trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
7.8.2007
La Thành
Phẩm tính trí thức
(phụ lục)
 1   2   3   4 
 
Aleksandr Solzhenitsyn – nhà văn GULAGer thành danh

Aleksandr Isaevich Solzhenitsyn (sinh năm 1918) là nhà văn Nga – đoạt giải Nobel văn chương năm 1970 –, nhà bình luận chính trị và hoạt động xã hội, nhà bất đồng chính kiến đối với chế độ Xô-viết.

A. I. Solzhenitsyn sinh trưởng trong một gia đình nông dân tại thành phố Kislovodsk, thuộc địa hạt hành chính Stavropol’skiĭ Kraĭ ở khu vực Bắc Kavkaz, nam phần lãnh thổ Đông Âu của nước Nga. Say mê văn chương, lịch sử và hoạt động xã hội từ thời học sinh phổ thông, nhưng Solzhenitsyn lại chọn học khoa toán-lý Đại học Quốc gia Rostov (acronym theo tiếng Nga ‘RGU’). Tuy nhiên, trong thời gian học chính thức ở RGU (1936–1941), Solzhenitsyn cũng tự nghiên cứu sử học và chủ nghĩa Marx-Lenin, rồi theo học hàm thụ (từ 1939) tại Viện Triết học, Văn chương và Lịch sử Moskva (MIFLI). Sau khi tốt nghiệp RGU, Solzhenitsyn bị gọi nhập ngũ tháng 10.1941, được cử đi học Trường Sĩ quan Pháo binh Kostroma, một năm sau ra trường với cấp bậc trung uý, ra mặt trận tháng 2.1943 với cương vị khẩu đội trưởng trinh sát pháo binh, được đề bạt quân hàm đại uý tháng 6.1944, được tưởng thưởng Huân chương Chiến tranh Vệ quốc và Huân chương Sao Đỏ.

Tháng 2.1945, khi đang phụng sự ở mặt trận Đông Phổ, Solzhenitsyn bị bắt vì bộc lộ thái độ phê phán và chửi rủa Stalin trong thư từ trao đổi với một người bạn đồng ngũ, bị “Hội đồng Đặc biệt” (Osoboe soveshchanie) kết án tám năm lao động cải tạo và vĩnh viễn lưu đày biệt xứ. Từ tháng 8.1945 đến tháng 2.1953, Solzhenitsyn trải qua một loạt nhà tù / trại giam GULAG, trong đó có một giai đoạn (9.1946–5.1950) ông làm việc trong các sharashka – những “phòng thí nghiệm R&D” sử dụng nhân lực là tù nhân có trình độ chuyên môn. Mãn hạn tù (1953), Solzhenitsyn tiếp tục bị phát vãng đến Kok-Terek (Kazakhstan) theo bản án lưu đày suốt đời. Năm 1956, sau khi được “phục hồi” theo quyết định của Toà án Tối cao Liên Xô (lúc này Nikita Khrushchëv mới lên nắm quyền), Solzhenitsyn chuyển đến định cư ở làng Torfoprodukt thuộc hạt Vladimirskaĭa Oblast’.

Được khuyến khích bởi bầu không khí bài Stalin vào đầu thập niên 1960, Solzhenitsyn tiếp cận nhà thơ Aleksandr Tvardovskiĭ (1910–1971), tổng biên tập tạp chí văn chương Xô-viết hàng đầu Thế giới mới (Novyĭ mir), với bản thảo truyện vừa Một ngày của Ivan Denisovich (Odin den’ Ivana Denisovicha, viết từ 1959). Sau khi được sửa chữa và được đích thân Nikita Khrushchëv phê chuẩn, thiên truyện xuất hiện trên các trang của Novyĭ mir vào 1962, đem lại cho tác giả của nó sự nổi tiếng tức thì. Một ngày… mô tả trải nghiệm của chính Solzhenitsyn về cuộc sống của tù nhân trong một trại cưỡng bức lao động thời Stalin. Là một trong số những tác phẩm văn học đầu tiên của thời kỳ hậu-Stalin trực tiếp viết về đề tài này, thiên truyện đã gây xúc động mạnh mẽ cả ở trong và ngoài Liên Xô, truyền cảm hứng cho một số nhà văn Xô-viết khác tiếp tục khai thác những kinh nghiệm lao tù của họ dưới chế độ stalinist. Tuy nhiên, giai đoạn ân sủng ngắn ngủi này sớm kết thúc cùng với sự “ngã ngựa” của Nikita Khrushchëv (1964): sau lần một tuyển tập truyện ngắn của Solzhenitsyn được ấn hành vào năm 1963, tác phẩm của ông bắt đầu hứng chịu sự chỉ trích và phiền nhiễu của chính quyền.

Sự chấp chính của Leonid Brezhnev đã lấy đi của Solzhenitsyn cơ hội được hợp pháp xuất bản tác phẩm và phát biểu trước công chúng. Tháng 9.1965, KGB đã ra lệnh tịch thu những trước tác “chống Xô-viết nghiêm trọng nhất” của ông. Solzhe quay lại việc phổ biến văn học của mình dưới hình thức samizdat, đồng thời gửi ra nước ngoài để xuất bản. Những năm cuối thập niên 1960 của Solzhe được đánh dấu bởi việc công bố bên ngoài lãnh thổ Liên Xô một số tiểu thuyết đầy tham vọng – Vòng tròn đầu tiên (V kruge pervom, 1968), Khu nhà ung thư (Rakovyĭ korpus, 1968), v.v... –, những tác phẩm đã đảm bảo cho ông một uy tín văn chương quốc tế, song cũng khởi động một chiến dịch chống lại ông của truyền thông đại chúng Xô-viết. Cũng trong thời kỳ này, Solzhe đã bí mật hoàn thành bản thảo thiên phóng sự điều tra Quần đảo GULAG (Arkhipelag GULAG), một hồ sơ văn học đồ sộ, người thật việc thật về sự đàn áp Xô-viết đối với quyền con người, được bắt đầu viết từ 1958. (GULAG là acronym theo tiếng Nga của “Tổng cục các trại lao động cải tạo”, chính thức tồn tại ở Liên Xô trong khoảng thời gian 1930–1960.) Thỉnh thoảng, lợi dụng những khoảnh khắc lơi lỏng của nhà đương cục, Solzhe cũng tích cực gặp gỡ và cho phỏng vấn các ký giả nước ngoài.

