trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 305 bài
  1 - 20 / 305 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
9.8.2008
Nguyên Hồng
Viết sự thực và trách nhiệm của ngòi bút trước sự thực
 
Nguồn sống duy nhất của ngòi bút là sự thực. Tư tưởng và tác dụng của ngòi bút kết đúc bằng máu thịt của sự thực. Bao nhiêu tình cảm và hành động của con người xuất hiện theo những chiều hướng của ngòi bút gọi dậy lên. Ngòi bút quyết định một phần sự giáo dục của con người. Ngòi bút tạo nên con người. Nặng cho ngòi bút bao nhiêu vì những vinh dự và yêu cầu này đặt trên ngòi bút.

*


Tôi lại phải nghĩ đến một sự thực mà dân tộc Việt Nam đã trải qua và không thể nào quên được. Đế quốc, vua quan, địa chủ và tư bản chỉ có một dúm người với quân đội, mật thám, nhà tù và máy chém, đã nắm hết sinh mệnh của hàng triệu, hàng triệu con người. Trong tay chúng, chúng muốn thợ truyền chỉ là những cái máy để làm ra và chuyển hàng hóa, và, nông dân chỉ là những súc vật biết nói cùng với cày bừa và trâu bò làm ra thóc gạo. Trong tay chúng, chúng nó chỉ muốn phụ nữ suốt đời làm nô lệ của một loại công việc không tên và bị khinh rẻ, một thứ nhân công rẻ mạt, một món hàng của mãi dâm, và thanh niên trai tráng chỉ làm những bia đi đỡ đạn, những cái máy người luyện tập đi bắn giết, hãm hiếp, cướp bóc tàn phá đồng bào. Trong tay chúng, chúng muốn trí thức và văn nghệ sĩ chỉ là những cái đầu để suy nghĩ, phát minh, sáng tạo và biểu diễn, làm việc cho cái guồng máy bóc lột của chúng mỗi ngày một một tinh sảo, để chúng mỗi ngày một nhàn hạ, sung sướng, thưởng thức rất tế nhị những cái tươi đẹp mà chúng gọi là văn minh dưới chế độ của chúng.

Toàn khối lao đọng chân tay và trí óc đã từng giờ quằn lên trong sự đau khổ và căm giận. Mỗi cố gắng để đổi lấy sự sống cho mình là một ngậm ngùi, uất ức nung nấu mối thù thêm sâu sắc. Nhưng câu hỏi rỏ theo từng giọt mồ hôi, từng dòng chữ. Những đốt ngón tay đã phải bấm từng ngày để tính thống khổ còn kéo đến bao giờ. Đó là một sự thực.

*


Cái sự thực đen tối ngột ngạt của cái chế độ thực dân, phong kiến và tư bản ấy đã vĩnh viễn bị xóa bỏ trên nửa đất nước Việt Nam. Khối người đông đảo làm ra sự sống kia mà không được hưởng và phải chịu biết bao khổ cực và chà đạp, đã tự tay mình làm cái công việc xóa bỏ ấy. Cách mạng và kháng chiến. Máu họ đã rỏ cho sự thực được sáng lên và thay đổi.

Hôm nay đây và mai sau, quần chúng có muốn gặp lại mình, nhìn lại mình đã như thế nào trong những ngày qua ấy thì tìm đến những dòng chữ lấp lánh trên những trang giấy, ở đây tâm hồn và tư tưởng họ đã được cất lên, được tìm hiểu, được đánh giá. Những dòng chữ đã soi sáng thêm cho mặt đất và con người, và làm cho con người tin tưởng thêm ở sự bất diệt của mình vì được hiểu rõ mình, biết mình đã làm những gì và sẽ còn phải làm những gì.

Sự thực của ngày nay là một thực hiện thắm thiết của những ước mơ và tin tưởng trên kia, là cơ sở để lòng tin và sự cố gắng còn đi lên nữa.

