trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
25.6.2007
 
Những lời thú nhận bước đầu của một số phần tử trong nhóm phá hoại Nhân văn-Giai phẩm
 1   2 
 
Lời toà soạn (tạp chí Văn nghệ) – Tháng 3 vừa qua, tiếp theo hội nghị học tập của các văn nghệ sĩ đảng viên, Tiểu ban văn nghệ Trung ương Đảng đã tổ chức một lớp nghiên cứu cho 304 văn nghệ sĩ và cán bộ văn hoá, nghiên cứu những bản tuyên ngôn lịch sử của hội nghị các đảng cộng sản và công nhân ở Mạc Tư Khoa, và nghiên cứu về tình hình trong nước. Sau đó, liên hệ và tình hình văn nghệ, đấu tranh với những tư tưởng thù địch, những hoạt động phá hoại, phê phán những tư tưởng sai lầm.

Những phần tử tích cực trong nhóm phá hoại Nhân văn-Giai phẩm như Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh, Sĩ Ngọc v.v… cũng được đến dự lớp này. Trước ánh sáng của tư tưởng vô sản, trước sự thật rõ ràng và do sự đấu tranh kiên quyết, sự giúp đỡ nhẫn nại của anh chị em văn nghệ sĩ, các phần tử tham gia Nhân văn-Giai phẩm đã bước đầu thú nhận những sai lầm tội lỗi của bọn họ với toàn thể anh chị em văn nghệ sĩ. Tuy vậy, một số phần tử vẫn chưa từ bỏ hết thái độ ngoan cố, vẫn quanh co giấu diếm. Thậm chí trong lớp học, họ tìm cách khống chế lẫn nhau, không cho nhau hối cải và tiến bộ.

Để các bạn hiểu rõ hơn tư tưởng chống nhân dân, chống chủ nghĩa xã hội, chống Đảng của những phần tử Nhân văn-Giai phẩm, chúng tôi trích đăng một số đoạn trong các văn bản tự kiểm thảo của Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán… Vì số trang hạn chế, chúng tôi chỉ trích một số đoạn ngắn, những đoạn này vẫn chưa phản ánh được đầy đủ tư tưởng, sáng tác và hành động phá hoại của nhóm Nhân văn-Giai phẩm.

Đối với những quan điểm chính trị và nghệ thuật phản động, những sáng tác đầy nọc độc của bọn họ chúng ta còn phải tiếp tục đem phân tích, phê phán, để tẩy rửa cho sạch.
Những lời thú nhận của Trần Dần (trích)

… Sự hung hăng của tôi buộc lòng trên phải có những biện pháp tương xứng (Trần Dần phá kỷ luật bộ đội phải giữ lại trong doanh trại để kiểm thảo. L. T.S). Về căn bản là đúng cả. Tôi lại cho là giam, kiểm thảo chỉ qua quít: nhận phương pháp đấu tranh là sai, vô chính phủ; còn căn bản ý kiến tôi là đúng. Thời gian này, tôi làm một số thơ về tình yêu, về việc xin ra Đảng… giọng ai oán Đảng và lu loa kêu oan! Bài “Nhất định thắng” sinh ra trong cái nôi những tư tưởng chống đối như thế. Dưới chiêu bài “phát hiện những mâu thuẫn xã hội”, “chống công thức, tìm cái mới”, bài “Nhất định thắng” bôi đen miền Bắc. Thất nghiệp hàng ế, đi Nam, hai năm không thống nhất được v.v… và cái điệp khúc “mưa sa trên màu cờ đỏ” nó nhận mạnh: “Đảng là nguyên nhân của cái xã hội thê thảm này.” Những sự quy kết khác ép cho địch, thực chất chỉ là chiêu bài. Có những câu đả kích cán bộ chính trị “nhà chính trị lắm mưu trong bụng” về sau in xoá đi. Bài “Nhất định thắng” là một cuộc đánh thẳng vào tư tưởng của Đảng, trắng trợn và hung hăng.

Sau thời gian đó; trên có cho tôi đi tham quan cải cách ruộng đất để tự cải tạo. Song, tôi lại dựa vào cái thế tham quan, cứ đi lại Hà Nội, tiếp tục quan hệ với một người vợ chưa được phép. Hơn nữa lại quan hệ với Hoàng Cầm, Lê Đạt, ra Giai phẩm mùa xuân. Tuy là họ đề ra, song sau khi thống nhất trước với nhau là: “Tự do lấy bài tôi đưa vào”, thì tôi hoàn toàn đồng tình. Mỗi lần gặp lại thúc đẩy, dục dã, ra cho nhanh. Việc tập hợp bài vở, tôi không rõ chi tiết. Bài “Lão rồng” là do tôi viết. Tôi ví đồng chí Văn Phác như tên lý trưởng đã chà đạp lên Lão rồng.

Còn bài “Anh Cò Lấm”, tôi vu cáo cho Đảng là “phao phí con người” trong số đó có tôi. Thêm nữa, tôi nhìn cải cách ruộng đất không ra gì, nó cũng phản ánh vào bài đó.

