trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
Loạt bài: Phong trào cánh tả và vấn đề Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
17.4.2008
Tiêu Dao Bảo Cự
Từ “Bi kịch Hoàng Phủ Ngọc Tường” đến “Hội chứng chính nghĩa” và “Bi kịch của chúng ta”
 
Hơn hai tháng nay, do bận việc riêng, tôi không có thời gian vào mạng. Gần đây, mới vào talawas, tôi chú ý đến bài “Bi kịch Hoàng Phủ Ngọc Tường” của Ngô Minh với hàng loạt ý kiến ngắn đóng góp. Cùng với những bài viết khác trên báo chí và các website nhân dịp kỷ niệm 40 năm Tết Mậu Thân, tôi thấy hình như cuộc chiến tranh Việt Nam sau hơn 30 năm ngừng tiếng súng vẫn chưa thực sự kết thúc. Trái lại, cuộc chiến tranh ý thức hệ và nội chiến ở Việt Nam vẫn còn tiếp diễn, chủ yếu ở bình diện tư tưởng, thể hiện trên Internet là chính, giữa những người trước đây đã từng ở hai bên chiến tuyến.

Chuyện “thảm sát Tết Mậu Thân” ở Huế và Hoàng Phủ Ngọc Tường cùng một số người có liên quan hầu như năm nào đến dịp Tết, ở hải ngoại cũng có người nhắc tới. Tuy nhiên, khi Ngô Minh, một người cầm bút trong nước, công khai đặt ra vấn đề trong một bài viết, lập tức dư luận khắp nơi đã lên tiếng, kể cả kẻ bênh người chống. Sự việc này cũng có điều hay là đã có nhiều người, ở nhiều góc độ, làm rõ thêm nhiều vấn đề, đặc biệt làm hiện hình một bi kịch, không phải chỉ là “Bi kịch Hoàng Phủ Ngọc Tường” mà chính là “Bi kịch của chúng ta”, trong một cuộc chiến không mong muốn vẫn chưa kết thúc.

Rõ ràng trong vụ Tết Mậu Thân ở Huế, Hoàng Phủ Ngọc Tường không phải là một nhân vật gì ghê gớm có quyền quyết định hay trực tiếp can dự đến việc thảm sát (ít ra là qua các ý kiến từ khi có bài của Ngô Minh và chưa có ai chứng minh được gì khác, còn trách nhiệm gián tiếp là một vấn đề khác ta sẽ bàn sau), nhưng câu trả lời phỏng vấn của anh trong Vietnam: A Television History của Stanley Karnow (dù có bị cắt xén hay không) đã làm cho nhiều người tức giận, thậm chí căm phẫn. Tôi có thể hiểu trong thời điểm đó, với lòng tin ở chính nghĩa của mình, với hào quang và lòng kiêu hãnh của người chiến thắng, rất có thể Hoàng Phủ Ngọc Tường đã thực sự nghĩ và nói như vậy. Cũng như Nguyễn Đắc Xuân và nhiều người khác đã thể hiện quyết tâm, chính nghĩa và lòng kiêu hãnh trong tập truyện ký Huế những ngày nổi dậy (Nhà xuất bản Tác phẩm Mới, Hội Nhà văn Việt Nam, 1979).

Trong cuộc chiến Việt Nam, hai miền Nam Bắc đều nhân danh chính nghĩa và cho đến tận hôm nay, phần lớn những người trong cuộc đều giữ vững niềm tin đó, cho nên, những người cộng sản, hằng năm vào những dịp kỷ niệm, đều tổ chức ôn lại và đề cao chiến thắng, trong khi những người thuộc phía Việt Nam Cộng hòa ở hải ngoại vẫn tổ chức ngày “quốc hận” và tố cáo tội ác của cộng sản.

