trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
6.9.2008
Bùi Văn Phú
Từ Mexico City nghĩ về Việt Nam
 
Phần tư thế kỉ trước, tôi có một người quen đi chơi Mexico và gửi cho tấm bưu thiếp với hình kim tự tháp. Tôi ngạc nhiên được biết về kim tự tháp ở Mexico vì trước giờ cứ ngỡ những danh lam thắng cảnh như thế chỉ có ở xứ đất cát sa mạc Ai Cập. Lúc đó tôi đang sống ở châu Phi và thế giới còn là thời đại của “walkman” nên việc tìm kiếm thông tin không dễ dàng, dù tôi có tò mò muốn tìm hiểu nhiều hơn về những kim tự tháp của Mexico.

Ngày nay, nhắc đến những nơi đi chơi ở Mexico, dân Mỹ thường liên tưởng đến Cancún, Acapulco, Los Cabos là những thành phố biển đã được chính phủ nước này biến thành trung tâm du lịch, giải trí hấp dẫn cả chục triệu du khách mỗi năm. Nhiều bạn kể lại, ở những tụ điểm đó ngoài bãi biển cát trắng, nước trong xanh còn là những quán bia rượu mở qua đêm đến sáng. Nhưng vì đi cả gia đình, với con ở tuổi vị thành niên, không thích hợp với quầy rượu, nên chúng tôi đã chọn thủ đô Mexico City để vừa nghỉ hè, vừa học hỏi thêm về một quốc gia láng giềng, về nguồn gốc văn hoá của nhiều triệu người đang sống ở Mỹ, trong đó có học sinh, sinh viên, có đồng nghiệp, hàng xóm của chúng tôi.

Những lần trước đi chơi Mexico tôi chỉ lái xe vượt biên giới đường bộ từ California qua Tijuana, hay xa xuống phía nam một chút đến Rosarita và làng đánh cá Ensenada.

*


Sau 4 giờ bay thẳng từ San Francisco, máy bay vào không phận thủ đô. Mexico City là thành phố nằm trên đỉnh núi. Từ phi cơ nhìn xuống, bức tranh toàn cảnh mang mầu rực rỡ của nhà cửa, khác với mầu xanh cỏ lá, mầu đồng ruộng, hay mầu vàng của đất cát ở nhiều nơi khác trên thế giới mà tôi đã dịp quan sát từ trên cao độ nghìn mét. Mexico City là thành phố mầu mè nhất, nổi bật những gam mầu cam, đỏ, vàng, nâu, xanh của nước vôi, mầu sơn.

Khi bánh máy bay đụng đất, từ cửa sổ phi cơ tôi thấy quanh sân bay còn nhiều căn nhà mái tôn xấu xí, thấp lè tè, tường xi măng trơ trọi, mang dáng vẻ nghèo nàn, giống như quanh phi trường Tân Sơn Nhất của vài năm trước, hay ở một số nước mạn tây châu Phi tôi đã đi qua trong thập niên 1980.

Máy bay ngừng hẳn. Cửa khoang hành lí dưới bụng phi cơ mở trước. Một người mặc áo vàng, dùng tay khám toàn thân hai công nhân mặc áo cam trước khi họ leo thang cuốn vào thân máy bay đưa hành lí ra. Không biết đó là thủ tục an ninh để phòng ngừa việc gì: bạch phiến, súng đạn hay trộm cắp là những điều không tốt về Mexico mà tôi đã đọc được, đã nghe nói đến?

Phi trường Benito Juárez không sang hay đẹp bằng nhiều sân bay ở châu Á khiến tôi tự hỏi thành phố này có gì tiến bộ hơn sau khi đã tổ chức Olympic 1968. Những bạn của tôi biết nhiều về Mexico có nói đất nước này đi xuống trong vài thập niên qua vì nhiều vấn đề, nhất là nạn tham nhũng.

Lấy hành lí xong chúng tôi qua trạm hải quan. Ở đây có cách kiểm tra hành lí theo mẫu chọn ngẫu nhiên. Mỗi hành khách, hay người chủ gia đình, phải đưa tay bấm vào một nút. Đèn lên mầu xanh thì đi thẳng ra luôn. Nếu đèn đỏ, hành khách sẽ bị kiểm tra hành lí. Khi tôi bấm nút, đèn lên đỏ nên phải qua một bên để mở va-li kiểm tra. Vài phút sau thì ra cửa sân bay.

