trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
29.5.2008
Thế Uyên
Đọc “Can trường trong chiến bại” của Hồ Văn Kỳ Thoại
 
Cầm cuốn Can trường trong chiến bại của cựu Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại (phó đề đốc tương đương với chuẩn tướng), cháu gọI nhà văn Hồ Biểu Chánh là ông nội, nhìn sơ qua bìa, những độc giả lớn tuổi dễ tưởng đó là một cuốn sách thuộc loại cổ động, ca ngợi binh chủng quân chủng mình do các ban tâm lý chiến xuất bản. Loại sách này ngoài việc ta khen ta, còn thường đề cao lòng dũng cảm của quân nhân và dân sự anh hùng của phe ta, nước nào cũng có (riêng các nước cộng sản thời chưa đổi mới, hầu như văn chương của họ chỉ toàn loại sách này). Cuốn chót thuộc loại này mới xuất bản gần đây tại Hoa Kỳ là Cây tùng trước bão của nhà văn Hoàng Khởi Phong, với bìa đã được “dân sự hóa”. Dĩ nhiên với tài viết của nhà văn Hoàng Khởi Phong, cuốn này vẫn có giá trị văn chương.

Cuồn hồi ký của Hồ Văn Kỳ Thoại (gọi tắt là ông Thoại) không như thế: tác giả cố tình giữ phong dáng đặc san binh chủng tối đa bằng in đầu bìa một phù hiệu của hải quân Việt Nam Cộng hoà xưa kia với bốn chữ “Tổ quốc – Đại dương” (Không quân là Tổ quốc – Không gian, trường võ bị Thủ Đức là “Cư an tư nguy”, trường Đà Lạt là “Tự thắng đẻ chỉ huy”, của bộ binh là gì nhỉ, xin lỗi tôi quên rồi, hình như là Tổ quốc – Rừng núi Sình lầy…!). Bìa mầu tím chứ không xanh đại dương in hình sĩ quan hải quân đang diễn hành ở đâu đó, nổi bật lên trên là hình tác giả mặc đồ rằn ri nhẩy dù (tác giả có bằng dù), tận cùng bìa là một hàng chữ đỏ “Hành trình của một thủy thủ”.

Thật rõ ràng, minh định đây là sách đặc sản hải quân, vậy tôi có ca tôi, hải quân khen ngợi hải quân là lẽ đương nhiên… Độc giả binh chủng khác có đọc ké, cứ tự nhiên và đừng ai than phiền về sự hướng ngã cao độ. Ở đây xin mở ngay một ngoặc đơn để ghi nhận Hồ Văn Kỳ Thoại có một trí nhớ phi thường như Napoléon hay Roosevelt, ông kể tên và xuất xứ từng sĩ quan được nhắc đến. Và người nào nếu không dũng cảm thì cũng hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, cho đến ngày tan hàng ở Subic Bay, Phi Luật Tân (đoạn tan hàng của hải quân là do người khác kể, không phải ông Thoại)): hạ cờ vàng xuống ném mũ và lon xuống biển, mới được bước lên bờ. Không biết người khác nghĩ sao, phần tôi vẫn cho chuyến hải hành sau cùng của hải quân Việt Nam Cộng hoà là buồn, là bi thảm. Dọc hải trình có phải đánh nhau với ai đâu mà hùng, trừ lúc qua vùng Nhà Bè nổ súng chống mấy ông du kích quèn. Cũng chẳng là “một cuộc di tản vĩ đại thành công” như một báo chợ Seattle xưng tụng. Hải quân một nước được tạo dựng mục đích chính là chiến đấu đế bảo vệ đất nước, như vụ Vũng Rô, hải chiến tại Hoàng Sa, không phải để di tản ra nước ngoài, mang theo vợ con đùm đề như thế. Nếu có điểm đáng khen là so với các quân chủng khác, hải quân khi rút quân, vẫn giữ được trật tự kỷ luât, mang theo đủ cờ xí, cho đến khi có lệnh của tư lệnh Mỹ ở Subic Bay: tan hàng, cởi bỏ quân phục, hạ cờ, trả tàu trả vũ khí… nếu muốn làm refugee nơi đất Mỹ (theo luật quốc tế).