Cũng thời gian cải cách ruộng đất tôi có viết dở một cái tiểu thuyết về cải cách ruộng đất, bôi nhọ cải cách ruộng đất. Trước những hành động phá phách, nhất là những sáng tác có tính cách chống đối về chính trị như thế, nhất định lãnh đạo phải có biện pháp kiên quyết: bắt tôi và hỏi xem lý do nói ra sao? Nhưng tôi hiểu ngược đi: từ đó rất căm đồng chí Tố Hữu. Mồng bốn Tết tôi vào nhà giam (Trong khi bị giam, Trần Dần vẫn được đối đãi theo tiêu chuẩn cán bộ - L.T.S.) Tư tưởng tôi vẫn ngoan cố, không chịu nhận lỗi, việc tự tử chỉ là giả vờ, tôi còn muốn sống lắm, đó chỉ là một hình thức đấu tranh với Đảng.

Tóm lại, suốt thời gian này, trên một năm, tôi đã đi từ những bất mãn cá nhân, nó cứ phát triển lên mãi với sự tấn công của thành trị, dần dà thành một khuynh hướng tư tưởng và văn nghệ chống đối có mầu sắc tư tưởng Hồ Phong, núp dưới hai khẩu hiệu chiêu bài: “Chống công thức” và “mới”.

Thời gian này là nhóm chống đối thành hình hẳn. Nó tự võ trang bằng lý luận “hệ thống Staline”. (Đối với riêng tôi, lý luận đó thay thế chữ chủ nghĩa cộng sản phong kiến của giai đoạn trước.)

Nhóm này chưa có hành động gì, là vì chưa có thời cơ, nó như kiểu mài nanh rũa vuốt. Thời gian tuy ngắn, trên dưới vài tháng, song tư tưởng chống đối đã được võ trang lý luận khá đầy đủ. Mỗi lần bọn tôi gặp nhau là một lần đầu độc lẫn nhau nặng thêm và cứ tự phong cho nhau là những lá cờ về nghệ thuật.

… Đến lớp học mười tám ngày, Nguyễn Hữu Đang từ lâu nằm phục xuống, nhờ cơ hội này đứng dậy phất cờ. Nếu không có Đang sẽ không có tham luận với những đề nghị: Gặp Trung ương, ra báo v.v… mà cũng sẽ không có tờ Nhân văn.

Tư tưởng chống đối trong tôi cũng ngóc dậy. Tuy đồng tình với Nguyễn Hữu Đang, song không đồng tình về phương pháp, nên một hôm tôi cùng Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, kéo đến Nguyễn Hữu Đang đấu hắn một chập. Đại ý: Chưa nên đánh thẳng vào đường lối chính sách của Trung ương, hãy tập trung vào Tố Hữu và cán bộ trung gian mới thắng được. Đang lên tham luận có chiều theo ý chúng tôi một phần đó chỉ là khác nhau về chiến thuật.

Lúc đó, tôi cũng muốn nhân cơ hội này, duy trì phong trào cho khéo, rút kinh nghiệm kỳ đấu tranh trước ở quân đội, tránh manh động, cứ dần già ăn từng miếng xét lại “Nhất định thắng”, xét lại Giai phẩm mùa xuân, xét lại thơ Tố Hữu, rồi đi đến đưa các vấn đề văn nghệ phát hiện mâu thuẫn xã hội, tự do sáng tác v.v… hòng buộc Đảng công nhận các thứ lý luận văn nghệ chống Đảng ấy, công nhận các kiểu sáng tác phá phách, đáng vào Đảng như thế. Đồng thời công nhận vai trò đi tiên phong của tôi và của nhóm Giai phẩm mùa xuân! Như vậy tôi sẽ trở thành một ngọn cờ trong thơ ca Việt Nam! Một Chef d’école. [1]

Nguyễn Hữu Đang định kéo nhóm Giai phẩm mùa xuân làm vốn cho hắn ra báo, đấu tranh với Đảng, vì từ lâu hắn đã ngửi thấy ở đó có vấn đề có thể kiếm chác được. Vấp phải sự dùng dằng [2] không muốn tham gia của nhóm Giai phẩm mùa xuân (vì nhiều lẽ), hắn kéo lẻ từng người. Đầu tiên là Hoàng Cầm.

