Gửi ông Vũ Hạnh,
Tôi đã đọc bài viết “
Đâu là tiêu chí của người xuất bản” của ông (
Sài Gòn Giải phóng, 22/4/2007) về việc nhà xuất bản Văn nghệ và Công ty văn hóa Phương Nam phối hợp xuất bản một số tác phẩm viết và in tại Sài Gòn trước 1975 của Lê Xuyên và Dương Nghiễm Mậu. Cuối bài ông có nhắc đến sự “giật mình” của nhiều người (trong đó có ông không?) khi đọc bài “
Truyện ngắn Dương Nghiễm Mậu” của tôi (
Thể thao & Văn hóa, 13/4/2007). Tôi không có ý bình luận hay trao đổi gì với ông về bài viết đó. Nhưng nhân có nó, tôi muốn kể lại chuyện này, có lẽ ông đã biết rồi, nhưng nghe lại để nhớ lại.
Cách đây gần mười lăm năm, tôi nêu lên yêu cầu phải nghiên cứu bộ phận văn học miền Nam (Sài Gòn) giai đoạn 1954-1975 để hình dung một bức tranh văn học dân tộc đầy đủ của thế kỷ XX. Riêng về thơ, tôi đã nêu lại nhóm Sáng Tạo và
vai trò của Thanh Tâm Tuyền trong sự vận động đổi mới thơ Việt sau 1945. Đề xuất của tôi vấp phải những phản ứng quyết liệt, gay gắt của một số người mà tựu trung lý lẽ của họ cũng như ông bây giờ: nhân thân tác giả là “ngụy”, và nội dung tác phẩm là “phản động, đồi trụy”. Ông Trần Mạnh Hảo đã có hơn một bài phê phán trực tiếp tôi về chuyện này, và liên quan đến thơ Thanh Tâm Tuyền ông ấy đã cho tôi là “giật lá cờ máu trong tay thơ ca kháng chiến trao về phía bên kia”.
Thời gian cứ trôi, thơ Thanh Tâm Tuyền (cũng như các tác phẩm văn học có giá trị khác của một nửa đất nước thời 1954-1975))
vẫn “âm thầm chảy”, để đến năm 2006 khi nhà thơ này qua đời ở Mỹ thì tại Hà Nội, tạp chí
Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam do chính ông Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội và là bí thư ban cán sự Đảng của Hội, làm tổng biên tập đã in lại 4 bài thơ của Thanh Tâm Tuyền “để tưởng nhớ một tài năng có nhiều tâm huyết, đóng góp cho quá trình hiện đại hóa thơ”. Điều này tôi đã viết trong ý kiến “
Một đính chính cho Hoàng Ngọc-Tuấn”.
Liệu tôi và độc giả rộng rãi có phải chờ mười lăm năm nữa để lại được đọc những dòng như trên đây của báo
Văn nghệ (thay cho tạp chí
Thơ) viết về Dương Nghiễm Mậu hay không, thưa ông Vũ Hạnh, tác giả của “Bút máu”, một truyện ngắn hay, đăng công khai ở Sài Gòn trước 1975?
Trong khi đó tôi lại muốn mách ông biết: trong cuốn
Từ điển văn học (bộ mới, 2005) Dương Nghiễm Mậu đã được đưa vào với tư cách một tác gia tiêu biểu của văn học Việt Nam (tr. 358 - 360). Cuốn từ điển này đã được đánh giá cao thời gian qua. Ở bìa bốn của bốn tập truyện ngắn vừa in lại của Dương Nghiễm Mậu đều có trích các nhận định từ mục từ này. Vậy thưa ông Vũ Hạnh, khi một nhà văn đã được đưa vào từ điển khẳng định, từ điển đã được phát hành rộng rãi và được thừa nhận giá trị, thì việc cục xuất bản cấp giấy phép và nhà xuất bản in sách của nhà văn đó có gì là sai trái, là phạm luật? Ông có nhắc đến nhà văn Nguyễn Mộng Giác sống ở Mỹ và bộ tiểu thuyết
Sông Côn mùa lũ viết về Nguyễn Huệ được in lại trong nước. Nhưng bây giờ nếu ông Nguyễn Mộng Giác xin phép cũng in lại trong nước bộ tiểu thuyết trường thiên khác của ông ấy là
Mùa biển động, viết về hiện thực cuộc chiến tại miền Nam trong thời gian 1963-1975 mà không được cấp phép thì ông nói sao, thưa ông Vũ Hạnh?