trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 89 bài
  1 - 20 / 89 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
22.9.2008
Phạm Toàn
Một saga do Hoàng Minh Tường kể
 
(Hoàng Minh Tường, Thời của thánh thần, tiểu thuyết, Hội Nhà văn xuất bản, Hà Nội, nộp lưu chiểu qúy III năm 2008, dầy 648 trang, giá bìa 97.000 VND)
Lâu lắm mới lại gặp một cuốn sách khiêm tốn, cuốn tiểu thuyết không kèm theo những tuyên ngôn về tài năng hiện đại và tinh thần hậu hiện đại, trái lại ở trang cuối tác giả còn thủ thỉ cảm ơn sự ủng hộ của Hội Nhà văn Việt Nam, sự chỉ giáo và chia sẻ của các văn nghệ sĩ và các nhà khoa học… của các bậc cao niên… nhờ đó mà bản thảo đã ra đời suôn sẻ…

Thế nhưng những lời lẽ hiền lành nhỏ nhẻ của nhà văn Hoàng Minh Tường vẫn đem lại cho đời sống văn chương một saga thực sự, một saga của gia đình họ Nguyễn Kỳ ở một làng nào đó tại châu thổ sông Hồng miền Bắc Việt Nam. Một saga giản dị – saga nào cũng giản dị và chỉ nặng ở cái phần nó toát lên thôi – có thể tóm tắt như sau mà không sợ mang tiếng phản bội công phu nhà văn:

Khúc nhập: chuyện về đứa con hoang trở thành đứa con nuôi của dòng họ Nguyễn Kỳ, anh Nguyễn Kỳ Quặc, tên tục là anh Cục.

Phần một: chuyện về đứa con cả Nguyễn Kỳ Khôi, người biết cách đi “làm cách mạng” sao cho cá nhân mình ít tổn thất nhất, một con kỳ nhông biết cách đổi màu trước mọi biến diễn của cách mạng, sao cho cá nhân mình luôn luôn an toàn (chỉ nghĩ đến an toàn là chính, thực lòng chưa biết tính kế sinh lợi từ cách mạng, nhưng như thế mà lại thành ra hợp thời, lúc nào cũng khiêm nhường song cái lợi lại cứ tự nhiên mà tự sinh ra).

Phần hai: đứa con thứ Nguyễn Kỳ Vỹ, người chỉ thấy sứ mệnh của mình trong việc làm cách mạng, nhưng lại không biết cách làm cách mạng sao cho an toàn như ông anh cả, nên cả đời lúc nào cũng phơi cái đầu ra cho sóng gió cách mạng quật vào, hoàn toàn không biết cách sống an toàn. Một con người gặp vô vàn oan uổng, vào tù mà không có tội, ra tù mà không trắng tội, cả cuộc đời ngơ ngơ ngác ngác.

Phần ba: đứa con út Nguyễn Kỳ Vọng, người chẳng thấy sứ mệnh của mình ở đâu hết, dĩ nhiên càng thấy mình chẳng có trách nhiệm gì rõ rệt trong sự nghiệp cách mạng như những gì ông anh cả và ông anh hai đang lao vào. Con người ấy hình như cũng có một chủ đích đời mình như sau: thì cứ đỗ xong cái bậc tú tài, sau rồi sẽ đi làm cách mạng cứu dân cứu nước như hai ông anh. Cuộc đời run rủi cho cái anh ba Vọng này rồi sẽ thành Việt kiều yêu nước (mà yêu nước thật!).

Khúc kết: cuộc đại đoàn viên của gia đinh nhà Nguyễn Kỳ sau nửa thế kỷ ly tán, cái đinh của câu chuyện ở đây không phải là cuộc ăn mừng ngôi từ đường xây lại, mà là cuộc công khai hóa vai trò vừa vô thức vừa ý thức của một người đàn bà đã sinh ra Nguyễn Kỳ Quặc ở đầu saga, sau lại sinh ra Nguyễn Kỳ Chu ở giữa saga, mà theo máu mủ thì Kỳ Chu phải gọi Kỳ Quặc bằng chú ruột.
Saga của Hoàng Minh Tường kể theo cách của nhà văn nên không cần mạch lạc như cách chúng ta vừa tóm tắt; tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường chỉ có hai phần là một Cơn gió bụi và một Cuộc bể dâu là hai từ rất gần nghĩa mặc dù chưa thật đồng nghĩa. Nhưng hễ câu chuyện dây dưa dài dòng nào mà đã được nhà văn kể lại bằng cả tấm lòng của mình thì nhất định chuyện đó không mang tính dửng dưng. Khi đã không dửng dưng, có nghĩa là nó nhất thiết phải có một chủ đề. Hình như, nếu sách này có chủ đề, thì đọc xong saga của Hoàng Minh Tường chúng ta sẽ cảm nhận được điều này: năm sáu chục năm qua, trong cơn bể dâu gió bụi, người Việt Nam mình bỗng phơi bầy ngồn ngộn một phẩm chất rất khó giải thích, đó là cái phẩm chất cả tin.

