trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
19.10.2007
Đinh Viết Tứ
Thử nghĩ qua sự chê bai của van den Haag về Marx
 
Đọc bài “Tính giả-khoa-học của chủ nghĩa Marx” của Ernest van den Haag do La Thành dịch đăng trên talawas ngày 5/10/2007, tôi giật mình về những nhận định thô thiển của vị giáo sư ngành luật, Đại học Fordham, Nữu Ước, Hoa Kỳ, về một chủ nghĩa từng làm rung chuyển toàn cầu, đã và đang đóng góp rất nhiều cho sự hoàn thiện chế độ tư bản chủ nghĩa cũng như các hình thái xã hội khác.

Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên mà cả hơn nửa thế kỷ nay tôi đã thấy hàng chục cuốn sách phê phán mang tính ngoài luồng về chủ nghĩa Marx được biên khảo và ấn hành tại Mỹ, bởi trước sự đe doạ từ tính thuyết phục đương đại của nó các “học giả” ấy chẳng có cách nào khác, đành phải chính trị hoá nó và mặc cho nó một lớp áo vải thưa che mắt thánh rồi phê phán không cần tính học thuật. Điển hình như bài dịch trên đây mà tôi tin rằng có sự trung thực với nguyên bản của van den Haag in trong bán nguyệt san National Review năm 1987.

Mở đầu bài viết, van den Haag cho rằng chủ thuyết Marx hiện “đang thống trị một bộ phận ngày càng hùng mạnh của thế giới, điều mà chúng ta đành phải cam lòng”; vậy mà tại Mỹ thuyết này “chưa đưa được nghiên cứu nhiều”. Nhưng theo ông thì chủ thuyết ấy “nếu không sai lầm thì đều vô nghĩa” bởi Marx “chưa bao giờ đặt nền móng trên những lý luận hàm chứa chân lý khoa học mà chỉ dựa trên hấp lực tâm lý”.

Ở đây ta đã thấy nhận xét của van den Haag đầy tính thô thiển mặc dù ông là nhà luật học và giảng dạy cả môn học công quyền mà không tiên đoán được hệ thống phe xã hội chủ nghĩa sắp sụp đổ trước sự bùng nổ của kỹ thuật truyền thông toàn cầu và các cuộc họp thượng đỉnh giữa cố Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan và Chủ tịch kiêm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev. Ông cũng không thấy hàng chục cuốn sách và hàng trăm tài liệu phê phán chủ nghĩa cộng sản, mà từ thập niên 50 đã được in ấn và đem cho không tại nhiều quốc gia mà nội dung chính là bài bác chủ nghĩa này. Thậm chí, có tác giả đã ví von rằng chủ nghĩa Marx như một “cây bất hạnh” (The Evil Tree - nhan đề một cuốn sách) có gốc rễ là Karl Marx và Friedrich Engels, Vladimir I. Lenin là người trồng cây, Joseph Stalin và Mao trạch Đông là hai người tưới bón để “cây bất hạnh” ấy mọc cao.

Một tác giả khác lại đưa ra phản biện về ý niệm giá trị lao động của sản phẩm (labor theory of value) bằng lối so sánh mập mờ khi hai người mò ngọc trai, người thứ nhất lặn 15 phút sau lấy được hai viên ngọc, người thứ hai hết cả buổi chỉ được một viên để đòi sự giải thích về giá trị của ba viên ngọc trên căn bản quan điểm của Marx (Vũ Quốc Thúc, giảng viên kinh tế học năm thứ nhất, luật khoa, 1961, tr. 187), nghĩa là lấy một trường hợp lao động may rủi để bác bỏ quan điểm của Marx trên căn bản lao động kỹ thuật và ổn định mà trong đó chỉ có sức lao động là “yếu tố động” còn các yếu tố sản xuất khác là “yếu tố tĩnh”, vì thế ông mới suy ra phần giá trị thặng dư nhờ yếu tố động để quy kết sự bóc lột của giới chủ nhân. Người ta còn đưa ra những thí dụ rất ngây thơ để nhằm bác bỏ bằng được quan điểm của Marx rằng nếu lao động làm nên giá trị sản phẩm thì chỉ cùng một lần in, sản phí như nhau, làm sao có đồng tiền trị giá 1$ có đồng trị giá 50$, 100$ hay 1.000$... Như thế, nếu tập trung các sách và tài liệu liên hệ về Marx ở Mỹ thì ta có thể chất đầy một cái tủ lớn mà sao van den Haag lại cho là “chưa được nghiên cứu nhiều”, phải chăng ông nhập đề như thế để tăng phần phấn khích độc giả cho bài viết của ông?

