trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
18.8.2007
 
Ý kiến của các văn nghệ sĩ phản đối nhóm phá hoại “Nhân văn–Giai phẩm”
 1   2   3 
 
Nguyễn Huy Tưởng
Thấy lại phương hướng của Đảng

Sau khi Đảng phát hiện những sai lầm trong cải cách ruộng đất, do lập trường không kiên định, tôi có phần e ngại những cuộc đấu tranh có tính chất giai cấp, sợ tổn hại đến khối đoàn kết toàn dân. Cái khuynh hướng thủ tiêu đấu tranh ấy đã dẫn tôi đến những nhận định chủ quan về tình hình văn nghệ. Tôi thấy ở đây không có vấn đề gì. Anh em có một số thắc mắc đối với lãnh đạo văn nghệ, nhưng chỉ ở trong phạm vi tìm tòi nghệ thuật. Cho nên khi có nghị quyết của Bộ chính trị về công tác văn nghệ tôi hoang mang cho là một số đồng chí trực tiếp phụ trách văn nghệ vẫn còn hẹp hòi và quan liêu không sát phong trào, thậm chí còn cho là ta lại rập theo cuộc đấu tranh chống phái hữu ở Trung Quốc.

Đến hội nghị văn nghệ hồi trong năm mở cho đảng viên, tôi thu hoạch được một điểm quan trọng là sự chuyển giai đoạn của cách mạng Việt nam, miền Bắc đã ở vào thời đại xây dựng chủ nghĩa xã hội và để thực hiện sự nghiệp cách mạng ấy, Đảng và nhân dân ta phải tiến hành một cuộc đấu tranh quyết liệt đối với tư tưởng chống lại công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Nhưng tôi vẫn chưa được thông về điểm nhóm phản động Nhân văn lũng đoạn văn nghệ. Tôi cho nói như thế là đánh giá chúng quá cao, cho nên đến hội nghị văn nghệ mở lần thứ hai cho văn nghệ sĩ trong Đảng và ngoài Đảng, tôi không được thoải mái lắm. Tôi nghĩ nếu lãnh đạo đúng thì văn nghệ sĩ tiến bộ lớn, mà sai thì giới chúng ta sẽ mang một vết thương khó mà hàn gắn được. Nhưng trong quá trình hội nghị, ánh sáng của Đảng dần dần chiếu sáng. Một số phần tử Nhân văn sau một thời gian được học tập, bắt đầu thú nhận những sai lầm tội lỗi, những tư tưởng mà họ thường rêu rao mấy năm nay, Đảng không lãnh đạo được văn nghệ, Đảng đàn áp trí thức, vùi dập [1] nghệ sĩ, Đảng sợ phát hiện sự thật, càng không phải là chuyện trả thù báo oán, nhóm lãnh đạo không sản xuất đấu với lực lượng sáng tác, v.v… mà hiển nhiên chỉ có một chuyện là trong ba năm nay, những kẻ thù địch của Đảng của chủ nghĩa xã hội, của Tổ quốc chúng ta đã lũng đoạn chúng ta về tư tưởng, về tổ chức một cách nghiêm trọng, đúng như nghị quyết tháng mười một 1957 của Bộ chính trị đã sáng suốt nhận định, và hội nghị này đã vạch trần cái chân tướng của họ ra. Vì họ, mà các cơ quan, các đoàn thể văn nghệ không còn là nơi để bàn những vấn đề của văn nghệ, để người văn nghệ nói với nhau những lời chân thành xây dựng đẩy cho văn học nghệ thuật Việt Nam lớn mạnh lên, mà gần như chỉ là nơi để họ nói xấu, chửi rủa, phá phách, chia rẽ, và bỉ ổi hơn nữa, mưu tính những việc hại dân, hại nước. Họ đã phun những nọc rắn, nọc rết vào vườn hoa văn nghệ đáng lẽ tốt tươi hơn của chúng ta. Tư tưởng của tôi đã bị chúng lũng đoạn đến độ tôi không nhìn thấy cái sự thật nguy hiểm mà Đảng và quảng đại quần chúng đã nhận rõ từ lâu.