Không phải chỉ có Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại mới quá lưu luyến quân lực, có không ít người từng là quân nhân Việt Nam Cộng hoà không chịu giải ngũ dù quân lực mình tan hàng từ hơn ba mươi năm trước. Ai không tin thì cứ cầm một tờ báo chợ lên đọc, sẽ thấy quân ta luôn luôn có đủ mặt, từ rằn ri với mũ đỏ xanh lá cây nâu xanh trắng - tôi không thấy ai đội mũ của bộ binh màu cứt ngựa với phù hiệu vàng lóng lánh, chắc tại không oai phong bằng mũ màu của dân rằn ri rồi, vậy đội làm gì (ngay người viết cũng chỉ đội một lần hôm ra trường rồi từ đó cứ mũ lưỡi trai vải bạc phếch lang thang các đơn vị ba vùng chiến thuật, trừ vùng bốn vì ghét sình lầy và cũng như nhà văn mũ nâu Lâm Chương, tôi cũng sợ đỉa dù loại đen hay to bự sọc vàng đầy ấn tượng…).

Ít có nước nào cho phép quân nhân đã giải ngũ, hay tự ý tan hàng, kể cả nước Mỹ, mặc lại quân phục cũ, đeo đủ lon lá như thế, lại rước quân kỳ (của một quân lực đã tan hàng) quốc kỳ (một nước đã bị xóa tên trên bản đồ thế giới) đi ra đi vô… hoài hoài như thế. Nước chủ nhà rộng lượng bỏ qua vì thương đồng minh cũ chạy qua tị nạn, nhưng có lẽ chúng ta cũng nên tỏ ra biết điều. Chiến cuộc Việt Nam đã tàn hơn ba mươi năm… và chúng ta là kẻ thua. Còn muốn, thích vinh danh quân nhân, thì con em chúng ta, thế hệ một rưỡi, thế hệ hai, đã gia nhập quân đội nơi định cư khá nhiều, sĩ quan cấp tá không thiếu. Hãy nhường chỗ trên bục cho các em đó. Tre già rồi, để măng thay thế…

Mở mấy trang đầu, thấy Hồ Văn Kỳ Thoại còn giữ cả hệ thống quân giai xưa cũ: bản thân đã là Phó đô đốc, cấp trên cũng ít thôi: tác giả đã đưa Đề đốc Trần Văn Chơn (13 năm cải tạo), Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng Cao Văn Viên (đã âm thầm từ chức và rời khỏi Việt Nam trước 30 tháng Tư năm 75) đọc và cho ý kiến. Đọc đến đây tôi phát chán vì chắc lại chỉ gồm những khẳng định vô bằng cớ, những vinh danh quân lực cũ đủ một triệu anh hùng đánh đâu thắng đó, nếu có thua chút đỉnh là tại Mỹ… vân vân, nên tôi gập sách lại vứt ra bàn, không đọc nữa. Bà vợ tò mò cầm lên đọc, mỗi lúc một say sưa và đọc hết trong ngày hôm sau, đưa lại tôi: “Anh nên đọc. Cũng hay đó…” Tôi bèn đọc, và thú vị từ lúc thiếu úy Hồ Văn Kỳ Thoại điếc không sợ súng, một thuyền tam bản lặn lội trong Rừng Sát đi tìm kho tàng của Bình Xuyên, và tìm thấy: tiền đựng trong các túi vải quân đội treo lúc lỉu trên các cành cây, và các thùng vàng ngâm trong sình lầy… Và cũng có lúc hình như cảm thấy bọt biển bắn vào mặt trên PT cưỡi sóng vượt vĩ tuyến 17 ban đêm, trong những hải vụ “tàu ô”, đi bắt cóc dân ven biển ngoài Bắc, hộ Ngũ giác Đài đang muốn tìm hiểu hệ thống duyên phòng của phương Bắc.

Tác giả Hồ Văn Kỳ Thoại có máu phiêu lưu hồ hải nên thích đi biển hơn là ngồi văn phòng yên ấm trên bờ, hay xách cặp đi hầu Tổng thống, vì thế những vụ gì khó, đạn không chịu tránh người, thường do ông chỉ huy trực tiếp, như vụ bắt tàu địch ở Vũng Rô, hay gián tiếp chỉ huy như vụ hải chiến giành chủ quyền Hoàng Sa: chính ông, với tư cách chỉ huy hải quân vùng 1, đã chỉ thị hạm đội Việt Nam khai hỏa trước, dù thua là cái chắc vì địch đông tàu gấp bội lần. Đánh, vì danh dự hải quân. Đánh vì còn tàu còn súng, đâu để địch chiếm quần đảo dễ dàng.

