trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
17.5.2008
Văn Tân
Vài ý kiến về quyển “Việt ngữ nghiên cứu” của ông Phan Khôi
 
Năm 1955 Nhà xuất bản Văn nghệ xuất bản quyển Việt ngữ nghiên cứu của ông Phan Khôi.

Việt ngữ nghiên cứu không phải là một quyển sách nghiên cứu chung về ngữ ngôn Việt Nam, hay nghiên cứu nhiều vấn đề ngữ ngôn Việt Nam theo một hệ thống nhất định, mà là một quyển sách bàn về nhiều vấn đề ngữ ngôn Việt Nam riêng lẻ, ít có liên lạc với nhau. Những vấn đề được bàn trong Việt ngữ nghiên cứu cũng không phải là những vấn đề mới mẻ, mà đều là những vấn đề đã được ông Phan viết ở núi rừng Việt Bắc và đã xuất bản trong thời kháng chiến. Hoà bình được lập lại, ông Phan đem những vấn đề trước kia đã in thành những sách nhỏ sửa lại và thêm bớt rồi cho xuất bản thành một quyển sách dưới một cái tên chung là Việt ngữ nghiên cứu.

Nội dung Việt ngữ nghiên cứu gồm có các vấn đề sau đây:
  • Phân tích vần Quốc ngữ
  • Một vài nhận xét tiếng ta theo chữ Nôm
  • Tiếng đệm
  • Con, cây, cục, cái
  • Tiền danh tự và mạo tự
  • Thời gian và không gian trong ngữ pháp
  • Trên dưới, trong ngoài, lên xuống, vào ra
  • Kiểm thảo về đại danh từ
  • Mấy đặc điểm trong tiếng Việt
  • Hư tự trong Truyện Kiều
  • Đề nghị về danh từ ngữ pháp
  • Một phương pháp dạy văn pháp tiếng ta.
Như trên đã nói, những vấn đề được trình bày trong Việt ngữ nghiên cứu là những vấn đề ít có liên quan với nhau, mỗi vấn đề là một bài riêng biệt. Nói chung, các vấn đề đều được ông Phan nghiên cứu tương đối sâu và tỷ mỉ. Những ý kiến ông đưa ra trong các mục “Một vài nhận xét trong tiếng ta theo chữ Nôm”, “Tiếng đệm” v.v… có giá trị đặc biệt như những phát hiện. Với công trình nghiên cứu và phân tích của ông, ông Phan đã thực sự đóng góp vào sự nghiệp xây dựng ngữ pháp Việt Nam nói riêng hay công tác nghiên cứu ngữ ngôn Việt Nam nói chung. Thành công của ông Phan không phải một ngày mà có, mà là kết quả một công trình tìm tòi khảo cứu về ngữ ngôn văn tự dân tộc từ mấy chục năm nay.

Việt ngữ nghiên cứu là một quyển sách có nhiều điểm tốt, nhưng đồng thời cũng còn những điểm mà tôi thấy cần phải bàn lại, nghiên cứu sâu hơn thì mới tìm ra được lẽ phải.

Sau đây là những điểm tôi không đồng ý với ông Phan.

Trong Việt ngữ nghiên cứu trang 48 và 49, ông Phan viết: “Số là tiếng ta là thứ tiếng đơn âm, chữ nào chết nghĩa chữ ấy, không chắp đầu chắp đuôi để biến thành chữ khác nghĩa khác như các thứ tiếng Âu châu được…”.

A-ben Hô-vơ-lac (Abel Hovelacque) trong quyển Ngữ ngôn học của ông ta cũng có những nhận định đại khái như những nhận định của ông Phan: Cho rằng Việt ngữ là một thứ ngữ ngôn thuộc loại đơn âm.

Vậy Việt ngữ có thực là một thứ ngữ ngôn đơn âm như ông Phan đã nói không?
Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta cần biết thế nào là ngữ ngôn đơn âm và thế nào là ngữ ngôn đa âm đã.

Xét về ba mặt phát âm, từ vựng và ngữ pháp, thì thấy rằng ngữ ngôn đơn âm là thứ ngữ ngôn mà mỗi tiếng (mot) [1] chỉ có một âm (syllabe) một nghĩa không thể biến hoá thành chữ khác nghĩa khác bằng những âm chắp đầu (préfixe) hay những âm chắp đuôi (suffixe); mỗi tiếng như vậy là một tiếng gốc (mot racine) có nghĩa đầy đủ. Mỗi câu của ngữ ngôn đơn âm do đó chỉ là tổng số những tiếng gốc. Với cách cấu tạo từ vựng của ngữ ngôn đơn âm như vậy, nên ta có thể lấy một định thức sau này để tiêu biểu cho một câu của ngữ ngôn đa âm.