Dưới ánh sáng nghệ thuật của Trung ương, nhìn lại những việc đã làm, tôi có cảm giác là một sự giật mình. Tôi đã mắc những sai lầm không xứng đáng với một đảng viên. Tôi đã làm những gì? Trước hết, trong khi kiểm điểm, tôi cũng phải gạt ra những cái mỹ tự nó phỉnh nịnh cái chất tiểu tư sản của mình, nào là tìm tòi nghệ thuật, nào là nhân đạo, nào là con người. Nói theo nhà nữ cách mạng Pháp, biết bao nhiêu tội lỗi người ta đã mắc phải, núp mình dưới những danh từ đẹp ấy. Trong những ngày 1956 đầy những biến cố ở trong nước cũng như ở ngoài nước, không ai có thể thờ ơ với thời cuộc, không ai có thể không suy nghĩ. Đại hội 20 Đảng cộng sản Liên xô, đề cao cái tính tích cực của mỗi đảng viên, mỗi một con người. Đảng và nhân dân ta càng hoan nghênh mọi sáng kiến của mọi cá nhân góp phần giải quyết những khó khăn, đẩy cho cách mạng vượt qua ghềnh, thác. Vấn đề không phải là ở chỗ suy nghĩ, ở chỗ băn khoăn tìm tòi, mà là ở chỗ suy nghĩ có phương hướng hay không có phương hướng. Một phương hướng, đúng đắn của Đảng người ta chỉ có thể làm những việc xa với cái lẽ phải thông thường. Tôi là một đảng viên đã được giao cho công tác ở văn nghệ trong nhiều năm. Tôi được Đảng tin cậy. Nhưng khi Đảng gặp khó khăn, cụ thể trong văn nghệ là khi bọn phản động Nhân văn lộng hành, đả kích vào lãnh đạo, xâm phạm đến chế độ, gây hoài nghi trong giới văn nghệ, làm rối loạn tình hình miền Bắc, trong khi ấy đáng lẽ tôi phải cùng với các đồng chí phụ trách, cùng tất cả các đồng chí và các bạn trung thành với Đảng, cố kết lại, đấu tranh với những kẻ phá hoại, lột cái bộ mặt xấu xa của họ ra, thì tôi đã bỏ chạy. Đáng lẽ tôi phải chịu trách nhiệm về những sai lầm mà tôi đã gây ra trong một thời gian dài tôi tham gia công việc lãnh đạo văn nghệ, thì tôi đã làm một việc chẳng đẹp đẽ gì là rũ trách nhiệm. Tôi đã mơn trớn một số phần tử Nhân văn để khỏi bị đả kích, để được yên cái cá nhân ích kỷ của mình. Khi ấy, luôn luôn tôi nói phải rộng rãi trong văn nghệ, luôn luôn tôi nói đoàn kết, nhưng là một thứ đoàn kết một chiều. Không những tôi không đấu tranh để làm sáng tỏ đường lối văn nghệ quang minh chính đại của Đảng, mà dưới chiêu bài chống công thức, chống hẹp hòi, tôi đã đồng loã với những quan niệm văn nghệ lỗi thời, thối nát của nhóm Nhân văn. Mất cảnh giác nghiêm trọng vì đã bị mua chuộc, bị lợi dụng, tôi đã chỉ coi việc họ làm là những việc thuần tuý văn nghệ, không thấy được rằng những kẻ đầy ác ý đó đang dùng văn nghệ làm một thứ chính trị đối lập với Đảng, chống lại chế độ. Tôi đã tạo nên một sơ hở để cho kẻ địch đả kích Đảng, tập trung mũi nhọn vào những đồng chí trung kiên, gây thêm hoang mang trong hàng ngũ văn nghệ. Tiến sâu một bước nữa vào con đường sai lầm, vì nhận thức không kịp với bước tiến lên của giai đoạn mới, tôi cũng phụ hoạ với những luận điệu phản tuyên truyền của địch, mà kêu la cải cách ruộng đất, phàn nàn mậu dịch, công kích nhiều anh em văn nghệ, xa lìa lãnh đạo, thiếu tin tưởng vào một số đồng chí lãnh tụ, động dao như một người lạc hậu, thái độ tư tưởng như một phần tử chống Đảng. Chính trong thời gian này, tôi đã viết bài bút ký “Một ngày chủ nhật” mà trước đây tôi đã không kiểm điểm, cho là một sáng tác không đáng kể. Có phải thế đâu. Vô luận một sáng tác nào của mình, dù là một bài viết nhỏ nhất, một nhà văn cũng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân. Trong bài ấy, tôi muốn nói lên những ý nghĩ và thái độ của tôi trước tình hình rối ren trong nước, trước những biến cố xảy ra ở Hung-ga-ri. Tôi muốn gây một niềm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào tiền đồ Tổ quốc Việt nam. Không những tôi không đạt được cái yêu cầu ấy, mà còn làm ngược lại. Tư tưởng của tôi khi ấy đã bị những tư tưởng thù địch lũng đoạn sâu sắc, đã có khuynh hướng bôi đen, hằn học làm sao mà có được một cái nhìn đúng đắn,mà phân biệt được hiện tượng và bản chất, còn nói gì đến việc có cái lạc quan cách mạng để truyền một niềm tin cho người đọc. Bây giờ nhìn lại, rõ ràng là tôi đã có những luận điệu đả kích như một kẻ trong nhóm Nhân văn. Nói về cải cách ruộng đất, tôi cũng kêu là chúng ta tiến nhanh quá nên mắc sai lầm. Tôi đã làm một việc không công cho địa chủ và trong giai đoạn mới của cách mạng ta bây giờ, có thể nói là tôi đã kêu hộ cho giai cấp tư sản, cho những phần tử phá hoại vin vào một số khuyết điểm sai lầm của ta mà phản lại đường lối tiến lên chủ nghĩa xã hội. Tôi không thấy rằng có sai thì có sửa, không thể vì một vài sai lầm trong công tác mà kéo lùi bước tiến của cách mạng, của nhân dân, mà thoả hiệp với địa chủ, với tư sản. Tôi đã nói đến nhân đạo, đến con người chung chung. Tôi đã dựng hình ảnh người cán bộ cải cách ruộng đất như những người không có nhân đạo, không có tình cảm, mất gốc và nặng về phá phách. Sự thật có phải như thế không, hay đây vẫn là những lời vu khống của những kẻ thù địch với chế độ bôi nhọ người cộng sản là những người không tim, không óc! Tôi đã đứng trên lập trường không phải của một đảng viên để mà nhìn nhận vấn đề. Người cán bộ cải cách ruộng đất, cũng như tất cả những người cán bộ trên mọi ngành hoạt động cách mạng khác, có thể mắc sai lầm, nhưng ai không ai có thể phủ nhận một sự thật: đấy là những người đấu tranh cho lý tưởng nhân đạo chủ nghĩa cao quí nhất là xoá bỏ cái nhục nhã của mọi sự người bóc lột người. Không xuất phát từ cái nhìn căn bản ấy, tôi đã bất công với những đồng chí đang lao mình vào công tác để phục vụ nhân dân, và trong tình thế khó khăn, quần chúng còn xôn xao, kẻ thù xuyên tạc, chia rẽ cán bộ với nhân dân, họ đang cần được bảo vệ hơn lúc nào hết. Núp dưới những danh từ nhân đạo, tôn trọng con người, tôi đã muốn xoá nhoà đấu tranh giai cấp, trong khi đế quốc Mỹ đang cướp nửa phần đất nước của chúng ta, bọn tay sai của chúng đang âm mưu phá hoại miền Bắc, những phần tử xấu của giai cấp tư sản đang lũng đoạn nền kinh tế xã hội chủ nghĩa của chúng ta, làm cho nhân dân thêm cùng cực. Chúng không mong gì hơn một thứ nhân đạo ru ngủ nhân dân để cho chúng làm cái việc vô nhân đạo nhất là thống trị, đàn áp, bóc lột. Thủ tiêu đấu tranh giai cấp, bất cứ vì một lý do gì, chỉ là luận điệu của những kẻ cơ hội, đầu hàng. Nguy hiểm hơn nữa, trong bài bút ký của tôi, là trong khi Đảng và toàn dân đang tiến hành sửa sai, trong khi ở miền Bắc nhân dân ta đang ra sức lao động để hàn gắn những vết thương chiến tranh do thực dân Pháp gây ra, và trong thực tế, ở nông thôn cũng như ở thành thị, đã bắt đầu hưởng một cuộc đời xứng đáng với phẩm giá con người, thì tôi dựng lên cả một cảnh tượng bi đát, xám xịt, đầy những sai lầm, buồn như không còn lối thoát. Tôi chỉ thấy Hà nội chưa được đẹp ở vài điểm áo quần, trang trí bề ngoài, mà không thấy những thay đổi lớn của thủ đô không còn những ổ chuột, những lưu manh, gái đĩ, ăn mày, không thấy những người dân Hà nội đang đem sức lao động và trí tuệ được giải phóng của mình ra để xây dựng cái thành phố mến yêu. Không phải ở Hà nội và nói chung ở miền Bắc, mọi việc đều đã như ý muốn. Cái khát vọng mỗi ngày một lớn, một đẹp của chúng ta không bao giờ cho phép chúng ta thoả mãn. Nhiệm vụ của mỗi một người là phải tham gia ý kiến xây dựng đất nước. Cái sai lầm của tôi là ở chỗ không đứng trên lập trường của Đảng, của nhân dân mà suy nghĩ, mà phát ngôn,mà nhìn việc, nhìn người. Tôi là một chủ nhân đất nước, bất cứ một việc gì xảy ra trên đất nước này đều có liên quan đến tôi và tôi không thể bàng quan, lãnh đạm, tự tách mình ra ngoài để rêu rao, trách móc. Là một người làm công tác tư tưởng, tôi phải gây một niềm tin sắt đá vào lãnh đạo, vào tiền đồ cách mạng, vào khả năng tất thắng của mỗi một người. Tôi không có quyền bi quan, chán nản, không có quyền reo rắc bi quan chán nản, cũng không có quyền để cho ngòi bút của mình gây tác hại nhất là để cho kẻ địch lấy cớ để quật lại cách mạng, đả kích chế độ của chúng ta.

