trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
22.10.2007
Nguyên Trường
Làm gì với trái đắng của cây marxist?
 
Phải nói rằng ông Trần Thiện Huy đã dành cho kẻ viết những dòng này một vinh dự vượt quá mọi mong đợi và mọi dự đoán, đấy là ông đã liệt kê cái tên Nguyên Trường ngay đằng sau những nhân vật nổi tiếng như Richard Pipes (giáo sư Harvard), Alberto Moravia (nhà văn lớn người Ý) và Hà Sĩ Phu (một người tôi vốn kính trọng và ngưỡng mộ từ rất lâu) và vì vậy tôi thấy mình sẽ có lỗi nếu không có đôi lời nói lại, dù là một lần sau chót.

Trước hết xin được thưa ngay rằng trong bài viết trước, tôi đã nói về “những gì thật sự thuộc về Marx” như đòi hỏi của Trần Thiện Huy. Thứ nhất, tôi đã dẫn ý kiến của Richard Pipes và trí khôn của những người nông dân bình thường của “quê choa”, tức là trí khôn của những người nông dân Việt Nam thân yêu của chúng ta để nói rằng không làm gì có cái gọi là “chủ nghĩa cộng sản nguyên thuỷ”. Nếu ông cho là viết thế vẫn chưa rõ thì xin được trở lại đề tài này theo một cách khác. Thưa ông, chúng ta đều tin rằng loài người (những người marxist thì lại càng cần phải tin như thế) vốn có nguồn gốc từ loài khỉ, hay như Jared Diamond [1] gọi loài người chúng ta là loài tinh tinh thứ ba. Theo Jared Dimamond thì “hệ gien của con người khác với hệ gien của hai loài tinh tinh (tinh tinh lùn và tinh tinh thường sống ở châu Phi - NT) khoảng 1,6% và giống tới 98,4%. Gorilla có khác biệt lớn hơn với người và tinh tinh, lên tới 2,3% [2] ”. Đã công nhận như thế rồi thì làm sao ta lại có thể tưởng tượng được cảnh những con khỉ tranh nhau ăn chí choé và đánh nhau dữ dội chỉ vì miếng ăn hoặc một con khỉ cái, chỉ nhờ một cú biết đi thẳng và hơi có suy nghĩ (Homo sapiens) lại có tinh thần “tứ hải giai huynh đệ” để lập thành cái gọi là “xã hội cộng sản nguyên thuỷ” được? Làm sao ta lại có thể tưởng tượng được cái sự thay đổi tâm lí và tình cảm kì lạ như vậy ở con người: ban đầu là khỉ (tinh tinh thì cũng thế) với đầy đủ bản chất của khỉ, lại bỗng trở thành những người hiền lành và bác ái đến không thể tưởng tượng nổi (nên nhớ nếu chuyện đó có xảy ra thì cũng từ lâu lắm rồi, tức là từ thời còn ăn lông ở lỗ kia) rồi bỗng nhiên giữa những con người bác ái ấy lại xuất hiện những kẻ độc ác, bắt đồng loại của mình thành nô lệ, bóc lột đồng loại mình đến tận xương tuỷ? Về mặt tâm lí thì không thể hiểu được, đúng không ông? Và đây là kinh nghiệm thực tế của Jared Diamond ở New Guinea: “Có lần tôi đã quên xin phép (hoặc xin phép ở sai làng) và bắt đầu chèo thuyền ngược sông, tôi thấy những người dân làng đã chắn ngang sông khi tôi quay trở lại bằng xuồng và ném đá, giận dữ vì tôi đã xâm phạm lãnh thổ của họ. Khi tôi sống cùng những người của bộ tộc Elopi ở phía tây New Guinea và muốn qua lãnh thổ của bộ tộc Fayu bên cạnh để đến ngọn núi gần đó, người Elopi đã giải thích cho tôi hoàn toàn trung thực rằng người Fayu sẽ giết tôi nếu tôi cố gắng làm điều đó. Từ viễn cảnh ở New Guinea, điều này dường như là bản chất tự nhiên và tự nó đã giải thích tất cả. Đương nhiên là người Fayu sẽ giết bất kì người nào dám xâm phạm, các bạn chắc chắn không cho rằng họ ngu ngốc đến mức cho phép người lạ mặt vào lãnh thổ của họ [3] ”. Còn về cái sự luyến tiếc Thời kì Vàng son trong quá khứ lại được Jared Diamond giải thích như sau: “Người trình bày nổi tiếng quan điểm này là triết gia người Pháp thế kỉ XVIII, Jean-Jacques Rousseau mà tác phẩm Luận về nguồn gốc của sự bất công của ông đã lần theo sự suy thoái của chúng ta từ Kỉ nguyên Vàng đến nỗi khốn khổ của con người mà Rousseau đã nhìn thấy quanh ông”. Rồi ông viết thêm: “Tôi không nghi ngờ gì rằng bất cứ người nào còn sống trong khói bụi phóng xạ của thế kỉ XXII sẽ viết một cách lưu luyến và công bằng về kỉ nguyên của chúng ta, mà dường như không gặp khó khăn nào trong sự so sánh [4] ”. Như vậy là chúng ta có thể thống nhất với nhau rằng không làm gì có cái gọi là “chế độ cộng sản nguyên thuỷ” và như thế lâu đài chủ nghĩa duy vật lịch sử của Marx hoá ra là toà lâu đài cực kì hoành tráng nhưng lại không có móng hay không có tầng một. Không có móng, lâu đài đó có đứng vững được không? Những người cho đến nay vẫn tin tưởng tuyệt đối rằng chủ nghĩa Marx là đỉnh cao của trí tuệ loài người có thể đưa ra luận cứ nào, từ khảo cổ học, nhân chủng học hay folklore… để chứng minh điều ngược lại hay không?

