trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 28 bài
  1 - 20 / 28 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
13.11.2004
Nhật Hoa Khanh
Gặp Tố Hữu tại biệt thự 76 Phan Đình Phùng
(Những tâm sự của nhà thơ Tố Hữu)

5 kỳ
 1   2   3   4   5 
 
Lời nói đầu của talawas

Nhiều tháng nay, dư luận Việt Nam nóng lên vì một tài liệu mang tên “Gặp Tố Hữu tại biệt thự 76 Phan Đình Phùng (Những tâm sự của nhà thơ Tố Hữu)”, của tác giả Nhật Hoa Khanh. Tháng 4.2004, tài liệu này bắt đầu được phổ biến trong giới văn nghệ, báo chí tại Việt Nam. Tháng 5.2004, báo Quân Đội Nhân Dân trích đăng 3 kì từ tài liệu này dưới nhan đề “Tố Hữu và ‘Hoan hô chiến sĩ Điện Biên’”, kì số 3 vào ngày 07.5.2004. Nhà văn Hoàng Tiến, trong bài viết “Sự thật ở đâu? (Nhân đọc bản thảo Nhà thơ Tố Hữu tâm sự)” viết ngày 6.6.2004, gửi tới “Các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Ban Tư tưởng-Văn hoá, Bộ Văn hoá, Bộ Công an, Hội Nhà văn Việt Nam, Các cơ quan báo chí, thông tấn, Bè bạn văn nghệ sĩ và Các bạn đọc quan tâm”, đăng trên nhiều tạp chí, websites, và các diễn đàn trên mạng, cho biết rằng các báo như Tiền Phong Chủ Nhật, Người Hà Nội cũng đã trích đăng tài liệu này.

Ngày 17.7.2004, báo Văn Nghệ đăng bài phỏng vấn bà Vũ Thị Thanh, goá phụ của nhà thơ Tố Hữu, về tính xác thực của tài liệu này, nhân dịp Nxb Chính trị Quốc gia vừa phát hành cuốn sách „Tố Hữu-Người cộng sản kiên trung, nhà văn hoá tài năng“ mà bà tham gia trong Ban chỉ đạo biên soạn, với sự có mặt của các ông Nguyễn Khoa Điềm, Trưởng Ban Tư tưởng Văn hoá, ông Trịnh Thúc Huỳnh, và ông Hà Minh Đức. Cuộc phỏng vấn do Ngọc Tỉnh thực hiện.

Nguyên văn ý kiến của bà Vũ Thị Thanh như sau:

“Gần đây có một tài liệu cuộc “gặp Tố Hữu tại biệt thự 76 Phan Đình Phùng” năm 1997. Về tính xác thực của tài liệu đó, tôi xin khẳng định tài liệu đó là giả mạo, pha chế nhiều ý kiến riêng, mượn danh Tố Hữu, biến Tố Hữu thành người phát ngôn cho ý mình. Nội dung tài liệu đề cập rất nhiều vấn đề quan trọng trong đời sống tư tưởng văn hoá hiện thời, nói đó là ý kiến của Anh Tố Hữu. Tài liệu đó ghi là từ tháng 4-1997 (đã được sửa 20 lần) mà mãi đến tháng 6-2004, tức là sau 7 năm, chờ tới khi Anh Tố Hữu không còn nữa mới dám lưu hành một cách phi pháp. Tài liệu đó không có chứng tích kiểm định (không có bút tích hay ghi âm), lại chưa được Anh Tố Hữu duyệt và cho phép công bố. Hơn nữa nó đã qua “sửa lại khoảng 20 lần”, như vậy tác giả sửa ý của mình, không phải của Tố Hữu. Những vấn đề được đề cập trong đó tôi không hề biết, cho đến khi NHK phát tán, nhiều đồng chí bạn bè phẫn nộ gọi điện thoại và gửi tài liệu cho tôi đọc.

Tôi là người gần Anh Tố Hữu, làm thư ký cho Anh (do Tổ chức phân công) từ cuối những năm 90 thế kỷ trước, hiện đang lưu giữ tất cả bút tích, thư từ, bài nói, tranh ảnh. vật lưu niệm… của Anh. Là người có quyền công bố tất cả các tác phẩm, di cảo của Anh, tôi khẳng định những vấn đề ghi trong tài liệu của NHK không phải là ý kiến của Anh Tố Hữu. Tôi biết rất rõ Anh Tố Hữu không bao giờ “phẩm bình nhân vật”, khen chê người này kẻ khác, nói đi nói lại một cách tùy tiện. NHK là một người xa lạ, nhiệm vụ công tác không rõ ràng. Anh Tố Hữu từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, người hay thảo văn kiện cho Trung ương, người làm thơ, biết giá từng chữ, từng dấu phẩy, lẽ đâu nói tràn lan cho người không quen biết ghi 70 trang mà không cần xem lại. Anh Tố Hữu không vô ý đến thế! Và làm gì có chuyện một buổi chiều mà một phóng viên ghi tay tới 70 trang giấy. Rất nhiều truyện, nhiều việc thuộc diện Anh Tố Hữu không quan tâm (như tờ Kiến trúc mà anh NHK cộng tác, Anh Tố Hữu đâu có đọc mà Anh nói về nó những 2 trang).