Một hôm Hoàng Cầm đến tôi lắp lại ý muốn Nguyễn Hữu Đang nói rằng “Vấn đề mày chúng tao sẽ nêu trang một. Mày đừng nhận gì với lãnh đạo vội.” Tôi đồng tình ngay, cá nhân được phỉnh nịnh vả nó cũng nằm trong chương trình của tôi rồi. Sau đó Hoàng Cầm đọc cho nghe “Con người Trần Dần”, bản thảo đầu. Tôi gật đầu. Đến khi Nhân văn thông qua bài số 1, tôi đến, thấy hỗn độn táp nham quá, mình dự đây là dại, nên nửa chừng bỏ về. Lúc đó tôi đã nghi Nguyễn Hữu Đang, cho là thằng quá tả, vấn đề gì cũng định đưa ra công khai, tôi cho rằng hắn sẽ làm hỏng phong trào của lớp học mười tám ngày thôi. Sẽ lại thất bại như hồi bộ đội. Nên tôi tự đặt nhiệm vụ dùng Hoàng Cầm, Lê Đạt mà ghìm hắn lại. Còn bản thân tôi, tôi chỉ tham gia lối ném đá giấu tay, làm vừa vừa thôi, lãnh đạo có biết cũng không sao! Nếu phong trào thất bại (mà chắc là thất bại) thì Đang nó sẽ phải chịu! Tôi đi tham quan sửa sai Cải cách ruộng đất. Lúc tôi ở Hải Dương về, Nhân văn số 1 đã ra đời, riêng Hà Nội tôi thành “L’homme du jour” [3] , bụng thích lắm. Bộ đội bảo tôi cải chính bài Hoàng Cầm, tôi dùng dằng kéo dài, về sau nhân có thông cáo của bộ đội tôi dựa vào đó từ chối không cải chính nữa. Hoàng Cầm định cải chính, tuy tôi không xui hắn ra lời, song thái độ quá lạnh nhạt, về sau báo Nhân văn không đăng bài ấy, tôi càng thích.

Đi tham quan sửa sai về, tôi nói: Viết về Cải cách ruộng đất bây giờ phải đánh Trung ương là chính, thứ nữa mới đánh cán bộ, thứ nữa mới đến cốt cán. Ở trại Cải cách ruộng đất, bênh vực cổ động tích cực cho báo Nhân văn, và kều bài “Thi sĩ máy” của Như Mai, và về sau “Xuống trần” của Mai Hạnh.

Khoảng số 2 Nhân văn, Lê Đạt lên trại Cải cách ruộng đất tìm tôi, hỏi ý kiến về việc thằng Đang định kéo Lê Đạt vào thường trực. Tôi bảo trước sau phong trào này cũng sẽ bị vỡ thôi. Vì thằng Đang nó ở đâu đến văn nghệ ỉa bậy ra đấy lại bọn mình phải hót. Tôi xui Lê Đạt tham gia ghìm nó lại, và nói một câu tối phản động: “Mày làm như Các Mác với Ba lê Công xã ấy. Biết là thất bại, song vào mà giải bớt thất bại đi.”

Rồi suốt đến hôm về sau tôi lăn lưng vào sáng tác, ở trại Cải cách ruộng đất ban ngày, sáng đi tối về, gặp ai thì lại phun ra những luận điệu đối lập với Đảng, góp ý kiến với Lê Đạt, Hoàng Cầm, chủ yếu nhắc nhủ họ ghìm Nguyễn Hữu Đang lại, kéo nó về vấn đề văn nghệ. Hồi ấy mọi chính sách và nhận định về thời sự của Đảng ý kiến của tôi đều đối lập. Ví dụ: Cải cách ruộng đất ruộng đất theo tôi không thể gọi là thắng lợi căn bản. Vấn đề Hung-ga-ri, tuy công nhận địch là nguyên nhân trực tiếp, song tôi nhấn mạnh đến nguyên nhân sâu xa là tập đoàn Racôxi. Vấn đề tự do và chuyên chính, tôi nói: Ta thừa chuyên chính bố láo rồi, chỉ thiếu tự do thôi. Nhất là trong địa hạt văn nghệ thì không thể nào dùng biện pháp hành chính được. Đó là tư tưởng rất sai lầm phản động.

Còn sáng tác tôi chỉ xin đơn cử vài ví dụ:
  • “Nói thật” (thơ) cho rằng cán bộ ta không dám nói thực với Đảng, nên mới xẩy ra như Cải cách ruộng đất, và công thức trong xã hội.

  • “Nhân văn làm lớn mọi con người” (thơ) nhân để hoan nghênh Đại hội lần thứ hai mươi để chửi cán bộ ta là không dám suy nghĩ, là chỉ suy nghĩ bằng cấp trên. Chỉ có tôi (và báo Nhân văn) là có óc suy nghĩ đối lập, không giao cho bất cứ ai suy nghĩ hộ mình!

  • “Một bài thơ chưa có đề”. Tôi đánh “Những nhà thơ ti tỉ đờn bầu” (ám chỉ trường thơ Tố Hữu). Cho là xoàng cả. Chỉ có tôi là nhà thơ “Vận tải trên mọi mặt trận của quần chúng hàng tấn cả gan”. Tự xưng hùng xưng bá trong thơ ca như vậy.

  • “Chú bé làm văn” (truyện) nhà chú khổ nhưng chú phải làm một bài văn “Tả cảnh gia đình êm ấm của anh trong một buổi tối”. Thế là chú bé nói giối suốt bài văn. Mục đích bài này là để vu cáo cho ta giáo dục mọi người nói dối từ thuở bé, cho rằng sự giáo dục của ta, là chỗ dựa, là cơ sở của nạn bôi hồng trong văn nghệ.