Trong bài viết của mình ông Trần Thiện Huy đã đưa ra lí luận buồn cười như sau: “Điểm thứ nhất, không cần học kinh tế cũng hiểu là giá trị thặng dư được sản xuất ra mỗi ngày, trong khi người chủ chỉ bỏ tư bản ra một lần. Vậy cái gì xảy ra mỗi ngày để tạo nên giá trị thặng dư? Chính là sức lao động”. Thưa ông, chính vì “giá trị thặng dư được sản xuất ra mỗi ngày, trong khi người chủ chỉ bỏ tư bản ra một lần” cho nên giá một cái áo sơ mi tương đối đẹp hiện nay mới là khoảng 100-120 ngàn đồng, chứ nếu ngày nào nhà tư bản cũng phải mua máy khâu mới thì giá một cái áo có lẽ phải đến 5 triệu. Giá của chiếc máy khâu được hạch toán dần dần vào giá thành sản phẩm cho nên ta mới có quần áo “mặc cả ngày” như thế đấy ông ạ. “Không cần học kinh tế” lại nói về kinh tế có thể dẫn người ta đến những lí lẽ kì quặc như thế đấy! Viện dẫn câu của Khổng Tử: “Nghĩ mà không học thì khó nhọc mất công không” ở chỗ này thiết nghĩ cũng không phải là việc khoe chữ rởm vậy. Dĩ nhiên là khi nhà tư bản bỏ tiền ra đầu tư thì ông ta phải hi vọng có lãi (nếu không thế thì đầu tư làm gì?); mà nếu không lãi, thậm chí là lỗ, thì ý nghĩ về bóc lột cũng đã hình thành trong đầu óc ông ta rồi. Nhưng nếu nhà đầu tư không có lãi, nói cách khác là không bóc lột, thì xã hội có thể ngày một phồn vinh hơn được hay không? Nếu các nhà tư bản trên thế giới đều không có lời thì nước Việt Nam ta có thể thu hút được đến 10 tỉ dollar FDI hàng năm hay không? Nói một cách khác, nhờ có giá trị thăng dư mà các nhà tư bản có thể tái sản xuất mở rộng và làm cho xã hội ngày càng phồn vinh hơn, biên giới của sự phồn vinh cũng ngày một mở rộng hơn. Như thế, nhìn theo một cách khác, ta có thể nói người sử dụng lao động và người lao động chỉ là những thực thể đa bào cộng sinh với nhau, mà đã cộng sinh thì hai bên phải tranh đấu, phải “ăn” nhau, nhưng đấy là tranh đấu trong thoả hiệp và tương nhượng, là sự dung hợp quyền lợi, không thể là đối kháng, không thể là một mất một còn được. Bóc lột hay cộng sinh chỉ là hai cách nhìn khác nhau và là hiện tượng không thể thiếu ở mọi loài sinh vật đa bào, trong đó có loài người.

