trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
11.9.2007
Kiệt Tấn
Sự đời
Bài 1
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19 
 
Đôi lời: Đến nay lưng mỏi gối dùn, không còn làm chi được nữa, bần tăng bèn nhậu vô lai rai, động não lai rai và nghĩ lai rai về ba cái sự đời. Ngay từ xưa, ca dao ta đã từng ngẫm cái sự đời như sau:

Sáng giăng em tưởng tối giời
Em ngồi để cái sự đời em ra
Sự đời như cái lá đa
Đen như mõm chó, chém cha sự đời!



*

Nghĩ lai rai - Một

1. Trong đời sống, có một cách chữa trị hiệu quả nhứt chứng nhức đầu: sự giễu cợt.

2. Cái thông minh của con người là một loại vũ khí tiêu diệt tập thể tài tình và hiệu quả nhứt.

Chính cái đầu óc (đỉnh cao trí tuệ!) và cái gọi là “thông minh” của con người đã được chỉ huy bởi lòng tham và lòng ác mà nó đẻ ra biết bao loại vũ khí tiêu diệt tập thể khác: bom nhỏ, bom lớn, bom xăng đặc, bom hóa học, bom vi trùng, bom nguyên tử, bom hạch nhân... – và nó sẽ còn chế tạo thêm loại vũ khí khủng khiếp nào khác nữa? Bên cạnh các loại vũ khí, cái “thông minh” của con người còn đẻ ra những hoạt động sinh lời (cho một số người) gây ra ô nhiễm môi sinh, bóp nghẹt trái đất và tàn sát muôn loài.

Trong tình trạng hiện nay, cái thông minh của con ngưòi chỉ mới đạt tới trình độ khôn vặt. Một loại thông minh được chỉ huy bởi lòng ích kỷ và lòng tham, nhằm phục vụ độc nhứt cho mình và bè đảng mình. Hơn nữa, một khi cái thông minh–khôn vặt được chỉ đạo bởi lòng ác, thì nó sẽ trở nên vô cùng tàn độc.

Trộm nghĩ, cái thông minh-thực sự là cái thông minh được hướng dẫn bởi lòng tử tế và lòng tốt, nghĩa là cái ý muốn và hành động thành thật nhằm đem tới hạnh phúc cho kẻ khác. Chính cái hạnh phúc của kẻ khác sẽ đem tới hạnh phúc cho mình. Nếu như nó không mang tới được hạnh phúc, thì ít ra nó cũng không gây khổ đau cho người khác, thiết tưởng như vậy cũng đã là quý lắm rồi!

Cái thông minh-thực sự nó rất gần gũi với hiền triết (wisdom/ sagesse). Bởi vậy, khi nói “thông minh” phải thận trọng. Coi chừng mình đang ngợi ca và đồng loã với cái ác!

3. Thơ Kiều: “Trải qua một cuộc bể dâu / Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”

Nhái Kiều: “Trải qua một cuộc bể dâu / Những điều trông thấy mà đau... thấy bà!”

4. Sở dĩ con người biết nói láo là bởi vì con người có ngôn ngữ.

5. Cái guồng máy của loài người được vận chuyển bởi một thứ nhiên liệu gây ô nhiễm nhứt trần gian: lòng tham.

Cái mà lòng tham làm ô nhiễm trước tiên là lòng người. Từ đó, chính cái lòng người–ô nhiễm này tạo ra mọi thứ ô nhiễm khác: ô nhiễm không khí, ô nhiễm đại dương, ô nhiễm sông ngòi, ô nhiễm đất đai, ô nhiễm nguyên tử, ô nhiễm vũ khí, ô nhiễm kinh tế-tài chánh dưới dạng thức bóc lột, đưa tới cách biệt sâu thẳm giữa giàu nghèo tạo ra bạo động triền miên, vân vân... Nói chung, lòng tham của con người làm ô nhiễm môi sinh của chính con người, hủy diệt sự sống trên địa cầu, cướp đoạt hơi thở trái đất. Và cuối cùng, chính cái lòng tham của con người sẽ đưa con người tới sự hủy diệt của chính mình.

