trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Phong trào cánh tả và vấn đề Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
21.6.2008
Tiêu Dao Bảo Cự
Từ lạc đường, phản tỉnh đến những Lã Bất Vi…
 
Mới đọc qua Lạc đường của Đào Hiếu một lần, tôi chưa hiểu được ý nghĩa của tựa đề này. Lạc đường vào lịch sử? Lịch sử lạc đường? Đầu thai lầm thế kỷ? Lạc đường vào tương lai?... Chắc chắn tác giả phải có hàm ý, có điều khó nhận ra.

Trong bài viết “Từ bi kịch Hoàng Phủ Ngọc Tường…” tôi có phân tích đôi chút về cuốn Lạc đường và nói đến chuyện “phản tỉnh”. Thực ra tôi không cố ý trách Đào Hiếu không phản tỉnh, mà chỉ ghi nhận thái độ không phản tỉnh về quá khứ của anh khi đọc hết tác phẩm. Thái độ đó liên quan đến chuyện mà tôi gọi là “hội chứng chính nghĩa” trong bài viết nói trên.

“Hội chứng chính nghĩa” này quả là một một đề tài “khó chơi”, một “ổ kiến lửa” khi đụng vào. Trước đây vài năm mấy bài viết của tôi về đề tài này đã gây ra những cuộc tranh luận gay cấn, nẩy lửa trên website Đàn Chim Việt, gần đây mấy bài viết khác của tôi trên talawas cũng gây ra hiệu ứng tương tự, tuy mức độ nhẹ hơn.

Những bài viết của tôi trên talawas có tựa đề “Tỉnh thức, cảnh giác, nhưng thông cảm và bao dung”, “Nan đề nào? Nan đề cho ai?”,Cùng nhau hướng đến tương lai” để trao đổi với các bài viết của Phong Uyên, Phương Duy, Hồ Phú Bông và mới đây với Trần Văn Tích trong một vài bài viết khác. Khi chưa, hay không thể đồng ý với nhau, tôi thống nhất với đề nghị của Phương Duy là tạm thời “đồng ý về những bất đồng” của quá khứ để có thể hòa giải với nhau, cùng bắt tay giải quyết những vấn đề của hôm nay và ngày mai.

Vấn đề đó lắng đi một thời gian, bây giờ lại nổi lên với “Những Lã Bất Vi thời đại mới” của Đào Hiếu, qua những “ý kiến ngắn” xem ra cũng không kém phần gay cấn.

Hoàn cảnh của tôi và Đào Hiếu gần giống nhau, nhưng không như nhận xét của anh, thời đó tôi không lựa chọn vì nghĩ đến Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp hay chủ nghĩa cộng sản. Tôi vốn không tôn thờ bất cứ thần tượng nào và cũng không có thời gian nghiên cứu sâu về chủ nghĩa. Đơn giản chỉ vì muốn chấm dứt chiến tranh, chấm dứt sự can thiệp của ngoại bang, đòi tự do dân chủ, chống bất công áp bức (một “lý tưởng cộng sản” đã có sức hấp dẫn hàng triệu người trên thế giới trong một giai đoạn, không phải chủ nghĩa và chế độ cộng sản như đã từng có). Sau các cuộc đấu tranh đường phố với sinh viên học sinh không có hiệu quả như mong muốn, trong các phe phái ở miền Nam lúc đó, tôi nghĩ chỉ có Mặt trận Giải phóng (MTGP) là có khả năng làm được điều mình mong muốn. Dĩ nhiên tôi cũng không có điều kiện tìm hiểu sâu về MTGP và quyết định phải dấn thân vì sự bức xúc của tâm trạng và thời thế trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng.

Trong cuộc chiến tranh trước đây, mọi người ở hai miền Nam-Bắc đều đã lựa chọn hay bị lựa chọn, không ai thoát khỏi dòng cuốn của lịch sử. Sau 1975 dù mọi chuyện đã ngã ngũ, khi nhìn lại, nhiều người vẫn còn nhìn nhận khác nhau vì miền Bắc đã thắng trận, thống nhất đất nước nhưng lại xây dựng một chế độ và xã hội quá tệ hại. Những người thuộc Việt Nam Cộng hòa cho rằng dù thất bại, mình vẫn có chính nghĩa vì đã chiến đấu bảo vệ miền Nam, một chế độ xã hội có tự do dân chủ hơn hiện nay. Những người thuộc thành phần thứ ba, theo MTGP và ngay cả một số người ở miền Bắc cũng cho rằng mình bị lừa bịp, phản bội. Nếu sau 1975, Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, có dân chủ tự do, nhận thức của mọi người sẽ không chia rẽ đến thế. Nhưng lịch sử không có chữ “Nếu”.

