Bertolt Brecht từng tuyên bố: „
Người nào đọc Hegel là lỗi tại người ấy.“ („
Wer Hegel liest, ist selbst schuld.“) Tôi không tự nguyện đọc Hegel bao giờ, cũng không ngờ có
Mĩ học (
Ästhetik) của Hegel trong tiếng Việt trước, còn những tác phẩm trụ cột, ít nhất là
Phänomenologie des Geistes, có lẽ lại không bao giờ xuất hiện. Dịch Hegel sang tiếng Việt là việc hiếm người dám làm. Phan Ngọc đã thực hiện việc ấy, có lẽ trong cả chục năm ròng rã. Kết quả là
Mĩ học, trọn bộ hai tập với lời giới thiệu của dịch giả, tổng cộng gần 1800 trang, nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 1999.
Sự nổi tiếng của tác phẩm này, như tất cả những tác phẩm một thời gian dài bị khoá trong hai cái ngoặc kép „có vấn đề“ (vì sao lại ngoặc kép, tôi không bao giờ cắt nghĩa nổi) mà thỉnh thoảng vẫn bị kẻ sành sỏi moi ra vài câu đầy trọng lượng để trích dẫn, rất đắt, cũng như uy tín của dịch giả khiến người đọc bản tiếng Việt tuy sớm đầu hàng, song phần đông còn sớm trút bỏ mọi hoài nghi hơn. Vả lại
Mĩ học-Hegel ấy của Phan Ngọc không phải không dùng được vào việc gì. Dùng để bói, như
Kinh Dịch, Trạng Trình, Nostradamus, có lẽ rất thích hợp. Giở bất kì trang nào trong gần 1800 trang đó, kể cả những trang mục lục, cũng trúng ngay một câu không có cách nào hiểu bằng lí trí đơn thuần. Dường như chỉ dành cho những trí tuệ siêu đẳng. Dường như dùng siêu ngôn ngữ. Chúng là những câu sấm.
Mĩ học của Hegel trong nguyên tác không phải là tác phẩm khó đọc và khó hiểu nhất. Nó vốn là các bài giảng ở đại học Heidelberg những năm 1817, 1818 và Berlin 1820/21, 1823, 1826 và 1828/29 về triết học nghệ thuật, sau này được soạn thành bộ. Ông thầy Hegel đứng trên bục có lẽ đã phải truyền đạt những tư tưởng dù không đơn giản của mình sao cho người nghe có thể theo dõi và tiếp thu được. Ngôn ngữ của các bài giảng ấy là một ngôn ngữ hàn lâm trừu tượng nhưng tương đối sáng tỏ, phần lớn là đủ mạch lạc, nhiều đoạn dài còn có vẻ giản dị. Không hề là ngôn ngữ sấm.
Tôi xin phép khẳng định ngay rằng, đánh giá bản dịch của Phan Ngọc bằng cách so với nguyên tác là việc không đòi hỏi công sức gì đáng kể. Nếu nó chỉ có một số sai sót thì tìm ra chúng giữa gần một triệu chữ sẽ khổ công lắm. Nhưng nó không sai sót một cách khiêm tốn như vậy. Thật may là gần như toàn bộ bản dịch đều sai cả. Hoạ chăng phải làm ngược lại: phải lặn lội giữa gần một triệu chữ ấy, tìm ra một vài chỗ đúng. Song chúng ta biết rằng, một vài chỗ đúng không có giá trị gì, vì triết học nghệ thuật của Hegel là một hệ thống có trình tự và quy củ của nó, tuy chứa đựng không ít mâu thuẫn (từng được các học giả mác-xít rất chú mục), lại thêm một số rối ren do việc biên soạn các bài giảng thành một bộ sách đem lại, nhưng muốn vào thì không thể nhảy cóc và đọc tủ. Cái sai chỉ ở một chỗ dù nhỏ trong bản dịch cũng khiến mọi cái đúng trước đó và sau đó thành vô nghĩa, thậm chí có thể thành xuyên tạc.
Có ba khía cạnh liên quan đến chất lượng bản dịch cần lưu ý:
1. Bản tiếng Việt chúng ta đang nói tới được dịch từ tiếng Nga, có tham khảo một số bản tiếng Nga, Pháp, Trung khác và đối chiếu với bản tiếng Ðức
[1] . Bản tiếng Ðức ra năm 1955 chỉ có thể là bản của Friedrich Bassenge, do Aufbau-Verlag Berlin und Weimar xuất bản, vì vậy tôi cũng dùng bản đó để đối chiếu một lần nữa. Việc chuyển qua chuyển lại, từ tiếng Ðức sang tiếng Nga, từ tiếng Nga sang tiếng Việt, với sự tham dự không rõ mức độ của tiếng Pháp và tiếng Trung, khiến một số yếu tố nhất định như cấu trúc câu, giọng văn, nhịp văn, hình ảnh, cách diễn đạt, những chi tiết đệm... không còn giá trị so sánh nữa, vậy tôi xin bỏ qua, chỉ tập trung vào những gì không được phép sai lệnh dù qua bao nhiêu chuyển dịch. Ai đó có thể hỏi, sao dịch giả không dịch thẳng từ bản tiếng Ðức, khỏi mất công đi vòng rồi lại quay về đối chiếu với chính bản tiếng Ðức. Tôi không thấy thắc mắc này hoàn toàn hợp lí. Việc đối chiếu, có lẽ trong trường hợp này là đối chiếu giản lược, không nhất thiết đòi hỏi khả năng ngoại ngữ như việc dịch. Vậy tôi sẽ không lấy bản tiếng Ðức ra làm chuẩn mực khe khắt, dịch giả đã không trực tiếp dịch từ tiếng Ðức. Công bằng hơn cả phải đánh giá bản dịch của Phan Ngọc trên cơ sở gốc của nó là bản tiếng Nga năm 1968. Các bản dịch Hegel ra tiếng Nga nói chung đều được giới chuyên môn ở Ðức xếp vào hạng có uy tín. Cá nhân tôi càng không tin là nước Nga, ở thời điểm đó là cường quốc Liên Xô, cố tình bóp méo Hegel, khiến Hegel kiểu Việt vô tình méo theo, song cũng không dám nhất quyết loại trừ một khả năng chưa được kiểm chứng mà lại li kì như vậy. Tuy nhiên có hai lí do khiến việc dùng bản tiếng Ðức để đánh giá vẫn là cần thiết: thứ nhất, dịch giả cho biết có đối chiếu với bản tiếng Ðức, dù không nêu rõ đối chiếu ở cấp độ nào; thứ hai, mục đích chính của chúng ta cuối cùng vẫn là để xác định: tác phẩm
Mĩ học của Hegel trong tiếng Việt - nếu nặng lời - là sự huỷ diệt nguyên tác trong tiếng Ðức, mà cái xác ấy, nói theo ý Nguyên Ngọc
[2] , thật tội nghiệp không còn là xác Hegel. Nói nhẹ hơn, nó là một biếm hoạ miễn cưỡng của nguyên tác, có thể gây hiệu quả ngoài ý muốn, là khiến người đọc phải thường xuyên bật cười.