Và rằng “chủ thuyết Marx không sai lầm thì vô nghĩa” thì sao nó lại “đang thống trị một bộ phận ngày càng hùng mạnh của thế giới, điều mà chúng ta đành phải cam lòng”; tức là, có những người trong bộ phận đó chấp nhận chủ thuyết, còn những người cam lòng đành phải chấp nhận tức là trong đó toàn những người ngu đần hoặc bị bất lực hoá trước những điều Marx viết ra hay sao? Tôi không tin là như thế, bởi vì những lý luận của Marx xuất phát từ nhận định tình hình thực tế xã hội châu Âu hồi tiền bán thế kỷ thứ 19, mang tính nhân bản, kế thừa, hữu lý, mới mẻ và khoa học, nên đã chinh phục được tầng lớp công nhân cũng như giới nghèo thức tỉnh ngày càng đông đảo trên thế giới và họ lại là những người trực tiếp làm ra của cải cũng như giải quyết nhu cầu tồn tại và phát triển của xã hội.

Nhập đề phần 1, van den Haag viết: “theo gót nhiều tác giả Đức và Pháp…”, hà tất ông phải mỉa mai vậy, hay đó chỉ là phản ứng hiềm khích cá nhân? Cả Marx và Engels đều đánh giá cao vị trí của triết học Hegel (1770-1831) khi hoàn chỉnh thêm phép biện chứng đã được nêu lên từ thời Democrite (460-370 trước Tây lịch), Marx cũng xác nhận là phương pháp biện chứng của ông không những khác phương pháp của Hegel về căn bản mà còn đối lập hẳn với phương pháp ấy nữa. Sự xác nhận công khai thế mà còn bị mỉa mai thì đủ hiểu van den Haag thành kiến với Marx đến chừng nào. Ông bác bỏ quan điểm của Marx về những quy luật vận động kinh tế tất yếu dẫn đến chủ nghĩa xã hội, rồi ông kết luận rằng điều đó chỉ mang cái diện mạo khoa học nhằm truyền cảm cho đại chúng. Ông đã quên rằng đây là ngành khoa học xã hội chứ không phải khoa học thực nghiệm để có những dẫn chứng cụ thể, rất hình ảnh, nên tính khoa học của nó dù sao cũng không tránh khỏi sự mông lung, trừu tượng nhưng xem kỹ thì ta sẽ thấy những lý luận ấy phù hợp với tính khoa học trong suốt quá trình minh giải.

Trong phần còn lại của bài viết, van den Haag đã phủ nhận toàn thể các luận điểm khác của Marx vì ông cho rằng những kết luận ấy đều là vô dụng và vô căn cứ. Nhận định ấy dễ làm cho những người hiểu chủ nghĩa Marx phải phì cười bởi rõ ràng Haag đã quên rằng chính chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của Marx đã góp phần tích cực trong cơ cấu phát triển tri thức khoa học hiện đại; van den Haag nhắm mắt bác bỏ thì làm sao có được luận điểm khoa học kèm theo những minh chứng méo mó như khi ông lý luận rằng làm gì có giai cấp công nhân khi mà nhiều người đâu có đọc về Marx, nên nếu họ có suy tư về giai cấp thì là giai cấp độc lập mà không phải có tổ chức như Marx đã nghĩ. Về quan điểm giá trị thặng dư, van den Haag cho rằng sao lại không quy cho tư bản hay đất đai như các nhà trọng nông thời thế kỷ 18, phải chăng đây là một “petitio principii” (lối nguỵ biện quanh co) và rõ ràng, vẫn lời của ông, giá cả sản phẩm trên thị trường không luôn luôn tỉ lệ với sức lao động đã được cụ thể hoá vào chúng.