Nhưng dù có học chính trị kinh tế học marxist bao nhiêu năm đi nữa ta cũng không thể nào trả lời được những câu hỏi đại loại như: Tại sao một bức tranh của Van Gogh lại có giá lên đến hành chục tirệu dollar? Tại sao một viên kim cương lại có giá đến vài ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn, hàng triệu dollar? Giả dụ như ông Trần Thiện Huy hay ông Lữ Phương… đến thăm một mỏ khai thác kim cương đã bỏ hoang và nhặt được một viên như thế thì tính giá trị thặng dư và lao động sống như thế nào? Nếu chỉ có lao động sống mới tạo ra giá trị thì vì sao giai cấp công nhân Liên Xô không được tự tiện đến khai thác dầu ở mỏ Bạch Hổ mà phải thành lập Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt Xô? Và tại sao người Việt Nam lại không thể tự tiện đến Sibiria đốn gỗ thông và gỗ bạch dương về mà dùng? Chính trị kinh tế học marxist không trả lời được những câu hỏi như thế là vì Marx chỉ biết một cách tính giá, ông thuộc về trường phái lý thuyết về giá trị nội sinh (Intrinsic theory of value). Ngoài lí thuyết này còn có: Lý thuyết về giá trị chủ quan (Subjective theory of value), Lý thuyết giá trị khách quan, Giá trị sử dụng ngoại biên (Marginal utility) nữa [5] . Không cần đi sâu vào chi tiết các trường phái lí thuyết đó, ta cũng thấy rằng dù Marx có là một nhà kinh tế học lớn, thậm chi vĩ đại đi nữa (có một cuốn sách liệt kê 50 nhà kinh tế học lớn, trong đó có Marx), trường phái của ông không phải là duy nhất đáng nghiên cứu như người ta đã cố tình nhồi nhét vào đầu chúng ta trong suốt bao nhiêu năm qua.

Dù có công nhận rằng Marx là nhà kinh tế học vĩ đại nhất và Tư bản luận là cuốn sách duy nhất đáng đọc và đọc thuộc, nắm vững tất cả tư tưởng của Marx trong đó đi chăng nữa thì cũng vẫn chưa đủ, đấy cũng chưa phải là tinh thần mác-xít. Học Marx mà chỉ thuộc Tư bản luận thì cũng chẳng khác gì lên Thiếu Lâm Tự mà chỉ học được một vài thế võ hay đi theo một đại đạo chích mà chỉ học được mấy món đào tường khoét ngạch. Lên Thiếu Lâm Tự học võ để tu đạo và mục đích của nó là kiến tánh, thành Phật; theo đạo chích đào tường khoét ngạch là để nhắm vào những con gà con chó bên trong các bức tường đó, còn học chủ nghĩa Marx là để thấm nhuần tinh thần cách mạng tiến công với những ý tưởng chính sau đây:
  • Các nhà triết học chỉ giải thích thế giới, vấn đề là phải cải tạo nó.
  • Chủ nghĩa tư bản tất yếu sẽ diệt vong.
  • Những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm duy nhất là: xoá bỏ chế độ tư hữu
Khi đã tin vào thuyết quyết định luận, khi đã tin rằng chủ nghĩa tư bản tất yếu sẽ diệt vong, chủ nghĩa xã hội tất yếu sẽ thành công, mà chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản lại có nhiều ưu điểm như Marx trình bày trong Phê phán Cương lĩnh Gotha thì còn chần chừ gì nữa mà không xắn tay áo lên để lao vào “cải tạo thế giới”. Dĩ nhiên là Marx không cổ động các đệ tử của mình giết người, nhưng cái tương lai xán lạn do ông vẽ ra đã thúc đẩy nhiều người hăng hái làm những điều mà họ tưởng là tốt, song thực chất lại gây ra những hậu quả thảm khốc cho nhân loại. Ai cũng biết những hậu quả như thế, chẳng cần nhắc lại làm gì. Marx có bị trách cứ, thậm chí lên án thì cũng không phải là hoàn toàn vô lí vậy.

