trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 305 bài
  1 - 20 / 305 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
28.10.2008
Noam Chomsky
Thực chất Mỹ là một chế độ độc đảng
Hải Ngô dịch
Gabor Steingart thực hiện
 
Noam Chomsky, trí thức cánh tả người Mỹ, trả lời phỏng vấn của tuần báo Đức Spiegel về cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản, thuật hùng biện của Barack Obama và vai trò của tôn giáo trong chính trị Mỹ.
SPIEGEL: Thưa ông Chomsky, các ngôi đền của chủ nghĩa tư bản đã sụp đổ, chính phủ bảo thủ của nước Mỹ đang dùng những tháng cuối cùng còn lại trong nhiệm kì của mình cho các kế hoạch quốc hữu hóa. Ông cảm thấy thế nào?

Chomsky: Thời buổi đang rất nghiêm trọng, những khó khăn rất to lớn nên tôi khó có thể hả hê được. Tôi chỉ xác định rõ rằng cuộc khủng hoảng này, về quy mô thì có thể không, nhưng về bản chất thì có thể tiên đoán một cách hoàn hảo. Thị trường là thứ bao giờ cũng kém hiệu quả.

SPIEGEL: Chính xác ông đã tiên đoán được điều gì?

Chomsky: Rằng cũng như trong những ngành công nghiệp khác, trong công nghiệp tài chính có những rủi ro không qui ra được bằng giá thành, bởi vậy chúng cũng không được dự toán. Nếu anh bán cho tôi một chiếc xe thì có thể qua đó chúng ta có một vụ kinh doanh thành công. Nhưng vụ kinh doanh này có nhiều ảnh hưởng tới những cái khác không được đề cập trên hóa đơn. Ô nhiễm môi trường gia tăng. Giá xăng dầu đắt lên. Tắc đường xảy ra thường xuyên hơn. Đó là những phí tổn ngoại sinh của vụ kinh doanh của chúng ta. Trong trường hợp của những nhà băng thì các phí tổn ngoại sinh này là khủng khiếp.

SPIEGEL: Nhưng nhiệm vụ của nhà băng một phần cũng là chấp nhận sự rủi ro, và có thể nói đó cũng là mục đích tồn tại của nó?

Chomsky: Dĩ nhiên! Và một nhà băng được điều hành tốt như Goldman Sachs sẽ làm chủ được những rủi ro riêng và có thể bù lỗ những thất thoát của mình. Nhưng không một ngân hàng nào có thể làm chủ được những rủi ro thuộc về hệ thống. Bởi vậy rủi ro bị đánh giá quá thấp và người ta đã mạo hiểm quá mức mà nền kinh tế có thể chịu tốt. Nguy cơ của những rủi ro thuộc về hệ thống đã tăng lên hết sức đáng kể qua việc giảm điều tiết từ phía chính quyền và sự thắng thế của tự do hoá thị trường, khả năng một cơn bão Tsunami tài chính sinh ra từ đó.

SPIEGEL: Mọi thứ đều tốt đẹp cho đến lúc xe trượt bánh. Nhưng liệu có nên đổ trách nhiệm hoàn toàn cho Wall Street không? Có phải tầng lớp trung lưu Mỹ cũng sống dựa vào đồng tiền mượn trước, một ngày nào đó sẽ trả sau hoặc không bao giờ trả được?

Chomsky: Nợ nần của các hộ gia đình là rất lớn, nhưng tôi sẽ không qui trách nhiệm cho từng cá nhân bởi điều đó. Cái chủ nghĩa tiêu thụ này bắt nguồn từ bản chất xã hội của chúng ta, một xã hội bị chi phối bởi những lợi ích thương mại. Có một guồng máy tuyên truyền ồ ạt níu kéo mọi người với tiêu thụ. Tiêu thụ mang tính tích cực cho lợi nhuận và cho sự thiết lập, củng cố chính trị.

SPIEGEL: Các nhà chính trị được gì khi người dân đi xe nhiều, ăn nhiều, mua bán nhiều?

Chomsky: Tiêu thụ phân tán tư tưởng người dân. Giám sát xã hội bằng quân đội thì khó, nhưng phân tán tư tưởng của nó bằng tiêu thụ thì được. Ở điểm này, báo chí kinh tế định hướng mục tiêu rất rõ ràng.

SPIEGEL: Trước đây ít lâu, chính ông đã từng gọi Mỹ là "đất nước tuyệt vời nhất thế giới". Điều này có mâu thuẫn không?

Chomsky: Mỹ là một đất nước tuyệt vời trên nhiều phương diện. Ở đây tự do ngôn luận được tôn trọng hơn hết so với ở tất cả các nước khác. Hiệp chúng quốc là một xã hội rất tự do, ở đây giáo sư và thợ sửa xe chuyện trò bình đẳng. Không ai được đề cao hơn ai.

SPIEGEL: Cách đây hơn 170 năm, sau khi đến thăm nước Mỹ, học giả người Pháp Alexis de Tocqueville đã tường trình rằng: "Quần chúng thống trị giới chính trị Mỹ như Chúa thống trị vũ trụ". Ông ấy có quá khen không?

