trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
28.10.2008
Võ Quốc Linh
Đôi lời về chữ “danh” và Hoàng Ngọc-Tuấn
 
Trong lúc cuộc tranh luận học thuật về mỹ thuật hậu hiện đại trên talawas đang sôi nổi thì đột nhiên có một bài viết ngoài chủ đề xuất hiện; tôi thiển nghĩ, thật đáng tiếc, bởi vì nếu không cẩn trọng và cảnh giác, thì chúng ta có nguy cơ trượt vào một cuộc khảo sát lý lịch nhân thân của một người cầm bút. Tôi cho rằng để tìm hiểu tính cách của một người sống với chữ nghĩa và nghệ thuật, chúng ta phải biết người ấy đã làm gì với chữ nghĩa và nghệ thuật, chứ không thể chỉ căn cứ vào vài ba từ ngữ tường thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Là một người có cơ hội sống rất gần gũi với Hoàng Ngọc-Tuấn trong hơn 30 năm qua, trước sự kiện này tôi cảm thấy cần phải đóng góp một vài câu chuyện về anh, ngõ hầu làm cho bức tranh tính cách của anh được trung thực hơn.

Tôi là bạn thân của Hoàng Ngọc-Tuấn từ năm 1977 đến nay. Tôi đã sống gần bên anh như anh em và đã cùng trải qua nhiều kinh nghiệm đầy thử thách trong đời. Chúng tôi đã cùng lang thang thuê chiếu ngủ ga, cùng vượt biển nhiều lần, cùng bị bắt, cùng bị ở tù nhiều năm trong nhiều trại. Ra tù, Hoàng Ngọc-Tuấn cùng tôi tiếp tục vượt biển nhiều lần nữa và lại bất thành. Rồi anh đi cùng một nhóm khác và thành công. Anh đến Philippines vào tháng 6 năm 1983, và sang Úc cuối năm ấy. Tôi vượt biển thành công vào năm 1985, đến Malaysia, và sang Úc năm 1986.

Ở Sydney, chúng tôi cùng làm công tác xã hội, văn nghệ, báo chí với nhau. Năm 1986, vừa đặt chân lên xứ Úc, tôi đã sát vai cùng anh Hoàng Ngọc-Tuấn làm những công tác xã hội cho Hội Bảo trợ Người Việt Tỵ nạn Định cư tại Úc (một hội nhân đạo do thân phụ của anh thành lập, với sự tự nguyện đóng góp của các hội viên, và đã bảo trợ được gần ba trăm gia đình tỵ nạn từ các trại ở Đông Nam Á.) Năm 1987, Hoàng Ngọc-Tuấn kêu gọi anh em làm tờ Tập Họp, tạp chí văn học tiếng Việt đầu tiên đất Úc. Có thêm sự hỗ trợ của nhà thơ Thường Quán từ Melbourne, anh em phấn khởi bắt tay vào, và tôi đã tham gia ngay từ đầu vì lúc ấy tôi ở cùng nhà với anh. Mười năm sau, khi anh Nguyễn Hưng Quốc chủ trương tạp chí Việt, với sự cộng tác của anh Hoàng Ngọc-Tuấn, thì tôi cũng tham gia đóng góp thơ và phụ trợ những công việc khác. Đến khi hai anh Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc Tuấn làm website Tiền Vệ, thì tôi cũng là một người trong nhóm chủ trương và hỗ trợ cho những sinh hoạt văn nghệ ngoài tờ báo.

Tôi nói ra những điều trên đây để xin thưa rằng có lẽ tôi là người hiểu anh Hoàng Ngọc-Tuấn hơn ai hết trong bằng hữu xa gần. Từ năm tôi 18 tuổi cho đến nay, hơn 30 năm, hầu như tôi đã luôn luôn ở bên cạnh anh để chứng kiến và ghi nhận mọi sự kiện diễn ra trong cuộc sống anh.

