trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
27.6.2007
Hoàng Khởi Phong
Nhân văn, "người và việc"
 1   2 
 
Sau Phùng Quán một thời gian không lâu, đến lượt Văn Cao trở về với lòng đất. Nếu như Phùng Quán đến với Nhân văn như một tay xung kích trẻ, cả trong văn giới cũng như đời thường, thì Văn Cao là một tên tuổi chói lọi trong vòm trời văn nghệ. Ông là tác giả bài “Tiến quân ca” tức là quốc ca của miền Bắc. Đó là chưa kể những bản nhạc lừng danh khác như “Trường ca sông Lô”, “Tình ca trung du”, “Không quân Việt Nam”, “Hải quân Việt Nam” và một số ca khúc hàng đầu trong thời kỳ phôi thai của âm nhạc Việt Nam như “Thiên thai”, “Suối mơ”, “Buồn tàn thu”, “Khối tình Trương Chi”, mà những bản nhạc sau của ông không được trình diễn ở miền Bắc, vì bị quy là sản phẩm của tiểu tư sản, lãng mạn, uỷ mị không phù hợp với không khí của thời chiến và của đường lối sáng tác xã hội chủ nghĩa.

Văn Cao đã từng ở trong Ban Ám sát Thành, đã từng cầm súng giết người, nghĩa là không phải là một người làm văn nghệ bình thường mà là người cách mạng đầy sắt máu nếu cần. Trước khi tham gia Nhân văn-Giai phẩm, Văn Cao đã từng được cho đi tham quan Mạc Tư Khoa, và từ đó người ta nghe được những ý tưởng thất vọng của ông về thiên đường xã hội chủ nghĩa. Không một ai phủ nhận được vị trí chót cùng của Văn Cao trong âm nhạc, nên khi ông hoà mình vào nhóm Nhân văn, ảnh hưởng của ông với quần chúng thưởng ngoạn rộng lớn hơn nhiều. Trong mấy số báo ngắn ngủi của Nhân văn, ông đã đóng góp chỉ hai bài thơ "Anh có nghe không" và "Những ngày báo hiệu mùa xuân". Khác hẳn với lời ca trong các bản nhạc khi thì hào hùng, đầy tình tự dân tộc, tràn trề sức sống vươn cao trong các bản nhạc được cho phép hát. Hay là những hình ảnh lãng mạn, trữ tình của những bản nhạc không ai cấm, nhưng không một ai muốn trình diễn. Giọng thơ của Văn Cao giờ đây u uất gói gắm những bão táp ẩn trong lòng ông, và trong lòng người.

Vì ảnh hưởng của Văn Cao quá lớn trong quần chúng, nên việc trừng phạt ông tương đối nhẹ hơn. Ông bị đình chỉ công tác trong ngành nhạc, bị đưa đi thực tế lao động một thời gian như là một lời cảnh cáo, rồi sau đó được tha về Hà Nội. Từ đó cho tới năm 1975 ông không hề viết một bản nhạc nào, ông nhận trình bày bìa cho tờ Văn nghệ, như là một công việc để kiếm cơm. Năm 1976, sau đúng hai chục năm im lặng, ông viết một bản nhạc đầu tiên, được đăng trên một tờ báo ở trong nước, nhưng ngay lập tức tờ báo bị tịch thu, và không một ai được nghe bản nhạc này cho tới năm 1995, tức là gần hai chục năm sau, không khí chính trị đã bớt ngộp, mới được trình diễn trước công chúng. Đó là bản nhạc "Mùa xuân đầu tiên".

Sau hơn hai chục năm không soạn nhạc, bài hát này có thể không hay bằng những sáng tác trước kia của Văn Cao, nhưng đó là một bài ca thức tỉnh lòng người. Khi mà cả nước vào trong thời điểm đầu sau 75, toàn bộ những người sáng tác văn, thơ, nhạc, kịch của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngoạc miệng ra kêu gào chiến thắng, ca tụng chiến thắng. Không thiếu gì những truyện ngắn, truyện dài, thơ được viết bởi trí tưởng tượng nghèo nàn, lại thiếu học vấn với những chiến công thật và giả, như là những truyện khoa học giả tưởng, mà nếu dùng phân tâm học để phân tích các truyện ngắn này, người ta còn thấy đó là sản phẩm của những đầu óc bệnh hoạn. Chỉ riêng mình Văn Cao viết về hoà bình bằng những lời ca man mác u hoài và đầy nước mắt: "...Từ đây người biết thương người, từ đây người biết yêu người... Giọt nước mắt trên vai anh, giọt nước mắt trên vai em - Mùa xuân êm ấm ấy chưa có về đâu, gà gáy trưa bên ven sông... Từ đây người biết quê hương...".