2. Mĩ học của Hegel gần như là tác phẩm triết học phương Tây đồ sộ đầu tiên được dịch sang tiếng Việt và chính thức lưu hành ở Việt Nam, nếu không kể những tác phẩm triết học Marx-Lenin (dường như không được tính vào phương Tây) và một ít tác phẩm triết học hiện đại, chủ yếu của Pháp và Ðức, từng được phổ biến ở miền Nam trước 1975. Chỉ nói riêng về phương diện thuật ngữ, người dịch đi tiên phong như Phan Ngọc cũng hầu như không thể không thất bại trước hai thử thách quá sức một người đơn độc.
Thứ nhất, phải tự mình xây dựng một hệ thống thuật ngữ phần lớn chưa ai biết. Về điều này, Nguyên Ngọc đã trình bày rất rõ. Với bản dịch
Mĩ học, Phan Ngọc có thêm một đóng góp ngoạn mục vào tình trạng hỗn loạn thuật ngữ nói chung, song ông không phải là người đầu tiên và cuối cùng. Ðương nhiên những bất cập ở một dịch giả có uy tín bao giờ cũng có vẻ trầm trọng hơn tự chúng.
Thứ hai - và ở đây thì chúng ta cũng thật khó trách riêng một Phan Ngọc -, một phần đáng kể các khái niệm triết học phương Tây, dù có được dịch chính xác, cũng không thể truyền đạt đúng nội dung mà chúng tải, vì nghĩa của chúng trong tiếng Việt đã bị chiếm, bị cố định, và bị lũng đoạn quá lâu dài và mạnh mẽ bởi những hệ thống tư duy và môi trường văn hoá khác.
Ðịa vị thống lĩnh mấy ngàn năm của các tư tưởng phương Ðông truyền thống trong tiếng Việt khiến mọi tư tưởng khác muốn xuất hiện và trụ lại trong ngôn ngữ này phải đủ sức cạnh tranh thật sự, hoặc phải được bảo hộ và bao cấp mãnh liệt, hoặc phải tìm ra những cơ hội và phương tiện chưa bị sở hữu. Một ví dụ nhỏ: nếu chữ
sắc không có một đời sống vững vàng thuộc hẳn về Phật giáo như thế, thì cái
Schein của Hegel trong
Mĩ học dịch thành
sắc có lẽ là đắt. Nếu phải dịch, tôi cũng tránh chữ
sắc mà dùng chữ
vỏ. Song Phan Ngọc đã làm khác, ông dịch là
ngoại hiện, để rồi đương nhiên sẽ khó xử với những khái niệm khác như
das Äußere, der Ausdruck, Entäußerung, Vergegenständlichung, và nhất là
Erscheinung, rồi gần như trong cùng một câu, vẫn cái
ngoại hiện ấy được dịch là
bộc lộ,
phát hiện và
biểu hiện (tr. 65, I). Tất cả những
tâm, thức, tuệ, tri, giác, niệm, định, hằng, tồn, ngã, dục... đều đã yên bề như vậy cả, không dễ gì huy động vào việc trái với thói quen lâu đời của chúng.
Ðịa vị độc tôn nửa thế kỉ nay của chủ nghĩa Marx-Lenin, hay quan trọng hơn: toàn bộ môi trường văn hoá nảy sinh từ sự hiện diện của nó tại Việt Nam, cũng đẩy mọi tư tưởng khác vào thế bất lợi về ngôn ngữ diễn đạt
[3] . Một trong những dấu ấn còn lâu mới phai mờ trong tiếng Việt, dù những thế lực đóng dấu ấn ấy có thể đang qua đi, là dấu ấn của ngôn ngữ cách mạng với thói quen khuếch trương mọi nội dung cần truyền đạt lên tầm hoành tráng và cao cả. Một tập thể, một xã hội, một nhân loại được mệnh danh là tiến bộ, dường như hoành tráng hơn một cá nhân, vậy đời sống cá nhân hãy khoác lấy tấm áo ngôn ngữ cỡ rộng vốn dành cho sinh hoạt tập thể. Ðiều thú vị là phần lớn chúng ta bơi trong cái áo thùng thình, bùng nhùng, rõ ràng là thứ đi mượn ấy, không những không ngượng mà còn nhanh chóng thấy hợp ý. Vừa cất giấu an toàn phần riêng tư của mình, vừa như được nâng lên một tồn tại lớn lao hơn. Chúng ta không
khuyên bảo nhau nữa, mà
đả thông nhau; thay vì
phải lòng,
ngỏ lời,
yêu đương rồi
lấy nhau thì chúng ta tiến hành các bước:
có cảm tình,
đặt vấn đề,
tìm hiểu, rồi
xây dựng hoặc
tổ chức. Mở miệng là chúng ta xuất ra những
ý thức, tinh thần, tình hình, hoạt động, lí tưởng, giác ngộ, ý chí, tâm niệm, chủ trương, mục đích v.v... Rủi cho Hegel và càng rủi cho Phan Ngọc, những khái niệm then chốt trong
Mĩ học:
Geist, Ideal, Wirklichkeit, Entfremdung... đều là những chữ chúng ta ưa phát ngôn như thế:
a. Hoặc đó là những chữ đã có nơi chốn, đã kết-nghĩa rõ ràng, không còn một chút tự do nào nữa. Nói cách khác, dường như cái vỏ chữ của chúng đã đóng kín, không nghĩa mới nào còn lách được vào. Chúng là những con thuyền đã cắm bến, không nhận chở thêm nghĩa nào, nhất là nghĩa lạ. Cái
Weltanschauung ở Marx đã chắc chắn là
thế giới quan trong tiếng Việt, dường như vì thế mà Phan Ngọc khó xử với cái
Weltanschauung ở Hegel, thỉnh thoảng ông cho phép nó vẫn là
thế giới quan, còn phần lớn là
nhãn kiến thế giới, và có lúc – lúc quan trọng - nó bỗng là
cái nhìn của thế giới. Hegel:
Totalität der Weltanschauung, Phan Ngọc:
cái nhìn của toàn bộ thế giới (!). Quả nhiên phải bật cười.
Das Ideal của Hegel, Phan Ngọc dịch là
lí tưởng.