6. Ta thà sống trong vinh quang chứ không thèm chết trong vinh quang.

7. Nói chuyện văn nghệ chơi: chuyện làm thơ. Bận nọ trong lớp học, để dạy cho học trò mình làm thơ, cô giáo đương cử ra một thí dụ: “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo / Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo. Chữ veo với chữ teo đều thuộc vần eo. Làm thơ cốt nhứt là phải có vần, các em hiểu chưa?” “Dạ hiểu!" Thực tập. Trò thứ nhứt, cũng cảm đề từ cái ao: “Trong một cái ao cóc / Em thấy bơi lội một bầy cá lóc”. Cũng được. Trò thứ hai, cũng lại cái ao: “Trong một cái ao ếch / Em ngó hoài hổng thấy gì hết”. Không hay lắm, nhưng mà có vần, thôi cũng được. Trò thứ ba, cũng vẫn cái ao: “Trong một cái ao nhái / Em bước xuống nước lên tới...” Tới đây em nhỏ bỗng nhợn, bèn nhỏ bước ngập ngừng: “lên tới..., lên tới...” Cô giáo sốt ruột lên tiếng thúc giục: “Nước lên tới đâu em?” “Dạ... dạ... Trong một cái ao nhái / Em bước xuống nước lên tới... đầu gối” Cô tức quá đập thước cây xuống bàn: “Bộ em không thể nào rán thêm một chút nữa cho nó có vần hay sao?” “Dạ thưa cô... thưa cô... em cũng rán lắm, nhưng mà ngặt vì ao nước nó cạn quá!”

8. Ở đời có ba trình độ ngu: Ngu mà biết mình ngu là ngu ít (tiểu ngu). Ngu mà không biết mình ngu là ngu vừa (trung ngu). Ngu mà tưởng mình khôn là ngu lớn (đại ngu, nói xuôi chứ không có lái liếc chi cả).

9. Tuyệt đốivĩnh cửu là hai ý niệm mà không ai có thể kiểm chứng được hết. Bởi lẽ đời người thì có giới hạn, nằm trong vòng tương đối và thuộc lẽ vô thường. “Thì qua nói tuyệt đối và vĩnh cửu chơi cho dui dậy mà em Hai! Sao gài cẳng qua chi dậy?”

10. Ở đời cái gì cũng (có thể) quan trọng. Nhưng nghĩ cho cùng, cũng chẳng có cái gì quan trọng.


Nghĩ lai rai - Hai

1. Quan niệm tự do có nghĩa là “muốn làm gì thì làm”: đó là cách tự sát tốt nhứt. Bởi lẽ, khi đem cái màn “muốn làm gì thì làm” ra biểu diễn (chẳng hạn tát tai đại cái thằng có bản mặt thấy ghét) thì thiên hạ (nhứt là thằng Bruce Lee) nó sẽ đục cho phù mỏ liền tại chỗ! Hoặc trên xa lộ tự nhiên nổi hứng cảm thấy mình có tự do đổi sang lề trái, “muốn làm gì thì làm”. Thì cứ đổi đi, sẽ biết liền.

2. Thuyết dù có hay cách mấy cũng có thằng sẵn sàng bẻ cong để phục vụ cho cái tham vọng và quyền lợi của mình. Bất luận: từ thuyết chính trị, thuyết xã hội, thuyết kinh tế, thuyết tài chánh, vân vân… cho tới thuyết triết lý, thuyết tôn giáo… Bẻ cong lý luận là cái tánh đặc thù của con người. Và đó chính là cái đạo đức giả và cái đểu ác/ cynisme, hai lối hành xử đặc thù của loài người. (Hành xử: hành động và xử trí. Comportement/ behaviour)

3. Vũ trụ còn có bờ có bến, chớ cái xuẩn ngốc của con người thì nó vô bờ vô bến.

4. Khi chứng đúng được hành động của mình thì người ta dám hiên ngang trở thành bạo chúa.

5. Quan niệm “Tự do là tôi có quyền đặt để thân xác tôi”, hoặc nôm na: “Tôi có toàn quyền sử dụng thân xác tôi để làm gì thì làm”. Quan niệm như thế sẽ nhanh chóng dắt mình tới chỗ xâm mình, xỏ mép, cẩn vú, xỏ lưỡi, để chóp, bạo động, nghiện ngập và… làm đĩ.

Hơn nữa, ôm bom cho nổ banh xác giữa đám đông là quyền tự do của mỗi người chăng? Hoặc biết mình bị bịnh sida mà vẫn tiếp tục dùng thân thể mình để truyền bịnh cho người khác cũng là tự do chăng? Vân vân và vân vân.

Đi tìm tự do tuyệt đối là chạy theo một ảo tưởng tuyệt đối. Nó là dạng thức của thứ tự do vô trách nhiệm, một sự ích kỷ trá hình, một trình độ ý thức còn ấu trĩ. Nó chẳng khác gì đứa con nít tự cho mình có tự do tuyệt đối rồi muốn làm gì đó thì làm: muốn ăn thì ăn, muốn ỉa thì ỉa, muốn la thì la, muốn khóc thì khóc, muốn nằm vạ thì nằm vạ. Bởi lẽ đó, nghĩ cho cùng, có thể chỉ có một loại tự do thực tiễn khả dĩ chấp nhận được: Tự do có trách nhiệm. Một dạng thức của tự do đã trưởng thành.

Và trên hết, một điều kiện tiên quyết của tự do: Phải tôn trọng tự do của kẻ khác.