Về bối cảnh cuộc phỏng vấn thì sức khoẻ anh Tố Hữu không cho phép Anh nói suốt 7 tiếng đồng hồ (từ 2 giờ chiều đến 9 giờ tối như NHK nói trong tư liệu). Gia đình chúng tôi không để Anh làm việc quá sức như vậy với một việc làm không gấp gáp, quan trọng. NHK lại nói trong lúc nói chuyện có một thanh niên đi qua đi lại nhắc nhở thì là bịa đặt vì thời gian đó trong nhà tôi không có một thanh niên nào vào những buổi chiều.

Tóm lại tài liệu mà NHK đã dùng kỹ xảo để dựng lên những sự kiện biạ đặt có nhiều ý đồ xấu.

Ngoài tài liệu giả mạo của NHK, trước đó ít lâu, trong số báo ANTG cuối tháng 5 có một bài của Tạ Chương tựa đề “Tố Hữu và ngọn đèn thơ” cũng là một dạng viết rất chủ quan, cảm tính, ghán ghép tùy tiện, không có kiểm định. Nhưng nó dựng lên một cách tinh vi một Tố Hữu cô đơn, hoang mang, tuyệt vọng, đáng thương.

Từ lúc 16 tuổi, Tố Hữu đã nguyện “hiến đến cuối cùng suối máu” cho Tổ quốc, đến tám mươi tuổi vẫn nói “còn chút phù sa cũng gắng bồi”, lúc ra đi vĩnh viễn còn thanh thản “Sống là cho, chết cũng là cho”. Tố Hữu là người đã giữ vững khí tiết qua bao nhiêu năm bị tù đày trong các nhà lao đế quốc và nhiều năm hoạt động bí mật trong quần chúng Cách mạng lao khổ nhất. Một Tố Hữu như vậy, đâu phải là người như Tạ Chương mô tả. Dĩ nhiên, là một nhà thơ, một con người, Tố Hữu có thể và cần có những giây phút suy tư, lo âu… trước cuộc đời. Nhưng những tình cảm thể hiện trong cuộc sống của Anh, phải đâu như Tạ Chương cảm nhận.

Với tư cách là vợ anh Tố Hữu, thư ký cho anh gần 20 năm, đang có trong tay tất cả những bút tích của Anh, tôi hiểu rõ tư tưởng, quan điểm của Anh Tố Hữu – là thủ trưởng trực tiếp của tôi trên 30 năm, tôi đề nghị các báo, báo chí, xuất bản không đăng hoặc, không lưu hành dưới bất kì dạng nào những loại tài liệu không chính xác, không lành mạnh như trên, và nếu đã đăng hoặc lưu hành thì cần phải được cải chính công khai trên báo chí. Từ đó tôi đề nghị Nhà nước cần biện pháp nghiêm minh để bảo vệ thanh danh cho mọi công dân, bảo vệ tính xác thực của những sự kiện lịch sử đúng đắn, xử lý thích đáng mọi hành vi vu khống, bịa đặt, nói xấu, làm tổn hại uy tín, nhân cách của mọi công dân, tổn hại đến sự nghiệp văn hoá-chính trị, đến sự bình an và phát triển của đất nước mà nhân dân ta đang ra sức bảo vệ.” (Báo Văn Nghệ, 17.7.2004)

Đến nay, không thấy ý kiến của tác giả Nhật Hoa Khanh về tuyên bố của bà Vũ Thị Thanh, các báo đã trích đăng tài liệu này không đưa ra đính chính, cho đến hôm nay (12.11.2004) kì số 3 ngày 07.5.2004 của báo Quân Đội Nhân Dân trích đăng tài liệu này vẫn chính thức nằm trên trang điện tử của tờ báo: http://www.quandoinhandan.org.vn/right.php?id_new=25920, và “Gặp Tố Hữu tại biệt thự 76 Phan Đình Phùng” đã được xuất bản ở dạng sách, không ghi nhà xuất bản, bản photocopy của quyển sách này xuất hiện ở nhiều nơi.

Người quan tâm tới thời sự văn hoá-chính trị phải tự hỏi, vì sao có tình trạng kì lạ này?

Những người đã đọc cuốn sách hẳn phải ngạc nhiên hơn nữa. Hình ảnh Tố Hữu hiện ra qua lời ghi của tác giả Nhật Hoa Khanh là hình ảnh của một nhà hoạt động chính trị tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam, một nhà thơ đem cả sự nghiệp của mình phụng sự cho cách mạng, một nghệ sĩ đầy lòng ưu ái và trân trọng đối với giới trí thức văn nghệ sĩ. Vì sao một hình ảnh Tố Hữu đẹp đẽ như vậy lại có thể bị người vợ ông, bà Vũ Thị Thanh, phủ nhận và đồng chí, bạn bè của bà phẫn nộ? Vì sao cuốn sách của Nhật Hoa Khanh, theo những nguồn thạo tin, lại có thể trở thành một trong những ấn phẩm bị coi là nguy hiểm? Dường như chính những diễn biến kì lạ xung quanh cuốn sách này lại cho thấy nhiều về bối cảnh văn hoá-chính trị Việt Nam hơn bản thân nội dung của nó.

