trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 89 bài
  1 - 20 / 89 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
26.10.2007
Lê Hoài Nam
Bài giảng nhập môn
 
Cách đây khoảng hai tuần, đứa cháu trai bốn tuổi của tôi được mẹ nó cho đến trường mầm non. Cái ngày đầu tiên được đến trường, thằng bé cũng biểu hiện sự hồi hộp, phấp phỏng. Nó tỉnh dậy sớm hơn mọi ngày, lăng xăng chạy ra chạy vào giục mẹ nó rửa mặt, thay quần áo mới, túi sách mới tinh (mặc dù trong đó chỉ có mấy cuốn truyện tranh để nó xem hình là chính). Ăn sáng nó cũng vội vàng để còn mau mau đến trường. Cái ngày đầu tiên đi học quan trọng với thằng bé đến thế. Khi mẹ nó bế nó ngồi lên sau xe để lai đến trường, nó còn giơ tay vẫy chào mọi người, miệng khe khẽ hát. Chứng tỏ nó đang rất hứng khởi.

Nhưng mà tối hôm ấy, từ trường trở về, mặt nó có vẻ tiu nghỉu. Sáng hôm sau khi mẹ nó giục đi học thì nó ì ra không muốn đi. Mẹ nó hỏi vì sao con không muốn đi học nữa, nó đáp, vì cô giáo xấu xầu xậu!

Ra là thế. Với đứa trẻ lên bốn, khi chưa đi học hẳn là nó hình dung cô giáo của nó phải như một nàng tiên xinh đẹp, kiêu sa, có phép nhiệm màu nữa. Ngày đầu đến trường mà cô giáo không giống như trí tưởng tượng của nó, nó cũng sẽ bị “đổ vỡ”.

Chuyện của đứa cháu làm tôi nhớ lại cái buổi đầu tiên đến trường của mình. Hồi ấy chưa có cái gọi là trường mầm non như bây giờ. Lớp học vần đầu tiên gọi là lớp vỡ lòng. Người ta hay gọi đùa là lớp vỡ bọng. Cái lớp này với tôi không có kỷ niệm nào thật đặc biệt. Lớp học là một căn phòng trong khu nhà nguyện của ngôi nhà thờ xứ. Căn phòng này không hề lạ lẫm với tôi, bởi khi chưa đi học tôi đã thường đến đây, khi xem các bậc đàn anh học, khi xem các bà mụ cầu kinh, khi chơi đùa nghịch ngợm. Thầy giáo dạy tôi là người cùng xóm, ngày nào tôi cũng gặp thầy. Vậy cho nên ngày đầu tiên đến lớp vỡ lòng, tôi không ngạc nhiên hay thất vọng điều gì.

Bài học quan trọng nhất trong cuộc đời học sinh của tôi, chắc chắn là bài học đầu tiên khi bước vào lớp một. Ðang học vỡ lòng ở xóm nhà quen thuộc, được lên lớp một là lên học ở ngôi trường ở trung tâm xã, có nhiều lớp, nhiều thầy cô giáo. Bạn bè thì từ mấy xóm thôn hợp lại trong một lớp. Tất cả đều mới mẻ, lạ lẫm. Tôi nhớ cái tiết học đầu tiên ấy, ngay sau buổi khai trường, bạn bè trong lớp còn đang nhìn nhau thăm dò thì thầy giáo đã bước vào. Có thể thầy mới chỉ ngoài bốn mươi tuổi, nhưng trong con mắt lũ học trò lớp một chúng tôi thì dường như thầy đã già lắm, như sắp hoá thành ông tiên ông bụt hay ông già Nôel trong ngày lễ Giáng sinh. Tóc thầy lốm đốm bạc. Thầy đeo cặp kính trắng, gọng đen, trông rất trang nghiêm, nhưng ẩn trong đó là đôi mắt nhìn vô cùng ấm áp. Thầy mặc bộ quần áo “ta” (trong miền Nam gọi là bộ bà ba) màu gụ, không còn mới nhưng gọn gàng, sạch sẽ. Trên mép túi giắt một chiếc bút máy Malivơ, loại bút của Pháp, hồi ấy rất quý. Chân thầy xỏ đôi dép xăng-dan bằng da. Tay phải thầy cắp cái cặp cũng băng da đã sờn cũ. Tay trái thầy cầm một cái thước kẻ bằng gỗ lim. Thầy vào đến cửa lớp, chúng tôi đã đứng lên chào. Nghe tiếng chào, thầy dừng lại, quay nhìn xuống quan sát cả lớp bằng cái nhìn thân thiện, bao dung, rồi nói: “Thầy chào các con. Mời các con ngồi”. Riêng tôi, bị ấn tượng đặc biệt về hai tiếng “các con”. Chỉ hai tiếng đó đã xoá tan trong tôi nỗi lo âu trước bao gương mặt còn xa lạ. Hai tiếng ấy cho tôi cảm giác mình được che chở nếu có điều gì bất trắc xẩy ra. Hai tiếng ấy còn cho tôi cảm giác thầy là người cha thứ hai của tôi. Hình ảnh thầy toát ra một vẻ rất gần gặn nhưng cũng rất thiêng liêng.