Chomsky: Chắc chắn. Ngay năm 1787 tại hội nghị hiến pháp, James Madison, một trong những “khai quốc công thần” của nước Mỹ, đã tán thành quan niệm rằng chính quyền nhà nước có nhiệm vụ "bảo vệ nhóm thiểu số giàu có trước nhóm đa số". Do đó thượng nghị viện chỉ gồm một trăm thành viên, phần lớn rất giàu có, và được trao cho rất nhiều quyền lực. Hạ nghị viện với vài trăm thành viên đã là dân chủ hơn, nhưng có ít quyền hạn hơn nhiều. Thậm chí một người thiên về chủ nghĩa tự do như Walter Lippmann, một trong những trí thức hàng đầu của thế kỉ 20, đã có ý kiến rằng trong một chế độ dân chủ hoạt động tốt thì nhóm thiểu số thông minh, đó là những người nên nắm quyền, phải được bảo vệ trước sự "giày xéo và la hét của một bầy đàn bối rối". Còn ở phe bảo thủ thì mới đây, phó Tổng thống Dick Cheney đã minh họa cách hiểu dân chủ của mình. Khi được hỏi tại sao ông ủng hộ duy trì cuộc chiến Iraq, trong khi đa số dân chúng phản đối cuộc chiến này, thì câu trả lời của ông ta là: "Thế thì đã sao?"

SPIEGEL: "Change" là từ mốt trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay. Ông có nhìn thấy những cơ hội cho một sự thay đổi sớm và rõ rệt cho nước Mỹ? Ông có bị khích động, bị "fired up", nói theo kiểu một hiệu lệnh xung trận của Obama?

Chomsky: Không chút nào cả. Cái phản ứng ở châu Âu về Obama là một sự tự lừa phỉnh kiểu châu Âu.

SPIEGEL: Dù sao Obama nói ra những câu tốt đẹp mà từ lâu người châu Âu mong đợi. Ông ấy nói về tình hữu nghị xuyên Đại Tây dương, sự ưu tiên của chính sách ngoại giao và sự hòa giải của xã hội Mỹ.

Chomsky: Tất cả là thuật hùng biện, ai hơi đâu mà quan tâm tới những điều đó. Toàn bộ cuộc tranh cử này xoay quanh thuật hùng biện xuất thần, xoay quanh hy vọng, sự biến chuyển, xoay quanh tất cả những cái có thể, chỉ không xoay quanh những vấn đề cụ thể.

SPIEGEL: Không lẽ ông thấy phe kia nhiều hứa hẹn hơn: cựu chiến binh Việt Nam 72 tuổi McCain và cựu hoa hậu Sarah Palin từ Alaska?

Chomsky: Hiện tượng Sarah Palin thực sự là độc đáo. Nếu ai đó từ sao Hỏa quan sát chúng ta, người đó có thể nghĩ rằng đất nước chúng tôi bị loạn trí.

SPIEGEL: Có vẻ như những người cực bảo thủ và những cử tri sùng đạo rất hân hoan?

Chomsky: Đừng bao giờ nên quên là đất nước này được thiết lập bởi những người theo đạo cuồng tín. Giới tôn giáo bảo căn luôn giữ vai trò quan trọng trong tất cả các cuộc bầu cử kể từ Jimmy Carter. Ông ta là người đầu tiên tự trưng trước công chúng như thể là Chúa hồi sinh. Từ đó sự tính toán của đám điều hành vận động tranh cử là: Hãy tỏ ra là người theo đạo cuồng tín, thực tế anh sẽ tự động nhận được một phần ba số phiếu cử tri. Ở thời của Tổng thống Lyndon B. Johnson những năm 60, còn chưa ai hỏi liệu ông ấy có đến nhà thờ hàng ngày không. Bill Clinton có lẽ cũng sùng đạo như tôi, tức là bằng không, nhưng những trợ lý của ông ấy đảm bảo rằng sáng Chủ nhật nào ông ấy cũng đến nhà thờ Baptist để hát thánh ca.

SPIEGEL: Liệu ông có thể nói tốt cho McCain chút nào không?

Chomsky: Về một phương diện thì ông ấy thật thà hơn ứng viên đối thủ. Ông ấy đã làm sáng tỏ rằng cuộc bầu cử này không xoay quanh những vấn đề cụ thể, mà chỉ xoay quanh các cá nhân. Những người Dân chủ không được thật thà như vậy, mặc dù họ nhìn vấn đề không khác chút nào.

SPIEGEL: Như vậy theo ông thì phe Cộng hòa và phe Dân chủ chỉ là những dạng khác nhau của một đường lối chính trị chung?

Chomsky: Tất nhiên là có những khác biệt, nhưng không phải là cơ bản. Đừng có ai nên ảo tưởng. Thực chất Mỹ là một chế độ độc đảng, và cái đảng cầm quyền là Đảng Kinh doanh.