Hai người duy nhất có thể làm chứng cho sự xác thực hay không của những lời tâm sự này là nhà thơ quá cố Tố Hữu và tác giả Nhật Hoa Khanh. Trong một nếp sinh hoạt tinh thần cởi mở, với một chính sách thông tin công khai minh bạch, lẽ ra một câu hỏi như vậy đã được giải đáp nhanh chóng. Nhưng cũng chính bởi sự thiếu sáng tỏ này và không khí nhạy cảm bao trùm lên cuốn sách mà sự kiện “Những tâm sự của nhà thơ Tố Hữu” đã trở thành một biến cố quan trọng trong đời sống văn hoá-chính trị Việt Nam hiện thời. Chúng tôi cho rằng độc giả rộng rãi có quyền được thông tin đầy đủ về biến cố này để có thể tự xác định quan điểm của mình.

Toàn văn sau đây của “Gặp Tố Hữu tại biệt thự 76 Phan Đình Phùng” được chuyển trực tiếp từ bản in của cuốn sách đang lưu hành. Chúng tôi đã không thể liên lạc với tác giả Nhật Hoa Khanh để xin phép. Dĩ nhiên nếu ông phản đối, talawas phải lập tức rút bài đã đăng và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước tác giả.


*



Đốt nén hương thơm mát dạ người
Tố Hữu (Mẹ Tơm)




Cuối tháng 5 -1997, khoảng một tháng sau khi được nhà thơ Tố Hữu tiếp chuyện tại nhà riêng của ông ở Hà Nội, tôi viết xong bài này, gửi đến một tờ báo nhưng không được đăng.

Từ TP Hồ Chí Minh, tôi bấm số điện thoại 08043168 của Tố Hữu. Từ Hà Nội, sau khi nghe tôi thông tin về việc đó, nhà thơ thong thả trả lời: Không có gì quan trọng. Đừng bận tâm.

Đầu năm 2001, tại Nhà khách dinh Thống Nhất -TP Hồ Chí Minh trong một cuộc hội thảo, tôi thấy trên đoàn chủ tịch có Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận. Cả ba nhà thơ tuy đẫy đà hơn trước nhưng cũng đều già hẳn từ dáng người đến gương mặt. Lúc giải lao, gặp Tố Hữu ở hành lang, tôi nói: „Thưa anh, vì đã có một tờ không đăng bài tôi ghi những lời tâm sự năm 1997 của anh cho nên tôi ngại gửi đến những tờ báo khác.“ Nhà thơ im lặng một lát, rồi bảo: „Tùy anh. Đừng nản chí.“ Tôi hỏi: „Thưa anh, cuốn đặc san Quy hoạch TP Hồ Chí Minh, trong đó có in lại bài Tiếng chổi tre và mấy câu trong bài Toàn thắng về ta của anh, tôi gửi ra Hà Nội từ cuối năm 1998, anh đã nhận được chưa?“ Ông bảo: „Chưa. Thế thì mất rồi. Chắc chắn bị lấy mất rồi. Các loại thông tin về quy hoạch bây giờ là tiền triệu, chục triệu, trăm triệu. Người ta lấy mất cuốn đó là phải. À, tôi đã đọc bài anh phỏng vấn Thượng tướng Trần Văn Trà đăng trên Tiền Phong Chủ Nhật số Tết Canh Thìn 2000. Đúng là phong cách Trần Văn Trà. Sau giải phóng miền Nam mấy năm, anh Trà cũng nói với tôi giống như nói với anh trên báo Tiền Phong và còn nói nhiều vấn đề lớn khác liên quan đến đồng chí Võ Nguyên Giáp. Anh nên tiếp tục vượt mọi khó khăn tìm hiểu về sự nghiệp và đạo đức của đồng chí Võ Nguyên Giáp. Khó lắm đấy, nhưng rất cần cho hôm nay và cho mai sau.“

Vừa lúc ấy, nhà thơ Nguyễn Đình Thi vóc người cao lớn đi tới với dáng hơi chậm chạp, không được khỏe. Tôi cúi chào. Nhận ra tôi, ông bắt tay. Tôi nói: „May quá, có cả anh Lành ở đây. Bốn năm trước, anh Lành có nói với tôi, Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ lớn toàn năng. Cần phải đánh giá Nguyễn Đình Thi cao hơn nhiều so với sự đánh giá lâu nay của một số nhà nghiên cứu - phê bình. Thưa anh, đăng lên báo ý kiến ấy có được không?“ Nguyễn Đình Thi vẫn giữ vẻ mặt trầm ngâm thường thấy, cặp lông mày rậm hơn nhíu lại, nhìn tôi: „Đó là chuyện của anh với anh Lành. Nếu ra Hà Nội muốn gặp tôi, anh cứ đến 51 Trần Hưng Đạo. Tôi hay trực ở đó.“ Rồi Nguyễn Đình Thi chuyển sang một đề tài khác.