Đọc những điểm ghi nhận trên đây, ta có thể thấy rõ quan điểm thô sơ của van den Haag, và dường như ông không chịu sử dụng phương cách biện giải của Marx để hình tượng hoá sự kiện hầu giúp mình tự có lời giải đáp thoả đáng để thấu triệt toàn bộ vấn đề trước khi phản bác. Có vẻ như ông chỉ muốn bác bỏ bằng văn phong khẳng định rất võ đoán. Phải chăng, cái nhìn của ông đã bị chính trị hoá sau nhiều năm giảng dạy môn học về công quyền tại Mỹ mà chủ nghĩa Marx đã làm cái kỳ đà cản mũi cho ý đồ phát triển mô thức chính quyền mà ông đang quảng bá.

Cũng như vậy, một học giả Mỹ khác, Richard Pipes, khi đọc câu văn của Friedrich Engels đề cập đến nhà bác học của thuyết tiến hoá Darwin trong cuốn The Condition of the Working Class in England in 1844 (bản dịch của Florence K. Wischnewetzky, New York, W. Reeves, 1888) rằng: “tư tưởng đó, tư tưởng mà tôi cho rằng nó ắt phải đánh dấu cũng một bước tiến trong khoa học lịch sử, như học thuyết của Darwin trong sinh vật học” thì vội cho rằng quan điểm của Marx là ảnh hưởng từ học thuyết tiến hoá ấy.

Rõ ràng là hồ đồ, một người nghiên cứu lương thiện hay tử tế thì phải thấy được tính khách quan của sự kiện và tìm hiểu nó trong hoàn cảnh mà tác giả đó nghiên cứu, kể cả không gian và thời gian, như chúng ta không thể lấy con số cụ thể về giờ làm việc của người công nhân ngày nay là 40 giờ hay 48 giờ mỗi tuần rồi bảo rằng Marx hay ai đó đã sai khi nói công nhân thời đó phải làm việc 16 giờ hay 14 giờ một ngày. Vì, ngay trong lần in lại bản Tuyên ngôn của đảng cộng sản năm 1872, trong bài tựa viết tại Luân Đôn ngày 24/6/1872 Marx có ghi:

Mặc dầu hoàn cảnh đã thay đổi nhiều trong hai mươi năm qua, nhưng cho đến nay, xét về đại thể, những nguyên lý tổng quát trình bầy trong Tuyên ngôn này vẫn hoàn toàn đúng. Ở đôi chỗ, có một vài chi tiết cần phải xem lại. Chính Tuyên ngôn cũng đã giải thích rõ ràng bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu, việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tuỳ theo hoàn cảnh lịch sử đương thời, và do đấy, không nên quá câu nệ những biện pháp cách mạng nêu ra ở cuối chương 2. Đoạn này ngày nay mà viết lại thì về nhiều mặt cũng phải viết khác đi. Vì đại công nghiệp đã có những tiến bộ hết sức lớn trong hai mươi lăm năm qua và giai cấp công nhân cũng đạt được những tiến bộ song song trong việc tự tổ chức thành chính đảng do có những kinh nghiệm thực tiễn, trước hết là của Cách mạng tháng Hai, sau nữa và nhất là của Công xã Paris, lần đầu tiên đã đem chính quyền lại cho giai cấp vô sản trong hai tháng. Cho nên, hiện nay cương lĩnh này có một số điểm đã cũ rồi. Nhất là Công xã đã chứng minh rằng ‘giai cấp công nhân không thể chỉ nắm lấy bộ máy nhà nước sẵn có và bắt nó hoạt động phục vụ mình’”. (bản dịch của Nhà xuất bản Sự Thật Hà Nội. 10/1974, tr. 8)