Trong vòng bạn bè, ai cũng thấy tính cách đặc biệt của Hoàng Ngọc-Tuấn là say mê nghệ thuật, say mê không bờ bến. Không biết bao nhiêu lần tôi đã chứng kiến sự say mê của anh, ngay cả trong những giờ phút tuyệt vọng nhất. Anh viết trong khi ẩn nấp chờ tàu vượt biển, anh viết trong buồng giam chung, anh viết trong xà lim, anh viết khi chúng tôi nằm đói lả bên hiên nhà ga, anh viết sau khi hứng chịu một trận đòn xối xả lên đầu, anh viết trong những ngày lao động cải tạo... Không hề than van, anh chỉ im lặng viết, rồi hát. Không có cây đàn, không có bút, anh vẫn viết bằng cách lẩm nhẩm trong đầu để nhớ, rồi sẽ chép xuống vào một lúc khác. Thời gian anh viết ca khúc nhiều nhất là từ sau 1975 cho đến ngày anh vượt biển thành công. Dường như anh viết hàng ngày, vì trong những năm tháng tôi lang thang khốn khổ bên anh, dường như mỗi ngày tôi đều được nghe anh hát một ca khúc mới hay đọc một bài thơ mới. Anh nói: “Viết để sống. Viết để khỏi đói lạnh. Viết để khỏi tuyệt vọng...”

Năm 1978, lúc tôi trở thành một người tù trẻ tuổi ở Côn Đảo là lúc Hoàng Ngọc-Tuấn đang bị giam ở Bình Đại, Bến Tre. Hàng ngày, tôi nằm nhìn lên tường buồng giam để đọc những bút tích của rất nhiều nhà đấu tranh thời Pháp thuộc ngày xưa đã bị giam ở đó. Có những vị sau này đã trở thành lãnh đạo nhà nước. Tôi nhớ mãi hai câu thơ hùng tráng viết bằng máu, ký tên Nguyễn Lương Bằng, nguyên văn như sau:

Ta như muôn trận cuồng phong ào ào thổi tới
mà kẻ thù là ngọn đèn leo lét giữa đêm khuya

Để chống lại sự đau đớn, cô đơn và tuyệt vọng, tôi cũng cần phải viết lên tường. Tôi dùng cái muỗng cào lên tường buồng giam những lời hát của Hoàng Ngọc-Tuấn:

... Không tuyệt vọng
Cho dù đớn đau vẫn không tuyệt vọng
Như cọng lá nâu trong cuồng lưu.

Không tuyệt vọng
Thiên đường vút cao hay trong địa ngục
Khi hạnh phúc như khi khổ đau.

Không tuyệt vọng
Hy vọng mất đi, cũng không tuyệt vọng.
Cho dù chết đi, cũng không tuyệt vọng...

Cuối năm 2003, Hoàng Ngọc-Tuấn cùng Nguyễn Hoàng Tranh và tôi về thăm Việt Nam. Trong một đêm vui ở nhà hoạ sĩ Nguyễn Hưng Trinh, bạn bè ở Sài Gòn yêu cầu anh hát lại những ca khúc ngày xưa. Khi anh dạo đàn và cất tiếng hát, anh kinh ngạc vì nghe nhà thơ Thận Nhiên hát theo, đúng từng chữ, và Thận Nhiên còn hát được cả những câu mà anh đã quên mất. Thận Nhiên cho biết anh thuộc lời hát của Hoàng Ngọc-Tuấn vì nghe Hoàng Đình Bình hát trong những ngày đói rách lang thang thời ấy. Thận Nhiên nói với mọi người: “Trong những năm tháng đau khổ đó, những lời hát của Hoàng Ngọc-Tuấn đã cứu rỗi tâm hồn của tôi...”

Vâng, tôi cũng đã được cứu rỗi như thế. Trong những năm tháng ở Côn Đảo, tôi đã xem những lời hát, những lời thơ của Hoàng Ngọc-Tuấn là những lời kinh. Đó là những lời của một con người đã vượt qua máu lệ bằng một thứ sức mạnh sâu thẳm của tâm hồn.