  • “Mâu thuẫn với cả nước” Tả một anh nhạc sĩ bất tài, chỉ có tài sử dụng lập trường (ám chỉ Lương Ngọc Trác) nên được trên tin cậy. Còn anh nhạc sĩ khác có tài, mâu thuẫn với anh nhạc sĩ kia, thì lại bị kiểm thảo, đâm ra mắc lỗi “mâu thuẫn với cả nước”. Bài này đánh và xuyên tạc chính sách đối với cán bộ văn nghệ của Đảng.

  • Vân vân… như “Cái đầu trọc”, “Mẹ sự đời”… đều là cái loại đả kích vào các chính sách của Đảng cả. Nếu đọc cả một đống như thế người ta sẽ cảm thấy sự lãnh đạo của Đảng là một sự ngột ngạt, không thể nào sống nổi.
Đi đôi với những sáng tác như thế tôi phát ra những luận điệu bênh che cho nó. Chẳng hạn sáng tác phải phát hiện mâu thuẫn xã hội; người sáng tác phải có quyền và có gan như nhà viết sử thời xưa, vua chém đi hàng sáu người, đến người thứ bảy vẫn chép sử đúng như sự thật, vua đành phải chịu vậy. Hoặc nói người sáng tác phải đi đầu, bây giờ là phải đứng ở mũi nhọn đấu tranh với chủ nghĩa Staline… Toàn là những luận điệu phỉnh nịnh và hô hào người ta đi vào con đường chống Đảng.

Khoảng Nhân văn số 3, tôi được cử đi gặp Trung ương Đảng. Tôi chuẩn bị kết án sự lãnh đạo văn nghệ trước, và đòi trăm hoa đua nở. Song mọi người nói cả rồi nên thôi (sau có viết bài đăng báo Nhân văn). Trước cuộc họp toạ đàm này, Nguyễn Hữu Đang có họp, tôi không dự, nội dung đâu như chuẩn bị ra một số đặc biệt, lợi dụng cuộc toạ đàm với Trung ương đem mọi lời phát biểu phơi trần ra công khai đánh vào Đảng. Tới Nhân văn số 4 tôi nhận được giấy triệu tập đến họp về vấn đề: Báo có chuyển sang chính trị hay không? Trần Duy ký. Địa điểm ở nhà Trần Duy. Thực ra từ số 1 bọn Đang, Phan Khôi đã đòi làm chính trị và báo Nhân văn đã đề cập đến vấn đề tự do dân chủ ở mức độ nào đó rồi. Âm mưu chính trị có từ đó, đến nay nhân thời cơ thế giới, bọn họ muốn đẩy mạnh phần chính trị lên hòng làm sôi sục tình hình Việt Nam, gây ra những sự biến chính trị, nếu có thể. Tôi ngửi thấy sự nguy hiểm đó, tuy không rõ. Đến cuộc họp tôi can họ “sang chính trị sẽ bị bóp chết ngay.” Vẫn chỉ là cái ý thức sợ phong trào bị tổn thất nặng. Song Trần Đức Thảo (tôi gặp lần đầu) hắn nói: “Văn nghệ và chính trị không thể tách được, không có tự do dân chủ, làm sao có tự do sáng tác? Báo nên sang mọi vấn đề chính trị tuỳ cách mà bàn thôi!” Ý kiến hắn có poids [4] , cuộc họp bị hắn dắt mũi đi.

Tình hình gay gắt lắm rồi, tôi tìm Văn Cao. Văn Cao bảo “nên vận động đóng cửa báo, anh em đỡ thiệt hại, trên có đánh sẽ bị hẫng! Tôi hoàn toàn đồng ý. Đi vận động một số người đã ngả rồi, đến cuộc họp có Trường Xuân dự (bịa tin là Hồ Chủ tịch bảo con dao mổ trâu không đem giết gà) thì anh em lại bị bọn Trần Duy, Trường Xuân chúng dắt đi.

Những lúc gay như thế, tôi càng lăn vào, cốt ngăn cho đỡ tổn thất. Từ số 3, tôi cho vợ đi bán báo, vừa vì túng tiền, vừa coi như “nghĩa cử”. Rồi lại biết chắc rằng báo sắp bị đóng cửa, tôi đành vớt một bài “Không có lý do gì không tán thành Trăm hoa đua nở” (ký tên H L), để khi báo chết rồi, ít nhất mình cũng đã nói được một tiếng. Tôi lại đưa “Chú bé làm văn” cho Giai phẩm, sau Minh Đức định đăng trong báo “Tự do diễn đàn” nhưng không ra được. Cũng là cái lối trước lúc chết còn cố quẫy lấy được vài quẫy! Đó chính là những đòn đánh vớt lại của tư tưởng thù địch của tôi. Nhưng sự kiện thế giới trong nước ngấu trong tôi. Nhiều lúc tôi cũng mong có những cuộc biểu tình, chủ yếu là văn nghệ, sinh viên và trí thức, thật có trật tự không đổ máu, để mà yêu sách Trung ương cải tổ chính sách nới rộng dân chủ! Những ý phản động và dã man đó của tôi tôi không đem nói với ai.