Ra khỏi phòng đón khách, tôi tìm chỗ bán vé tắc-xi theo như sách hướng dẫn du lịch đã chỉ. Giá vé cho một chuyến xe vào trung tâm thành phố, khu Zona Rosa nơi tôi đã đặt khách sạn, là 240 pesos (1 mỹ kim = 10.87 pesos). Cách bán vé như thế là để ngăn chặn việc chạy tắc-xi không giấy phép, hay kẻ gian giả làm tài xế đón khách rồi ăn cướp mà trong sách hướng dẫn đã nói tới.

Trước khi chọn đi chơi Mexico City, nhà tôi lo ngại vấn đề an ninh, đời sống ở đó không biết có hơn Việt Nam không? Trong một chuyến đi gần đây xuống Ensenada sát bên nước Mỹ, nơi có nếp sống giống như một làng chài lưới ở Phan Thiết. Điều này khiến nhà tôi lo lắng về việc vệ sinh, nước uống. Tôi tìm hiểu trên mạng, đọc sách, rồi cho nhà tôi biết mức sống của dân Mexico, ít ra là ở thủ đô cũng khá hơn Việt Nam. Chỉ có vấn đề an ninh mà sách hướng dẫn du lịch đã cảnh báo du khách, nhất là thông tin về việc du khách Mỹ bị kẻ gian đánh cắp hộ chiếu, sửa lại để tìm đường vào Mỹ. Tôi đã đi qua nhiều nước, nghèo có, phát triển có, nên yên tâm hơn bà xã. Đi du lịch ở đâu cũng thế, việc cẩn thận cất giữ hộ chiếu và tiền là điều quan trọng. Tôi đã thấy cảnh móc túi ở Ý, Bénin, ở Thái Lan và ngay cả ở Mỹ. Không kĩ thì dễ làm mồi cho kẻ gian.

Một quan ngại nữa là không khí ô nhiễm, nghe nói tệ hơn vùng Los Angeles. Nhưng từ nhiều năm qua chính quyền ở đây đã có những biện pháp làm giảm mức ô nhiễm, như giới hạn ô-tô vào thành phố một số ngày trong tuần. Nhân tìm hiểu về giao thông tại thủ đô, tôi biết chuyện cảnh sát chặn xe vòi tiền là thường tình ở Mexico.

Palacio de Bellas Artes là trung tâm văn hoá và nghệ thuật ở thủ đô của Mexico

Tắc-xi đưa chúng tôi vào thành phố lúc khoảng 6 giờ chiều. Trời như muốn đổ mưa nên lãng đãng có những đám mây xám, không phải mầu không khí ô nhiễm và bầu trời vẫn có những khoảng trong xanh. Xe chạy nhanh trên xa lộ. Tài xế đổi đường thường xuyên cho tôi cảm giác không an toàn, nhưng tôi tự bảo lòng vì mình đã quen với sinh hoạt giao thông trật tự ở Mỹ nên lo sợ thôi, chứ tài xế điạ phương ở đâu thì quen với lối chạy xe ở đó.

Nhìn hai bên có nhiều nhà xây hai ba tầng, kiến trúc đa số hình hộp, nhưng hỗn tạp mầu sắc, có nhà còn để nguyên mầu gạch xi măng. Mức độ giầu có của chủ nhà có lẽ phản ánh qua nước sơn bên ngoài, có căn sơn mọi phiá, có nhà chỉ sơn mặt tiền. Trên đồi cao rõ ràng là những căn nhà nghèo nàn, chứ không phải như bên Mỹ dân giầu mới lên núi ở.

Vào đến thành phố có nhiều nhà cao tầng bằng kiếng, nhiều loại kiến trúc với hình thể lạ. Đường phố toàn ô-tô con, không thấy bóng dáng xe máy như vợ chồng chúng tôi đã tưởng nơi đây vẫn còn nhiều xe hai bánh.

*


Khách sạn nơi chúng tôi ở là NH Mexico City, nằm trên đường Liverpool trong khu Zona Rosa, gần đại lộ nổi tiếng Paseo de la Reforma ngợp cây xanh và bóng mát. Chúng tôi đến khách sạn lúc gần 7 giờ tối. Nhiều người ăn mặc sang trọng như đi dạ hội đang xếp hàng ở hành lang phía trong. Lúc sau tôi biết họ đi xem Vagina Monologue diễn tại nhà kịch trong khách sạn.