Con người đang sống thật với cái tên của nó, làm chủ vận mệnh của nó. Mồ hôi của nông dân không còn phải xót xa vì bị bóc lột trên đồng ruộng. Cái khao khát đời đời kiếp kiếp nay đã thỏa mãn với ruộng đất về tay và trên đó không còn một uy quyền nào của vua quan và địa chủ. Than dầu lấm láp trên mặt người thợ buổi tầm chiều về nhắc thêm một ngày bộ mặt chung của cuộc đời một sáng hơn lên. Tầng tầng nhà máy, điện đương sáng và các bánh xe và toa hàng đương chạy kia, là của chung của họ, đương làm ra và chuyển đi những cái gì là cần thiết nhất xây dựng cho cảnh yên vui và no ấm của toàn dân.

Những người mẹ nghèo khổ cũng bắt đầu có những nguồn vui mới. Tối tối, quên hết nỗi vất vả nhọc nhằn của ban ngày, họ đến lớp học bình dân vừa chép bài vừa cho con bú; giáo viên dậy họ là chính con giai một người bạn chồng, một chị cán bộ hộ khẩu hay một người mẹ vừa thoát khỏi nạn mù chữ và qua một lớp bổ túc trong xóm họ. Cầm cái chổi lia rác trên đường, đi trước tiếng chuông leng keng của chiếc cam nhông ngoan ngoãn chở rác đằng sau, người con gái quét đường của sở công chính kia đeo "băng" bịt miệng vẫn còn hát điệu "qua cầu gió bay" đêm qua nghe chị văn công Triều Tiên hát qua đài phát thanh. Trước mắt người con gái ấy, con đường nhựa lần lần sạch quang, gió mùa thu thổi ào ào những cành cây trên đầu. Ồ! Con đường của chị, tiếng gió và lá cây reo của lòng chị, tiếng chuông leng keng của chiếc xe của tiểu đội chị.

Cũng trên quãng đường này, hơn một giờ trước đây đã rộn lên tiếng bước chân của anh chị, em chị đi học và đi làm cùng với mọi người. Những chiếc xe đạp loang loáng, những tà áo mầu phấp phới, những cánh tay thuôn nhỏ vịn vai nhau chuyện ríu rít…

Cũng trên quãng đường này, đi ngược lên một thôi nữa, bờ hồ Hoàn Kiếm những sáng chủ nhật. Những cán bộ miền Nam tập kết và anh chị em bộ đội kéo đi đông có chỗ gần như không chen chân được. Những tiếng reo ôm choàng lấy nhau. Những vợ nào chồng ấy, quần áo mới may, dắt tay nhau đi sắm sửa, ăn uống. Những người cha nằm hút thuốc lá trên bãi cỏ, mặc mấy thằng con nhẩy ngựa trên bụng mình.

Sáng chủ nhật của họ ở giữa thủ đô của họ với hồ Hoàn Kiếm của họ. Sáng chủ nhật sau một tuần làm việc mà tất cả mọi sức lao động đã dồn cho đất nước mau chóng lên da lên thịt sau chín năm kháng chiến, và cuộc sống một ngày một ấm no, tươi đẹp, một đáng sống hơn. Sáng chủ nhật của một sự thực. Hà Nội. Và sự thực của cuộc sống dưới chế độ dân chủ cộng hòa.

Nhưng không! Sự thực không phải chỉ có thế.

Thôn quê, với những cung cách lề thói làm ăn cổ lỗ quá rồi, vẫn còn chật quá! Ruộng bãi phải làm sao nẩy thêm sự sống nữa. Một điều khác, mới đây, thôn quê lại bị những xót xa mới vì những sai lầm cải cách ruộng đất, toàn dân, toàn Đảng đương phải ngày đêm lo toan sửa chữa. Và người thợ về tầm chiều kia đến bữa ăn, vầng trán của anh vẫn còn phải mỏi nhức vì lo tính. Xưởng máy anh và xưởng máy các nơi đã hoạt động gần hết rồi và nhiều nhà máy mới, nhiều công trường mới đã dựng lên. Mức sản xuất có tăng nhưng với mức đòi hỏi mỗi ngày một cao của nhân dân vẫn còn thiếu nhiều.

Kế hoạch chung 1956 sắp tổng kết. Một kế hoạch mới sắp tiến bước. Mức sản xuất sang năm phải làm sao tăng nữa. Phải! chỉ có mức sản xuất tăng nữa thì mức sống của anh mới chuyển lên và gia đình anh mới đỡ nặng gánh! Tiến lên xã hội chủ nghĩa, bao nhiêu sung sướng sẽ mở ra, nhưng cũng chật vật bao nhiêu, phải cố gắng bao nhiêu.

