Äôi Ä‘iá»u vá» bản dịch má»™t bà i báo trên Nouvel Observateur vá» Christian Bourgois của ông Cao Việt DÅ©ng
Tuy biết rõ rằng mình (một nhơn vật tầm thường, không được học hành hẳn hòi) chẳng là gì so với vị thế ông Cao Việt Dũng, một nhà trí thức trẻ quán triệt nhiều lãnh vực văn hóa và, riêng về ngành dịch thuật, cứ theo lời các bài báo, ông đã dịch nhiều tác giả lớn của nền văn học Pháp, tôi xin được phép bàn vô bản dịch một bài báo trên
Nouvel Observateur về Christian Bourgois của ông. Ý tưởng nầy, tôi có được khi đọc
bài dịch của ông Dũng trên talawas, coi bộ nhiều đoạn không rõ, có thể ông hiểu sai. Nhơn đó, tôi coi lại bản tiếng Pháp, và thấy những cảm nhận của tôi có cơ sở.
Nói thiệt đọc bản dịch bài báo trên, viết nhơn dịp cuộc triển lãm dành riêng cho ông Bourgois được tổ chức ở Trung tâm Pompidou, tôi tự hỏi không hiểu nó giúp ích chi cho độc giả Việt Nam. Toàn chuyện «bếp núc» của mấy nhà xuất bản Pháp không à! Chơn dung ông Bourgois hiện lên qua bài báo đâu có mới mẻ chi! Nhưng chuyện này rộng quá, tôi không dám lạm bàn, chỉ mạn phép mạo muội trình bày ý kiến của mình về bản dịch của ông Dũng.
Xin nói trước,
Nouvel Observateur là một tờ báo không chuyên môn về văn chương, phong cách cũng không có chi cao sang, bài phỏng vấn cũng không có tham vọng chi. Vậy mà lạ quá trời, coi bộ ông Dũng đã có những lỗi dịch khá quan trọng.
Xin dẫn mấy tỉ dụ cụ thể như vầy:
- Nguyên tác đoạn văn như vầy: "Une bourgeoisie provinciale installée dans de belles villas où régnait toute une activité politico-littéraire qui me fascinait".
Được ông Dũng chuyển thành: "Một tầng lớp tư sản hàng tỉnh sống trong các tòa biệt thự đẹp đẽ, nơi ngự trị là các hoạt động chính trị-văn chương mê hoặc tôi".
Chữ «là» như vầy thừa: nó làm rối câu văn và tạo cảm giác ông Dũng không hiểu câu nguyên bản.
- Nguyên tác đoạn văn như vầy: «Julliard m’a tenu des propos pleins de bon sens, notamment qu’il n’y avait dans sa maison qu’une seule place intéressante: la sienne. Et qu’il n’avait pas envie de me la céder».
Được ông Dũng chuyển thành: «Julliard hiểu những gì tôi nói thành ra là tôi muốn chỗ của ông, nơi duy nhất hấp dẫn ở đây. Mà ông thì không muốn nhường chỗ cho tôi».
Đoạn dịch này không chính xác. Hai cụm từ «thành ra là» và «mà ông thì» kỳ quá. Nó cũng tạo cảm giác ông Dũng không hiểu câu nguyên bản, dẫn đến việc làm độc giả hiểu sai ý người nói. Theo tôi, nên hiểu như vầy: «Julliard đã nói với tôi những lời cực chất phác, nhứt là: trong nhà xuất bản này, chỉ mỗi chỗ của ông là hấp dẫn thôi. Và ông không muốn nhường chỗ đó cho tôi». Hai ý: «chỉ mỗi chỗ của ông là hấp dẫn thôi» và «ông không muốn nhường chỗ đó cho tôi» thực chất do Jullỉard phát ngôn, nhưng cách diễn đạt của ông Dũng tạo cho người ta cảm giác đó là Bourgois lập luận mà ra.