Tiếng gốc + tiếng gốc + tiếng gốc + tiếng gốc + tiếng gốc

Nếu ta, tạm – tạm thôi – lấy câu:

Tôi ăn cơm với thịt

để thay cho định thức trên, thì ta thấy những tiếng tôi, tiếng ăn, tiếng cơm, tiếng với, tiếng thịt, mỗi tiếng chỉ có một âm và một nghĩa đầy đủ. Đem dịch ra Pháp ngữ là thứ ngữ ngôn đa âm, thì câu trên sẽ biến ra:

Je mange du riz avec de la viande

Trong câu này, những tiếng je, du, riz, de, la mỗi tiếng chỉ có một âm, còn những tiếng mange, avec, viande đều có nhiều âm mà chỉ có một nghĩa. Theo cách phát âm và theo từ vựng thì những tiếng mange, avec, viande là những tiếng có nhiều âm. Theo Pháp ngữ thì tiếng manger có thể biến ra mangeable hay immangeable v.v…

Do những lý lẽ như trên, người ta thấy Pháp ngữ là một ngữ ngôn đa âm. Cũng do những lý lẽ trên, và nếu chỉ căn cứ vào những tiếng trong câu:

Tôi ăn cơm với thịt

chúng ta có thể cho rằng Việt ngữ là một ngữ ngôn đơn âm, vì trong những tiếng trên quả là “chữ nào chết nghĩa chữ ấy, không chắp đầu chắp đuôi để biến thành chữ khác nghĩa” như ông Phan Khôi đã nhận. Nhưng đi sâu hơn một tý nữa, chúng ta lại thấy rằng bên cạnh một số tiếng thực sự đơn âm như tôi ăn cơm với thịt chẳng hạn, Việt ngữ có rất nhiều tiếng đa âm. Những tiếng đa âm này cũng có những thành tố gần như những thành tố của những tiếng đa âm trong Pháp ngữ.

Ta hãy lấy một thí dụ:

Quanh là một tiếng gốc, nếu ta thêm vào quanh một âm chắp đuôi thì ta có thể có quanh quẩn, hay quanh quất, hay quanh quanh: nếu ta thêm vào quanh một âm chắp đầu ta có thể có chung quanh hay loanh quanh, hay vòng quanh.

Gắt là một tiếng, nếu ta thêm âm chắp đuôi, ta có thể có gắt gao hay gắt gồng hay gắt gắt: thêm âm chắp đầu, ta có thể có gay gắt.

Xem như trên, chúng ta thấy rằng trong Việt ngữ không phải “chữ nào chết nghĩa chữ ấy không chắp đầu chắp đuôi để biến thành chữ khác nghĩa khác”. Trái với nhận định của ông Phan Khôi, chúng ta thấy Việt ngữ cũng có những cách biến hoá nhất định [2] có những điểm giông giống cách biến hoá của Pháp ngữ, nhưng về mặt hình thức, thì Việt ngữ khác Pháp ngữ căn bản ở chỗ này: trong Pháp ngữ những tiếng gốc khi được thêm âm chắp đầu hay âm chắp đuôi, thì viết làm một chữ như mange đổi ra mangeableimmangeable chẳng hạn; còn ở Việt ngữ khi có thêm âm chắp, thì tiếng gốc và âm chắp vẫn viết rời nhau làm hai ba hay bốn tiếng riêng biệt. Trong những tiếng riêng biệt này có tiếng tự nó nó không có nghĩa gì cả, nhưng khi ghép với một tiếng khác thì nó sẽ có nghĩa ngay. Sở dĩ ngày nay các tiếng trong Việt ngữ vẫn viết riêng biệt là vì xưa kia chữ Nôm của ta dựa theo chữ khối vuông của Trung Quốc mà tạo chữ, mỗi chữ có một âm, cho nên ngày nay vẫn có thói quen viết rời những tiếng như gắt gao, gắt gỏng, loanh quanh, quanh quất. Nhưng khi phát âm, nếu ta chỉ nói riêng lẻ một chữ gồng hay một chữ gao, cũng như một chữ loanh hay một chữ quất, thì những chữ này không gợi lên một ý niệm gì. Nếu chúng ta ghép những chữ ấy với gắt hay quanh, thì chúng ta sẽ có những tiếng có một ý nghĩa nhất định và rõ ràng ngay.

Bởi những lẽ như vậy, nên tôi thấy rằng những tiếng như gắt gao, gắt gỏng, gay gắt: quanh quanh, quanh quẩn, quanh quất, loanh quanh, chung quanh, vòng quanh là những tiếng đa âm. Nếu ta đem những chữ trên viết liền lại với nhau như viết gắt gao thành gắtgao, gắt gỏng thành gắtgỏng, gay gắt thành gaygắt chẳng hạn, thì ta thấy trong phép biến hoá của Việt ngữ có những điểm tương tự như phép biến hoá của Pháp ngữ.

Đứng về mặt từ vựng mà nói, thì Việt ngữ có rất nhiều, nhiều lắm những tiếng đa âm khác, những âm trong những tiếng này nếu cắt rời ra sẽ không nói lên được cái ý mà người ta muốn nói. Trong những tiếng đại loại như ba ba, tắc kè, tu hú, càng nhằng, léng phéng, cầu bơ cầu bất v.v… nếu ta lấy riêng ra những tiếng ba, kè, hú, nhăng, phéng, bất, chẳng hạn, thì những tiếng này không nói lên được một ý nào. Nhưng khi ta ghép ba với ba, với tắc, nhằng với càng, phéng với léng, bất với cầu bơ cầu thì chúng ta sẽ có những tiếng có một ý nghĩa nhất định ngay.