Trong suốt thời gian Nhân văn từ số 1 đến số 6, bọn phản động, bọn tờ-rốt–skít, bọn gián điệp đã đánh hơi thấy mùi nhau, câu kết lại ra sao tôi tuy hiện nay chưa rõ, song có thể khẳng định truyện đó có, chúng đã gọi nhau bằng báo Nhân văn, và bản thân báo đó đã là một tổ chức “quần chúng” tập hợp những phần tử chống Đảng, âm mưu gây những sự biến ở miền Bắc.

Nhóm Giai phẩm mùa xuân hồi đó tạm thời phân tán, người nằm vào hẳn báo Nhân văn, như Hoàng Cầm, Lê Đạt. Người ném đá giấu tay như tôi, Tử Phác, tư tưởng đã hoàn toàn đứng bên trận tuyến địch bắn lại ta. Còn như Văn Cao, Đặng Đình Hưng thì đứng ngoài ủng hộ và nhân đó mà hoạt động phối hợp bên Nhạc. Đến lúc báo Nhân văn đã tự lột mặt nạ trước quần chúng một phần, và nó đã đi tới một mức hung hăng (số 6), buộc lòng ta phải cấm. Tôi một mặt chống biện pháp cần thiết đó, một mặt đi lại với anh em, an ủi nhau, hòng tập hợp lại; một mặt tôi cứ trách Nguyễn Hữu Đang và Lê Đạt đưa anh em đến chỗ chết. Tôi lại khuyên anh em nên quay về nhằm sáng tác “sự nghiệp” bọn mình là đó. Viết bây giờ nên làm lối “xôi đỗ” thôi, tức là đả kích xen ca ngợi, thì lãnh đạo cũng phải bằng lòng. Ngay cả nghĩa chữ ca ngợi tôi cũng bóp méo đi là: ca ngợi những người simples gens (những quần chúng bình thường) họ hy sinh nín nhịn, làm nhiều hưởng ít, “lương ba vạn sáu mà xây dựng chế độ” họ không đáng ca ngợi sao? Lý luận ấy vốn vẫn là cái lối đối lập quần chúng với Đảng, đối lập nhân dân với lãnh đạo, nó nằm trong hệ thống tư tưởng chống đối của tôi.

Sau Nhân văn tôi xin ra bộ đội, tình hình tư tưởng vẫn như cũ, tức là nhìn phe ta, Đảng ta như là Stalinisme, và coi việc sáng tác là để đả kích vào đó. Con mắt nhìn chế độ vẫn là con mắt ảm đạm và thù địch.

Tư tưởng chống đối của tôi nó còn cọ quậy tích cực một thời gian trong những việc:
  • Đồng ý với Lê Đạt bảo Hoàng Cầm xin lãnh đạo cho ra báo.

  • Mong ngóng nhà xuất bản của Văn Cao dự định (nhưng không thành).

  • Cùng Văn Cao, Hoàng Cầm, Lê Đạt do Trần Duy dắt đi tôi cùng đến một người ở phố Hàng Bồ, nghe nói hắn ta định ra nhà xuất bản. Song qua câu chuyện bữa ăn hôm đó, chúng tôi thấy đó chỉ là chuyện bàn hão.

  • Tôi bàn với Tử Phác lên xin đồng chí Tố Hữu cho ra nhà xuất bản dịch, hoàn toàn chịu sự lãnh đạo về chương trình dịch, hòng làm cái noyau chờ thời và giúp lẫn nhau kiếm tiền sinh sống.
Những cọ quậy đó đều vấp phải những sắc luật và thái độ của lãnh đạo, tức là bị vô sản chuyên chính phá vỡ, đánh lùi.

Tôi nghĩ bây giờ cọ lắm sẩy vẩy, phải tìm những cách khôn khéo hơn. Văn Cao có đề ra ý kiến: “Bây giờ cứ nắm cơ sở, tức là nắm các nhóm sáng tác, lâu dần nhân tâm sẽ hướng về mình, khắc sẽ trở thành Chef d’Ecole!” Tôi hoàn toàn đồng ý. Từ đó tôi áp dụng một cái jeu serré [5] hơn trước. Tôi hay nói với anh em: “Võ phải kín mới được. Trước hở quá rồi, đấu tranh bộ đội, Giai phẩm mùa xuân, Nhân văn đều manh động, vaines agitations cả [6] . Chỉ có chui vào sáng tác tức là cái giáp trụ rắn nhất đánh cũng không chết!”