“Bài học đầu tiên của một năm học mới, cấp học mới”, thầy bắt đầu nói bằng cái giọng vô cùng ấm áp, “thầy chưa muốn cho các con học bài tập đọc, bài chính tả hay là bài tập toán như trong sách giáo khoa mà thầy muốn kể cho các con nghe mấy câu chuyện ngụ ngôn, các con có đồng ý không nào?”

Chúng tôi chưa hề hiểu khái niệm ngụ ngôn là như thế nào, nhưng vì thấy không khí thầy tạo ra khiến chúng tôi hào hứng, liền đồng thanh đáp:

“Thưa thầy chúng con đồng ý ạ.”

“Ðây là những câu chuyện ngụ ngôn do Laphôngten, một nhà văn của nước Pháp viết. Câu chuyện thứ nhất: Suốt mùa hè dài đằng đẵng, ve kêu ra rả đến rạc cả người. Rồi khi những cơn gió bấc thổi về báo hiệu mùa hè sắp qua thì ve mới ngừng kêu. Nhìn lại thấy tổ chẳng còn tí lương thực nào để ăn, bấy giờ nó mới lo lắng. Thế này thì sắp chết đói mất thôi! Cả một mùa hè nó chỉ mải miết kêu rên, chẳng còn thì giờ đâu mà đi kiếm ăn...

Kể xong câu chuyện “Ve và Kiến”, thầy giáo già bỏ mục kỉnh ra hỏi: “Các con có thích không?” Cả lớp đồng thanh trả lời rằng thưa thầy chúng con rất thích. Thầy giáo lại ngoắc mục kỉnh vào kể tiếp: “Một con ếch đang ngồi sưởi nắng trên tấm lá sen trong ao thì nhìn thấy một con bò đang tha thẩn gặm cỏ trên bờ, ếch ta nghĩ thầm rằng, so với con bò khổng lồ kia thì vóc dáng của nó thật quá khiêm tốn. Lòng ghen tị của ếch nổi lên...”

Thầy giáo kể đến câu chuyện thứ hai thì chúng tôi đã bị cuốn hút hoàn toàn vào thế giới của loài vật. Mặc dù những câu chuyện đó được viết từ nước Pháp xa xôi mà tôi có cảm giác nó diễn ra ngay ở cái làng quê nhỏ bé của tôi. Hẳn là vì cái bài học nhập môn đầy ấn tượng này mà từ đó tôi bắt đầu thích đọc truyện, thích học văn. Cho đến nay, đã 50 năm trôi qua, hầu như tôi đã quên hầu hết những bài giảng, nhưng cái bài giảng nhập môn của ông giáo già thì tôi không sao quên được. Thậm chí bây giờ ra đường gặp người đàn ông nào mặc bộ đồ gụ, đi dép bốn quai, đeo kính trắng gọng đen, tôi lại mang cảm tình đặc biệt với ông ta bởi ông ta gợi cho tôi nhớ tới người thầy giáo già dạy lớp một ngày xưa. Từ đó tôi tâm niệm rằng, cái bài học nhập môn của lớp một (đầu cấp một), lớp năm (đầu cấp hai), lớp tám (đầu cấp ba) là bài học vô cùng quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất, thậm chí nó có vị trí hình thành nên cốt cách cả đời một con người.

Từ ý nghĩ ấy mà những ngày gần đây, nhân dịp khai giảng năm học mới, tôi có ghé vào một số trường học, hỏi một số thầy cô, rằng cái bài giảng đầu tiên khi bước vào năm học mới là gì. Người thì bảo dạy luôn vào bài như hướng dẫn của sách giáo khoa. Người thì nói phải dành ít phút để “chấn chỉnh phủ đầu” học trò bằng cái mệnh đề “Tiên học lễ, hậu học văn”. Cứ “Tiên học lễ, hậu học văn” mà rèn là “ra vấn đề” lắm. Bụng tôi nghĩ: cái mệnh đề “Tiên học lễ, hậu học văn” rất đắc dụng với cái thời kinh tế nông nghiệp manh mún, cát cứ; chứ bây giờ mà vẫn giương nó lên, học sinh dễ bị đẩy vào thế thụ động, học nhồi nhét. Thầy sai, trò không dám tranh luận vì sợ phạm Lễ. Ðến khi bước vào đời, những học sinh này coi trọng sự vâng lời, tuân phục hơn là tinh thần đối thoại, dễ bị nô dịch, thủ tiêu ý thức về quyền sống, quyền làm người. Khó hoà nhập với thế giới hiện đại.