Lí tưởng trong tiếng Việt có một đời sống hoàn toàn khác, bị hạn chế trong những nội dung rất cụ thể. Một thời gian dài,
lí tưởng được hiểu duy nhất theo nghĩa
lí tưởng cách mạng mà biểu hiện cụ thể là việc đi theo cách mạng, trở thành đảng viên cộng sản.
Lí tưởng trong nghệ thuật thì đơn giản là hoài bão sáng tạo nghệ thuật. Còn
lí tưởng theo nghĩa phổ biến nhất thì đồng nghĩa với ý chí phấn đấu cho một mục đích nào đó. Không có một nghĩa thực sự tồn tại nào của
lí tưởng trong tiếng Việt đủ độ thân thích với nghĩa của
das Ideal ở Hegel. Nếu dịch ngược thì
lí tưởng trong tiếng Việt phần lớn tương đương với
Idealismus trong tiếng Ðức, song chuyển sang tiếng Việt,
Idealismus chỉ là
chủ nghĩa duy tâm. Dịch chính xác hơn, thành
cái lí tưởng thì may ra loại trừ được một số nghĩa gây nhiễu của
lí tưởng. Tiếc rằng Phan Ngọc không chọn giải pháp này một cách nhất quán. Ông không hề nhất quán trong mọi giải pháp.
b. Hoặc đó là những chữ chẳng hề bị buộc vào đâu cả, chúng hoàn toàn tự do, chúng là những cửu vạn chở mướn cho toàn thiên hạ, tự chúng tuyệt đối vô nghĩa, không đủ sức làm một khái niệm độc lập nữa. Cái vỏ chữ của chúng đã hoàn toàn rách nát.
Tinh thần là một chữ cửu vạn hăng hái như thế. Chúng ta có đủ thứ
tinh thần: tinh thần lao động, tinh thần kỉ luật, tinh thần đoàn kết, tinh thần xây dựng, tinh thần dân tộc, tinh thần nghị quyết... Trong muôn vàn cách thăm hỏi, ta có thể hỏi bạn: “Sao, tinh thần thế nào?”, và bạn đáp rằng: “Tinh thần là dạo này đói lắm”, để sau đó ta có phận sự “lên dây cót tinh thần” cho bạn. Khi được giao nhiệm vụ chuyển tải cái nghĩa của
Geist ở Hegel thì
tinh thần trong tiếng Việt đã kiệt sức bởi những vụ làm thuê triền miên ngoài chương trình từ nguyên như thế. Cho nên cái
Weltgeist của Hegel có thể được hiểu là chủ nghĩa quốc tế, vì tiếng Việt của nó là
tinh thần thế giới; và
objektive Geistlichkeit,
tinh thần khách quan trong bản dịch của Phan Ngọc, thì đồng nghĩa với thái độ trung lập, không thiên vị, không định kiến.
Sự tha hoá, tiếng Việt của
Entfremdung, cũng vậy. Thuở ban đầu, khi đi kèm với
biến chất, nó vẫn quanh quẩn ở đâu đó trong phạm vi có thể truy ngược về nghĩa gốc, nhưng trong tư duy của nửa thế kỉ qua thì
biến chất tất yếu là chuyển từ chất vô sản, tiến bộ, tốt đẹp sang chất tư sản, phản động, xấu xa. Biến chất là tha hoá. Vậy ngoại tình là tha hoá, viết văn uỷ luỵ cũng là tha hoá, lười lao động lại càng là tha hoá, một lúc nào đó muôn vàn sự sa đoạ, đổ đốn - hay nói đúng hơn: bị coi là sa đoạ, đổ đốn - của con người đều được gọi chung là sự tha hoá
[4] , chỉ có cái
Entfremdung của Hegel ngơ ngác đâm đầu vào đấy là nhầm cửa mà thôi.
3. Chúng ta biết rằng muốn được giới thiệu, dù chỉ trong phạm vi tham khảo nội bộ và dành riêng cho giới nghiên cứu thì mọi tư tưởng không trùng khít với hệ tư tưởng chính thống tại Việt Nam phải được đỡ đầu chu đáo. Giới chuyên lót đường cho những vị khách lạ ấy thành công hay thất bại tuỳ thuộc ở nhiều phương diện, song quan trọng là ở khả năng dẫn khách với giá nào. Giới ấy có những kinh nghiệm thú vị của họ. Họ có thể cho rằng, dẫn được một con chim cánh cụt đến nhà cá là việc chính, còn cắt cái cánh đằng nào cũng cụt của nó và thay vào đó cái vây là chuyện phụ. Tôi từng muốn trải thảm cho Kafka bằng cách khăng khăng tuyên dương ông là con chim bơi sâu hơn cá, không nhà văn Việt nào lặn ngụp trong hiện thực Việt Nam hơn Kafka, là tai hoạ cho văn chương Việt Nam hơn Kafka, nhưng tôi không thành công. Phan Ngọc uyển chuyển hơn nhiều, ông khen, chê, thêm cái vây này, cắt cái cánh kia, chỗ nào có thể trung thành thì trung thành, chỗ nào cần sáng tạo cho hợp hoàn cảnh và khí hậu Việt Nam thì linh động sáng tạo, mà đừng chẳng được thì ông thổi cho Hegel thành rối tung mù mịt, một Hegel vô nghĩa đương nhiên vô hại và an toàn.
Trong phần giới thiệu ở dạng tóm tắt nội dung dài 50 trang mở đầu bản dịch
Mĩ học, Phan Ngọc trình bày một bản hướng dẫn sử dụng cái cỗ máy tư tưởng khổng lồ và có vẻ dễ gây sự cố này sao cho an toàn nhất, trên cơ sở kết hợp hai thái độ căn bản cần phải có: a) phải lấy chủ nghĩa duy vật lịch sử, phép biện chứng mác-xít và mĩ học mác-xít với hạt nhân là lí thuyết phản ánh để phê phán những khuyết điểm và hạn chế ở Hegel; b) phải nhìn nhận những đóng góp tích cực nhất định của Hegel. Sở dĩ chúng là những đóng góp đáng nghiên cứu bởi chúng chẳng những không hoàn toàn mâu thuẫn mà còn tương đối gần với chủ nghĩa duy vật lịch sử, phép biện chứng mác-xít và mĩ học mác-xít với hạt nhân là lí thuyết phản ánh. Thái độ thứ nhất là đương nhiên, không có gì cần chú ý. Nhưng thái độ thứ hai là thứ cho phép những người đỡ đầu như Phan Ngọc dường như vừa đi đúng đường lối vừa giúp cho đường lối ấy khỏi chết cứng trong giáo điều. Vị trí tuy-đúng-đường-lối-nhưng-không-giáo-điều vốn là sự lựa chọn ưa thích của giới trí thức trong nước (người anh em sinh đôi của nó ở hải ngoại là tuy-quốc-gia-nhưng-mềm-dẻo) và là sự lựa chọn có vẻ lương thiện duy nhất tương đối an toàn. So với những lựa chọn tuyệt đối an toàn (trong đó có cả lựa chọn vô can) thì nó là một cái gì nhang nhác sự dũng cảm. Có lẽ cũng đã đến lúc cái nhang nhác dũng cảm và thường được âu yếm gọi là “mạnh dạn” đó nên tìm ra mình, để chỉ giống chính mình thì sòng phẳng hơn. Song như thế nào mặc lòng, trong trường hợp cụ thể này thì lựa chọn của Phan Ngọc khiến ông phải hiểu, trình bày và chuyển tải Hegel sao cho chúng ta đủ hình dung ra một trí tuệ tuy có những cái “
trác việt” của nó nhưng đầy hạn chế không thể tự vượt qua, một trí tuệ ắt phải đi đến chỗ “
bi kịch”, “
quái đản”, “bế tắc”.