Ngoài ra, hiển nhiên là việc phê phán những văn phẩm xã hội chủ nghĩa chưa được đầy đủ, chưa nói đến thời kỳ hiện nay vì nó chỉ nói đến những văn phẩm từ 1847 trở về trước. Và cũng hiển nhiên là những nhận định về thái độ của người cộng sản đối với các đảng đối lập (chương 4) nếu cho đến nay vẫn còn đúng trên những nét cơ bản thì trong chi tiết những nhận định ấy cũng đã cũ rồi, vì tình hình chính trị đã hoàn toàn thay đổi và sự tiến triển lịch sử đã làm tiêu tan phần lớn những đảng được kể ra trong đó. Tuy nhiên, Tuyên ngôn là một tài liệu lịch sử mà chúng tôi không có quyền sửa lại. Có lẽ là trong một lần xuất bản sau, sẽ có một lời tựa để bổ sung vào khoảng trống từ 1847 đến nay.” (sđd. tr.9)

Phần lời tựa trích dẫn trên cũng được Engels nhắc lại khi đề tựa cho lần tái bản Tuyên ngôn bằng Anh ngữ năm 1888, năm năm sau khi Marx qua đời.

Xem thế, ta thấy cả Karl Marx và F. Engels đều đã dự phòng rằng luận điểm của hai vị có một đôi chỗ và vài chi tiết phải xem lại vì có những tiến bộ lớn lao về ngành công nghiệp cũng như về đội ngũ công nhân khiến cho những nhận định ấy cũng đã cũ rồi, như trước việc chính phủ Anh ban hành đạo luật quy định làm việc 10 giờ mỗi ngày, có hiệu lực từ ngày mồng 1 tháng 5 năm 1848.

Nên khi nhận xét về Marx và Engels, chúng ta phải đọc lại những lời tựa ấy để đứng trên quan điểm đại thể mà thôi, còn phần đi vào chi tiết chúng ta phải tự bổ sung bằng nhãn quan phát triển cho phù hợp với những sự kiện tiến triển trong từng giai đoạn xã hội để làm căn bản cho sự suy luận của mình thì mới thấy được cái ưu việt khách quan của nó. Chúng ta cũng đừng nên bị ám ảnh bởi những cụm từ “chủ nghĩa xã hội” hay “chủ nghĩa cộng sản” mà thành rắc rối tâm tư, bởi cảm nhận được ý nghĩa của chúng hiển nhiên đòi hỏi một cách tư duy cới mở, giác ngộ của con người. Phải suy luận như vậy chúng ta mới không bị vướng mắc mỗi khi suy nghĩ về Marx và Engels; nhất là nếu chúng ta lại chỉ nhìn vào Liên Xô, Trung cộng, Việt Nam hay một số các nước xã hội chủ nghĩa cũ, vì tất cả các quốc gia ấy chưa hội đủ những điều kiện khách quan để trở thành một khuôn mẫu khởi đầu cho những người bàng quan có thể nhận xét như một điển hình về loại xã hội quá lý tưởng này. Chắc cũng vì thế mà Lenin đã phải nhắc nhở nhiều lần rằng “tả khuynh, bệnh ấu trĩ của những người cộng sản” hay là “ta xây dựng chủ nghĩa xã hội với những con người do lịch sử để lại với những tồn tại riêng của từng cá nhân một”, hoặc Hồ Chí Minh cũng nhiều lần khuyên rằng: “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải có con người xã hội chủ nghĩa”, nghĩa là những thực tế nghịch ấy chưa phải là hệ quả của chủ nghĩa Marx.