Hàng rong, đặc sản của người Mễ
Khu Zona Rosa nổi tiếng có nhiều khách sạn và sinh hoạt về đêm, cuối tuần thật nhộn nhịp. Đi tìm chỗ ăn tối thấy nhiều con đường mang tên những thành phố lớn của thế giới: Roma, Berlin, Oxford, Londres, Varsovia, Florencia. Không biết cách đặt tên phố như thế có phải để thu hút du khách từ nhiều quốc gia. Tối thứ Bảy người dân ra đường như đi trẩy hội, hàng quán tấp nập khách. Có nhiều tiệm ăn nhanh thương hiệu Mỹ như McDonald, Kentucky Fried Chicken, Burger King, Pizza Hut, Domino Pizza, kem Baskin Robin.

Chúng tôi chọn ăn đồ Mễ trong một quán trông bình dân. Bữa ăn có súp, enchiladas với tôm, có bia Corona và nước ngọt, tất cả 155 pesos.

Về lại khách sạn. Như ở những nơi đã đi qua, tôi mở niên giám điện thoại xem có người Việt sinh sống ở đây không. Hai quyển danh bạ điện thoại dầy cộm, mỗi quyển 10 phân, chữ nhỏ li ti. Tìm họ Nguyễn phổ thông nhất nhưng không có ai. Họ Bùi, Lê, Trần và nhiều họ khác cũng không. Có một người họ Phạm, Pham Phoi và một họ Vũ, Vu Quyet Tien trong thành phố 20 triệu dân này.

Đảo qua một vòng các kênh truyền hình, có FOX, CNN tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, ESPN, có đài chiếu phim hoạt hình Arthur, Simpson mà bọn trẻ con thích, nhưng nói tiếng Tây Ban Nha. Cũng có các chương trình tiếng Mễ Noticiero, Univision như ở vùng Vịnh San Francisco.

*


Hôm sau chúng tôi đi chơi khu di tích lịch sử. Buổi sáng xem nhạc kịch ở Palacio de Bellas Artes, một vở kịch truyền thống với những trang phục, vũ điệu cổ truyền và nhạc mariachi với kèn đồng và ghi-ta đủ cỡ. Nơi đây cũng đang có triển lãm tranh Frida Kahlo, một danh hoạ Mễ. Vì là ngày Chủ nhật, vào xem không phải mua vé nên hàng người xếp hàng dài vòng quanh.

Một con đường dẫn đến Quảng trường Hiến pháp trong ngày cuối tuần
Không muốn chờ đợi lâu, chúng tôi thả bộ về hướng Zócalo, còn gọi là Quảng trường Hiến pháp, theo dòng người rong chơi trên nhiều con phố đã cấm xe lưu thông, đổ dài cả cây số từ công viên Alameda. Quanh đây có hai con đường mang tên của những ngày tháng quen thuộc: 16 de Septiembre và 5 de Mayo là hai ngày lễ quan trọng trong lịch sử Mexico. 16 tháng Chín năm 1810 Mexico tuyên bố độc lập từ Tây Ban Nha. 5 tháng Năm năm 1862 ghi dấu lịch sử trận chiến Puebla nơi người Mễ đã đánh bại người Pháp. Ở California, ngày 5.5 mỗi năm đều có nhiều sinh hoạt lễ hội tưng bừng ngoài đường phố ở những thành phố có đông dân gốc Mễ như San Jose, San Francisco, Oakland. Quảng trường Hiến pháp được bao quanh bởi thờ chính toà với kiến trúc cổ châu Âu. Có dinh tổng thống với những tranh lịch sử vẽ trên tường của Diego Rivera nổi tiếng là nét đặc thù của hội hoạ Mexico. Quanh đây còn có những cơ quan công quyền, bảo tàng viện. Giữa quảng trường là một lá đại kỳ Mexico lớn nhất nước phất phới bay giữa trời lộng gió. Đây cũng là nơi người dân Mễ đổ về trong các dịp lễ lạt hay khi có sinh hoạt hoặc biến động chính trị. Hôm nay, đang trong tuần lễ kỉ niệm 35 năm quan hệ Mexico – Trung Quốc nên có đoàn xiệc người Hoa đến biểu diễn, đông người đứng xem. Góc khác có sân khấu nhạc, rải rác nhiều chỗ bán đồ kỉ niệm.