Chúng ta, người đọc Việt, phải lấy làm tiếc cho cái tài năng đi trệch đường và bị lịch sử bỏ qua không nhân nhượng ấy và bày tỏ lòng thông cảm bằng cách... đọc bản dịch
Mĩ học, dù đó là việc thực ra không cần thiết, bởi cái dở của nó chúng ta biết rồi, mà cái hay chẳng qua chỉ gần bằng cái hay của chúng ta, cũng biết rồi, mà thôi. Phan Ngọc khen Hegel nói hay về “
câu chuyện nhân tính của nghệ thuật” (!) - câu chuyện chúng ta đã thuộc lòng - và bình luận rằng: “
Nhân tính của nghệ thuật nằm ngay trong sự chiếm hữu của con người đối với hiện thực khách quan. Ví thử nhà triết học kéo cả lao động sản xuất vào đó thì câu chuyện đã xong xuôi từ lâu” (tr. 11, I). Kéo vào đâu? Vào nhân tính của nghệ thuật, vào nghệ thuật, vào sự chiếm hữu của con người đối với hiện thực khách quan, hay vào hiện thực khách quan? Câu trả lời không quan trọng, vì với chúng ta thì câu chuyện xong xuôi từ lâu, có lí do gì mà đọc một kẻ nói mãi chưa xong chuyện như Hegel? Khi Hegel không đủ tầm nhận thức rằng các khái niệm mà ông “
đã xác lập rất tài giỏi đều xuất phát từ đấu tranh chống thiên nhiên và đấu tranh giai cấp” (tr. 12, I); không biết “
cụ thể hoá khái niệm con người là quần chúng lao động” để “
khái niệm nhân loại của ông khỏi trừu tượng” (tr. 12, I); chỉ biết “
than phiền về sự tan rã của nghệ thuật” (!) mà “
không thấy triển vọng của một nghệ thuật vì quần chúng lao động” (tr. 13, I) và hoàn toàn không đủ khả năng “
xây dựng một mĩ học cho người lao động” (tr. 22, I) thì ông còn dùng được vào việc gì? Khi chúng ta bẩm sinh đã mang sẵn lí thuyết phản ánh trong người thì một kẻ hì hục lặn lội mãi mới “
tiến gần đến lí luận phản ánh” (tr. 21, I) như Hegel chỉ còn đáng thương. Và tuy Phan Ngọc nhiệt tình mời chúng ta đọc
Mĩ học “
để trèo lên vai Hegel” (tr. 54, I), nhưng động tác đó thực ra không khả thi: Marx đã lộn ngược Hegel cho cắm đầu xuống đất mất rồi. Còn chính Phan Ngọc lại bảo: “
Tôi biết trong từng lĩnh vực của nghệ thuật Việt Nam các bạn của tôi có nhiều kiến thức hết sức quý báu mà Hegel không sao có được“ và mong muốn chúng ta hãy “
chuyển hoá biện chứng pháp này (của Hegel)
sang con đường thoả mãn những nhu cầu vật chất và những đòi hỏi của tâm thức Việt Nam” (tr. 54, I). Chuyển biện chứng pháp của Hegel sang con đường thoả mãn
những đòi hỏi của tâm thức Việt Nam? Chuyển biện chứng pháp của Hegel sang con đường thoả mãn
những nhu cầu vật chất của chúng ta? Ai đã hiểu ý tứ của câu ấy có thể chuyển sang tìm hiểu một câu khác: Phan Ngọc cho rằng tuy “
tác phẩm của Hegel đọc hết sức rối rắm, khó hiểu. Nhưng nếu ta vứt nó đi thì chẳng khác gì đổ chậu nước tắm cùng với đứa trẻ đang được tắm” (tr. 22, I). Tác phẩm của Hegel với sự rối rắm, khó hiểu của nó ví như chậu nước tắm. Ðứa trẻ nào bỗng tắm trong đó khiến ta không đành lòng hất đi?
Như trên đã nói, gần như toàn bộ bản tiếng Việt của
Mĩ học đều sai cả, hoạ hoằn có chỗ tạm đúng về nghĩa thì cái nghĩa ấy lại bị cách diễn đạt che tối hoặc sơ lược hoá, thậm chí dung tục hoá. Trong phạm vi bài này tôi xin nêu một số lỗi chính của bản dịch:
Ðọc sai
Ðây là một trong hai khuyết điểm trầm trọng nhất và cũng thường xuyên nhất. Hầu như bất kì câu phức hợp, có nhiều mệnh đề lồng vào nhau nào - đáng tiếc lại là sở trường của các triết gia Ðức mà Hegel thuộc hạng dẫn đầu - cũng bị đọc nhầm. Vừa buớc vào phần
Dẫn luận, câu phức hợp đầu tiên của bản dịch đã thất bại: “
Thực ra, danh từ Ästhetik (“mĩ học”), không hoàn toàn thích hợp với đối tượng chúng ta khảo sát, bởi vì mĩ học kể ra chỉ là khoa học, khảo sát cảm giác, tình cảm. Nếu hiểu như vậy, thì mĩ học đã nảy sinh ở trong trường phái Vônphơ với tính cách một khoa học mới, hay ít nhất là với tính cách mầm mống của một nền triết học tương lai. Trong lúc đó, ở Ðức vẫn quen khảo sát các tác phẩm nghệ thuật ở trong mối liên hệ với những tình cảm mà chúng cần phải nêu lên - chẳng hạn liên hệ với những khoái cảm, tình cảm ngây ngất, sợ hãi, cảm thương v.v...” (tr. 55, I).
