trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 28 bài
  1 - 20 / 28 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
2.6.2008
Ngô Viết Trọng
Ngôi cổ miếu
 1   2 
 
Lúc này, khổ nhất là chuyện nước dùng. Chỉ một gô nước mỗi ngày, tôi phải lo giữ để uống, không dám xài cẩu thả. Ngay cả súc miệng cũng chỉ dám ngụm một hai búng nhỏ. Buổi sáng, tôi cũng không còn đánh răng vì không có kem. Cái bàn chải đã quá cùn, tôi chỉ giữ để dùng những khi quá cần thiết hoặc khi kiếm được một ít muối. Thấm một chút nước vào khăn để lau mặt lau cổ cũng phải chừng mực. Vì vậy, chỉ mấy ngày sau, tôi đã thấy nhiều chỗ ngứa ngứa trên người. Nhưng tôi vẫn cố làm ngơ không dám gãi, quá lắm chỉ đưa tay xoa nhẹ. Tôi chỉ cào gãi đâu trong giấc ngủ không tự kiềm chế mình được. Tôi thèm khát đến cả vài giọt nước mưa phùn bắn vào người khi trời mưa qua các lỗ dột, thèm khát một cách lạ lùng. Ở tù đã nhiều ngày, nhiều nơi, nhưng tôi chưa bao giờ gặp cảnh thèm nước đến thế. Thèm chán lại tự an ủi: năm bảy ngày nữa, thế nào người ta cũng cho đi tắm. Nhưng đến khi được cho đi cầu lần thứ hai, nghĩa là đã trên mười ngày mà vẫn chưa thấy ai cho tắm rửa gì. Tôi hỏi ông Đ.:

“Ở đây, mấy ngày họ cho tắm một lần?”

Ông Đ. nhìn tôi cười như chế giiễu:

“Có lẽ hai ba năm chi đó cho tắm một lần, tôi ở đây hơn ba tháng rồi mà có tắm rửa lần nào đâu!”

“Ông nói thật à?”

“Sao lại không thật? Cái bọn vong ơn bội nghĩa ấy muốn thế mà! Không thăm nuôi, không tắm rửa, không có cầu tiêu, đó là đặc điểm của phòng này!”

“Nghe ông Đ. nói thế, tôi lo sợ lắm. Tôi đã từng chết hụt vì bệnh ghẻ một lần, bây giờ gặp tình trạng này, bệnh ghẻ tái phát thì thật nguy khốn. Trên người tôi đã có nhiều dấu hiệu nảy sinh của bệnh ghẻ. Nhiều nốt đỏ đã hiện ra khắp chân tay tôi. Nó ngứa ngứa nhưng tôi vẫn cố nín nhịn, không dám cào gãi. Tôi phải cố gắng mọi cách để giới hạn sự nhiễm trùng. Tôi biết phòng này chẳng vệ sinh tí nào, những móng tay tôi làm sao sạch được! May lúc đó còn là mùa mưa, trong phòng lại chỉ có hai người nên tôi ít đổ mồ hôi, cũng đỡ. Tôi không hi vọng thoát bệnh ghẻ tái phát mà chỉ mong cầm chân nó được lúc nào hay lúc đó thôi.

Mấy hôm sau thì đến kỳ khám đường cho thăm nuôi. Trong khi bên ngoài rộn rịp gọi tên người này người khác, trong ngôi cổ miếu, chúng tôi chỉ biết nằm chèo queo.

Bất ngờ, vào buổi sáng hôm sau, khi tôi vừa thức dậy thì ông Đ. trao cho tôi hai trái chuối và một cái bánh ú gạo nếp:

“Ông Kha gởi biếu ông đấy. Phần tôi, tôi dùng rồi.”