Về cách biến hoá, nếu Việt ngữ có những điểm tương tự như cách biến hoá của Pháp ngữ, thì Việt ngữ cũng có những điểm khác hẳn cách biến hoá của Pháp ngữ. Trong Việt ngữ quanh có thể biến ra quanh quẩn, nhưng đồng thời lại có thể có quẩn quanh. Trong trường hợp này vị trí của âm chắp đuôi thay đổi để âm chắp đuôi biến thành âm chắp đầu, nhưng nghĩa của quanh quẩn và nghĩa của quẩn quanh cũng vẫn như nhau. Trong Việt ngữ còn có trường hợp này cần chú ý: Hai âm đi với nhau, có thể tách rời ra xa nhau mà nghĩa vẫn không thay đổi như: Tính quẩn lo quanh, lo quanh nghĩ quẩn, nắng dãi mưa dầu, mưa dầu nắng dãi.

Lại trở lại vấn đề tiếng đệm của ông Phan Khôi. Theo tôi, những tiếng mà ông Phan Khôi kêu là tiếng đệm chính là một trong những nhân tố biến hoá của Việt ngữ khi thì tiếng đệm đóng vai trò âm chắp đầu như loanh trong loanh quanh, gay trong gay gắt, khi thì đóng vai trò âm chắp đuôi như quất trong quanh quất, gỏng trong gắt gỏng; khi thì nó chỉ là thành tố vô nghĩa để cộng với các thành tố vô nghĩa khác mà tạo nên những tiếng đa âm như cầu bơ cầu bất chẳng hạn.

Tóm lại, Việt ngữ có đủ những điều kiện để gọi nó là một ngữ ngôn đa âm. Ngày nay chúng ta chỉ cần sửa đổi lại vần và cách viết chữ Quốc ngữ, chúng ta viết liền tất cả những tiếng phải viết liền, thì ngữ ngôn Việt Nam sẽ thành ngữ ngôn đa âm ngay.

Chúng ta thực hiện việc viết liền nói trên không phải là chúng ta làm một công tác nhân tạo khiên cưỡng về ngữ ngôn, bắt tiếng nọ phải kết hôn với tiếng kia để tạo nên những cặp vợ chồng ép uổng, mà chỉ là tôn trọng các nhân tố vốn có của Việt ngữ là nhân tố đa âm mà thôi.

Trước chúng ta, người Pháp đã làm cái việc viết liền một số tiếng rời như gens d’armes viết thành gendarme, à l’arme viết thành alarme, tại sao chúng ta không viết loanh quanh thành loanhquanh, quanh quất thành quanhquất, ba ba thành baba, cách mạng thành cáchmạng?

*


Bàn về cách dùng những tiếng trên, dưới, vào, ra, lên, xuống, ông Phan Khôi viết:

“Khi lên, xuống, vào, ra chỉ muốn đến một mục đích điểm, thì đặt ngay bổ túc từ dưới động từ, mà nói lên trời, xuống đất, vào gia đình, ra xã hội, không nên có giới từ. Còn khi muốn vượt quá mục đích điểm, thì phải nói lên trên trời, xuống dưới đất, vào trong gia đình, ra ngoài xã hội, nghĩa là mới phải giới từ trên dưới, trong ngoài để chỉ cái sức đi đến của động từ.

Thế mà có nhiều khi ta hay dùng lầm lẫn. Đáng nói vào Huế mà lại nói vào trong Huế, làm cho có thể hiểu rằng vào đến Quảng Nam, Bình Định; đáng nói xuống Hải Dương mà lại nói xuống dưới Hải Dương làm cho có thể hiểu rằng xuống đến tới Hải Phòng hay đến biển.

Có khi ý ta muốn nói ra xã hội hay là ra giữa xã hội mà lại nói ra ngoài xã hội. Ra xã hội là không còn ở xã hội nữa, đồng nghĩa với danh từ “xuất thế” không còn chung đụng với người đời, không còn gánh vác việc đời, một là vào núi ở ẩn, hai là chết đi mới như thế mà thôi. Sai một chữ mà phản hẳn lại với cái ý mình muốn nói.