Khi nhìn lại quá khứ, đối với những lựa chọn thời trẻ, ít ai hối hận về những gì mình đã tham dự, nếu không nói là vẫn còn kiêu hãnh và tự hào. Phản tỉnh là một việc khó khăn và thường khi phản tỉnh, người ta lại thấy lỗi của người khác chứ không phải của mình. Tôi đã từng đưa ra đề nghị về một cuộc sám hối của toàn dân tộc nhưng lập tức có nhiều người phản bác ngay và bảo họ chẳng có tội gì để phải sám hối, chỉ có những kẻ ác nào đó trong cuộc chiến mới phải làm việc này.

Có người nêu ra nhận định mang mầu sắc tâm linh, cho rằng đây là cộng nghiệp của dân tộc, người Việt Nam vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm gây ra tội lỗi cho chính dân tộc mình. Muốn giải nghiệp, không có cách nào khác hơn là mọi người phải hướng thiện, cùng nhau làm việc thiện. Nói chung chung thế thì được nhưng nếu liên hệ cụ thể chắc rằng cũng sẽ không ít người phản đối.

Do đó, tốt hơn là tạm gác lại quá khứ và phản tỉnh cho ngày hôm nay. Trong Lạc đường, Đào Hiếu có làm điều này. Anh đã phê phán, lên án cách hưởng thụ “thành quả cách mạng” của những người đã phản bội lại lý tưởng cách mạng. Đó là những người đã làm ngơ hay thỏa hiệp với những bất công áp bức, điều mà trước đây chính là động lực thúc đẩy họ tham gia chiến đấu, để chạy theo danh lợi một cách hèn nhát. Quan trọng hơn là việc tố cáo những độc đoán, sai lầm, hư hỏng và suy đồi của bộ máy độc tài toàn trị đã đưa dân tộc vào bi kịch mới. Nhưng có lẽ người đọc đều nhận thấy là anh chỉ dừng lại ở đó. Ngay trong bài viết mới “Những Lã Bất Vi…” anh cũng có chỗ dừng tương tự.

Có lẽ Đào Hiếu đọc Bùi Minh Quốc và tôi không nhiều nên anh có nhận xét chúng tôi phủ định quá khứ. Tuy Bùi Minh Quốc và tôi có nhiều điểm khác nhau nhưng cũng có những điểm chung và ở điều này, nhận xét của Đào Hiếu về chúng tôi không đúng. Chúng tôi không hề phủ định quá khứ (mà dù muốn phủ định cũng không được), ngược lại còn thấy, dù sao đi nữa, dù là vô tình, chúng tôi đã góp phần “đúc nên cỗ máy này”, theo cách nói của Bùi Minh Quốc. Chúng tôi tự thấy có trách nhiệm phải góp phần giải quyết những vấn nạn đối với đất nước do cỗ máy này tạo ra.

Việc Đào Hiếu so sánh Lã Bất Vi thời nhà Tần của Trung Quốc với những “tập đoàn buôn vua” thời hiện đại chính xác hay khập khiễng, hay chỉ là một sự liên tưởng, một cách ví von, điều đó không quan trọng. Anh đã nêu ra một nguy cơ có thật, một nguy cơ lớn lao cho đất nước. Nhưng giải quyết nguy cơ đó như thế nào anh chưa nói đến. Và đây lại là một đòi hỏi bức thiết của phản tỉnh.

Việt Nam hiện nay là một quốc gia nhược tiểu, chậm phát triển và dù muốn hay không, không thể thoát khỏi thời đại toàn cầu hóa này. Giữa bao nhiêu bẫy sập đang rình rập, làm thế nào sống sót để vươn lên là vấn đề sinh tử của một dân tộc.

Về phương diện cá nhân, mọi người có nhiều chọn lựa. Hoặc làm một kẻ lãng du trong cuộc đời này, không cần đến ý niệm quốc gia. Hoặc làm những việc từ thiện, tuy nhỏ nhoi, nhưng có thể cứu vớt được một đôi người. Hoặc chạy theo cuộc sống và hạnh phúc cá nhân, không đếm xỉa đến số phận dân tộc. Hoặc tham dự vào cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ… Nhưng đối với đất nước vấn đề không đơn giản, trong đó có hai việc trọng yếu phải giải quyết là nâng cao dân trí và xây dựng chính quyền. Dân trí có nâng cao mới có thể nhận thức được tình hình, quyền hạn và trách nhiệm trong làm chủ đất nước; xây dựng được một chính quyền có đủ trí tuệ, tài năng, bản lĩnh và đạo đức để đương đầu với những thách thức của thời đại và mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Đó không gì khác hơn là cuộc đấu tranh, vận động dân chủ hóa đất nước. Trong hoàn cảnh hiện nay, đây là cả một cuộc phấn đấu đầy gian nan.

Trong giai đoạn này, và có lẽ bất cứ lúc nào, mọi người cũng đều phải lựa chọn hay bị chọn lựa, tuy mức độ gay gắt khác nhau. Và sự lựa chọn “dấn thân” lúc này cũng không dễ dàng chút nào.

Đà Lạt 20-6-08

© 2008 talawas