trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 3021 bài
  1 - 20 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
7.12.2005
Cao Việt Dũng
Trả lời Margaret Nguyen

Thưa bà Margaret Nguyen,

Tôi thành thật (thành thật ở đây xin hiểu đúng là… thành thật) cảm ơn bà về những lời phê bình. Theo quan điểm của tôi, văn chương là một “nền cộng hòa”; nó chấp nhận mọi sự chỉ trích, và đồng thời không chấp nhận bất kỳ ai ở vị trí “miễn tố trọn đời”, mỗi người trong cộng đồng này chỉ đại diện cho bản thân, và thật may mắn vì chúng ta không phải là dân biểu.

Ở lỗi thứ nhất bà Margaret Nguyen chỉ ra, tôi đã thực hiện một thao tác: đảo hai vế chủ ngữ và vị ngữ, xuất phát từ cảm giác chủ ngữ trong nguyên bản quá nặng (là cả một mệnh đề). Lỗi thứ hai: tôi công nhận là đã quá chú trọng việc tìm cách diễn đạt ý châm biếm của ông Bourgois mà đã không thật sự giữ nguyên câu gốc. Hơn nữa, vì đây là bản dịch những câu nói trong một bài phỏng vấn, tôi không có ý định quá trung thành với nguyên tác. Lỗi thứ ba: tôi công nhận đã nhìn nhầm từ “regret” thành ra “secret”, từ theo tôi hợp lý hơn ở đây – nhưng biết làm thế nào, đây là chuyện văn bản. Dần dần tôi nhận ra rằng không nên quá tin vào bất cứ cái gì, dù đó là mắt của chính mình; ngay cả một người bạn thân thiết cũng hoàn toàn có khả năng đâm dao vào lưng mình bất kỳ lúc nào. Không biết bà Margaret Nguyen có tin không, nhưng câu văn có vợ ông Bourgois là bà Dominique, tôi thật sự nghĩ là mình đã dịch đúng như bà đã gợi ý cho tôi, nhưng lại thêm một lần nữa, văn bản có giá trị phán quyết cuối cùng. Lỗi thứ tư tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm vì sự cẩu thả, và thành thật xin lỗi tất cả những ai bị tôi làm hỏng đi một câu văn.

Vì bà Margaret Nguyen không dừng lại ở phê bình văn bản, và nếu bà muốn biết, tôi xin trả lời thêm một số điểm. Tôi không có tham vọng “quán triệt” nhiều lĩnh vực văn hóa. “Trung tâm quan tâm” duy nhất của tôi là văn chương. Tôi cũng không tự coi mình là dịch giả chuyên nghiệp. Trên thực tế tôi không sống bằng nghề dịch. Đúng hơn tôi coi đó là một trong những lối đi vào ngôn ngữ văn chương mang lại nhiều lợi ích cho cái “trung tâm quan tâm” của tôi. Tôi cũng không có ý định dịch những tác phẩm kỳ vĩ, mà chỉ muốn làm những gì mình có thể, để thực hiện được những công việc nghiêm túc và trung thực nhất trong chừng mực khả năng. Ngoài đó ra, tôi có thói quen gọi “rue de l’Université” là “phố Đại học”.

Tại sao tôi dịch một bài như bài phỏng vấn Christian Bourgois? Không biết bà có quá nghiêm khắc không, khi bài đó là sự tiếp nối chủ đề về ngành xuất bản, in ấn, mà bài chính là “Từ Frankfurt nghĩ về “công nghệ làm sách” Việt Nam” cũng đăng ở talawas trước mấy ngày. Thực tình tôi cũng biết khơi dậy một cuộc tranh luận là rất khó, nên tôi cố gắng kéo dài “cái đuôi sao chổi” của bài viết kia. Tôi còn có ý định đi đến Trung tâm Pompidou viết một bài về cuộc triển lãm. Kết quả là cuối cùng tôi vẫn chưa tìm được tiếng nói nào của ngành xuất bản, thì ngành dịch thuật đã lên tiếng trước. Và giờ thì càng chắc chắn rằng tôi sẽ không bao giờ có hồi âm hết cả, vì ít nhất cũng đã có một cái cớ nào đó để im lặng. Thêm một thông tin nữa cho bà: nhẽ ra bài phỏng vấn Christian Bourgois đã “đi” ngay hôm sau bài “Từ Frankfurt…’’, nhưng nó phải dừng lại, vì tình cờ mà hôm đó tòa soạn talawas nhận được một bài viết khác nghiêm trọng cấp thiết hơn rất nhiều. Bà hoàn toàn có thể tìm được lời khẳng định cho điều này ở ban biên tập talawas.

Toàn bộ những chỉ trích mà bà Margaret Nguyen chỉ ra, tôi xin nhận cả. Nhưng như đã nói ngay từ đầu, tôi quan niệm chúng ta đang ở trong một “nền cộng hòa văn chương”, nên tuy nhận về mình toàn bộ sai lầm, nghĩa là chấp nhận toàn bộ bài viết của bà, từ “nghe” ở cuối bài, tôi vẫn phải xin trân trọng trả lại cho bà.

* Tôi cũng xin cảm ơn ông Nguyễn Duy Bình, vì sự nhiệt tình.