Trong hai cuộc hội nghị văn nghệ vừa qua, Đảng đã chỉ cho tôi đâu là đúng, đâu là sai, đâu là tư tưởng của chủ nghĩa Mác Lê-nin, đâu là tư tưởng địch. Đảng là chân lý, ai không tin thì chỉ đi đến thất bại. Một điều rất rõ ràng và cũng rất dản dị. Thiếu tin tưởng vào Đảng, thì phẩm chất con người giảm sút, và sự giảm sút ấy không đảm bảo cho một sự thành công vô luận trong một công tác nào. Trái lại, nó dẫn đến con đường đen tối, nhục nhã như bọn cầm đầu nhóm Nhân văn đã đi vào. Đây là một bài học thấm thía nhất cho tôi từ khi vào Đảng, và từ khi cầm bút viết văn.

4-58


Kim Lân
Tôi đã viết “Ông lão hàng xóm” trong một tình trạng tư tưởng như thế nào?

Tôi viết “Ông lão hàng xóm” trong một tâm trạng thật hoang mang, bối rối.

Khi ấy Đảng vừa phát hiện ra những sai lầm trong cải cách ruộng đất, và bọn Nhân văn - Giai phẩm đang đả kích ráo riết vào đường lối lãnh đạo văn nghệ của Đảng. Trong trại sáng tác cải cách ruộng đất bấy giờ lúc nào cũng tối, lầm lên những thắc mắc.

Sau lớp học 18 ngày, trại sáng tác cải cách ruộng đất là nơi tập trung khá đông đủ phần tử trong Nhân văn - Giai phẩm. Mỗi lần về họp báo Nhân văn lên, họ lại mang theo những tin tức của đài địch về tình hình rối loạn ở Hung-ga-ri, Ba lan. Và những chuyện lượm lặt được ở các nơi về tình hình sai lầm trong cải cách ruộng đất. Những buổi trao đổi sáng tác trong trại thì biến thành những buổi thi nhau kể lại những chuyện sai lầm, khoét sâu vào phía đen tối, rồi từ những chuyện đen tối ấy họ đặt ra trước anh em những vấn đề, tự do sáng tác, tô hồng, bôi đen, trách nhiệm của nhà văn, v.v… Những danh từ phỉnh nịnh, khích động mọi người và reo rắc sự hoang mang, nghi ngờ. Đả kích vào đường lối văn nghệ của Đảng. Đả kích khẩu hiệu phục vụ kịp thời. Phủ nhận thành tích văn nghệ do Đảng lãnh đạo trong kháng chiến. Nó giống hệt luận điệu của bọn Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi tung ra lớp học 18 ngày.

Trước tình hình ấy tôi hết sức hoang mang lúng túng.

Ngày ấy, tôi chưa thấy được hết cái ý thức chống đối lại cách mạng, chống lại Đảng của bọn họ. Tôi cho họ chỉ vì thắc mắc về tình hình lúc bấy giờ, ăn nói còn vô trách nhiệm, thái độ không đứng đắn. Vì vậy một mặt tôi rất khó chịu về những thái độ hục hặc du côn của họ, (doạ đánh người này doạ đánh người kia). Tôi cũng thấy trong bọn họ, có những kẻ bất tài, kèn cựa, họ cứ phải kêu la điên cuồng lên như vậy. Cứ phải làm như chỉ vì lãnh đạo hẹp hòi, họ bị chèn ép mà không phát triển được tài năng, để che lấp cái trống rỗng trong đời sống, cũng như trong tâm hồn họ. Có khi họ kêu la chỉ vì đã không được in một cuốn sách, không được đăng một bài báo. Vốn sống nghèo nàn, hì hục viết mãi không ra, họ kêu la lên như vậy để được thấy mình còn là văn nghệ sĩ.

Nhưng mặt khác có nhiều điểm tôi lại đồng tình với họ. Tôi cũng thấy lãnh đạo giáo điều hẹp hòi. Thiên về mặt ca ngợi, minh hoạ chính sách. Lúc ấy tôi nghĩ: nếu nhà văn được “tự do sáng tác”, “tự do phát hiện vấn đề” thì cải cách ruộng đất không đến nỗi kéo dài sự sai lầm đến như thế. Tôi cũng đã bắt đầu tự huyễn hoặc, phỉnh nịnh mình bằng những danh từ loè loẹt của họ. Nào là trách nhiệm của nhà văn trước thời đại, nào là suy nghĩ, dũng cảm, phát hiện vấn đề v.v…

Tôi đã đi nhiều đợt giảm tô, cải cách ruộng đất. Tôi nghĩ lại những việc tôi đã làm, những truyện tôi đã viết. Tôi nghĩ lại những điều tôi và chung quanh tôi đã nhiệt tình ca ngợi. Những cái ấy đã sai cả rồi, đảo lộn hết cả rồi.

Từ trước tôi vẫn nghĩ vì sai lầm trong cải cách ruộng đất mà tôi bất mãn, a dua với bọn Nhân văn - Giai phẩm đả kích lại lãnh đạo, đả kích vào Đảng. Nhưng nay kiểm điểm lại tôi thấy không phải chỉ có thế. Thực chất tư tưởng của tôi lúc ấy là sự bấp bênh, dao động [2] , tiểu tư sản. Cơ hội tránh né, lập lờ hai mặt. Sợ họ đả kích vào mình. Rồi từ tránh né đi đến chỗ phụ hoạ, đầu hàng.