Giờ nghỉ trưa, tôi đạp xe về nhà lấy bản thảo này, đem đến hội thảo buổi chiều. Sẩm tối, hội thảo bế mạc. Các đại biểu dự tiệc đứng. Tố Hữu ăn một chút rồi bảo tôi ngồi xuống một cái ghế cạnh ông gần bàn tiệc. Tôi đưa ông xem tập bản thảo. Ông đọc trong khoảng hai mươi phút và bảo: „Rất tốt! Nên gửi nhiều báo. Nhưng nhớ một điều: nếu đăng thì đừng nên cắt xén.“

Trong buổi trò chuyện chiều tối thứ bảy, 26-4-1997, Tố Hữu hay đệm thêm tiếng Pháp, nhất là khi nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với phát âm tự nhiên và chuẩn mực.
*

Nhân chuyến bay ra Hà Nội năm nay (1997), tôi thu xếp thời gian đến gặp nhà thơ Tố Hữu. 14 giờ thứ bảy, 26-4-1997 (tức 20-3-Đinh Sửu), tôi dừng xe đạp trước biệt thự 76 Phan Đình Phùng (quận Ba Đình), nơi ở của tác giả Nước non ngàn dặm.

Từ thời thuộc Pháp, Phan Đình Phùng đã là một trong những đường phố cao cấp toàn biệt thự sang trọng bậc nhất thủ đô và rất thanh nhã.

Mấy năm nay, về cơ bản, không gian yên tĩnh truyền thống ở đây đã mất, nhường chỗ cho những tiếng ồn ào và xe gắn máy.

Trời đã vào hè. Ve sầu kêu rền rĩ khắp các hàng cây trên đường phố.

Tôi bấm chuông. Một người phụ nữ giúp việc từ trong nhà đi ra nhưng chưa mở cổng sắt lớn. Tôi ngỏ ý muốn gặp nhà thơ Tố Hữu. Người phụ nữ bảo tôi chờ để vào xin ý kiến nhà thơ. Lát sau, trở ra, chị hỏi tôi có mang giấy tờ gì không. Tôi gửi chị tấm thẻ nhà báo. Chị cầm thẻ đi vào. Khi ra, chị trả lại thẻ và mở cửa.

Dựng xe đạp ở một góc sân, tôi đi về phía phòng khách. Tố Hữu đã đứng ở cửa phòng. Dáng người ông vẫn nhỏ nhắn như 36 năm trước trong buổi chiều ông đến trường Đại học Sư phạm Hà Nội tháng 7-1961 nói chuyện tại lễ tốt nghiệp của chúng tôi. Chiều ấy, trên diễn đàn, nói chuyện xong, ông đọc bài thơ Mẹ Tơm vừa mới sáng tác đêm hôm trước và sau khi đọc xong, tặng bản thảo cho Ban giám hiệu.

Tuy nhiên, so với hồi đó, giờ đây, nhà thơ đẫy đà hơn, gương mặt nhiều nếp nhăn và hơi xệ. Bên ngoài áo sơ mi là một áo len cộc tay mỏng màu cà phê sữa nhạt. Chân đi bít tất và dép Thái Lan. Đôi mắt tuy vẫn lim dim như bao giờ nhưng lúc này hai đuôi mắt hằn sâu hai cái rẻ quạt. Rõ ràng, ông đã già yếu hẳn.

Hình ảnh ấy của nhà thơ 77 tuổi danh tiếng vang dội một thời làm cho tôi xúc động và cảm kích. Tôi không thể nào ngờ được mặc dầu yếu mệt nhưng ông lại đứng chờ tôi, một người không tên tuổi, một cách lịch thiệp, thân mật và trang trọng như vậy.

Tôi cúi chào và đọc:

Gặp anh, mừng thiệt là mừng [1]

Tố Hữu im lặng chìa bàn tay về phía bộ xa lông đã cũ trong phòng khách, rồi chậm chạp bước vào, vừa đi vừa ho mấy tiếng. Tôi bước theo và ngồi đối diện với nhà thơ. Sau lưng tôi là một cặp ngà voi trắng.

Tôi lên tiếng:

“Thưa anh, nhân dịp kỉ niệm 43 năm đại thắng Điện Biên Phủ, 22 năm giải phóng Miền Nam, 60 năm thơ Tố Hữu và 50 năm Tố Hữu nhận trọng trách chỉ đạo công tác tư tưởng - văn hóa - văn nghệ, tôi xin phỏng vấn anh về mấy vấn đề:

  1. Chuyện liên quan đến anh trong Hồi kí Phạm Duy

  2. Về hai bài thơ của anh: Mười nămTiểu đội anh hùng

  3. Việc sáng tác Nước non ngàn dặm và một vài bài thơ khác

  4. Cảm nghĩ của anh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhân vật mà anh đã hoan hô trong tráng khúc Hoan hô chiến sĩ Điện Biên

  5. Quan hệ của anh với văn nghệ sĩ và trí thức.”

Tố Hữu vẫn im lặng, nhìn tôi một lúc khá lâu, đôi mắt vẫn lim dim. Sau mấy tiếng ho nhè nhẹ, nhà thơ 77 tuổi nói giọng Huế tuy yếu nhưng vẫn rõ ràng:

“Đừng gọi là phỏng vấn. Nên gọi là gặp gỡ thân mật. Như thế, tôi dễ nói được với anh những điều có thể gọi là tâm sự của mình. Bây giờ, anh cho tôi biết vấn đề thứ nhất: chuyện liên quan đến tôi trong Hồi kí Phạm Duy.”