6. Thơ Bà Huyện Thanh Quan: “Tạo hóa gây chi cuộc hí trường / Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương”

Nhái thơ Bà Huyện: “Tạo hóa gây chi cuộc hí cầu / Đến nay thấm thía cái phao câu”

7. Làm chính trị mà không biết nói láo là không làm đúng nghề của mình và thiếu lương tâm nghề nghiệp.

8. Loài sống bằng lý trí cự nự: “Tại sao ta phải sống giản dị khi ta có quyền sống rắc rối? Tại sao ta phải sống hạnh phúc khi ta có quyền sống đau khổ? Tại sao ta phải sống hòa bình khi ta có thể gây chiến tranh?” Chiến tranh bao giờ cũng mang tới phồn thịnh cho những nước bán vũ khí, trong đó có Mỹ, Nga, Tàu, Anh, Pháp, v.v... Nếu không có chiến tranh, sẽ có nhiều nền kinh tế sụp đổ, sẽ có vô số người bị sa thải, thất nghiệp. Và đảng đang cầm quyền sẽ thất cử lần tới. Vì vậy phải duy trì chiến tranh và mở rộng thị trường vũ khí.

9. Quẳng câu hỏi nhớn lên không trung, coi chừng nó rớt xuống trúng u đầu!

10. Đại hội múa nón

Trong bài “Xúc cát trước bàn thờ”, bần tăng có hứa hẹn với bà con ta là sẽ viết về cái tiết mục “Đại hội múa nón”. Sở dĩ có cái tiết mục này là bởi bần tăng có nhận được, qua talawas, một bức “Tâm thư gửi nhà văn Kiệt Tấn: toang hoang ngoàì phố chợ ” (03/2007) do Em Bé Quàng Khăn Đỏ (gọi tắt sau đây là Em Nhỏ) âu yếm soạn thảo với tất cả tấm lòng. Mới đầu, ngó thấy cái tên mình le lói, bần tăng cứ tưởng bở là “Tâm thư” đó gởi cho mình. Ai dè càng đọc càng có cảm tưởng là Tâm thư đã gởi nhầm địa chỉ: nhân vật được “Tâm thư” nhắm tới và lột da là ai đó lạ wắc, không ăn nhập gì tới mình hết. Quả thiệt là tai bay vạ gió!

Thoạt đầu, Em Nhỏ nói lên sự cảm mến của mình đối với đại văn (dầu) hào Kiệt Tấn. Rồi tiếp theo đó là sự thất vọng não nề của mình khi đọc bài “Sục cặc trước bàn thờ” (SCTBT) của Kiệt Tấn trên talawas (tháng 3/ 2005). Bần tăng rất lấy làm cảm động và vô cùng (Tổ Quốc) ăn năn. Từ sự thất vọng, “Tâm thư” dần dần chuyển sang hờn dỗi, trách móc, ngắt véo, và cuối cùng là chụp lên cái đầu trọc lóc của bần tăng vô số cái nón bèo nhèo “không khá”. Ngửi cái hơi văn của “Tâm thư”, bần tăng nghi ngờ là có bàn tay của “Mỹ Ngụy ác ôn” giựt dây phía sau Em Nhỏ. Bởi lẽ đó, cái tiết mục “Đại hội múa nón” này được bần tăng viết ra không phải chỉ nhằm trả lời Em Nhỏ mà là để giải độc chung cho “Mỹ Ngụy ác ôn” sau hậu trường. Nhưng nói chung là để trả lời cho tất cả những ai có những cái nón tương tự như vậy và rắp toan chụp lên đầu bần tăng.

Cảo thơm lần giở trước đèn...

Trước khi đi vào thời sự bi giờ, bần tăng giở lại sử sách thời cổ để xem người xưa xử trí ra sao khi gặp phải hoàn cảnh khó xử như bần tăng hiện nay.

Thời xưa, các ông Trời Con của Trung Quốc lúc nào cũng kiếm cớ để đục cho dân Giao Chỉ ta phù mỏ và đè đầu dài dài. Cả ngàn năm. (Mẹ rượt!). Rồi một lần nọ, thêm một lần nữa Xứ Giữa lại kiếm một cái cớ bá láp nào đó để mà kéo quân Chệt sang xéo dày lăng miếu ta – cũng giống như Bush Con thời bi giờ phịa ra cái chuyện “vũ khí tiêu diệt tập thể” để kéo quân và tung máy bay sang vừa uýnh vừa dội bom I-Rắc vậy đó. Quân sư Khổng Không Minh của Xứ Giữa bèn bày ra kế độc như sau: Sai sứ đem con Trâu Cổ vĩ đại giỏi võ Thiếu Lâm và Võ Sừng nhứt nước Tàu sang xứ ta để thách chọi trâu. Nếu ta thắng thì Xứ Giữa bãi binh. Nếu ta thua thì mấy ông Ba Tàu sẽ cất đại quân sang mà đì cái giang sơn gấm vóc của nước Văn Lang ta và bắt dân ta phải triều cống dài dài.