Bây giờ chúng ta sẽ xem xét một cách kĩ lưỡng hơn luận điểm cốt yếu của chủ nghĩa Marx: xoá bỏ chế độ tư hữu.

Ngay từ những năm 1920 Ludwig von Mises đã viết: “Nhiều nhà xã hội chủ nghĩa chưa bao giờ nắm bắt được những vấn đề kinh tế theo bất kì cách hiểu nào và chưa từng thử sức hình thành nên một quan niệm rõ ràng nào cho chính mình về những điều kiện quyết định đặc điểm của xã hội loài người. Họ thoả sức phê phán cơ cấu kinh tế của xã hội ‘tự do’, nhưng lại luôn lảng tránh việc áp dụng sự phán xét sáng suốt sâu cay đó cho kinh tế học xã hội chủ nghĩa vốn gây nhiều tranh cãi. Kinh tế học, theo đúng nghĩa, chỉ được điểm xuyết quá ư lác đác trên những bức tranh quyến rũ mà các nhà không tưởng xã hội chủ nghĩa vẽ nên. Họ mô tả lặp đi lặp lại về cái xứ sở mộng mơ nằm trong trí tưởng tượng của mình, nơi những của ngon vật lạ sẽ bày ra trước mắt những người đồng chí hướng, nhưng lại bỏ qua không giải thích điều thần kì ấy sẽ diễn ra như thế nào [6] ”. Ông còn viết trong tác phẩm Bài toán kinh tế của khối xã hội chủ nghĩa: “Chủ nghĩa xã hội là sự thủ tiêu nền kinh tế duy lí [7] ”. Bảy mươi năm sau điều đó đã trở thành sự thật không thể chối cãi được và nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới đã sụp đổ không gì cứu vãn nổi. Nhưng nền kinh tế phi hiệu quả mới chỉ là một phần của tai hoạ, thậm chí chỉ là phần nhỏ. Áp dụng nền kinh tế kế hoạch hoá còn đồng nghĩa với tiêu diệt tự do. Những ai từng sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa chắc chắn phải cảm nhận thấy trong từng tế bào nền “dân chủ xã hội chủ nghĩa dân chủ triệu lần hơn dân chủ tư sản” là như thế nào; còn về mặt lí luận thì F. Hayek đã mô tả rất kĩ trong tác phẩm Đường về nô lệ, nhắc lại ở đây cũng bằng thừa. Thiết nghĩ những ai có ý định phê phán những kẻ phản bác Marx một cách nghiêm túc rất nên để tâm các tác phẩm Đường về nô lệ (The Road to Serfdom) và Sự tự phụ chết người (The Fatal Conceit) của F. Hayek hay Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội và dân chủ (Capitalism, Cosialism and Democracy) của Joseph Schumpeter. Một cuốn sách phê bình xứng tầm với ba tác phẩm này có để đột ngột đưa môn kinh tế học của nước ta ngang tầm thế giới, thậm chí đáng được huân chương Nobel cũng nên. Thiết nghĩ những ai đã đọc Karl Popper, Friedrich von Hayek, Ludwig von Mises, Joseph Schumpeter… mà vẫn coi “bãi bỏ tư hữu” là phản ánh xu thế tất yếu của thời đại, là đỉnh cao của trí tuệ loài người thì nên chủ động kiến nghị với Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ghi ngay trên trang nhất báo Nhân dânTạp chí Cộng sản tiêu đề sau: “Những người cộng sản Việt Nam có thể tuyên bố học thuyết của mình bằng một câu duy nhất này: bãi bỏ tư hữu”. Ấy chết, tôi đã xui dại, tôi vừa mường tượng được trong đầu nét mặt của ông Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và ông Đinh Thế Huynh, Tổng Biên tập báo Nhân dân và câu các ông ấy sẽ thốt ra sau khi nhận được cái kiến nghị nêu trên: “Điên!”. Nếu chỉ nói thế rồi các ông ấy bỏ qua cho thì cũng đã là may, bởi câu đó có thể được giải thích như là “cố tình xuyên tạc chính sách kinh tế nhiều thành phần” của Đảng và nhà nước đấy!