Lòng tin cứ thế mỗi ngày một giảm sút. Tôi nhìn ra xung quanh cũng thấy bực tức, tối đen, nặng chĩu trên tâm tư mình.

Tôi viết “Ông lão hàng xóm” trong cái tình trạng u ám, lẫn lộn của tư tưởng ấy.

Tôi viết “Ông lão hàng xóm” tôi cũng có những ý muốn tốt. Tôi thấy từng bài, từng truyện của bọn Nhân văn - Giai phẩm đều mang những ác ý, xuyên tạc, lập lờ bóng gió, reo rắc sự hoài nghi, đả kích vào Đảng. Ngày ấy tuy chưa nhìn thấy hết âm mưu hiểm độc của bọn chúng, nhưng tôi cũng không tán thành lối viết ấy.

Viết “Ông lão hàng xóm”, tôi nghĩ tôi sẽ phản ánh trung thực mọi sự việc. Tôi muốn rằng đọc tôi, quần chúng sẽ thấy được những sai lầm trong cải cách ruộng đất mà vẫn không hoang mang nghi ngờ. Truyện tôi nêu lên một người đảng viên lấy tinh thần Đảng đấu tranh với mình, với những sai lầm, giữ vững lòng tin trong những ngày tối tăm, gian khổ nhất.

Nhưng sự thật đã ngược hẳn với những điều tôi muốn. Thông qua cái nhìn lệch lạc, đen tối, nghi ngờ của tôi, đọc truyện Ông lão hàng xóm người ta chỉ thấy cải cách ruộng đất là một mảng đen tối, làm nên những sự bất công, oan trái, chà đạp lên nhân phẩm và hạnh phúc của những con người cần cù làm ăn lương thiện. Những con người có công lao với cách mạng, với kháng chiến.

Mỗi ý, mỗi cảnh, mỗi một con người tôi dựng lên trong truyện đều chứa đựng một sự hằn học, khoét sâu vào những khía cạnh bi đát, tôi đen mà đả kích sâu cay vào cải cách ruộng đất.

Anh cán bộ thì là một hình ảnh hung tợn, quan liêu, hống hách. Cái mặt vuông bạnh ra, hai con mắt đỏ doi dói như mắt cá chày. Lúc nào cũng hầm hầm giận dữ, lúc nào cũng nghi ngờ. Anh cán bộ đứng giữa đình làng, giơ một cánh tay lên thì cả dân làng khiếp nhược.

Chị cán bộ là một cốt cán mới được đề bạt, béo tròn như cái hạt mít, ngày nào cũng lôi cái xe đạp trưng mua ra tập. Hai cái mông cứ soắn lấy cái yên xe, lố lăng hãnh diện. Anh cốt cán lại là nguỵ binh, mũ vải rộng vành bẻ ngược một bên. Mỗi lần toét miệng cười, trong cặp môi thâm mỏng lại lấp lãnh mấy cái răng vàng. Xun xoe [3] , nịnh nọt.

Đó là hình ảnh người cán bộ và cốt cán. Hình ảnh những con người đem đường lối của Đảng thực hiện trong quần chúng. Thật là tôi đã bôi đen, vu khống cho người cán bộ, và cốt cán trong cải cách ruộng đất.

Còn những người bị oan thì tôi đi sâu vào những tâm trạng bi đát, chán chường. Cái tâm trạng của tôi lúc ấy đã toát ra trên mọi cạnh khía của nhân vật. Một ông bố già suốt ngày cặm cụi đan lát,vun sới không còn thể làm gì được nữa. Ông lão ôm đứa cháu đích tôn ngồi len lét trong một xó nhà tối. Ông lão cười với nó, khóc với nó, thủ thỉ chuyện chò gì gì với nó cũng ở đấy. Một người vợ gầy, gan góc lạnh lùng. Suốt chín mười năm giời kháng chiến, chồng đi bộ đội vắng, một mình chị lặn lội đầu hôm sớm mai nuôi bố chồng, nuôi con, chưa bao giờ chị thấy khó khăn như bây giờ… Bây giờ chị lại thắt lưng buộc bụng, nhịn nhục nuôi chồng, nuôi con trong những ngày bị oan.

Và, một ông lão hàng xóm. Nhân vật mà tôi lấy tên cho cái truyện. Nhân vật tôi muốn nêu lên đó là điển hình quần chúng tốt, đã đào hầm nuôi cán bộ hồi giặc đóng. Trong sai lầm vẫn một lòng tin yêu, bảo vệ những người cán bộ tốt của Đảng. Những cái người quần chúng tốt của Đảng tôi nêu lên ấy là những người như thế nào? Đó là một ông kép tuồng về già, đã cạn hết lòng tin. Ông lão sống một thân một mình trong cái nhà thờ họ đổ nát với một con mèo. Đêm đến ông lão uống rượu, hát tuồng và nói chuyện với con mèo. “Mèo ơi i i! Ở đây chỉ còn một mình tao mới lị mày thôi. Mày mà cũng làm phản nốt nữa thì tao còn biết ở mấy ai ì i… ”

Trước đây đã có nhiều ý kiến phê bình trên các báo, trong các buổi tranh luận ở câu lạc bộ HHội nhà văn. Có những ý kiến cho tôi là bôi đen, không nắm được thực tế, xuyên tạc sự thật, đả kích vào cải cách ruộng đất v.v… Ngày ấy tôi không tiếp thu nổi, nhiều ý kiến tôi phản ứng ngầm. Ngày ấy tôi vẫn còn mơ hồ cho truyện của tôi là tốt. Tôi có nắm được thực tế, tôi có về nông thôn nhiều lần trước khi viết. Những chuyện tôi viết ra đều có thật sao lại bảo là tôi xuyên tạc bôi đen? Tôi cho chẳng qua là các bạn ấy giáo điều máy móc, sợ anh em động chạm đến những vấn đề sai lầm cứ phải giơ cái khuôn cứng của một số lý luận bắt sự sống phức tạp phải chui cả vào trong ấy.

Nhưng qua lớp học tập mới rồi, trong bầu không khí đấu tranh vạch mặt bọn phản cách mạng và những phần tử chống Đảng trong Nhân văn - Giai phẩm. Được nghe Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần báo cáo những âm mưu, hành động chống đối của họ trong những năm gần đây. Và qua đó, tôi mới nhìn rõ được tôi hơn. Tôi đã ăn phải cái bả chống đối Nhân văn. Tôi đã thắc mắc với lãnh đạo. Tôi cũng đòi “tự do sáng tác” theo kiểu Nhân văn. Tôi cũng nhìn chế độ ta bằng con mắt đen tối, nghi ngờ.