Bên cạnh sự lo lắng của người thợ ấy, những người mẹ ngồi vừa cho con bú vừa chép bài học kia, vẫn phải từ gà gáy đến chiều tối chạy vạy từng bát gạo cho chồng con. Người con gái quét đường và đôi nữ sinh phơi phới đến trường kia, vẫn thao thức vì những chuyện yêu đương và ngày mai. Và trên đường bờ hồ Hoàn Kiếm sáng chủ nhật, những người đồng chí bắt gặp nhau, ôm choàng lấy nhau và cười reo lên, những cặp vợ chồng đi sắm sửa, ăn uống, những người cha nằm hút thuốc lá trên bãi cỏ, mặc con nhẩy ngựa trên bụng mình, tâm tư họ nhiều lúc vẫn thắt lại vì những câu hỏi:
  • Sao nước Hung kiến thiết xã hội chủ nghĩa đã hơn mười năm mà vẫn còn bị những vụ đổ máu gây nên bởi bọn phiến loạn phản động?
  • Những thiệt hại đau xót của trong nước, có tiến hành sửa chữa được mau chóng và nhiều kết quả không?
  • Cha mẹ, vợ con, anh em ở "trong ấy" sống ra sao qua những chiến dịch "tố cộng" của bọn Mỹ Diệm? Đứa bé đương nhẩy chơi đây sang năm nữa hay bao lâu nữa mới lại gặp mẹ? Và mẹ nó đương nghĩ gì về nó.

*


Đó, những sự thực.

Những sự thực của những con người, những sự sống, những sự lo lắng và suy nghĩ. Những sự thực của miền Bắc Việt Nam vừa ra khỏi khói lửa và bom đạn, bắn giết và tàn phá của quân cướp nước và bọn bán nước, đương chuyển tất cả gân sức và tin tưởng ra hàn gắn những vết thương tàn khốc, xây đắp nền móng cho đất nước tiến lên xã hội chủ nghĩa. Những sự thực của cuộc đấu tranh hòa bình không kém gian khổ, với bao nhiêu khó khăn, phá hoại của quân thù để lại, và quyết tâm phấn đấu với cả những sự sai lầm của bản thân đã gây nên những tổn thất đau xót. Lại còn những vấn đề của tư tưởng nghệ thuật cũng đương đặt ra ngùn ngụt. Tâm hồn và trí tuệ của quần chúng đương gọi những luồng gió mát và những chân trời. Sự thực ấy đương đòi những ngòi bút lên tiếng. Vì vĩnh viễn công việc của ngòi bút là viết cho sự thực, nhận định về sự thực, soi sáng cho sự thực và đẩy sự thực tiến lên.

Đã có những tiếng nói cất lên. Trong đó có Nhân văn. Và tiếng nói của Nhân văn đã làm nhiều người suy nghĩ.

Về xã hội, người con gái quét đường và đôi nữ sinh kia đã tự hỏi: "Giây phút họ đương sống đây là giây phút thế nào của đời họ". Mới hai năm trước đây, cũng trên những con đường này, dưới sự thống trị của giặc và lũ bán nước, thì họ và chung quanh đương phải chịu đựng những gì? Cuộc sống ngày nay có thật khác ngày trước không? Cái chế độ ngày nay có thật như là cái chế độ đen tối, đè nén, bóp chết những tình cảm tốt đẹp của con người, đặc biệt của những tuổi xuân chan chứa, cái chế độ dựng lên như trong "Nhân câu chuyện mấy người tự tử" và "Con người Trần Dần" không? Những cán bộ hộ khẩu có thật là những "con mắt" “rình bên cửa sổ làm người ta mất ăn mất ngủ” [1] không? Hay với sự tận tụy và tinh thần trách nhiệm của những cán bộ nọ, những ổ đầu cơ tích trữ, buôn lậu, những ổ mãi dâm, tiệm hút, ăn cắp và phá hoại, những nấm độc của chế độ cũ để lại và của địch gài lại, đương tìm cơ hội ngóc lên đã bị vạch ra và trừ diệt.