Nhắc đến quảng trường ở nhiều thủ đô trên thế giới thì đó là nơi người dân tập trung vui chơi trong những ngày cuối tuần, những dịp lễ lạt và để ghi dấu những biến cố lịch sử của một dân tộc. Thủ đô Hà Nội có Quảng trường Ba Đình, nơi bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam được tuyên đọc ngày 2.9.1945, giữa một rừng người. Nhưng mấy lần tôi đến và nhận ra nơi đây không phải là một tụ điểm đông người như nhiều quảng trường trên thế giới. Ba Đình thường vắng vẻ, cả vào những ngày nghỉ hay Chủ nhật, chỉ lèo tèo vài đứa trẻ con đạp xe đạp lòng vòng trên đường xi măng trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Còn tại thủ đô của nước Cộng hoà Nhân dân Bénin, ở châu Phi, có Quảng trường Sao Đỏ cũng vắng tanh, nơi tôi cùng một bạn đến chơi, đứng chụp vài tấm hình kỉ niệm thì bị cảnh sát bắt đưa về đồn công an làm biên bản qui tội chúng tôi chụp hình không đúng chỗ.

*


Gần Zócalo có kim tự tháp Templo Mayor đổ vỡ và bảo tàng viện văn minh Aztec với nhiều di vật bằng đất, cát hay đá có tuổi nhiều trăm năm, với đường nét mỹ thuật là chứng tích một nền văn minh cao. Không như kim tự tháp Ai Cập là mộ chôn các vua chuá, kim tự tháp ở Mexico một thời là những trung tâm quyền lực, nơi cử hành nhiều nghi lễ đất trời tuần hoàn của các triều đại thuộc những nền văn minh khác nhau.

Kim tự tháp ở Mexico mới chỉ được nhắc đến trong vài thập niên qua. Nhiều kim tự tháp gần đây đã được UNESCO chọn là di sản văn hoá thế giới. Nơi bán đảo Yucatán trong vùng Vịnh Mexico có kim tự tháp Chichén Itzá hai năm trước đã được bầu chọn là một trong bẩy kì quan đẹp nhất của thế giới do con người xây dựng nên.

Cách thủ đô Mexico City chừng 50 cây số về hướng đông bắc có một đế đô là khu kim tự tháp Teotihuacán hiện vẫn còn đang được những nhà khảo cổ khai quật, nghiên cứu và tìm hiểu.

Kim tự tháp Mặt Trời ở ngoại ô Mexico City
Chúng tôi đi tham quan vào sáng sớm. Phải đi bộ khá xa mới đến chân kim tự tháp Mặt Trời với đáy vuông dài 225 mét, cao 65 mét. Mặt Trăng là một kim tự tháp nhỏ hơn, nằm cách Mặt Trời hơn cây số dọc theo Đại lộ Tử thần. Leo lên Mặt Trời giữa nắng hè, dù nắng sáng, là một buổi tập thể dục đòi hỏi sức khoẻ và cố gắng để có thể nhìn cảnh tổng quan của một vùng văn minh có từ hơn hai nghìn năm trước mà giờ đây chỉ còn lại ít dấu tích là hai kim tự tháp và những đền đài, tường thành. Đến nay các nhà nhân chủng học vẫn chưa tìm ra giống dân từng sống ở đây hiện giờ trôi dạt đi đâu hay đã bị tuyệt chủng vì nguyên do nào đó.

Quần thể khu Teotihuacán đã được khai quật rộng chừng ba cây số vuông với Mặt Trời, Mặt Trăng và đền thờ được xây dựng bằng xi măng, đá, sỏi từ hai thế kỉ trước công nguyên chứng tỏ một nền văn minh có thể so sánh với đế đô La Mã. Tài liệu cổ ghi rằng cả khu đế đô này thực sự còn rộng gấp nhiều lần hơn.