Năm 1969, Solzhenitsyn được đề cử lần đầu cho giải Nobel văn chương, và mặc dù năm đó giải này không được trao cho ông, Solzhe đã bị khai trừ khỏi Liên đoàn Nhà văn Liên Xô. Năm 1970, Solzhe tiếp tục được đề cử cho giải Nobel và lần này thì ông trúng cử, “vì sức mạnh đạo đức mà với nó, ông đã theo đuổi những truyền thống không thể bị lãng quên của văn chương Nga” (trích Thông cáo của Giải Nobel Văn chương 1970). Chính quyền Liên Xô đã mô tả quyết định của Uỷ ban Giải Nobel là “thù địch về chính trị”, truyền thông Xô-viết một lần nữa lại om sòm phỉ nhổ Solzhe; chính quyền yêu cầu Solzhe dời Liên Xô, nhưng ông đã cự tuyệt. Năm đó, Solzhenitsyn đã không đến Stockholm dự lễ trao giải Nobel của mình, vì ông đoan chắc một khi ông ra khỏi đất nước, ông sẽ bị tước quyền hồi hương. Phía Thuỵ Điển cũng từ chối đề nghị của Solzhe về một lễ trao giải riêng được tổ chức tại toà đại sứ Thuỵ Điển ở Moskva vì e ngại việc này sẽ chọc giận Liên Xô, gây tổn hại đến quan hệ của vương quốc với siêu cường. Chỉ đến tháng 12.1974, sau khi bị trục xuất khỏi Liên Xô, Solzhe mới sở hữu giải Nobel của mình.

Cuối năm 1973, quan hệ giữa chính quyền Liên Xô và giới bất đồng chính kiến gia tăng căng thẳng. Tháng 8.1973, vào ngày mà Solzhenitsyn cho báo giới nước ngoài một cuộc phỏng vấn dài, KGB đã bắt giữ một trong những nữ trợ lý của nhà văn, Elizaveta Voronĭanskaĭa. Bị tra khảo, Voronĭanskaĭa đã khai ra nơi cất giấu một bản sao của bản thảo Arkhipelag GULAG, rồi treo cổ tự vẫn sau khi được thả. Đầu tháng 9, được tin bản thảo Arkhipelag GULAG đã đến tay một nhà xuất bản Nga di cư ở Tây Âu (YMCA-Press, Paris) và chuẩn bị được in, Solzhe bèn gửi tới các nhà lãnh đạo Liên Xô một bức thư (Pis’mo vozhdĭam Sovetskogo Soĭuza), kêu gọi từ bỏ ý thức hệ cộng sản, chuyển đổi Liên bang Xô-viết thành một quốc gia - dân tộc của người Nga.

Một chiến dịch chống dissidentsiĭa (giới bất đồng chính kiến) lại rộ lên trên báo chí Xô-viết, trong cùng một lúc với chiến dịch báo chí bênh vực họ và cá nhân Solzhenitsyn ở phía tây “bức màn sắt”. Qua trung gian người vợ đầu của Solzhenitsyn thu xếp, ngày 24.9.1973, KGB đã tiến hành một cuộc đàm phán với nhà văn nhưng không đạt được một thoả thuận nào. Vào những ngày cuối cùng tháng 12.1973, volume đầu tiên của Arkhipelag GULAG được chính thức phát hành ở Paris và, cùng với sự ra mắt của cuốn sách, từ “gulag” đã đi vào từ vựng chính trị phương Tây, phiếm chỉ một hệ thống đàn áp chính trị nội bộ vô nhân đạo nhất trong lịch sử hiện đại, xuất hiện ngay sau cuộc cách mạng bol’shevik tháng 11.1917.

Chính quyền Liên Xô đã phản ứng mau lẹ. Trong phiên họp ngày 7.1.1974, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô đã thảo luận về “những biện pháp ngăn chặn hoạt động chống Xô-viết của Solzhenitsyn”. Ngày 7.2.1974, thủ lĩnh KGB Ĭuriĭ Andropov gửi thư cho tổng bí thư Leonid Brezhnev, chỉ ra những ảnh hưởng tiêu cực của Arkhipelag GULAG đối với giới trí thức và đề xuất đuổi nhà văn ra khỏi đất nước. Ngày 12.2, Solzhenitsyn bị bắt với tội danh “phản bội tổ quốc”. Ngày 13.2, ông bị tước quyền công dân Liên Xô và bị trục xuất khỏi lãnh thổ Liên Xô bằng một chuyến bay tới Cộng hoà Liên bang Đức. Những người còn lại trong gia đình Solzhenitsyn dời Liên Xô ngày 29.3.1974.

Thời gian từ sau đó cho đến trước năm 1990, gia đình Solzhenitsyn sinh sống chủ yếu ở Hoa Kỳ. Trong hơn 17 năm sống lưu vong, Solzhe đầu tư công sức cho bộ truyện lịch sử về cuộc Cách mạng Nga 1917 – Bánh xe đỏ (Krasnoe koleso), gồm bốn phần, hoàn thành vào năm 1992 –, và một số công trình ngắn hơn.

Quá trình perestroĭka đã làm thay đổi thái độ của xã hội Xô-viết đối với sáng tác và hoạt động của Solzhenitsyn. Năm 1990, Solzhenitsyn được khôi phục quyền công dân Liên Xô. Cùng năm đó, bộ sách Arkhipelag GULAG được chính phủ Liên Xô trao tặng Giải thưởng Nhà nước. (Cho đến lúc đó, ở Liên Xô bộ sách này cũng như hầu hết các sáng tác của Solzhenitsyn chỉ được lưu hành dưới dạng samizdat.) Ngày 27.5.1994, gia đình Solzhenitsyn đã trở về nước Nga sau hơn 20 năm sống lưu vong. Trừ Solzhe, vợ và các con ông đều đã vào quốc tịch Hoa Kỳ.

Ngày 11.12.1998, tổng thống Liên bang Nga Boris El’tsin đã ký sắc lệnh số 1562, trao tặng nhà văn Aleksandr Isaevich Solzhenitsyn Huân chương Thánh Andreĭ Pervozvannyĭ, huân chương cao nhất vừa được khôi phục của Liên bang Nga, có truyền thống từ thời Đế quốc Nga. Tuy nhiên, nhà văn đã từ chối vinh dự, với lý do “quyền lực tối cao đã đưa nước Nga đến thảm trạng ngày nay, (khiến) tôi không thể nhận sự tưởng thưởng này”. Cũng trong năm 1998, Solzhenitsyn đã được Đoàn chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAN) trao tặng Đại Huy chương Vàng M. V. Lomonosov, “vì những đóng góp xuất sắc trong sự phát triển nền văn chương Nga, ngôn ngữ Nga và lịch sử nước Nga.” Trước đó, từ năm 1994, Solzhenitsyn đã được bầu làm thành viên quốc ngoại của Viện Ngôn ngữ và Văn chương – Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Serbia, cơ quan học thuật hàn lâm uy tín nhất của Cộng hoà Serbia và cả Liên bang Nam Tư cũ.

