trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
Loạt bài: Tham nhÅ©ng
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21 
7.7.2005
Ed Harriman
Tiền ở Iraq đã đi đâu hết rồi?
Lê Quỳnh dịch
 
Vào ngày 12-4-2004, chính quyền lâm thời liên quân (CPA) ở thành phố Erbil miền bắc Iraq trao 1,5 tỉ đôla tiền mặt cho một hãng phát chuyển địa phương. Số tiền này, những đồng bạc 100 đôla xếp trong các ổ rơm và chất trong ba trực thăng Blackhawk, có được từ việc bán dầu theo chương trình Đổi dầu lấy Lương thực của Liên hiệp quốc, và được Hội đồng Bảo an giao cho người Mỹ sử dụng thay mặt người dân Iraq. Chính quyền lâm thời liên quân đã không kiểm tra kỹ hãng phát chuyển trước khi đưa tiền và kết quả là, theo một báo cáo kiểm toán của Tổng thanh tra của CPA, “có nguy cơ thất thoát hoặc đánh cắp tiền“. Paul Bremer, người đóng vai trò chấp chính tối cao ở Baghdad cho đến tháng Sáu năm ngoái, giữ một quỹ gần 600 triệu đôla tiền mặt mà không có giấy tờ: 200 triệu trong số này được giữ trong căn phòng ở một lâu đài cũ của Saddam Hussein, và người lính Mỹ phụ trách thường để chìa khoá căn phòng này trong balô của anh ta, và anh ta lại để balô trên bàn khi ra ngoài ăn trưa. Cũng giống như trên, tiền này là của người Iraq, không phải của Mỹ.

Việc “tái thiết” Iraq là chương trình chiếm đóng do Mỹ dẫn đầu lớn nhất kể từ Kế hoạch Marshall. Nhưng có một sự khác biệt: chính phủ Mỹ đã chi tiền cho Kế hoạch Marshall trong khi Donald Rumsfeld và Paul Bremer lại đảm bảo rằng việc tái thiết Iraq do chính đất nước vừa “được giải phóng”, do chính người Iraq chi trả. Có sáu tỉ đôla còn sót lại từ chương trình Đổi dầu lấy Lương thực của Liên hiệp quốc, cũng như các tài sản đóng băng và bị tịch thu tạm thời, và lợi nhuận từ việc tái xuất khẩu dầu (ít nhất 10 tỉ đôla trong một năm sau cuộc xâm chiếm). Theo Nghị quyết số 1483 của Hội đồng Bảo an, được thông qua ngày 22-5-2003, toàn bộ các quỹ này được chuyển vào một tài khoản mới đặt tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang ở New York, được goi là Quỹ Phát triển cho Iraq để CPA sử dụng “một cách minh bạch... vì lợi ích của người dân Iraq”. Quả đúng là Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu tán đồng việc dành 18,4 tỉ đôla tiền của người đóng thuế Mỹ cho việc tái phát triển Iraq. Nhưng cho đến ngày 28-6-2004, khi Bremer rời Baghdad sớm hai ngày để tránh khả năng tấn công trên đường ra phi trường, cơ quan CPA đã xài gần 20 tỉ đôla tiền của Iraq, và chỉ 300 triệu tiền của Mỹ.

Những “bất minh tài chính” được mô tả trong các báo cáo kiểm toán của các cơ quan chính phủ Mỹ và các nhà kiểm toán làm việc cho cộng đồng quốc tế cho ta cái nhìn chi tiết về tâm lý của nhà chức trách Mỹ và cách họ hoạt động, phát ra hàng đống đôla mà cả họ lẫn người nhận đều không thấy cần phải giải thích. Đến nay các nhà kiểm toán đã chuyển hơn 100 hợp đồng, dính líu hàng tỉ đôla trả cho các cá nhân và công ty Mỹ, sang cuộc điều tra và có thể tiến hành khởi tố. Họ cũng phát hiện rằng 8,8 tỉ đôla đi qua các bộ ngành chính phủ mới ở Baghdad khi Bremer còn đương quyền đã không thể giải thích, và không có mấy triển vọng tìm ra đường đi của chúng. Một khoản 3,4 tỉ đôla mà Quốc hội Mỹ dành cho phát triển Iraq thì sau đó được chuyển sang cho việc hỗ trợ tài chính cho “an ninh”.