Được thư của sứ Tàu, vua ta sợ toát mồ hôi – có sách chép là “té đái luôn”. Bèn khẩn trương (lên!) cho họp hết bá quan văn võ lại và đồng thời ban chiếu chỉ triệu Trạng Quỳnh cấp tốc đến chầu. Sau khi nghe quan Thừa Tướng làm biefing tình hình nước nhà và tin tức khí tượng, Trạng Quỳnh bèn dập cái đầu có sạn của mình xuống bệ rồng (ui da!) rồi khải tấu: “Muôn tâu Bệ Hạ! Hạ thần đã có kế thắng con Trâu Cổ của Trung Quốc”. Đức vua lấy làm mầng rỡ, truyền bãi trào.

Trạng Quỳnh lui về cơ ngơi nhỏ của mình ở Ô Cầu Giấy, đóng cửa kín mít tử thủ với một con trâu baby nữ chưa có sừng suốt ba ngày ba đêm. Suốt ba ngày đó, Trạng Quỳnh tha hồ xơi phở, còn con baby nghé thì bị Trạng Quỳnh dứt sữa cưỡng bách, chỉ được uống nước phông-ten chớ không được bú sữa mẹ hoặc sữa đặc có đường chi hết ráo. Baby khóc thét lâm ly!

Rồi ngày trọng đại đã đến. Vua, quan, triều thần và bá tánh đến đặc nghẹt vây quanh cái sân tròn lớn để xem chọi trâu. Sứ Tầu truyền thả con Trâu Cổ ra. Sổ lồng, con Trâu Cổ bèn hung hăng chạy một vòng sân banh để biểu diễn cặp sừng Adidas mới tinh khôi của mình. Vừa chạy vừa xổ tiếng Quan Thoại vừa múa võ sừng, vừa thở ra lửa đỏ và khói CO2 mịt mù, tạo ra nạn ô nhiễm trầm trọng tại kinh đô Thăng Long ngàn năm ăn vặt của ta. Bên phía ta, Trạng Quỳnh truyền mở một cái chuồng gỗ nhỏ kín mít thả con baby nghé ra. Bị bỏ đói rã ruột từ ba bữa nay, con nghé ngó thấy con Trâu Cổ bèn mừng rỡ như thấy má đi chợ về. Nghé ta bèn kêu lên “Mamy!” một tiếng lớn vô cùng cảm động rồi lon ton chạy đến chui dưới bụng con Trâu Cổ tìm vú mẹ để xin “bú tí”. Tưởng cần nên nói rõ là theo truyền thống dân tộc của loài có sừng, trâu đực không bao giờ húc trâu nghé không có sừng. Đang trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, bỗng nhiên bị “nâng bi” bất ngờ, Trâu Cổ chới với chạy giạt ra góc sân. Nhưng con baby nghé đâu có tha. Baby cứ lon ton chạy theo khóc la dậy trời. Rồi cứ đưa lưỡi mà liếm dưới bụng và giữa hai chân sau của con Trâu Cổ - có cái gì tòn teng như thể là hai cái vú. Nhột quá! Nhột quá! Một bên bỏ chạy, một bên cứ rượt theo. Được ba vòng sân banh, trọng tài thổi còi chấm dứt trận đấu và tuyên bố “Trâu Nghé toàn thắng!”. Thế là nước Văn Lang ta thoát nạn. Vua tôi bèn mở tiệc ăn mầng ba ngày ba đêm, để Nhà Nước ta cùng liên hoan với nhân dân và “nhảy hòa bình” mút mùa lệ thủy.

Sở dĩ bần tăng nhắc lại sự tích “chọi trâu” này là ngụ ý chỉ cho bà con ta thấy bần tăng đang lâm vào cái thế kẹt của con Trâu Cổ Ba Tầu. Em Nhỏ đang (bị xúi giục?) đem bức “Tâm thư” ra sử dụng như đòn “Sư Tử Hí Cầu” để mà chọc nhột bần tăng. Chẳng lẽ Trâu Cổ trả đòn con baby nghé, cho Em Nhỏ khóc thét chạy về nhà mét ba mét má? Hay là bần tăng sẽ bỏ chạy như con Trâu Cổ Ba Tầu? “Không!” Bần tăng sẽ ở lại cầm bút lên mà vạch cho đám quân sư quạt mo Trạng Quờn thấy các ngón đòn chụp mũ bừa bãi của mình quả nhiên đã đi trật đường rầy tuốt luốt.

Nón một: Dâm thư

Tâm thư viết: “Hễ không đủ tài, không đủ “form” là văn sẽ “ô uế” ngay, sẽ thành một loại dâm thư... vọc lồn”.