Trong “những năm ở phương Tây”, Solzhenitsyn đã rất tích cực tham gia vào những cuộc tranh luận về lịch sử nước Nga, về Liên Xô và về chủ nghĩa cộng sản, với một nỗ lực nhằm hiệu chính những điều mà ông cho là “những nhầm lẫn Tây phương” (Western misconceptions) trong các chủ đề nói trên. Về một quan niệm phổ biến ở phương Tây – xuất phát từ luận điểm của nhà sử học Mỹ gốc Ba Lan Richard Pipes – cho rằng cuộc Cách mạng tháng Mười Nga và thể chế toàn trị hung bạo mà nó sản sinh ra là sự tiếp nối lịch sử của chế độ tsarist – điển hình là các triều đại Ivan Groznyĭ và Pëtr Velikiĭ – và nền văn hoá Nga, Solzhenitsyn quả quyết rằng đây là một ý niệm sai về cơ bản, công trình của Pipes chỉ là “phiên bản Ba Lan của lịch sử Nga”. Solzhe biện luận rằng nước Nga tsarist chưa bao giờ có khuynh hướng bạo lực như Liên Xô. Để thí dụ, thời đế quốc nước Nga chưa từng thực hành chế độ kiểm duyệt truyền thông, tù nhân chính trị chưa từng bị cưỡng bức lao động kiểu nô lệ trong các trại tập trung, và số lượng tù nhân chính trị chỉ bằng một phần vạn so với số lượng này ở Liên Xô; cảnh sát mật vụ của chế độ tsarist chỉ tồn tại ở ba thành phố lớn của đế quốc là Peterburg, Moskva và Kiev, và tuyệt nhiên không có hệ thống mật thám trong quân đội như Liên Xô. Việc sử dụng bạo lực dưới thời sa hoàng hoàn toàn không so sánh được với quy mô của bạo lực thời Xô-viết. Solzhe khẳng định rằng sự lạm dụng bạo lực của chủ nghĩa bol’shevik trong thế kỷ XX không phải là sự kế thừa các sự kiện lịch sử Nga thế kỷ XVI (thời Ivan Groznyĭ) và thế kỷ XVIII (thời Pëtr Velikiĭ), mà chính là đã được truyền cảm hứng từ giai đoạn khủng bố Gia-cô-banh (Jacobin) của Cách mạng Pháp (1789–1799). Thay vì đổ lỗi cho các điều kiện lịch sử của nước Nga, Solzhe khuyến cáo hãy quy trách nhiệm cho những giáo lý của Karl Marx và Friedrich Engels: chủ nghĩa Marx tự thân là một chủ nghĩa bạo lực. Chủ nghĩa cộng sản, cho dù được áp dụng ở bất cứ đâu, đều đồng hành với toàn trị và bạo lực; lịch sử nước Nga không có ảnh hưởng đặc biệt nào tới kết quả của sự áp dụng đó. (Có thể kiểm chứng lập luận này của Solzhenitsyn đối với trường hợp Việt Nam.)

Solzhenitsyn cũng chỉ trích ý kiến cho rằng “Liên Xô về mọi phương diện chính là nước Nga”. Ông biện luận rằng chủ nghĩa cộng sản là một mưu đồ quốc tế, nó chỉ viện đến chủ nghĩa quốc gia như một công cụ để tranh đoạt quyền lực, cũng như để lừa gạt dân chúng. Một khi đã có được quyền lực, chủ nghĩa cộng sản sẽ nỗ lực xoá sạch từng quốc gia, triệt phá nền văn hoá dân tộc và nô dịch nhân dân của quốc gia đó. Theo Solzhe, nền văn hoá Nga chưa bao giờ là nền văn hoá thống trị ở Liên Xô cả. Trên thực tế, ở Liên Xô không có nền văn hoá dân tộc nào có được địa vị thống trị: nền văn hoá của tất cả các dân tộc đều bị đàn áp vì lợi ích của văn hoá vô thần Xô-viết. Hơn thế, Solzhe còn cho rằng nền văn hoá của dân tộc Nga còn bị áp bức nhiều hơn các nền văn hoá thiểu số, vì lẽ chế độ ít lo sợ sự nổi dậy của các sắc tộc thiểu số hơn sự phản kháng của chính người Nga.

Về khái niệm stalinism, Solzhenitsyn bác bỏ quan điểm cho rằng bản thân Iosif Stalin đã tạo ra nhà nước toàn trị, còn Vladimir Lenin (và cả Lev Trotskiĭ) là (những) “người cộng sản chân chính”. Ông chứng minh rằng chính Lenin đã khởi động guồng máy giết người hàng loạt, làm sụp đổ nền kinh tế Nga, sáng lập Che-Ka – tiền thân của KGB –, và đặt nền móng cho hệ thống nhà tù - trại tập trung GULAG, mặc dù dưới thời Lenin hệ thống này chưa có cùng tên gọi.

Về cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Hai, Solzhenitsyn đã lên án Đồng Minh về động thái trì hoãn mở mặt trận thứ hai chống nước Đức quốc xã. Ông buộc tội các quốc gia dân chủ phương Tây, trong khi chỉ chăm lo chấm dứt chiến tranh một cách nhanh chóng và ít đổ máu nhất cho phía mình, đã phớt lờ những tổn thất của mặt trận phía đông, và chính điều này cũng đã giúp áp đặt sự thống trị Xô-viết lên các dân tộc Đông Âu.

Về cuộc Chiến tranh Việt Nam, trong bài phát biểu nhan đề Một thế giới bị chia cắt (A World Split Apart), đọc tại lễ trao bằng tốt nghiệp của Đại học Harvard ngày 8.6.1978, Solzhenitsyn tuyên bố rằng nhiều người ở Hoa Kỳ không hiểu về cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông biện luận rằng mặc dù những nhà hoạt động chống chiến tranh đã rất thành thực trong mong muốn chấm dứt mọi cuộc chiến càng sớm càng tốt, họ “đã trở thành đồng loã… trong nạn diệt chủng và nỗi thống khổ mà ba mươi triệu người (Việt Nam) ở đó đang phải chịu đựng hôm nay.” Rồi ông đặt câu hỏi: “Liệu điều này có thức tỉnh những người hoà bình chủ nghĩa giờ đây nghe thấy những âm thanh rên siết từ Việt Nam?” Lưu ý rằng Solzhenitsyn nói những lời này vào năm 1978, khi chiến tranh Việt Nam vừa chấm dứt được ba năm.

Về cuộc Chiến tranh Kosovo (1996–1999), Solzhenitsyn đã lên án mạnh mẽ cuộc ném bom Nam Tư năm 1999 của các đồng minh NATO. Ông nói: “Chẳng có gì khác nhau giữa NATO và Hitler.”