Khi tôi gặp lại Hoàng Ngọc-Tuấn trên đất Úc, tôi thấy anh vẫn là con người ấy. Vẫn đam mê hừng hực với nhạc, với thơ. Chuyện trò với bạn bè, anh ít khi nói về chuyện gì ngoài nghệ thuật và chữ nghĩa. Sự đam mê của anh biến anh thành một khối nam châm. Năm đầu tiên tôi sống chung nhà với anh, nhiều sinh viên trẻ thường rủ nhau đến để nghe anh nói chuyện và đàn hát. Rồi họ nhờ anh giúp họ làm báo sinh viên. Và anh đã trút cả đam mê ra để thức thâu đêm tận tình hướng dẫn họ, thậm chí anh bỏ rất nhiều thì giờ để sửa chữa từng câu văn, từng chi tiết trình bày trang báo cho họ. Anh giảng giải cho họ về kỹ thuật viết văn, làm thơ, viết truyện. Anh mua bia cho họ uống, và kể những câu chuyện thâm trầm thú vị để gây cảm hứng cho họ. Một số người trong nhóm sinh viên này sau đó trở thành những cây bút chủ lực của tạp chí Tập Họp, và trở thành những người bạn thân thiết cho đến hôm nay. Những năm ấy các bạn đều còn đi học, và thường tụ tập về nhà anh để cùng làm báo và học bài. Anh cũng ghi danh đi học trở lại. Anh say mê đọc sách, mua sách, mượn sách mới không ngừng. Nhưng anh không chỉ đọc trong phạm vi anh đang học, mà anh đọc rất sâu rộng, bao gồm nhiều lãnh vực nhân văn. Anh vừa học cho mình, lại vừa giúp hết người này đến người khác research tài liệu, và góp ý cho những essay thuộc nhiều bộ môn khác nhau. Anh giúp tôi viết essay về văn hoá học, giúp các bạn khác viết essay về triết học, xã hội học, sử học, thẩm mỹ, kịch nghệ, v.v… Anh bỏ thì giờ đọc đi đọc lại rất kỹ những bài essay của chúng tôi và kiên nhẫn góp ý, lưu tâm đến từng câu, từng chữ.

Có một sự kiện rất đặc biệt mà tôi phải kể lại ở đây. Trong nhóm bạn chúng tôi, có hoạ sĩ Vi Phát vừa từ Việt Nam sang không bao lâu thì bị tai nạn xe hơi khủng khiếp, đứt lưỡi, gãy chân, chấn thương sọ não, nội tạng gần như dập nát, phải trải qua nhiều cuộc giải phẫu, và phải nằm trong bệnh viện nhiều tháng trời. Khi ra viện, vết thương trong não khiến anh dần dần mất hết ký ức, rồi dần dần mang bệnh tâm thần, điên loạn, phải vào nhà thương điên. Hoàng Ngọc-Tuấn thường xuyên vào thăm bạn và giúp thông dịch để anh Vi Phát và các bác sĩ hiểu nhau. Vì Vi Phát muốn vẽ, bác sĩ đưa anh vào trại của những hoạ sĩ điên. Ở đó, Vi Phát say mê vẽ, và cơn điên dịu xuống dần. Trước khi cho Vi Phát xuất viện, bác sĩ khuyên Hoàng Ngọc-Tuấn là hãy tạo điều kiện cho anh hoạ sĩ được vẽ hàng ngày thì tâm thần mới lành mạnh dần dần, vì nếu không có đam mê theo đuổi điều gì cả thì anh ta sẽ rơi vào trầm uất và điên trở lại. Hoàng Ngọc-Tuấn mang 20 bức tranh do Vi Phát vẽ trong trại điên, làm thành một portfolio, nộp đơn vào College of Fine Arts, với mục đích giúp bạn mình tiếp xúc với môi trường hội hoạ để chữa bệnh tâm thần. Cuối cùng, anh Vi Phát được chọn. Nhưng anh Vi Phát vốn đã yếu về tiếng Anh, lại đứt lưỡi, nói ú ớ không rõ, khả năng ghi nhớ còn rất mù mờ, chỉ còn khả năng vẽ. Hoàng Ngọc-Tuấn đã giúp bạn bằng cách liều mạng lái xe (lúc anh chưa có bằng lái) chở bạn đến trường vì bạn đi chống nạng khó khăn. Rồi Hoàng Ngọc-Tuấn tự nghiên cứu mỹ thuật để giảng thêm về lý thuyết cho bạn và giúp bạn viết essay suốt ba năm! Anh bạn hoạ sĩ say mê vẽ. Anh học chỉ để chữa bệnh, chẳng cần đậu đạt làm gì, vì trước kia anh đã tốt nghiệp hội hoạ ở Việt Nam. Thế nhưng anh vẽ rất đẹp nên đạt điểm cao về thực hành, và anh thấy vui, tâm thần anh lành mạnh dần dần, rồi anh tốt nghiệp. Khi tốt nghiệp, Vi Phát nói với bạn bè: “Tôi sẽ cắt tấm bằng này ra làm hai để tặng một nửa cho Tuấn!” Nhưng Hoàng Ngọc-Tuấn nói: “Nhờ anh Phát bị điên mà tôi có cơ hội học lý thuyết mỹ thuật.” Đến hôm nay, anh Vi Phát còn gìn giữ, như một kỷ vật, tất cả những essay và assignment (đều đạt điểm A+ và A) mà anh Hoàng Ngọc-Tuấn đã làm giúp cho anh trong thời kỳ anh đi học để chữa bệnh tâm thần.

