trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
28.7.2005
Nhân văn
Chúng tôi phỏng vấn về vấn đề mở rộng tự do và dân chủ
Ý kiến của nhà sử học Đào Duy Anh
 
Nhân văn, tờ báo văn hoá, xã hội - cùng với tạp chí Giai phẩm làm nên cái tên của nhóm Nhân văn-Giai phẩm -, trụ sở tại 27 Hàng Khay, Hà Nội, do Phan Khôi làm Chủ nhiệm và Trần Duy làm Thư kí toà soạn, trong số ra mắt, số 1 ngày 20.9.1956, đã đăng ngay trên trang nhất bài „Chúng tôi phỏng vấn về vấn đề mở rộng tự do và dân chủ“. Người được phỏng vấn đầu tiên là luật sư Nguyễn Mạnh Tường. Loạt bài được dự định tiếp tục với bác sĩ Đặng Văn Ngữ, nhà sử học Đào Duy Anh, nhà văn Nguyễn Đình Thi v.v..., nhưng cho đến số cuối cùng được ra mắt là số 5, ngày 20.11.1956, Nhân văn chỉ có thể công bố bài phỏng vấn Đặng Văn Ngữ và Đào Duy Anh. Ngày 15.12.1956, Ủy ban hành chính Hà Nội ra thông báo đóng cửa báo Nhân văn. Số 6 không được in và phát hành. Chúng tôi xin giới thiệu loạt ba bài phỏng vấn này như những tư liệu văn học và lịch sử.
talawas
Câu hỏi:

  1. Theo ý ông, lúc này giới trí thức nói chung và giới văn nghệ nói riêng, cần phải làm những gì để góp phần thực hiện mở rộng tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do nghiên cứu và sáng tác?

  2. Theo ý ông và trên cơ sở nhu cầu phát triển của ngành ông thì chúng ta cần phải đem ra thảo luận rộng rãi những vấn đề gì?


Trả lời:

  1. Chế độ của chúng ta căn bản là tự do. Phàm những loại tự do dân chủ chúng ta đều có cả. Nhưng trong quá trình xây dựng chế độ, chúng ta đã gặp, chính trong nội bộ chúng ta, những cái hạn chế và ngăn trở tự do. Tên tuổi của những kẻ thù nội bộ của tự do ấy, người ta đều biết cả: tức là những tệ quan liêu, mệnh lệnh, độc đoán, bè phái còn ngự trị lén lút hay công nhiên ở địa vị điều khiển và lãnh đạo của nhiều cơ quan, những bệnh giáo điều chủ nghĩa, công thức chủ nghĩa, sùng bái cá nhân còn ngự trị trong công tác lãnh đạo văn nghệ và học thuật và còn nặng nề chính trong tư tưởng của nhiều người trong giới trí thức chúng ta. Để góp phần thực hiện những thứ tự do mà quý báo đề ra trong câu hỏi, giới trí thức là những người thiết tha nhất đối với các thứ tự do ấy chỉ có một cách là đấu tranh. Đấu tranh trong công tác chuyên môn, đấu tranh trong hoạt động xã hội. Đấu tranh bằng hoạt động phê bình, phản phê bình, tự phê bình. Chúng ta đấu tranh nội bộ để đánh lùi những lực lượng lạc hậu làm vướng bước tiến của chế độ chúng ta, cản trở sự phát triển của văn hoá chúng ta, để cho chế độ chúng ta càng ngày càng tốt, văn hoá chúng ta càng ngày càng cao. Trong cuộc đấu tranh gay go phức tạp nhưng chính nghĩa ấy, chúng ta chắc được Đảng lãnh đạo tán thành, chúng ta chắc được quần chúng ủng hộ.

    Nhưng chỉ nói đấu tranh chung chung như vậy thì không thiết thực. Không ai ngăn cấm anh tự do nghiên cứu, sáng tác, nhưng nếu anh không có phương tiện nghiên cứu sáng tác thì thực tế anh chẳng có quyền đâu. Không ai ngăn cấm anh tự do ngôn luận, nhưng nếu anh không có phương tiện để in sách báo thì thực tế anh cũng chẳng có quyền đâu. Hơn nữa, nếu anh có được những điều kiện đặc biệt may mắn mà in sách in báo được, nhưng nếu không có phương tiện phát hành thì anh cũng đừng nên mạnh nói tự do. Trong khi về thực tế phần nhiều những phương tiện xuất bản, phát hành, đến cả các phương tiện nghiên cứu và sáng tác đã tập trung ở các cơ quan chính quyền, thì vấn đề không phải là đấu tranh để đòi tự do gì gì, mà là đấu tranh để tranh thủ sự giúp đỡ thiết thực của Chính phủ tạo điều kiện cho sự thực hiện những tự do ấy, ví dụ giúp đỡ thiết thực cho tư nhân xuất bản dễ dàng, giúp đỡ việc phát hành, cho phương tiện thuận tiện để sáng tác và nghiên cứu, săn sóc sự xuất bản rộng rãi các tác phẩm văn nghệ và đặc biệt chú ý xuất bản những tác phẩm nghiên cứu khoa học. Ở trong chế độ ta, Chính phủ và nhân dân là nhất trí. Những yêu cầu trên là nghĩa vụ của Chính phủ phải thoả mãn để phát huy hết khả năng của nhân dân và của giới trí thức nói riêng.

