trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
1.11.2008
Lê Hải
Từ chuyện kể đến bản sắc
 
Trong hai thập niên phát triển của giai đoạn sau hậu hiện đại (after post-modernism), những khám phá nhằm tái xây dựng nhân sinh quan về thế giới xung quanh dựa nhiều vào khái niệm đang ngày càng mở rộng phạm vi ảnh hưởng là bản sắc - identity. Trong số các hệ thống lý thuyết làm cơ sở cho bản sắc, những phát hiện từ thập niên 1970 của ngành văn chương xung quanh khái niệm phép kể chuyện - narrative đang ngày càng được nhìn nhận nhiều hơn trong vai trò trở thành phương tiện chuyên chở của bản sắc. Tiếp tục loạt bài tìm hiểu khái niệm "đậm đà bản sắc dân tộc" [1] , người viết điểm qua một vài cột mốc lý thuyết nhằm tiếp cận bản sắc từ góc độ các câu chuyện của cuộc sống như ký, hồi ký và tự truyện.
Cốt truyện [2] hay một cách chuyển nghĩa tạm thời trong tiếng Việt của narrative vốn là đối tượng nghiên cứu và cũng là công cụ làm việc của ngành văn chương học, mở rộng sang các ứng dụng thương mại có liên quan như ngành kịch bản, phim, truyện và truyền thông. Về cơ bản, narrative là một chuyện kể, có thể được hiểu là chính câu chuyện - story, hay cái cốt truyện cơ bản - plot, hoặc là cả những cách gắn kết các tình tiết lại với nhau để tạo thành một sự trình bày hoàn chỉnh, hay còn có thể gọi là phép kể chuyện - narration. Thế nhưng, narrative không chỉ là kết cấu trong một văn bản (thể hiện bằng text, hình ảnh hay biểu diễn hay hypertext) mà còn là kết cấu cơ bản của quá trình tư duy (thoát khỏi môi trường vật chất, vận hành trong môi trường ý thức). Định nghĩa kiểu như vậy - "narrative is a primary act of mind" - của Barbara Hardy [3] từ thập niên 1970 đã trở thành câu văn được trích dẫn thuộc loại nhiều nhất trong các ngành khoa học xã hội. Các nhà sư phạm khuyến khích sử dụng phương pháp kể chuyện trong lớp học vì đó là cách hiệu quả nhất để xây dựng kết cấu cho thông tin mới trong nhận thức của trẻ em. Theo đó, không phải cái narrative có trong thơ văn và phim, kịch ảnh hưởng lên phương pháp tư duy của độc giả và khán giả, mà ngược lại, narrative đã nằm sẵn trong tư duy con người.

Chuyện kể hay câu chuyện có thể được coi là cơ sở của văn hóa phương Tây. [...] Chúng ta không thể sống mà không kể chuyện, cả cho người khác nghe lẫn cho chính bản thân mình nghe. [...] Các câu chuyện đó không đơn giản là những hành động mô tả mà là một quá trình phức tạp nhằm giải thích ý nghĩa của thế giới, giải nghĩa các chi tiết trong cuộc sống của chúng ta và nhất là chính cuộc sống của chúng ta. Những câu chuyện kể là phương tiện diễn dịch mà qua đó con người nắm bắt được, hiểu được và sống cuộc sống của họ. (Lawler, [4] 2008, trang 12-13)

Nhờ thông qua mối liên hệ giữa bản sắc và tự chuyện (và chuyện đời) mà phép kể chuyện được - phát hiện thấy - kết nối với bản sắc. Vấn đề là các quyển hồi ký hay tự truyện không phải đã thể hiện một bản sắc nào đó có sẵn từ trước, mà bản sắc được sản sinh trong quá trình có thể coi là thuật lại chuyện đời mà mỗi chúng ta vẫn làm hàng ngày, không nhất thiết cứ phải là ngồi viết hồi ký. Mỗi ngày, từ những câu chuyện trao đổi, cho đến những câu trả lời có suy nghĩ trước những câu hỏi cần đưa ra quan điểm, mỗi cá nhân đều tìm cách trình bày quan điểm qua một câu chuyện kể. Cốt truyện ở đây chính là cách giải thích tại sao mỗi chúng ta lại như thế này, hay thế khác. Tức là người kể chuyện đã diễn tả bản sắc của mình thông qua câu chuyện đó. Tương tự, Henrietta Moore [5] nâng cao phép kể chuyện lên thành một hướng suy nghĩ mà con người luôn sử dụng để xếp đặt vị trí của mình trong thế giới nhìn từ lăng kính lịch sử, tại vì nếu phép kể chuyện giúp hiểu thế giới, thì cũng sẽ giúp giải nghĩa chính chúng ta.