Việc dẫu sao cũng có các báo cáo kiểm toàn phần lớn là nhờ nỗ lực của Henry Waxman, nghị sĩ Đảng Dân chủ và là thành viên thiểu số trong Uỷ ban Hạ viện về Cải tổ Chính quyền. Waxman đã bỏ phiếu ủng hộ tấn công Iraq. Nhưng kể từ sau cuộc chiến, ông đòi hỏi chính phủ Bush phải giải trình các chi phí. Trong sáu tháng sau cuộc xâm lấn, uỷ ban của Waxman có bằng chứng cho thấy tập đoàn Halliburton đặt ở Texas đã được nhà chức trách Mỹ ở Iraq chi trả theo giá cao gấp nhiều lần bình thường cho số xăng họ nhập vào Iraq từ Kuwait, tạo ra khoản lợi nhuận hơn 150 triệu đôla. Waxman và các trợ lý thấy rằng Halliburton ra giá 2,64 đôla cho một galông xăng cho dân thường Iraq, trong khi quân đội Mỹ nhập cùng một loại xăng chỉ với giá 1,57 đôla một galông.

Chủ tịch của công ty Halliburton, David Lesar, người tiếp quản chức vụ này từ Dick Cheney tháng Bảy 2000, mạnh mẽ bảo vệ cho công ty ông. Nhưng Waxman nêu một câu hỏi khác: nếu Halliburton được quyền chém đẹp dân Iraq, thì chính phủ Bush có cho phép công ty này vắt sữa luôn chính phủ Mỹ hay không? Uỷ ban của Waxman yêu cầu Văn phòng Trách nhiệm của Quốc hội xem xét hợp đồng lớn nhất của Halliburton ở Iraq: cung cấp gần như toàn bộ thiết bị hỗ trợ - từ bữa ăn đến xà phòng giặt giũ - cho quân đội Mỹ. Các hợp đồng được gọi là “Chương trình tăng cường hậu cần dân sự” này (LOGCAP) là sản phẩm của một cơ chế quân sự “thanh mảnh” hơn của Mỹ. Thay vì để người lính gọt khoai tây và lau nhà, thì nay các dịch vụ hỗ trợ được tư nhân hoá và giao cho công ty bên ngoài để người lính tập trung cho việc đánh trận. Các hợp đồng được trả tiền trên căn bản chi phí cộng thêm, tức là cho phép nhà thầu tính phí tổn và cộng thêm một khoản tiền lời. Các hợp đồng này đã không được đấu thầu mà lại thưởng cho một vài công ty Mỹ, mà lớn nhất là Halliburton và công ty con của nó, Kellog, Brown & Root (KBR).

Báo cáo của Văn phòng Trách nhiệm của Quốc hội tháng Bảy 2004 phát hiện rằng trong chín tháng chiếm đóng đầu tiên, KBR được thoải mái ở Iraq: ví dụ, thoải mái tính tiền Lầu Năm góc mà không phải lo về giới hạn chi tiêu, giám sát hoặc giấy tờ. Các thiết bị trị giá hàng triệu đôla biến mất. KBR tính 73 triệu đôla cho các nhà xe lưu động của Sư đoàn 101, cao gấp hai lần, quân đội cho biết, chi phí xây doanh trại; KBR tính 88 triệu đôla cho ba triệu bữa ăn cho quân Mỹ - những bữa ăn trên thực tế không có. Báo cáo tính rằng quân đội có thể tiết kiệm 31 triệu đôla mỗi năm chỉ đơn giản bằng việc giao dịch trực tiếp với các công ty cung cấp thực phẩm mà KBR thuê. Tháng Sáu 2004, báo cáo này tiếp tục, “sau khi ngưng dùng LOGCAP, và đưa nhà thầu phụ của LOGCAP lên làm nhà thầu chính, quân đội đã giảm 43% chi phí bữa ăn mà không làm mất chất luợng.”.