Dù đứng trên quan điểm nào, phần đông mọi người đều phải thừa nhận “chiến tranh là tội ác”. Trong nhiều loại tội ác của chiến tranh, việc giết thường dân là tội ác tàn bạo mang tính phi nhân cao độ nhất và đối với hai phía, thảm sát Tết Mậu Thân và thảm sát Mỹ Lai là hai vụ điển hình trong chiến tranh Việt Nam, với chỗ khác biệt là vụ Mỹ Lai do người Mỹ, đồng minh của miền Nam, trực tiếp gây ra. Tuy nhiên người cộng sản không hề nhắc đến “thảm sát Tết Mậu Thân” và người Việt Nam Cộng hòa cũng không mấy khi nhắc đến “thảm sát Mỹ Lai”. Đó cũng là một biểu hiện của “hội chứng chính nghĩa”.

Ai phải chịu trách nhiệm về đủ mọi loại tội ác trong chiến tranh Việt Nam mà người Việt Nam phải gánh chịu nhiều nhất? Những tội ác này không chỉ xẩy ra ở Huế và Mỹ Lai mà còn từ rừng núi, nông thôn đến thành thị cả hai miền Nam - Bắc, bằng mọi hình thái từ đánh đập, giam cầm, tra tấn, đến bắn giết, đặt chông mìn, dội bom… Ai có thể thống kê hết tội ác đã xẩy ra trong những trận càn quét vào những vùng tình nghi, những trận pháo kích vào trường học, những vụ diệt ác ôn, những cuộc đàn áp trên đường phố, những cuộc tra tấn trong nhà tù, những cuộc tập kích vào thành phố, những phi vụ máy bay B52 thả bom trải thảm, những chất độc màu da cam…?

Một bên người ta nhắc đến Johnson, Nixon…, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu và “bè lũ tay sai bán nước”, bên kia nêu đích danh các lãnh tụ Nga, Tàu…, Hồ Chí Minh và “tập đoàn lãnh đạo cộng sản khát máu”. Còn ai nữa? Lực lượng quân đội, bộ máy hành chính, tất cả các tổ chức, đoàn thể liên quan đến chế độ, kể cả những văn nghệ sĩ của hai phía đã ủng hộ cuộc chiến có vô can không? Nếu có chính nghĩa thì không phải là tội ác ư? Có thực như vậy không? Nhưng hai bên đều tự cho mình có chính nghĩa và cái gì, ai xác nhận điều này? Lịch sử chăng? Lịch sử là gì, là ai? Lịch sử đâu phải là người viết sử hay quan điểm về lịch sử của chính quyền thắng trận hay của những người bại trận. Hay lịch sử phải là phán xét của hậu thế mấy trăm năm sau? Còn bây giờ phần ai cứ nói theo ý mình.

Lịch sử Việt Nam cận đại là một cơn mê cuồng, một mớ bùng nhùng không dễ gì phân định cho rạch ròi. Chiến tranh Việt Nam bắt nguồn từ đâu? Nếu tính xa phải kể đến từ chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô, Trung Quốc, chủ nghĩa tư bản ở các nước phương Tây, cuộc chiến tranh lạnh của thế giới; từ việc đi tìm giải pháp cho dân tộc của những người Việt Nam yêu nước, kết quả của cuộc Thế chiến 2, sự suy tàn của đế quốc thực dân Pháp, sự trỗi dậy của chủ nghĩa thực dân mới, sự thỏa hiệp của các cường quốc trên bàn cờ thế giới; từ việc đấu tranh giành chính quyền của các đảng phái ở Việt Nam, sự vận hành của hai chế độ ở hai miền Nam - Bắc… Bằng một lát cắt từ đâu trong thời gian gần thì nguyên nhân trực tiếp của chiến tranh sẽ xuất phát ở đó.

Phần lớn người Việt Nam có liên hệ đến cuộc chiến còn sống hiện nay sinh ra và lớn lên trong dòng cuốn đó. Những người có lý tưởng phải chọn lựa cho mình một con đường trong thế trận thiên la địa võng đã thành hình. Và họ đã đứng về một phía chiến tuyến. Những người không có lý tưởng hay không muốn lựa chọn cũng phải chọn lựa hay bị lựa chọn. Không ai có thể đứng bên lề lịch sử. Và cuộc chiến cuốn mọi người vào dòng xoáy khốc liệt của nó, hun đúc nên chính nghĩa của phe mình và của từng cá nhân từ một bên chiến trận. Nó giúp cho người ta có thể sống, chiến đấu, tồn tại trong hận thù và biện minh cho những việc mình làm, phê phán phe đối địch.