Vị tha, nhiệt tình, đa năng và say mê nghệ thuật, Hoàng Ngọc-Tuấn lao vào cả ba lãnh vực: văn chương, âm nhạc và kịch nghệ. Lãnh vực nào anh cũng đạt những thành tựu đáng kể. Trong khung cảnh văn nghệ mainstream ở Úc, người ta chỉ thấy nổi lên một số khuôn mặt nghệ sĩ gốc Việt Nam sinh động và tích cực, và trong số đó có Hoàng Ngọc-Tuấn, như một nhạc sĩ và diễn viên. Thế nhưng, bạn bè gần gũi và đồng nghiệp đều biết và thấy rõ, Hoàng Ngọc-Tuấn làm nghệ thuật vì đam mê sáng tạo, chứ không bao giờ vì chữ “danh”. Những cuộc đình đám, văn nghệ đông đảo trong cộng đồng người Việt, tức là những nơi mà anh có vô số cơ hội thuận lợi để nổi bật lên, thì anh lại luôn ngần ngại, không muốn tham dự. Anh chỉ chọn tham dự những sinh hoạt có giá trị nghệ thuật, dù rất ít người lưu tâm. Anh sáng tác để thoả mãn nhu cầu tinh thần của mình, chứ không phải để gây thành tích.