Một ưu điểm khác của Hồ Văn Kỳ Thoại là sự thành thật, thấy gì kể đó, không kể gì đến những huyền thoại đã có tại hải ngoại. Thí dụ tướng Ngô Quang Trưởng đội mũ sắt oai phong đứng ven biển điều quân rút lui (theo Phạm Huấn), sự thực là tướng Trưởng bị nervous breakdown (có lẽ vì uống nhiều rượu quá) như báo Times đã loan tin, ngồi ở quân đoàn bất động không biết phải làm gì nữa. Còn mỗi một đại đội tinh nhuệ, đã gửi ra phi trường để giải tán bớt đám quân dân ô hợp đang làm kẹt phi đạo, thì đơn vị này, khi một chuyến phi cơ Boeing đáp xuống chở dân, đã xông ra đạp lên đàn bà con gái, cướp phi cơ, chen chúc nhau đến độ bám cầu thang, chui vào hầm bánh xe. Khi phi cơ cất cánh, người rơi rụng lả tả. Thảm cảnh này được các phóng viên quốc tế chứng kiến, thu hình chiếu cho nước Mỹ và thế giới coi (xin đọc Nước mắt trước cơn mưa [1] do Nguyễn Bá Trạc dịch). Sau cùng chính ông Thoại phải gọi tâu vào vùng núi đá lởm chởm, ca-nô cũng không vào nổi, tướng Trưởng phải bơi ra tàu. May mà ông biết bơi và bơi cũng khá.

Theo ông Thoại thì đám bộ binh và vợ con chạy ra đầy cửa Thuận An tranh giành tàu chở Thuỷ quân Lục chiến, gây thảm cảnh cùng là lính mà bắn lẫn nhau, là lính của sư đoàn I, sư đoàn chủ lực của vùng I. Bình thường lính sư đoàn này không ô hợp như vậy. Lần này tại ông tướng tư lệnh, một ông tướng vui tính hiếm có trên thế giới, thấy Thuỷ quân Lục chiến rút quân, mất tinh thần liền, bèn tập họp sĩ quan lại, lịch sự cám ơn họ đã phục vụ tốt, rồi hô: “Sư đoàn, tan hàng! Mạnh ai nấy chạy nghe…”

Vẫn theo lời ông Thoại: Sư đoàn 2, sư đoàn 3 bắt chước cũng chạy, làm gương “chạy” (chữ của tâm lý chiến thời đó, là di tản) cho quân địa phương các tỉnh, và ngoạn mục hơn là có những nhóm ba gai ba đồ xông vào các căn cứ hải quân cưỡng bách phải di tản dù chưa có lệnh, dù chưa thấy địch đâu, bắt cóc những nhóm hải quân lẻ loi bắt gọi tầu vào chở mình vào Nam, thậm chí vác súng, lựu đạn lên đài chỉ huy uy hiếp hạm trưởng. Khi lên được tàu rồi, có những nhóm lính hư hỏng đến nỗi vác súng đi cướp giật, hiếp chóc đàn bà con gái, như các báo chí đương thời đã thuật. Quân ta tiếp tục chạy, bỏ ngỏ các thành phố chính miền Trung, Qui Nhơn rồi đến Nha Trang, Cam Ranh. Ông Thoại được lệnh chở Đề đốc Hoàng Cơ Minh, chính cái ông Minh phục quốc sau này, được bổ nhậm Tổng trấn Qui Nhơn. Đến nơi, nhìn thành phố vắng tanh, ông Minh không chịu lên bờ vì bây giờ làm Tổng trấn với ai: quân ta đã “di tản” hết, còn đich lè phè chưa chịu tới.

