Thời hay Thì (là)
Qua link spectrum của talawas, tôi được đọc
bài trả lời phỏng vấn rất hay của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Những tâm sự của anh chắc rất có giá trị đối với những người viết; nhưng cũng rất bổ ích cho những người đọc chúng tôi trong việc hiểu và thông cảm với những khó khăn của các nhà văn. Ý kiến sau đây là rất nhỏ nhưng cũng muốn trình bày để cùng thấy cái dụng tâm của một người viết từ thời... rất xa xôi.
Trong phần đầu, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp dẫn ra 2 câu thơ:
Có thời có tự mảy may,
Không thời cả thế gian này cũng không.
Để tiếp sau đó anh cho ta thấy rằng chữ "thời" ở đây mang ý nghĩa "thời thế, thời cuộc".
Thực ra "thời" trong hai câu thơ này mang ý nghĩa của "thì / là" và được dùng trong một bài thơ dịch gồm 2 câu lục bát, 4 vế. Nguyên cả bài:
Có thì/thời có tự mảy may,
Không thì/thời cả thế gian này cũng không;
Cho hay bóng nguyệt dòng sông,
Nào ai hay biết có không là gì.
Và được dịch lại từ bài kệ tiếng Hán của một thiền sư:
Tác hữu sa trần hữu,
Vi không nhất tướng không;
Hữu không như thuỷ nguyệt,
Vật trước thị không không.
Bài kệ này được diễn nghĩa là:
Nếu cho rằng Có, thì nhỏ như hạt cát cũng hàm ý nhĩa là Có,
Nếu nói Không, thì mọi thứ đều là Không cả;
Có và Không như ánh trăng và bóng của nó dưới dòng sông,
Thì không thể chấp cái không là Không được.
(Dẫn theo Nguyễn Đăng Thục, Thiền học Trần Thái Tông, tr. 71)
Về bài kệ này, chính tác giả Nguyễn Đăng Thục cũng chỉ viết "hình như Không Lộ Pháp sư thời nhà Lý... đã nói". Có người lại cho là của Hương Hải Thiền sư, một cao tăng đời Hậu Lê, nhưng chỉ dẫn lời thơ lục bát. Việc minh định cho đúng tác giả bài thơ xin đón đợi các nhà chuyên môn, chỉ xin lưu ý rằng thơ lục bát thịnh hành từ khi ông Hàn Thuyên sáng tạo và khởi động việc dùng chữ Nôm. Nhiều nhà sư sau đó cũng dùng Nôm / lục bát để làm kệ.