Chuyên mục “Chiến tranh nhìn từ nhiều phía” của talawas đã đăng tải bao nhiêu ý kiến khác biệt, đối nghịch và không ai có thể đưa ra kết luận sau cùng. Mới đây, có người giới thiệu cho tôi bài viết của Trần Chung Ngọc đăng trên Giao điểm Online nói về vấn đề này. Bài viết có tựa đề “Tản mạn xung quanh cuộc chiến ở Việt Nam” (Chiến tranh nhìn từ một phía: Phía của không phía) dài đến mấy chục trang, có đề cập đến quan điểm của tôi và một vài tác giả khác như Lê Xuân Khoa, Trần Trung Đạo trong những bài viết trước. Hình như đây là lần thứ hai ông viết về đề tài này. Qua trích dẫn “bách gia chư tử” của phương Tây, ông cố chứng minh rằng cuộc chiến tranh Việt Nam không phải là nội chiến hay “chiến tranh ủy nhiệm” mà là cuộc chiến tranh giải phóng của người Việt Nam chống lại sự xâm lược của đế quốc thực dân mới là Mỹ. Luận điểm “chiến tranh giải phóng” không có gì mới mẻ vì những người cộng sản Việt Nam đã nghiên cứu, khẳng định và tuyên truyền từ lâu, qua suốt cuộc chiến và cho đến tận bây giờ. Riêng về chủ nghĩa thực dân mới, tạp chí Đối diện năm xưa từ trước 1975 ở miền Nam cũng đã làm xuất sắc hơn ông Ngọc nhiều.

Còn chuyện “chiến tranh ủy nhiệm” hay chiến tranh ý thức hệ và nội chiến? Chẳng phải hai miền Nam - Bắc trước đây đều đã từng công khai thừa nhận mình là “tiền đồn chống cộng của thế giới tự do” và “vị trí tiền tiêu của phe xã hội chủ nghĩa”? Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ở miền Nam đã nói đại ý chúng ta đổ xương máu thì người Mỹ phải đổ tiền vào. Các nhà lãnh đạo ở miền Bắc từng tuyên bố chúng ta chiến đấu cho cả phe xã hội chủ nghĩa. Và hai miền đều nhận tiền bạc, vũ khí của ngoại bang, đều chịu sự chỉ đạo của các cường quốc và chiến tranh chỉ có cơ may chấm dứt khi các cường quốc thỏa hiệp với nhau trên bàn cờ quốc tế. Những điều đó không đủ chứng minh cho cuộc chiến ý thức hệ? Còn nội chiến? Phải chăng việc người Việt đã cầm súng giết nhau trên chiến trường, tàn sát nhau trên quê hương và hận thù nhau trong tim óc cho đến tận ngày nay vẫn không thể gọi là nội chiến? Đâu cần gì phải trích dẫn, lý luận dài dòng. Và chiến tranh giải phóng? Điều này cũng có lý và ngày càng có tính thuyết phục khi người Mỹ can thiệp sâu vào nội bộ chính trường miền Nam và chiến tranh Việt Nam với sự hiện diện của hơn nửa triệu quân, bộ máy cố vấn đến từng đơn vị nhỏ và dội bom ra miền Bắc.

Thật khó phân định cho rạch ròi tính chất của cuộc chiến vì nó bao hàm trộn lộn tất cả. Tách biệt ra hoặc gọi tên một cách phiến diện là điều không thể được. Chiến tranh nhìn từ một phía, thậm chí “phía của không phía” (thực ra là một cách nói ra vẻ khách quan nhưng vô nghĩa) đều lệch lạc mà phải đứng trên bình diện dân tộc và nhân loại để nhìn nhận một cách đầy đủ, rút ra bài học để giải quyết những vấn nạn còn tồn tại do nó tạo ra cũng như những vấn đề mới của lịch sử.