Nếu viết như trên để ám chỉ tà ý của bần tăng thì Em Nhỏ hãy đọc kỹ bài “SC” lại đi. Trong suốt bài của mình, bần tăng vẫn một mực đính chánh là các nàng không hề viết dâm thư. Vả lại, trong suốt cuộc đời tu hành vớ vẩn của mình, bần tăng đã đọc không ít các loại sách gợi dục / érotisme và dâm thư / porno rất là “hết cỡ nói”, rất là “chằn ăn trăn quấn”. Đối với bần tăng thì nhằm nhò gì ba cái “văn chương tình dục” lẻ tẻ trong tạp chí Hợp Lưu số 81 / 2005 (chủ đề: Tình dục và các nhà văn nữ di dân). Bởi lẽ đó mà bần tăng không cấp mề đai dâm thư cho “văn chương tình dục” ta đấy thôi. Viết theo kiểu cái “bà khoái chơi Mễ” thì theo chủ quan của bần tăng, nó chẳng là văn chương mà cũng chẳng phải dâm thư. Chuột chẳng phải chuột mà dơi chẳng phải dơi. Các ngòi bút nữ, có ai đồng ý với quan điểm này? Và ai không đồng ý? Viết dâm thư cho “đúng mức và đạt” cũng cần phải có cái nghệ thuật riêng của nó. Chớ nên lầm tưởng viết dâm thư là chỉ việc tung ra tưới hột sen các tiếng tục tĩu (như lồn cặc, đụ fuck, bú vú, bú cặc, vọc lồn, chảy nước lồn, đụ liền tức khắc...) như một hai ngòi bút nữ đã làm trong HL 81 (cho nhân vật nữ của mình đụ đủ người, chơi đủ kiểu, hoặc cho nàng leo lên giường biểu diễn nhiều màn bạo dâm kỳ quặc) là ăn tiền độc giả. Dễ ợt như vậy à? Nếu có ai gọi đó là dâm thư thì bần tăng sẽ bổ túc: “loại dâm thư tập tễnh, vụng về, ngán ngược. Ớn chè đậu!” Đó là hạng dâm thư ấu trĩ thuộc loại “thủ dâm tâm lý” của chính người viết.

Tuy nhiên, để tránh mang tiếng “dâm thư”, các nàng thường dùng một “tiểu xảo” rất thông dụng: Em sẽ viết một cái chuyện rất là thanh bai, rất là luân lý đạo đức, và em sẽ nói lên những điều rất là “siêu” (hình học không gian)... Nhưng trong khi chờ đợi, xin độc giả cảm phiền nhướng con mắt lên để coi em trình diễn những màn bạo dâm, những cảnh vọc lồn, bú cặc, cái cảnh “và chơi cho sướng, chơi đủ người, đụ đủ kiểu”, hoặc ngoáy cái lỗ tai lên mà nghe em văng tục “lồn cặc, đụ fuck” để bà con là em vô cùng “tân-kỳ-hậu-hiện-đại”. Kế đến là để cho em xả lòng em tự bấy lâu, không có thì em chết mất! “Rằng hay thì thiệt là hay / Nghe xong ngậm đắng nuốt cay... thấy bà!” Cái tiểu xảo này trong dâm thư thiếu gì! Những quyển sách dẫy đầy “đụ fuck” có những cái tựa vô cùng hấp dẫn như: “Nhựt ký lầu xanh của Nàng Đĩ Ngựa”, hoặc “Đời sống về khuya của Bà Quả phụ Vú lớn”, hoặc “Dâm tình của Con nhỏ ở và Ông chủ Mắc dịch”, vân vân... Suốt trong truyện cứ cho hành dâm ê hề, cho fuck thả giàn (như cái bà khoái-chơi-Mễ). Chỉ cần hồi kết cuộc em cho Nàng đĩ ngựa, Bà góa phụ và Con nhỏ ở ăn năn vô cùng thành thực và lâm ly. Rồi em cho cả ba cạo đầu hoặc khoác áo nhà dòng mà đi tu, hay đi hành hương ở cái đất Tây Tạng xa xôi trắc trở. Và cuối cùng, Đấng Tối Cao động lòng đưa tay xuống cứu rỗi và mở cửa Thiên Đàng đón hết cả ba Thánh Nữ vào. “The End”! Vô cùng siêu hình học và sặc mùi đạo hạnh! Em sẽ lấy nước mắt bà con ta dễ ợt. “Kleenex, please!”

Nón hai: Khinh miệt gái đĩ

“Tâm thư” viết: “(Tuyết) không có đủ ngôn ngữ hoặc lý trí để phản kháng lại sự bất lực của hai tên con trai (Lộc và Kiệt) còn mang nặng thành kiến về sự cách biệt giữa “gái nhà lành” và “đĩ”

