trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
9.5.2008
Lý Đợi
Phỏng vấn một người Việt trẻ, sang Mỹ năm 1993: “Có những ngày không thấy mặt trời”
 
Hồ Ngọc Tuấn, làm nghề thợ vàng, rời Việt Nam đến định cư tại Mỹ từ năm 1993, một con người rất bình thường, như bao con người bình thường khác. Vì thế nếu gọi đây là bài phỏng vấn thì anh không đồng ý, vì anh nghĩ phỏng vấn phải là ai khác kia, hoặc quan trọng, hoặc nổi tiếng. Còn anh, anh chỉ muốn xem đây như một dịp để tâm sự những nỗi niềm chân thật của một người Việt xa xứ.
Anh qua Mỹ cùng ai? Ở đâu?

Đi với ông già, anh trai, tôi và đứa em gái… theo diện HO. Bà già không đi, vì không biết qua đó sẽ ra sao, nên ở lại binh đường cho mọi người ngày trở về. Người bảo trợ chúng tôi ở Cali, nhận về, sáng nhốt trong nhà đi làm, tối về mở ra. Lúc đó 3 anh em nằm dưới đất (suốt ngày) nói rằng, nếu có đủ tiền mua vé máy bay thì về liền, xin từ bỏ giấc mơ Mỹ từ đây. Lúc đó chúng tôi cũng mới cảm thấu được cái sự đè đầu cỡi cổ của chính những người Việt qua trước. Sau khoảng 2 tuần như vậy, ngay ông già tôi cũng không chịu nổi, đành phải bóp bụng ra thuê nhà ở riêng, sống bằng tiền trợ cấp, tháng được hai ba trăm đôla.

Những ngày tháng tiếp theo thế nào?

Tiếng Anh không biết một chữ, tôi xin đi học may buổi tối, ban ngày đi học tiếng theo trợ cấp trong 6 – 8 tháng đầu. Ông già xin đi cắt chỉ quần áo, hai anh em tôi không muốn tranh giành với người già, nên ra ngoài tìm việc làm. Do không có xe, không biết lái xe, không có bằng lái… nên định tìm một việc nào đó ở gần, hoặc chung hãng, nhưng luật không cho phép anh em làm chung. Tôi xin đi làm cho một cơ sở thi công các sản phẩm bằng vàng, đa số là người Miến Điện, chủ người Miến Điện gốc Hoa, nên thường dùng tiếng Hoa, thế mới éo le.

Mất bao lâu để anh hoà nhập vào công việc đó?

Thường thì phải thử việc trong 6 tháng, đây là một cột mốc. Nếu sau 6 tháng mà bị đuổi thì được hưởng thất nghiệp, nếu chưa được 6 tháng mà tự nghỉ hay bị đuổi thì không được hưởng. Xong 6 tháng thì người làm việc chính thức là người của công việc đó. Tôi cũng vượt qua được 6 tháng này, với 3 tháng đầu gần như phải câm miệng, dù có một số mâu thuẫn về sắc tộc nhưng vẫn phải nhịn, và thực tế cũng không biết tiếng để cãi nhau. Nhiều khi con ông chủ chỉ đạo một việc gì đó, do không biết tiếng, nên hai ba tiếng sau mới đoán ra được. Trong năm đầu tôi kiếm được mỗi giờ 4 đồng 25 xu, năm sau tăng thêm được 25 xu. Thời kỳ ấy mỗi ngày tôi làm 14 –15 tiếng, thứ 7 thì 10 tiếng, chủ nhật 6 tiếng… chẳng thấy mặt trời đâu cả. Chúng tôi gọi đó là những ngày không thấy mặt trời… Rồi tôi cũng leo lên được mức một giờ 15 đồng 75 xu, mỗi ngày làm 8 tiếng, thỉnh thoảng có tăng ca, nếu làm chủ nhật thì chủ phải trả bằng tiền mặt ngay vào buổi chiều.

Khi nào thì anh nói được tiếng Anh?

Trong hãng vàng thì dùng tiếng Hoa phổ biến hơn, nên sau 3 – 4 tháng, tôi đã có thể ngầm hiểu được ý của các câu tiếng Hoa ấy trong tiếng Việt là gì. Còn tiếng Anh thì 5 – 6 năm sau mới dùng được, nhưng cũng chỉ ở mức độ tiếng bồi, cầm tờ báo hay xem tivi chỉ hiểu được 5 – 7%, bởi do không được đến trường học bài bản. Hiện nay thì tại nơi tôi ở có 2 kênh truyền hình và 4 kênh radio tiếng Việt, nhưng cũng năm thì mười họa lắm, và khoảng 68 kênh tiếng Anh miễn phí, ngoài ra muốn xem hay nghe thêm thì phải mua, đến 5 –7 trăm kênh thì phải.

Những năm đầu tiên, nhìn vào mức sống chung, anh thấy mình sống thế nào?