Chưa kể cách diễn đạt vụng về (“
khảo sát các tác phẩm nghệ thuật ở trong mối liên hệ với những tình cảm mà chúng cần phải nêu lên”), người chỉ đọc bản tiếng Việt không thể hiểu toàn bộ sự lằng nhằng đầy mâu thuẫn của đoạn này được viết ra nhằm mục đích gì. Mĩ học
kể ra chỉ là khoa học, vậy mà chính trong cái nghĩa phải hiểu như vậy thì nó
đã nảy sinh ở đâu đó với tính cách một khoa học
mới, mà ở Ðức thì người ta quen khảo sát abc, còn vì sao phải nêu cái khảo sát abc đó ra trong đoạn này thì chịu, không ai cắt nghĩa nổi. Không trách Thảo Hảo than rằng, đọc rồi không biết nội dung cái vừa đọc là gì mà thuật lại
[5] .
Cả đoạn trên ở Hegel là một câu như sau: „Dĩ nhiên là với đối tượng này (tức „vương quốc rộng lớn của cái Ðẹp“, đã xác định trong câu mở đầu phần
Dẫn luận - PTH) thì cái tên Ästhetik thực ra không hoàn toàn phù hợp, vì đúng ra thì Ästhetik là tên của môn khoa học về giác quan, về cảm xúc; và hiểu theo nghĩa này thì nó, với tư cách một môn khoa học mới, hay đúng hơn là một bộ môn triết tương lai, bắt nguồn từ trường phái Wolff vào cái thời điểm mà ở Ðức người ta thường xem các tác phẩm nghệ thuật với ý chú trọng những cảm giác mà chúng phải gợi ra được, chẳng hạn cảm giác dễ chịu, cảm giác ngưỡng mộ, sợ hãi, thương xót v.v…“ („
Für diesen Gegenstand freilich ist der Name Ästhetik eigentlich nicht ganz passend, denn “Ästhetik” bezeichnet genauer die Wissenschaft des Sinnes, des Empfindens, und hat in dieser Bedeutung als eine neue Wissenschaft oder vielmehr als etwas, das erst eine philosophische Disziplin werden sollte, in der Wolffischen Schule zu der Zeit ihren Ursprung erhalten, als man in Deutschland die Kunstwerke mit Rücksicht auf die Empfindungen betrachtete, welche sie hervorbringen sollten, wie z.B. die Empfindungen des Angenehmen, der Bewunderung, der Furcht, des Mitleidens usf.“, tr. 13, I, bản tiếng Ðức.)
Chúng ta thấy rõ, Hegel tìm cách lấy cái tên vốn dùng cho một ngành khoa học khác, nảy sinh trong một hoàn cảnh khác, cho môn triết học nghệ thuật của mình ra sao. Ông muốn khoanh rõ phạm vi mình đang chuẩn bị bàn đến. Không có gì là quá phức tạp.
Song ngay cả những câu đơn giản hơn nhiều cũng bị đọc sai. Ðọc câu „
Cũng giống như thơ trữ tình phương Ðông, thơ trữ tình Hi Lạp và La Mã khác thơ trữ tình lãng mạn“ của Phan Ngọc (tr. 715, II), chúng ta phải ngạc nhiên. Trình tự phát triển của nghệ thuật theo Hegel là tượng trưng - cổ điển - lãng mạn. Sao bỗng nhiên cái cổ điển của Hi Lạp và La Mã phải giống cái tượng trưng của phương Ðông, để cả hai được khác cái lãng mạn? Hegel nói câu ấy như sau: „Thơ trữ tình của người Hi Lạp và La Mã cũng khác với thơ trữ tình lãng mạn, hệt như khác với thơ trữ tình phương Ðông.“ („
Wie von der orientalischen, so unterscheidet sich die Lyrik der Griechen und Römer auf der anderen Seite ebensosehr von der romantischen.“, tr. 506, II, bản tiếng Ðức) Vậy là Hegel tự mâu thuẫn ở đâu, chứ không ở một ý hoàn toàn nằm trong quỹ đạo tư duy của mình như vậy.
Dịch vô nghĩa
Hãy lấy ngay ví dụ do Thảo Hảo nêu: “
Trong khi cố gắng tác động ra ngoài và biểu hiện cái bên ngoài nghệ thuật nhằm mục đích gây tác động ra ngoài, và nét chung nhất là cố gắng gây ấn tượng. Nghệ thuật có thể đạt được những hiệu quả này nếu như nó sử dụng yếu tố xấu xí, gò ép, đồ sộ, những hiệu quả mà ở đấy thiên tài phi thường của Miken Ăngcơ đã biểu hiện, hay sử dụng những sự đối lập rõ rệt để gây nên những tương phản nhất định” (tr. 13, II). Ðương nhiên đó là một đoạn vô nghĩa như muôn vàn đoạn khác trong bản dịch. Dường như muốn làm một câu sấm qua sự lặp lại liên tục của “
tác động ra ngoài”, “
biểu hiện cái bên ngoài”, rồi lại “
tác động ra ngoài”, của ba lần “
gây” và hai lần “
cố gắng”, hai lần “
biểu hiện”, hai lần “
hiệu quả”. Nhưng để làm sấm thì nó thiếu sự cô đọng cần thiết.
Ðoạn ấy là một câu như sau: “Khi toàn bộ cái cấp bậc nghệ thuật này chủ trương tác động hướng ngoại bằng cách thể hiện cái bề ngoài thì một nét chung nữa của nó có thể được nêu thêm ra ở đây là hiệu quả có được qua sử dụng những phương tiện gây ấn tượng như cái khó ưa, cái gắng gượng, cái đồ sộ (một thiên tài ghê gớm như Michelangelo thường sa đà vào đó chẳng hạn), hay sự tương phản mạnh mẽ, v.v…“ (“
Insofern nun aber diese ganze Stufe der Kunst auf die Wirkung nach außen hin durch die Darstellung des Äußeren losgeht, können wir als ihre weitere Allgemeinheit den Effekt angeben, der sich denn auch des Ungefälligen, Angestrengten, Kolossalen, wohin z.B. das ungeheure Genie des Michelangelo oft ausschweift ist, schroffer Kontraste usf. als Mittel des Eindruckes bedienen kann“, bản tiếng Ðức, tr. 12, 13, II.)
Cái cấp bậc nghệ thuật đang nói tới là cấp bậc của
phong cách vừa lòng (Hegel:
der gefällige Stil; Phan Ngọc: phong cách thú vị) sau
phong cách nghiêm ngặt (Hegel:
der strenge Stil; Phan Ngọc: phong cách trang trọng) và
phong cách lí tưởng. Lời dịch của Phan Ngọc tất nhiên không cho thấy tiến trình này, mà những đặc trưng của mỗi giai đoạn phát triển cũng hoà tan trong đống hổ lốn của những kí hiệu hình như là chữ Việt.