“Thưa anh, trong hồi kí về thời kháng chiến chống Pháp của mình, nhạc sĩ Phạm Duy có kể: tại Hội nghị tranh luận văn nghệ tại Việt Bắc (1948), Tố Hữu bác bỏ vai trò của mấy thể loại kịch thơ, chèo, tuồng và cải lương trong nền văn học nghệ thuật thời kì kháng chiến chống Pháp.
Thực hư ra sao, xin được biết ý kiến của anh.”

Với gương mặt đượm vẻ không hài lòng, Tố Hữu trả lời:

“Tôi chưa biết việc nhạc sĩ Phạm Duy đã xuất bản hồi kí.

Điều nhạc sĩ Phạm Duy nói về tôi như anh vừa mới cho biết, tôi thấy không cần phải trả lời. Tôi không cãi nhau với Phạm Duy. Tôi đã mười năm ở trong Bộ Chính trị, tôi không cãi nhau với Phạm Duy.”

Ngừng một lát, nhà thơ dịu giọng dần dần. Ông nói tiếp:

“Hồi học lớp nhất (tức lớp 5 bây giờ) ở Đà Nẵng, tôi được xếp loại A về tiếng Pháp và đã thích đọc một số tác phẩm văn học Pháp bằng tiếng Pháp loại dễ. Chẳng hạn như một số trích đoạn trong Những vì sao (Les étoiles) của An-phông Đô-đê (Alphonse Daudet). Lên Huế, học ở trường Quốc học (lúc đó gọi là trường Khải Định), tôi càng có điều kiện đọc La-mác-tin (Lamartine), Vi- nhi (Vigny), Huy-gô (Hugo), v.v. Từ thuở nhỏ, tôi đã được học tập thơ văn của các bậc danh nho thời trước và được nghe nhiều làn điệu dân ca trong đó có các điệu hò Huế. Vậy làm sao thời chống Pháp (1945-1954) tôi lại chủ trương treo cổ kịch thơ, xóa bỏ cải lương, tuồng, chèo!
Đối với anh Phạm Duy, từ hồi chống Pháp đến nay, tôi chưa bao giờ biểu lộ một thành kiến nào, bởi vì tôi biết rõ Phạm Duy là nhạc sĩ có tài năng lớn và đã một thời đi theo kháng chiến chống Pháp.

Nhiều ca khúc như Bà mẹ Gio Linh, Tiếng hát sông Lô, Xuất quân, Nhạc tuổi xanh, v.v. của anh Duy hồi đầu kháng chiến chống Pháp đã đi vào trái tim hàng vạn thanh niên, học sinh và bà con nông dân.

Vừa qua, nhà chức trách có hỏi ý kiến tôi về vấn đề Phạm Duy muốn xin về nước ở hẳn trong những năm cuối đời. Tôi trả lời rất rõ: Nếu nhạc sĩ Phạm Duy về nước để sáng tác ca ngợi tình yêu trai gái, ca ngợi tổ quốc thì cứ giải quyết theo đúng nguyện vọng của anh Duy.

Thôi, ta sang vấn đề khác, không nói gì liên quan đến nhạc sĩ Phạm Duy nữa. Tôi nghĩ không nên đưa chuyện này lên báo làm gì. Nhưng tùy anh thôi. Nếu có đưa thì nói đúng như trên.”

Đến lúc này, gương mặt Tố Hữu hoàn toàn trở lại vẻ dịu dàng lúc đầu. Nhà thơ ho nhẹ. Sau đó, ông có ý chờ tôi hỏi sang vấn đề thứ hai.

“Thưa anh, xin được hỏi về hai bài thơ của anh: Mười nămTiểu đội anh hùng.”

Tố Hữu trả lời trong sự ngạc nhiên:

“Tôi không nhớ gì về hai bài thơ đó.”

Tôi đọc một đoạn dài trong Mười năm. Nhà thơ bảo: “Thơ của tôi à? Đăng ở đâu? Tôi hoàn toàn không nhớ ra hai bài này.” (Tố Hữu lại ho).

Tôi đọc lại mấy đọan trong Tiểu đội Anh hùng. Tố Hữu cũng nói như trên. Ông nói thêm: “Hồi chuẩn bị bản thảo tập Gió lộng, có một anh bạn cung cấp cho tôi bài Quang vinh Tổ quốc chúng ta và cho biết đó là thơ của tôi. Lúc ấy, tôi mới nhớ là mình đã sáng tác bài này. Nhờ vậy, Quang vinh Tổ quốc chúng ta mới được đưa vào Gió lộng. Anh có thể cho tôi biết cụ thể về hai bài thơ anh vừa nói được không?”