Về thế giới phương Tây, trong lời phát biểu qua radio BBC ngày 26.3.1979, Solzhenitsyn nói: “Trước khi tôi đích thân đi đến phương Tây và bỏ ra hai năm quan sát xung quanh, tôi chưa bao giờ hình dung nổi cái mức độ cực đoan mà phương Tây đã thực sự trở nên một thế giới không có ý chí, một thế giới đang từ từ tê liệt trước mối hiểm nguy mà nó đương đầu như thế này… Tất cả chúng ta đang đứng bên bờ của một trận đại hồng thuỷ lịch sử, một trận lụt sẽ nuốt chửng nền văn minh và làm thay đổi toàn bộ các thời đại.”

Về tư tưởng chính trị, Aleksandr Solzhenitsyn không phải là người theo chủ nghĩa tự do (liberalism) trong cách hiểu khoa học chính trị của thuật ngữ này. Từ nhiều năm qua, ông là một trong những lãnh tụ tinh thần của Phong trào Yêu nước Chính Thống giáo (tiếng Nga Pravoslavno-patrioticheskoe dvizhenie), chủ trương xây dựng một quốc gia Slav thống nhất trên lãnh thổ Nga, Belarus và một phần Ukraina, thiết lập trên quốc gia mới một thiết chế nhà nước mạnh, từng bước chuyển dịch về dân chủ, hướng những tài nguyên của quốc gia tương lai vào sự phát triển tinh thần, đạo đức và tôn giáo của nhân dân, trước hết là của người Nga. Quan điểm Ki-tô giáo và bảo thủ (conservative) của Solzhenitsyn, thể hiện trong một số tiểu luận và trước tác, đã từng bị một số nhà bất đồng chính kiến Xô-viết nổi tiếng – trong đó có Andreĭ Sakharov và Vladimir Voĭnovich – phản bác.

Solzhenitsyn cũng nổi tiếng với những công trình về vấn đề người Do Thái ở Nga và Liên Xô cũ.


Maksim Gor’kiĭ – “con chim sơn ca của cách mạng”

Ở Việt Nam, nhiều người biết về Maksim Gor’kiĭ (tên khai sinh Alekseĭ Maksimovich Peshkov, 1868–1936) như một trong những nhà văn Nga / Liên Xô lớn nhất, người đã sáng lập “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa” – phương pháp sáng tác chính kinh của văn học - nghệ thuật trong thế giới Xô-viết và pro-Soviet trước đây. Đại toàn thư Liên Xô ‘BSĖ’ gọi Gor’kiĭ là “tổ phụ của nền văn chương Xô-viết” (rodonachal’nik sovetskoĭ literatury).

Ở Liên Xô cũ, trước và sau khi ông chết, Gor’kiĭ được tôn vinh như một con người vĩ đại mẫu mực, hoàn toàn xuất lộ từ giai cấp vô sản: những tượng đài và hoạ phẩm về Gor’kiĭ, trong đó ông đang ở những tư thế kiêu hùng, được dựng / trưng bày rải rác khắp đất nước. Một trong những đường phố chính của Moskva – con phố Tverskaĭa dẫn đến quảng trường Đỏ, đồng thời đi qua toà biệt thự mà Stalin ra lệnh cấp cho ông –, cùng với thành phố quê hương ông – Hạ Novgorod –, đã được gọi bằng tên (đúng hơn là pseudonym) Gor’kiĭ trong suốt thời Xô-viết: ulitsa Gor’kogogorod Gor’kiĭ.

Thật ra, cùng với sự nghiệp văn chương, Gor’kiĭ còn có một cuộc đời hoạt động chính trị bắt đầu khi ông còn rất trẻ. Công khai chống đối chế độ tsarist và bị bắt nhiều lần, ông kết bạn với nhiều nhà cách mạng có tư tưởng marxist và trở thành bạn thân của Lenin từ 1902. Là một tác giả, nhà biên tập và biên kịch thành công về tài chính, ông hỗ trợ tiền bạc cho Đảng Lao động Dân chủ - Xã hội Nga (RSDRP), một nửa tiền thân của Đảng bol’shevik. Cuộc cách mạng Nga lần thứ nhất (1905) đã đẩy ông liên kết dứt khoát với cánh Bol’shevik của Lenin trong RSDRP.

Mặc dầu vậy, quan hệ giữa Gorkiĭ với Lenin và các lãnh tụ bol’shevik ngày càng nhiều gai góc. Mùa xuân năm 1917, khi RSDRP phân ly thành hai đảng – đảng của những người bol’shevik RSDRP(b) và đảng của những người men’shevik (vẫn giữ tên RSDRP) –, do bất đồng với những người bol’shevik trong vấn đề tính hợp thời của một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước Nga, Gor’kiĭ đã từ chối tái đăng ký tư cách đảng viên của RSDRP(b), chính thức ra khỏi đảng này.

Hai tuần sau khi Cách mạng tháng Mười nổ ra, Gor’kiĭ viết: “Lenin và Trotskiĭ không có bất cứ ý niệm nào về tự do và quyền con người. Họ đã bị nọc độc nhơ nhuốc của quyền lực mua chuộc, thứ quyền lực rõ ràng đã có được bằng sự khinh thị đáng hổ thẹn của họ đối với tự do ngôn luận và mọi quyền tự do dân sự khác mà nền dân chủ đã đấu tranh vì chúng.” Lập tức, tờ báo do Gor’kiĭ chủ nhiệm – Đời mới (Novaĭa zhizn’), nguyên là cơ quan ngôn luận của RSDRP – đã làm mồi cho kiểm duyệt bol’shevik. Gor’kiĭ cho xuất bản (1918) tập tiểu luận Những tư tưởng không hợp thời (Nesvoevremennye mysli), trong đó ông so sánh Lenin với cả tsar’ và Nechaev, gọi Lenin là “tên bạo chúa của những cuộc bắt bớ và trấn áp điên rồ đối với tự do thảo luận, và là kẻ vô chính phủ trong những chiến thuật thâm hiểm.” Khi kịch liệt lên án thái độ của những người bol’shevik đối với giới trí thức từ chế độ cũ, trong các năm 1917–1919 Gor’kiĭ đã rất tích cực sử dụng ảnh hưởng của mình để cứu nhiều đại biểu của giới này khỏi nanh vuốt của bạo lực đỏ. Lenin đã viết (1919) trong thư gửi Gor’kiĭ: “Lời khuyên của tôi cho anh: hãy thay đổi những người xung quanh anh, quan điểm và hành vi của anh, nếu không, cuộc sống có thể quay lưng lại với anh.”