Tiêu Dao Bảo Cự bên cầu Hiền Lương mới phục chế
Khi người dân bình thường nói hay tôi viết “Hiệp định Genève chia đôi đất nước”, không phải tôi không biết, không đọc, không hiểu nội dung của hiệp định, mà điều đó chỉ có nghĩa là trong thực tế, từ khi có Hiệp định Genève, đất nước bị chia làm hai miền, với hai chính quyền đối địch nhau, mang lại một sự phân ly đau đớn cho dân tộc Việt Nam. Mấy năm trước tôi đến cầu Hiền Lương trên sông Bến Hải, bên cạnh cầu mới, cầu cũ đang được phục chế, ở bờ bắc thấy có một tượng đài nho nhỏ đề chữ “Cột mốc giới tuyến quân sự tạm thời 54 - 75”. Năm nay tôi lại đến, thấy cầu Hiền Lương cũ đã phục chế xong, tượng đài “cột mốc giới tuyến…” đã bị đập bỏ. Thay vào đó, phía bờ bắc người ta dựng lại cột cờ giới tuyến rất lớn với nền cao ngất, cổng chào và giàn loa phóng thanh vĩ đại trước đây dùng để tuyên truyền phát vào Nam. Bờ nam trước kia có gì tôi đã quên, nay chỉ thấy một loại tượng đài kỳ lạ như những chiếc lá cao vút dựng thẳng lên trời và tượng mẹ bồng con trông vời ra Bắc. (Tôi đoán thôi, vì tôi dừng ở bờ bắc sát với quốc lộ 1A, còn bờ nam xéo vào bên trong khá xa, nhìn không rõ, nhưng chắc chắn đó là công trình mới, không phải được phục chế như bên bờ bắc.) Con sông Bến Hải này có phải là một vết chém ngang lưng tổ quốc chia đôi đất nước từ khi có Hiệp định Genève, bất kể nội dung nó nói gì hay do ai ký?

Cũng tương tự, Hiệp định Paris có tên là “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình…” ký năm 1973 sau nhiều năm thương thảo, vừa đánh vừa đàm. Hai người chủ chốt tham gia soạn thảo hiệp định là Kissinger và Lê Đức Thọ được Giải Nobel Hòa bình. Mỉa mai thay, ai cũng biết hiệp định này cốt để Mỹ rút quân trong danh dự sau khi đã thỏa hiệp với Trung Quốc. Chiến tranh chỉ chấm dứt, hòa bình chỉ lặp lại khi có “cuộc Tổng tiến công và Nổi dậy mùa Xuân năm 1975” với chiến thắng của miền Bắc và Tổng thống Dương Văn Minh của miền Nam tuyên bố đầu hàng chứ không phải do thực hiện hiệp định.

Tôi đã viết tương tự về những điều này trong một bài trước nhưng có lẽ ông Trần Chung Ngọc không đọc hoặc không thèm quan tâm, tôi không dám nói là ông không hiểu. Nhưng tôi thấy dù đã rào đón, ông vẫn là người “tận tín thư bất như vô thư” vì ông chỉ trích dẫn ông Tây này nói thế này, ông Tây kia viết thế kia, hiệp định nọ xác định rằng… để đi đến kết luận mà không chịu nhìn nhận và suy nghĩ từ thực tế, hay ông chỉ viết theo định kiến hoặc kết luận có trước. (Rất có thể ông Ngọc là người đọc rộng, biết nhiều nhưng khi ông viết với giọng điệu rất thiếu văn hóa, luôn phỉ báng những người đối thoại là “ngu dốt, có đầu không có óc…”, thiết nghĩ ông chẳng phải là người đáng để tranh luận.)

Ngày 1 tháng Tư vừa qua là ngày giỗ thứ bảy của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Theo báo Tuổi trẻ tường thuật, đêm tưởng niệm ở hội quán Hội Ngộ trong khu du lịch Bình Quới ở Sài Gòn có hơn 6000 người dự. Ngày hôm trước, người ái mộ đã xếp hàng ba dài cả cây số để nhận vé mời. Tôi tin sự mô tả này là chính xác vì cách đây mấy năm, có một lần tôi cũng dự đêm tưởng niệm này, người ta phải gởi xe máy vào nhà dân hai bên đường dài hàng cây số và khi chương trình chấm dứt, tôi phải đợi hơn một giờ đồng hồ mới có thể lấy xe ra về vì người và xe ken đặc trên con đường độc đạo vào khu du lịch này.