Sau này tướng Văn Tiến Dũng viết hồi ký khoe khoang Đại thắng mùa xuân, sự thực có đánh đấm chi nhiều. Quân đội và chính quyền miền Nam tự động tan hàng và tan rã, pháo binh Bắc quân chỉ có dịp bắn vài chục phát ở Đà Nẵng rồi thôi, mất công chở 25.000 phát đạn vào Nam, còn đoàn T34, 54, nghe đâu chỉ có một chiếc bị trầy sơn vì tài xế vội vã húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập! Nói đùa một tí cho vui thôi vì khi Bắc quân tiến tới Xuân Lộc, đã có một ông tướng vui tính khác hô ngược chiều với tướng sư đoàn 1, là: “Sư đoàn, tử thủ!”. Cầm chân Bắc quân được hai ngày. Tên ông tướng này đáng được nhắc tới, là Lê Minh Đảo. Bắc quân giận quá phong cho ông này chức “quét trại cải tạo”, nhốt đủ 18 năm (nhà văn Thảo Trường làm “phó ban quét trại”, 17 năm). Rồi ông Đảo cũng HO tới Mỹ, làm chủ tịch Hội nghị Toàn quân chi đó. Rồi thôi vì chính giới Mỹ đã đổi chính sách với Việt Nam, từ cây gậy sang củ cà rốt, từ diễn biến chiến tranh sang diễn biến hòa bình, nên không cần tới những nhà chống cộng chuyên nghiệp hay tài tử nữa.

Rút kinh nghiệm: Đã có những tướng lãnh viết hồi ký nhưng không ông nào biết rút kinh nghiệm kiểu người xưa: tiên trách kỷ, hậu trách nhân, trừ Hồ Văn Kỳ Thoại. Sau đây vài kinh nghiệm của ông Thoại:

Trại gia binh: Có từ thời quân đội Pháp. Một đơn vị đóng ở đâu lâu, là vợ con binh sĩ kéo đến lợp lều, mái lá… cho được gần chồng con, đuổi cũng không đi. Các sĩ quan không nỡ để vợ con binh sĩ mưa nắng, hơn nữa để giảm bớt nạn đào ngũ, đành chấp thuận các trại gia binh xây dựng tại khắp đơn vị đến cấp tiểu đoàn. Trại gia binh làm nặng nề, mọc rễ các đơn vị, làm đơn vị mất cơ động tính, biến các sư đoàn trên nguyên tắc là cơ động thành một thứ địa phương quân, nhất là trong thời kỳ có quân Mỹ tham chiến. Ông Thoại trách cứ ông Thiệu, ông Viên, sao lại quên điều đó, nay ra lệnh rút bỏ Pleiku, mốt rút khỏi Huế, bể tan hết các đơn vị. Ông Thoại đưa thí dụ hồi Tết Mậu Thân, sở dĩ sư đoàn 1 tử thủ được ở Huế là vì Bắc quân vây kín, không chạy đi đâu được. Rút cục gánh nặng chiến tranh đặt quá nhiều lên vai Dù và Thuỷ quân Lục chiến, là những đơn vị không mang gánh nặng trại gia binh, tương tự như các đơn vị chính qui miền Bắc.

Tướng lãnh: Ông Thoại nhận xét như sau về hàng ngũ tướng lãnh sau 1963: “... việc bổ nhiệm tướng cầm quân dựa vào sự tín cẩn là chuyện đương nhiên và dễ hiểu nhưng khả năng của nhiều tướng lãnh không phù hợp với chức vụ. Có tướng chẳng những không có kinh nghiệm chiến trường mà cũng không qua một khóa chỉ huy tham mưu nào cả. Nhiều tướng lãnh được bổ nhiệm chỉ huy các quân trường không đúng ngành chuyên môn của họ. Một số tướng lãnh giữ chức vụ quan trọng mà từ thiếu úy lên tướng chưa chỉ huy một đại đội hay tiểu đoàn tác chiến, chỉ ngồi văn phòng.” (tr. 317)

Lãnh đạo xơ cứng: Không biết thay đổi theo tình hình. “Khi Mỹ rút quân vào năm 1973, một số cấp chỉ huy... tin tưởng quá nhiều vào sự hiểu biết rất hạn chế về chiến tranh Việt Nam của cố vấn Mỹ, tùy thuộc quá nhiều vào sự yểm trợ của Mỹ nên sau khi Mỹ rút, không biết cải tổ để đánh giặc theo lối nhà nghèo.” (tr. 318) Nhóm văn hóa Thái Độ có soạn thảo điều lệ cho một Hội Nghiên cứu Binh thư Binh thuyết, qui tụ một số sĩ quan trẻ có khả năng để đề ra binh thuyết mới, cải tạo quân đội để có thể đánh trận theo lối nhà nghèo. Hồ sơ này được trung tướng Vĩnh Lộc đưa lên trên, nhưng không ai nghe.