Những năm gần đây các nhà nghiên cứu mới khám phá ra trong kim tự tháp Mặt Trăng ngoài dấu ấn nghệ thuật như hình chim, bướm vẽ trên tường đất, đá còn có cả xương người là vật hi sinh trong những buổi tế lễ theo sinh hoạt văn hoá truyền thống của nghìn năm trước.

*


Một buổi khác tôi trở lại Palacio de Bellas Artes xem tranh Frida Kahlo. Nhưng rất thất vọng. Có lẽ người nữ hoạ sĩ này nổi tiếng không phải vì những sáng tác, mà vì cuộc đời bà với nhiều điều không may và có những cuộc tình sôi nổi liên quan đến những nhân vật nổi tiếng. Sinh ra đời bị tê liệt, rồi lại bị tai nạn xe. Những người đã yêu bà, hay được bà yêu, từng sống chung với bà có hoạ sĩ lừng danh Diego Rivera, có lãnh tụ cộng sản Nga là Leon Trotsky đã chạy trốn Stalin qua Mexico vào năm 1937 để rồi cuối cùng bị ám sát chết. Mexico City ngày nay còn có nhà lưu niệm Trotsky với dấu vết đạn của những vụ ám sát hụt. Có lẽ cuộc tình tay ba Rivera, Kahlo và Trotsky đã đưa tên tuổi của Frida Kahlo lên, hơn là do tài năng vì di sản hội hoạ của bà đã không đem lại cho tôi những phút thoải mái, thưởng lãm nghệ thuật.

Những ngày ở Mexico City, chúng tôi dùng tầu điện đi tham quan nhiều nơi, rất tiện và giá chỉ 2 pesos cho mỗi chuyến đi, bất kể bao xa trong thành phố. Ga tàu luôn đông nên những toa phiá trước được dành riêng cho phụ nữ và trẻ em.

Đền thờ Đức Bà Guadalupé là trung tâm hành hương của người công giáo. Nơi đây vào năm 1531 có Đức Mẹ với nước da ngăm đen hiện ra với Juan Diego, một cư dân da đỏ được coi như cha sinh của đất nước Mexico. Ngày nay khu vực đền thờ là di sản tôn giáo của dân tộc Mễ. Với 90% dân số theo đạo công giáo, thánh điạ này lúc nào cũng tấp nập khách hành hương đến cầu nguyện, khấn xin.

Tranh vẽ ghi lại lịch sử đấu tranh giành độc lập, sáng tác của Juan O’Gorman, Bảo tàng viện Lịch sử Quốc gia Mexico

Di sản lập quốc của Mexico được chứa đựng trong Bảo tàng Lịch sử nằm trong lâu đài Castillo de Chapultepec trên đồi cao, ngó xuống Công trường Độc lập và Đại lộ Reforma dài, rộng thênh thang.

Có một nét lạ của dân thủ đô Mexico City làm tôi ngạc nhiên là rất ít người sử dụng điện thoại cầm tay. Suốt thời gian một tuần, tôi chỉ thấy chừng vài chục người dùng điện thoại ngoài đường phố. Những vùng cư dân giầu có, những trung tâm thương mại, hàng quán sang trọng như khu Polanco hay quanh công viên Alameda cũng không thấy mấy người có điện thoại cầm tay. Tôi không lí giải được tại sao vào thời đại này người dân thủ đô Mexico cũng chưa có nhiều người dùng điện thoại cầm tay như trào lưu của thế giới.

Còn Internet, tuy tôi có thể sử dụng ở khách sạn, nhưng một vài lần có ghé café internet để lên mạng xem sao. Giá tương đối rẻ, 10 pesos một giờ và tốc độ nhanh. Những khi đó quê nhà Hoa Kỳ, cố hương Việt Nam và bạn văn như hiện lên qua những dòng chữ, hình ảnh trên màn hình.

Một quan sát khác về an ninh ở thủ đô Mexico là hầu hết mọi cửa hàng đều có bảo vệ đeo súng ngắn đứng gác bên trong.

*


Ở Mỹ tôi đã ăn các món Mễ như tacos, burritos từ những cửa hàng ăn nhanh cũng như từ những xe bán đồ ăn. Thức ăn xe hàng rong của những cư dân gốc Mễ thường ngon hơn tại cửa hàng.