Cũng trong thời điểm đầu tháng Tư này, tôi đọc được mấy bài phổ biến trên mạng, mạ lỵ Trịnh Công Sơn bằng đủ mọi ngôn từ xấu xa nhất. Ông Trần Văn Tích, trong ý kiến ngắn trên talawas về trường hợp Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng nhắc đến Trịnh Công Sơn: “Qua bài của tác giả Ngô Minh (talawas 04.03.08, ‘Bi kịch Hoàng Phủ Ngọc Tường’), tôi được biết thêm chi tiết mới là chính Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đọc lời hiệu triệu của ‘cách mạng’ vào dịp tấn công cố đô. Tôi liên tưởng đến tiếng hát bài ‘Nối vòng tay lớn’ trên đài phát thanh Sài Gòn sáng hôm 30.04.75. Người nhạc sĩ quá cố chỉ đánh đàn và hát, nhưng tiếng đàn lời ca đã trở thành một tác nhân gây ác mộng cho rất nhiều người dân Sài Gòn, tôi tin chắc như thế. Phần cá nhân tôi, đến nay đêm ngủ vẫn thỉnh thoảng còn bị tiếng hát giọng ca đó trở về gây kinh hoàng khủng khiếp, lắm đêm vật vã tháo mồ hôi lạnh”.

Lời hiệu triệu do Hoàng Phủ Ngọc Tường đọc hay bài hát của Trịnh Công Sơn “gây ác mộng” cho bao nhiêu người là do ông Trần Văn Tích suy diễn và “tin chắc như thế”, cũng có thể đúng nhưng cũng không sai khi có bao nhiêu người “hồ hởi phấn khởi” và thực sự xúc động, hạnh phúc được nghe trong các thời điểm đó. Thực tế muôn mặt chứ không phải chỉ có thực tế của chính mình.

Dĩ nhiên người ta không nói đến tài năng của Trịnh Công sơn, điều người ghét ông cũng phải thừa nhận, mà nói đến thái độ chính trị của ông, coi ông như một kẻ phản bội “lý tưởng quốc gia”, làm tay sai cho cộng sản. Về thái độ đối với cuộc chiến tranh Việt Nam, Trịnh Công Sơn làm rất nhiều bài nhạc nhưng có lẽ bài nổi tiếng nhất, được nhiều người thuộc và hát, cũng có nghĩa là đồng tình, là bài “Gia tài của mẹ” trong đó có câu “Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày, gia tài của mẹ để lại cho con, gia tài của mẹ, một nước Việt buồn”. Nhận định cuộc chiến tranh Việt Nam là “nội chiến” đã không làm vừa lòng cả hai chính quyền Nam - Bắc nên ông gặp khó khăn, tuy mức độ không lớn lắm, trong cả hai chế độ.

Dưới chế độ Sài Gòn, ông phản chiến và trốn lính, được đại tá không quân Lưu Kim Cương bảo trợ. Khi Lưu Kim Cương tử trận, ông làm bài “Cho một người vừa nằm xuống”, không mang mầu sắc chính trị mà chỉ là xúc động trước cái chết và thân phận con người. Điều kỳ lạ là khi Trịnh Công Sơn trốn lính, một sĩ quan cao cấp của chế độ Sài Gòn trân trọng, che chở ông trong khi hiện nay một số người Việt Nam Cộng hòa khác phê phán việc ông trốn lính là hèn nhát, đâm sau lưng chiến sĩ. Những người sau, nếu lúc đó họ có quyền và có quan điểm như thế, chắc Trịnh Công Sơn đã phải đi làm “lao công đào binh” và số phận ông chưa biết sẽ ra sao.