Suy diễn và đoán mò
Tôi luôn hình dung ra một vở kịch phi lí với ba nhân vật, gồm Hegel, dịch giả Phan Ngọc và người đọc Việt, trong đó thỉnh thoảng người đọc Việt lại gật gù, tiến ra bắt tay Hegel, còn Hegel thì quay sang bắt tay Phan Ngọc cảm ơn. Cả ba đều hạnh phúc. Hegel nói gì mặc kệ, ông ta có thể bỏ tiếng Ðức mà dùng tiếng sao Hoả, không sao cả, miễn là Phan Ngọc còn khả năng đoán ý. Ðoán mò cũng không sao cả, miễn là trúng cái tai của người đọc Việt. Nghe đoạn “
Nó xua tan nỗi buồn bực của ta trong những giờ nhàn rỗi, và ngay cả ở nơi không thể có điều gì tốt lành thì ít nhất nghệ thuật cũng thay thế cái xấu, và điều đó cũng còn tốt hơn là cái xấu” (tr. 59, I), người đọc Việt thấy lọt tai lắm, khen cho Hegel có quan điểm hợp lí, rất gần gũi với chúng ta. Nghệ thuật mà thay thế cái xấu thì đương nhiên là tốt hơn cái xấu rồi.
Ý Hegel thực ra như sau: lúc nhàn rỗi thì cái đẹp và nghệ thuật là thứ thú vị để xua đuổi thời gian (chứ không xua tan nỗi buồn bực nào như suy diễn của người dịch), và khi không có điều Thiện nào mà thực thi thì nó (cái đẹp và nghệ thuật) nhảy vào chỗ cái Ác, ít ra nó cũng giữ chân này giỏi hơn cái Ác. (“…
indem sie… die Müßigkeit auf eine unterhaltende Weise tilgt und, wo es nichts Gutes zu vollbringen gibt, die Stelle des Bösen wenigstens immer besser als das Böse einnimmt”, tr. 15, I, bản tiếng Ðức.) Quả nhiên không phải là một ý tưởng gần gũi với chúng ta. Chỗ nào có vẻ bùi tai trong bản dịch của Phan Ngọc là chỗ ấy suy diễn và đoán mò, quy tắc này có thể áp dụng triệt để.
Giản lược hoá và dung tục hoá
Và một quy tắc nữa: chỗ nào có vẻ bùi tai - khi chúng ta chỉ nghe loáng thoáng nửa tai -, là đã được dịch giả dàn xếp thế nào đó. Cách dàn xếp thông dụng nhất là vứt bỏ mọi khía cạnh rối rắm, mọi so sánh phiền toái, mọi ý tứ quá tế nhị, mọi liên tưởng quá xa xôi, chỉ giữ lại cái mà dịch giả quan niệm là ý chính. Cả đoạn nói về châm biếm hiện đại (tr. 283, I) là như vậy, và nếu đủ khả năng đọc vỡ những câu văn bí hiểm của Phan Ngọc, có lẽ chúng ta cũng tưởng mình đã nắm được ý chính, ai nhẹ dạ còn có thể chép câu sau đây vào sổ tay để dùng khi có dịp: “
Với tính cách một nghệ thuật huỷ bỏ tất cả do tính chất rầu rĩ vô bổ của nó, châm biếm, cũng như sự ham muốn mà chúng tôi đã nói ở trên, đi đến một trình độ không nhất quán, chẳng có gì là nghệ thuật cũng chẳng quan hệ gì với cái lí tưởng thực sự.” Hegel đã được xào xáo lại theo cách chém to kho mặn, miễn sao ăn được. Câu ấy vốn là mệnh đề kết thúc một loạt các trình bày về những khía cạnh khác nhau và về bản chất của châm biếm hiện đại: “... cho nên cũng như cái khao khát kia, châm biếm là một nghệ thuật chối bỏ toàn diện so với cái lí tưởng đích thực, nó đồng thời hàm chứa mặt thiếu nhất quán nghệ thuật nội tại.” (“…
so behält die Ironie als diese allseitige Vernichtungskunst wie jene Sehnsüchtigkeit, im Vergleich mit dem wahren Ideal, zugleich die Seite der inneren unkünstlerischen Haltungslosigkeit“, tr. 161, I, bản tiếng Ðức).
Tuỳ tiện thêm, bớt
Dịch đương nhiên là cho nguyên tác thêm một cái gì, trước hết là một đời sống mới trong một ngôn ngữ khác. Và tước đi một cái gì, trước hết là những đặc trưng không thể tái hiện ngoài phạm vi văn cảnh gốc. Song phần còn lại để chuyển ngang giá trị của mọi văn bản, có lẽ chỉ trừ thơ, vẫn đủ lớn và đủ cố định để đòi hỏi trung thành với nguyên tác còn là chính đáng. Những ví dụ đã nêu đều cho thấy độ chênh lớn giữa nguyên tác và bản tiếng Việt. Đáng ngạc nhiên chỉ là, sự thêm và bớt của Phan Ngọc dường như hoàn toàn tuỳ tiện, thiếu mọi cơ sở, ngay cả ở những chỗ trung thành lẽ ra là giải pháp dễ và hợp lí nhất. Hegel: “Ta có thể xếp người Do Thái, người Ả-rập và người Ba Tư liền nhau trong khu vực thứ ba của nghệ thuật sử thi phương Ðông.” (“
In einem dritten Kreise der orientalisch-epischen Dichtkunst können wir die Hebräer, Araber und Perser nebeneinanderstellen”, tr. 456, II, bản tiếng Ðức.) Phan Ngọc: “
Trong số các dân tộc phương Ðông đã sáng tạo nên một nền thơ ca sử thi, người ta còn có thể xếp những người Do Thái, người ảrập và người Ba Tư” (tr. 645, II).
Dàn ý của Hegel hoàn toàn mạch lạc, trước hết ông nói về sử thi Trung Hoa, rồi đến Ấn Ðộ, tiếp đến Cận Ðông là khu vực thứ ba mà câu trích đề cập. Lời dịch thêm và bớt của Phan Ngọc khiến câu văn chỉ còn là một sự liệt kê vô vị, không hữu cơ với mạch đi của cả đoạn văn.
Những đoạn tương đối phức tạp ở Hegel, khó trung thành hơn, thường bị cắt phăng, chỉ chừa lại vài ba câu chống chếnh nào đó, thì nhiều không kể xiết, điển hình là đoạn bắt đầu bằng “
Hơn nữa sự khẳng định cho rằng...” (cuối tr. 65, I) đến “...
do tinh thần sản sinh ra” (tr. 66, I).