Đến đây, để tránh ngộ nhận, người viết xin minh xác rằng mình không phải là người nghiên cứu thuần về chủ nghĩa Marx mà cũng chỉ có dịp tìm hiểu vừa đủ để thấy được những điều chê bai học thuyết này của giáo sư van den Haag là hoàn toàn thô thiển. Liệu tác giả này có thấy rằng khi Marx ưu tư về giá trị lao động hay sức lao động (sau này) là xuất phát từ quan điểm sòng phẳng và nhân bản không? Ông đã chứng minh rất rõ cho ý niệm giá trị thặng dư của mình; vì như trên đã nói, trong một quy trình lao động có tổ chức và kỹ thuật ổn định thì nhân tố con người mang lại tính hiệu quả lao động nhất, rằng đất đai, nhà xưởng, máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu… tức là tất cả những yếu tố sản xuất đó đã được chủ tư bản tính toán vào sản phí; chiết cựu đầy đủ trong luận chứng kinh tế rồi, nên cái gọi là tăng năng suất sẽ phụ thuộc vào sự sắp xếp, cải tiến… có sự tác động của con người, thành ra những kết quả thặng dư đó sẽ thuộc về con người. Làm thế, không khác nào Marx đã vạch áo của nhà tư bản cho người công nhân xem nên họ phải chống lại, không phải chống trên cái đúng đại thể mà bằng cách moi móc từ những chi tiết đã cũ, những sự kiện lỗi thời… thậm chí còn đổ vấy cho những sai lầm khách quan lẫn chủ quan hoặc duy ý chí của các đảng công nhân hay xã hội chủ nghĩa cầm quyền rồi quy lỗi về chủ nghĩa Marx.

Chính lập luận này đã được Lenin triển khai lại trong cuốn Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nga rằng: “giá trị của một sản phẩm chia làm ba phần: 1) Phần thứ nhất bù lại tư bản bất biến, tức là cái giá trị trước kia tồn tại dưới hình thức nguyên liệu và vật liệu phụ, máy móc và công cụ sản xuất v.v… và chỉ tái hiện ở một bộ phận nào đó của thành phẩm; 2) Phần thứ hai bù lại tư bản khả biến, tức là bù lại những phí tổn để bảo tồn người công nhân; và cuối cùng; 3) Phần thứ ba là giá trị thặng dư thuộc về nhà tư bản” (sđd. tr. 29 Nxb. Tiến bộ, Moscow 1976).

Nhìn một cách đại thể, chúng ta thấy tất cả các nước thuộc phe xã hội chủ nghĩa đều tiến hành công cuộc xây dựng và phát triển trong điều kiện chủ quan do Lenin đã thêm một cụm từ trong khẩu hiệu của Marx “Vô sản tất cả các nước liên hiệp lại” thành “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức liên hiệp lại” vì những yếu tố liên quan đến quan hệ sản xuất, đến khoa học kỹ thuật cũng như về con người trong điều kiện văn hoá tư tưởng v.v… đều thiếu tính quy định khách quan cần thiết. Như trường hợp Việt Nam sau ngày thống nhất đã dự tính đi lên chủ nghĩa xã hội không cần qua khâu phát triển tư bản, nhưng vấn đề trọng điểm là không qua khâu phát triển tư bản thì làm sao có mối quan hệ sản xuất hình thành đội ngũ công nhân làm việc có tổ chức, có kỷ luật; làm sao có cơ sở vật chất và kiến thức khoa học kỹ thuật cao, quản lý lớn và tầng lớp nhân dân giác ngộ có văn hoá tư tưởng đạt yêu cầu cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa. Do đó, sau một thời gian ngắn dò dẫm của thời kỳ quá độ thì đã tìm ra một hướng đi thích hợp là phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tức là một hình thức tư bản có giác ngộ, mang tính xã hội nên đã và đang đạt nhiều thành quả.

