trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuậtTư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Ngày Báo chí Việt Nam 21 tháng Sáu
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49 
2.2.2007
Nguyễn Đình Đăng
Thấy gì sau khi đọc hai bài báo
 
Thời báo Nhật Bản ngày 30 tháng 1 năm 2007 [1] đưa tin Toà Thượng thẩm Tokyo vừa ra lệnh cho NHK – hãng truyền thông công cộng lớn nhất của Nhật - phải bồi thường 2 triệu yên (khoảng 17 ngàn USD) cho tổ chức phi chính phủ “Bạo hành chống phụ nữ trong mạng lưới chiến tranh Nhật Bản” (viết tắt là VAWW-NET Japan). Lý do là vì, theo tố cáo của bên nguyên, NHK đã biên tập bộ phim tài liệu truyền hình dài 44 phút do VAWW-NET Japan dàn dựng năm 2001. Nội dung của phim xoay quanh một toà án giả tưởng xét xử chế độ nô lệ tình dục thời chiến tranh do chính phủ quân phiệt Nhật gây ra. Bên nguyên cáo buộc NHK đã chịu sức ép chính trị của đảng cầm quyền là Đảng Tự do Dân chủ và trực tiếp từ Shinzo Abe - hiện là Thủ tướng Nhật - để cắt đi 4 phút đoạn toà án giả tưởng kết luận Hoàng đế Nhật Bản Hirohito (Showa) có tội vì đã cho phép quân Nhật bắt các phụ nữ Hàn Quốc, Trung Hoa làm nô lệ tình dục, được che đậy dưới cái tên mỹ miều là “comfort women”. Tiết lộ năm 2005 của một giám đốc sản xuất chương trình của NHK đã xác nhận cáo buộc này là đúng.

Phán quyết của Toà Thượng thẩm Nhật Bản xoáy vào cách hiểu quyền biên tập nội dung của NHK trong tương quan với trách nhiệm của NHK đối với các cộng tác viên. Toà cũng xem xét kỹ quá trình biên tập có chịu sức ép bên ngoài hay không. Toà kết luận rằng NHK đã thay đổi nội dung của bộ phim theo những ý kiến của các nhà chính trị. Quan toà Toshifumi Minami xác nhận rằng chương trình được phát đã bị biên tập khác đi so với bản gốc vì NHK đã “lạm dụng quyền biên tập” và vi phạm hợp đồng với bên nguyên. Bà Rumiko Nishino - một đại diện của VAWW-NET – nói rằng việc biên tập này của NHK là “sự xúc phạm đối với các nạn nhân của nô lệ tình dục” và “một vi phạm quyền tự do ngôn luận”. Bà ca ngợi phán quyết của Toà án và cho rằng đó là một “thắng lợi hoàn toàn của bên nguyên”. Bà còn nói thêm rằng “nếu biên tập kiểu ấy được coi là quyền tự do biên tập của truyền thông thì trong tương lai bất kỳ lối kiểm duyệt chính trị nào cũng có thể xía vô”. Các luật sư của bên nguyên cũng thêm vào rằng phán quyết chủ yếu ra lệnh cho NHK phải tự xác định mình là hãng truyền thông và không được phép sợ hãi bất cứ thế lực chính trị nào.


*


Tự do ngôn luận là quyền tự do cao nhất của con người trong xã hội văn minh. Đó là quyền của mỗi con người có thể phát biểu công khai quan điểm của mình mà không sợ bị kiểm duyệt hay bị trừng phạt. Quyền tự do ngôn luận của người Nhật và bất kỳ ai sống tại nước Nhật được bảo vệ bằng điều 21 của Hiến pháp Nhật Bản (năm 1946): “Tự do hội họp và lập hội cũng như tự do ngôn luận, báo chí và các dạng khác của biểu hiện được bảo đảm. Không được kiểm duyệt cũng như không được vi phạm bí mật trao đổi thông tin, thư tín dưới bất cứ hình thức nào.” Người Nhật không hô khẩu hiệu “Sống và làm việc theo pháp luật” như ở Việt Nam nhưng thực tế cho thấy họ làm đúng như vậy. Còn ở ta thì có quá nhiều thứ chỉ nói nhưng không làm hoặc làm ngược hẳn với những gì hô hào. Sự cố được phản ánh trong bài “Cái bỉm của Trương Tân và quyền không được tự do triển lãm” của Nguyễn Minh Thành [2] đăng trên talawas cũng vào ngày 30/1/2007 là một ví dụ mới nhất.