Đối với cải cách ruộng đất, tôi chỉ nhìn thấy phần sai lầm. Cán bộ trong con mắt tôi lúc ấy chỉ là những người quan liêu hống hách đàn áp quần chúng. Cốt cán thì tham lam, tố điêu. Người có công thì oan uổng.

Sự thật trong cải cách ruộng đất cũng có ít nhiều những sai lầm như vậy. Nhưng sự thật cải cách ruộng đất không phải chỉ có sai lầm. Sự thật cải cách không bất công, tàn phá lòng tin và hạnh phúc của con người như tôi đã xuyên tạc. Sự thật cải cách ruộng đất là một sự thắng lợi to lớn của cách mạng. Cải cách ruộng đất đánh đổ bọn địa chủ ngồi không ăn bám, đem lại ruộng đất, đem lại hạnh phúc và quyền lợi sống cho hàng triệu nông dân. Cái ý nghĩa nhân đạo, cái thắng lợi to lớn ấy tôi không nhìn thấy.

Sự thật trong cải cách ruộng đất cũng có cán bộ quan liêu hống hách. Có những cốt cán tự tư tự lợi. Nhưng sự thật trong cải cách ruộng đất số cán bộ ấy rất ít. Họ sai lầm không phải chỉ vì động cơ muốn có thành tích, được đề bạt. Họ không phải là những người hống hách, làm khiếp nhược cả một dân làng.

Tôi là người đã được đi nhiều đợt giảm tô, cải cách ruộng đất. Tôi đã sống nhiều với những đồng chí cán bộ ấy. Tôi chưa từng thấy một người cán bộ nào có ác ý muốn làm hại nhân dân, làm hại cách mạng. Phần đông họ là những người cán bộ cần cù, tận tuỵ, một lòng phục vụ cho nông dân. Có thể nói, trong một đợt công tác ba bốn tháng giời, họ không có được một giấc ngủ ngon.

Tôi cũng đã từng sống ngày đêm bên những anh chị em cốt cán. Tôi đã được nghe những anh chị em ấy kể lại cuộc đời lầm than, cay cực của mình. Tôi đã cùng những anh chị em ấy đi từng bước trong công tác, được thấy anh em giải quyết các vấn đề ở nông thôn một cách sáng suốt thiết thực. Tôi đã thấy những chị ẵm con đi cắm cái thẻ nhận được ruộng chia, sung sướng đến rơi nước mắt. Những bà mẹ lọng khọng dắt trâu về. Những đám dọn nhà mới tưng bừng phấn khởi. Những con người lao khổ, cần cù chất phác ấy không phải chỉ là người tố điêu, muốn làm hại bà con xóm giềng của mình.

Những hình ảnh tươi thắm ấy, khi viết “Ông lão hàng xóm” tôi đều không thấy. Hoặc có thấy nhưng tình cảm của tôi đối với những hình ảnh ấy đã trở nên xa lạ nhạt nhẽo lắm rồi.

Tôi chỉ còn thấy ở cải cách ruộng đất những phần sai lầm, đen tối. Và chỉ những phần sai lầm, đen tối, mới rung động tôi một cách sâu sắc. Tôi đã say sưa đi vào những phía cạnh ấy mà viết “Ông lão hàng xóm”. Do đấy tôi đã phản ánh sai lệch sự thật. Xuyên tạc, bôi đen cải cách ruộng đất. Trong tình hình Đảng vừa mới phát hiện sai lầm, công tác sửa sai ở nông thôn còn nhiều khó khăn. Truyện “Ông lão hàng xóm” của tôi chỉ có tác dụng khoét sâu thêm những phần chua xót, oán trách trong quần chúng. Khích động lòng căm phẫn đối với cán bộ, cốt cán, hoài nghi chính sách của Đảng và Chính phủ, gây tác hại thêm cho tình hình chung lúc bấy giờ.

Viết “Ông lão hàng xóm” tôi còn có khuynh hướng chỉ viết những cái gì sẵn có. Cái sai, cái xấu, cái chua xót oán hờn chính là cái vốn có trong người nên tôi đã cảm thông mau lẹ và sâu sắc. Những nhân vật trong truyện “Ông lão hàng xóm”, tôi vẫn nghĩ nó có phần sắc sảo, sinh động. Đến bây giờ tôi vẫn nghĩ như thế. Nhưng tôi còn thấy thêm, sở dĩ nó sắc sảo, sinh động chính vì nó đã đi về cái phía đen tối, chua xót, buồn nản. Đi về cái phía của những tình cảm cũ mà tôi sẵn có.

Còn cái mới! Cái vui tươi, phấn khởi, ở những con người đang tích cực lao động, sản xuất trong các công trường, xí nghiệp, trong các hàng xóm, các tổ đổi công, v.v… hàng ngày đấu tranh với những cái cũ để cái mới của xã hội chủ nghĩa được vươn lên. Những cái ấy thì tôi rất nghèo nàn, mờ mịt, viết ra rất khó khăn. Có thể nói là không viết nổi.

Muốn biểu hiện những cái mới của con người thời đại ấy bắt buộc tôi phải học tập chính sách, phải có một tư tưởng đúng, lập trường vững, phải đi sâu vào đời sống thực tế của công nông binh. Đó là một quá trình cải tạo lâu dài và gian khổ. Điều đó, từ hoà bình lập lại tôi rất ngại. Miệng nói chống công thức, chống sơ lược nhưng lại ngại khó, có thêm hướng quay lại với cái vốn sẵn có của mình. Như thế là tôi đã lẩn tránh đi vào thực tế, lẩn tránh biểu hiện con người mới, lẩn tránh đi vào đường lối văn học của Đảng. Truyện Ông lão hàng xóm của tôi chính vì như vậy mà đã rơi vào chủ nghĩa xét lại một cách tinh vi.

Lớp học vừa rồi Đảng đã mở mắt cho tôi. Vạch ra cho tôi thấy đâu là tư tưởng đúng của Đảng đâu là tư tưởng thù địch. Bước đầu nâng cao ý thức giai cấp, ý thức cách mạng và tinh thần cảnh giác bấy lâu đã tê liệt trong tôi. Kéo tôi ra khỏi nanh vuốt của tư tưởng thù địch, phản cách mạng của bọn Nhân văn - Giai phẩm.