Lời ca của Văn Cao trong bài hát này vào những năm 77 ấy quả là lạc điệu, và người ta cấm phổ biến. Lời ca như những cái gai nhọn đâm vào mắt những người ngồi trên chót vót của quyền uy, lời ca như cảnh tỉnh những người đang trong cơn lên đồng vì say men chiến thắng, nhưng nó chính là tiếng lòng của toàn dân. Từ năm 77 cho đến khi ông mất, Văn Cao không hề viết thêm một nốt nhạc nào, một dòng thơ nào. Ông uống rượu nhiều, nên hình ảnh ông mà tôi thấy trên một cuốn video dành riêng cho nhạc của ông, bên cạnh những ca sĩ măng tươi mơn mởn và là những giọng ca hàng đầu của thời điểm đó như Ánh Tuyết, Hồng Nhung, Văn Cao là một ông già rúm ró đến thảm hại. Mặc dù suốt đời tôi chưa bao giờ được nhìn thấy Văn Cao bằng xương bằng thịt, nhưng tự đáy thâm tâm tôi cảm thấy gần gụi với ông hơn nhạc sĩ Phạm Duy, người chỉ trú ngụ cách tôi một hai bloc đường, và một năm đôi lần tôi gặp mặt trong những dịp sinh hoạt của tờ báo Người Việt. Tôi phải ghi chú ở đây một điều: Nếu so sánh những gì Phạm Duy và Văn Cao để lại cho đời, thì gia tài của Phạm Duy đồ sộ hơn, nhưng thái độ khệnh khạng kẻ cả của Phạm Duy đã đẩy tôi lùi xa ông ra. Về tài hoa thì chưa chắc ai hơn ai, nhưng Phạm Duy thì may mắn đủ điều so với Văn Cao.

Đám tang của Văn Cao được thu hình để cho vào cuốn video thứ hai của ông, mà ở đó tôi thấy những bài điếu văn bầy tỏ lòng xót thương của loài cá sấu. Nào có hề chi, khi ông còn sống, chính những giọt nước mắt ấy đã từng đầy đoạ ông, khiến cho ông sống không ra hình thái một con người, thế nhưng khi ông mằn xuống cũng lại chính những tên giả hình đó đến khóc mướn thương vay. Nhưng quan trọng hơn cả là bên cạnh và đàng sau xe tang, là một đoàn người dài lê thê, dễ chừng có tới hàng vạn người, chứng tỏ rằng khi nằm xuống ông đã để lại cho đời lòng thương tiếc khôn nguôi. Nào có sá gì trăm vòng hoa giả trá, cùng ngàn lời ai điếu đãi bôi.


*


Sau Văn Cao đến lượt Trần Dần nằm xuống. Tôi nhớ lại lần đầu khi đọc Trăm hoa đua nở trên đất Bắc, thái độ sống không khuất phục của Trần Dần khiến cho ông là người tôi cảm phục nhất. Ông sinh năm 1924, được kết nạp vào Đảng từ năm 1951, nhưng cũng sớm đánh mất niềm tin tưởng của ông vào Đảng cũng như của Đảng đối với ông, khi ông được điều về làm công tác viết báo cho Cục Quân huấn thuộc Trung ương. Không chịu nổi bầu không khí lúc nào cũng ngột ngạt, ông xin đổi ra mặt trận, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Chứng kiến cảnh quân kháng chiến ào ạt tấn công vào thành luỹ kiên cố của quân Pháp, cũng như cái chết thê thảm của họa sĩ Tô Ngọc Vân, ông viết tác phẩm Người người lớp lớp, và cũng nhờ tác phẩm này ông được Đảng tín nhiệm trở lại, cho đi tham quan Trung Quốc. Nhưng khi từ Trung Quốc trở về, ông đã cùng một số nhà văn khác gửi lên Trung ương một kiến nghị, yêu cầu hạn chế sự can dự của cán bộ chính trị vào văn nghệ.

Cũng đúng vào thời gian này Trần Dần tự tiện lấy vợ, bất chấp sự can thiệp của Đảng. Mặc dù là đảng viên nhưng bản chất nghệ sĩ đã khiến cho ông không chịu nổi luyến ái quan Mác-xít, nên thẳng tay từ chối nhiều lần Đảng xây dựng cho ông với các nữ đồng chí khác. Sau cùng ông đã xin ra khỏi Đảng để lấy cho kỳ được người thiếu nữ mà ông yêu quý. Việc dại dột nhất của ông là viết bài phê bình và đả kích tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu, nhân vật cầm trịch và đứng ở hàng chót vót của giới văn nghệ miền Bắc. Thế là ông đã đụng đến cái vẩy ngược của thú dữ, nên bị bắt giam ở một nhà giam trên Việt Bắc, trong khi bà vợ trẻ đang bụng mang dạ chửa, mà toàn bộ gia đình bên vợ đã di cư vào Nam. Có thể nói Trần Dần mới chính là linh hồn của nhóm Nhân văn, ông đóng góp bài cho tất cả các số báo Nhân văn, với khá nhiều bút hiệu mà trong đó hai bài thơ quan trọng nhất là "Nhất định thắng" và "Hãy đi mãi", ký bằng tên thật của ông, khiến cho người đọc cảm nhận như đây không hẳn là thơ, mà là lời tuyên chiến của ông đối với bọn giả hình đang chễm trệ trên đầu quần chúng.