Báo cáo nói rõ là người Mỹ không mấy để tâm đến việc làm thế nào họ có thể ngăn chặn việc cướp bóc và tái thiết xã hội Iraq. Họ thậm chí không hoạch định làm thế nào hỗ trợ hậu cần để quân Mỹ ở lại Iraq: “mãi đến tháng Năm 2003, Bộ Tổng Chỉ huy quân đội mới thiết lập kế hoạch dùng các hợp đồng của KBR để hỗ trợ quân đội ở Iraq” – một tháng sau khi Saddam sụp đổ. Ngay cả khi đó, hợp đồng này – với giá trị ước tính là 3,894 tỉ đôla, không cung cấp đủ cơ sở ăn uống, kiểm soát bệnh dịch, dịch vụ giặt giũ, giải trí, và phương tiện vận tải, hoặc dịch vụ hỗ trợ tác chiến ở các căn cứ Mỹ được xây dựng vội vã trên toàn Iraq. Bị sốc bởi các tiết lộ của Waxman về việc Halliburton làm giàu từ giá xăng, và nhận ra các chi phí của KBR vượt quá kiểm soát, phó tổng tham mưu trưởng quân đội “yêu cầu các đơn vị kiểm soát chi phí và tìm những lựa chọn thay thế dạng hợp đồng LOGCAP”.

Cùng lúc đó, các nhà kiểm toán của chính Lầu Năm góc, Cơ quan Kiểm tra Hợp đồng Quốc phòng, đã đến Houston để xem sổ sách của hãng KBR. Họ không hài lòng trước những gì mình thấy:

“Việc kiểm tra của chúng tôi đã phát hiện nhiều thiếu sót trong hệ thống thanh toán của KBR khiến chính phủ phải trả những hoá đơn không tuân thủ luật hiện hành, cũng như các quy định và điều khoản hợp đồng. Chúng tôi cũng thấy các thiếu sót mang tính hệ thống khiến có các hoá đơn sai lầm mà không được ngăn chặn, phát hiện và / hoặc được sửa sai kịp thời”.

Họ cũng phát hiện “KBR không theo dõi tiến độ của các hợp đồng phụ hoặc các chi phí, hoá đơn liên quan”. Khi các nhà kiểm toán yêu cầu cho xem hồ sơ thanh toán cho các nhà thầu phụ để chứng minh những hoá đơn mà KBR nộp cho chính phủ, thì không thấy hồ sơ nào: “Chúng tôi không thấy các tài liệu như thế trong hồ sơ hợp đồng phụ của KBR, cũng không thấy dấu vết của việc thanh toán cho nhà thầu phụ”. Như thế, làm cách nào KBR tạo ra các hoá đơn hàng tháng gửi chính phủ quanh hợp đồng 3, 9 tỉ đôla của họ? Báo cáo cho hay: “Sự giải thích bắt đầu với các chi phí trên giấy mà không cho biết các chi phí này được thu thập ở đâu và thế nào“. Các nhà kiểm toán cũng muốn biết số tiền mà chính phủ trả cho ba triệu bữa ăn vô hình kia đã đi đâu:

“Mặc dù đã yêu cầu liên tục trong hai tháng, KBR vẫn không giải thích hoặc dẫn chứng đầy đủ việc chi trả cho bất kì các nhà thầu phụ nào ở khu nhà ăn.”