SPIEGEL: Ông cường điệu hóa. Trong hầu hết những vấn đề cốt yếu, từ việc đánh thuế người giàu đến năng lượng nguyên tử, hai bên luôn có những lập trường khác nhau, đặc biệt trong vấn đề chiến tranh và hòa bình. Những người Cộng hòa muốn chiến đấu tới lúc thắng lợi tại Iraq, dẫu cho tới cả trăm năm nữa như McCain đã nói. Những người Dân chủ thì yêu cầu một kế hoạch rút quân.

Chomsky: Nhìn cho kĩ thì chúng ta sẽ nhận ra rằng những khác biệt này mới hạn chế và mỉa mai làm sao. Phái diều hâu tuyên bố, chúng ta sẽ chiến thắng nếu tiếp tục cuộc chiến. Phái bồ câu nói rằng cuộc chiến quá đắt đỏ. Đố anh nêu cho tôi được một chính trị gia Mỹ, người thẳng thắn phát biểu rằng cuộc xâm lược này là một tội ác. Vấn đề không ở chỗ, liệu chúng tôi có thắng hay không, hoặc liệu cuộc chiến có quá đắt hay không. Anh còn nhớ cuộc xâm lược của Liên Xô vào Afghanistan không? Lúc đó chúng ta có tranh luận liệu Liên bang Xô-viết có thể giành được chiến thắng, hoặc cuộc chiến đó có quá đắt không? Có thể những cái đó đã được tranh luận tại Điện Kremlin hoặc trên báo Pravda. Đó là kiểu tranh luận thu hẹp mà thông thường ta thấy ở những xã hội toàn trị; điều quan trọng không phải là ai thắng ai thua. Giả sử có được những thắng lợi tại Iraq như Putin ở Chechnya, chắc tướng Petraeus đã được phong vương. Vấn đề then chốt thực ra là, liệu chúng ta có áp dụng cho bản thân mình những thước đo mà ta dành cho người khác không.

SPIEGEL: Theo ông, ai ngăn cản giới trí thức đặt ra câu hỏi này và trả lời nó với tinh thần phê phán? Vừa rồi ông đã tán dương tự do ngôn luận ở Mỹ.

Chomsky: Giới trí thức vô cùng tuân thủ. Ngay Hans Morgenthau, một trong những người sáng lập chủ nghĩa Hiện thực Chính trị (Political Realism), đã lên án sự phục tùng quyền lực của một bộ phận trong giới trí thức. George Orwell đã viết rằng những người theo chủ nghĩa dân tộc, thông thường là toàn bộ giới trí thức của một đất nước, không những không lên án các tội ác của nhà nước họ, mà họ còn có khả năng phi thường là thậm chí không từng nghe tới những tội ác đó. Điều này chính xác. Chúng tôi nói nhiều về tội ác của người khác. Về tội ác của chính nước mình thì chúng tôi là những người theo chủ nghĩa dân tộc theo nghĩa của Orwell.

SPIEGEL: Nhưng ở Mỹ và khắp thế giới đã và đang có những phản đối lớn tiếng chống chiến tranh Iraq?

Chomsky: Ít ra thì cũng có nhiều phản đối chống chiến tranh Iraq hơn so với chống chiến tranh Việt Nam thời kì đầu. Năm 1962, khi Kennedy điều cố vấn quân sự tới Việt Nam thì chỉ có một cái ngáp dài, rồi chẳng bao lâu sau, tin 4000 binh sĩ đầu tiên tử trận và 150.000 lính Mỹ tham chiến cũng chẳng làm ai quan tâm.

SPIEGEL: Cuối cùng, có lẽ ông có đôi lời giải hòa về tình thế quốc gia?

Chomsky: Xã hội Mỹ ngày nay văn minh hơn so với trước kia. Chúng tôi có được điều này nhờ vào sự phát triển trong những năm 60. Xã hội chúng tôi và cả xã hội châu Âu lúc đó đã trở nên tự do hơn, cởi mở hơn, dân chủ hơn và qua đó làm nhiều người khiếp đảm. Vì điều này mà thế hệ đó đã bị lên án. Nhưng nó đã phát huy tác dụng.

SPIEGEL: Thưa ông Chomsky, cám ơn ông về cuộc phỏng vấn này.

Noam Chomsky là một trong những nhà ngôn ngữ học quốc tế quan trọng hàng đầu, nhưng ông được biết đến trước hết qua hàng loạt những xuất bản phê phán văn hóa và xã hội, trong đó ông công kích không thương xót đường lối chính trị Mỹ và cũng chỉ ra những hiểm họa của sự toàn cầu hóa. Được mệnh danh là thủ lĩnh lỗi lạc của phe cánh tả Mỹ, trong những cuốn sách của mình như Profit over People (2000) và War against People (2001) Chomsky phân tích sắc sảo hoạt động của những tập đoàn đa quốc gia. Noam Chomsky hiện 79 tuổi, là con một người nhập cư gốc Do Thái từ Đông Âu. Năm 2005 tờ tạp chí Anh Prospect đã tuyên bố ông là nhà trí thức hàng đầu trên thế giới.


Bản tiếng Việt © 2008 talawas
Nguồn: Spiegel số 41/20 ngày 06.10.2008. Tên bài do talawas đặt.