Anh Kha lúc ấy ở phòng A4 cùng với ông linh mục Hương. Có lẽ anh được thăm nuôi chiều hôm trước. Nếu anh ấy gởi quà cho tôi, cũng phải đợi đến giờ đưa cơm, nhờ tù nhà bếp chuyển với sự cho phép của cán bộ trại, chứ làm cách nào mà chuyển sang sớm thế được? Tôi thắc mắc:

“Ông Kha gởi đến lúc nào và bằng cách nào thế ông?”

Ông Đ. cười:

“Khoảng lúc mười một giờ đêm.”

Tôi trố mắt nhìn ông Đ., ông lại cười hãnh diện:

“Ông tưởng tôi đùa à? Tối nay, cũng khoảng giờ đó, ông ấy sẽ gởi thịt cho nữa đấy!”

Tôi tức cười hỏi lại:

“Gởi nhờ cán bộ trực đêm đưa à?”

Ông Đ. vui vẻ nói:

“Gởi nhờ ai, ông muốn biết thì đêm nay ráng thức đợi tới giờ đó sẽ rõ.”

Thật ra, tôi cũng muốn biết sự việc hư thật thế nào. Nhưng tới buổi tối, tôi ngồi được một chốc thì thấy mỏi, phải nằm xuống rồi ngủ quên lúc nào không hay. Tôi đang mơ màng thì ông Đ. đến vỗ vai tôi:

“Dậy ăn thịt gà!”

Tôi mở mắt hỏi:

“Cái gì? Thịt gà lấy về rồi à?”

“Ông đợi một tí xem tôi lấy về!”

Tôi đang ngơ ngác thì thấy ông Đ. ra ám hiệu và nói chuyện qua vách. Một lát sau, ông bước ra leo lên tấm bửng cửa sắt. Tôi cũng bước ra, đứng dưới chân cửa chăm chú theo dõi. Bấy giờ, tôi mới thấy nể sự lanh lẹ của một ông già sáu mươi. Đôi chân cao và đôi tay dài của ông lúc này thật hữu dụng. Ông đã dang hai chân tựa thật vững trên cái đà cửa và đưa cả hai tay ra khỏi dãy song sắt ngắn bên trên tấm cửa bửng, một tay vỗ vào vách ba cái. Trong bóng tối tôi thấy một cái gì loáng thoáng bay qua trước mặt ông và ông giơ tay đón bắt. Thịt gà đó sao? Nếu bắt không được, nó sẽ rớt xuống thềm hành lang thì lộ chuyện mất. Nhưng không, điều tôi tưởng không đúng. Đó chỉ là đầu cối của một sợi dây chắp đôi có thể căng thành một vòng tròn. Một người nào đó đã nắm một đầu bên kia và ném đầu cối cho ông Đ. Bắt được đầu cối của sợi dây xong, ông Đ. dùng hai tay thoăn thoắt lần cho cục cối chạy vòng sang bên kia một cách nhanh nhẹn. Chỉ một chốc sau, tôi thấy một gói đồ buộc trên dây chạy lần tới tay ông Đ. Ông ngừng tay lại để tháo gói đồ ra rồi buông sợi dây cho người bên kia rút về. Ông Đ. vói tay đưa gói thịt gà xuống trước cho tôi cầm rồi leo xuống. Ông cười nói:

“Sáng mai hãy ăn chứ không lẽ bây giờ tối thui, ăn như chuột, coi sao được?”