Đối với tổ chức tôi giữ thái độ mềm mỏng, đặt đâu ngồi đấy, sai gì thì làm, không “mua việc”. Đó chỉ là cái lối giữ miếng gầm ghè. Tôi còn nói: “Không nên giữ vai trò trọng yếu trong tổ chức. Chẳng hạn kỳ bầu Ban chấp hành Hội Nhà văn, có ý kiến đưa tôi ra, tuy cá nhân được phỉnh nịnh, song nghĩ đi nghĩ lại, tôi nói với Văn Cao và Lê Đạt, đại ý nói rằng: “quyền rơm vạ đá! Ra làm tức là để cho lãnh đạo nó sai khiến mình, mượn tay mình mà áp đảo phong trào, mình sẽ bị mất quần chúng! Nhất định thế. Tội gì? Thà cứ sáng tác, nhân tâm người ta chán nó, nó lạc hậu, người ta sẽ bỏ nó mà theo mình. Vậy có hơn không?” Đó là lý luận rút ở Les mains sales (Jean Paul Sartre), dạo ấy tôi mượn của Hoàng Tích Linh xem, người cứ ngây ngất hàng tháng, tư tưởng phản động ngấm vào càng sâu. Tôi nằm phục xuống viết Việt Bắc khởi công từ Đại hội Văn nghệ. Rồi tôi nghiên cứu thời Lê Mạt, Quang Trung, lấy truyện cũ để xuyên tạc thời nay. Tiếu Lâm cũng soạn trong khi nghiên cứu thời Lê Mạt đó, dưới từng chuyện lại có chua thêm vài lời bàn sỏ lá để người đọc liên hệ với thời nay, sau khi in thì tôi bỏ đi, để cho võ kín. Cũng vì cái jeu serré đó; mà tôi từ chối một số ý kiến của Nguyễn Hữu Đang hắn xui tôi cho vào cái tựa (ví dụ: viết lời giới thiệu làm sao cho người ta thấy thời phong kiến nó không đàn áp tiếu lâm, nó còn rộng rãi hơn ta bây giờ). Cũng vì cái jeu serré mà tôi không chịu giới thiệu Đứa con (Đỗ Đức Thu) lúc ấy Nguyễn Hữu Đang làm một chiến dịch phục hồi văn chương thời Tự lực Văn đoàn, hắn đi kều tựa, kều cả Văn Cao, Lê Đạt, tôi bàn với anh em: “Tội gì, mình đấu tranh để đội đít bọn Tự lực mà mình cho là xoàng xĩnh ấy lên?” Thực ra đó cũng chỉ là một thứ võ kín.

Những biện pháp của vô sản chuyên chính như các sắc luật về báo chí, xuất bản, và ngay cả bản thân chữ vô sản chuyên chính, tôi đều coi là chủ nghĩa Staline hết.

Rồi báo chí Pháp nói về Ba lan, việc phục hồi những văn nghệ sĩ Liên xô bị xử trí hồi Staline (Pasternak, Block, Babel v.v…) việc xử trí nhóm bảo thủ Malenkov v.v… tất cả đều bị tôi xuyên tạc đi, củng cố thêm cho cái đầu óc đối địch của tôi. Nhìn tình hình văn nghệ và tình hình viết lách của ta, tôi sung sướng thấy nó có khác trước, nó đã “biến” rồi, tức là nó đã ngả sang có lợi cho tôi. Nhất là Temps modernes tôi xem phục nhất là truyện “Derrière le mur de briques” (Sau bức tường gạch) của Tibor Déry (còn thơ thì cho là xoàng, trắng trợn). Và tôi đem thủ đoạn symbole équivoque của văn nghệ sĩ phản cách mạng Hung-ga-ri vào sáng tác của tôi để đối địch với hệ thống “quan liêu” tưởng tượng của Việt Nam. Trước đó thủ đoạn biểu tượng hai mặt symbole équivoque ấy tôi cũng có làm, song làm một cách tự nhiên chưa thành lý luận.

Một thời gian, chủ nghĩa xét lại bị dồn đánh trên thế giới, lý luận phản động của tôi về cái gọi là “chủ nghĩa Staline” cũng bị lung lay, tuy chưa chịu rút lui. Thì xung quanh [7] có mọc lên cái lý luận hay phe trong các Đảng là hiện tượng tất yếu trong sự phát triển lịch sử. Về sau mới biết đó là lý luận của Trần Đức Thảo, tôi nghe còn hồ nghi, không biết có phải đích của Trần Đức Thảo hay không. Đến lúc tôi đi Hồng gai với Lê Đạt thì gập Trần Đức Thảo ở ngoài phố, kéo nhau vào hiệu kem, rồi nga ngồi ngâm vịnh, nói chuyện. Đó là lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng tôi gập Trần Đức Thảo. Chỉ trong một buổi hắn nói từ thế giới, Khơ-rút-sốp cải lương, Mi–côi–ăng tiến bộ, đến trong nước phe tiến bộ, phe bảo thủ, cho đến hiện thực xã hội chủ nghĩa: Phải trình bày cả mầm mống sinh thành với mầm mống tiêu diệt chế độ! Ở mồm hắn thì tôi tin. Thế là tư tưởng chống đối của tôi đang bị lung lay ở lý luận “hệ thống quan liêu”, nay nó vớ được cái cọc “tập đoàn quan liêu ở Việt Nam”, bèn bám lấy cố thủ. Thực chất nó cũng chỉ là một biến tướng khôn khéo giảo quyệt của lý luận “hệ thống quan liêu” mà thôi.