Cách đây chưa lâu, vô tình tôi có được một tài liệu in bức thư của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln viết gửi cho thầy hiệu trưởng ngôi trường, nơi con trai ông theo học. Ðọc xong, tôi nghĩ, giá bức thư này được in vào trang đầu cuốn giáo án của các thầy cô dạy lớp đầu cấp - kể cả tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học - làm bài giảng nhập môn, biết đâu chẳng mang lại một sự hữu ích đáng kể nào đấy. Bức thư ấy như sau:

“Kính thưa thầy...

Con tôi sẽ phải học tất cả những điều này. Rằng không phải tất cả mọi người đều công bằng, tất cả mọi người đều chân thật. Nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết: cứ mỗi một kẻ vô lại ta gặp trên đường phố, thì ở đâu đó, sẽ có một con người chính trực; bên cạnh một chính trị gia ích kỷ, sẽ xuất hiện một nhà lãnh đạo tận tâm.

Xin hãy dạy cho cháu biết rằng cứ mỗi một kẻ thù ta gặp ở nơi này thì ở nơi khác ta lại tìm thấy một người bạn. Bài học này sẽ mất nhiều thời gian, tôi biết; nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu hiểu rằng một đồng đôla kiếm được do công sức lao động của mình bỏ ra còn quý giá hơn nhiều so với năm đôla nhặt được trên hè phố...

Xin hãy dạy cho cháu cách chấp nhận thất bại và cách tận hưởng niềm vui chiến thắng. Xin hãy dạy cháu tránh xa sự đố kỵ. Xin dạy cho cháu biết được bí quyết của niềm vui thầm lặng. Dạy cho cháu biết được rằng những kẻ hay bắt nạt người khác là những kẻ dễ bị đánh bại nhất...

Xin dạy cho cháu biết đến thế giới kỳ diệu của sách... nhưng cũng để cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống; đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong nắng, và những bông hoa nở ngát trên đồi xanh.

Ở trường, xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi. Xin hãy tạo cho cháu có ý kiến riêng của bản thân, cho dù tất cả mọi người xung quanh đều cho rằng ý kiến đó là không đúng...

Xin hãy dạy cho cháu biết cách đối xử dịu dàng với những người hoà nhã và cứng rắn đối với những kẻ thô bạo. Xin tạo cho cháu sức mạnh để không chạy theo đám đông khi tất cả mọi người đều chạy theo thời thế.

Xin hãy dạy cho cháu biết phải lắng nghe tất cả mọi người nhưng cũng xin thầy dạy cho cháu biết cần phải sàng lọc những gì nghe được qua một tấm lưới chân lý để cháu chỉ đón nhận những gì tốt đẹp mà thôi.

Xin hãy dạy cho cháu biết cách mỉm cười khi buồn bã... Xin hãy dạy cho cháu biết rằng không có sự xấu hổ trong những giọt nước mắt. Xin hãy dạy cho cháu biết chế giễu những kẻ yếm thế và cẩn trọng trước sự ngọt ngào đầy cạm bẫy.

Xin hãy dạy cho cháu rằng có thể bán cơ bắp và trí tuệ cho người ra giá cao nhất nhưng không bao giờ được để cho ai ra giá mua trái tim và tâm hồn của mình.

Xin hãy dạy cho cháu biết ngoảnh tai làm ngơ trước một đám đông gào thét... và đứng thẳng người bảo vệ lẽ phải.

Xin hãy đối xử với cháu dịu dàng nhưng đừng vuốt ve nuông chiều cháu, bởi vì chỉ có sự thử thách của lửa mới tôi luyện nên những thanh sắt cứng rắn. Hãy giúp cháu có can đảm biểu lộ sự thiếu kiên nhẫn và có đủ kiên nhẫn để biểu lộ sự can đảm.

Xin hãy dạy cho cháu biết rằng cháu phải luôn có niềm tin tuyệt đối vào bản thân bởi vì khi đó cháu sẽ luôn có niềm tin tuyệt đối vào nhân loại.

Ðây quả là một yêu cầu quá lớn, tôi biết, thưa thầy, nhưng xin thầy cố gắng hết sức mình... con trai tôi là một cậu bé tuyệt vời.

Với lĩnh vực giáo dục, tôi, người viết bài này, là người ngoại đạo, nhưng lại thích viết về nó và sưu tầm tất cả những gì liên quan đến nó. Bởi thế, nếu tôi có làm điều gì không phù hợp, xin các thầy cô chỉ giáo!

Nghĩa Hưng, ngày 22 tháng 9 năm 2007
Nguồn: Báo Văn nghệ số 43. 2007