Dù rất thèm thuồng, tôi cũng đồng ý tạm để gói thịt sáng hôm sau sẽ thanh toán. Tôi không rõ ý nghĩ của ông Đ. như thế nào khi đưa ra đề nghị đó. Riêng tôi, ý nghĩ tôi không được trong sáng cho lắm. Thế gian vẫn có câu “Miếng ăn là miếng tồi tàn, Hơn thua một chút lộn gan lên đầu”. Tôi không muốn để cho ông Đ. gán tôi vào hạng đó. Tôi vẫn còn bực mình vì mới đây tôi đã bị ông Đ. nghi lầm. Số là anh tù nhà bếp khi chia đồ ăn, vẫn dùng cái thau của ông Đ. để đựng phần ăn cho cả hai chúng tôi. Sau đó, ông Đ. lấy đưa cho tôi một nửa. Phần của ông, ông để trong thau ấy để ăn luôn. Việc đó tôi không có gì thắc mắc. Ngặt một điều là ông Đ. hay ho quá. Khi ho, ông Đ. lại có thói quen không che miệng hay quay đi chỗ khác. Nhiều lần ông ho luôn vào thức ăn làm tôi đâm ra rất khó nuốt. Sau mấy lần như thế, hễ tù nhà bếp vừa đặt thau xuống là tôi nhặt ngay phần của mình liền, cái nào trên tôi lấy chứ không hề có ý lựa to nhỏ. Không ngờ mấy hôm sau, ông Đ. nói:

“Khi nào ông cũng lựa cái to trước như thế cũng tội cho tôi chứ!”

Khi nghe ông nói thế, tôi nghẹn họng. Từ đó, tôi có định kiến: ở trong tù, bất cứ cái gì cũng phải chia chác cẩn thận chứ không thể coi thường. Tôi bực mình nhưng vẫn tự hào là lòng mình thật sự trong sáng.

Ông Đ. cũng cho tôi biết, lâu nay cả ba vị linh mục đều có lệnh cấm thăm nuôi tuyệt đối. May các ông còn được những người tù nhà bếp, phần nhiều là con chiên, giúp đỡ chút ít. Mỗi lần nhận được quà, dù chỉ một táng đường hay vài cái kẹo, những con người da bọc xương ấy vẫn san sẻ cho nhau qua cách chuyền giây đó. Thật là những hành động tương thân tương ái vừa cao cả vừa dũng cảm hiếm thấy. Dũng cảm thật đấy, vì đối với cái trại này, nếu việc làm đó bị lộ, chắc chắn án mạng sẽ xảy ra ngay. Cán bộ khám đường Bà Rịa đánh chết tù nhân là chuyện quá thường.

Hôm sau, khi chia gói thịt của anh Kha cho, ông Đ. có vẻ cởi mở khác thường. Ông vừa tươi cười nói chuyện vừa chia cho tôi trội hơn. Tôi áy náy gắp trả bớt cho ông nhưng ông không nhận:

“Ông cứ ăn đi! Ông trông cũng cần bồi dưỡng lắm đó.”

Nghe ông nói thế, tôi rất cảm động. Tôi chợt nghĩ: hoá ra cái chuyện tôi mếch lòng ông trong những lần chia chác trước có thể là do tôi hiểu lầm. Và cả lúc này nữa, tôi đã tưởng hôm nay ông ta vui vì được tặng quà. Tôi cảm thấy tự thẹn cho mình lắm.

Trong lúc tôi đang lựa vài lời để bày tỏ nỗi áy náy theo sự suy nghĩ của mình thì nghe ông Đ. nói tiếp:

“Ông Kha được thăm nuôi thì chắc ông cũng được thăm nuôi. Gia đình ông ở xa quá đến đây thăm cũng khó lắm. Hay là tôi bảo người nhà tôi mượn tên ông để thăm nuôi nhé. Thăm được cái gì anh em mình sẽ cùng hưởng với nhau.”

Tôi chỉ cười cười, không từ chối mà cũng không nói đồng ý. Tôi vốn nhát gan, ưng cũng ưng nhưng lại sợ. Bây giờ thì tôi hiểu rõ vì sao sáng nay ông Đ. có vẻ cởi mở với tôi. Có lẽ ông Đ. nghĩ tôi đã bằng lòng nên tiếp luôn:

“Thế là hai tuần tới nữa, anh em mình đỡ đói nhé!”