Tôi biết rằng trong quá trình đấu tranh giai cấp, tiến lên xã hội chủ nghĩa, tôi còn phải tiếp tục đấu tranh với những tư tưởng thù địch còn ẩn nấp ở trong tôi. Phải đi theo con đường của Đảng, học tập chính sách, đi sâu vào thực tế, lấy cái học thực tế phấn khởi cách mạng của quần chúng mà rèn rũa, cải tạo.



Đoàn Giỏi
Một cách nhìn và phản ánh thực tế đen tối

Tác phẩm là cái mức để đo lường lập trường tư tưởng, tình cảm giai cấp và quan điểm nghệ thuật của một người công tác văn học, hay nói một cách cụ thể hơn: sự phản ánh thực tế có tính chất đúng đắn và sâu sắc hay không, qua tác phẩm ta có thể thấy được rõ ràng tư tưởng, trình độ giác ngộ chính trị của con người tác giả. Văn tức là người. Bây giờ, tôi mới nhận thức điều đó một cách thấm thía, qua bài bút ký “Thao thức” của tôi.

Trong tâm trạng nào tôi đã viết ra bài bút ký ấy, và quan niệm về biểu hiện thực tế của tôi lúc bấy giờ ra sao? Qua một thời gian thử thách trong quần chúng độc giả, qua những cuộc tranh luận ở câu lạc bộ hội Nhà văn, nhất là sau hội nghị văn nghệ Đảng cuối tháng ba vừa rồi, tôi đã có một cơ sở mới tương đối có thể nhìn rõ được những tư tưởng sai lầm lệch lạc của tôi trong sáng tác ấy.

Nhân vật trong bút ký “Thao thức” không phải là những nhân vật điển hình của cán bộ và đồng bào miền Nam tập kết. Điển hình của những con người toàn diện với tính tích cực đấu tranh cách mạng, mà nó là cái phần chính yếu quan trọng chiếm ưu thế trong mỗi người cán bộ đã được Đảng rèn luyện trong mười năm kháng chiến, đồng thời cũng có những khía cạnh tiêu cực, lạc hậu của chế độ cũ còn rơi rớt, ẩn náu trong mỗi người chúng ta chưa gột sạch hết. Tôi đã nhìn con người ở phía tiêu cực, bi quan, đen tối vẽ nên một bức tranh màu xám trong một tâm trạng hoài nghi chua xót, bằng một quan niệm nghệ thuật sai lầm.

Bấy giờ, tôi nghĩ rằng người nghệ sĩ nhìn cuộc sống không phải chỉ bằng một kết luận giản đơn. Tôi đã lập luận thế này: Nói nhân dân Việt nam là một dân tộc anh hùng thì rất đúng. Không có ai có thể phủ nhận được. Nhưng trong quá trình chiến đấu để đi tới chiến thắng Điện biên, đi đến thắng lợi của hiệp định Genève, những bước lên xuống, giằng co trong từng con người của xã hội Việt Nam, của từng giai đoạn đấu tranh cách mạng không phải giản đơn. Và từ đây trên bước đường đấu tranh đi tới thống nhất nước nhà cũng còn nhiều vướng mắc, khó khăn. Người nghệ sĩ nhìn con người trong quá trình tiến lên, chứ không phải nhìn bằng kết quả hay con số thống kê, có thể nhìn một khía cạnh, một quãng nào đó mà phản ánh. Sự phát hiện một vấn đề trong xã hội cũng có thể giúp cho công tác kiểm điểm, sửa chữa một đôi chủ trương, chính sách nào đó, mà có khi tác giả không cần giải quyết, hay có thể giải quyết được phần nào thì giải quyết phần ấy, còn lại là công việc của người có trách nhiệm trực tiếp. Tôi cũng đồng tình cùng một số ý kiến nhận rằng: có những vấn đề trong thực tế mà bây giờ người viết chưa biết thế nào kết luận được; hẵng ghi chép lại đấy thôi.(!)

Xuất phát từ một lập trường dao động, hoài nghi sự lãnh đạo của Đảng, và một quan niệm nghệ thuật sai lầm vô trách nhiệm, tôi đi tìm cái hướng xây dựng nhân vật ở khía cạnh u uất, đen tối mà tôi cho là nó đang chế ngự tâm hồn trí não của những người cán bộ miền Nam tập kết, là viết như vậy “dễ tươi” hơn những cái phấn khởi chung chung rất “dễ khô” dễ rơi vào những nếp công thức mà mọi người đang cố gắng vượt ra.

Một chị Tám Thình bi quan, tiêu cực đi xem thầy bói: “Nói chú có phê tôi thì phê, chứ tôi gần hết tin cái chính trị của mình rồi. Cũng biết coi thầy bói, xin xâm là chuyện dị đoan, nhưng nó có an ủi được mình. Bây giờ, chú biểu tôi có thể làm gì khác hơn” Và khi Hoài - một nhân vật khác – đem những lý lẽ ra giải thích, động viên chị thì, câu cắt ngang của chị nói rõ thái độ chị quả quyết hơn: “Thôi đi chú! Chính trị tôi nghe hoài, nhàm rồi. Mình nên nói chuyện tình cảm đi. Tôi tin chú, tôi mới tâm sự với chú đó chứ!” Một anh Năm Tấn công thần, bất mãn đến cao độ, tự cho mình một cái quyền đả kích bất cứ cán bộ cấp nào. Và thốt ra những lời oán than, chua chát: “Công lao như thằng Mẫn mà ”mình” còn bỏ nó. Bởi vậy, tôi có thèm báo công đâu, già Hoài. Với lại mình nghèo, quần áo không có, “rủi” có được huân chương thì quần áo đâu mà bận cho tươm tất để đeo huân chương… ” Một Bẩy Ninh thắc mắc về vấn đề vợ con: “Tới không thể tới, mà lui cũng không thể lui. Rước vợ ra à? Hay cưới vợ mới? Có thể ở vậy chịu hoài không? Tất cả đều nan giải… Năm nay mình cũng bộn tuổi rồi, ngày một già. Cuộc đời thiên hạ có thể tiến lên, có thể sống. Mình thì khựng lại, cằn đi, chờ lùi vào cõi chết!” Một số hình ảnh nhân vật phụ hiện ra, biến đi rất nhanh để nói thêm cho đầy đủ mọi khía cạnh bực dọc; thắc mắc; như những bóng ma vây quanh chân giường người ốm nặng. Và bao trùm lên tất cả không khí câu chuyện, là Hoài. “Lúc thì lao vào công tác say sưa, làm việc bất kể ngày đêm. Khi thì nói chuyện bất mãn Đảng, bất mãn Chính phủ, tấn công bất cứ ai hé ra một lời bóng gió gần xa lại hay chỉnh những người tư tưởng hoang mang giao động. Có khi trong giờ làm việc, lấy xe đạp dạo phố chơi, lên tận Hồ tây ngồi một mình lặng lẽ như một gốc cây. ” Tâm trạng vui buồn biến diễn theo từng tin tức xảy ra ở miền Nam theo từng chủ trương chính trị của ta từng lúc, và càng ngày như người bị lún sâu xuống một bãi lầy. “Chỉ trừ những lúc anh bình tâm nhất thì anh mới tuyệt đối tin tưởng nơi lời Đảng và chủ trương của Chính phủ. Như vậy anh cũng nhận rằng lý và tình chưa thống nhất. Lý trí anh nhận là đúng, nhưng tình cảm anh vẫn chưa thông. Giằng co ấy đã gậm nhấm tâm hồn anh như tiếng mọt nghiến gỗ đêm dài” Ẩn náu trong câu chuyện một tiếng thở dài, một ý phiền trách đồng bào và cán bộ miền Bắc đã được độc lập tự do rồi, lơ là với cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà: “Thành phố giờ này đã yên trong giấc ngủ. Chỉ có những kẻ mang cái tâm sự xa nhà mới còn thao thức, tìm trong dĩ vãng đôi chút hình bóng xa xôi làm an ủi.”… “Vết thương cắt nửa thân mình, ngày đêm nhức nhối cơ thể cả hai miền nhưng nghĩ cho cùng thì cũng vẫn là muối xát lòng ai, nấy xót”.