Trong tác phẩm Phê phán Cương lĩnh Gotha Marx cho rằng: “Trong giai đoạn đầu của xã hội cộng sản cũng không thể bỏ được nhà nước và pháp luật, và với sự phát triển của sức sản xuất đòi hỏi xã hội phải thực hiện phân phối ‘làm theo năng lực, hưởng theo lao động’ [8] ”. Đây là một ngộ nhận rất lớn, một công thức nói nghe hay nhưng không thể nào thực hiện được. Trước hết xin nói về vế thứ nhất: Làm theo năng lực. Ai đã từng một lần mang giấy tờ đến phòng tổ chức cán bộ trong một cơ quan hay xí nghiệp xã hội chủ nghĩa xin việc hay xin chuyển công tác thì biết ngay các công chức quan liêu của nhà nước có thể phân công lao động “theo năng lực” như thế nào. Mà dù “chưa được sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa tươi đẹp”, mỗi người chúng ta cũng đều có thể cảm nhận rằng không ai biết rõ được năng lực của ta, thậm chí chính ta cũng không biết rõ năng lực của mình, năng lực của ta chỉ có thể hiển lộ trong quá trình thử và sai, nghĩa là trong một xã hội cạnh tranh với rất nhiều người sử dụng lao động, cho phép ta được quyền lựa chọn công việc mà thôi. Bây giờ xin chuyển sang vế thứ hai. Tôi nghĩ tốt nhất nên nhường lời cho một độc giả góp ý cho Đại hội VII của Đảng Cộng sản Việt Nam, đăng trên trang 2 báo Lao động chủ nhật, số 21/91 (76) ra ngày 9 tháng 6 năm 1991 dưới tiêu đề “Sức lao động có phải là hàng hoá?”. Nội dung bài góp ý như sau:

“Phần nói về chính sách tiền lương trong Dự thảo báo cáo chính trị của Đại hội VII của Đảng có đoạn: ‘Cải cách cơ bản chính sách tiền lương và tiền công theo các nguyên tắc: tiền lương và tiền công phải dựa trên số lượng và chất lượng lao động… thực hiện mối tương quan hợp lí về tiền lương và thu nhập của các bộ phận lao động xã hội’ (một cách nói khác của: hưởng theo lao động – NT). Hai nguyên tắc cơ bản trên đây rõ ràng ngầm cho rằng sức lao động không phải là một loại hàng hoá mà có thể dựa vào ‘số lượng và chất lượng’, bằng một cách tính nào đó xác định được giá trị tuyệt đối của tiền lương, tiền công cũng như tỉ lệ của mức thu nhập của các bộ phận lao động khác nhau. Phương pháp tính toán đó đòi hỏi trước hết phải xác định được chính xác ‘số lượng và chất lượng’ lao động riêng biệt, sau đó phải định được tỉ lệ tiền lương, tiền công cho từng ngành nghề khác nhau.