Em Nhỏ nói “bất lực” xem chừng có hơi tối nghĩa, vì thuở mười tám tuổi, thằng bé của bần tăng phục vụ rất là good. Còn “khinh miệt” thì bần tăng đoán có lẽ Em Nhỏ chưa từng nghe tới cái hỗn danh “người binh đĩ” mà giới giang hồ cầm bút đã gán cho bần tăng từ khuya. Thứ nữa, ông tướng Trần Nghi Hoàng (cái đầu có rất nhiều sạn và sỏi đá rong rêu) đã viết về bần tăng trong tạp chí Văn 117 & 118 / 2006 (tr. 40) như sau: “Kiệt Tấn yêu đĩ, yêu nữ sinh, yêu đàn bà, yêu con gái, yêu ca ve, yêu gái quê... đều “bằng như nhau”. KT không... phân biệt giai cấp trong tình yêu lẫn tình dục của ông”. Té ra cái ông tướng Trần Nghi Hoàng đã viết nhảm nhí, đã loan tin thất thiệt. Rất là phản động, rất là phản cách mạng, rất là đắc tội với Nhân Dân. Chẳng những thế, lại còn âm mưu phá hoại Nhà Nước, bôi nhọ Dân Tộc anh dũng kiên cường hoành tráng của ta. Chỉ còn nước xách cổ ra mà bắn bỏ dưới cột “Cờ Đỏ Sao Vàng”.

Tới đây, bần tăng xin tạm ngưng tiết mục trình diễn “Múa nón” và cho đi một trang quảng cáo. Em Nhỏ có ôm mặt khóc thét mà chạy về mét má? Ông Thầy Chùa có bị điểm trúng nhằm yếu huyệt mà ngã xuống chết giấc ngay tại chỗ? Muốn biết diễn tiến của màn “Múa nón” như thế nào, xin bà con đón xem hồi sau sẽ rõ.


Nghĩ lai rai - Ba

1. Thế giới của con người khác với thế giới của con thú ở chỗ thế giới của con người đầy dẫy những hoang tưởng. Và hơn thế nữa, con người lại tự cho đó là “siêu”!

2. Từ chỗ thấp hèn nhứt cho tới chỗ cao cả nhứt, từ chỗ phàm tục nhứt cho tới chỗ thiêng liêng nhứt, con người lúc nào cũng chạy theo những hoang tưởng không dứt.

3. Quan niệm tự do có nghĩa là “muốn làm gì thì làm”: đó là cách mất tự do nhanh chóng nhứt.

Ai đó quan niệm tự do theo kiểu “muốn làm gì thì làm” thì hãy tưởng tượng một thằng mẹ rượt nào đó áp dụng cái kiểu tự do “ta muốn làm gì thì ta làm” (chẳng hạn nó muốn đè ngửa mình ra thì nó đè, nó muốn lật sấp mình xuống thì nó lật, nó muốn đục mình phù mỏ thì nó đục...) Nếu nó biểu diễn tự do của nó theo kiểu đó thì liệu mình có chấp nhận và chịu nổi hay không? Khi đó, thế giới con người sẽ rất tự do để mà bạo động và rối loạn triền miên.

Tự do theo kiểu “muốn làm gì thì làm” bảo đảm sẽ đưa tới tình trạng người này tìm đủ mọi cách để ngăn cản người kia thể hiện tự do của mình. Rốt cuộc sẽ không một ai có thể tự do được hết: Mọi người sẽ mất hết tự do. Thử tưởng tượng trong thành phố không một ai tôn trọng đèn xanh đèn đỏ, mạnh ai nấy chạy tự do theo kiểu của mình. Khi đó, liệu ai có thể tự do để mà chạy được nữa hay không?

Ai đã chẳng từng nếm thử thương đau cái kinh nghiệm kẹt xe ở một cái rond point tám ngã mà mọi người đều giành nhau, lấn nhau để mà... kẹt cứng! Tự do kẹt cứng! Ô-kê?

4. Bần tăng trộm nghĩ: Bạo dâmkhổ dâm (sado-maso / S-M) phát xuất từ một nhu cầu tâm lý, từ cái hoang tưởng (thường là vô thức) cho rằng hành lạc và khoái lạc là một tội lỗi cần phải được trừng trị để cứu rỗi. Cứu rỗi bằng cách hành hạ, đánh đập, hạ nhục thân xác mình và thân xác của người cộng lạc. Cũng như các tín đồ quỳ dưới chưn Đấng Cứu Rỗi vừa lấy roi gai quất lên người mình cho đổ máu, vừa khóc lóc, năn nỉ, tạ tội, xin lỗi để thấy mình xứng đáng được cứu rỗi.

Có hành hạ và trừng trị thân xác mình trước rồi thì sau đó mới được yên tâm để hành lạc và hưởng cái khoái lạc nhục thể mà đầu óc mình chối bỏ, kết tội, lên án (ý thức hoặc vô thức). Tóm lại: một trò “tự biên tự diễn” (với một hay nhiều đồng loã) vô cùng lố bịch, vô cùng buồn bã, vô cùng đau đớn và vô cùng thảm hại.

5.Tôi suy nghĩ vậy tôi có”. Mẹ rượt! Không suy nghĩ tôi vẫn có như thường. Không tin thử lấy kim nhọn đâm vào đít triết gia đang say ngủ thì biết.