Đó là những nét chính về tư tưởng của các nhân vật mà tôi đã tô lên rất đậm bằng tất cả sự xúc động (!) của mình. Về mặt tích cực của câu chuyện, tôi cũng có cố gắng nêu lên một số sự kiện và ý nghĩ để giải quyết những phần nào mà tôi cho là tôi có thể giải quyết được. Quang cảnh một buổi sáng chủ nhật ở bờ sông Hồng đề cao tinh thần lao động cần cù của đồng bào miền Bắc nỗ lực vượt khó khăn, giải thích tại sao ta chủ trương tập kết ra miền Bắc, tiếng đàn Văn Thiên Tường trong thâm khuya nhắc tích vợ Bá Lý hề để giáo dục lòng chung thuỷ; chống lối phát ngôn vô trách nhiệm bừa bãi ở những nơi công cộng, hàng quán, sự tiến bộ của sư đoàn X. trên đường tiến lên hiện đại chính quy, và cuối cùng củng cố lòng tin cho tất cả những nhân vật bi quan chán nản ấy bằng câu chuyện vượt gian khổ của Đường Tam Tạng sang Tây trúc thỉnh kinh.

Kết quả của một quan niệm nghệ thuật của một sự khai thác loại đề tài mà tôi cho là “dễ tươi ” ấy đã đến với tôi như thế nào? Mấy bài phê bình trên báo Cứu quốc Tạp chí Văn nghệ tuy cũng có làm cho tôi giật mình nao núng. Nhưng tôi chưa chịu, bởi chung quanh hãy còn có các cuộc tranh luận “chưa biết ra ngô ra khoai” thế nào. Thêm những lời khuyến khích của các phần tử xấu và một vài người bất mãn về tiền đồ, về đãi ngộ ra sức tán dương. Tôi yên chí là tôi có phần nào làm tròn trách nhiệm của người cầm bút, dám nói một sự thật phát hiện một thực tế của tình hình tư tưởng đang có trong cán bộ hiện nay và đối với bản thân, những lo âu vướng mắc cũng đã cất ra được rồi. Một hôm chị H. ở cơ quan phụ nữ trung ương nói với tôi: “Bài anh viết đúng lắm. Chị X. miền Nam ở cơ quan tôi thức đọc đi đọc lại đến hai, ba giờ khuya.” Một lát sau chị H. nói tiếp: “Nhưng mà chị ấy khóc ghê lắm. Và sau đó mấy hôm cứ buồn rũ ra”. Trời đang độ nóng giữa hè, tôi bỗng thấy chân tay mình gần như lạnh giá.

Một thời gian khá lâu tôi chỉ công tác quanh quẩn ở những cơ quan trong thủ đô. Sự lười biếng học tập chính trị, khiến cho tư tưởng tiểu tư sản cũ trong tôi trở lại, tự do buông thả mông lung. Trong hoàn cảnh kháng chiến, cái cá nhân tôi không có điều kiện phát triển sự đấu tranh nội bộ chặt chẽ vì hoàn cảnh chiến đấu hừng hực xung quanh đã kìm hãm những đòi hỏi về vật chất và dục vọng cá nhân trước kia xuống được. Hoà bình lập lại, đời sống xa hoa của những thành phố tạm chiếm vừa tiếp quản đã bắt đầu lôi cuối tôi khá mạnh. Cái cũ trong người choàng dậy. Yêu cầu vật chất đã làm cho tôi nhìn sự đãi ngộ hết sức cố gắng của nhà nước bằng đôi mắt bi quan. Sau đại hội 20, phát hiện một số vấn đề sai lầm của đồng chí Staline, không thấy đó là một sức mạnh thắng lợi của Đảng, tôi đâm ra hoài nghi sự lãnh đạo của Đảng. Sự biến Ba lan, Hung-ga-ri càng làm tôi thêm dao động, thêm vào đó những sai lầm về cải cách ruộng đất về một số chính sách thuế khoá, quản lý hộ khẩu, v.v… khiến cho tôi nhìn cái gì cũng thấy ra có lệch lạc. Tinh thần tích cực cách mạng và phẩm chất của người đảng viên bị sa sút trầm trọng. Thế giới nhân vật đang tìm tòi của tôi và đã thể hiện trong bài bút ký “Thao thức” không phải là những con người mới. Không phải là giai cấp công nông binh đang ngày đêm nỗ lực khắc phục khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, đưa miền Bắc tiến lên xã hội chủ nghĩa làm cơ sở cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Mà là những con người lung lay, dao động trước những khó khăn của cách mạng, có thái độ bàng quan trước thời cuộc và tự cho mình cái quyền đả kích phê phán vô trách nhiệm, lấy sự bằng lòng hay không bằng lòng của mình về một vấn đề này hay một vấn đề khác làm cơ sở phê phán xã hội.