Thời gian thoăn thoắt, ngày thăm nuôi kế tiếp lại đến. Khoảng chín giờ sáng thì mấy anh tù trật tự đã rộn rịp mang đồ thăm nuôi đưa đến các phòng. Bỗng có tiếng bước chân dừng ngay ở phòng chúng tôi rồi có tiếng mở khóa lách cách. Tôi và ông Đ. hồi hộp nhìn nhau. Quả thật tên tôi được gọi. Chúng tôi nhìn thấy anh tù nhà bếp đang xách hai xách tay rất nặng. Đó là anh Cẩn, cựu thiếu úy Cộng hoà, là một người thân tín của ông Đ. Viên cán bộ mở cửa hỏi:

“Ai thăm biết không?”

Tôi nói tới cả chục tên người, thân nhân của tôi lẫn thân nhân của ông Đ. do ông nhắc, nhưng vẫn trật hết. Tôi đang bối rối thì may thay, ngoài kia xảy ra vụ gì đó, viên cán bộ bước ra bên ngoài trong giây lát. Anh Cẩn lợi dụng dịp này khẽ nói: “Mai Hoàng Bích”. Khi viên công an trở lại, tôi vờ trả lời năm ba tên khác rồi mới nói tới tên Mai Hoàng Bích. Thế là chúng tôi nhận được quà.

Viên cán bộ đóng cửa xong là chúng tôi quay lại mấy xách quà. Thật sự, khi mới nhìn thấy hai xách quà, tôi đoán ngay là của ông Đ. Người nhà tôi không thể bới quà nhiều như thế. Mảnh giấy viết mấy chữ “Chúc ông mạnh khỏe” càng xác nhận đó không phải là người nhà của tôi. Cái tên Mai Hoàng Bích hoàn toàn xa lạ cũng chẳng làm tôi ngạc nhiên. Tôi chỉ ngạc nhiên khi thấy chính ông Đ. cũng ngớ ngẩn không biết Mai Hoàng Bích là ai. Tuy thế, tôi vẫn giao cho ông Đ. khui quà. Có nhiều món quà khiến chúng tôi dễ xác nhận được nó phát xuất từ xã Phước Tỉnh: một bịch lớn cá thu cắt thành lát đã phơi khô, một xoong đầy cá bống đã được kho sẵn thơm tho ngon lành. Có nhiều bọc quà khác tôi không rõ thứ gì. Đặc biệt nhất là trong số quà, có một cái bình thủy mới toanh. Ông Đ. vừa kiểm đồ vừa suy nghĩ. Lát sau ông nói:

“Tôi biết rồi! Mai là tên đứa cháu gái kêu tôi là bác ruột, Hoàng và Bích là tên hai đứa con của nó. Chồng nó là thiếu tá đã chết trận. Thảo nào nó viết câu nhắn ‘Chúc ông mạnh khỏe’, nãy giờ tôi cố nhớ vẫn không ra đó là đứa cháu nào. Chút nữa thì ông bác nó mất thăm nuôi!”

Đói khát lâu ngày, nay thấy quà ngổn ngang, nước miếng tôi cứ rệu ra. Tôi rất nôn nóng đợi một lệnh của ông Đ. Thế nhưng ông cứ lo xếp đặt món này qua món nọ, có vẻ tính toán phân vân. Sau cùng ông trải tờ báo và để lên một số thức ăn: một ô nhựa cơm trắng, một vỉ trứng gà, gắp ra một chén thịt heo kho, một chén cá bống kho và một mớ rau cải.

“Ông đem chén đũa lại ăn cơm cho vui!”

Thật là một lời như cởi tấm lòng! Nhưng tôi cũng đâm lừng khừng, sốt sắng quá, tôi ngại bị khi dễ. Tôi cầm bát đũa từ tốn đến bên ông ngồi đợi. Chủ nhân chưa động đũa mình đâu dám làm hỗn! Ông Đ. thong thả lấy một quả trứng gà đập đầu và hút, xong ông quay lại nhìn tôi, vẻ mặt tươi rói, cười cười nói:

“Trứng ngọt quá ông ơi! Ngọt thiệt! Ngọt thiệt! Ngọt thiệt!”