Năm đầu tiên thì muốn về lại Việt Nam để sống, 5 – 6 năm sau thì muốn về Việt Nam để chơi, 8 –10 năm thì bắt đầu thích lối sống Mỹ, sòng phẳng, luật pháp rõ ràng, chỉ đánh vào con người ở khía cạnh đồng tiền… Những năm đầu, ngoài cái tủ lạnh chúng tôi phải mua với giá 200 đôla, bự gấp đôi các tủ lạnh bình thường tại Việt Nam. Còn tất cả các đồ dùng khác thì người ta cho, hay đi lượm. Hồi mới qua, tôi hay đi lượm thùng rác những thứ giày dép, quần áo, sách báo… để dùng. Một chiếc xe Toyota đời 89 giá cỡ 1000 đôla, 500 đô cũng có thể mua được một chiếc cũ hơn. Thường thì người Việt hay đi xe Toyota mốt Camry từ đời 93 đến 96, 97; xe mới thì có thể mua trả góp trong 5 – 6 năm.

Phòng trọ, nhà trọ có đắt lắm không?

Bên đó nhà không tính theo diện tích, mà theo vùng và theo điều kiện sinh hoạt với xã hội. Thường thì nhà tắm được quan tâm hơn cả. Cả gia đình tôi đang ở một căn hộ có 2 phòng với 2 toilet; lúc mới mướn giá 650 đô, bây giờ là 1200 đô. Ông già một phòng, ông anh một phòng, tôi thì có giường xếp. Đứa em gái đã ra ở riêng.

Như anh nói thì từ 1997 đến nay anh về Việt Nam 7 – 8 lần, đã cưới vợ và có một đứa con nhỏ. Lần này bảo lãnh sang, thì ở đâu?

Thì lại chia cho ông anh cái giường xếp. Tại nơi tôi ở, chưa có gia đình thì phải đóng thuế thu nhập 23%, có gia đình rồi thì thấp hơn.

Một ngày ở hãng làm diễn ra như thế nào?

Sáng tôi mua ly cà-phê 1,5 đô, vừa đi vừa uống. 7h30 vào làm, 9h30 nghỉ giải lao 10 phút, cứ hai tiếng thì nghỉ giải lao 1 lần. Trưa nghỉ ăn cơm 30 phút, cơm chuẩn bị từ sáng mang theo. Chiều về ghé chợ mua đồ nấu ăn. Mỗi ngày vị chi tôi làm 8 tiếng rưỡi, nên thứ Sáu có thể nghỉ sớm, tập trung nấu nướng, nhậu nhẹt.

Khu anh ở có nhiều người Việt không? Anh thấy “phong độ” của Việt kiều khi về nước như thế nào?

Khu tôi thuộc người Tàu, ít người Việt, nguyên nhóm Quảng Nam sống với nhau cũng vui, đa phần chẳng được ăn học gì nhiều, nên cũng chẳng biết chính trị là gì. Ai thích không khí nấu nướng, ăn nhậu kiểu Việt Nam thì đến, không thì đi nhóm khác. Thứ Sáu nào cũng nhậu, thứ Bảy thì đi cà-phê. Tôi cũng có bạn người Hoa, người Miến Điện… nhưng đa phần người Hoa khó gần, người Miến Điện sống khép kín, ít ra ngoài chơi như kiểu Việt Nam. Còn muốn hoà nhập vào cộng đồng người Mỹ, xác suất không tới 5%, người Mỹ bên ngoài có vẻ không kì thị, nhưng thực tình thì rất kì thị. Khu tôi ở, trong một bán kính khá rộng, chẳng có một người Mỹ, họ hay bán nhà dọn đi nơi khác… Theo quan sát và kinh nghiệm mà tôi biết được thì có khoảng 10 đến 20% Việt kiều về nước là cứ thích nói dối, thích khoe, thích khè… Đối diện với người Việt trong nước làm như họ không đoán được tuổi, nên cứ thích nói gì thì nói.

Tuần nào cũng nhậu nhẹt, vậy chắc khó mà còn tiền dư để gởi về Việt Nam như nhiều người khác hay dành dụm để gởi về?

Nhậu kiểu ở nhà như bọn tôi thì không tốn mấy, một người nhậu đến be bét thì hết khoảng 20 đồng, 5 đồng mồi, 10 –15 đồng bia. Nhậu chung, góp vào, thì còn ít tốn nữa. Nhiều lúc bia giảm giá, 30 lon bia chỉ có 9,99 xu, một người làm sao uống hết. Chưa nói bọn tôi chỉ không thích uống bia bông trắng, rất nặng, rất ngon, nhưng giá thì rất rẻ. Mỗi tháng tôi cũng dư được 500 đôla, một năm thì thường dư tháng 13, tiền thưởng.

Anh thấy đời sống người viễn xứ thế nào? Và kế hoạch kế tiếp của anh là?

Mỗi năm làm được chấm 4 điểm, từ 40 điểm trở lên thì được hưởng hưu. Tuỳ vào thời gian làm việc và số tiền làm ra mà mức hưu được tính khác nhau. Tôi cũng đủ 40 điểm rồi, được hưởng hưu non, chuyến này qua, tôi quyết định nghỉ để đi học nghề tóc, cùng bà xã mở tiệm ra làm riêng để được tự chủ… Làm một người viễn xứ thì tất nhiên cuộc sống phải có nhiều chuyện buồn rồi. Nhưng nếu bạn là một người bình thường, chỉ tìm cuộc sống bình thường thì cũng dễ dàng có được sau vài năm. Người Việt mà ở Cali thì mọi việc còn dễ dàng hơn, vì quá đông, thỉnh thoảng bọn tôi còn mua được vịt sống về nhà để về cắt cổ làm tiếc canh ăn chui.

Thực hiện ngày 21-5-2006 tại Sài Gòn

© 2008 talawas