KBR phản ứng bằng cách tỏ ra chai lì. Công ty viết thư cho bên kiểm toán nói rằng giải thích của họ về các bữa ăn “đã bị trích dẫn và diễn giải sai lạc”. Các nhà kiểm toán, công ty nói, đã biết rõ là KBR “thành lập Nhóm Con cọp [Tiger Team] để nghiên cứu và phân tích dữ kiện và tình huống quanh từng hợp đồng phụ”. Nhóm Con cọp ở đây nghĩa là các đơn vị điều tra nội bộ. Nhóm Con cọp của KBR ở trong khách sạn Kempinski 5 sao tại Kuwait, và xài hết khoản tiền hơn một triệu đôla. Điều này làm quân đội giận dữ, khi lính của họ ngủ trong những chiếc lều với giá 1,39 đôla một ngày. Quân đội yêu cầu Nhóm Con cọp chuyển vào lều trại. Họ từ chối. Còn về cách thức Nhóm Con cọp “nghiên cứu và phân tích dữ kiện“, chúng ta có lời điều trần của một nhân viên KBR khi ra trước uỷ ban của dân biểu Waxman: “Nhóm Con cọp thấy các hợp đồng phụ không có hoá đơn, không có xác nhận là các sản phẩm trong hợp đồng quả có được sử dụng. Thay vì điều tra tiếp, họ lại thường đề nghị hãy tiếp tục kéo dài hợp đồng”.

Các nhà kiểm toán của Lầu Năm góc yêu cầu cho xem “bằng chứng là ban kiểm toán nội bộ của KBR được độc lập về chức năng, cơ cấu và đủ tách biệt khỏi ban lãnh đạo để đảm bảo họ có thể kiểm toán khách quan, báo cáo các phát hiện, kết luận mà không sợ bị trả đuã”. KBR không cho họ tiếp xúc với bộ phận kiểm toán. Các nhà kiểm toán của Lầu Năm góc lại hỏi ai kiểm tra ban kiểm toán của KBR. KBR trả lời: Halliburton. Các nhà kiểm toán của Lầu Năm góc nói từ nay trở đi, KBR sẽ phải nộp toàn bộ hoá đơn cho họ để “họ đồng ý tạm thời rồi mới được gửi đi để nhận thanh toán”. Nói chuyện rất cứng rắn. Nhưng, bất chấp các đe doạ không trả tiền, và nhiều vụ kiện đang tạm treo, KBR và Halliburton đến nay đã được trả hơn 10 tỉ đôla để lo hậu cần cho quân Mỹ ở Iraq.

Một trong các hợp đồng của KBR là vận chuyển hàng đến các căn cứ Mỹ. Các đoàn xe Mercedes Benz, mỗi chiếc trị giá 85.000 đôla, qua lại mỗi ngày trên các xa lộ Iraq, có quân Mỹ hộ tống. Nếu không có hàng để vận chuyển, KBR cũng vẫn để các xe tải trống không lên đường, và tính tiền đầy đủ. Các xe tải không mang theo máy lọc dầu và khí, những thứ tối cần thiết khi đi trong sa mạc. Xe thậm chí không có lốp xe dự phòng. Nếu một chiếc bị hỏng, người ta bỏ mặc nó và đốt đi, rồi để nó cháy rụi bên đường.

Sự hoang phí tiền Iraq của người Mỹ còn tồi tệ hơn. Theo quy định của chính cơ quan CPA, nhà chức trách “phải quản lý quỹ của Iraq một cách minh bạch, đáp ứng các nguyên tắc của CPA theo luật quốc tế, trong đó có nghị quyết 1493 của Hội đồng Bảo an”. Nhưng bất chấp các nỗ lực, mãi đến tháng 10-2003, sáu tháng sau khi Saddam bị lật đổ, mới có một Hội đồng Theo dõi và Khuyến cáo quốc tế (gọi tắt là IAMB), với đại diện của Liên hiệp quốc, Ngân hàng Thế giới, IMF và Quỹ Arập vì Phát triển Kinh tế Xã hội, được lập ra để có sự theo dõi tài chính độc lập đối với chi tiêu của CPA.

IAMB sau đó mất vài tháng để tìm các nhà kiểm toán mà Mỹ chấp nhận. Văn phòng của công ty kiểm toán KPMG cuối cùng được thành lập ở Bahrain tháng Tư 2004. Họ bị cản trở. KPMG viết trong một báo cáo giữa kỳ, “KPMG đã gặp chống đối từ nhân viên của CPA quanh việc nộp thông tin cần thiết để hoàn tất các thủ tục. Các nhân viên nói rằng... hợp tác với KPMG là một ưu tiên cấp thấp”. KPMG có được một buổi họp với Bộ Tài chính Iraq; các cuộc họp với các bộ khác liên tục bị đình hoãn.