Hiện nay thấy nhiều bài trên báo có nói ra ngoài mặt trận hùng dũng, oanh liệt thế nọ, thế kia cũng lại phản lại ý nói. Ra ngoài mặt trận tức là không ở trong mặt trận nữa, có thể là ở hậu phương…” [3]

Trước khi bác ý kiến ông Phan, tôi thấy cần phải nói rằng: ông Phan là người sở đắc về môn luận lý học. Trên văn đàn Việt Nam, ông là người đầu tiên đã vận dụng luận lý học để thảo luận hay nghiên cứu các vấn đề. Chịu ảnh hưởng sâu xa của luận lý học, ông muốn cái gì cũng phải phân minh, dứt khoát; do đó bất cứ đối với vấn đề gì, ông thường đòi hỏi một cách khắt khe quá đáng. Về ngữ ngôn ông cũng muốn cho các tiếng, cách vận dụng các tiếng, cách xếp đặt các tiếng phải dứt khoát như A là A chứ không thể là B trong luận lý học được. Trong ngữ ngôn, ông cũng muốn có những phạm trù mà ranh giới cũng dứt khoát như những phạm trù của luận lý học. Ra đối với ông thì nhất định phải là ra, chứ không thể lại không ra được; ngoài nhất định phải là ngoài chứ không thể là không ngoài được. Vì vậy ông đã hiểu ra ngoài mặt trận là không ở mặt trận, là ở hậu phương.

Trong khi đòi ngữ ngôn cũng phải phân minh, gọn ghẽ như khi ta suy luận − theo luận lý học, cố nhiên − thì ông đã quên khuấy đi mất một nhân tố quan trọng đã giữ một chức vụ lớn trong phép cấu tạo ngữ ngôn. Nhân tố đó là nhân tố ước định (éléments conventionnels). Ngữ ngôn dù là ngữ ngôn nước nào cũng thế đều là những dấu hiệu ước định. Tiếng này hay tiếng khác có nghĩa này hay nghĩa khác, có công dụng này hay công dụng khác, là do mọi người đã ước định với nhau. Vì lẽ này mà ngữ ngôn nước nào cũng có những tiếng tưởng như không cần đến, nhưng thực ra thì lại rất cần. Trong Pháp ngữ khi người ta nói il m’a donné plus qu’il ne faut (nó cho tôi nhiều hơn là sự cần thiết) thì chữ ne ở đây không có nghĩa gì cả, nhưng bỏ đi thì không được. Cũng vậy Việt ngữ cũng có những tiếng dùng ở những câu tưởng chừng như thừa, nhưng thật ra lại cần thiết, bỏ đi có thể làm cho câu nói mất ý rõ ràng. Khi người ta nói ra ngoài mặt trận là tỏ ra người ta đã hay đang khởi hành từ ở bên trong; khi người ta nói vào trong gia đình là người ta đã hay đang xuất phát từ ở bên ngoài. Tiếng trong cũng như tiếng ngoài trong trường hợp trên đã dùng với một chức vụ so sánh. Nhân dân Việt Nam từ xưa đến nay vẫn dùng như thế, chứ có phải chỉ ở trên một vài tờ báo nào đó mới dùng như thế đâu. Ta cứ kể ra câu tục ngữ này thì thấy rõ điều đó:

Có mới thì nới cũ ra
Mới để trong nhà cũ để ngoài sân.

Trong nhà đây là ở giữa nhà, chứ không phải ở đàng phía sau nhà, cũng như ngoài sân là ở bên trong cái sân, chứ không phải là ở bên kia cái sân. Tiếng trong và tiếng ngoài trong câu tục ngữ nói trên rõ là đã được dùng với một chức vụ so sánh, chúng làm cho câu nói được rõ ràng, ý câu nói được mạnh mẽ. Tiếng nói trong tục ngữ ca dao là tiếng nói trong trẻo nhất, chính xác nhất, dùng khéo nhất, vậy mà trongngoài cũng dùng như ở câu tục ngữ nói trên đủ hiểu ý kiến của ông Phan về cách dùng hai tiếng ấy là không đúng.

Ý kiến ông Phan chỉ có thể đem thí nghiệm được trong trường hợp người ta tự tạo ra một thứ ngữ ngôn, chỉ khi ấy ta mới bỏ hết những cái phiền riêng biệt, nhưng cần thiết của ngữ ngôn này hay ngữ ngôn khác mà thôi. Chừng nào ta còn dùng một thứ ngữ ngôn có lịch sử hẳn hoi, thì ta còn phải chú ý đến những sự riêng biệt của nó, phải tuân theo những riêng biệt ấy, thì mới vận dụng nó được chính xác. Nhận định của ông Phan về những tiếng ra, vào, lên, xuống… tỏ ra ông đã cắt rời ngữ ngôn ra khỏi cái hệ thống ngữ pháp của nó để cắt nghĩa từng tiếng một. Về những tiếng kia, trong Việt ngữ nghiên cứu trang 98, ông đã viết như sau:

“Kể ra thì ta dùng bốn chữ ra, vào, lên, xuống đều lấy xuất phát điểm làm căn cứ cả. Như ở Huế thì nói ra Hà Nội, ở Hà Nội thì nói vào Huế, ở Hải Dương thì nói lên Hà Nội, ở Hà Nội thì nói xuống Hải Dương… Lấy xuất phát điểm làm căn cứ thì cũng có cái hay, như nói ra Hà Nội thì biết đi từ phía nam Hà Nội, xuống Hải Dương thì biết đi từ phía tây Hải Dương”.