Vốn là kiện tướng của cả nhóm, trong cuốn Ghi của ông, người đọc thấy đủ những đắng cay nghiệt ngã ập đến với ông trong thời gian bị kỷ luật. Từ hành xác, cho tới uy hiếp về tinh thần, ly gián ông với các bạn trong nhóm, khiến người nọ ngờ vực người kia. Đã có lần ông phẫn chí tự tử, nhưng sau khi được cứu sống ông đã cho biết ông phải sống để làm thơ ca tụng con người. Và quả là trong cuốn Ghi, người đọc đã nhận biết được ông đã sống như thế nào. Trần Dần không phải là loại người thúc thủ chịu đòn, ông nghiến răng chịu đựng những trận đòn thù, nhưng thỉnh thoảng cũng có những đòn phản công ngoạn muc. Ông không hề mất tinh thần vì bị vây đánh từ tứ phương tám hướng. Khi người ta muốn ông phải cúi gằm xuống để sống, ông ngước mặt lên chịu đựng, nhìn đời và sống như thể một con người.

Ông khác với Phùng Quán một điều: với Phùng Quán thì Đảng có thể tốt, chỉ có những người đảng viên xấu, làm hoen ố xã hội chủ nghĩa, trong khi đó Trần Dần nhìn Đảng Cộng sản nghiêm khắc hơn nhiều. Nếu nỗi đau thể xác của cả hai tương đương, thì về mặt tinh thần Phùng Quán bị đau hơn một tầng, bởi ông còn một lòng tin tưởng vào chủ nghĩa xã hội và con người cộng sản. Nỗi đau của Phùng Quán là sự oan ức mà ông phải gánh chịu, chỉ vì muốn làm tốt cho Đảng, trong khi đó thì với Trần Dần, đã yên hẳn một bề. Chính vì vậy mà đám tang Trần Dần tuy có đông người tham dự, nhưng có thể nói rất nhiều người đi sau xe tang của ông là người của chế độ. Vừa để làm cảnh đẹp cho màn chót của một vở kịch đời, vừa để phản ứng khi hữu sự. Vài năm sau khi ông nằm xuống, những ghi chú của ông được nhà văn Phạm Thị Hoài biên tập lại và cuốn Ghi ra đời. Đây chính là một đòn phản công cuối cùng của ông, mà ở đó người đọc có thể thấy được toàn bộ một vở kịch, mà trước đó người ta chỉ nhìn thấy những góc độ rất nhỏ, qua chủ quan của mỗi cá nhân. Tất nhiên Ghi cũng có cái nhìn chủ quan riêng của Trần Dần, song ông ghi lai toàn bộ mọi sự kiện, trong khi các nhân vật khác trong vụ hoặc là né tránh, hoặc là sợ hãi quá mà không dám ngoái đầu nhìn lại. Từ những sự kiện lớn tương đương với nhiều mạng người, cho đến những điều nhỏ li ti như cái kim, sợi chỉ đều được ông ghi lại với ngày tháng đầy đủ, bằng một giọng văn ngắn, gọn, sắc và lạnh. Ông cung ứng cho những thế hệ sau một cái nhìn toàn diện về bối cảnh, diễn tiến, hậu quả và ảnh hưởng của phong trào Nhân văn. Ông vẽ cho thế hệ sau bức tranh toàn cảnh của xã hội chủ nghĩa, với đầy đủ cái tính ác của xã hội này. Ông phơi bầy cho mọi người thấy cái tâm địa, cái bản chất của những con người trong chế độ, kể cả chính mình.


*


Mới đây nhất là cái chết của ông Nguyễn Hữu Đang vào tháng 2.2007. Nào có gì đáng ghi lại cho cái chết của một ông lão chỉ thiếu 6 năm nữa là chẵn tròn trăm tuổi, nhất là khi còn sống ông không ở trong một chức vụ cao quý nào. Chẳng những thế ông còn tự ý bước ra khỏi hàng ngũ lãnh đạo, nhập thân vào một nhóm nhỏ chưa quá một trung đội, để mơ đội đá vá trời. Đối với Nguyễn Hữu Đang, tôi chỉ muốn ghi lại ông đã sống như thế nào kể từ khi trận bão Nhân văn bắt đầu nổi lên trên các mặt hồ ở Hà Nội.