6. Cuộc đời tự nó không có ý nghĩa, cũng không vô nghĩa. Cuộc đời vốn nó như vậy đó. Ý nghĩa là một ý niệm do con người bày đặt ra nhằm thỏa mãn cái đầu óc duy lý của mình. Nói ý nghĩa nhưng chưa chắc ai đã đồng ý với ai về cái ý nghĩa (là phải như thế nào đó) mà mình gán cho một cái gì đó (như đời sống, hành động, cứu cánh, tín ngưỡng...) Cái ý nghĩa vốn nó không tự sẵn có trong Trời Đất. Chẳng hạn như cái chuyện mặt trời chiếu sáng, trái đất quay tròn, âm dương thu hút nhau... vốn nó như vậy đó từ đời kiếp nào, từ khi chưa có con người. Tự nó chẳng có ý nghĩa, nhưng cũng chẳng vô nghĩa. Con người sanh sau đẻ muộn, tự nhiên từ đâu tới bày đặt phê phán là cái này cái nọ có nghĩa / vô nghĩa, rồi lại còn hiu hiu cái kiểu “đỉnh cao trí tuệ”, cái kiểu “Ta Đây” có quyền (tại sao có quyền?) áp đặt ý nghĩa do ta bày đặt ra lên mọi thứ, mọi chuyện. Nếu không có Ta thì mọi thứ (luôn cả Đất Trời, vũ trụ) sẽ trở thành vô nghĩa! Rất là le lói!

Nhưng con người bày đặt ra cái chuyện “ý nghĩa” để làm chi vậy? Thì bày đặt ra để chứng tỏ và để cảm thấy cuộc đời mình rất có ý nghĩa, rất đáng sống, và rất “siêu”! Hỏi thử nhiều người về cái nghĩa sống, thấy không có cái ý nghĩa nào giống cái ý nghĩa nào. Thành thử cái nào cũng được. “Thì le lói cho zui dậy mà, em Hai!”

7. Hãy làm tình cho thiệt là lu bù và chăm chỉ, đừng có âm mưu chính chị chính em gì nữa hết thì bảo đảm thế giới này sẽ hết giặc. Nói thiệt đó! Vì bởi cho dù có còn giặc đi nữa thì thiên hạ cũng đã lâm vào cảnh lỏng gối sụm bà chè. Mà một khi đã hết còn “quậy” quẹt gì nổi nữa thì ắt sẽ có thanh bình là cái chắc! (CQFD)

8. Đại hội múa nón

Sau khi cho đi một trang quảng cáo, bần tăng xin trở lại cái tiết mục “Múa nón” của Em Nhỏ. Bần tăng đã chỉ cho bà con ta thấy hai cái nón mà Em Nhỏ (và đám Trạng Quờn) mưu toan chụp lên đầu mình, bần tăng xin giở tới cái nón thứ ba cho bà con ta cùng chiêm ngưỡng:

Nón ba: Bất mãn tình dục

“Tâm thư” viết: “Họ (các ngòi bút nữ quyền) cũng không phải là những con người mal baisées như ông đã kết luận

Em Nhỏ đã hạ bút ngon lành và quả quyết như thế í. Trong khi đó, để né tránh cái nón cùng một kiểu như của Em Nhỏ mà “nhà văn (rất) nhớn” Phan Thị Trọng Tuyến mưu toan chụp lên đầu mình, bần tăng đã đính chánh trong bài “Phỏng vấn” (VĂN 117 & 118 / 2006 - trang 122): “Tôi không có ý chụp mũ là các bà nữ quyền đều bị bất mãn tình dục, nôm na tiếng Tây là mal baisées. Tôi chỉ muốn nói các nàng bất mãn tình dục kinh niên khó thể có cảm tình với bọn đực rựa (vô tích sự!)”

Em Nhỏ hiểu lời phát biểu này của bần tăng “za nàm thao” mà lại nỡ đi chụp cái nón “nói phịa” lên đầu “thần tượng” gãy cánh của mình như thế? Chẳng thương thì chớ, sao đành giết nhau? Hơn nữa, chính Em Nhỏ (và nhiều bà nữ quyền khác nữa) đã “cung oán ngâm khúc” dài dài cái tệ trạng mal baisées (chơi không đã) của người nữ trong “Tâm thư” của mình (phải chăng?). Chớ nào phải bần tăng chụp cái nón mal baisées lên một nàng nào đâu! Và nói rộng ra, cái tệ trạng này đâu phải chỉ dành riêng cho dân Giao Chỉ ta. Mấy thằng đực rựa ngốc nghếch như thế í, nếu có bị vợ cắm sừng thì cũng thiệt là đáng kiếp. Hoan hô cái bà khoái-chơi-Mễ! Cứ làm tới nữa đi, Em cho thằng chồng Mít da vàng của Em nó biết tay!