Thời báo Nhật Bản là tờ báo phổ cập nhất cho độc giả đọc Anh ngữ sống ở Nhật. talawas là diễn đàn mạng thuộc loại có tiếng nhất của trí thức Việt Nam. Hai bài báo trong cùng một ngày - một đăng ở tờ báo Nhật về quyết định phạt tiền NHK vì đã vi phạm quyền tự do ngôn luận, cắt xén một chương trình do áp lực chính trị của giới cầm quyền, bài kia đăng ở trang báo điện tử của người Việt về áp lực của nhà cầm quyền lên tự do biểu hiện của nghệ sĩ – đã phản ánh rất rõ hai chế độ xã hội: của Nhật Bản - nước đã được tạp chí Economist của Anh xếp hạng là quốc gia duy nhất có “nền dân chủ đầy đủ” ở châu Á, và của Việt Nam - nước bị xếp thứ 145 trong số 167 quốc gia, sau cả Trung Quốc (thứ 138) [3] .


*


Tục ngữ Việt Nam có câu: “Ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung”. Người Nhật có câu tương tự: “Ếch trong giếng thì không biết biển lớn” (nguyên văn: 井の中の蛙、大海を知らず). Đọc lướt qua thì tưởng hai câu tục ngữ đó là như nhau, nhưng nghĩ kỹ thì không phải vậy. Câu tục ngữ của Việt Nam có thể được hiểu theo hai cách. Cách thứ nhất là nếu chỉ đóng cửa ngồi nhà, không chịu đi ra ngoài, không chịu học hỏi, thì không biết được những cái mới, coi cái gì cũng là biết rồi, đến cả thế giới bao la đầy bí mật cũng chỉ to bằng cái vung nồi cơm thôi (vì nhìn từ vị trí của con ếch ngồi dưới đáy giếng). Cách hiểu thứ hai là nếu ta là con ếch lúc nào cũng ngồi dưới đáy một cái giếng thì thế giới to lớn bao nhiêu có nghĩa lý gì đâu đối với ta. Nếu ta lại là ếch chúa nữa thì, để duy trì vị trí thống trị của mình, ta sẽ cấm không cho tất cả các ếch con nhảy ra khỏi giếng, rào cái miệng giếng lại, và bỏ tù tất cả những con ếch nào đã trót từ ngoài nhảy vào mà vô phúc dám nói là thế giới thực sự rộng lớn lắm. Khác với câu tục ngữ lắt léo của Việt Nam, câu tục ngữ của Nhật chỉ có thể được hiểu theo một cách duy nhất: “Đầu óc hẹp hòi thì sẽ lạc hậu”.