Cẩu thả
Một cụm từ đơn giản như “
die römische Konstruktion der Bogenwölbung” (cấu trúc La Mã của vòm hình cung), sở dĩ ở Phan Ngọc là “
kiến trúc xây dựng La Mã xây dựng trên cái vòm hình cung” (tr. 834, II) thì chỉ có thể do quá cẩu thả. Chẳng lẽ còn một lí do sâu sắc hơn cho việc dịch “
künstlerische Konzeption” (ý đồ của nghệ sĩ) là “
hư cấu nghệ thuật” (tr. 836, II); “
dienende Baukunst” (nghệ thuật kiến trúc phục vụ, để phân biệt với nghệ thuật kiến trúc của giai đoạn tượng trưng trước đó) là “
nghệ thuật vụ lợi” (tr. 834. II); “
die dichtende Subjektivität” (chủ thể sáng tác thơ, tức nhà thơ) là “
tính chủ thể nên thơ” (tr. 837, II); hay “
Material der Malerei” (chất liệu hội hoạ) là “
tài liệu hội hoạ”, “
die schöne Kunst” (mĩ thuật) là “
sáng tác nghệ thuật” và “
bloßer Schein” (cái vỏ suông) là “
ngoại hiện trần trưồng”? Có lẽ ở ví dụ cuối này, người dịch quả nhiên đã đối chiếu với bản tiếng Ðức và dùng luôn cái nghĩa ghi trong một từ điển tồi nào đó. Một tấm thân
bloß dịch là “
trần truồng” thì cũng được, còn cái vỏ
bloß, cái vẻ ngoài suông, cùng lắm thì dịch là “trần trụi” (dù sai ý Hegel), sao lại “trần truồng”?
Sử dụng thuật ngữ võ đoán
Ta đã biết những khó khăn, thậm chí bế tắc, của việc tìm thuật ngữ tương ứng trong tiếng Việt. Ngay cả những dịch giả và học giả xuất sắc cũng có thể bó tay hoặc mắc lỗi. Nhưng có những lỗi không nhất thiết phải mắc, và một chút thận trọng khi quyết định sáng chế thuật ngữ có lẽ không thừa. Khi đã dịch
Prosa là “
văn xuôi”, sao Phan Ngọc lại quyết gọi “tính văn xuôi” (
prosaisch) là “
cái nôm na”? Người đọc khó mà không giật mình khi bắt gặp “
chủ nghĩa tượng trưng quái đản” (
die phantastische Symbolik) ở văn hoá Ấn Ðộ. Cả danh từ
Phantasie lẫn tính từ
phantastisch của nó đều được dịch là “
quái đản”, mà trong phần giới thiệu
Mĩ học, khi phê phán Hegel, Phan Ngọc đã cho người đọc biết “
quái đản” là gì. Vì sao
Symbolik (hệ biểu tượng) bỗng thành “
chủ nghĩa tượng trưng“, hay ở một chỗ khác, cá nhân các vị thần (
Götterindividuen) lại thành những “
vị thần cá biệt”? Lập một cuốn từ đIển thuật ngữ cho
Mĩ học bản tiếng Việt là được một sưu tầm “Chuyện lạ đó đây” đáng kể.
Diễn đạt tối nghĩa, cứng nhắc, lủng củng, què cụt, sai văn phạm, lệ thuộc vào cấu trúc câu văn tiếng nước ngoài
Sự bất lực của người dịch tiếng nước ngoài, đặc biệt là các thứ tiếng phương Tây, sang tiếng Việt xưa nay vốn là một trong những bi kịch chúng ta đã quen và chán tới mức chẳng buồn nói nữa. Bây giờ nói về thất bại của Phan Ngọc, chẳng qua vẫn là cái bi kịch tuyệt vọng và hài hước bất đắc dĩ ấy, có đáng nhắc hơn chỉ vì quy mô đồ sộ của nó, gần 1800 trang hình như là tiếng Việt; vì dịch giả đồng thời là một học giả chuyên về ngôn ngữ học, nặng thâm niên, dày dạn kinh nghiệm dịch thuật và biên khảo, là tác giả của hàng chục đầu sách và hàng trăm bài nghiên cứu, trong đó nên kể đến những công trình mang cái tên nôm na - lại
nôm na! - là
Mẹo:
Mẹo dịch các biểu thức nối ý (1983), Mẹo dịch thơ chữ Hán ra chữ Việt (1999), Vài mẹo về phong cách khoa học (1984), Mẹo giải nghĩa các từ Hán-Việt (1991)..., và tự cho biết là đã “chuẩn bị công trình
Một nghìn linh một mẹo dịch mà thực chất là sự mò mẫm của một đời làm công tác dịch thuật để tìm cho ra những cách diễn đạt rất Việt Nam đồng thời lại phù hợp với yêu cầu thời đại mới đặt ra”
[6] .
Chúng ta có thể nhắc thêm một nửa mẹo nữa để thành một nghìn linh một phảy năm mẹo dịch, là: số nhiều và số ít trong tiếng Việt không hoàn toàn dễ dùng như trong tiếng Tây. Nửa mẹo còn lại: khi nào phải trực tiếp hiển thị số nhiều để phân biệt với số ít, khi nào ít và nhiều đều được viết giống nhau nhưng chắc chắn được hiểu khác nhau, khi nào ít là nhiều, nhiều lại là ít (vâng, ta đang nói về sự đồng bóng khó thương mà dễ được sùng bái của bà hoàng tiếng Việt, về khả năng bắt nạt và bắt bí người lạ của thằng lỏi tiếng Việt, ta đang nói về khả năng xuất quỷ nhập thần của anh du kích tiếng Việt), cái nửa mẹo còn lại ấy đố ai giảng nổi.
Dịch tiểu đề “
Edelsteine und Glas” (Ðá quý và thuỷ tinh) theo kiểu Phan Ngọc thành “
Các ngọc và thuỷ tinh” có khác nào treo biển cho công ti vàng bạc và đá quý là “công ti những vàng bạc và các ngọc”. Cứ như vậy thì chúng ta có Steinbeck với tác phẩm
Của những chuột và những người hay
Của các chuột và các người?