Sau 1975, qua một thời gian ngắn khó khăn, ông đã sống và sáng tác bình thường như những nhạc sĩ khác. Nhạc của ông, trừ loại nhạc phản chiến, các bản tình ca được phổ biến rộng rãi và nhiều thế hệ đã say mê nghe và hát nhạc của ông trên khắp mọi miền đất nước. Vào giai đoạn này ông có sáng tác một số bài có hơi hướng chính trị và bị những người chống cộng phê phán là làm tay sai cho chế độ như “Huyền thoại mẹ”, “Em ở nông trường, em ra biên giới”…

Trịnh Công Sơn là một nghệ sĩ, một trí thức. Trong chiến tranh Việt Nam ông có lập trường phản chiến và dưới hai chế độ ông có một số sáng tác “theo thời” để có thể tồn tại. Điều đó không hay lắm nhưng chưa đến mức tệ hại, bán rẻ nhân cách để có thể quy là văn nô, bồi bút. Nếu nói là văn nô, bồi bút, thì dưới hai chế độ trước đây và cả hiện nay, vô số người còn “xuất sắc” hơn Trịnh Công Sơn. Trong dòng xoáy kinh hoàng của cuộc chiến và sự vận hành tàn bạo của các chế độ chính trị, giữ được thái độ như Trịnh Công Sơn, dĩ nhiên chưa hoàn hảo, cũng đã là một điều đáng quý. Có thể vì thế mà hiện nay, đông đảo người hâm mộ nhạc Trịnh, cả trong và ngoài nước, không quan tâm đến khía cạnh đó mà chỉ quý trọng và ngưỡng mộ tài năng của ông qua những bản nhạc về tình yêu và phận người có ma lực phi thường và sức sống vượt không gian, thời gian.

Tôi cũng vừa mới đọc hồi ký Lạc đường của Đào Hiếu trên trang talawas chủ nhật. Đào Hiếu cũng là một trí thức miền Nam “tham gia cách mạng”. Hồi ký này, với văn phong tiểu thuyết, có một số trang có thể nói là tuyệt bút của một nhà văn tài hoa. Ngoài những hồi ức về chuyện cũ, phần quan trọng là suy tư của tác giả về thời thế, về giai đoạn lịch sử mà tác giả đã sống trải. Đào Hiếu đã thất vọng và phê phán nặng nề, đôi khi đích danh hay gần như đích danh một số người là “đồng chí” cũ, khi làm quan chức, đã thoái hóa, trở thành những tên cặn bã, trong một xã hội đầy rẫy những những điều tệ hại, dối trá. Đặc biệt Đào Hiếu lên án chính quyền hiện tại và hầu hết mọi loại chính quyền trên thế giới, không tin vào các chính trị gia và thất vọng về cả nhân dân. Tác phẩm còn bộc lộ nhiều vấn đề tư tưởng, triết lý, chính trị trên bình diện rộng lớn toàn nhân loại, nhưng ở đây tôi chỉ muốn chú ý khía cạnh liên quan đến đề tài bài viết này là Đào Hiếu không hề có ý phản tỉnh về chuyện đúng sai của việc mình đã “tham gia cách mạng” trong quá khứ. Tựa đề Lạc đường không nói lên điều gì rõ ràng so với nội dung tác phẩm. Mặc nhiên người đọc hiểu tác giả vẫn tự hào về việc mình đã làm và chỉ thất vọng về thực tế của ngày hôm nay.

Đây là điều hầu như bình thường đối với mọi người. Hình như cho đến nay tất cả mọi người ở hai phía đã tham gia cuộc chiến trước đây, kể cả thành phần thứ ba, phản chiến đều tự cho mình có chính nghĩa và đều tự hào khi hồi tưởng lại quá khứ. Rất hiếm người có ý tưởng sám hối về thái độ và hành động của mình khi tham gia cuộc chiến trước đây. Chính các tính chất của chiến tranh ý thức hệ, nội chiến và chiến tranh giải phóng đã hun đúc, củng cố thêm cho chính nghĩa của những người tham dự.

Tôi nghe có người trong cuộc nói rằng trong chiến tranh, một số người lính Việt Nam Cộng hòa ít có thù hận. Trên chiến trường là phải nổ súng. Thù hận chỉ phát sinh sau khi thất trận bị “cải tạo”, đày đọa, làm nhục và hủy diệt tương lai. Cũng có người nói dù sao lịch sử đã sang trang, chỉ cần chính quyền hiện nay công khai nói một lời xin lỗi về những việc làm sai trái của mình, thực sự có hành động hòa giải hòa hợp dân tộc là mọi người có thể bỏ qua quá khứ để cùng nhau xây dựng đất nước.