Thực tế lịch sử đã cho thấy hai lối tư duy khác nhau đó đã ảnh hưởng quyết định đến vận mệnh quốc gia như thế nào. Cuối thế kỷ 19 cả Việt Nam và Nhật đều đứng trước lựa chọn giữa mở cửa giao lưu với phương Tây hay đối đầu. Nhật hoàng Minh Trị lên ngôi năm 1868 đã chọn con đường hoà bình, mở cửa quốc gia thông thương với phương Tây, cho phép tự do truyền đạo Thiên chúa, gửi thanh thiếu niên đi Hoa Kỳ và châu Âu để học hỏi văn minh và kỹ nghệ phương Tây đem về xây dựng đất nước. Quan điểm cải cách Minh Trị được dựa trên 5 lời tuyên thệ sau đây:
  1. Thiết lập nghị viện
  2. Mọi giai cấp trong xã hội đều tham gia công việc nhà nước
  3. Tự do thay đổi vị trí và nghề nghiệp trong xã hội
  4. Thay thế các “hủ tục” bằng “các quy luật đúng đắn của tự nhiên”
  5. Tìm hiểu kiến thức quốc tế để củng cố nền tảng của chế độ quân chủ
Triều đại Minh Trị kéo dài 44 năm (1868 – 1912) đã chấm dứt chế độ phong kiến của Nhật và, bằng con đường hoà bình, đã đưa nước Nhật trở thành một cường quốc. Nước Nhật nhanh chóng du nhập mọi trường phái trào lưu văn hoá nghệ thuật của phương Tây. Các tư tưởng tự do, dân chủ, nhân quyền đã được người Nhật biết đến từ thời kỳ này. Hội hoạ của Nhật có thêm một dòng tranh gọi là You-ga (Tây hoạ), nay trở thành một trong hai dòng tranh chủ đạo ở Nhật (bên cạnh Nihon-ga tức là Nhật hoạ hay hội hoạ truyền thống của Nhật). Người Nhật bắt đầu học âm nhạc phương Tây, và tự sản xuất nhạc cụ phương Tây. Năm 1887 ông Torukusu Yamaha sáng lập hãng sản xuất đàn piano. Mười ba năm sau (1900) Yamaha sản xuất chiếc piano đầu tiên của Nhật. Sau hơn 1 thế kỷ, Yamaha Piano đã trở thành thương hiệu sản xuất piano nổi tiếng thế giới, có lẽ chỉ đứng sau Steinway & Sons. Nhật Bản ngày nay là cường quốc số 2 trên thế giới, không chỉ nổi tiếng về đồ điện tử, xe hơi, công nghệ tân kỳ, mà còn là nơi con người thoả trí tự do sáng tạo, triển lãm, trình diễn, xuất bản trong văn chương, nghệ thuật, âm nhạc.

Còn Việt Nam thì sao? Các đại thần quan lại nhà Nguyễn như Phan Thanh Giản, Nguyễn Trường Tộ, sau những chuyến công du sang phương Tây đã thấy thế giới không phải là cái vung. Lúc trở về họ đã viết nhiều điều trần lên vua Tự Đức, đề nghị triều đình thay đổi cách cai trị, mở rộng ngoại giao, tiếp xúc với phương Tây, học hỏi văn minh tiến bộ, gửi thanh thiếu niên đi du học để đem kỹ nghệ tân tiến về xây dựng nước nhà. Phan Thanh Giản viết:

Từ ngày đi sứ tới Tây kinh
Thấy việc Âu châu phải giật mình
Kêu tỉnh đồng bang mau kíp bước
Hết lòng năn nỉ chẳng ai tin.

Trước nguy cơ xâm lăng của người Pháp, Nguyễn Trường Tộ chủ trương nên hoà hơn nên chiến, lợi dụng hoà hoãn để canh tân đất nước, thay đổi chính sách kinh tế, ngoại giao, cải cách văn hoá, khoa học, mở mang dân trí, chờ khi nước Việt Nam phú cường lên thì có thể đòi lại được những cái đã mất. Tiếc thay, triều đình vua Tự Đức đã bỏ ngoài tai những đề nghị cải cách tâm huyết đó, nghe theo phe chủ chiến chiếm đa số lúc bấy giờ. Kết quả là năm 1867 Pháp chiếm lục tỉnh Nam kỳ, năm 1882 chiếm thành Hà Nội, năm 1888 kiểm soát toàn bộ Đông Dương. Lịch sử của Việt Nam từ 1867 đến 1975 là lịch sử của 108 năm đầy máu và nước mắt trong cảnh nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn, chứ không chỉ đánh nhau với ngoại bang. Có thể nói tầm nhìn hạn hẹp, đầu óc ích kỷ của giới cầm quyền Việt Nam bắt đầu từ triều đình vua Tự Đức đã kìm hãm sự phát triển của đất nước chậm đi một thế kỷ so với Nhật Bản. Vì thế cũng không có gì lạ nếu nền dân chủ ở Việt Nam năm 2007 mới ở mức của năm 2007 – 108 = 1899, tức là mức của thời Minh Trị ở Nhật!