Nón bốn: Lạc hậu kinh niên

Sau khi trình diễn dồi dào các nhà văn ngoại quốc và cổ võ phe ta nên noi gương các nhà văn này, “Tâm thư” viết tiếp: “Tôi thất vọng vì sau hơn 30 năm ở nước ngoài, chúng ta vẫn chưa thoát khỏi những lối nhìn hẹp hòi, những biên giới hà khắc đã đày ải và dìm dập chúng ta trong tình cảnh tù đày và lạc hậu kinh niên

Nghe Em Nhỏ thở than mà bần tăng muốn sa lụy hai hàng! Bần tăng bèn lấy một quyết định sáng suốt (trước khi hành động mù quáng): Cách tân lối sống của mình cho nó bớt lạc hậu, ngõ hầu làm nở mặt dòng giống Rồng Tiên (đã rụng lông tróc vảy) của nước Đại Ngu (cấm nói lái) vốn vô cùng chậm tiến của ta. Người ta quăng net thì bần tăng quăng lưới. Người ta gởi meo thì bần tăng gởi mốc. Người ta điện thoại di động thì bần tăng la làng tại chỗ.

Thứ nữa, từ hồi xưa tới giờ bần tăng chưa hề được đọc một quyển sách ngoại ngữ nào hết (!) Vì vậy, để giảm bớt được phần nào cái tình trạng lạc hậu kinh niên, bần tăng bèn lấy quyết định “đổi mới tư duy”, và đồng thời “cách tân” ngòi bút của mình ngõ hầu theo kịp nhịp đập của con tim văn chương quốc tế. Ông Proust viết Đi tìm thời gian đã mất thì bần tăng viết “Đi kiếm không gian vẫn còn”. Ông Hemingway viết Ngư ông và biển cả thì bần tăng viết “Ngư bà và cái ao rất cạn”. Ông Faulkner viết Âm thanh và cuồng nộ thì bần tăng viết “Im lặng là vàng” (quyển 1) và “Nín khe mà nằm vùng” (quyển 2). Ông Gide viết Khung cửa hẹp thì bần tăng viết “Cửa sổ rộng”. Ông Steinbeck viết Của chuột và người thì bần tăng viết “ Của mèo và khỉ đột”. Người ta viết dâm thư “Funny hill” thì bần tăng viết “Phanh neo heo”. Và còn hứa hẹn nhiều sáng tác tân kỳ, tình dục “táo bạo trâng tráo” khác nữa trong một tương lai gần xịt, ngõ hầu giảm bớt được phần nào cái tệ trạng lạc hậu kinh niên của mình. Xin bà con chuẩn bị cash liền tức khắc (giống cái Em đòi đụ liền tức khắc như đòi ăn mì gói trong HL 81) và đón xem.

À quên! Bần tăng nguyện từ đây khi viết một dòng tiếng Việt thì sẽ trích dẫn kèm theo ba dòng văn chương Tây Mẽo liền tù tì cho thiên hạ lé con mắt chơi! “Chưa chắc thằng nào sợ thằng này!"

Tới đây, thêm một lần nữa bần tăng lại xin tạm ngưng trình diễn tiết mục “Múa nón”. Em Nhỏ sẽ níu áo ông Thầy Chùa mà nằm vạ? Ông Thầy Chùa sẽ để tóc trở lại và lấy vợ (người) khác mà làm ăn lương thiện? Muốn biết chuyện sau thế nào, xin đón xem hồi sau sẽ rõ.

9. Trong khi chờ đợi, xin bà con cho phép cụ Nguyễn Du (vốn lạc hậu kinh niên) bước ra sân khấu và cố gắng “xổ nho” một tí cho nó nhẹ bớt cái gánh nặng chậm tiến:

“Cảo perfumed lần giở trước candle
Phong love cổ green còn truyền blue history

Đó là cụ Nguyễn Du đang thực hiện một cuộc cách tân thơ cổ-lỗ-sĩ của mình trong truyện Kiều nguyên thủy “Cảo thơm lần giở trước đèn / Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh”. Nhưng chưa nhằm nhò gì đâu, ba cái lẻ tẻ. Hẹn lần sau cụ Nguyễn Du sẽ còn trình diễn thêm nhiều màn “xổ tiếng Đức”, “xạc tiếng Tây”, “nhai tiếng Mẽo” vô cùng ly kỳ hấp dẫn. Xin bà con ta hãy ngoáy rộng hai cái lỗ tai cù lần của mình lên để nghe cho rõ, ngõ hầu giác ngộ kách mệnh rồi nhân đó mà tiến lên vù vù vụt vụt. Sẵn trớn lấy luôn năm ba cái bằng Ph.D. hoặc Phó Tiến Sĩ. Có như vậy mới mong theo kịp bước tiến rầm rộ của thiên hạ xung quanh mình. Bà con ta hãy rán mà nghe và thưởng thúc cái thứ văn chương “ba rọi” cho nó quen. Nếu không muốn nghe thì cũng phải rán chịu. Bắt buộc. Nghe đây! Nghe đây!

© 2007 talawas