Tôi nóng ruột chờ đợi. Nhưng ông Đ. không để ý, tiếp tục cầm một cái trứng khác đập đầu đưa lên hút. Tôi ngượng đến nóng cả người mà không biết nên làm sao. Thế rồi tôi đưa đại chén vào đơm cơm. Lúc ấy ông Đ. mới nói:

“Ừ, ông cứ đơm cơm tự nhiên! Trứng ngọt quá! Trứng ngọt quá! Tôi phải thử thêm mấy quả đã.”

Tôi đơm xong cơm thì ông Đ. lấy đũa gắp bỏ vào chén tôi mấy miếng thịt và hai khúc cá bống lớn. Hình như chưa đã, ông lại tiếp tục đập trứng. Ông hút một mách gần cả chục trứng rồi mới ăn cơm.

Phải nói đây là bữa cơm tuyệt vời nhất từ khi tôi vào khám đường Bà Rịa. Chén cơm trắng thơm dẻo làm sao! Từng thớ thịt cá bống thơm mềm, từng thớ thịt heo béo ngọt làm sao! Tôi không dám ăn nhanh, cứ nhẩn nha để tận hưởng từng giây phút khoái cảm ấy. Ông Đ. ăn có vẻ mạnh bạo lắm - dĩ nhiên, vì ông lúc ấy là chủ nhà. Đang nhai nhai nói nói, bỗng nhiên ông Đ. hắt hơi một cái. Cơm từ miệng ông văng tung toé bốn phía, văng cả vào chén thịt, chén cá, ô cơm và cả chén cơm tôi đang bưng nữa. Ông vội vàng xin lỗi tôi. Khổ ơi là khổ! Thế là tan biến hết những cảm khoái của một bữa cơm ngon! Tôi đâm ra khó xử. Trong hoàn cảnh đói khổ này, không lý mình đứng dậy? Tôi phải cố gắng làm như không quan tâm gì chuyện đó. Nhưng nuốt trôi được bữa cơm thịnh soạn đó, đối với tôi lúc bấy giờ chỉ còn là một cực hình. Mãi tới khi ông Đ. bẻ đưa cho tôi một trái chuối, tôi mới tìm lại được chút ít khoái cảm ban đầu.

Ngày ấy, cả ba vị linh mục đều nhờ mượn tên người cùng phòng, được thăm nuôi cả, nên các ông chỉ nói chuyện với nhau chứ chưa gởi quà cho nhau. Cũng trọn ngày, tôi được lãnh nguyên hai phần bột và canh của nhà bếp. Dù đã được ăn cơm khách, tôi vẫn thanh toán hết cả hai phần cơm nhà bếp, bữa nào xong bữa nấy như thường. Ông Đ. không lãnh phần ăn nhà bếp thì ăn lai rai quà thăm nuôi.

Khoảng nửa chiều, ông Đ. đem con gà luộc ra xé. Ông để những miếng thịt ròng vào một cái tô, còn tất cả phần có dính xương ông trao hết cho tôi và nói:

“Ông thanh niên răng tốt chắc ăn thứ này được? Trong hoàn cảnh này, không nên bỏ phí thứ gì hết!”

Ông nói đúng quá đi chứ! Tôi cám ơn và đưa cái chén ra thầu tuốt.

Xong, tôi đem về chỗ mình ngồi gậm. Tôi lần lượt nhai bể từng cái xương để hút cho kỳ hết từng chút tuỷ bên trong. Tuy thịt không còn nhiều nhưng phải nói là ngon đáo để.

Ăn thịt gà xong, ông Đ. lại bày cơm ra và mời tôi. Ông Đ. cũng gắp bỏ thịt và cá vào chén tôi như buổi sáng. Nhưng lần này, “nhận quà” xong, tôi vội lấy cớ cần ngồi dựa vách cho thoải mái, bưng ngay về chỗ mình. Tôi vẫn không quên cú sặc cơm văng tung toé lúc sáng của ông. Hình như tôi làm vậy, ông Đ. cũng vui lòng như tôi.