  2. Chỗ tôi công tác là trường Đại học tổng hợp. Vậy tôi nói đến những vấn đề cần phải đề ra trong công tác xây dựng trường ấy. Theo nhiệm vụ của Chính phủ đặt cho thì trường Đại học phải là trung tâm văn hoá tiêu biểu của nước nhà. Nó chính phải đánh dấu trình độ phát triển của văn hoá, trình độ nghiên cứu của khoa học. Muốn gánh được nhiệm vụ ấy, trường Đại học phải là một trung tâm nghiên cứu khoa học cao độ. Sự xây dựng trường Đại học gặp rất nhiều khó khăn lớn, về trường sở, về cán bộ. Những khó khăn ấy nhất định phải khắc phục được nếu nguời ta có quyết tâm khắc phục. Cho nên, theo ý tôi, vấn đề đầu tiên phải đặt ra là làm thế nào cho các cơ quan có liên quan trách nhiệm thấy rằng xây dựng trường Đại học là một vấn đề quốc gia trọng đại, không tích cực góp phần vào xây dựng nó mà có khi còn trở ngại nó là có tội với nước, với dân. Vấn đề ý thức, vấn đề tư tưởng ấy mà giải quyết được thì mới khỏi gặp phải tình trạng như đối với cái quỹ tí hon 10 vạn đồng một tháng để xây dựng cái thư viện văn khoa cho trường Đại học, bộ Tài chính lại thỉnh thoảng xén xẻo đi một nửa lấy cớ là mua sách nhiều quá (trong khi để có kẻ tham ô lãng phí mỗi lần hàng mấy trăm triệu), hoặc tình trạng như sách Trung Quốc viện trợ cho nước ta rất nhiều, thế mà hơn nửa năm nay, bộ Giáo dục và nhiều người quan trọng can thiệp, bộ Văn hoá vẫn giữ cả chưa chuyển cho trường Đại học quyển nào, đến nỗi các giáo sư rất cần những sách ở đó để chuẩn bị khai giảng sắp tới mà sách vẫn nằm mốc trong kho của Thư viện Trung ương, không tài nào gỡ ra được.

    Một vấn đề quan trọng nữa phải đặt ra là đối với một trung tâm nghiên cứu khoa học là trường Đại học thì sự bố trí cán bộ nói chung và đặc biệt là cán bộ điều khiển và phụ trách, nên nặng về tiêu chuẩn chuyên môn hay nên nặng về tiêu chuẩn chính trị? Do vấn đề đó nẩy ra hai vấn đề phụ:

    Dù là một tổ chức nghiên cứu khoa học, tiêu chuẩn chính trị cũng cần phải có, vì chúng ta không quan niệm có nhà khoa học phi chính trị, có nhà chuyên môn siêu giai cấp. Nhưng nên yêu cầu tiêu chuẩn chính trị như thế nào? Có cần nhất thiết phải là đảng viên hay dự bị đảng viên thì mới dùng? Có cần phải là người ngoan ngoãn phục tùng, khôn khéo, mềm dẻo, ít đấu tranh, tức là ít làm phiền cho cấp trên thì mới dùng, mà người có tinh thần đấu tranh thì nhất thiết gạt đi? Hay là cần đặt tiêu chuẩn rộng rãi hơn như thế nào?

    Về tiêu chuẩn chuyên môn thì cấp trên nên bằng cứ vào đâu? Nếu bằng cứ vào thành tích nghiên cứu và công tác chuyên môn do quần chúng - quần chúng trực tiếp là học sinh và giáo sư, quần chúng gián tiếp là công chúng rộng rãi và giới khoa học quốc tế - nhận định, hay chỉ bằng vào sự xét đoán riêng, không khỏi có phần hẹp hòi chủ quan và cảm tình cá nhân, của người lãnh đạo?

    Cuối cùng tôi muốn nêu lên vấn đề học tập nước bạn. Trong công cuộc xây dựng ngành Đại học, chúng ta cần phải học tập, mà cần phải học tập rất nhiều các nước bạn, nhất là Liên Xô và Trung Quốc là những nước làm thầy chúng ta về nhiều mặt. Chúng ta cần phải thành khẩn học tập kinh nghiệm cũng như kiến thức của các chuyên gia nước bạn. Nhưng có nên lấy tinh thần tự ti dân tộc mà phủ nhận khả năng sáng tạo của chuyên gia Việt Nam không? Vấn đề này cũng cần phải thảo luận để nhằm thực hiện sự học tập một cách sáng tạo; không sa vào cái tệ học tập máy móc và giáo điều có thể gây nên tai hại.

    Những vấn đề trên đều có nội dung cụ thể của chúng nhưng đây không phải là chỗ thảo luận nên tôi không nêu ra. Đó chỉ là những khiá cạnh cụ thể của một vấn đề lớn là sự nhận định vai trò của giới trí thức chuyên môn và sự tín nhiệm họ trong công cuộc xây dựng nền Đại học nói riêng và sự nghiệp kiến thiết văn hoá và kinh tế nói chung.


Nguồn: Nhân văn số 2, ngày 30.9.1956, trang 1 + trang 2.