Thoát khỏi văn bản

Nhằm giải thích tại sao narrative lại có thể đi từ vật chất (văn bản) vào ý thức (tư duy lịch sử), nhóm nghiên cứu văn chương đương đại ở Ba Lan [6] đã cung cấp một góc nhìn làm cầu nối từ ngành văn hóa. Theo đó, ngành văn chương đương đại nhìn tác phẩm như văn bản, còn các hoạt động văn hóa - tức là sáng tác và thưởng thức - là sản phẩm, diễn giải hoặc cùng liên quan với văn bản. Vì vậy cho nên phương pháp nghiên cứu cốt truyện nếu thành công với văn bản cũng sẽ mang giá trị lý thuyết khi được mở rộng ra bên ngoài. Mà hơn vậy, tác phẩm không chỉ đơn giản là một văn bản, mà còn là sản phẩm của trí tuệ con người, là bằng chứng của khả năng nhận biết của loài người.

Cốt truyện theo cách hiểu này không còn là kết cấu văn bản văn hóa như trong cách hiểu ban đầu - chuyện cổ tích, tiểu thuyết văn học hay kể cả thần thoại, huyền thoại - nữa, mà là kết cấu nhận thức hay hiểu biết của con người; chức năng cơ bản không phải là tạo ra kết cấu văn hóa mà là cốt truyện của chính cuộc đời chúng ta cùng những quá trình phát triển theo thời gian và những sự kiện xảy ra trên thế giới, được sắp đặt theo trình tự có nghĩa. Kết cấu đó có thể được phát hiện thông qua phân tích các tác pẩm văn hóa, bởi vì nó được thể hiện qua đó một cách riêng biệt và khách quan. (Rosne,r [7] 2003, trang 12)

Như vậy, phép kể chuyện là phương tiện giúp hiểu bản sắc trong mối quan hệ xã hội vì bản sắc trong câu chuyện đặt ta trong một mạng lưới hỗn hợp của các mối quan hệ xây dựng một cách hỗn loạn từ các phạm trù cá nhân cơ bản [8] . Malgorzata Melchior [9] nhắc nhở bản sắc của mỗi cá nhân là một quá trình chứ không phải là hằng số. Trong suốt cuộc đời mình, mỗi con người liên tục tạo dựng và thay đổi bản tính riêng, mà ký ức về quá khứ là thành phần cơ bản của bản sắc - biết mình từng là ai xác nhận mình hiện đang là ai. Hơn vậy, bản sắc là một thể hỗn hợp có thành phần là các lựa chọn tính cách khác nhau, mà thành phần nổi trội của bản sắc có thể được khoanh vùng và phân tách qua phương pháp theo vết quĩ đạo, tức những khoảng thời gian mà cá nhân tập trung sức lực để phản ứng với tình thế trong tình huống nằm ngoài ý muốn. Đó cũng chính là những đoạn được quan tâm nhất trong hồi ký hay những đoạn tự sự hàng ngày được ghi nhận qua các bút ký.


Bản sắc nhiều mặt

Cũng cần phải chú ý là thời gian trong chuyện đời không phải là tuyến tính, nếu ít nhất vẫn còn thường được trình bày theo một chiều xuôi hoặc thỉnh thoảng là ngược. Những quãng thời gian đều nhau trong đời một con người khi được trình bày (chính người đó trình bày trong hồi ký và tự sự, hay người khác sắp đặt lại trong sách giới thiệu tiểu sử hay lời kể về người khác) thường được gắn cho các đánh giá khác nhau về giá trị và mức độ ưu tiên. Có những đoạn đời rất dài chỉ được nhắc qua một vài câu văn hoặc thậm chí bỏ quên trong khi có những khoảnh khắc lại được tập trung phân tích trong cả một chương hay một tập sách. Nghịch lý thời gian và bản sắc còn được Paul Zawadzki [10] ghi nhận như là vấn đề thời đại, hay bi kịch cho nền dân chủ vì các cá nhân và tập thể đang bị mất góc nhìn trong quá khứ và thiếu viễn kiến cho tương lai. Bị tiếp cận hay có thể nói là bị tấn công từ nhiều phía, khái niệm bản sắc là một sự lắp ghép của nhiều nội hàm khác biệt nhau.