Tôi thử đưa ra một ví dụ. Nhiều người trong bạn bè của anh ở Việt Nam, Hoa Kỳ và Úc đã có dịp nghe anh hát hàng trăm ca khúc tiếng Việt rất độc đáo của anh. Hiện nay ở Việt Nam và Hoa Kỳ có vài người bạn còn giữ được những tập ca khúc của Hoàng Ngọc-Tuấn, do chính anh viết tay và tặng cho bạn, mỗi tập có khoảng vài chục bài, mỗi tập viết về một chủ đề khác nhau, và có cả những ca khúc ngoại quốc do anh dịch ra lời Việt. Năm 1977, tôi thấy ca sĩ Phạm Thị Ngọc ở đường Phan Bội Châu, Nha Trang, có một tập ca khúc của Hoàng Ngọc-Tuấn, sau đó thì lạc mất; nhạc sĩ Hoàng Đình Bình ở Alabama bây giờ còn giữ một tập ca khúc khác, ca sĩ Bích Hồng ở Sài Gòn có lẽ còn giữ vài tập khác, và một số bạn bè ở Việt Nam cũng còn giữ những tập khác nữa. Đặc biệt, người bạn tù Võ Đình Khoa của chúng tôi, hiện sống tại Nha Trang, đã giữ được một tập ca khúc gồm toàn những bài Hoàng Ngọc-Tuấn viết trong hơn 3 năm ở trại cải tạo A.30, Phú Yên. Phần anh, anh viết tập nào thì chỉ viết xuống giấy một lần thôi, rồi đem cho bạn bè, và chưa bao giờ giữ được một tập nào cho chính mình. Khi cần hát, anh lẩm nhẩm để nhớ lại, hoặc vừa hát vừa được bạn bè nhắc lời ca. Nhiều người lấy làm lạ là tại sao anh không muốn xuất bản, mà chỉ hát cho bạn bè nghe, nhiều lần hát thâu đêm suốt sáng, và thỉnh thoảng thì tự đàn hát vài bài ở những đêm văn nghệ nho nhỏ của người Việt, và luôn được khán giả khen ngợi. Thế nhưng, dù cho bạn bè, kể cả các anh Lê Thành Nhơn và Nguyễn Hưng Quốc, đã bao nhiêu lần thuyết phục Hoàng Ngọc-Tuấn xuất bản, anh vẫn hứa qua loa rồi quên đi. Năm kia, một nhạc sĩ ở San Jose muốn tổ chức một tour cho anh sang trình diễn ở Mỹ, thì anh cảm ơn, rồi quên luôn kế hoạch ấy. Có đôi lần, một vài hãng sản xuất băng đĩa nhạc người Việt ở Mỹ liên lạc với anh, đề nghị anh cho phép họ thu băng đĩa để xuất bản, thì anh từ chối. Anh thường nói với bạn bè: “Mình viết ca khúc như một thứ nhật ký cho mình và bạn bè, thì xuất bản làm gì. Hãy để cho nó thành kỷ niệm...”

Về văn chương, Hoàng Ngọc-Tuấn viết liên miên, nhưng không chịu in, cứ viết để đăng báo của anh em, rồi bỏ bừa ra đấy, không nghĩ đến việc xuất bản thành sách. Trong bạn bè, ai cũng biết anh chỉ lo giới thiệu những người khác và giúp cho những người khác xuất bản, nhưng anh lại chẳng lo cho chính mình. Nếu không có Nguyễn Hưng Quốc bỏ công sắp xếp, layout, thúc giục, và gửi cho nhà xuất bản Văn Nghệ bên Hoa Kỳ, thì Hoàng Ngọc-Tuấn đã chẳng có cuốn tiểu luận Văn học Hiện đại và Hậu hiện đại qua thực tìễn sáng tác và góc nhìn lý thuyết ra đời vào năm 2002. Cũng thế, Hoàng Ngọc-Tuấn viết rất nhiều truyện ngắn và thơ, nhưng cũng chỉ đăng báo in, báo mạng, rồi quên. Năm 2006, Nguyễn Hưng Quốc đã bỏ công sưu tầm, layout, viết lời giới thiệu, và in laser ra một số ấn bản hạn chế, rồi mang từ Melbourne lên Sydney để tặng Hoàng Ngọc-Tuấn cùng các bạn cuốn Tuyển tập sáng tác Hoàng Ngọc-Tuấn, nhân sinh nhật thứ 50 của anh. Sau đó, Nguyễn Hưng Quốc thúc giục Hoàng Ngọc-Tuấn cho xuất bản chính thức thành sách, nhưng Hoàng Ngọc-Tuấn vẫn tiếp tục mải mê viết và dịch những cái mới, rồi quên hẳn việc xuất bản.

Tôi còn giữ một bản laser, và tôi xin chép lại đây nguyên văn “Lời giới thiệu” của Nguyễn Hưng Quốc viết năm 2006.