Về văn học nghệ thuật, cái bài hát mà cả chị công nhân quét đường đương hát và bao nhiêu bài hát khác đương âm vang kia cùng với những câu thơ, những đoạn văn trích ở hàng vạn cuốn giáo khoa, hàng vạn cuốn tiểu thuyết và thơ ca đương lưu chuyền từ thẳm rừng biên giới xuống đến các làng hẻo lánh ven bể và giới tuyến mà những người mẹ vừa cho con bú vừa nắn nót chép vào vở học, có phải là những biểu hiện của trăm hoa đua nở không? Có phải là “một kết quả bây giờ đây chúng ta đương tổng kết không lấy gì làm phấn khởi cho lắm” [2] và đó là một “quang cảnh văn nghệ thật nghèo nàn với một vài hoa riêng nở và mâu thuẫn với bản chất của trăm hoa”? [3]

Và phải chăng cái tình trạng bao nhiêu con em thơ ấu của dân tộc đã được tha hồ "ăn uống" những thứ phim, tranh ảnh, sách báo dâm loạn, cường đạo, đầu óc cuồng lên hay rã rượi ê chề hoài nghi, chán chường, như thế mới thực là trăm hoa đua nở, vì “có thơm có thối, có lành có độc”, vì “chẳng phải bạn, chẳng phải tôi, chẳng phải do một cấp bộ chủ quan nào quyết định”? [4]

Về chính trị, cái vầng trán của người thợ kia sẽ mỏi nhức thêm cũng vì những vấn đề của Nhân văn nêu lên.

Có cần phải giỏi lý luận lắm mới quyết định được rằng dưới chế độ này sự tự do thật được nhìn nhận không? Một thứ tự do với nó những tư tưởng chân chính thật được truyền bá, thật được nẩy nở và thành một tác động trong quần chúng, được quần chúng bảo vệ như một vật quí báu nhất của đời mình? Một nền tự do đúng đắn và đầy đủ ý nghĩa như thế có phải là do cuộc đấu tranh của Đảng đem lại và chỉ có Đảng mới lãnh đạo đấu tranh cho sự tự do ấy được thực hiện, được trọn vẹn về tay quần chúng và cả những người trí thức không? Trái lại, dưới cái chế độ mà cả người viết Bản án của chế độ thực dân Pháp [5] và những người đọc tạp đó, mà cả người viết Chiêu hồn nước và những người chép, đọc Chiêu hồn nước bị truy nã, tùy đày, tra tấn; dưới cái chế độ như thế là tư tưởng có tự do?

Anh công nhân cũng thắc mắc cả về vấn đề dân chủ. Nhưng có thể đặt và nhận định vấn đề nọ như Nhân văn được không?

“Nguyên nhân sâu xa của những biến cố ở Ba Lan và Hung là vì thiếu dân chủ, tại sao lại hiểu vì thiếu chuyên chính?” [6]

À thế ra giai cấp công nhân và nhân dân Hung đã thực hiện cái khát khao dân chủ bằng nổi lên làm những công việc tự tay mình chặt chân tay mình, tàn phá nhà cửa, xưởng máy, cơ quan của mình, tự tay mình treo cổ những chiến sĩ tiền phong của mình và buộc dây thòng lọng cho ô tô kéo những chiến sĩ ấy đi theo kiểu Hoóc-ty và Hít-le ngày trước? Nghĩa là giai cấp công nhân Hung bằng lòng trở lại làm nô lệ ở những xưởng máy cùng với giai cấp nông dân ở các đồn điền và ấp trại, bằng lòng lại nhận những lằn roi da và chày cao su của thống trị dội lên lưng để được thực hiện dân chủ? Nghĩa là những tay chân phát xít Hoóc-ty và bè lẽ tư bản, địa chủ trong mấy ngày vừa qua đây ở Hung, với những khí giới phản động quốc tế cấp cho, đã chiến đấu cho sự ban bố "dân chủ thực sự" cho giai cấp công nhân và nhân dân Hung?