Đối với một guồng máy tổ chức mà chức vụ "thủ kho" đôi khi to hơn "thủ trưởng", thì cái quá khứ Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền, Bộ Thanh niên, hay Thị trưởng đầu tiên của thành phố Hà Nội vào những năm 1945 thì ăn thua gì, huống hồ những chức vụ có tiếng mà không có miếng như Chủ tịch Hội Truyền bá Quốc ngữ, Trưởng ban Tổ chức Ngày Độc lập thì lại càng không đáng kể. Đã thế lại còn bị bắt bỏ tù 17 năm trời, bị quản chế ba năm, và sau đó là hai chục năm trời đổi vỏ bao thuốc lá lấy cóc nhái, làm thức ăn, chui rúc lọ mọ nơi cái trái của một chuồng lợn ở vùng quê Thái Bình, thì ngay cả khi còn sống cũng không ăn thua gì huống hồ lại chết.

Vì vậy khi ông Nguyễn Hữu Đang mất, vài tờ báo in trong nước đưa tin chiếu lệ, nhưng không một tờ báo điện tử nào như VietNamNet có được vài dòng. Nhiều người cho rằng các báo điện tử của nhà nước không đưa tin, cốt để giấu người Việt hải ngoại được ngày nào hay ngày ấy về cái chết của ông Nguyễn Hữu Đang. Tôi không nghĩ như vậy. Người cộng sản làm gì cũng có nguyên tắc, có chỉ thị. Chẳng thế mà triết gia Trần Đức Thảo, một nhân vật khác của Nhân văn khi sống cũng chẳng hơn ông Nguyễn Hữu Đang bao lăm, nhưng vì là triết gia nổi tiếng ở Pháp trước khi về Việt Nam vào đầu thập niên 50, nên vào lúc cuối đời ông Trần Đức Thảo được nước Pháp mời qua làm một bản nghiên cứu triết học gì đó. Ông chết ở bên Tây, tro cốt mang về Việt Nam cả hai tháng trời, để chờ quyết định là được để ở nghĩa trang Mai Dịch hay Văn Điển. Sống đã như ma xó, thì chết chôn ở đâu mà chẳng được.

Cũng cần ghi chú là trong thời gian chờ đợi gần hai tháng đó, hũ tro cốt của ông theo Phùng Quán cho biết, đã phải trả tiền thuê chỗ là năm ngàn đồng mỗi ngày. Trở lại với ông Nguyễn Hữu Đang, trong cuốn Ba phút sự thật của Phùng Quán, tôi đọc được một bài ký ghi lại chuyến đi thăm Nguyễn Hữu Đang của Phùng Quán, vào thời gian đầu thập niên 90, khi đó Nguyễn Hữu Đang đang ở Thái Bình, đã dời khỏi cái trái của chuồng lợn hợp tác xã, dọn về ở trong cái trái của nhà bếp tập thể của một ngôi trường tại đây. Phùng Quán được Nguyễn Hữu Đang đãi cơm với hai món đặc sản chả cóc băm viên, món thứ hai là chả nhái băm viên có mì chính. Nguyễn Hữu Đang cho biết mười mấy năm nay nhờ bồi dưỡng thường xuyên với hai món đặc sản này, mà lúc nào ông cũng khoẻ. Có khi còn khoẻ hơn Phùng Quán là người trẻ hơn ông hai chục tuổi chẵn.

Trong bài ký, Phùng Quán hỏi: “Thế nhưng cóc nhái đâu ra mà anh bồi dưỡng thường xuyên như thế”, rồi Nguyễn Hữu Đang trả lời: “Phải biết huy động lực lượng quần chúng, tức là các cháu thiếu nhi. Biết các cháu ở đây thích chơi vỏ bao thuốc lá, mỗi lần lên thị xã Nam Định chơi, tôi nhặt nhạnh về, đổi chác cho các cháu lấy cóc nhái. Cũng có tiêu chuẩn hẳn hoi. Một vỏ bao ba số, đổi 3 con cóc hoặc 5 con nhái... Mội tháng tôi chỉ cần ba, bốn chục cái vỏ bao thuốc lá là thừa chất đạm, mà lại là loại đạm cao cấp...”. Thật là đau lòng cho "hạch toán kinh tế" của một khối óc lớn.

Để biết rõ về con người Nguyễn Hữu Đang, tôi ghi lại thật vắn tắt đôi dòng tiểu sử của ông. Ông sinh năm 1913, theo học sư phạm từ năm 1932-1936. Năm 1937 tham gia Mặt trận Dân chủ Đông Dương, 1938-1945 tham gia rồi làm Chủ tịch Hội Truyền bá Quốc ngữ, 1943 gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong đại hội Tân Trào 1945, khi thành lập chính phủ lâm thời ông được đề cử Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền, rồi Bộ Thanh niên. 1946-1954 Trưởng ban Tuyên truyền Tổng bộ Việt Minh. 1954-1958 Biên tập viên báo Văn nghệ. Cuối năm 1956 biên tập báo Nhân văn, cộng tác với các giai phẩm. Bị bắt giam năm 1958. Năm 1960 bị kết án 17 năm tù. Được trả tự do năm 1973. 1989 được phục hồi một phần hội tịch Hội Nhà văn. 1990 được hưởng lương hưu trí. Từ năm 1993 về sống tại Hà Nội.