Chính quyền Đức đã xin lỗi người Do Thái. Chính quyền Nhật đã xin lỗi các dân tộc châu Á… Đảng Cộng sản và chính quyền miền Bắc năm 1956 đã xin lỗi nhân dân sau các sai lầm chết người và có thể gây nguy hiểm cho chính chế độ trong cuộc cải cách ruộng đất, nhưng sau chiến tranh và những sai lầm khác trong thời kỳ hậu chiến tranh, họ đã không làm như thế. Niềm kiêu hãnh về chính nghĩa và nỗi lo lắng củng cố địa vị lãnh đạo đã không cho họ làm điều đó. Nhà cầm quyền chỉ hành xử đúng khi đó không phải là một chính quyền độc tài toàn trị và đại diện được cho nhận thức và ý nguyện của toàn dân.

Trong dịp kỷ niệm 40 năm vụ thảm sát Mỹ Lai tổ chức ở Sơn Mỹ, Quảng Ngãi ngày 15.3.08, Kenneth Schiel, một cựu binh Mỹ từng tham gia cuộc thảm sát đã đến nơi để hối lỗi và ông đã được người còn sống sót năm xưa tha thứ. (Báo Tuổi trẻ ngày 16.3.08) Ông Võ Văn Kiệt cách đây mấy năm, khi hồi tưởng lại ngày 30.4.75 có nói đại ý ngày đó một triệu người vui thì cũng có một triệu người buồn nhưng năm nay, nhớ lại ngày đó, ông Trần Văn Tích cũng vẫn chỉ thấy “kinh hoàng khủng khiếp”. Ông Tích đã từng bị mất mát trong chiến tranh nhưng ông là người dân thường ở về phía bại trận. Ông Kiệt trong chiến tranh cũng bị mất mát không kém phần đau thương nhưng ông là một lãnh đạo của phía chiến thắng và ông chỉ phát biểu điều đó khi đã về hưu. Đó là lý trí, đồng thời cũng là tâm trạng. Lý trí khi đã được củng cố bởi chính nghĩa và tâm trạng là một điều gần như phản ứng tự nhiên nên thật khó lòng cho việc thuyết phục lẫn nhau.

Do hoàn cảnh và trải nghiệm, tâm trạng con người khác nhau. Gần đây, tôi có dịp đi cùng mấy người bạn cũ và mới về thăm Quảng Trị. Họ đều là cựu sĩ quan của một binh chủng nổi tiếng thiện chiến và dữ dằn của quân lực Việt Nam Cộng hòa được tăng viện bảo vệ “địa đầu giới tuyến” vào những năm cuối của cuộc chiến. Người bị thương đã giải ngũ trước 75, người di tản qua Mỹ, người bị bắt làm tù binh. Khi đứng trước những bức tường còn dày đặc vết đạn của Trường Bồ Đề năm xưa, chứng tích duy nhất còn sót lại của thị xã sau “mùa hè đỏ lửa” năm 1972, tất cả nổi gai ốc, như sống lại thời khắc kinh hoàng và bi thảm ngày ấy và một nỗi buồn chung dấy lên. Thành cổ Quảng Trị trong cuộc chiến tàn khốc năm đó được mệnh danh là “cối xay thịt” vì cả hai phía đưa quân tiếp viện vào nhiều đợt, mỗi đơn vị sau khi vào chỉ còn vài người sống sót trở về. Giành giật một mảnh đất bằng xương máu như thế nhưng ngày nay Quảng Trị chỉ là một thị xã nhỏ đìu hiu với những dãy phố buồn được xây dựng lại trên đống gạch vụn, gần như bị bỏ quên. Thú vui giải trí duy nhất của thanh niên ở đây chỉ là ngồi quán café trong những cửa tiệm đèn mờ chật hẹp trong phố hay dưới những chiếc dù xanh đỏ dựng dọc bờ sông Thạch Hãn. Ngược lại, Đông Hà, tỉnh lỵ mới của Quảng Trị, phát triển với tốc độ nhanh, phố xá hoành tráng hai bên quốc lộ 1A dài đến 5 cây số và rất nhiều đường mới mở sâu vào bên trong, so với ngày xưa chỉ có hai con đường với hàng quán xác xơ. Đường lên Khe Sanh, Lao Bảo ngày trước chỉ có cỏ cây, đá sỏi, bom mìn, bây giờ nhà cửa đông vui, sinh hoạt sầm uất. Những cựu binh thiện chiến thất trận ngày nào trở về chiến trường xưa, có người đã nói thật lòng, dù sao đi nữa họ cũng vui mừng khi thấy nơi đây phát triển, cuộc sống của người dân yên bình, giàu có hơn xưa. Chẳng một ai bày tỏ lòng thù hận, dù là khi họ ôn lại những trận đánh đẫm máu hay những ngày bị đày đọa trong trại cải tạo.