Không! Sự thực là giai cấp công nhân và nhân dân Hung đã bị bọn phản động lợi dụng, khích động, đẩy đến sự tương tàn. Bọn tay chân của Hoóc-ty và phản động quốc tế cùng với bọn địa chủ và tư bản cố ngóc lên phá hoại đã bị vạch mặt và đập tan mọi âm mưu. Và chính phủ Hung đương kiên quyết sửa chữa sai lầm và hàn gắn những vết thương đó.

Đó những vấn đề mà Nhân văn đề xuất và nhận định.

Tư tưởng chủ đạo và nhiều mặt thể hiện của báo Nhân văn thật là sai lệch, và thiếu trung thực. Trước những ác ý và tác động nguy hại của báo Nhân văn quần chúng có phẫn nộ, có góp ý phê bình thì Nhân văn cố tình làm lơ, hơn nữa, lại xuyên tạc và đả kích một cách tai ác hơn.

Thái độ của báo Nhân văn là một thái độ từ chỗ khinh miệt quần chúng đến chỗ khích động quần chúng.

Nào là “mượn tiếng nói miền Nam để vận dụng tranh thủ quần chúng và đẩy quần chúng đối lập với Nhân văn. [7]

Thế thì những "Con người Trần Dần" "Nhân câu chuyện mấy người tự tử" có phải là vận dụng tình cảm không? Đề xuất vấn đề và tranh luận như kiểu những bài "Chúng tôi cực lực phản đối luận điệu vu cáo chính trị", "Sự thật về vụ xúc phạm thi sĩ Nguyễn Bính và báo Trăm hoa", những bài viết về hộ khẩu, về bưu điện, như thế có phải là “ném bã rượu vào nhà người” [8] không? Và chỉ có những câu trong "Con người Trần Dân", "Nhân câu chuyện mấy người tự tử", "Thành thật đấu tranh cho tự do dân chủ" nói về Đảng về dân mới là không phải của những người “bán dầu cù làsoen soét vì dân vì Đảng”? [9]

Chỉ có những ý nói về thống nhất như trong câu: "Nếu xẩy ra tình trạng hai hàm răng cắn phải lưỡi” [10] thì mới là chân chính? Còn những giọt nước mắt của những cán bộ miền Nam tập kết rỏ nhòa khi đọc báo Nhân văn và những đau xót của họ khi tưởng đến bọn địch trích ảnh trích bài của Nhân văn ra đăng báo, phát thanh y như là của một cơ quan tác động tinh thần tốt của chúng, những việc làm mà báo Nhân văn bảo không sợ địch lợi dụng ấy đã làm tan rã bao nhiêu lòng tin và ý chí của những người thân yêu của họ ở trong Nam cũng như ngoài Bắc, thì những cảm nghĩ đó là phi chân chính? Và Nhân văn có dám nhận một sự thực là có sự phê phán và đánh giá của quần chúng về những công việc mình làm không?

*


Dưới mắt Nhân văn sự thực của miền Bắc thật là hắc ám: từ vấn đề xã hội, văn hóa đến chính trị. Thái độ của báo Nhân văn trình bày và nhận định về sự thực ấy thật sai lệch, nguy hại. Trên tờ Nhân văn, sự thực đã bị phủ nhận, đã bị xẻo cắt làm nhiều mảng, đưa lên méo mó, dắt dẫn đến nhiều sự khích động vô chính phủ.

Tính chất này không thể nào là của những ngòi bút trọng sự thực, những ngòi bút chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước nhân dân. Tiếng xót xa của sự thực bị bôi đen và vu khống, tiếng phẫn nộ của những cái gì là chân chính bị đem ra lăng mạ, xuyên tạc, đã kêu lên tràn cả mấy số báo Nhân văn.

Trong cái giai đoạn lịch sử mà dân tộc gặp nhiều khó khăn trong công cuộc xây dựng chế độ, từ chỗ tan hoang cùng kiệt của mười mấy năm chiến tranh vô cùng tàn ác, tự tay mình băng bó những vết thương, vun đắp cho sự sống của đại đa số quần chúng được yêu vui no ấm, và bước lên chế độ xã hội chủ nghĩa lý tưởng của con người, tất cả dũng cảm và vinh dự của ngòi bút là sự đóng góp cho cuộc chiến đấu kiến thiết đó.