Về những ý kiến trên, ta thấy ông Phan có chỗ đúng, nhưng cũng có chỗ không đúng. Sự thực thì từ phía nam đến Hà Nội, người ta có nói ra Hà Nội, từ Hà Nội đi về phía nam người ta có vào Thanh hay vào Vinh. Nhưng sự thực thì nhiều khi người ta lại không nói thế. Hẳn ông Phan còn nhớ rằng trong thời kháng chiến người ta vẫn gọi cái việc đi từ Bắc Giang, Bắc Ninh, Hồng Quảng, Sơn Tây, Hà Đông đến Hà Nội đều là vào Hà Nội, và cái việc từ Hà Nội đến vùng tự do là đi ra, dù vùng tự do ấy là Thái Nguyên hay là Ninh Bình hay là Thanh Hoá. Giả sử cái kẻ viết bài này khi ấy có việc gì đến Hà Nội, thì cũng nói là vào Hà Nội. Khi hoà bình được lập lại mọi người đều gọi cái việc mình trở lại Thủ đô là về Hà Nội. Sau khi người ta làm xong cái việc về Hà Nội, thì những tiếng ra, vào, lên, xuống lại có cái nghĩa như cái nghĩa mà ông Phan đã vạch ra.

Chỉ một thí dụ trên cũng thấy rằng chỉ trong vòng một thời gian tám chín năm trời mà ra Hà Nội lại hoá ra là vào Hà Nội, từ Hà Nội đi lên Thái Nguyên lại nói là đi ra, từ Hà Nội vào Thanh Hoá cũng nói là đi ra; khi hoà bình trở lại, cái việc xuống Hà Nội, vào Hà Nội, ra Hà Nội đều nói là đi về. Thí dụ ấy chứng tỏ rằng máy móc buộc chặt tiếng này hay tiếng khác vào phạm trù này hay phạm trù khác của ngôn ngữ là sai lầm, và nhiều khi làm mất nghĩa của ngữ ngôn đi.

*


Mở đầu cho mục “Kiểm thảo về đại danh từ” ông Phan Khôi viết:

“Tôi lấy làm lạ rằng trong tiếng nói hiện hành của ta không có một đại danh từ trung lập, nghĩa là không trọng không khinh, ai nấy dùng mà xưng mình xưng người đều được cả, như đại danh từ của tiếng Pháp: je, tu, il, nous, vous, ils; của tiếng Tầu: ngã, nệ, tha, ngã môn, nệ môn, tha môn: bất kỳ hạng người nào cũng dùng một cách phổ thông, không phân biệt đằng nào là khinh, đằng nào là trọng”.

Phát triển cái ý trên, trang 106 trong Việt ngữ nghiên cứu ông Phan lại viết thế này về đại danh từ của Việt ngữ: “… đại danh từ không hẳn là đại danh từ nữa, mà chỉ là một mớ xưng hô táp nham lộn xộn”, trang 109 và trang 110 ông lại viết:

“Những chữ như cụ, ông, bác, chú, cậu, anh, bà, cô, dì, mợ, em, cháu là những danh từ để chỉ các hạng người cùng trong huyết thống với mình, hoặc đồng thế hệ hoặc khác thế hệ. Chúng ta đã chẳng những lấy những chữ ấy trùm lên cái tên như ông Nguyễn Du, bà Nguyễn Thị Điểm, mà khi đối diện với ông bà ấy cũng xưng họ là ông để thay cho cái đại danh từ – mầy đời xưa. Vả lại phải nhìn đúng đấng bậc nào gọi theo đấng bậc ấy, nếu đáng gọi cụ mà gọi ông, đáng gọi bà mà gọi cô, sẽ có lỗi lớn. Thật là phiền phức vô cùng và rối trí người ta lắm lắm”.

Tôi không hiểu tại sao ông Phan lại muốn cho Việt ngữ có những đại danh từ không phân biệt đằng nào là khinh đằng nào là trọng? Nếu ở đời có những kẻ đáng khinh, những kẻ bán nước buôn dân, những kẻ hại cho nhân quần xã hội, thì tại sao ta lại không cần có những đại danh từ biểu thị sự khinh sự ghét để chỉ những kẻ ấy? Trái lại ở đời có những người có tài có đức, những người vì dân vì nước mà đấu tranh, những người hy sinh cho chính nghĩa, thì tại sao ta lại không dùng những đại danh từ biểu thị sự yêu mến, sự kính trọng để chỉ họ?

Việt ngữ nếu có những đại danh từ nói lên được cảm tình và thái độ của chúng ta, thì đó là một ưu điểm của Việt ngữ chứ sao?

Vẫn biết những đại danh từ phiền phức của ta là dấu vết của một chế độ đẳng cấp của thời xưa để lại, và nhiều dân tộc có lẽ cũng qua một thời kỳ có những đại danh từ phiền phức như ta. Nhưng trong khi các dân tộc khác đã bỏ được các đại danh từ ấy rồi, và đã có một số đại danh từ trung lập rồi, mà dân tộc ta vẫn còn dùng những đại danh từ tỷ mỷ thì đủ hiểu sự tồn tại những đại danh từ tỷ mỷ của ta có những lý do sâu xa mà chúng ta chưa tìm ra được. Biết đâu chẳng do nhân dân ta thấy những đại danh từ của ta tuy phiền phức, nhưng chúng lại biểu thị được cảm tình, ý nghĩ và thái độ của mình, nên đã giữ chúng cho đến ngày nay?