Trước hết, nó nói đến những kết cấu sự vật còn giữ nguyên trạng thái mà có thể coi là "kết tinh" qua những lần chuyển đổi. Thế nhưng nó cũng nói đến mối quan hệ của một con người, tự là bản thân, với hành động của họ, với kinh nghiệm, ước mơ, mong muốn và ký ức, tức là với những trạng thái khác nhau của cái tôi - self. (Friese, [11] 2002, trang 1)

Cũng vì sự phân thân của khái niệm bản sắc và giới hạn của từng ngành học mà mỗi hướng tiếp cận chỉ tận dụng tối đa một lượng khám phá cục bộ trong khu vực lân cận. Tuy nhiên, khi gặp môi trường phù hợp như phương tiện narrative, các ngành học khác nhau có cơ hội kết nối và xây dựng hệ thống lý thuyết mới để dùng chung. Hồi ký được đánh giá là phương tiện thích hợp để phân tách bản sắc của người kể ra câu chuyện đời mình. Những văn bản [12] tiêu biểu mang các đoạn nội dung tự sự sẽ là nguồn cung cấp chất liệu giúp tái dựng lại phần bản sắc mà chúng ta quan tâm của cả một thế hệ, hay một dân tộc. Văn bản không chỉ đơn giản là một văn bản mà là sản phẩm xã hội, hay chính cuộc sống và biểu tượng của sự sống cùng mối quan hệ qua lại được cấu trúc văn bản hóa. Nghiên cứu văn bản không chỉ đơn giản là tìm hiểu cái cách mà người ta hiểu và giải nghĩa cuộc sống của họ, mà còn phải cân nhắc xem liệu người nghiên cứu sẽ hiểu như thế nào về cái hiểu đó.


Cá nhân đại diện

Chuyện kể là góc nhìn của một cá nhân đơn lẻ, cho nên quá trình phân tích văn bản hồi ký đòi hỏi một lượng phương tiện nhất định từ các ngành tâm lý, như phân tâm học và tâm lý xã hội học. Tuy nhiên, do bản sắc thường hàm ý tập thể cho nên công việc phân tích cũng lại đồng thời đòi hỏi nhà nghiên cứu phải giữ khoảng cách đối với các phương tiện tâm lý - chuyên dùng để làm việc với từng cá nhân đơn lẻ. Đồng thời cũng lại xuất hiện vấn đề tính đại diện, tức phép bắc cầu nâng các đặc tính của cá nhân lên cho tập thể.

Từ các tư liệu không đồng nhất do con người tạo ra nên chọn các trường hợp mang tính đại diện, hơn là đại diện theo cách hiểu xác suất thống kê. Phép phân tích sự phản chiếu của diễn biến cuộc sống vào hồi ký của những cá nhân được chọn sẽ trở thành cơ sở cho việc xây dựng các nhóm loại. Nhóm loại gần với thực tế có nghĩa là sẽ mang những tính chất thường gặp. (Kłoskowska, [13] 1996, trang 115-116)

Như vậy, quá trình tìm kiếm bản sắc qua cốt truyện cũng chính là con đường giúp chúng ta đi từ cá nhân đến tập thể, một tuyến giao thông mà tất cả mọi phương tiện từ nhiều ngành học mang tính hàn lâm lẫn các khám phá mang tính bình dân như văn chương, thơ ca hay nhạc kịch đều có thể đi chung. Quan sát những gì đã và đang diễn ra trên các "giao lộ chuyện kể và bản sắc" trên thế giới, có thể thấy lưu lượng trên con đường tìm kiếm “talawas” sẽ còn tấp nập hơn nhiều [14] .


Tài liệu trích dẫn

Stephanie Lawler 2008, Identity: Sociological Perspectives, Polity.
Katarzyna Rosner 2003, Narracja, tożsamość i czas, Kraków.
Heidrun Friese 2002, Identity - Time, Difference and Boundaries, Berghahn Books.
Antonina Kłoskowska 1996, Kultury narodowe u korzeni, PWN.