Không để Tố Hữu chờ lâu, tôi trình bày luôn:

“Thưa anh, chắc anh còn nhờ ngày mồng một tháng Giêng năm 1955, ngày “Mừng Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ Tịch trở về Thủ đô”. Đây là một trong những ngày vĩ đại của dân tộc sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Trên Lễ đài, có Bác Hồ, cụ Tôn Đức Thắng, các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, v.v. Sau khi Bác đọc xong diễn văn ngắn gọn và xúc động, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp duyệt binh.

Tiếp đó, là cuộc diễu hành qua Lễ đài của hàng chục vạn người dân Hà Nội thuộc đủ các giai cấp, thành phần. Bác Hồ giản dị trong bộ đại cán ka ki cầm chiếc khăn mặt trắng liên tục vẫy khăn đáp lại muôn vạn tiếng hô “Hồ Chủ tịch muôn năm”, “Đảng Lao động Việt Nam muôn năm”, “Nước Việt Nam Hòa bình, Thống nhất, Độc lập, Dân chủ và Giàu mạnh muôn năm” vang rền khắp quảng trường Ba Đình. Anh cũng có mặt trên lễ đài.

Một sự việc bất ngờ xảy ra: khi đi qua Lễ đài, đoàn thiếu niên và thiếu nhi Hà Nội bỗng dừng lại và nhìn mãi lên phía Bác Hồ trong tiếng quân nhạc hùng tráng và lôi cuốn. Hàng vạn người ở phía sau không tiến lên được. Bác Hồ quá xúc động nhưng Người buộc lòng phải nhắc các cháu và nhắc bằng một giọng dịu dàng: Các cháu ngoan, nghe lời Bác, tiến lên để đồng bào tiến theo!

Một lát sau, đoàn thiếu niên và thiếu nhi mới bước tiếp, vừa đi vừa ngoảnh nhìn lên phía Lễ đài.
Thưa anh, tôi cũng được vinh dự đi trong đoàn học sinh trung học diễu hành qua Lễ đài tiếp theo đoàn thiếu niên và thiếu nhi sáng hôm ấy.

Khoảng 14 giờ cùng ngày, báo Nhân Dân đã kịp thời ra số đặc biệt về Ngày vĩ đại đó.

Rất may mắn, bố tôi mua báo Nhân Dân quanh năm, cho nên, chiều ấy nhà tôi có số báo này. Tôi thấy trên trang nhất là những hình ảnh Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các đơn vị quân đội, dân quân và các khối quần chúng. Số báo in một bức phác họa nhỏ chân dung anh và đăng trọn vẹn bài thơ Mười năm của anh. Cuối bài thơ, tác giả nhắc lại sự việc đoàn thiếu nhi dừng lại:

Vẫn đôi mắt dịu hiền Vẫn bàn tay ấy vẫy nghìn cánh tay Lắng nghe lời Bác mà say Ấm lòng giọng nói khoan thai, ngọt ngào: Hát đi, các cháu, ngoan nào
Tiến lên cho rộng, đồng bào bước theo! Một lời rót xuống thương yêu Bốn phương đất dậy trời reo vui mừng…

Thưa anh, toàn bộ bài thơ khá dài và hết sức nồng nàn, tha thiết, đọc vài lần là nhớ mãi.

Là một học sinh Hà Nội tạm chiếm lần đầu tiên được sống trong những ngày đầu giải phóng Thủ đô (từ 10-10-1954) và lần đầu tiên được biết cái tên Tố Hữu, lần đầu tiên được biết thơ Tố Hữu qua bài Mười năm đầy sức truyền cảm, tôi vô cùng xúc động. Thế là, tôi lấy giấy ra, vẽ lại bức phác họa chân dung Tố Hữu. Tôi rất nhớ đôi mắt lim dim đượm vẻ thơ trên bức phác thảo. Sau đó, tôi học thuộc lòng cả bài.

Thưa anh, suốt 42 năm nay (1955-1997), Mười năm là một trong những bài thơ góp phần thổi to thêm ngọn lửa cách mạng trong trái tim tôi trên những nẻo đường chống Mỹ nơi núi rừng và xây dựng hòa bình nơi đô thị.

Xin phép anh cho tôi được đọc diễn cảm cả bài.”

Tố Hữu im lặng nhìn tôi, rồi gật đầu và ho mấy tiếng.

Tôi đã đọc diễn cảm gần hết bài thơ, chỉ quên một số câu. Tôi đọc nhỏ thôi, đủ để tác giả nghe rõ.

Sau khi tôi đọc xong, anh Lành im lặng một lát, nhìn tôi. Rồi người anh lớn ấy từ từ đưa bàn tay phải về phía tôi. Hình như ông định đứng lên nhưng vì không được khỏe cho nên vẫn phải ngồi trên ghế. Tôi cảm thấy như vậy. Tôi đưa hai tay ra, nắm lấy bàn tay mềm của nhà thơ 77 tuổi. Từ bàn tay ấy toát ra hơi ấm của một trái tim vẫn bừng bừng sức sống, truyền vào hai bàn tay tôi. Tôi nhìn thoáng vào đôi mắt người anh lớn. Đôi mắt ấy không chớp và, và có một cái gì như là vừa yêu thương vừa cảm kích.