Nhưng khi đã nói đến tính cả tin, thì cũng có những yếu tố liên quan đến sự cả tin. Và nhất là những sắc độ khác nhau của sự cả tin. Và nhất là và do đó là trách nhiệm khác nhau trong cái sự cả tin. Sau khi người con tự động đi tìm lai lịch cha mình và thấy người cha đích thực của mình là một người khác, ta hãy nghe cuộc tranh cãi giữa hai mẹ con họ:

Mẹ lừa dối con, Mẹ cố tình lừa dối con suốt mấy chục năm nay.

Vừa nhìn thấy bà Cam, Chu đã ôm mặt khóc nấc lên. Những âm thanh ban đầu còn tắc nghẽn, sau thì ồ ồ lên như vòi nước xả hết van. Không phải tiếng khóc của một người đàn ông vừa đến tuổi làm bố, mà là tiếng khóc của một đứa trẻ đau đớn vì tủi nhục, vì bị lừa gạt.



Vì sao mẹ lại lừa dối con? Vì sao một người cách mạng như mẹ lại có thể sống trong sự dối trá? Con là con của ai thì chỉ có riêng mình mẹ biết thôi… Hóa ra con chỉ là một đứa con hoang. Thế mà mấy chục năm nay con cứ hãnh diện tự hào vì có một người cha là liệt sĩ, là chiến sĩ cách mạng. Thật là dối trá, lừa đảo. Thật nhục nhã…

Mẹ xin con… Con đừng nói nữa… Hãy tha lỗi cho mẹ…

Thế thì ai tha lỗi cho con, một đứa con hoang đội lốt con một chiến sĩ cách mạng?


Dường như bây giờ, khi đứa con đã bóc trần lớp màn bí mật, không còn gì cần che đậy, không còn gì phải giấu giếm, bà mới bắt đầu sống với con người thực của mình, nhận ra con người thực của mình. Giống như một thứ quả, như quả cây sở, cây cao su chẳng hạn, muốn chúng nẩy mầm cho một lứa cây mới, người ta phải đập vỡ lớp vỏ cứng bao bọc, thậm chí phải nhúng chúng vào nước sôi trăm độ. Bóc trần một sự thật bao giờ cũng đau đớn, cực kỳ khó khăn. Bà Cam đang tự bóc trần một lớp vỏ che đậy. Bà ngồi bệt xuống đất, buông xuôi, như muốn trút hết những gì mà lâu nay bà vẫn khoác trên mình.

Cứ phỉ nhổ mẹ anh nữa đi. Tôi là kẻ hư hỏng, tôi đáng bị nguyền rủa. Tôi hèn nhát và giả dối không dám khai ra người đã ngủ với mình. Tôi không đáng là một người mẹ… Có những sự thật còn cay đắng hơn nữa mà chỉ mình mẹ biết. Và mẹ phải chôn chặt trong lòng, có thể phải mang theo xuống mồ.

(Trang 460 – 482)

Còn có điều gì nữa, hoặc còn có những điều gì nữa, mà nhân vật hoặc các nhân vật của saga, những con người cả tin, có khi lại vẫn cứ phải mang theo xuống mồ? Có khi lại vẫn cứ phải có thái độ đào sâu chôn chặt? Nhưng khi đó, một thái độ cất giấu điều bí ẩn tự nó lại phanh phui ra rằng con người đã bắt đầu có ý thức về sự cả tin của mình. Đến đây, có vai trò nhà văn lý giải giùm bạn đọc rằng cái lòng cả tin kia không hề mang tính cố hữu trong con người Việt Nam, mà đó là sản phẩm mang tính hoàn cảnh.

Một câu trả lời mang đặc trưng nhà văn như thế bao giờ cũng mang tính chất siêu hình, lại càng siêu hình khi được giải đáp gián tiếp qua hình tượng văn chương mà một nhà văn đích thực trong cả cuộc đời mình thường chỉ có nổi một và chỉ một lần trả lời mang tính chất nổi loạn như vậy thôi.