Có một lý do để người Mỹ tránh né. Vào cuối tháng Sáu 2004, CPA sẽ được giải tán và ông Bremer sẽ rời Iraq. Chính phủ Bush sẽ không cho phép các nhà kiểm toán độc lập ở vào vị thế có thể công bố báo cáo về phép tắc tài chính của nhà chức trách ở Iraq trong lúc Bremer còn có trách nhiệm trả lời báo chí. Báo cáo sau đó công bố vào tháng Bảy. Các nhà kiểm toán thấy rằng CPA đã không giữ sổ sách của hàng trăm triệu đôla trong kho của họ, đã trao các hợp đồng hàng tỉ đôla cho các công ty Mỹ không qua đấu thầu và không biết chuyện gì xảy ra cho số tiền của Quỹ Phát triển Iraq đang được các bộ ngành chính phủ Iraq chi tiêu.


Tình hình một năm qua

Điều gì đã xảy ra cho việc tái thiết xã hội Iraq, và quản lý đất nước dựa trên tính minh bạch và trách nhiệm giải trình? Trong vài tuần trước khi Bremer rời khỏi Iraq, CPA đã trao các hợp đồng mới trị giá hơn ba tỉ đôla, trả bằng quỹ của Iraq và được sứ quán Mỹ ở Baghdad quản lý. Tổng thanh tra của CPA, nay được gọi là Tổng thanh tra đặc biệt cho việc tái thiết Iraq, vừa công bố báo cáo kiểm toán về cách thức toà đại sứ hoàn thành trách nhiệm. Họ xem xét hồ sơ của 225 hợp đồng trị giá 327 triệu đôla để xem liệu sứ quán “có thể xác định giá trị tiền bạc của những giao ước được trả và chưa được trả tiền”. Hoá ra toà đại sứ không thể làm điều này. Các nhà kiểm toán cũng xem sổ sách của 300 hợp đồng khác trị giá 332,9 triệu đôla. “Trong 198 của 300 hợp đồng, không thấy có sổ sách... đế chứng tỏ là việc thực hiện hợp đồng được theo dõi về hiệu suất và chi trả... Các hồ sơ không chứa đựng bằng chứng chứng tỏ rằng hàng hoá và dịch vụ đã được nhận trong 154 hợp đồng, rằng có hoá đơn cho 169 hợp đồng, và rằng đã có sự chi trả cho 144 hợp đồng“.

Rõ ràng người Mỹ không thấy nhu cầu phải giải trình việc sử dụng lợi tức quốc gia của Iraq hợp lý hơn so với khi Bremer còn tại vị. Cả người đứng đầu toà đại sứ và chỉ huy quân đội Mỹ đều không hồi đáp trước lời mời bình luận của bên kiểm toán. Người phụ trách hợp đồng trong quân đội Mỹ yếu ớt chỉ ra rằng “các điều kiện trong thời bình mà quá trình hoạch định ban đầu hình dung vẫn không đủ để giúp các nỗ lực tái thiết”.

Người Mỹ không chỉ mắc tội thiếu khả năng giải trình. Tháng Giêng năm nay, Tổng thanh tra đặc biệt cho việc tái thiết Iraq công bố báo cáo ghi chi tiết bằng chứng gian lận, tham nhũng và lãng phí của chính phủ lâm thời Iraq khi Bremer còn đang tại chức. Họ thấy rằng 8,8 tỉ đôla – tương đương toàn bộ chi tiêu của chính phủ lâm thời Iraq từ tháng 10-2003 đến 6-2004 – không được giải thích đầy đủ. Văn phòng Ngân sách và Quản lý của Iraq, có lúc, chỉ có sáu nhân viên, toàn bộ thiếu kinh nghiệm, và ít bộ nào có ban phụ trách ngân sách. Các bộ trưởng và viên chức cao cấp mới bổ nhiệm của Iraq tự tung tự tác với hàng trăm triệu đôla, trong lúc các “cố vấn” Mỹ đứng nhìn. Các nhà kiểm toán giải thích, “các nhân viên của CPA không xem lại và so sánh hoạt động tài chính, ngân sách với các kết quả được mong chờ”. Một bộ đã phân phát các hợp đồng trị giá 430 triệu đôla mà cố vấn của CPA không hề theo dõi giấy tờ. Một bộ khác tự nhận đã trả tiền cho 8206 lính gác, nhưng chỉ chứng minh được con số 602 người. Không có cách nào biết bao nhiêu trong số tiền 8,8 tỉ đôla đã rơi vào tay dân quân và túi riêng.