Nó đã là vũ khí cho tôi để làm tiếp bảy đoạn thơ Việt Bắc, và chữa lại bẩy đoạn trước đã làm xong. Luôn luôn tôi gài vào những biểu tượng hai mặt như gài mìn. Và khắp bài tôi gài cái điệp khúc: “Đi! Chống bọn nằm ỳ! Bọn không sáng tạo”. Nó là lời hô hào có ý thức phát động quần chúng đấu tranh chống tập đoàn bảo thủ tưởng tượng ra ở Việt Nam. Bài thơ kết thúc bằng: Hãy đi mãi! Nó cũng là lời hô hào nhấn mạnh và tập trung kèn sáo contre basse [8] để hô hào cho nó trầm hùng hơn! Cũng thời gian sau Nhân văn đó, tôi viết “Ông tiên thông minh”. Viết cho thiếu nhi mà cũng đầu độc: gọi anh lười là con mèo, anh hỗn là con gấu, anh ưa nặng là con lừa, anh nịnh hót là con chó ăn cứt. Bốn cái giống ấy để có ở quanh Ngọc Hoàng cả (ám chỉ là quanh Đảng), phải nhờ đến tay một ông tiên thông minh (ám chỉ là bọn chúng tôi), mới quét sạch đi được.

Trong chuyện “Hoạ sĩ Lý Nhân”, tôi cũng mượn thần thoại bịa ra một anh hoạ sĩ trẻ có tài. Anh ta vẽ cái gì, cái ấy liền hiển hiện lên. Như anh vẽ cây nến, thì cây nến cháy, tuôn ra một thứ ánh sáng kỳ dị thần tiên. Vẽ ông lang, thì ông lang ở trong tranh bước ra, bốc thuốc cho người nghèo. Về sau hoạ sĩ vẽ hiệp sĩ để tung ra đời hàng loạt người cứu thế! Anh ta vẽ mãi mà không thấy nó biểu hiện được chỉ vì anh ta muốn vẽ một hiệp sĩ “toàn diện”, không thấy rằng một hiệp sĩ chỉ là một người thường như mọi người có mỗi điểm khác và hơn mọi người là cái tính hiệp sĩ (ám chỉ lý luận con người mới và tô hồng). Sau đó anh hoạ sĩ đi học võ, lăn lộn với đám hiệp sĩ giác ngộ ra chân lý ấy thì tự nhiên vẽ hiệp sĩ nó hiển hiện lên ngay, ra đời cứu thế, đánh vua quan. Bản thân hoạ sĩ Lý Nhân cũng bị triều đình truy nã, bao phen đều được nhân dân và hiệp sĩ cứu thoát. Truyện này chẳng có nghĩa gì khác là xui người ta dùng ngòi bút để viết chống đối quan liêu Việt Nam không nên sợ hãi gì cả.

Trong một cuốn tiểu thuyết viết dở tôi exploiter [9] cái drame [10] một anh cán bộ viết báo chí bị bắt hồi Cải cách ruộng đất vì nghi oan, lúc trở về thì người vợ trẻ đẹp đã lấy một anh cán bộ khác. Thảm kịch bắt đầu diễn ra giữa bộ ba đó, họ đều là nạn nhân của Đảng mà loay hoay không có lối ra. Đó là lối khoét sâu vào những trường hợp cái sai của Đảng không thể nào sửa sai được!

Trong vở kịch Farce tên là “Con vẹt”, tôi ví anh giáo điều như con vẹt, và dùng một hình thức ngộ nghĩnh chia sân khấu làm đôi, một bên là anh viết báo giáo điều, một bên là con Vẹt to tướng, to bằng người thực, hai bên ăn nói và cử chỉ hệt nhau.

Trong truyện ngắn “Hai chú bé đêm giao thừa”, tôi tả cái Hà Nội ảm đạm một đêm giao thừa, hai đứa bé trốn trại thiếu nhi ra, đi lang thang, sống cuộc đời hè phố, tuy nhục và khổ, song không lộn về trại. Tôi nói cái tâm trạng của tôi không muốn trở về với tập thể. Không những chỉ trong sáng tác, ngay trong việc dịch tôi cũng vẫn nhằm quan liêu mà đánh; Ví dụ dịch Bretch Cái mặt nạ hoặc Những người ở trên không ở đó mãi đâu. Hoặc đánh vào lãnh đạo văn nghệ, dịch Gorki, Tchékov cho người ta thấy sự lãnh đạo của mình gò bó ngòi bút. Dịch Le portrait của Gogol để nói một điểm: Vẽ cho bọn quý tộc là con đường tiêu ma nghệ thuật. Hoặc góp thêm vào cái ảm đạm của tình hình, tôi dịch Crime et Châtiment của Đốt, tôi nghĩ xã hội này thì hoặc là cười (tiếu lâm) hoặc là khóc mà phản đối nó mà thôi!
Vân vân…

Tất cả cái gọi là sự nghiệp chống công thức, tìm cái mới của tôi chỉ là sự nghiệp chống Đảng ngày càng trầm trọng và khôn khéo hơn, như thế mà thôi.