Lời giới thiệu

Hiếm có người nào say mê văn nghệ như Hoàng Ngọc-Tuấn. Tuy nhiên cũng hiếm có người nào phung phí tài năng và hờ hững với việc xây dựng sự nghiệp văn nghệ của mình như Hoàng Ngọc-Tuấn. Sáng tác nhạc – và sáng tác giỏi – từ những năm 15, 17 tuổi, nhưng cho đến nay, đã bước sang tuổi ngũ thập, anh vẫn chưa hề tập hợp các ca khúc ấy lại thành một tác phẩm hoàn chỉnh dù dưới hình thức bản in hay dưới hình thức băng nhạc. Dịch – và dịch giỏi – vô số tác phẩm văn học lừng danh từ tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha, nhưng đến nay, tất cả đều chỉ được phổ biến trên mạng. Chưa hề có một dịch phẩm nào của Hoàng Ngọc-Tuấn được xuất bản. Và tôi cũng tin là nếu tôi không hối thúc anh, liên lạc với nhà xuất bản giùm cho anh, rồi giúp anh biên tập, đến nay, chưa chắc Hoàng Ngọc-Tuấn đã cho in cuốn Văn học Hiện đại và Hậu hiện đại qua thực tiễn sáng tác và góc nhìn lý thuyết (2002).

Nhưng tác phẩm đồ sộ cả về số trang lẫn về giá trị ấy có phải là toàn bộ sự nghiệp văn học của Hoàng Ngọc-Tuấn? Không. Ngoài nghiên cứu và lý luận, anh còn sáng tác thơ và truyện, được ký dưới nhiều bút hiệu khác nhau. Ở cả hai thể loại, anh đều có những thử nghiệm độc đáo và thú vị. Mỗi tác phẩm là một ý niệm mới về cái gọi là tác phẩm văn học. Không có tác phẩm nào trùng lặp với tác phẩm nào. Bất kể các tác phẩm ấy hay hay dở, bản thân sự xuất hiện của chúng đã là những đóng góp đầy ý nghĩa: chúng góp phần mở rộng diện tích của khái niệm văn học. Chúng củng cố cách nhìn văn học như những cuộc phiêu lưu bất tận. Chúng nuôi dưỡng niềm say mê đối với cái khác và cái lạ.

Tuy nhiên, tiếc thay, tất cả những tác phẩm ấy đều nằm rải rác trên mạng và một số tạp chí, đây đó. Chúng như những đứa con chờ đợi những tờ khai sinh chính thức. Có thể nói, dù đã bước vào tuổi tri thiên mệnh, Hoàng Ngọc-Tuấn cũng có vẻ còn say mê trong việc sản xuất con hơn là làm khai sinh cho con. Anh sinh sản liên tục. Hết tác phẩm này đến tác phẩm khác. Rồi vất chúng tung toé khắp nơi.

Thật ra, nghĩ cho cùng, việc lơ đễnh ấy cũng chẳng có nguy hại gì cho lắm. Dù có khai sinh hay không, con anh cũng vẫn là con của anh thôi. Chẳng ai giành giật hay phủ nhận được. Anh không làm giấy khai sinh cho chúng; một ngày nào đó, chúng sẽ làm khai sinh cho anh với tư cách một người viết truyện ngắn và người làm thơ. Có khi bản khai sinh do tác phẩm làm ấy mới là khai sinh thật. Và còn lại, lâu dài.

Dẫu sao, trước mắt, cũng có chút tội nghiệp cho những tác phẩm bị vất lăn lóc ấy. Là con chính mà sống như con rơi. Phần lớn phân tán và tản mác trong một thứ không gian ảo mang tên là internet.

Thôi thì tôi “lượm” giùm cho anh một số “đứa” vậy.

Bản thảo Tuyển tập sáng tác này được hình thành như một món quà cho ngày sinh nhật thứ 50 (tính theo tuổi Tây) của Hoàng Ngọc-Tuấn.

28.9.2006
Nguyễn Hưng Quốc

Cũng như Nguyễn Hưng Quốc, đôi khi tôi thấy tiếc cho Hoàng Ngọc-Tuấn, nhưng rồi tôi lại tự nhủ tính cách của anh là thế, như một con ong suốt đời chỉ biết say mê làm mật, và không cần giữ mật ấy cho mình. Và cũng vì thế, khi có người muốn bàn về chữ “danh” của Hoàng Ngọc-Tuấn, thì tôi xin thưa rằng, theo tôi, Hoàng Ngọc-Tuấn là một con người đã bỏ lại chữ “danh” ở sau lưng để lao mình vào thế giới của trái tim, khối óc và cái đẹp.

27.10.2008

© 2008 talawas