Mấy ngày ở Mễ chúng tôi thử nhiều món lạ. Ceviché là món ăn như gỏi cá. Cá sống cắt nhỏ, vắt chanh, rắc hành, ngò (rau mùi) lên, bỏ ớt cay, rồi dùng nachos xúc ăn. Nhậu lai rai với bia XX là tuyệt vời.

Còn một món nữa, giống như tacos, nhưng ăn đến đâu thì thịt được xẻo ngay từ cuộn thịt nướng nóng hổi treo trước tiệm. Lấy tortillas, một thứ như bánh tráng mềm nhưng làm bằng bột ngô, bỏ thịt lên, thêm hành, ngò, ớt, vắt chanh, rồi rưới tương ớt. Cuốn, nhậu với bia là ngon hết ý. Mỗi bữa ăn như thế, có cả súp, cho gia đình chúng tôi gồm bốn người chỉ tốn chừng 150 đến 200 pesos. Nhà tôi và các con đều đồng ý món ăn ở đây ngon hơn các món Mễ ở Mỹ.

Về gia vị thực phẩm, người Mễ giống người Việt là dùng nhiều hành, rau ngò, ớt và chanh. Có lẽ đó là lí do nhiều tiệm bánh mì thịt của người Việt ở San Jose, Oakland có pha chút hương vị Mễ với nhiều ớt và ngò trong những ổ bánh mì thịt nguội.

*


Tôi nghe nói đến nạn tham nhũng ở Mexico, điển hình như việc cảnh sát giao thông hay chặn xe, vòi tiền ít nhiều gì cũng được. Chuyện này xem ra cũng giống ở Việt Nam.

Tìm cách làm tiền bất hợp pháp ở Mexico chắc thường xảy ra trong xã hội. Như tôi thấy nơi mặt sau những tấm vé vào thăm bảo tàng hay tham quan kim tự tháp đều có ghi hàng chữ sau: “Help us erradicate corruption. Your entrance ticket is your proof of payment. Please keep it with you at all times and kindly destroy it after your visit if not further needed”. Tạm dịch là: “Giúp chúng tôi xoá bỏ nạn tham nhũng. Vé vào cửa là bằng chứng bạn đã trả tiền. Xin giữ vé với bạn trong mọi lúc và vui lòng huỷ nó đi sau chuyến tham quan nếu bạn không còn cần đến nữa”.

Câu ghi trên có thể giúp giải thích việc một vé tham quan đã dùng rồi, nếu vào tay một công nhân viên thì có thể được bán lại và tiền vé sẽ vào túi những người tham nhũng.

Sự việc này làm tôi nhớ đến một lần tham quan Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thủ đô Hà Nội. Gia đình chúng tôi có 4 người, vào cửa mua 4 vé và nhận được 4 tờ giới thiệu lăng. Sau khi tham quan, trở lại nơi lấy máy ảnh, cô thiếu nữ giữ máy xin tôi mấy cuống vé và những tờ giới thiệu. Tôi cho cô hai cái vì nghĩ mình chỉ cần giữ một để làm kỉ niệm cũng đủ rồi. Kể chuyện này cho một bạn nghe thì được biết đó cũng là cách làm tiền thêm nơi Lăng Bác. Những cuống vé và tờ giới thiệu sẽ được bán lại cho khách tham quan và tiền đó được chia nhau bỏ túi riêng.

*


Hoa Kỳ chỉ có hai nước láng giềng là Canada ở phía bắc và Mexico ở phía nam mà tôi đã có dịp đi chơi cả hai nơi. Canada tiến bộ, trong khi Mexico còn kém phát triển khiến nhiều công dân Mễ thường tìm mọi cách vượt biên giới qua Mỹ sinh sống.

So sánh Canada, Hoa Kỳ và Mexico, có thể đưa ra một nhận định rằng nạn tham nhũng lan tràn ở Mexico là một trong những lực cản cho sự phát triển nhanh hơn của đất nước này.

Mexico là nước sản xuất dầu hoả, thu hút nhiều du khách. Việt Nam cũng có những điều kiện điạ lí, tài nguyên và dân số khá giống Mexico. Không biết tương lai Việt Nam sẽ có khá hơn, hay cũng rơi vào tình trạng không thể phát triển nhanh được do bởi lực cản là tệ nạn tham nhũng đang lan tràn.

(Ảnh trong bài của tác giả)

© 2008 talawas