Xem thế, nếu chúng ta cứ nhìn vào những thực tế chủ quan xây dựng chủ nghĩa xã hội ấy để làm nền tảng cho sự phê phán chủ nghĩa Marx thì thực sự là thiếu công bằng; nhưng một điểm rõ ràng rằng xã hội loài người ngày càng được tổ chức tốt hơn, con người quan hệ với nhau ngày một biết hơn, tốt đẹp hơn, các quốc gia cũng biết tự chế trong quan hệ quốc tế hơn và tiến bộ rất nhiều trong những chương trình hợp tác kinh tế, nhân đạo cũng như số người giầu có tư tưởng xã hội ngày một đông hơn. Người công nhân ngày càng được bảo đảm quyền lợi hơn qua những hệ thống luật pháp ngày càng chi tiết hoá, những quy định về số giờ làm việc, chế độ lương bổng, bảo đảm tiền lương tối thiểu, lập quỹ an sinh, trích xuất dự phòng thất nghiệp, hình thành quỹ phúc lợi, lập quỹ cơ hội việc làm (như Việt Nam hiện nay) v.v… nên các mâu thuẫn đối kháng đã trở thành bất đối kháng, không còn gay gắt như xưa; đó là những thành quả rực lên nhờ sự châm ngòi của chủ nghĩa Marx-Engels.

Trở lại bản Tuyên ngôn của đảng cộng sản, những điều Marx và Engels phân tích trong chương 1 về tư sản và vô sản, tôi nghĩ là về tổng quát thì không sai, cái quá trình phát triển của xã hội nhân loại là như thế và theo lịch sử là như thế. Chúng ta đã hiểu thế nào về kinh tế, nếu không là ăn, mặc, ở, học hành và giải trí và đó cũng là những nhu cầu cơ bản của con người để sinh ra, tồn tại và phát triển, vậy kinh tế đã đóng vai trò duy nhất giải quyết trong cái quy trình vận động ấy thì đâu có gì sai. Chỉ cần nghĩ nôm na ta cũng thấy rõ. Khi phân tích về sự trạng này trong nền công nghiệp Anh quốc thời đó Marx đã thấy cái lõi cốt để một người trở thành nhà tư sản là họ tập trung sỡ hữu những dụng cụ hay tư liệu sản xuất rồi khai thác ích dụng của những tư liệu này dưới bàn tay người thợ một cách tối đa và liên tục để hưởng những phần thặng dư mà Marx cho rằng bất công, tức là bóc lột sức của người thợ khi làm ra những sản phẩm ấy. Một khi những sản phẩm ấy được cung ứng trên thị trường (điều mà van den Haag cho rằng không hẳn là luôn tỉ lệ với số lượng sức lao động của người thợ làm ra) thì nhiều yếu tố phức tạp khác được đăt ra trong quá trình lưu thông phân phối nhằm làm tăng giá bán cuối cùng đến tay người tiêu thụ thì cái lượng giá trị sức lao động ấy lại bị lợi dụng (chưa kể trường hợp đầu cơ) nhập nhằng với các yếu tố giá thành khác như theo quan niệm mua tận gốc, bán tận ngọn thì không riêng người thợ mà cả người tiêu thụ cũng bị “bóc lột” với những giá cả “trời ơi” của món hàng. Vì thế, trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa người ta đã muốn bỏ khâu lưu thông phân phối này mà giải quyết bằng hình thức cung cấp để bảo vệ quyền lợi cả của người tiêu thụ, khiến không ai phải lo lắng về giá cả lên xuống để an tâm sống và làm việc để nâng cao đời sống tinh thần.