Không biết sử dụng hải quân: Chỉ biết sử dụng hải quân để chuyên chở binh sĩ, làm như các chiến hạm chỉ là các tàu bè thường. Cả trong năm 1975, bộ binh chỉ xin yểm trợ hải pháo có đúng một lần, mặc dù chiến hạm nhiều súng lớn, di động nhanh và kho đạn đầy đủ. Quân sĩ lúc nào cũng đầy đủ, không ai đào ngũ, tự ý di tản... (chẳng lẽ nhẩy xuống nước mênh mông, còn đến khi cần phải rút chạy, thì mình ở trên tàu sẵn rồi. Hạm trưởng chỉ việc cho kéo neo là tàu chạy.)

Tinh thần trách nhiệm của một thủy thủ mang tên Hồ Văn Kỳ Thoại: Trong phần cuối sách, tác giả kể lại tâm sự mình trên chiến hạm chở gia đình mình chạy sang Phi Luật Tân, thà trả tầu cho Mỹ còn hơn bàn giao cho địch, như sau:

Cha tôi ngồi trên sàn tàu nhìn tôi, trong bộ quân phục xanh tôi mặc lần cuối cùng, nói nhỏ cho tôi vùa đủ nghe: ‘Ba hết sức thất vọng.’ Tôi hiểu ý cha tôi và đau đớn đến nhói tim. Tôi đau đớn và cảm thấy tủi nhục vì đó là lời trách của một công dân Việt Nam trách một người quân nhân đã không làm tròn bổn phận đã được quốc dân tin tưởng và giao phó. Một công dân thất vọng khi nhìn một tướng lãnh thua trận. Một người cha thất vọng vì đã có ba đứa con ở trong quân ngũ mà bây giờ phải bỏ quê hương, bỏ hết nhà cửa với những kỷ niệm của gia đình để ra đi một cách tủi nhục.”

Khi đến Mỹ 12 năm sau ông Thoại, tôi có được đọc đâu đó một tài liệu kể rằng sau khi đáp trực thăng xuống mẫu hạm Mỹ, sau khi bắt tay vị đề đốc tư lệnh hạm đội, tướng Kỳ đi ra đầu mẫu hạm, nhìn biển. Và khóc. Tôi cũng có coi qua tập Lịch sử Việt Nam truyền hình và thấy ông tướng tàu bay Phan Phụng Tiên tuyên bố: “Tôi lấy làm tủi hổ...” Tướng Trưởng buồn đến nỗi sau khi đến Mỹ ngồi thừ mấy năm liền không nói năng, kệ vợ tần tảo, có lúc làm thợ uốn tóc vất vả để nuôi con (vì chồng làm tướng thanh liêm trước đây).

Tôi, người viết bài văn này, một sĩ quan bộ binh quèn, quí trọng những giọt nước mắt của tướng Kỳ, trân trọng sự tủi hổ của tướng Tiên, sự tủi nhục của Phó đô đốc Thoại, sự im lặng đau đớn của tướng Trưởng, bởi vi tôi đã gặp không ít cựu sĩ quan Việt Nam Cộng hoà đến bây giờ vẫn tự đắc tự hào là mình đã khôn ngoan khi đã nhanh tay (tháo bỏ lon) và nhanh chân (bỏ quân bỏ lính) tháo chạy ra hạm đội Mỹ ngoài khơi, vào một ngày nào đó của ba mươi hai năm trước. Thời gian như thế kể cũng khá lâu rồi và mọi sự cũng nhạt nhòa, nếu hàng năm không làm lễ lớn nhỏ kỷ niệm nhắc nhở mọi người. Nhắc nhở gì? Một đại tá Phi Luật Tân đã hỏi người viết bài ở Bataan: “Tại sao các anh lại cứ thích kỷ niệm ngày quân đội các anh tan rã?”

Cuối hè năm 07


[1]Tears Before The Rain của Larry Engelmann, 1990
Nguồn: Phần chính của bài viết đã đăng trên tạp chí Hợp LÆ°u. Bản Ä‘iện tá»­ đăng trên talawas là bản đầy đủ do tác giả cung cấp.