trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
20.4.2002
Thảo Hảo
Tôi nghi ngờ ông Heghen!
 
Khi học tới môn Mỹ học, giảng viên có dặn lớp nhớ đọc thêm sách bên ngoài, nếu được. Tôi được người bạn tặng cho bộ Mỹ Học (2 tập) của Heghen (Nhà xuất bản Văn học) cách đây đã vài năm. Tuy nhiên thỉnh thoảng tôi có mở ra rồi đóng lại ngay, vì thấy khó hiểu, đọc cả một trang mất một lúc, nhưng nếu ai nói tóm tắt lại thì không tóm tắt được. Tôi không phải phim Tàu, cố bảo vệ mình bằng những “tiểu nhân đây”, hoặc “kẻ hèn mọn này”. Tôi nói thật, tôi không quen đọc Triết, và thấy ai hiểu được Triết, nhắc lại được, ứng dụng được... là tôi phục, nhất là hiểu được Triết qua... bản dịch tiếng Việt. Triết khó vì cái gì? Vì hệ thống lý thuyết cao hơn cái tầm nghĩ của người thường chúng ta? Hay vì cấu trúc câu phức rắc rối, dồn bao nhiêu vế, bao nhiêu ý, vào trong một câu? Bạn thử đọc câu này xem:

“Trong khi cố gắng tác động ra ngoài và biểu hiện cái bên ngoài nghệ thuật nhằm mục đích gây tác động ra ngoài, và nét chung nhất là cố gắng gây ấn tượng. Nghệ thuật có thể đạt được những hiệu quả này nếu như nó xử dụng yếu tố xấu xí, gò ép, đồ sộ... để gây nên những tương phản nhất định...”

Hoặc:

“Ðối lập lại thiên nhiên bên ngoài là nội cảm có tính chủ thể, tâm hồn con người nhờ đó và qua đó yếu tố tuyệt đối biểu hiện sự có mặt của mình.”

Và đến cả câu đơn, đưa đẩy thôi, cũng khó hiểu nốt:

“ ..., chúng tôi trình bày chi tiết hơn sự phân chia của phần thứ ba này phần chính của tác phẩm.”

Nếu bạn hiểu được ba câu này, tôi sẽ không nghi ngờ ông Heghen nữa, mà chuyển sang nghi ngờ tôi.
*

Ðặt giả thiết là dịch giả dịch đúng (vì dịch giả đã đối chiếu với bản tiếng Ðức, đã tham khảo các bản dịch tiếng Nga, và tiếng Pháp, và tiếng Trung, sau khi đã dịch từ bản tiếng Nga, như những trang đầu của sách viết), thì tôi hoang mang lắm. Chẳng lẽ “triết gia vĩ đại” này, như Từ điển Triết học đã viết, tác giả của phép biện chứng “mà Lê-nin coi như là một thành quả vĩ đại của triết học Ðức”, với hệ thống lý luận “đã trở thành một trong những nguồn gốc lý luận của chủ nghĩa Mác”, lại viết những câu lủng củng không thể hiểu nổi như trên sao?
Thế thì tôi đã ngờ oan. Thủ phạm chắc là người khác, không phải ông Heghen.
Cuốn sách (dịch) của ông đầy những câu tối nghĩa như vậy. Không thể bàn đến ngôn ngữ triết ở đây, vì người đọc đã phải dùng một con thuyền tồi là những câu què cụt, thiếu chấm, phẩy để cố mà ra với biển tri thức (và không ra được)... Tôi nhớ khoảng năm 76, mẹ tôi có đi mua một cuốn sách dạy nấu ăn về cho tôi tập làm bếp. Ðó là một cuốn sách bìa rất đẹp, hai ba bài đầu dạy dễ hiểu, những món đơn giản, không cần dạy. Nhưng sau đó, đến các món phức tạp, thì hoàn toàn không có chấm, phẩy, và chị em tôi đành bó tay vì không biết phải ướp thêm tỏi vào câu trước hay câu sau.
Ở đây, thì cũng vậy:

“Sự chiêm ngưỡng đưa các hình ảnh vào trong ý thức của ta ở đấy chúng được sắp xếp theo những phạm trù chung và do sức mạnh của trí tưởng tượng ở giữa các hình ảnh có những quan hệ và có một sự thống nhất đặc biệt...”

Một đoạn như thế này cắt được mấy câu, và cắt như thế nào? Cắt ở đâu? Quả thật chỉ có người dịch, trước chừng ấy nguồn bản dịch để đối chiếu, mới có thể biết được phải cắt ra như thế nào cho người Việt Nam hiểu đúng.

*

Thế hệ đi trước, có học, thường hay chê thế hệ sau ít hiểu biết hơn. Cái gì cũng biết một tí, mà nông cạn. Biết theo kiểu đọc báo, lớt phớt, đọc tí tít, tóm tí nội dung, đủ để ngồi uống nước, và nói. Nhưng có những sách thuộc loại nghiêm túc nhất thì như trên, nằm uy nghi trên giá, đợi một ngày kia bọn hậu sinh đủ can đảm và bớt lười nhác, mở ra, chỉ thấy có kiên nhẫn đến mấy cũng không hiểu được... bản dịch.
Nhưng viết đến đây, tôi lại cũng hơi chùn tay, mình có kết tội oan cho dịch giả không? Bởi vì, quay lại như đầu bài, tôi vốn không quen đọc Triết. Và Triết thì phải khó (không thế sao vẫn có nhiều người lấy việc hiểu được nó làm tiêu chuẩn hơn thua nhau?). Thành ra tôi phải xem lại, xem ngoài cái khó về mặt tư tưởng, sách Triết (dịch) có bắt buộc phải khó (thêm) về mặt ngữ pháp không.
Nguồn: Thể Thao Văn Hoá, số 20, ngày 08.3.2002