Chẳng biết ông ăn lương hưu trí bậc mấy, chỉ biết rằng ông có một cuốn sổ tiết kiệm gửi tiền ở nhà băng, phòng xa những khi hữu dụng. Khi Phùng Cung muốn in một tập thơ, nhưng không có khả năng chi phí ấn loát, Nguyễn Hữu Đang đã đưa toàn bộ số tiền ông dành dụm trong nhiều năm trời cho Phùng Cung đi in thơ.


4.

Đọc xong tiểu sử của Nguyễn Hữu Đang, biết ông chưa bao giờ có vợ, rất nhiều lần tôi tự hỏi: Ông thương tiếc cõi đời chó má này làm chi mà sống dai thế. Sống một cuộc đời không ra dạng con người, mà lại chỉ có một mình một bóng, không có bổn phận trách nhiệm với ai, thì sao không tìm một lối đi thanh thản cho mình, như một giấc ngủ say. Ông có gì để tha thiết, tiếc nuối cuộc sống này? Mà nào có phải cuộc sống, nào có phải trần gian? Nơi ông trú ngụ chính là địa ngục, với ngạ quỷ trá hình người.

Mà không phải chỉ có một mình Nguyễn Hữu Đang sống dai, đa số những người dính líu tới Nhân văn đều khá thọ so với tuổi thọ trung bình của nước Việt. Ngoại trừ Phùng Quán mất sớm ở tuổi ngoài 60, theo thứ tự thời gian từ Phan Khôi, Trần Đức Thảo, Phùng Quán, Văn Cao, Trần Dần, Phùng Cung... ai nấy đều mất khi bước qua ngưỡng cửa bẩy chục. Nguyễn Hữu Đang khi mất 94. Giờ đây còn lại ba người còn sống là Hoàng Cầm, Lê Đạt đều bước vào tuổi 80, và sau cùng Hữu Loan đã bước qua ngưỡng cửa chín chục. Tôi cứ băn khoăn mãi về sự sống dai của những người đã quá quen với đầy ải, khổ đau này. Phải có một lý do nào đó để họ tồn tại bằng mọi giá?

Hiện nay những tên tuổi lớn của Nhân văn còn lại ba người là Hữu Loan, Hoàng Cầm và Lê Đạt. Tôi tự hỏi tại sao Giải thưởng Nhà nước lại phát cho bốn người mà trong đó hai người đã chết là Phùng Quán và Trần Dần? Tại sao không để cho người chết được yên nghỉ, bằng cách bớt đi hai giải cho người đã khuất, nhưng thêm một giải thưởng cho người còn sống là Hữu Loan. Qua thắc mắc này tôi nghĩ chắc Hữu Loan cũng được đề nghị nhưng từ chối.

Đúng vậy, Hữu Loan, tác giả bài thơ tình "Mầu tím hoa sim", một bài thơ mà bất cứ một người lính Việt Nam nào, cả Nam lẫn Bắc đều thuộc vài câu đó là một người có cái lưng thật thẳng. So với Nguyễn Hữu Đang, Hữu Loan nào có thua kém gì.

Theo "Hữu Loan tự phỏng vấn" được đăng tải trên talawas, ông sinh năm 1916, kém Nguyễn Hữu Đang ba tuổi, theo học Quốc ngữ rất sớm và đồng thời hoạt động cách mạng ngay từ thời còn là học sinh trung học từ năm 1936 cho tới 1942. Từ 1943-1945 ông về quê đi cầy, đánh cá làm Việt Minh và khởi nghĩa ở ngay huyện nhà. Cũng trong năm ấy, trong Uỷ ban Lâm thời Tỉnh, ông giữ chức Trưởng ty cho bốn ty gồm: giáo dục, thông tin, công chính và thương chính, để rồi chán lại về quê đi cầy, đánh cá nuôi bố mẹ già. Năm 1954 khi Việt Minh về tiếp quản thủ đô Hà Nội, ông nhận được điện gọi ra làm biên tập viên báo Văn nghệ, được vào biên chế Hội Nhà văn, rồi tham gia Nhân văn rồi lại chán những điều trước mắt, về quê đi cầy và đi thồ từ năm 1958. Hiện nay vẫn cư ngụ ở quê nhà thuộc tỉnh Thanh Hoá. Ít nhất trong vài dòng tiểu sử do chính Hữu Loan cung cấp, người đọc bắt được hai lần ông chán, và mỗi lần chán là bỏ về quê đi cầy, đánh cá, đi thồ, mà lần sau kéo dài từ nằm 1958 tới nay là gần một nửa thế kỷ.