Nhất hạng là hành văn của Hoàng Minh Tường lại không dài dòng. Đây là một khúc trong đời Nguyễn Kỳ Vỹ, nhà cách mạng với niềm tin tôn giáo vào cái lý tưởng mình tôn thờ.

Cái đêm đầu tiên Vỹ đột ngột từ trại cải tạo về là một đêm quá sốc. Cả nàng, mẹ nàng, con Trinh Mai và bé Phong đều sốc vì quá bất ngờ. Vỹ đột ngột như từ trên trời rơi xuống. Đến mức con chó cũng không kịp sủa. (Trang 467)

Cuộc sống suốt gần một thế kỷ cuối cùng lại tròn như cái miệng chén, đi mãi đi mãi, cuối cùng lại trở về đích xuất phát. Nhưng những người như Nguyễn Kỳ Khôi thì vẫn có được cái nhìn toàn diện, trấn an được cho tất cả. Ông cả Khôi, nhà cách mạng thành đạt trong an toàn, nói dối cũng có người tin theo, nay tiếp tục giảng đạo cho đời:

Nhận thức là một quá trình… Cái thời ấu trĩ trong tư duy, trong nhận thức và hành động sắp qua rồi… Chúng ta đã rút ra những bài học trong xây dựng kinh tế. Chúng ta sắp vào WTO. Việt Nam đang được thế giới đánh giá là nước có tốc độ phát triển thần kỳ… (Trang 590)

Chỉ như thế, thì nhà văn vẫn còn nấp kín. Nhà văn bắt chúng ta đợi đến trang cuối mới lộ diện và giải trình tất cả. Cái nấm mồ thân xác sắp thành một thân xác trong nấm mồ là bà Cam, cô gái xinh đẹp đi tu để hoạt động cho cách mạng, trước khi chết mới kịp trối trăn cho hai chú cháu, một ông Cục và một cháu Chu, nay được thành anh em và nhận nhau cùng chung dòng máu mẹ, với anh thứ nhất có ông bố là viên Tây lai đẹp giai làm thiếu úy trưởng đồn sau thành chuẩn tướng vượt biên lưu lạc xứ người tên là Trương Phiên, với anh thứ hai có ông bố là nhà cách mạng tuyệt đối an toàn đến độ bà Cam không dám rồi không muốn rồi lại không nỡ và sau cùng là không thèm công khai hóa giọt máu vui vẻ đó ra làm gì.

Nếu bạn biết nhà văn Hoàng Minh Tường ở cái thời điểm cách đây ba mươi hoặc bốn mươi năm! Hồi ấy, bốn hoặc năm vợ chồng con cái Hoàng Minh Tường – tôi không nhớ là bốn hay năm, mà chỉ nhớ là vợ chồng ông đẻ khỏe – cả cái “gia đình bé mọn” ấy chia nhau chín mét vuông ngay trong cơ quan một tờ báo được tôi đặt tên cho dễ nhớ là Người giáo viên nhăn răng. Bây giờ, so với thời đó, có thể nói ông đã ở bậc địa phủ lên bậc thiên đường: ông có xe chạy xăng đi lại, ông có toan và màu đủ để vẽ những bức tranh sơn dầu cỡ to (ông có bức vẽ chủ đề Mẹ rất đẹp), ông có dư tiền để bất cứ lúc nào cũng có thể mời bạn cốc bia lạnh toát… Và bạn sẽ đặt câu hỏi: vì sao cái ông nhà giáo hiền lành ấy vẫn còn muốn nêu ra những câu hỏi siêu hình rắc rối làm gì nhỉ?

Song chính đó lại là chỗ quý báu hơn cả của một nhà văn.

Và đó cũng là chỗ chế độ cực quyền gờm hơn cả.

Vì nó chứng tỏ rõ rệt nhà văn đích thực bao giờ cũng công tâm. Họ đặt ra những câu hỏi khó trả lời không vì quyền lợi cá nhân.

Tôi xin được kết thức bài viết bằng câu này: Hoan hô saga của nhà văn Hoàng Minh Tường!

Hô khẩu hiệu như thế cốt để bảo vệ cuốn sách cho nó khỏi bị hiểu nhầm và có thể bị dẫn đến chỗ cấm đoán.

Hà Nội, 20-9-2008

© 2008 talawas