Trong thư trả lời, ông Bremer viết: “Thật kinh ngạc khi văn phòng tổng thanh tra lại có một báo cáo có quá nhiều sai sót và hiểu nhầm như thế. Khi giải phóng, nền kinh tế Iraq ngưng trệ. Vì thế ưu tiên của CPA là giúp kinh tế hoạt động”. Bên thanh tra hồi đáp bằng một báo cáo khác hồi tháng Tư năm nay, điều tra cách thức cơ quan CPA của Bremer quản lý việc chi tiền từ Quỹ Phát triển Iraq tại một khu vực duy nhất, vùng xung quanh Hillah: “Trong quá trình kiểm toán, chúng tôi xác định những khiếm khuyết trong việc kiểm soát tiền mất lớn tới mức phải có sự chú ý ngay. Những khiếm khuyết này quan trọng đến mức chúng tôi không thể hoàn thành các mục tiêu đặt ra của mình”. Họ thấy trụ sở CPA ở Baghdad “đã không duy trì kiểm soát đầy đủ đối với khoản tiền 119,9 triệu đôla”, và rằng các nhân viên tại hiện trường “không thể giải thích hoặc biện hộ cho hơn 96,6 triệu đôla tiền mặt và biên nhận”. Những nhân viên này chủ yếu là người Mỹ có mặt ở Iraq theo các hợp đồng ngắn hạn. Bản quyết toán của một nhân viên “khai khống hơn 2.825.755 đôla và sai sót này không bị phát hiện”. Một điệp viên khác được cho 25 triệu tiền mặt mà văn phòng của Bremer “thừa nhận là người này không có đủ giấy tờ chứng minh”. Trong số 23 triệu đôla trả cho một nhân viên khác, chỉ có 6.306.836 đôla là có giấy tờ giải thích. Nhiều nhân viên Mỹ nộp sổ sách chỉ vài giờ trước khi họ ra phi trường. Hai người rời khỏi Iraq mà không giải thích được số tiền 750.000 đôla mỗi người; số tiền này không bao giờ được tìm thấy. Văn phòng của CPA đã cho qua bản quyết toán của nhiều người, dao động từ 250.000 đến 12 triệu đôla. Một nhân viên có nộp biên nhận, và được cho hay là ông ta còn thiếu 1.878.870 đôla. Ba ngày sau, ông ta quay lại với đúng số tiền còn thiếu. Các nhà kiểm toán cho rằng “điều này chứng tỏ người nhân viên đã có khoản dư tiền mặt”, và chỉ ra rằng nếu con số ban đầu của ông ta là chính xác, thì ông ta lẽ ra phải giải thích với CPA về 3,8 triệu đôla, một dữ kiện chứng tỏ “các giấy tờ biên nhận nộp cho người phụ trách tài khoản là không đáng tin”.

Nhân viên tại văn phòng CPA ở Baghdad thường làm việc 12 tiếng mỗi ngày, bảy ngày trong tuần, thường theo nhiệm kỳ kéo dài trong ba tháng. Đã có lúc chỉ có một người tại CPA làm công việc kiểm tra tiền bạc của toàn bộ các nhân viên trên toàn Iraq. Các nhân viên hợp đồng ở hiện trường thường gặp khó khăn và không thể lấy giấy tờ - điều này khiến người lương thiện bực mình và làm lợi cho các đồng nghiệp gian trá. Vậy thì tiền đã đi đâu? Người ta không thấy tiền ở Hillah. Các ngôi trường, bệnh viện, nguồn cung cấp điện nước, tất cả lẽ ra có tiền đầu tư, đều ở trong cảnh tan hoang. Kết luận không thể tránh khỏi là nhiều nhân viên Mỹ đã thu vén tiền cho riêng mình và đồng loã với các đối tác Iraq.