Song trong thực tế ta thấy rằng nếu coi số lượng và chất lượng lao động là tổn hao lao động sống thì hai chỉ số quan trọng nhất là cường độ và mức độ phức tạp của nó vẫn chưa đo lường được, ngay cả một cách gần đúng. Trước đây ở nhiều nước người ta đã thử đo bằng nhiều cách, cả trực tiếp lẫn gián tiếp nhưng đã phải bó tay, không làm sao xác định được được, kể cả giá trị tuyệt đối cũng như giá trị tương đối.

Nhưng nếu không thể xác định tiền lương, tiền công theo ‘tổn hao lao động sống’ thì có thể xác định theo ‘kết quả’ lao động được không? Ta dễ thấy rằng các xác định này cũng không hiện thực hơn cách thức trước. Thứ nhất, kết quả lao động cá nhân của rất nhiều ngành nghề không thể nào đo lường được, không thể thể hiện bằng bất kì đơn vị đo lường nào, thí dụ như nhà thơ, giáo viên, lái xe, tổng công trình sư, chủ tịch uỷ ban nhân dân… Thứ hai, và điều này là chủ yếu, ngay cả với những kết quả có thể dễ dàng đo được cũng không thể nào so sánh được. Thí dụ trong một ngày cô thợ dệt dệt được 100 mét vải, ông bác sĩ mổ được cho 2 người, còn người nông dân trồng được 30 kg hom sắn thì ta cũng không thể nói rằng người nào làm được nhiều hơn, người nào làm được ít hơn.

Như vậy ta thấy rằng nguyên tắc tính tiền lương và tiền công theo ‘số lượng và chất lượng lao động’ có chăng cũng chỉ có thể áp dụng trong như lĩnh vực hạn hẹp, thí dụ như trả lương cho những người cùng làm một loại sản phẩm trên cùng một loại máy móc. Còn trong toàn xã hội thì nguyên tắc đó không thể thực hiện được. Mọi cuộc cải cách tiến hành trên bàn giấy từ trước tới nay chỉ dẫn tới kết quả: Trả lương theo chức vụ và trả lương theo kiểu bình quân với mối tương quan bất hợp lí giữa các ngành nghề làm triệt tiêu mọi động lực lao động. Phương hướng hiện thực duy nhất là làm như thế giới công nghiệp vẫn làm: Coi sức lao động là một loại hàng hoá, nghĩa là giá trị của nó được xác định bởi qui luật cung cầu của thị trường…”

Tóm lại: Làm theo năng lực hưởng theo lao động là một mệnh đề vô nghĩa, bất khả thi “tại hiện trường”. Trên thực tế, ở đâu chúng ta chỉ thấy một sự tuỳ tiện, đúng như câu dân gian “lẩy” Kiều:

Bắt ở trần phải ở trần
Cho may ô mới được phần may ô

Hình như trong Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam, sức lao động cũng đã được coi là một loại hàng hoá rồi. Những người vẫn khăng khăng cho rằng công thức của Marx là đỉnh cao của trí tuệ loài người rất nên tập hợp lại và tiến hành một đề tài nghiên cứu: Trả lương theo số lượng và chất lượng lao động. Kết quả công cuộc khảo cứu xin gửi về: Kim Jong-Il, Bình Nhưỡng, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên; Fidel Castro, La Habana, Cuba; Hugo Chavez, Caracas, Venezuela. Chắc chắn là ba ông này sẽ vinh danh tác giả chủ chốt của đề án bằng cách dựng giữa Hà Nội một bức tượng bằng vàng khối, cao to chẳng kém gì tượng Kim Nhật Thành ở thủ đô Bình Nhưỡng, V. I. Lenin ở vườn hoa Canh Nông sẽ chỉ còn là một anh lùn đen nhẻm, tội nghiệp mà thôi. Mong lắm thay!

