Đem thắng cảnh Việt Nam đến thế giới: việc đáng làm Cách nói của
Hồ Xuân Thiện gieo cho người đọc rằng đỉnh Fansipan của Việt Nam chẳng là cái gì so với Phú Sĩ của Nhật hay Everest của Nepal. Nhưng dựa vào tiêu chí gì hay tiêu chuẩn nào để cho rằng các đỉnh núi đó hơn Fansipan? Không có cách bình bầu nào là hoàn toàn khách quan cả. Cách làm của UNESCO hay của New7Wonders cũng không thể xem là khách quan được, nhưng tôi thấy cách để cho người dân bầu như
New7Wonders lại hay, vì nó cho người thấp cổ bé họng một lá phiếu, một tiếng nói. Tôi thấy đồng tình với lời nói của một nhân sự của ban tổ chức rằng “chúng tôi đem văn hóa ra khỏi viện bảo tàng – ra khỏi lớp bụi và góc xó hàn lâm khô khan – để cho người dân bàn tán về nó.”
Chú ý rằng UNESCO đã tuyên bố họ không dính dáng gì đến việc làm của New7Wonders. Nhưng nếu UNESCO có hay không có dính dáng vào việc bình bầu này thì đã sao. Chỉ là một trò chơi thôi.
Lạ cái nữa là ông Hồ Xuân Thiện viết “Cạnh trang “
danh sách 77 thắng cảnh dẫn đầu cuộc bầu chọn” là một tấm bảng quảng cáo của Google”, nhưng tôi tìm hoài không thấy quảng cáo của Google! Tôi thấy quảng cáo cho trang web Scenic Pacific và tuyên bố Lisbon về 7 kỳ quan mới trên thế giới.
Hồ Xuân Thiện hỏi “Với thời gian và tiền bạc bỏ ra để ngồi trước máy tính bầu chọn, chúng ta sẽ được gì?” làm tôi cũng thắc mắc ông tốn thời giờ, tiền bạc, và đầu óc để viết lá thư sẽ được gì hay chỉ là một cách bày tỏ thái độ mà người Anh hay nói là “cynic behavior”.
Ở Ấn Độ, Trung Quốc, và nhiều nước khác người ta cũng vận động bầu cho các thắng cảnh của họ. Tổng thống Brazil, Hoàng hậu Jordan cũng tích cực ủng hộ “gà nhà”. Không thấy ai đặt vấn đề dân của các nước này bỏ ra một vài phút để nhấp con chuột vào kỳ quan mình ưa thích. Thật ra, một việc làm đơn giản như thế xem ra còn hữu ích cho đất nước hơn là ngồi đó chỉ trỏ lên lớp về cái khôn cái dại cho đời.
Cần nói thêm rằng theo như tuyên bố của người có sáng kiến về 7 kỳ quan mới (ông Bernard Weber), ông sẽ dành phân nửa số tiền thu được vào việc trùng tu các kỳ quan được bầu.
Dù là ai đứng ra tổ chức thì việc các thắng cảnh của Việt Nam có tên trong danh sách “kỳ quan thiên nhiên thế giới” vẫn đáng để người Việt ủng hộ. Đối với tôi, đáng ủng hộ bởi đơn giản tôi là người Việt Nam, tôi thấy Vịnh Hạ Long, động Phong Nha, đỉnh Fansipan đẹp của quê tôi đẹp, và tôi muốn giới thiệu đến người nước ngoài để biết qua. Tôi không biết Phú Sĩ đẹp ra sao, tôi chưa thấy Everest hùng vĩ như thế nào, nhưng tôi tin rằng các thắng cảnh này cũng có nét đẹp riêng. Nhưng tôi - một cá nhân chủ quan - vẫn thấy cái mình đã và đang thấy là đẹp. Và, bao nhiêu đó cũng đủ để tôi bày tỏ tâm tình của mình qua lá phiếu ảo (nhưng được đếm). Tôi muốn đem cái tên Hạ Long, Phong Nha, Fansipan đến thế giới và chỉ bao nhiêu đó cũng đủ làm động cơ cho tôi để hành động: bầu cho phong cảnh của Việt Nam và các kỳ quan khác mà mình biết qua.