Chuyện cứ thế tiếp diễn. Báo cáo kiểm toán gần đây nhất về chi tiêu của chính phủ Iraq, hiện chưa công bố, nhắc đến “việc kiểm kê không đầy đủ”, “thiếu giấy tờ chứng minh cho việc thiếu cạnh tranh để có hợp đồng tại các bộ của Iraq”, “khả năng biển thủ lợi nhuận từ dầu”, “khó khăn đặc biệt khi muốn bảo đảm tính chính xác và đầy đủ của ngân sách và kiểm soát chi tiêu”, và “việc không để tiền xuất khẩu dầu vào các tài khoản phù hợp đi ngược lại Nghị quyết 1483 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc”.

Bremer tái thành lập Ban Kiểm toán Tối cao Iraq một tháng trước khi ông rời Baghdad. Uỷ ban này được nói là có hơn một ngàn nhân viên kiểm toán và trợ tá rải khắp các bộ của Iraq. Một Uỷ ban Liêm chính của Iraq, tương tự như FBI của Mỹ, được nói là có 200 nhân viên và 15 cố vấn Mỹ. Nhưng theo thống kê mới nhất của Mỹ, trong số hơn 3400 đơn khiếu nại, tính trung bình chỉ có một trong 50 đơn được gửi sang cho Uỷ ban Liên chính với khả năng truy tố.

Có một giải thích cho sự thụ động này. Vào ngày 1-7-2004, hai ngày sau khi Bremer rời khỏi Baghdad, Ehsan Karim, tân lãnh đạo của Ban Kiểm toán Tối cao Iraq, bị chết vì bom khi ông ra khỏi Bộ Tài chính. Hai tuần sau, Sabir Karim (không có họ hàng) bị giết vì súng trên đường đến Bộ Công nghiệp, nơi ông phụ trách công tác chống tham nhũng. Vài tuần trước đây, một viên chức cao cấp điều tra tham nhũng bị giết.

Trong tình hình thiếu mọi giải trình có ý nghĩa, người Iraq không có cách gì để biết bao nhiêu số của cải đất nước họ đang rơi vào bạn bè, gia đình của các bộ trưởng, nhân viên hay chuyển sang các tài khoản ngân hàng bí mật ở nước ngoài. Khi mà giờ đây nhiều thành viên Đảng Baath cũ cũng quay lại chính quyền, không loại trừ khả năng tiền cũng được dùng để tài trợ cho quân nổi dậy.

Cả Saddam và Hoa Kỳ đều từng hưởng lợi khi ông ta còn trị vì. Saddam kiểm soát của cải của Iraq trong lúc đa số dầu của Iraq chảy vào các nhà máy lọc dầu tại California để cung cấp xăng giá rẻ cho cử tri Mỹ. Các tập đoàn Mỹ, giống như những người được Saddam yêu chuộng, trở nên giàu có. Ngày hôm nay, hệ thống cũng rất tương tự: dầu chảy về California, và chính phủ mới của Iraq thoải mái dùng tiền của đất nước này.


Các địa chỉ web liên quan trong bài:

US House of Representatives Government Reform Committee Minority Office
http://www.democrats.reform.house.gov/
US General Accountability Office
http://www.gao.gov/
Defense Contract Audit Agency
http://www.dcaa.mil/
International Advisory and Monitoring Board
http://www.iamb.info/
Coalition Provisional Authority Inspector General
http://www.cpa-ig.com/
Special Inspector General for Iraq Reconstruction
http://www.sigir.mil/


© 2005 talawas
Nguồn: Trích Ä‘oạn từ bài báo của Ed Harriman, đăng trên tạp chí London Review of Books, số ra ngày 7-7-2005: http://www.lrb.co.uk/v27/n13/harr04_.html