- Nguyên tác đoạn văn như vầy: «En 1992, quand j’ai dû finalement partir, je me suis retrouvé, à 60 ans, seul avec ma femme Dominique dans les bureaux des Editions Christian Bourgois. C’est mon seul regret: d’avoir été à partir de ce moment-là un grand éditeur avec peu de moyens».
Được ông Dũng chuyển thành: «Năm 1992, khi cuối cùng cũng phải rời khỏi đó, ở tuổi 60, tôi lại đơn độc, chỉ có duy nhất vợ tôi là Dominique trong văn phòng nhà xuất bản Christian Bourgois. Bí mật duy nhất của tôi là: kể từ thời điểm ấy tôi là một nhà xuất bản lớn với rất ít phương tiện».
Rành rành ông Dũng đã hiểu sai câu trên, khiến cho bản dịch của ông khó hiểu. Theo tôi, nên dịch như vầy: «Năm 1992, khi cuối cùng buộc phải ra đi (bỏ tập đoàn Cité), tôi còn lại một mình, ở tuổi 60, cùng với vợ tôi là Dominique trong văn phòng nhà xuất bản Christian Bourgois. Hối tiếc duy nhất của tôi là…».
- Nguyên tác đoạn văn như vầy: «Mais croire qu’il y a eu un âge d’or de l’édition tandis que le milieu serait maintenant aux mains des vilains contrôleurs de gestion, c’est largement erroné. De Michel Lévy à Stock, que j’admire beaucoup, en passant par Bernard Grasset, un personnage que j’apprécie beaucoup moins, les éditeurs ont passé leur vie à compter. La manière dont travaillaient ces gens, et dont je travaille, est au fond la même».
Được ông Dũng chuyển thành: «Nhưng nếu tin rằng ngày nay ngành xuất bản đang đạt đến kỷ nguyên vàng khi nó nằm trong tay những kẻ kiểm soát, quản lý xấu xa, thì thật là nhầm to. Từ Michel Lévy cho đến Stock, mà tôi rất ngưỡng mộ, cho đến Bernard Grasset, một nhân vật mà tôi ít ngưỡng mộ hơn rất nhiều, các nhà xuất bản đều dành cả đời để đếm [từng quyển sách ra đời một]. Cách những người đó, và cả tôi, làm việc, về sâu xa là giống hệt nhau».
Ở đây chắc cách sử dụng thời gian trong Pháp văn quá tinh tế, nên ông Dũng không nhận ra sự khác nhau giữa quá khứ và hiện tại, nên đã dịch sai hẳn. Theo tôi, phải dịch như vầy: «Nhưng nếu tin rằng trước kia ngành xuất bản đã đạt đến kỷ nguyên vàng trong khi ngày nay nó nằm trong tay những kẻ quản lý hèn mạt, thì thật lầm. Từ Michel Lévy cho đến Stock, mà tôi rất ngưỡng mộ, cho đến Bernard Grasset, một nhân vật mà tôi ít ngưỡng mộ hơn rất nhiều, các nhà xuất bản đều phải cả đời toan tính tiền nong. Cách làm việc của những người đó trước đây, và tôi ngày nay, về sâu xa là giống hệt nhau».
- Tôi không hiểu sao ông Dũng là người dịch chuyên nghiệp, nhưng lúc ông dịch tên riêng (ví dụ: ông dịch «phố Đại học»), lúc lại không dịch tên riêng (ví dụ: ông giữ nguyên «báo Nouvel Observateur»)?
Ngay đầu bài, tôi cố tránh dùng từ tranh luận hay tranh cãi. Xin ông Dũng coi
đây như lời nhận xét «có tính xây dựng» (cụm từ này tôi học được nhơn chuyến
về Việt Nam mới rồi), của một kẻ không được học hành cao rộng, nhưng do ăn ở
xứ người lâu năm, cũng nắm được đôi chút chữ nghĩa người ta.
Vậy coi, tôi nghĩ trước khi bắt tay vô dịch những tác phẩm kỳ vĩ, người ta phải dịch đúng những bài viết nhỏ đã nghe!
© 2005 talawas