Một mặt bị địch ra công phá hoại, để lại cho bao nhiêu khó khăn và gây thêm những khó khăn mới; một mặt trong quá trình làm việc phạm phải những sai lầm, gây nên những tổn thất nặng nề, dân tộc Việt Nam mồ hôi càng rỏ thêm bao nhiêu, càng thấy căm thù địch bấy nhiêu, càng thấy thương mình bấy nhiêu, anh em càng bó xiết lấy nhau để vượt lên.

Sự thực ở miền Bắc là như thế.

Những thành quả mà đấu tranh cách mạng và kháng chiến đem lại cho nhân dân đã thành máu thịt và tư tưởng của họ. Ý thức về sự sống, về tổ chức, về lãnh đạo càng làm cho con người thiết tha hơn với chế độ, tin yêu hơn chế độ.

Trong buổi sơ kết bước chia ruộng ở một xã vùng duyên hải Hải Phòng, một anh cốt cán đã đứng ra nói: “Từ hôm nay trở đi, đời tôi thế là khác hẳn. Ở nhà đi ra, tôi ngẩng đầu lên được thấy giời, bước chân xuống thấy có ruộng đất, và trước mặt được thấy có Đảng”.

Anh nông dân ấy đã nói cho cả nhiều người nông dân khác được Đảng đem đến cho sức mạnh của ý thức đấu tranh, thực hiện được những giấc mơ ngàn đời nay của họ.

Cùng với tiếng nói trên đây có nhiều tiếng nói khác. Đã có đồng chí Đảng bị xử trí sai, đã rạch lên trán mình hình búa liềm và quấn lên đầu miếng vải đỏ, chết cũng không nhận mình đã phụ Đảng phụ Dân. Đã có chị bí thư chi bộ bị xử trí sai vẫn cứ gọi các đồng chí đến dặn dò giối giăng công việc của chi bộ và của xã mình đã phụ trách.

Cái gì đã giữ cho những lòng tin ấy sắt son? Cái gì đã giữ cho sự sáng suốt của ý thức và tâm hồn những con người ấy vằng vặc?

Đó là sự thực. Sự thực của một Đảng với bó đuốc soi đường của chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã lãnh đạo cách mạng và kháng chiến thành công, ngọn cờ đỏ thắm lúc nào cũng đi đầu trước mọi gian nguy, nâng giữ trách nhiệm của giai cấp và dân tộc trao cho mình như con người nâng giữ trái tim và tròng con mắt của mình, một Đảng không còn một quyền lợi nào khác là quyền lợi tối cao của Tổ quốc, của giai cấp, thành khẩn đón nhận mọi sự phê bình, nghiêm khắc tự phê bình, quyết tâm vượt qua mọi thử thách để làm trọn nhiệm vụ lịch sử thiêng liêng của mình.

Sự thực của một dân tộc anh dũng đã đấu tranh cách mạng và kháng chiến thắng lợi và sẽ nhất định cũng thắng lợi trong cuộc đấu tranh kiến thiết đất nước hòa bình và thống nhất.

Hình búa liềm khắc trên trán người đồng chí kia còn sáng chói cả năm cánh sao vàng nữa. Những lời dặn dò giối giăng với chi bộ của chị bí thư đã khuất còn nói cả với những ngòi bút chúng ta, phải viết đúng họ, phải viết đúng cái sự thực mà họ chiến đấu, tin yêu, phải có trách nhiệm trước sự thực.

Thêm một lần nữa những ngòi bút lớn mạnh lên trong sự thực.

Những ngòi bút yêu dấu, của quần chúng, của Tổ quốc!

Những ngòi bút với nó đất nước được thêm máu thịt và ánh sáng!

18-12-1956

Nguồn: Báo Văn nghệ, s. 152 (21.12.1956), tr. 2, 11. Lại Nguyên Ân biên soạn.



Phụ lục
Thông cáo của Ban Thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam

Từ khi Đảng và Chính phủ chủ trương phát huy phê bình và tự phê bình, mở rộng dân chủ, anh chị em văn nghệ sĩ đã góp nhiều ý kiến phê bình lãnh đạo văn nghệ. Những ý kiến ấy đã giúp cho Ban Thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam bước đầu sửa chữa những sai lầm và nghiên cứu một chính sách văn nghệ đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của anh chị em văn nghệ.