Tháng 8.1921, nhà thơ Nikolaĭ Gumilëv – bạn của Gor’kiĭ và chồng cũ của nữ sĩ Anna Akhmatova (đồng thời là thân sinh của nhà sử học Xô-viết nổi tiếng Lev Gumilëv sau này) – bị Che-Ka Petrograd bắt. Gor’kiĭ vội vã đi Moskva và đòi được một lệnh thả Gumilëv từ đích thân Lenin, nhưng khi Gor’kiĭ còn đang trên đường trở lại Petrograd, Gumilëv đã bị bắn. Tháng Mười cùng năm, Lenin khẩn khoản yêu cầu Gor’kiĭ quay trở lại Italy, nơi ông từng cư ngụ những năm 1906–1913, để chữa trị bệnh lao tái phát.

Từ năm 1928, theo lời mời của chính phủ Liên Xô và đích thân Stalin (lúc này Lenin đã chết), Gor’kiĭ dập dồn về thăm cố quốc. Ông đi khắp đất nước và cho ra đời series phóng sự Trên Liên bang Xô-viết (Po Sovetskomu Soĭuzu), ngợi ca những thành tựu của Liên Xô. Đặc biệt, Gor’kiĭ đã đến thăm Solovki vào tháng 6.1929, với sứ mạng giải độc dư luận phương Tây về hạnh kiểm nhân quyền ở đây. Đương nhiên, chính quyền cai ngục ở Solovki đã cho “làm vệ sinh” quần đảo để đón Gor’kiĭ, trong khi các tù nhân thì hy vọng “Gor’kiĭ sẽ nhìn thấy, sẽ nhận ra tất cả. Ông ấy rất từng trải, đừng hòng lừa ông ấy.” (D. S. Likhachëv, “Vospominaniĭa”, Priezd Maksima Gor’kogo i massovye rasstrely 1929 goda.) Không ai rõ Gor’kiĭ đã nhìn thấy gì và đã nghĩ gì, nhưng trong phóng sự Solovki, Gor’kiĭ đã viết những dòng này: “Tôi cho rằng kết luận đã rõ ràng: những trại như Solovki là cần thiết… Chính bằng cách này, chính phủ sẽ nhanh chóng đạt được một trong những mục tiêu của mình: xoá bỏ hết các nhà tù.” Sau chuyến viếng thăm của Gor’kiĭ, khoảng 3–4 trăm tù nhân đã bị bắn không xét xử trong một cuộc thảm sát. (D. S. Likhachëv, tài liệu đã dẫn.)

Trên tờ Sự thật (Pravda), cơ quan ngôn luận trung ương của Đảng bol’shevik, số 314, ra ngày 15.11.1930, dưới tiêu đề Khi kẻ thù không quy hàng, – nó sẽ bị tiêu diệt, Maksim Gor’kiĭ đã viết: “… Chống lại chúng ta là tất cả những gì đã quá hạn, một thời hạn mà lịch sử đã ấn định cho chúng. Điều này khiến chúng ta có quyền coi mình vẫn đang ở trong tình trạng nội chiến. Từ đó rút ra một kết luận hiển nhiên: nếu kẻ thù không quy hàng, – nó tất bị bắn bỏ.” (La Thành highlight.) Châm ngôn nổi tiếng, sực mùi “bạo lực cách mạng” này của Gor’kiĭ được Stalin rất ưa thích và đã từng trích dẫn lại trong một chỉ lệnh của mình.

Từ năm 1931, Gor’kiĭ vĩnh viễn tái định cư tại Liên Xô theo thỉnh cầu của Stalin. [A. I. Solzhenitsyn thì cho rằng cuộc hồi hương lần này của Gor’kiĭ đã được thúc bách bởi những nhu cầu vật chất: sống ở Sorrento (Italy) những năm 1922–1928, Gor’kiĭ đã thấy mình thiếu thốn cả tiền bạc và tiếng tăm.] Cuộc trở về của Gor’kiĭ từ nước Italy phát-xít đã được cỗ máy tuyên truyền Xô-viết tận dụng hết công suất. Ông được tặng thưởng Huân chương Lenin – huân chương cao nhất của Liên Xô –, được cấp toà biệt thự của nhà tài phiệt đã bỏ chạy Rĭabushinskiĭ trên đường Tverskaĭa, nay là Bảo tàng Gor’kiĭ, cùng với một dacha ở ngoại ô Moskva. Tên “Maksim Gor’kiĭ” còn được đặt cho kiểu máy bay Tupolev ANT-20, niềm hãnh diện của công nghệ Xô-viết những năm 1930. Vào những ngày lễ trọng của chế độ Xô-viết, người ta thường nhìn thấy Gor’kiĭ có mặt trên kỳ đài Lăng Lênin, bên cạnh lãnh tụ Stalin và các đại thần như Mikhail Kalinin, Vĭacheslav Molotov, Lazar’ Kaganovich và Kliment Voroshilov.

Gor’kiĭ đã được Stalin giao cho một “đơn đặt hàng xã hội”: tổ chức đại hội đầu tiên của các nhà văn Liên Xô. Để chuẩn bị cho sự kiện này, trong giai đoạn 1931–1934 rất nhiều tờ báo và tạp chí Xô-viết đã được Gor’kiĭ thành lập. Năm 1934, Đại hội lần thứ nhất của Liên đoàn các nhà văn Liên Xô (Soĭuz pisateleĭ SSSR, acronym SP SSSR, thành lập từ tháng 4.1932 sau một nghị quyết của Uỷ ban Trung ương Đảng bol’shevik) đã được Gor’kiĭ dẫn dắt với báo cáo chính do ông trình bày. Trong suốt lịch sử tồn tại của mình (1932–1991), SP SSSR có nhiệm vụ thật sự là thực hiện sự kiểm soát của ‘nhà nước - đảng’ toàn trị trong văn học. Tư cách hội viên SP là tối thiết thân đối với người làm văn chuyên nghiệp ở Liên Xô: không được kết nạp vào SP, nhà văn sẽ có vô cùng ít cơ hội được in tác phẩm; còn việc bị khai trừ khỏi SP thì hoàn toàn đồng nghĩa với bị cấm xuất bản. Được cử làm chủ tịch đầu tiên của SP SSSR, Maksim Gor’kiĭ đã lên đến đỉnh điểm của danh vọng.

Trong “giai đoạn hồi chánh” này, Gor’kiĭ còn tham gia biên tập (1933) cuốn sách ô nhục về con kênh đào Belomoro-Baltiĭskiĭ nối biển Trắng với vịnh Phần Lan, mô tả công trình này như một thí dụ về “sự tu phục thành công những kẻ thù trước đây của giai cấp vô sản”, bất chấp một sự thật: giá của con kênh đào dài 227 ki-lô-mét này là một trăm nghìn sinh mạng tù nhân GULAG.