Cũng vẫn trong bài tự phỏng vấn này, Hữu Loan tiết lộ một điều là ông tham gia Việt Minh, lần đầu bỏ về thì bố mẹ giận, lần thứ hai thì con cháu oán. Thậm chí con trai ông tên Cương, thi đại học thừa điểm đi nước ngoài, nhưng đến trường trong nước cũng không được học, mà người ta lại cho một tên Cường nào đó gần giống tên con ông được thay vào chỗ xuất ngoại của con ông. Con cháu oán trách, giận hờn vì những người hoạt động Việt Minh trong vùng quê ông đều là đàn em ông cả, đều đã từng được ông sắp đặt chức vụ, giờ đây ai nấy đều ăn sung mặc sướng, nhà lầu xe hơi. Chỉ riêng mình ông là cơ cực bần hàn, may mà chỉ bị kỷ luật sơ sơ chưa đến nỗi vào tù ra khám như Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần.

Có một đứa cháu điên tiết đã rủa ông: "Ông là ngu nhất, ông bảo ông mẫu mực. Cái mẫu mực ấy đem mà vất cho chó nó ăn. Chả đứa nào nó thương ông. Ông tự làm khổ ông, rồi khổ lây sang con cháu". Lúc đó Hữu Loan lại phải đấu dịu con cháu: "Thôi tao van xin chúng mày, nếu mẫu mực mà lại được ngay ô tô với nhà lầu, thì chúng tranh nhau chết để làm mẫu mực, chứ chả đến phần tao...".

Lần thứ hai Hữu Loan bỏ về nhà chính là sau khi học tập vì vụ Nhân văn, khi Nguyễn Hữu Đang bị tố là đầu sỏ phản động, các học viên xúm nhau lại làm kiến nghị lên Trung ương yêu cầu xử tội, thì Hữu Loan là người duy nhất đã ký vào bản kiến nghị với lời ghi chú như sau: "Khi Nguyễn Hữu Đang hoạt động với tôi, tôi thấy Nguyễn Hữu Đang là người có tài có đức, tội trạng mới đây của Nguyễn Hữu Đang tôi chỉ tai nghe, mắt không thấy, nên không có kết luận - Ký tên Hữu Loan".

Trong bài tự phỏng vấn này, bà vợ ông còn cho biết: Lần cuối còn có hai anh cán bộ đến nhà vận động ông ở lại. Họ nói từ sáng đến trưa, ông nhà tôi cầm cái bút lên bẻ làm đôi, bảo: “Làm cán bộ, làm nhà văn khó lắm. Viết vừa lòng nhà nước thì dân chửi cho, viết vừa lòng dân thì có thể đi tù như chơi. Thôi tôi về đi cầy”.

Cứ như thế, suốt mấy chục năm trời nhà thơ Hữu Loan đi thồ đá, cùng với ba người con trai lớn, có khi phải thức dậy từ 3 giờ sáng, kéo ba chuyến xe cải tiến đá từ trên núi xuống, bán cho các thuyền buôn rồi các con mới ăn bát cơm độn để chạy bộ 7 cây số đi học. Cứ như thế hai vợ chồng nhà thơ nuôi đủ 10 người con từ năm 1958 cho tới nay, nghĩa là chỉ thiếu một năm là chẵn tròn nửa thế kỷ.

Sau cùng còn lại hai người là Hoàng Cầm và Lê Đạt, hai nhân vật đã mau mắn trả lời "nhận" giải thưởng của nhà nước, mà qua lời ông Đỗ Chu nào đó thì phần thưởng này dành cho những đóng góp văn học của Nhân văn.

Về Hoàng Cầm thì không một ai phủ nhận được tài năng và những đóng góp của ông với thi ca qua những bài thơ lừng danh như "Bên kia sông Đuống”, “Đêm liên hoan.." trong thời kháng chiến, "Em bé lên sáu tuổi" (trong Nhân văn-Giai phẩm) và đặc biệt là những vở kịch thơ, do đó những đóng góp của ông xứng đáng để nhận một giải thưởng về văn học. Tôi không phải là người quá khích đòi hỏi mọi nhà văn, nhà thơ phải sống kiên cường, không khuất phục như Trần Dần. Do đó tôi cảm thông với những hành động của Hoàng Cầm, đã được Trần Dần ghi lại trong cuốn Ghi. Nhà văn, nhà thơ vốn là những con người yếu đuối nên sợ khổ, sợ tù, sợ chết, là chuyện bình thường. Hoàng Cầm không phải là Trần Dần, Phùng Quán, Nguyễn Hữu Đang, Hữu Loan... do đó không thể đòi hỏi ông hành xử như những tính danh vừa nêu trên. Đòi hỏi như thế thì cũng chẳng khác gì những người đã đầy đoạ Nhân văn trong nửa thế kỷ qua.