Thật thế, nghiên cứu đại danh từ Việt ngữ, ta thấy nó quả là đặc biệt, tế nhị, tinh vi và cụ thể. Ta chỉ nói ra đây một đại danh từ ngôi thứ nhất và một đại danh từ ngôi thứ hai cũng đủ thấy nhận định trên là đúng sự thực.

Tôi nói với anh

Tiếng tôi và tiếng anh đây biểu thị một quan hệ bình thường giữa hai người, đó có thể là quan hệ của một người trên với người dưới, nhưng cũng có thể là quan hệ giữa hai người bằng vai bằng vế với nhau.

Đến:

Ta nói với người

thì quan hệ giữa người nói với người nghe đã biến đổi: Người nói tỏ ra một cách rõ rệt là người trên, người nghe rõ rệt là người dưới.

Nhưng:

Tao nói với mày

thì quan hệ giữa hai người lại không giống những quan hệ đã nói trên. Đây có thể là quan hệ giữa hai người bạn bè thân mật với nhau, nhưng đây cũng có thể là quan hệ giữa một người thật là trên và một người thật là dưới.

Quan hệ giữa người nói và người nghe sẽ xoay chiều hẳn, nếu ta thấy dùng:

Anh nói với em

Anh đây có thể là chồng, em là vợ; anh cũng có thể là người anh (ruột hay họ) nói với người em (ruột hay họ), hay anh có thể là người hơn tuổi nói với người ít tuổi hơn. Ở cả ba trường hợp, tiếng anh đều tỏ ra một ý che chở, mến yêu.

Khi ta nói:

Mình nói với cậu

thì ta thấy quan hệ giữa hai người tuy không đậm đà bằng quan hệ vừa nói trên, nhưng vẫn còn biểu thị sự thân mật, bạn bè.

Sự thân mật, bạn bè sẽ có thể trở nên suồng sã, nếu ta dùng:

Tôi nói với cậu

Nếu đột nhiên người thứ nhất tuyên bố với người thứ hai rằng: ông nói với mày, thì ta tưởng chừng giữa hai người hình như có cái gì như là xách mé, hống hách hay là xung đột lôi thôi.

Thế rồi còn ông nói với cháu, cha nói với con, tôi nói với mình, mỗi đại danh từ nói lên một cảm tình riêng, một thái độ riêng, một sắc thái riêng mà đại danh từ trong Pháp ngữ không làm gì có một tiếng tương đương. Quả thế, để dịch tất cả những đại danh từ nói ở trên, Pháp ngữ chỉ có tiếng je hay nous, tu, hay vous mà thôi.

Ta lại lấy một thí dụ khác, từng thấy trên các báo:

“Mao Chủ tịch đã tiếp Tổng thống Xô-Các-Nô. Người đã cùng với Tổng thống bàn nhiều vấn đề quan trọng”. Chữ Người trong câu này đã nói lên được lòng tôn kính, mến yêu của người viết đối với vị Chủ tịch của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Đây là một đại danh từ ngôi thứ ba. Cũng đại danh từ ngôi thứ ba dùng trong một trường hợp khác, thì nghĩa lại hoàn toàn khác hẳn: “Ngô Đình Diệm đã hội đàm với Tổng tham mưu trưởng Mỹ, y đã cùng với tướng Mỹ bàn về vấn đề khối liên minh quân sự Đông Nam châu Á”. Ở đây chỉ một tiếng y thôi cũng đủ nói ra sự căm thù của người ta đối với tên bán nước trắng trợn họ Ngô. Ở Pháp ngữ, ngườiy chỉ có thể dịch bằng một tiếng il cũng như ở Anh ngữ chỉ có thể dịch bằng một tiếng he. Nhưng il hay he không làm sao nói ra được lòng kính yêu hay sự thù ghét của người ta.


Những thí dụ kể trên chứng tỏ rằng đại danh từ Việt ngữ có một màu sắc độc đáo, chúng tinh vi, tế nhị, cụ thể và nói lên được các cảm tình, thái độ và tư tưởng của người ta. Thử hỏi trên thế giới có mấy thứ ngữ ngôn có những đại danh từ như thế?

Tôi viết đến đây, thì một ông bạn bảo tôi rằng: Vẫn biết đại danh từ của ta có nhiều chỗ đặc biệt, nhưng phải nhận là chúng phiền phức lắm.

Nhưng ở đời có cái gì tinh vi, tế nhị mà lại không phiền phức?