Cuộc chiến Việt Nam là một cuộc hỗn mang của lịch sử, từ đầu cho đến tận dư vang của nó ngày hôm nay. Khó ai có thể nhìn nhận cho rạch ròi và có thái độ gọi là khách quan, đúng đắn, nhất là đối với người trong cuộc, dù tất cả có thể rất chân thành khi nói ra. Vì thế, bài thơ “Nếu” của Nguyễn Đức Tùng tặng Hoàng Phủ Ngọc Tường với mấy câu cuối gây tranh cãi có thể được hiểu một cách rộng hơn, cho mọi người chứ không phải chỉ cho riêng Hoàng Phủ Ngọc Tường:

Nếu nước thật trong xanh
Anh mới đúng là anh

Nhưng nước không trong xanh.

Trên các con sông cuồn cuộn của đời sống ở đất nước đau thương và đầy bi kịch này, nước mấy khi trong xanh.

Khi tôi có ý định viết bài về đề tài này, có bạn đã cản không nên viết vì chẳng giải quyết được gì mà lại phải đi giữa hai lằn đạn. Chính quyền không hài lòng vì cho rằng đã đánh đồng đúng - sai, chính nghĩa - phi nghĩa. Những người chống cộng lại cho nói như thế là xúc phạm “chính nghĩa quốc gia”, gián tiếp bênh vực cho cộng sản. Dù sao đi nữa, tôi vẫn giữ vững lập trường hòa giải hòa hợp dân tộc theo quan niệm riêng của mình vì nếu nó chưa có hiệu quả tức thời thì ít ra cũng không gây thêm thương tổn. Tôi tin chỉ có sự chân thành mới giúp người ta hiểu nhau và ngồi lại bên nhau.

Trong một bài hát, Trịnh Công Sơn viết: “Chúa đã bỏ loài người, Phật đã bỏ loài người”. Tôi nghĩ khác. Không phải Chúa, Phật đã bỏ loài người mà chính loài người bỏ Chúa, Phật. Năm nào trong dịp lễ Phục sinh người ta cũng ôn lại câu chuyện Chúa Jésus bị hành hình tàn khốc trên cây thánh giá nhưng đã cầu nguyện xin tha thứ cho những kẻ giết hại mình vì những người đó không biết mình làm gì. Phật đã dạy hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi và “quay đầu là bờ”. Con người mấy ai học được bài học tha thứ và tỉnh thức dù họ tự nhận theo Chúa, theo Phật và không ngừng đọc kinh, cầu nguyện.

Bài học tâm linh không hề xa vời mà chính là một thái độ sống hàng ngày góp phần giải quyết những nan đề của cuộc sống. Trong lĩnh vực chính trị, bài học này cũng không phù phiếm nhưng dĩ nhiên không phải vì thế mà thủ tiêu cuộc đấu tranh với những chính quyền độc tài toàn trị gây tội ác và coi nhân dân như nô lệ. Tuy nhiên nếu lẫn lộn, đánh đồng mọi thứ thì chỉ rơi vào bi kịch của cuộc hỗn mang lịch sử.

Đà Lạt giữa tháng 4.2008

© 2008 talawas