*


Cá nhân tôi thích hội hoạ kế thừa truyền thống tinh hoa của hội hoạ nhân loại, thích âm nhạc cổ điển. Tôi không đánh giá cao những sáng tác và cách biểu diễn thiếu trình độ chuyên nghiệp về kỹ thuật thể hiện, những đồ vật ready-made chỉ truyền tải những thông điệp đơn chiều, những hú hét của cảm xúc không được chế ngự. Vì thế tôi coi nhiều cố gắng hiện nay cũng như trong suốt 90 năm qua - kể từ khi Marcel Duchamp bày “Chậu đi tiểu” tại New York - của nghệ thuật đương đại cũng như của nhạc pop, rock là những trò giải trí dễ dãi nhiều khi hời hợt, bất kể một số “tác phẩm” có thể đã được một hai trọc phú mua với giá cả triệu đô-la. Nhưng đó là quan điểm của tôi. Tôi biết có người chia sẻ với tôi, có người không. Dù thế nào đi chăng nữa, trong một xã hội dân chủ văn minh, không ai được tự cho mình cái quyền cấm người khác bộc lộ quan điểm, thị hiếu của mình một cách công khai cho dù quan điểm đó có thể chướng tai gai mắt đến đâu chăng nữa đối với người này hay người kia, kể cả khi những người này hay người kia đó là các nhà cầm quyền và những người đang “bảo vệ” họ. Vì lý do đó tôi coi sự cố mà Nguyễn Minh Thành phản ánh trong bài báo của mình là một vi phạm thô bạo quyền tự do ngôn luận - tự do biểu hiện của nghệ sĩ nói riêng và của công dân nói chung. Tôi cho rằng những người “phụ trách” văn hoá, bắt đầu từ ông Bộ trưởng Văn hoá, cần có thái độ rõ ràng và giải thích công khai trước quốc dân về việc này cũng như các vụ việc tương tự. Cho tới giờ, ngoài bài tường trình đầy bức xúc của Nguyễn Minh Thành tôi chưa được biết tới bất cứ một thông tin chính thức (cũng như chưa chính thức) nào từ giới chức văn hoá trong nước về sự cố đáng tiếc nói trên.

Nhà vật lý kiệt xuất nhất thế kỷ 20 Albert Einstein từng nói: “Tất cả những gì thực sự vĩ đại và truyền cảm đều được sáng tạo bởi cá nhân lao động trong tự do”. Theo ông tự do cá nhân là mục đích cao nhất của mọi luân lý. Năm 1933 ông đã có một tuyên bố nổi tiếng: “Chừng nào tôi còn có thể lựa chọn, tôi sẽ chỉ sống tại nước nào mà tự do chính trị, lòng khoan dung, và quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp lý là luật lệ”. Đất nước mà Einstein lựa chọn là Hoa Kỳ - nguyên kẻ thù không đội trời chung của Việt Nam. Ngày hôm nay, khi Việt Nam đã rộng lượng tới mức chuyển Hoa Kỳ từ thù thành bạn, có lẽ nào một số người Việt Nam lại vẫn còn nhỏ nhen lạm dụng cái quyền hành hữu hạn của mình để đàn áp tự do ngôn luận và tự do biểu hiện, vốn dĩ phải là vô hạn, của chính đồng bào họ?

Đến bao giờ ở Việt Nam sẽ có được một phiên toà như vụ xử NHK nói trên? Không lẽ phải đợi 108 năm nữa?

Tokyo, 30/1/2007

© 2007 talawas



[1]Jun Hongo, “NHK stung by censorship suit appeal”, The Japan Times, No. 38711, January 30, 2007, trang 1.
[2]Nguyễn Minh Thành, “Cái bỉm của Trương Tân và quyền không được tự do triển lãm”, talawas, mục Mỹ thuật, ngày 30/1/2007.
[3]“Việt Nam xếp hạng thứ 145 về dân chủ”, Diễn đàn BBC, 21/12/2006:
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2006/12/printable/061211_democracy_index.shtml