Như trên đã nói: ông Phan phàn nàn rằng Việt ngữ không có đại danh từ trung lập. Nhưng thực ra không hẳn như thế. Tiếng nghỉ trong câu:

Có nhà viên ngoại họ Vương
Gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung

Truyện Kiều là một đại danh từ trung lập đã được Nguyễn Du dùng trong văn học. Nhưng rồi nghỉ không những không được dùng phổ biến trong văn học, mà còn càng ngày càng vắng mặt đi trong văn học… Đó biết đâu chẳng là một bằng chứng tỏ ra rằng nhân dân Việt Nam không muốn dùng đại danh từ trung lập, vì thấy chúng không biểu thị được cảm tình, tư tưởng vào thái độ của mình? Đó biết đâu chẳng là một dấu vết về đại danh từ trung lập các loại còn sót lại, nhưng những đại danh từ ấy đã dần dần mất đi, vì nhân dân Việt Nam thấy chúng không tinh vi, không tế nhị và không cụ thể?

*


Trong mục “Mấy đặc điểm trong tiếng Việt” ông Phan Khôi cho rằng đặc điểm thứ nhất của tiếng Việt là diễn tả theo thứ tự của thời gian. Ông viết: “Trên đường về của người thợ săn, có kẻ gặp và hỏi: anh đi đâu về? Theo tiếng Pháp thì đáp lại rằng: “Je reviens de la chasse” dịch thật đúng là “Tôi trở về từ sự đi săn” nhưng theo tiếng ta, không nói như thế đâu, mà nói “Tôi đi săn về”.

Lúc gặp người đó, người thợ săn đang làm cái việc gì? Đang làm cái việc trở về. Vậy việc trở về là việc chính của người thợ săn trong lúc đó, cho nên nói “tôi trở về”; chữ “trở về” dính liền với chữ “tôi” chủ từ để tỏ ra cái việc chính mình đang làm. Nhưng trước khi trở về còn có việc đi săn, cho nên tôi tiếp “từ sự đi săn”.

Như thế, thấy trong câu tự sự, tiếng Pháp lấy việc chính làm trọng, người thợ săn phải tự thuật cái động tác hiện tại của mình chính lúc đáp lời hỏi đó rồi mới nhắc đến việc gì từ trước.

Theo câu đáp của tiếng ta thì hoàn toàn khác với cái nguyên tắc ấy của tiếng Pháp. Tiếng ta lấy thứ tự của thời gian làm trọng. Việc đi săn ở trước việc trở về, đi săn xong rồi mới trở về, cho nên nói “Tôi đi săn về”. Theo cách nói của tiếng ta, không cần kể việc trở về là chính, mà chỉ cần kể đi săn là việc trước.” [4]

Nhận định của ông Phan về chỗ này thực ra không có gì mới lạ. Nếu tôi nhớ không lầm, thì trước đây đã có một người Pháp – hình như là Coóc-đi-ê (Cordier) thì phải – đã có ý kiến như ý kiến của ông Phan. Người Pháp thì lẽ tự nhiên là họ đề cao Pháp ngữ, nêu lên chỗ ưu việt của Pháp ngữ. Điểm này chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Chỗ đáng ngạc nhiên là một người am hiểu Việt ngữ như ông Phan mà cũng chưa nhận thấy cách thức kết cấu của Việt ngữ trong câu “Tôi đi săn về”, nên gặp trường hợp phải diễn một ý như ý của câu “je reviens de la chasse”, thì ông chủ trương là nên “nói theo lối tiếng Pháp, chữ Hán là hơn.” [5]


Theo tôi, nếu chúng ta cần học tập ở Pháp ngữ hay ở Hán ngữ, thì học tập ở chỗ nào kia, chứ ở câu “je reviens de la chasse” của Pháp, và câu “Trang tử xuất ư sơn” (Trang tử ở núi ra), chúng ta chẳng cần phải học tập ai cả. Là bởi về cái ý của hai câu này, Việt ngữ cũng diễn tả như Pháp ngữ và Hán ngữ, chỉ có khác là cách thức kết cấu của Việt ngữ khác cách thức kết cấu của Pháp ngữ và Hán ngữ mà thôi.

Ta trở lại chỗ lầm lẫn của ông Phan. Ông Phan tưởng rằng trong câu “Tôi đi săn về”, và câu “Trang tử ở núi ra”, Việt ngữ diễn tả theo thứ tự của thời gian là vì ông cho rằng mỗi câu trong hai câu ấy, câu nào cũng có hai động từ cả. Ở câu “Tôi đi săn về”, ông cho có động từ đi và động từ về, ở câu “Trang tử ở núi ra” có động từ và động từ ra.

Ông Phan đã nhận định như vậy là vì ông đã quên mất cái chủ từ tổng hợp mà ông thấy là một đặc điểm của ngữ ngôn Việt Nam.

Trong phép tạo câu của ngữ ngôn Việt Nam, người ta thường phải dùng nhiều tiếng làm chủ từ, chủ từ có khi là cả một mệnh đề. Trong trường hợp câu “Tôi đi săn về” và câu “Trang tử ở núi ra” thì chủ từ tổng hợp là “Tôi đi săn” và “Trang tử ở núi”. “Tôi đi săn” là một mệnh đề để làm chủ từ cho động từ về, “Trang tử ở núi” cũng là một mệnh đề làm chủ từ cho động từ ra.