© 2008 talawas



[1]Xem thêm các bài: “Bản sắc tập thể hay bản sắc xã hội của cá nhân?” của Jerzy Szacki, Lê Hải dịch, và “Mang danh bản sắc: Bạo lực và nhu cầu gắn bó” của Amin Maalouf, Lê Hải dịch và chú thích.
[2]Đọc đến cuối bài quí vị sẽ nhận thấy khái niệm narrative được chuyển tải bằng nhiều khái niệm khác nhau trong tiếng Việt, từ cốt truyện, câu chuyện, chuyện kể, phép kể chuyện cho đến kết cấu, cấu trúcphương pháp tư duy. Đó là vì narrative đang là khái niệm trung tâm và vẫn tiếp tục được phát triển tại thời điểm hiện tại, một quá trình hầu như vẫn chưa được phản ánh trong tiếng Việt.
[3]Nữ giáo sư Barbara Hardy là chuyên gia đầu ngành trong suốt 50 năm qua trong ngành Văn chương Anh, quảng bá và nhấn mạnh tầm quan trọng của cốt truyện trong nghiên cứu tác phẩm văn học, mà theo cách nhìn đó người viết tiểu thuyết được coi như là người kể/dẫn câu chuyện - narrator. Thông tin và liên lạc qua trang mạng http://www.britac.ac.uk/fellowship/elections/2006/hardy_b.cfm
[4]Nữ tiến sĩ Stephanie Lawler là giảng viên Đại học Newcastle, thông tin và liên lạc qua trang mạng http://www.ncl.ac.uk/gps/staff/profile/stephanie.lawler
[5]Nữ giáo sư Henrietta Moore là chuyên gia nhân học nổi tiếng ở trường LSE, London, thông tin và liên lạc qua trang mạng http://www.lse.ac.uk/people/0000027629/publications.htm
[6]Kết quả là hai tập sách về mối quan hệ giữa Chuyện kể và Bản sắc: Narracja i Tożsamość, đồng thời là tom 85 và 86 của bộ sách nghiên cứu văn chương Z dziejów form artystycznych w literaturze polskiej, Viện Nghiên cứu Văn chương IBL xuất bản năm 2004
[7]Nữ giáo sư Katarzyna Rosner làm việc tại Khoa Triết và Xã hội học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan.
[8]Mối quan hệ phức tạp này từng được Jerzy Szacki phân tích trong bài viết đã được Lê Hải dịch một đoạn sang tiếng Việt: “Bản sắc tập thể hay bản sắc xã hội của cá nhân”, talawas http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=14538&rb=0306
[9]Nữ giáo sư Malgorzata Melchior là học giả nổi tiếng trong ngành bản sắc ở Ba Lan, đặc biệt qua công trình nghiên cứu ký ức diệt chủng và thay đổi bản sắc để sinh tồn của người Do Thái ở Ba Lan thời Hitler, thuộc các dự án phim tài liệu được đạo diễn Steven Spielberg tài trợ.
[10]Tiến sĩ ngành chính trị tại Đại học Sorbonne, thông tin và liên lạc qua trang mạng http://cerses.shs.univ-paris5.fr/spip.php?article118
[11]Nữ giáo sư Heidrun Friese là lý thuyết gia hàng đầu trong ngành xã hội học, hiện đang làm việc ở Viện đại học châu Âu ở Florence.
[12]Như trên đã giải thích, ở đây được hiểu là tất cả những sự vật có dạng văn bản, từ tiểu thuyết, kịch bản cho đến phim, huyền thoại và những hoạt động văn hóa chứa đựng cốt truyện cũng như văn bản.
[13]Cố nữ giáo sư Antonina Kłoskowska (1919-2001) là nhà xã hội học hàng đầu ở Ba Lan, đầu ngành qua những công trình về văn hóa và dân tộc, http://en.wikipedia.org/wiki/Antonina_Kloskowska
[14]Độc giả quan tâm đến phương pháp phân tích văn bản để nhận dạng và phân tách cốt truyện - kết cấu kể chuyện có thể tìm đọc thêm các thuật toán do William Labov và Joshua Waletzky tạo dựng từ cuối thập niên 1960s, truy cập trên mạng ở địa chỉ: http://www.clarku.edu/~mbamberg/Labov&Waletzky.htmcùng các bổ sung mới nhất ở địa chỉ http://www.clarku.edu/~mbamberg/Labov&Waletzky.htm