3. Về cuộc chiến tranh chống Mỹ, Khrushchev tỏ ý bất bình khi không thấy Hồ Chí Minh đề cập tới công lao to lớn của Liên sô trong “Chúc thư”:
“Trong Chúc thư của Hồ Chí Minh không thấy nói gì tới những giúp đỡ vĩ đại, bất vụ lợi mà Liên sô đã dành cho Việt Nam. Sự giúp đỡ của chúng tôi có tính cách quyết định, bởi vì nếu không có những viện trợ vật liệu của Liên sô, Việt Nam không thể nào sống nổi dưới những điều kiện của khí cụ tối tân và kháng cự lại một cường quốc xâm lược giầu có như Hoa Kỳ. Để có thể nhận đầy đủ võ khí và trang bị, Việt Nam không có lựa chọn nào khác hơn là dựa vào Liên sô. Để có thể đạt chiến thắng, họ phải có võ khí thích ứng, và những võ khí này họ chỉ có thể nhận được từ Liên sô. Trung Quốc không thể cho Việt Nam những gì họ cần hôm nay. Báo chí thế giới, kể cả kẻ thù của cộng sản, cũng phải thừa nhận rằng Việt Nam không thể theo đuổi chính sách quân sự chống lại Hoa Kỳ xâm lược nếu không có viện trợ kinh tế và vật liệu do Liên sô cung cấp. Ví dụ, khi nghe loan báo quân giải phóng Bắc Việt đã phóng một hỏa tiễn vào một căn cứ Mỹ. Đương nhiên những hỏa tiễn này không được sản xuất trong rừng ở Việt Nam. Chúng được mang tới từ các nhà máy ở Liên sô.” (
Khruschchev Remembers, tr. 486)
Khrushchev đã kết luận chương về “Hồ Chí Minh và Chiến tranh Việt Nam” như sau:
“
Cần động viên toàn lực để đưa cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam đến thắng lợi cuối cùng. Cuộc chiến này không chỉ vì tương lai của người dân Việt Nam. Nhân dân Việt Nam đang đổ máu và xả thân cho phong trào Cộng sản thế giới.” (
Khruschchev Remembers, tr. 487)
[5]
Cách đây 60 năm, Hồ Chí Minh đã mời quân Pháp trở lại Bắc Việt, dùng thế lực Pháp để đuổi Tầu Quốc và tiêu diệt Việt Quốc. Rồi sau đó lại xin Tầu Cộng giúp đánh Pháp dưới chiêu bài kháng chiến giành độc lập.
Năm 1954, chính Hồ và Đảng Cộng sản vận động chia đôi đất nước để có cơ hội chấn chỉnh hàng ngũ, rồi làm công cụ cho cộng sản quốc tế thôn tính miền Nam, dưới chiêu bài chống Mỹ để thống nhất đất nước.
Dầu sao, những nhận xét trên đây, hay những tuyên ngôn, phát biểu của Hồ Chí Minh, Nikita Khrushchev hay Richard Nixon không nên coi là những sự thật khách quan “bắt buộc” phải tin. Chỉ nên coi đó như những tài liệu tham khảo khi tìm hiểu lịch sử.
© 2006 talawas
[1]Bảo Đại viết trong hồi ký
Le Dragon d’Annam là ông thoái vị vào ngày 25-8-1945. Nhưng William J. Duiker viết trong
Ho Chi Minh A Life là phái đoàn Trần Huy Liệu tới Huế ngày 29-8, và hôm sau mới có lễ thoái vị.
[2]Nữ ký giả người Ý Oriana Fallaci đã kể lại trong cuốn
Interview with History một câu tuyên bố của Tướng Võ Nguyên Giáp khi nói về chiến thắng Điện Biên Phủ với thiệt hại của phía Việt Nam là bốn mươi lăm ngàn người chết: “Cứ hai phút có ba trăm ngàn người chết trên hành tinh này. Bốn mươi lăm ngàn người cho một trận đánh là cái gì? Trong chiến tranh chết không tính làm gì.” (“Every two minutes three hundred thousand people die on this planet. What are fortyfive thousand for a battle? In war death doesn’t count”. tr. 76).
[3]Nghị sĩ John F. Kennedy, thuộc Đảng
Dân chủ, đắc cử Tổng thống vào tháng 11-1960.
[4]Ngày 19-11-1945, chính quyền loan
báo sẽ tổng tuyển cử vào ngày 23-12-1945. Phe quốc gia chống đối vì quá gấp rút,
không chuẩn bị kịp. Hồ Chí Minh thỏa hiệp bằng cách lùi lại ngày bầu cử vào 6-1-1946,
và bảo đảm cho Đồng minh Hội 20 ghế, Việt Nam Quốc dân Đảng 50 ghế. William Duiker
đã theo thống kê của nhà nước ghi lại là Hồ Chí Minh đắc cử với tỉ lệ 98.4%.
Nguyên văn đoạn này của Nixon: “North Vietnam, with a cynicism appalling even
for Ho, briefly pressed the issue. But balloting conducted in Viet Minh territory
in 1946 revealed just what they had in mind for 1956. Ho never permitted any
suspense about the outcome. In order to secure the participation of the other
political parties, he openly guaranteed the leaders of one party that they would
win twenty parliamentary seats and those of another that they would take fifty.
The returns themselves made Diem’s elections look like a model of good government.
Ho received 169,222 votes in Hanoi, a city with a population of only 119,000.
That amounted to 140 percent of the vote, if every person regardless of age cast
a ballot”.
[5]“Everything must be mobilized in order to bring the struggle of the Vietnamese people to a successful conclusion. There is more at stake in this war than just the future of the Vietnamese people. The Vietnamese are shedding their blood and laying down their lives for the sake of the world Communist movement.”