Với Lê Đạt thì khác. Nếu như giải thưởng nhà nước dành cho những đóng góp văn học, chúng ta thử kiểm điểm thành tích văn học của Lê Đạt. Trước tiên nếu những giá trị văn học ấy liên quan đến Nhân văn-Giai phẩm, thì đóng góp của Lê Đạt không có gì là đáng kể, ngoài bốn câu thơ mà cụ Phan Khôi đã dùng để dẫn vào cái truyện "Ông bình vôi". Suy luận của học giả Hoàng Văn Chí khi thực hiện cuốn Trăm hoa đua nở trên đất Bắc cho rằng bốn câu thơ này ám chỉ ông Hồ, càng già càng nhỏ lại, càng kém đi. Tôi cho cách suy luận này khá mơ hồ. Tôi không được đọc đủ nguyên bản các cuốn Giai phẩm, nhưng trong Trăm hoa đua nở của cụ Hoàng Văn Chí, thì hình như Lê Đạt chỉ đóng góp vỏn vẹn bốn câu thơ này, do đó trong phần mục lục của cuốn sách, không thấy một phần nào dành riêng cho các sáng tác của Lê Đạt. Ông đã trả giá cho bốn câu thơ này bằng nhiều năm đầy ải, nhưng bù lại ông cũng hưởng lộc khá nhiều do bốn câu thơ này. Nếu kể cả những sáng tác sau này của Lê Đạt, gồm một tập văn Hèn đại nhân, mà tôi đã viết bài giới thiệu vào khoảng giữa thập niên 90, khi còn giữ phụ trang văn học của tờ Người Việt. Tôi còn nhớ như in nội dung bài giới thiệu này, và cho là ông đã khéo sử dụng thủ pháp "ý tại ngôn ngoại" viết những mẩu chuyện về những nhân vật ngoại quốc, nhưng thật ra là để nói chuyện Việt Nam. Đó là một cuốn sách hay, nhưng đóng góp về văn học của nó thì không có gì là cao. Gần đây dư luận ồn ào lên với tập thơ Bóng chữ của Lê Đạt. Nhiều người cho là ông đang cách tân thơ, tôi không nghĩ như vậy. Về điểm này thì cả Trần Dần sau khi chống trả mãnh liệt với đời, về già cũng hay cổ võ việc làm cách tân thơ, nhưng có lẽ cả Trần Dần, Lê Đạt, cũng như Phùng Cung trong tập Xem đêm chưa có một thành tựu nào đáng kể trong ngôn ngữ thi ca mới, mà cả ba đã nhiều lần thử nghiệm.

Sau cùng tôi quay trở lại với ông Đỗ Chu, thành viên của hội đồng giải thưởng chuyên ngành văn với lời phát biểu: "Có thể đây là lời xin lỗi của nhà nước đối với các anh...". Vậy thì lỗi đó là lỗi gì, cần phải nói thẳng ra.

Thật ra thì chẳng nói người ta cũng biết: lỗi đó là cách hành xử của nhà nước với Nhân văn, những người dại dột tưởng nhà nước chủ trương “Trăm hoa đua nở - Trăm nhà đua tiếng” thật, tưởng nhà nước chống tham ô lãng phí thật, chống tệ sùng bái cá nhân thật, nên đã hăm hở xông vào những nơi xú uế, những mong giúp nhà nước dọn sạch những nơi cần dọn. Nào ngờ không phải vậy. Khi mà cả nước nói dối, như ông Hà Sĩ Phu đã nói "Nói dối là quốc sách", thì càng hăng hái nói thật bao nhiêu, càng hăng hái dọn dẹp bao nhiêu thì càng nhiều tội bấy nhiêu. Đó là chưa kể những cái bẫy đã được những người sợ lung lay chỗ ngồi của mình, đào sẵn chờ các nhà văn sập hố. Dễ thường có cả trăm, ngàn cái bẫy trong cuốn Ghi của Trần Dần. Thế rồi để che đậy những lỗi lầm nhỏ, người ta mắc phải những lỗi lầm lớn hơn. Để làm mất đi những cái hố đã đào, người ta khoét to những cái hố đào sẵn.

Cứ lỗi to chồng lên lỗi nhỏ, cứ hố lớn phủ lên hố con, mãi rồi cũng có lúc thời thế đổi thay, và người ta phải một lần nhìn lại những biến cố đã đi vào lịch sử. Cách tuyên bố của ông Đỗ Chu giống như đánh bùn sang ao, sập xí sập ngầu cho qua chuyện. Miễn là có vài nhân vật thành danh của Nhân văn đứng ra nhận lãnh giải thưởng của nhà nước, là đã có thể xoa tay đóng lại một hồ sơ tồn đọng quá lâu.