Thêm vào đó, sự xa rời thực tế cũng là một nguyên nhân gây tác hại cho sáng tác của tôi. Đôi khi tôi cũng có đi ra, tiếp xúc với bên ngoài. Cuộc sống ồn ào linh động của cái thực tế to lớn đang tiến lên xây dựng xã hội chủ nghĩa của miền Bắc chúng ta cũng có đôi lúc hiện ra mênh mông đồ sộ trước mắt tôi, nhưng chỉ trong khoảnh khắc tất cả những hình ảnh choáng ngợp ấy tan biến sau lớp bụi đường trường. Quanh quẩn trong gian phòng chật chội, dăm ba chỗ đi lại giữa bạn hữu thân tình (cùng có quan niệm về cuộc sống như nhau) mấy phòng trà mấy hiệu cà phê, hàng ngày diễn đi diễn lại chung quanh từng ấy tiếng cười giọng nói và cái thang gác cố định cứ mòn dần mãi dưới đôi chân dép cao su. Từng bóng dáng con người sinh động, và hình khối và màu sắc âm thanh tôi đã có dịp thu lượm ngày lại ngày cứ nhạt dần như một thứ hư hình ảo ảnh, phảng phất mơ hồ ngoài khung cửa kính. Tôi tự mình cũng cảm thấy tầm mắt của mình cứ bị thu hẹp dần. Đôi khi cần lọc lại những nét sống tưng bừng, rộn rịp ấy thì nó chỉ còn là một thứ kính ảnh rửa non càng đưa trông lên nơi sáng sủa nó lại càng mờ.

Hoàn cảnh sống mới trong hoà bình đã làm giảm sút rất nhanh trong tôi những đức tính của một cán bộ mà Đảng đã mất nhiều công giáo dục uốn nắn. Đứng trước sự chuyển biến lớn từ cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhân dân miền Bắc đang tận tâm tận lực làm cải cách ruộng đất xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa, tiến hành cách mạng văn hoá - nhận thức của tôi về tất cả những vấn đề đó hãy còn nhiều chỗ mơ hồ, lệch lạc. Làm sao tôi thấy được tính chất to lớn và tốt đẹp ấy một cách đầy đủ, trong khi tư tưởng đang bắt đầu đi vào thiên hướng không lành mạnh, thậm chí còn có khi đứng trên quan điểm của giai cấp thù địch mà nhìn vấn đề mà phanh phui moi móc những khuyết điểm, sai lầm nhỏ trong nội bội chúng ta. Tôi tự mình cứ tách dần ra ngoài cuộc sống tiến bộ.

Trong sáng tác, tôi nghiêng về phía xây dựng những con người miền Nam - cụ thể là Nam bộ - những đề tài có tính cách địa phương, trong kháng chiến và hiện nay. Với những con người quen thuộc, tình cảm quen thuộc, mà tôi tin rằng mình có thể thông tường chắc chắn, thì viết “chắc ăn” hơn. Khốn thay, những con người mà tôi tưởng rất gần gũi ấy lại rất cách xa. Trên thao trường họ đang tích cực học tập, rèn luyện tiến lên hiện đại chính qui, họ đang cầm chắc tay súng bảo vệ bờ biển, canh phòng biên giới; họ đang đục núi xây đường; họ đang lái những con tàu trọng tại 9.000 tấn vượt sương mù và đá ngầm tiến vào hải cảng; họ đang ngày đêm cần cù lao động góp sức tim óc và chân tay với đồng bào miền Bắc trong các nhà máy, các nông trường, xí nghiệp; họ đang đi vào cuộc đấu tranh từng giờ từng phút gay gắt với giai cấp tư sản trong mặt trận kinh tế xã hội chủ nghĩa. Trên rừng, dưới biển, ngoài đồng ruộng, trong các tập đoàn sản xuất, các nông trang tập thể… họ đang nỗ lực góp phần xây dựng miền Bắc, phục vụ đấu tranh thống nhất nước nhà, họ đang trưởng thành trong giai đoạn mới này ra sao? Tôi đều không rõ, tôi biết thì cũng chỉ đại khái, lờ mờ. Tôi đã không thấy rằng họ đang càng ngày càng tiến bộ, phẩm chất tinh thần ưu tú và đặc tính tốt đẹp của đồng bào và cán bộ miền Nam qua thời gian tập kết hơn ba năm – đã góp sức vào sự nghiệp xây dựng miền Bắc, thành tích và kết quả không phải nhỏ, đều đang nâng dần lên trình độ rất cao.

Đọc xong “Thao thức” đồng bào miền Bắc sẽ hiểu không đúng, không tốt về những con người miền Nam đang có mặt ở đây. Và những con người miền Nam đang đem hết lòng và trí, và sức ra lao động kiến thiết miền Bắc, soi lại trong gương không phải bóng hình mặc dù nhiều lúc con người họ cũng từng có những giờ phút băn khoăn thắc mắc và thao thức riêng tây.

Tôi đã làm một anh phù thuỷ đem tàn hương nước lã và ê a giọng hát cúng ma rắp ranh chữa bệnh tư tưởng cho người khác, trong khi tôi đang mắc bệnh tư tưởng đen tối, bi quan, loạn lệch, mà không biết. Và quan niệm nghệ thuật sai lầm, trái với đường lối hiện thực đã mang lại kết quả xấu, tác hại, ảnh hưởng đến tinh thần người khác không phải nhỏ. Chẳng những không thể hiện được con người mới, tiến bộ của thời đại, mà còn cho các thứ tư tưởng tự do vô chính phủ thêm đồng minh, phát triển.

Càng đọc lại bút ký “Thao thức” tôi càng thấy giọng nói, tiếng cười của chị Tám Thình, anh Năm Tấn, Bảy Ninh, của Hoài, tất cả hiện lên mỗi lúc một buồn rầu, chán nản phiền muộn và héo hắt mãi thêm. Sức cố gắng đưa mặt tích cực của vấn đề lên để giải quyết yếu quá, không đủ vớt vát và hàn gắn lòng tin đã bị phá vỡ từng mảng lớn thăm thẳn trong lòng độc giả.

Bài bút ký “Thao thức” của tôi đã đặt cho tôi một vấn đề suy nghĩ lâu dài về thái độ sáng tác, và nó sẽ còn làm cho tôi thao thức nhiều để nghiền ngẫm cho sáng thêm thế nào là tư tưởng chính trị của người cán bộ công tác văn học của Đảng.



[1]Nguyên văn: vùi rập (talawas)
[2]Nguyên văn: giao động (talawas)
[3]Nguyên văn: sun soe (talawas)
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ, số 12, tháng 5 năm 1958 – Số đặc biệt thứ hai chống Nhân văn–Giai phẩm, trang 59-121. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.