Và đó là những nguyên do đưa đến những tranh chấp quyền lợi giữa những người sỡ hữu tư liệu sản xuất và lưu thông phân phối với những người bán sức lao động là công nhân. Marx-Engels viết: “Cuối cùng, lúc mà đấu tranh giai cấp tiến gần đến giờ quyết định thì quá trình tan rã của giai cấp thống trị, của toàn bộ xã hội cũ, mang một tính chất dữ dội và khốc liệt đến nỗi một bộ phận nhỏ của giai cấp thống trị tách ra khỏi giai cấp này và đi theo giai cấp cách mạng, đi theo giai cấp đang nắm tương lai trong tay” (Tuyên ngôn của đảng cộng sản, tr. 18) .

Với nền kinh tế trao đổi toàn cầu và bùng nổ thông tin như hiện nay, ta phải công nhận rằng “tiến gần đến giờ quyết định” sẽ khó có thể xảy ra vì phải nói là sau những bài học xuất phát từ sự đấu tranh của giai cấp công nhân cũng như các dân tộc bị áp bức thì giới tư sản cũng tự xét mình để có những sửa sai thích hợp trước những đòi hỏi của giới công nhân trên nền tảng của chủ nghĩa Marx nhằm tạo ra những van xì làm giảm cường độ bất mãn, khiến ta có thể tạm coi đây như tầng lớp tư sản biết điều hay giác ngộ như trên đã trình bầy; những mâu thuẫn đối kháng đã dần dần trở thành bất đối kháng thì mức độ gay gắt sẽ giảm cường độ và không đủ sự dữ dội hay khốc liệt để bùng phát lên thành một biến cố hay cho một cuộc cách mạng được.

Chúng ta cũng đừng tưởng rằng chủ nghĩa Marx phủ nhận quyền tư hữu về những của cải do kết quả lao động mà thành, Marx viết: “Chúng tôi tuyệt không muốn xoá bỏ sự chiếm hữu cá nhân ấy về những sản phẩm của lao động cần thiết để tái sản xuất ra đời sống ngày mai vì sự chiếm hữu ấy không đẻ ra một khoản dư nào có thể đem lại quyền lực chi phối lao động của người khác. Điều chúng tôi muốn là xoá bỏ tính chất bi thảm của cái phương thức chiếm hữu nó khiến cho người công nhân chỉ sống để làm tăng thêm tư bản và chỉ sống trong chừng mực mà những lợi ích của giai cấp thống trị đòi hỏi”. Ở một đoạn khác, bản Tuyên ngôn viết: “Chủ nghĩa cộng sản không tước bỏ của ai cái quyền chiếm hữu những sản phẩm xã hội cả. Chủ nghĩa cộng sản chỉ tước bỏ quyền dùng sự chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của người khác.” (Tuyên ngôn của đảng cộng sản, tr. 28 và tr. 30). Nghĩa là chỉ tước bỏ và ngăn ngừa những hình thức sở hữu có thể trở thành công cụ bóc lột như đối với các tư liệu sản xuất mà thôi.

Trong một phần dẫn chứng khác, giáo sư van den Haag lại đưa ra những dẫn chứng tiêu cực của xã hội Liên Xô, Ba Lan để quy trách nhiệm về chủ nghĩa Marx và đặt ra một số nghi vấn mơ hồ, đó chỉ là những luận cứ thiếu khách quan và đầy hậu ý xin được miễn bàn.

Để kết luận, chúng ta có thể thấy rằng tương lai của chủ nghĩa Marx thì chưa ai có thể khẳng định được dù có người vẫn cho rằng nó không tưởng vì cái đích sau cùng của nó – một loại Téléfinalisme (chủ nghĩa Viễn đích) chăng? Nhưng, không thể chối cãi được là chủ nghĩa Marx đã góp phần rất lớn cho kho tàng kiến thức của nhân loại, cải thiện đời sống con người và giúp chúng ta có những phương pháp tư duy chính xác và khách quan hơn đầy tính triết học khoa học.

14-10-2007

© 2007 talawas