Các và
những tràn ngập bản dịch, thậm chí cả khi Hegel không hề dùng số nhiều, (Hegel:
Das Verhältnis des Ideals zur Natur, tiểu đề một đoạn trong chương “Cái đẹp nghệ thuật hay cái lí tưởng”; Phan Ngọc: „
Những quan hệ của lí tưởng đối với tự nhiên“). Vì sao phải dịch “...
trong các quan niệm về sự sáng tạo thế giới, trong các lịch sử các trưởng lão...” (tr. 645, II), trong khi nó rất giản dị là: “trong hình dung về sáng thế, trong truyện tổ tiên”? Không nhất thiết phải chiều người đã bỏ công đọc
Mĩ học bằng những câu văn mượt mà trong sáng, vốn không là đặc sản của Hegel, nhưng cũng chẳng có lí do gì để phạt hắn bằng kiểu câu đầy tinh thần mậu dịch quốc doanh –lại
tinh thần!- , có thế thôi, đọc được thì đọc: “
trong những bức tranh Hà Lan về những quán rượu, những đám cưới, và những cuộc vui và những cuộc ăn uống...” (tr. 297, I) Rồi “
với tính cách”, “
mang tính”, “
mang tính chất”, “
có tính chất”, “
như là”, “
được coi là”, “
được xem xét”, “
được quy định”, “
điều làm cho”, “
cái nói lên”, “
cái thuộc về”, “
trong sự liên hệ với”, „
nhờ đó mà“, „
ở chỗ mà“... tất cả những cách chuyển ngữ lười biếng và máy móc ấy cũng tràn ngập bản dịch. Song đó còn là những lỗi mọn, không đáng kể nhất trong cái tập hợp trùng điệp, ngổn ngang, dày đặc sai phạm về cách diễn đạt tiếng Việt này.
Diễn đạt thừa: “
Về tính đặc thù của giai điệu, theo tôi những điều quan trọng nhất mà người ta có thể nói về vấn đề này là như sau” (tr. 429, II) Chẳng lẽ Hegel cũng ăn nói vô duyên như những cán bộ văn hoá bất đắc dĩ, thường độn “vấn đề” vào mọi “vấn đề” cho ra “vấn đề”? Thực ra Hegel nói rằng: “Lưu ý tới điểm nói trên thì thứ hai, về đặc tính của giai điệu, theo tôi những khác biệt sau đây là quan trọng.” Câu dịch vừa bị thiếu ý, mất liên hệ với đoạn trước, vừa bị chêm một kiểu nói tầm phào.
Diễn đạt thô thiển: “...
cho nên chúng ta phải sử dụng những áp dụng của quan điểm cao hơn này đối với nghệ thuật” (tr. 132,I)
Diễn đạt tối tăm lủng củng: “
ở giai đoạn này, đối tượng của nghệ thuật là tính tinh thần tự do cụ thể, cái này cần phải nêu lên tinh thần, sinh hoạt nội tâm ở trong hiện tượng” (tr. 167, I). Tính tinh thần cần phải nêu lên tinh thần ư? Sinh hoạt nội tâm ở trong hiện tượng là cái gì? Xin miễn phải trích câu nguyên tác của Hegel, nó là một câu hoàn toàn khác.
Không làm chủ nổi câu văn Việt: “
Khái niệm cũng thế: trong khi làm cho sự tồn tại thực tế bên ngoài nhờ đó nó trở thành sinh động, khái niệm được hưởng tính chất tự do ở trong tính khách thể này nó biểu hiện ở đấy như ở bản thân mình” (tr. 215, I). Xin miễn phải cấp cho câu văn này thêm hai dấu phẩy và một vài liên từ, bởi có sửa sang cũng không ích gì, đằng nào nó cũng sai về nội dung rồi.
Sự phong phú của cái xấu trong
Mĩ học bản tiếng Việt, tác phẩm bàn về cái đẹp, dường như vô tận, nêu ví dụ này e phụ ví dụ khác. Ai thực lòng muốn đọc Hegel (tất nhiên lỗi tại người ấy), có lẽ nên học tiếng Ðức, là một thứ tiếng không dễ, nhưng công bỏ ra cho tới khi hiểu nổi Hegel trong nguyên tác chắc chắn không bằng công đọc bản dịch của Phan Ngọc trong tiếng Việt, chỉ có điều mất đi cái thú của việc mầy mò đoán sấm và cái ngứa ngáy muốn chữa lành những câu tiếng Việt không dưng mà tàn phế. Vì có trạng và có thương binh đang tắm trong đó mà ta chẳng nỡ đổ cả chậu nuớc tắm đi chăng?
Còn lại để suy ngẫm là khả năng thành công của tiếng Việt mỗi khi ta cần nó vào việc chuyển dịch những tác phẩm quan trọng của các nền văn hoá khác. Tình trạng những tư tưởng, học thuyết, trường phái và trào lưu bên ngoài vào đến Việt Nam là trệch đường ray, biến dạng, bị xuyên tạc, nhẹ nhất là bị sơ lược và dung tục hoá, khiến chúng ta có nghe cũng như nghe sấm, hiểu thế nào thì hiểu, có phải cũng do sự bất lực phần nào của tiếng Việt hay không? Tiếng Việt cũng như bếp Việt, đều là đối tượng đặc biệt để chúng ta bày tỏ lòng quan tâm và yêu mến. Ai cũng sẵn một giải pháp có thể áp dụng tức khắc cho mảnh tiếng Việt này hoàn hảo hơn, một bí quyết cho món Việt kia bất hủ hơn. Song những khi tiệc lớn cho mấy trăm thực khách thì bếp Việt bắt đầu lúng túng. Nó thích đem toàn bộ cái ưu việt của mình phục vụ bữa cơm gia đình ấm cúng và nóng sốt hơn. Những khi diễn đạt một nội dung đồ sộ phức tạp, tiếng Việt cũng không kém bối rối. Nó thích trút sự kì diệu của mình vào những khoảnh hình như còn bao quát được và có vẻ cận nhân tình hơn. Chẳng lẽ chúng ta chỉ biết dịch thơ Ðường rất hay, và có lẽ cũng sẽ dịch hay cả một chút tiểu thuyết phương Tây hiện đại, ngoài ra thì thất bại là chắc chắn hay sao?
Berlin, 6.2002
© 2002 talawas
[1]Hoặc Ngữ: „
Vài suy nghĩ về bản dịch bộ Mĩ học-Hegel của Phan Ngọc“, 22.04.2002
[2]Nguyên Ngọc: „
Ðôi
điều về chuyện dịch“, 28.04.2002
[3]Việc ở Việt Nam kinh điển Marx-Lenin được dịch và truyền bá bằng ngôn ngữ như thế nào để trong một thời gian ngắn có thể tạm đẩy lùi hoặc tạm thay thế những tư tưởng phương Ðông truyền thống, trở thành vốn liếng văn hoá ở cả những tầng lớp bình dân, là một đề tài thú vị.
[4]Vì thế đã nhiều người cho rằng chữ
tha trong
tha
hoá cùng một nghĩa như trong
thối tha.
[5]Thảo Hảo: „
Tôi nghi ngờ ông Heghen!“, 20.04.2002
[6]Phan Ngọc,
Cách giải thích văn
học bằng ngôn ngữ học, nhà xuất bản Trẻ, 1999, tr. 210