Quên khuấy mất đặc tính của Việt ngữ trong hai câu trên, ông Phan tưởng lầm rằng Việt ngữ diễn tả theo thứ tự của thời gian. Nhưng sự thực có phải thế đâu. Sự thực là hai câu trên cũng diễn tả như câu “je reviens de la chasse” của Pháp ngữ, chỉ có khác là ở câu “je reviens de la chasse” thì không có chủ từ tổng hợp, còn ở “Tôi đi săn về” hay “Trang tử ở núi ra” thì có chủ từ tổng hợp mà thôi.

Về chủ từ tổng hợp ở Việt ngữ nghiên cứu ông Phan viết luôn gần ba trang giấy từ trang 124 đến trang 127, không hiểu sao khi nói đến vấn đề thứ tự thời gian trong “Tôi đi săn về”, và “Trang tử ở núi ra”, ông lại quên đi?

*


Đến lúc kết luận bài nhận xét này, tôi thấy lúng túng. Một khi phê bình một quyển sách nào, cuối cùng chúng ta thường đi đến một kết luận chung về các nhận xét của chúng ta. Việt ngữ nghiên cứu là một quyển sách nghiên cứu những vấn đề không có một hệ thống nhất định, cho nên tổng kết các ưu điểm và khuyết điểm của quyển sách là một việc khó. Đọc lại Việt ngữ nghiên cứu tôi chỉ thấy giữa các vấn đề được thảo luận có một hệ thống phương pháp nhìn nhận, mà không có một hệ thống về nội dung các vấn đề.

Phương pháp ông Phan Khôi sử dụng trong Việt ngữ nghiên cứu là phương pháp luận lý học cứng nhắc. Ông đòi ngữ ngôn Việt Nam cũng phải có những phạm trù như những phạm trù của luận lý học, ông đã đóng đanh những tiếng vào, ra, trong, ngoài, lên, xuống, mỗi tiếng vào một phạm trù nhất định. Ông muốn chúng ta trong khi nói “bỏ lối thường của mình đi mà nói theo lối tiếng Pháp, chữ Hán là hơn” (Việt ngữ nghiên cứu trang 120). Ông tưởng làm như thế là Việt ngữ sẽ rõ ràng dứt khoát, nhưng thực ra làm như thế là bất chấp cả đặc điểm của Việt ngữ và quy luật riêng của Việt ngữ.

Nghiên cứu Việt ngữ, nhiều khi ông Phan tỏ ra rất thần phục ngữ ngôn ngoại quốc, đặc biệt là Pháp ngữ. Vẫn biết Pháp ngữ có cái hay của nó, nhưng Việt ngữ cũng không phải là thiếu cái hay. Những cái hay này của Việt ngữ tuy đã được ông Phan nói đến, nhưng ông nói với một thái độ của khách qua đường. Thí dụ như khi bàn đến chữ được và chữ bị, ông không đề cao tính chất tinh vi, tế nhị của những chữ ấy để do đó làm cho người ta thấy những khả năng đặc biệt của Việt ngữ, mà yêu quý Việt ngữ. Xét ý kiến của ông, người ta có cảm tưởng ông là một nhà khoa học tự nhiên đang ngồi ở trong phòng thí nghiệm hơn là một nhà học giả đang nghiên cứu về ngữ ngôn của dân tộc, một thứ ngữ ngôn có sức sống và sức phát triển vô cùng dẻo dai và mạnh mẽ.

Tháng 10 năm 1956



[1]Đặc biệt trong bài này, chúng tôi dành chữ tiếng để chỉ những từ có nghĩa tương tự như chữ mot của Pháp ngữ, còn chữ tiếng như tiếng Việt Nam, tiếng Pháp, chúng tôi thay bằng chữ ngữ ngôn.
[2]Trong “Việt ngữ nghiên cứu” trang 53 và trang 54, ông Phan nhận rằng tiếng đệm cấu thành theo bẩy cách:
  1. đồng phụ âm như đất đai, bụi bặm.
  2. Đồng vận như xô bồ, lim dim.
  3. Không đồng âm vận như làng mạc, chợ búa.
  4. Điệp âm như lâng lâng, khăng khăng.
  5. Sai thanh như the thé, hơ hớ.
  6. Đệm ba như sạch sành sanh.
  7. Đệm tư như cầu bơ cầu bất.
Theo tôi, trong các cách cấu thành tiếng đệm ấy có cái cách biến hoá của Việt ngữ bằng âm chắp đầu và âm chắp đuôi đấy.
[3]Việt ngữ nghiên cứu trang 101 – 102
[4]Việt ngữ nghiên cứu trang 117 – 118
[5]Việt ngữ nghiên cứu trang 120
Nguồn: Tập san Nghiên cứu Văn Sá»­ Địa, Hà Ná»™i, số 22 (tháng 10/1956). Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.