Trở lên là những vấn đề thuần lí luận. Để kết thúc xin được trình bày cảm tưởng của cá nhân mình về học thuyết cộng sản qua câu chuyện như sau. Cách đây đã nhiều năm, một lần “đồng chí bí thư chi bộ” có ý thăm dò thái độ của tôi về chủ nghĩa cộng sản (có lẽ tôi thuộc diện được chi bộ bồi dưỡng, kếp nạp). Tôi đã bảo anh ta như sau: “Giả sử bác nghe nói nhà nước đang tuyển một số cháu để gửi đi nước ngoài, con bác có thể đủ tiêu chuẩn. Bác đã định làm hồ sơ cho cháu, nhưng sau khi suy nghĩ kĩ bác lại thấy con em xứng đáng hơn, bác không làm hồ sơ nữa mà đến nhà em gợi ý cho cháu nhà em đi học. Đến lượt mình, em lại thấy con ông X nào đó xứng đáng hơn nữa. Và cứ như thế, chúng ta, những bậc sinh thành ra các cháu tự nguyện tiến cử được các cháu xứng đáng nhất để đưa ra nước ngoài đào tạo. Nếu tất cả chúng ta đều làm được như thế, nghĩa là nếu tất cả chúng ta đều là các bậc La Hán cả thì sẽ có chủ nghĩa cộng sản. Nhưng phải là cả nước, thậm chí cả thế giới đều là La Hán thì mới được, chỉ cần một kẻ dối trá, một kẻ lừa đảo thì mọi sự sẽ hỏng hết. Mà bác thấy đấy, cả bác và em đều biết rằng nếu có cơ hội thì chúng ta sẽ bí mật hoàn thiện ngay hồ sơ cho con mình, thậm chí ngay cả khi trong thâm tâm ta nghĩ rằng nó chưa chắc đã xứng đáng và như thế thì chủ nghĩa cộng sản không thể nào thành hiện thực được”. Nét mặt “đồng chí bí thư chi bộ” của tôi hơi chùng xuống và từ bấy giờ trở đi vấn đề này không còn được đem ra thảo luận nữa. Xét từ khía cạnh này, ta cũng có thể nói: Chủ nghĩa cộng sản rõ ràng không phải là khoa học, không thể coi nó là khoa học được, vì trong khi nuôi tham vọng giải quyết một lần và vĩnh viễn vấn đề con người, nó đã bỏ qua cái tâm lí muốn được ăn trên ngồi trốc, cái tâm lí “tôi chẳng muốn làm, tôi chỉ muốn ăn” trong mỗi người chúng ta.

Cây marxist đã được đem trồng trên khắp 4 châu lục, nghĩa là trên tất cả các đới khí hậu cũng như tất cả các vùng thổ nhưỡng, nhưng ở đâu nó cũng chỉ cho ra trái đắng. Song dù có đắng đến đâu, thậm chí là độc dược đi nữa, nhưng là trái lạ thì vẫn có những kẻ táng tận lương tâm mang ra chợ Đồng Xuân, chợ Bến Thành hay các nhà ga xe tầu rao bán, thậm chí thành lập các công ty đa cấp để tiêu thụ cho mau nữa. Trong khi những người có tấm lòng đang rỉ tai khách hàng nhẹ dạ không nên mua cái món thuốc độc đó thì một người có thể nhân danh sự trung thực khoa học mà rêu rao rằng tuy đấy là quả độc nhưng vẫn có nhiều chất quí, chẳng nên vứt bỏ hoàn toàn? Có phải ngày xưa các cụ đã gọi những kẻ như thế là “hủ nho” không?

© 2007 talawas



[1]Jared Diamond, Loài tinh tinh thứ ba, Nhà xuất bản Tri Thức, 2007
[2]Sách đã dẫn, trang 40
[3]Sách đã dẫn, trang 377
[4]Sách đã dẫn, trang 521-522
[5]http://www.danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=print&sid=2769
[6]Friedric Hayek - Cuộc đời và sự nghiệp do Lê Anh Hùng dịch, Đinh Tuấn Minh hiệu đính và giới thiệu, nhà xuất bản Tri Thức ấn hành năm 2007, trang 192.
[7]Sách đã dẫn. Trang 193
[8]http://www.cpv.org.vn/print_preview.asp?id=BT2970559987