Nhưng cũng trong phong trào ấy, báo Nhân văn đã lợi dụng việc mở rộng dân chủ, đưa ra những luận điệu đả kích, vu khống, gây một ấn tượng đen tối về thực tế ở miền Bắc, với một khuynh hướng xấu và nguy hiểm, chỉ có lợi cho địch. Do đó mà hiện nay ở thủ đô và một số thị trấn, các tầng lớp nhân dân đang đấu tranh quyết liệt chống tờ báo Nhân văn và đề nghị Chính phủ có những biện pháp cương quyết. Ban Thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam hoàn toàn tán thành cuộc đấu tranh cần thiết ấy. Ngoài những tác hại báo đó đã gây ra đối với sự nghiệp đấu tranh chung của nhân dân ta hiện nay, riêng trong giới văn nghệ, báo Nhân văn đã gieo rắc hoang mang, hoài nghi, gây ra những sự chia rẽ, làm tổn thương đến truyền thống đoàn kết của văn nghệ sĩ và niềm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ.

Trong cuộc đấu tranh tư tưởng với báo Nhân văn vừa qua, Ban Thường vụ có khuyết điểm không lãnh đạo một cách có hệ thống, có tổ chức, để cho tác hại của báo Nhân văn kéo dài. Thiếu sót ấy biểu lộ rõ rệt nhất trên báo Văn nghệ. Báo Văn nghệ là cơ quan chính thức của Hội Văn nghệ Việt Nam trong khi đăng một số bài tranh luận đã không tỏ rõ thái độ đối với khuynh hướng sai lầm của báo Nhân văn.

Ban thường vụ đề nghị anh chị em văn nghệ sĩ kể cả những anh em đã tham gia tờ báo Nhân văn, nhận rõ những tác hại do tờ báo đó gây ra, và tích cực đấu tranh chống những khuynh hướng nguy hại của nó. Đồng thời, ban Thường vụ cũng đề nghị anh em văn nghệ sĩ tiếp tục giúp lãnh đạo sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm, giữ vững truyền thống đoàn kết, phấn đấu để tạo điều kiện tiến tới Đại hội Văn nghệ Toàn quốc lần thứ hai thắng lợi.

Nhân dịp kỷ niệm ngày Toàn quốc kháng chiến lần thứ 10, Ban Thường vụ Hội kêu gọi toàn thể anh chị em văn nghệ hãy nâng cao ý chí phấn đấu, tinh thần đoàn kết, phát huy khả năng sáng tác của mình, hăng hái và tin tưởng góp sức vào cuộc đấu tranh của dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình thống nhất, tươi đẹp, như toàn dân chúng ta đương thiết tha mong muốn và phấn đấu để thực hiện.

Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 1956



[1]“Cần phải chính quy hơn nữa”, Nhân văn số 4 (nguyên chú)
[2]“Nguyễn Sơn, người đi đầu trong đường lối văn nghệ rộng rãi”, Nhân văn số 5 (nguyên chú)
[3]“Không có lý gì mà không tán thành trăm hoa đua nở”, Nhân văn số 5 (nguyên chú)
[4]“Không có lý gì mà không tán thành trăm hoa đua nở”, Nhân văn số 5 (nguyên chú)
[5]“Procès de la colonisation franҫaise” của Nguyễn Ái Quốc xuất bản ở Pháp trước những năm phong trào công nông 1930-1931 (nguyên chú)
[6]“Hiến pháp Việt Nam 1946”, Nhân văn số 5 (nguyên chú)
[7]“Thành thật đấu tranh cho tự do dân chủ”, Nhân văn số 5 (nguyên chú)
[8]“Nhân câu chuyện mấy người tự tử”, Nhân văn số 1 (nguyên chú)
[9]“Nhân câu chuyện mấy người tự tử”, Nhân văn số 1 (nguyên chú)
[10]) “Thành thật đấu tranh cho tự do dân chủ”, Nhân văn số 5 (nguyên chú)
Nguồn: Báo Văn nghệ, Hà Ná»™i, s. 152 (21.12.1956), tr. 1. Lại Nguyên Ân biên soạn.