Giữa thập niên 1930, những chiến dịch của “Ðại Thanh trừng” (Great Purge) mở màn, điển hình là vụ ám sát Sergeĭ Kirov tháng 12.1934. Bản thân Gor’kiĭ bị quản thúc tại nhà: giống như trường hợp của Kirov, sự nổi tiếng của Gor’kiĭ bắt đầu phát huy tác hại. Tháng 5.1935, con trai Gor’kiĭ – Maksim Peshkov – đột ngột tử vong trong một hoàn cảnh đầy bí hiểm. Hơn một năm sau (18.6.1936) thì đến lượt Gorkiĭ. Như nhiều danh nhân khác của thời đại Xô-viết, ông được chôn ở nghĩa trang Bên Tường Kreml’, trên quảng trường Đỏ, cách không xa lăng tẩm của người bạn thân và đối tượng của những phê phán chính trị gay gắt một thuở của ông: Vladimir Lenin. Trong số những người khiêng linh cữu Gor’kiĭ, người ta thấy có đích thân Iosif Stalin và Vĭacheslav Molotov.

Điều thú vị là trong quá trình xét xử “các vụ án Moskva” (1938), một trong những cáo buộc được đưa ra để chống lại Genrikh Ĭagoda – nguyên ‘tổng uỷ công an Liên Xô’ (cấp hàm công an tương đương nguyên soái Liên Xô), dân uỷ (tức bộ trưởng) NKVD (Bộ Nội vụ) trước khi bị bắt – là cha con Gor’kiĭ đã bị hạ độc bởi chính các nhân viên NKVD! Sinh thời Gor’kiĭ, Ĭagoda từng ở trong số các thân hữu của nhà văn. Sau này, một số xuất bản phẩm thời kỳ perestroĭka đã cáo giác rằng chủ mưu thực sự trong cái chết bất thường của Gor’kiĭ là không ai khác ngoài Stalin.

Nhiều trí thức bất đồng chính kiến thời Xô-viết coi Gor’kiĭ là nhà văn thiên vị ý thức hệ, trong khi giới nghiên cứu phương Tây lại chú ý nhiều hơn đến những nghi ngờ / phê phán của Gor’kiĭ, cũng như những cảnh báo sáng suốt của ông về viễn tượng nguy hiểm trên bình diện đạo đức của cuộc Cách mạng bol’shevik 1917.

Maksim Gor’kiĭ đã sống một cuộc đời sóng gió và trải qua những diễn biến thế giới quan phức tạp, có cả thanh danh và tai tiếng, cả hiển vinh và hoạn nạn.


Lev Gumilëv – “người Á-Âu cuối cùng”

Lev Nikolaevich Gumilëv (1912–1992) là nhà sử học nhân chủng (tiếng Nga историк-этнолог, tiếng Anh historian-ethnologist), người sáng lập “lý thuyết độ đam mê” (теория пассионарности, passionarity theory) trong tộc nguyên học (этногенез, ethnogeny – bộ môn khoa học về nguồn gốc các chủng tộc), đồng thời là nhà triết học, nhà thơ, dịch giả từ tiếng Fârsi (tên gọi ngôn ngữ của người Iran).

Lev Gumilëv là con trai của cặp vợ chồng thi sĩ xuất chúng Anna Akhmatova (1889–1966) và Nikolaĭ Gumilëv (1886–1921), hai trong số những nhà thơ có ảnh hưởng nhất của Acmeism (tiếng Nga Акмеизм, tạm dịch: “trào lưu Tuyệt Đỉnh”) trong thơ ca Nga đầu thế kỷ XX. Năm Lev Gumilëv lên sáu tuổi (1918), cha mẹ ông ly dị. Chín tuổi, Lev mồ côi cha: cha ông bị chính quyền bol’shevik bắt tháng 8.1921 với cáo buộc đã được mưu dựng và bị bắn ngay sau đó. Những sáng tác của mẹ ông cũng bị đặt dưới sự kiểm duyệt gắt gao từ 1922. Năm 1934, Gumilëv vào học khoa sử Đại học Quốc gia Leningrad (LGU), sau một năm học (1935) thì bị đuổi khỏi trường vì lý lịch xấu – “là con trai kẻ thù của nhân dân”, “không xứng đáng được học đại học” –, bị bắt một thời gian rồi lại được thả và được học tiếp LGU. Năm 1938, Lev Gumilëv lại bị bắt khi đang học dở LGU, lần này bị kết án 5 năm “lao động cải tạo” tại một hầm mỏ GULAG ở Noril’sk, tây-bắc Sibir’. Năm 1943, từ trại cải tạo, Gumilëv tình nguyện nhập ngũ giữa lúc chiến tranh ác liệt nhất, trở thành binh sĩ sư đoàn phòng không 31 thuộc phương diện quân Belorusskiĭ thứ Nhất, và đã tham gia trận đánh chiếm Berlin vào cuối cuộc chiến tranh thế giới. Năm 1945, sau khi giải ngũ, Gumilëv được khôi phục việc học tập ở LGU.

Tốt nghiệp đại học năm 1946, ông trở thành nghiên cứu sinh (aspirant) ở Phân viện Leningrad – Viện Đông phương học của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, nhưng không lâu sau thì bị loại khoá, vẫn vì lý lịch. Gumilëv xin vào làm thủ thư trong một nhà dưỡng trí và tiếp tục theo đuổi luận án. Năm 1948, ông bảo vệ luận án kandidat (“tiến sĩ” theo cách dịch hiện nay ở Việt Nam) về khoa học lịch sử tại LGU, rồi trở thành cán bộ của Bảo tàng Nhân-chủng-chí các Dân tộc Liên Xô (Muzeĭ ėtnografii narodov SSSR). Tháng 11.1949, Gumilëv bị bắt (lần thứ ba) và bị kết án 10 năm tù GULAG. Sau khi Stalin chết (1953) và Nikita Khrushchëv chấp chính (1955), năm 1956, Gumilëv được “hồi phục danh dự đầy đủ” cùng với hàng trăm nghìn nạn nhân khác từ thời Stalin: lúc này Gumilëv đã 44 tuổi, và đã sống tổng cộng 12 năm trong các trại giam GULAG (1938–1943 và 1949–1956). Ra tù, Gumilëv được nhận vào làm việc tại Bảo tàng Quốc gia Hermitage ở Leningrad. Năm 1961, ông bảo vệ luận án doktor nauk (“tiến sĩ khoa học”, học vị cao nhất ở Liên Xô cũ / Liên bang Nga hiện nay) ngành sử học, với đề tài cổ sử người Turkic, sau đó được mời làm việc tại Viện Nghiên cứu Ðịa lý của LGU; trước đó (từ 1960) ông đã tham gia giảng dạy ở LGU. Tại cơ quan làm việc cuối cùng này của đời mình, vào năm 1974 Gumilëv còn bảo vệ một luận án doktor nauk thứ hai, lần này là về ngành địa lý.