… Con đường tôi đã đi là đi từ những bất mãn cá nhân đến chống Đảng, ngày càng trầm trọng.

Đi từ chống đối hung hăng đến chống đối tinh vi.

Đi từ tư tưởng tiểu tư sản hưởng lạc, tự do vô chính phủ đến tư sản phản động, chủ nghĩa xét lại và tư tưởng tờ-rốt–skít.

Tôi tưởng tôi là một người có óc suy nghĩ độc lập; nhưng sự thực chứng tỏ tôi chỉ là một con bài, một con rối mà bọn xét lại, bọn tờ-rốt–skít, bọn đế quốc xử dụng tuỳ thích.

Tôi tưởng tôi là một thứ martyr [11] vì dân vì Đảng; nhưng sự thực chứng tỏ dối dân, dối Đảng, tôi là một kẻ tội đồ, mà dân ta, Đảng ta còn chưa trừng trị.

Tôi tưởng tôi là một nạn nhân của quan liêu; nhưng sự thực chứng tỏ tôi là một kẻ tội nhân, ngỗ nghịch và mưu cơ đã gây ra nhiều tội lỗi đối Đảng, đối nhân dân, đối bạn bè, đối văn học.

Tôi tưởng tôi theo chân lý, bênh vực cho những lý luận mới mẻ nhất, tiên phong nhất của lịch sử; nhưng sự thực chứng tỏ tôi đã chạy theo những thuyết phản động, muốn hay không, tôi đã là một thứ tay sai đắc lực của bọn xét lại tờ-rốt–skít - bọn đế quốc!

Tôi tưởng con đường tôi đã đi là con đường hy sinh cao cả, “chemin de calvaire” sự thực chứng tỏ đó chỉ là một con đường tội lỗi nhơ bẩn mà hình phạt vẫn còn chưa xứng tội!

Thực ra những luận điệu của bọn xét lại, bọn tờ-rốt–skít chỉ là những sự vu khống ọp ẹp, vót bằng nan tre, sao mà tôi đã lại coi được là những chân lý mới mẻ? Từ hiện tượng cá nhân đồng chí Staline sai lầm trong cuối đời, mà chúng ta đưa lên thành chủ nghĩa Staline, bao trùm thế giới xã hội chủ nghĩa, đó chỉ là một sự cải biên của luận điệu cũ rích “độc tài đỏ”, sở dĩ tôi ăn được, chỉ là vì tôi đã đứng cùng trận tuyến của chúng mà thôi. Luận điệu hai phe trong Đảng có hơn gì? Nó là một sự cải biên nham hiểm của luận điệu “hệ thống quan liêu”, trước những sự tấn công của chân lý mác–xít. Thực chất, tất cả mọi luận điệu đó đều là đánh vào vô sản chuyên chính, làm cho người ta nghi ngờ, chán ghét nó, thậm chí nổi lên chống nó, sở dĩ chấp nhận được, chỉ là vì tôi đã đứng bên hàng ngũ bọn chống Đảng…

… Trong ba năm qua, tôi đã sống hèn nhát, đau khổ vì hằn học. Một chuỗi ngày u mê, nó tiêu ma sức lực vật chất và tinh thần. Những tia sáng lành mạnh ngoi lên, không đủ sức, lại ngập chìm trong bóng đêm. Tư tưởng thù địch phá rỗng tâm hồn tôi, lại theo ngòi bút và tiếng tôi nói bay đi phá phách những tâm hồn bạn, ngây thơ, dễ tin và bịp lừa.

Những tội lỗi đó, tôi làm tôi chịu. Tôi biết rằng phải có sự nỗ lực, phải có thời gian, phải có sự viện trợ của khách quan, tâm hồn tôi mới có thể sửa sang lại được. Nhưng, từ lúc này, tôi không thể quên được bọn địch, những tên đại bợm tàn nhẫn, chúng sống quanh ta, lăm le hễ ai sơ hở là ẩy người ta xuống như ẩy một hòn đá, phăm phăm lao thẳng xuống vực xâu mà vẫn tưởng tự mình lao đi, tự nhiên và tự ý!



[1]Chef d’école: thủ lĩnh trường phái nghệ thuật
[2]Nguyên văn: rùng rằng (talawas)
[3]L’homme du jour: người được dư luận chú ý
[4]Ý kiến có poids: có sức nặng, có uy thế
[5]Jeu serré: nước bài chặt chẽ
[6]Vaines agitations: cựa quậy hão
[7]Nguyên văn: sung quanh (talawas)
[8]Contre bass: Một thứ đàn rất trầm để đệm tiếng
[9]Exploiter: khai thác
[10]Drame: bi kịch
[11]Martyr: tử vì đạo
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ, số 12, tháng 5 năm 1958 – Số đặc biệt thứ hai chống Nhân văn–Giai phẩm, trang 59-121. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.