Anh Lành rút tay về và bảo: “Hôm nào anh chép lại bài thơ ấy, gửi cho tôi. Còn bài thứ hai?” (Nhà thơ lại ho nhẹ mấy tiếng).

“Thưa anh, năm 1962, tôi công tác Điện Biên. Hồi ấy, báo chí nói nhiều về vụ án Lê Quang Vịnh và Lê Hồng Tư. Tại tòa án Mỹ ngụy, Lê Quang Vịnh và nhóm cảm tử đã hiên ngang lên án kẻ thù. Báo Nhân Dân đăng bài thơ nổi tiếng của anh về nhóm Lê Quang Vịnh trước tòa án nhan đề Tiểu đội Anh hùng. Tôi nhớ dịp đó, chị Anh Thơ và một số nhà thơ khác cũng sáng tác về Lê Quang Vịnh.

Vì thơ anh bao giờ cũng dễ nhớ, dễ thuộc và dễ đi vào lòng người, cho nên chỉ vài lần đọc, tôi đã thuộc. Tiểu đội Anh hùng, suốt 35 năm nay (1962-1997), cũng như Mười năm, thôi thúc tôi trên những bước đường đời.

Xin phép anh cho tôi ngâm đầy đủ để anh nghe.”

Tôi ngâm từ đầu đến cuối bài thơ sáu khổ, hai mươi tư dòng đó.

Tôi vừa ngâm xong, Tố Hữu nói ngay: “Tri âm tri kỷ!”

Lần này thì ngược lại, tôi kính cẩn đưa hai tay về phía người anh lớn và xin được nắm tay anh. Nhà thơ vui vẻ chìa bàn tay phải cho tôi nắm chặt, rồi dặn: “Nhớ chép cả hai bài, rồi gửi cho mình”.

Uống một ngụm trà theo lời mời của nhà thơ, tôi trân trọng hỏi Tố Hữu về vấn đề thứ ba:

“Thưa anh, hôm nay tôi muốn được biết rõ về Nước non ngàn dặm. Trường ca này, theo ý tôi, là tác phẩm tiêu biểu nhất trong sự nghiệp thơ anh về nhiều mặt, đặc biệt là về tính dân tộc trong nội dung, trong âm điệu, trong ngôn ngữ và trong cả thể loại. Mong anh cho biết tương đối kĩ về bản trường ca.”

“Tôi xin cám ơn sự đánh giá của anh. Thực tình mà nói, đây cũng là một trong những bài tôi có thể thích, tôi có thể nói rõ là tôi thích vì tôi đã dành nhiều tâm huyết của mình vào bài thơ này. Không phải ngẫu nhiên, cũng phải vào một thời điểm nào đó, tôi mới viết được Nước non ngàn dặm.

Đó là lúc chúng ta kí hiệp định Pa-ri. Mỹ đi rồi nhưng vẫn trở lại dưới dạng khác. Phương Tây gọi là đổi màu da xác chết. Tiếp tục vũ trang cho ngụy, cuộc chiến tranh của Mỹ thực chất vẫn tiếp diễn qua bàn tay của ngụy. Vì thế, rõ ràng hiệp định không thể thực hiện được. Một số đồng chí nghĩ rất chân thành rằng: cố gắng đấu tranh hòa bình, dựa vào hòa bình để gây sức ép với Mỹ- ngụy theo luật pháp quốc tế. Cố gắng nhiều nhất để tiến tới thống nhất đất nước một cách hòa bình, đỡ đổ máu vì suốt gần hai mươi năm toàn dân ta đau khổ và hi sinh xương máu quá nhiều. Nghĩ như vậy là ngây thơ, là mơ hồ, không thể mơ hồ được!

Sau vài tháng chờ đợi diễn biến tình hình, trong một kì họp, đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn và đồng chí Bí thư Quân ủy Trung ương Võ Nguyên Giáp rút ra kết luận: không thể mơ hồ về âm mưu của địch, không thể ngây thơ mong đợi hòa bình và thống nhất đất nước theo quan điểm nói trên. Trong thực tế, địch đã lập tức chuyển sang đánh nhau với ta. Chúng lùng sục. Chúng bắn giết ghê gớm. Cho nên, anh chị em chúng ta trong Nam, ngay từ Quảng Trị, ngay từ bên kia sông Bến Hải, tất cả đều đòi hỏi Trung ương phải kịp thời đề ra chủ trương thích hợp với tình hình mới của cách mạng để anh chị em khỏi vướng với cái gọi là “hiệp định Pa-ri”, nghĩa là để bản hiệp định này khỏi trói tay mình.