Tôi ngờ rằng sau khi tuyên bố cởi trói cho văn nghệ, cho phục hồi hội tịch nhà văn của những người can dự vào Nhân văn-Giai phẩm, các nhân vật như Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Phùng Quán, Hữu Loan... đều được tiếp xúc về giải thưởng này, thế nhưng đã không đạt được một sự biểu đồng tình nào. Từ năm 1988 cho tới 2007 là 19 năm trường, trong 19 năm đó thời gian đã cướp đi khá nhiều khuôn mặt tiêu biểu của Nhân văn, một nhóm người không lấy gì làm nhiều nhân số. Theo thứ tự thời gian từ năm 1993, thần chết đã đến viếng Trần Đức Thảo, Phùng Quán, Văn Cao, Trần Dần, Phùng Cung và mới nhất vào đầu năm 2007 là Nguyễn Hữu Đang. Chỉ sau khi an táng Nguyễn Hữu Đang vài tuần ngắn ngủi, Hoàng Cầm và Lê Đạt có tên trong danh sách những người được giải thưởng nhà nước, khiến tôi ngờ rằng nhà nước đã không thể chờ đợi lâu hơn nữa. Chờ nữa thì có khi phải lên thiên đàng, hay xuống địa ngục để phát giải thưởng này, do đó phải đành phải hài lòng với hai người tuyên bố nhận giải thưởng này. Nếu nói như ông Đỗ Chu, coi như là lời xin lỗi của nhà nước đối với anh em Nhân văn, thì tại sao lại không phát giải này cho cả Hữu Loan, người mà tôi tin rằng sự đóng góp cho văn học ít nhất cũng bằng nếu không muốn nói là nhiều hơn Lê Đạt.

Nhiều người ở hải ngoại cho là dứt khoát phải từ chối, bớt quá khích hơn thì cho là chỉ nhận giải với một đồng danh dự, nhưng phải có một văn bản xin lỗi chính thức của nhà nước. Có người còn dè bỉu chê bai ít, có bốn chục triệu chưa đầy ba ngàn đô chẳng bõ bèn gì. Phải ba ngàn đô la ở nước Mỹ hiện nay chẳng làm được cái gì, không đủ tiền đặt cọc mua một cái xe mới, thế nhưng ở trong nước số tiền này là một gia tài không nhỏ, tương đương với bốn cây vàng. Và vì vậy tôi lại khâm phục Nguyễn Hữu Đang thêm một tầng nữa, khi toàn bộ gia tài của ông trong sổ tiết kiệm, công lao chắt chiu dành dụm bốn năm trời vỏn vẹn được 4 triệu đồng (độ 250 đô la), ông đưa cả cho Phùng Cung để in thơ.

Tôi cho là Hoàng Cầm, Lê Đạt có thể nhận giải, dẫu cho giải chỉ là một, hai, năm, bẩy triệu đồng, chứ đừng nói là tới 40 triệu đồng. Vẫn có thể nhận giải ngay cả khi nhà nước không chịu đưa ra một văn bản chính thức xin lỗi, với điều kiện là trong buổi lễ trao giải, dưới sự chứng kiến của nhiều người trong và ngoài văn giới, và nếu được phát biểu sau khi nhận giải, phải nghiêm trang xác định với mọi người hiện diện, về lời xin lỗi không đúng cách và quá muộn màng của nhà nước. Nếu chỉ im lặng nhận giải, tươi cười chụp hình đăng báo, trả lời phỏng vấn một cách chung chung cho qua chuyện, thì có lẽ tôi cần ghi lại đây bài thơ đã làm cho cuộc đời Lê Đạt có quá nhiều chông gai và lắm đoạn trường. Bởi vì bài thơ đó không chỉ đúng với ông Hồ, mà đúng với mọi người kể cả tác giả của nó là Lê Đạt:

"Những kiếp người sống lâu trăm tuổi
Y như một cái bình vôi
Càng sống càng tồi
Càng sống càng bé lại"

Viết tới đây thì tôi có thể hiểu tại sao những người như Nguyễn Hữu Đang, Hữu Loan, Trần Dần và cả Hoàng Cầm, Lê Đạt có nhiều sức sống mãnh liệt đến như vậy. Với một đất nước như Việt Nam trong giai đoạn lịch sử vừa qua, họ sống không phải chỉ là sống, mà để làm nhân chứng kể cả vật chứng cho những điều ác đang khống chế cái thiện. Họ càng sống dai, thì cái lỗi càng lồ lộ. Họ càng tiều tuỵ đau thương, thì rồi mới có ngày mọi người phải nhìn thấy cái ác và điều quấy.

Nếu quả đúng như thế thì tôi cầu chúc cho Hữu Loan sống lâu trăm tuổi. Năm nay ông đã 91. Cách ông tự phỏng vấn, rồi tự trả lời cho biết ông còn rất minh mẫn, và nhìn trong hình ông còn khoẻ lắm. Trong tình hình này chín năm nữa mọi sự phải rõ ràng, không thể mập mờ đánh lận con đen, như cách ông Đỗ Chu xin lỗi những người dính líu tới Nhân văn.
Nguồn: Bài sắp đăng trên tạp chí Văn học (California) số tháng 7.2007