Lev Gumilëv là tác giả nguyên thuỷ của một phức hợp phương pháp trong tộc nguyên học, bao gồm việc khảo sát các sử liệu song song với những thông tin về khí hậu, địa chất, địa lý của Landschaft (tạm dịch: “bối cảnh”) mà được phản ánh thông qua các chứng tích khảo cổ và văn hoá. Sử dụng phức hợp phương pháp này, kết hợp với các phương pháp truyền thống, ông đã khảo sát lịch sử hình thành, phát triển, biến đổi / biến mất của nhiều dân tộc trên lục địa Á-Âu, trong đó có dân tộc Nga La Tư. Đặc biệt, Gumilëv là người khởi xướng học thuyết “độ đam mê”, cho một khả năng giải thích tính quy luật của nhiều quá trình nhân chủng sử. Theo thuyết này, các “hệ thống nhân chủng” (ethnic system) được phân cấp thành các super-ethnos (siêu chủng) > ethnos (chủng) > sub-ethnos (phân chủng) > convixion (quần xã) > consortion (minh hội) > individ (cá nhân). (Trong đa số ngữ cảnh, đơn vị nhân chủng cơ bản ethnos tương đồng với khái niệm “dân tộc” / “sắc tộc” quen thuộc.) Mỗi hệ nhân chủng là kết quả tiến hoá của một đơn vị nhân chủng cấp thấp hơn, hoặc là hệ quả thoái hoá của một hệ nhân chủng cấp cao hơn. Cấp càng cao, hệ nhân chủng càng có nhiều khả năng trường tồn. Sự phát triển của mỗi hệ nhân chủng được thực hiện nhờ tích luỹ “năng lượng sinh tồn” bên trong hệ. Tiêu biểu cho năng lượng sinh tồn của một hệ nhân chủng là những cá nhân (individ) giàu “độ đam mê” (пассионарность, passionarity) – tức là cái khát vọng bất khả cưỡng nội tại muốn hành động để đạt tới một mục tiêu nào đó (không hiếm khi chỉ là ảo tưởng). Những individ như thế được Gumilëv gọi là những “người đam mê” (пассионарий, passionary): đối với những người này, mục tiêu cao hơn cuộc sống, ngay cả cuộc sống của bản thân chứ chưa nói đến cuộc sống của những người cùng thời đại hoặc cùng chủng tộc. Sự tích luỹ liên tục năng lượng sinh tồn của một hệ nhân chủng sớm muộn cũng sẽ dẫn tới những biến chuyển bùng phát – những “cú hích về độ đam mê” (пассионарный толчок, passionary impulse) –, mà kết quả là sự ra đời của một hệ nhân chủng mới, thường có cấp bậc cao hơn hệ xuất phát. Ngược lại, nếu một đơn vị nhân chủng nào đấy tự tiêu hao năng lượng sinh tồn của mình bằng nội chiến, bằng những chính sách sai lầm, bằng sự đàn áp và bức hại các passionary thì nó sẽ tất yếu thoái hoá, tan rã thành những đơn vị nhân chủng nhỏ hơn hoặc thậm chí biến mất.

Bằng hệ thống phương pháp và khái niệm của mình, Gumilëv đã đi đến nhiều kết luận khác biệt với những mô tả truyền thống về lịch sử. Đánh giá của Gumilëv về “ách đô hộ Mông-Thát” (монголо-татарское иго, Mongol-Tatar yoke) là một thí dụ. Trong khi phần lớn giới sử học Xô-viết đều nhất trí nhận định rằng nền đô hộ Mông-Thát (1241–1480) trên các miền đất Nga La Tư đã chỉ gây ra sự phá huỷ và thoái bộ, tạo ra lực hãm đối với sự tăng trưởng sức sản xuất của các công quốc Đông Slav – bấy giờ vốn đã ở trình độ kinh tế - xã hội cao hơn so với xã hội Mông Cổ - Tatar còn đang ở giai đoạn tự nhiên –, và là nguyên nhân chính dẫn đến sự tụt hậu của nước Nga so với phương Tây; thì Gumilëv thuyết phục rằng khái niệm “ách đô hộ Mông-Thát” chỉ là một tưởng tượng, mức độ tác hại của nó đã được cường điệu: hãn quốc Kim Trướng (ханство Золотой Орды, Khanate of the Golden Horde) – vốn là một thiết chế lỏng lẻo và yếu ớt, lại ở khoảng cách tương đối xa so với các lãnh địa Nga La Tư lúc đó đang ở tình trạng bị chia cắt và tự xâu xé lẫn nhau – chưa bao giờ là một kẻ áp bức thực sự và trực tiếp đối với các công quốc Đông Slav. Theo Gumilëv, cuộc va chạm nhân chủng Nga La Tư - Mông Cổ trong các thế kỷ XIII-XV là một sự “cộng sinh” (simbioz, trong hệ thuật ngữ của Gumilëv), trong đó các đơn vị nhân chủng Đông Slav và Mông Cổ - Tatar không tranh giành, mà đã chia sẻ những nhân tố địa lý - khí hậu khác nhau của Landschaft: người Đông Slav khai thác châu thổ của các dòng sông, trong khi người Mông Cổ - Tatar khai thác những thảo nguyên steppe.