Tôi nói một chút. Tôi xin lỗi nói lại với anh: tôi luôn luôn làm thơ do sự thôi thúc của khối óc và trái tim, do yêu cầu của thời cuộc. Nói như Gớt: Thơ nào cũng là thơ thời cuộc cả. (Sau đó, Tố Hữu nói câu của Gớt bằng tiếng Pháp nhưng tôi nghe không rõ và không ghi lại được. Ông lại ho, rồi tâm sự tiếp). Thơ tôi luôn luôn thế, vẫn là thơ thời cuộc.

Bộ Chính trị trước đây, đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn và đồng chí Bí thư Quân ủy Trung ương Võ Nguyên Giáp quyết định phải tiến hành cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng Miền Nam bằng toàn lực của cả nước.

Trong hoàn cảnh đó, tôi lần lượt nói với anh Ba và anh Văn: tôi giữ ba chức đấy nhé: Trưởng ban Thống nhất Trung ương, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương và Bí thư Trung ương Đảng. Thế mà tôi chưa từng vượt đường lớn Hồ Chí Minh lần nào. Đề nghị các anh cho tôi vào Nam để nắm tình hình tư tưởng của quân dân miền Nam, từ đó, làm tốt hơn nữa việc giáo dục và động viên quân dân cả nước tiến lên giành thắng lợi cuối cùng. Đó là mục đích của chuyến đi. Ngoài ra, nếu có thơ thì càng tốt.

Anh Ba và sau đó, anh Văn nhất trí ngay.

Nhân có chuyến xe vượt Trường Sơn của anh Đinh Đức Thiện, tôi đi theo luôn. Đi bằng xe quân sự. Đoàn xe có khoảng trên dưới mười chiếc. Hai chúng tôi cặp kè với nhau.

Đường Trường Sơn vô cùng nguy hiểm. Không quân và pháo binh ngụy vẫn tiếp tục bắn phá. Máy bay thám thính OV10 của địch rất lợi hại.

Tôi rất thuộc miền Trung và Huế vì đã hoạt động ở những nơi đó nhiều năm. Huế và miền Trung trong cuộc chống Mỹ thuộc về miền Nam. Chính vì thế, tôi dễ xúc động khi nghe đến hai chữ Miền Nam, tôi viết về Miền Nam dễ dàng.

Càng đi xuống phía Nam, tôi càng xúc động. Tôi quê Huế nhưng ra đời ở Hội An (thuộc tỉnh Quảng Nam), không phải ra đời ở Huế như nhiều sách báo viết lầm. Tôi bước vào đường cách mạng từ năm 16 (1936). Sinh năm 1920, đến năm 1973, tròn 53, mới có dịp trở lại Hội An. Do đó, trong Nước non ngàn dặm, tôi viết:

Đường đi từ tuổi thơ ngây Nửa vòng thế kỉ, hôm nay: đường về.

Đây là lần đầu tiên tôi vượt Trường Sơn vào Nam. Lí thú cực kì. Lãng mạn cực kì. Thơ mộng cực kì. Chiến tranh với hố bom, với xương máu khắp núi rừng.

Đau thương vô hạn. Nhưng cảnh vật trên đường lớn Hồ Chí Minh vẫn thật là nên thơ và hùng vĩ. Nổi bật hơn cả chính là hình ảnh nhân dân, chiến sĩ, thanh niên xung phong, thày giáo và cán bộ các ngành rất anh hùng, rất lạc quan, rất sáng tạo. Chính cái hiện thực lí thú cực kì, lãng mạn cực kì, thơ mộng cực kì đó đã giúp tôi sau khi trở về Miền Bắc viết được bốn câu:

Ôi đất anh hùng biết mấy mươi Chìm trong máu chảy vẫn xanh tươi Mưa bom bão đạn lòng thanh thản

và hai câu:
Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước Mà lòng phơi phới dậy tương lai

Tôi nhắc lại: mục đích chính của chuyến đầu tiên vượt Trường Sơn này là để tôi nắm thực tế, giúp cho việc chỉ đạo công tác tư tưởng của Trung ương; còn chuyện sáng tác, để sau khi ra Bắc. Vì thế, suốt ba tháng trong chuyến đi ngàn dặm, tôi chỉ bàn công tác với anh Đinh Đức Thiện và các anh khác, chỉ cảm và nghĩ về hiện thực của cuộc chống Mĩ ở miền Nam, không viết một dòng thơ nào. Đi xong, trở về Hà Nội, mới nghĩ đến chuyện làm thơ.

Về tới Hà Nội, việc đầu tiên của tôi là báo cáo về chuyến đi với hai đồng chí Lê Duẩn và Võ Nguyên Giáp, đồng thời đề xuất một số ý kiến về cuộc chống Mỹ trong giai đoạn cuối cùng. Tất nhiên, chỉ đạo giải quyết giai đoạn cuối cùng của cuộc chống Mỹ là công việc của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương.”



[1]Nước non ngàn dặm (trường ca-trong tập Máu và hoa -Tố Hữu)
Nguồn: Nhật Hoa Khanh, Gặp Tố Hữu tại biệt thá»± 76 Phan Đình Phùng, 2004, không ghi nhà xuất bản