Một hệ luận quan trọng khác của học thuyết Gumilëv là vấn đề về nguồn gốc và tính chất của nền văn hoá Nga. Trong khi các học giả theo ‘chủ nghĩa hướng Âu’ (евро[по]центризм, eurocentrism), trong đó có Dmitriĭ Likhachëv, tìm kiếm luận cứ để kéo văn hoá Nga vào bản đồ văn hoá châu Âu (chính xác hơn: văn hoá Tây Âu) với cội nguồn Hy Lạp - La Mã và Ki-tô giáo, thì Lev Gumilëv và những người cùng quan điểm với ông đã biện luận rằng: sự khác biệt về những điều kiện địa lý - tự nhiên, ổn định trong suốt chiều dài lịch sử, giữa Nga và Tây Âu (Nga: lục địa <--> Tây Âu: đại dương) đã hình thành nên ở Tây Âu và Nga hai super-ethnos riêng biệt, chia sẻ những đặc điểm tâm lý khác nhau và những giá trị văn hoá khác nhau. Nói riêng, Gumilëv khẳng định rằng người Rusy (Русы) hay Rusiny (Русины) – thành phần cư dân chính của nhà nước Nga La Tư - Kiev trung đại (Киевская Русь, Kievan Rus) – và dân tộc Nga hiện đại (Русские, Russkie hay Russians) là hai ethnos khác nhau: trên bình diện văn hoá, trong khi người Nga La Tư trung đại là một sắc tộc Đông Slav đã hấp thụ văn hoá Âu châu qua ngả Byzantium, người Nga hiện đại thuộc về “nền văn minh Á-Âu” (евразийская цивилизация, Eurasian civilization) – hợp nhất sự đóng góp lịch sử của các yếu tố Slavic-Hellenic của châu Âu và Mongolic-Turkic của châu Á –, có đầy đủ tư cách của một nền văn hoá riêng biệt, khả dĩ so sánh với văn hoá Tây Âu. Các dân tộc Eurasian – bao gồm người Nga và các sắc tộc nói ngôn ngữ Turkic (Kazakh, Uzbek, Tatar, Uyghur, Azerbaijani, Kyrgyz…) –, nói theo thuật ngữ của L. Gumilëv, đã tạo thành “siêu chủng Á-Âu” (суперэтнос Евразии, Eurasian superethnos). Tin tưởng vào hạt nhân chân lý trong học thuyết nhân chủng sử của mình và tư tưởng Á-Âu chủ nghĩa, Gumilëv đã tuyên bố câu nói nổi tiếng “Tôi là người Á-Âu cuối cùng!” (“Я последний евразиец!”)

Những phương pháp và khái niệm phi chính kinh của Gumilëv đã hứng nhận những phản ứng dị hoá dữ dội từ giới sử học Nga-Slav truyền thống. Hệ thống lý luận của ông bị phê phán là thiếu chặt chẽ, vi phạm phương pháp luận khoa học (kinh điển). Những chỉ trích gay gắt nhất thì kết án lý thuyết passionarity là “giả khoa học”. Nhà sử học trung đại người Ba Lan Andrzej Poppe thậm chí còn gọi công trình của Gumilëv là “một cuốn tiểu thuyết về quá khứ”, không đáng để quan tâm một cách nghiêm túc (từ khía cạnh khoa học lịch sử). Đa số bản thảo công trình của Gumilëv bị cấm xuất bản trong gần suốt thời Xô-viết, cho đến trước những năm perestroĭka (một phần có thể do lý lịch của ông).

Hiện nay, sau hơn hai thập kỷ được biết đến, học thuyết Gumilëv đã giành được một mức độ đại chúng đáng kể, thậm chí đã trở thành cơ sở lý luận của “chủ nghĩa Á-Âu mới” (ново- hoặc нео-евразийство, neo-eurasianism), trào lưu tư tưởng - chính trị Nga xuất hiện trong giai đoạn cuối của Liên bang Xô-viết và trở nên thịnh hành sau khi thiết chế này tan rã, đối thủ cạnh tranh chủ yếu của chủ nghĩa hướng Âu. Ở Liên bang Nga, trong phạm trù học thuật, vào năm 2001 Hiệp hội Xã hội học Á-Âu (EASA) đã được thành lập; chủ tịch hiệp hội là Viện sĩ Gennadiĭ Osipov, giám đốc đương nhiệm của Viện Nghiên cứu Chính trị - Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Nga. Trên chính trường Nga, một đảng chính trị mang tên ‘Á-Âu’ (‘Евразия’) đã đăng ký hoạt động từ tháng 6.2002, do Aleksandr Dugin làm chủ tịch. Một số nhà quan sát còn cho biết đảng này đã nhận được sự hậu thuẫn về tài chính và tổ chức từ Văn phòng Tổng thống Vladimir Putin.

Cũng không đáng ngạc nhiên khi lý thuyết của Lev Gumilëv được nhiều quốc gia / dân tộc Turkic trong không gian địa chính trị Xô-viết trước đây nồng nhiệt đón nhận. Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbaev, trong khi kiến thiết thủ đô mới Astana (1994–1997), đã ra lệnh xây dựng “Đại học Quốc gia Á-Âu Lev Gumilëv” (Lev Gumilev Eurasian National University) ở vị trí đối diện với phủ tổng thống qua quảng trường trung tâm của thành phố. Chính quyền Cộng hoà Tatarstan (một chủ thể thành phần của Liên bang Nga) cũng đã quyết định đặt tượng đài cho Lev Gumilëv tại thủ phủ Kazan’ nhân kỷ niệm 1000 năm thành phố này (tháng 8.2005). Bản thân Dmitriĭ Likhachëv, trong bức thư gửi tạp chí Novyĭ mir, một mặt buộc tội chủ nghĩa Á-Âu đã “thủ đắc tính chất đầy dã tâm của một chính sách ngu dân”, mặt khác cũng phải thừa nhận rằng quan điểm của Gumilëv “đang cố kết các dân tộc khác nhau về văn hoá trên đất nước chúng ta”.

Mặc dầu vậy, trên bình diện chính trị, phong trào Á-Âu mới cũng đối mặt với không ít chỉ trích. Những người phản đối phong trào bình luận rằng: trong khi tự mô tả mình như một ý thức hệ quốc gia canh tân khả dĩ thay thế cho cả chủ nghĩa bol’shevik (bolshevism) lẫn chủ nghĩa tự do (liberalism), lập trường Á-Âu đã tỏ ra mang màu sắc của một chủ nghĩa biệt lập địa chính trị (a geopolitical isolationism) trong bối cảnh toàn cầu hoá, mà một hệ luỵ của nó là cản trở quá trình dân chủ hoá xã hội Nga theo hình mẫu Tây Âu, một quá trình mà những người ủng hộ chủ nghĩa hướng Âu hy vọng là sẽ nhanh chóng khép kín “vành đai dân chủ Bắc bán cầu”: Bắc Mỹ - Liên Âu (EU) - Liên bang Nga - Nhật Bản.

Để kết thúc thiên tiểu sử này về Lev Gumilëv, có thể nói mặc dù còn có những khiếm khuyết, không thể phủ nhận rằng lý thuyết nhân chủng sử của ông đã cung cấp một công cụ khả dĩ cho phép nhận thức đầy đủ về lịch sử nước Nga trên nhiều phương diện của sự chuyển biến lịch sử: dân tộc học, văn hoá, kinh tế, chính trị, v.v... Để thí dụ, từ lý thuyết của Gumilëv, người ta dễ dàng thấu hiểu vì sao Liên bang Xô-viết đã sụp đổ vào tháng Mười Hai năm 1991, điều mà nếu áp dụng chủ nghĩa duy vật lịch sử marxist, người ta phải nhận được một hệ quả ngược lại.

Lev Gumilëv được nhận định là “một trong những sử gia Nga có ảnh hưởng nhất thế kỷ XX.”

Hà Nội, tháng Năm – tháng Bảy 2007


Tài liệu tham khảo chính:

© 2007 talawas