Đố ai biết chuyện gì đã xảy ra sau đó? Cơm xong là ông Đ. bị mệt, không thể ngồi đọc kinh hay nói chuyện xuyên tường được. Ông buông mùng nằm sớm, không biết có ngủ được không. Riêng tôi, đêm đó lại có vẻ khỏe người hơn và không ngủ sớm như thường lệ. Khoảng chừng chín giờ tối, tôi bỗng nghe tiếng gõ nhẹ ở cửa. Ai đến làm chi lúc này nhỉ? Tôi giả vờ ngủ say không biết. Ông Đ. cũng im lặng. Tiếng gõ cửa lại tiếp tục, vẫn nhẹ nhưng có vẻ gấp gáp hơn. Ông Đ. vẫn im lặng, chắc ông ngủ thật rồi. Tôi đứng dậy tiến lại gần cửa hỏi:

“Ai đó?”

Đáp lại là cái giọng quen thuộc của Sơn, anh cán bộ võ trang dữ tợn nhất trong khám đường, nhưng lần này anh ta lại nói giọng nhỏ nhẹ đầy thân tình:

“Anh mới thăm nuôi chắc vui vẻ chứ?”

Khó nói thật, thăm nuôi của người khác chứ đâu phải của tôi!

“Cám ơn cán bộ, vui vẻ.”

“Khi sáng, thấy người nhà gởi cho anh cả chùm lạp xưởng, anh ăn hết chưa?”

Trời đất! Chính tôi cũng không biết là trong đồ thăm nuôi của ông Đ. có chùm lạp xưởng nữa. Tôi lúng túng:

“Thưa...”

Tôi định nói tôi chưa coi kỹ đồ thăm nhưng nghĩ lại thật là vô lý. Thăm từ sáng mà giờ này chưa coi kỹ là sao? Lạng quạng với mấy gã này chẳng khác chi giỡn mặt với tử thần! Tôi chưa biết nói sao thì viên cán bộ tiếp:

“Tôi nghĩ là anh chưa ăn hết đâu! Anh cho tôi xin hai cái nhé!”

“Dạ, để tôi hỏi ông già, ông đang ngủ.”

“Đánh thức ông ta dậy làm gì! Của anh, anh muốn cho ai mắc mớ chi tới ổng?”

“Dạ, tôi không có đồ đựng, tôi gởi ổng.”

“Vậy thì lẹ lẹ lên! Tôi thấy có một hộp kẹo sô- cô-la nữa, cho tôi vài cái luôn!”

Tôi bước tới lay ông Đ. dậy. Gặp lúc ông ta đang xì rắm thúi đến nhức đầu khiến tôi phải nín thở, không dám mở miệng.

“Cái gì thế? Tôi đang đau bụng quá trời đây nè!”

Tôi chờ một chốc cho tản mùi hôi mới dám nói:

“Cán bộ Sơn đến xin hai cái lạp xưởng và một ít kẹo sô-cô-la. Lấy gấp kẻo ông ấy đang đợi đấy.”

Ông Đ. vùng vằng dường như không muốn chịu.

“Xong chưa? Gì mà chậm như rùa vậy?”

Nghe tiếng giục của cán bộ Sơn, ông Đ. mới lật đật mở túi xách lấy đồ ra. Tôi đem hai cái lạp xưởng và nắm kẹo đưa qua lỗ thủng ở cửa cho cán bộ Sơn. Anh ta có vẻ không hài lòng:

“Bấy nhiêu thôi à? Cám ơn anh.”

Tôi vừa tức cười vừa bực mình, về chỗ chun vô mùng nằm liền.

Trong khi ấy, ông Đ. lục đục làm gì đó trong bóng tối tôi không nhận rõ. Một chốc sau, tôi biết là ông đang đi cầu. Mùi xú uế toả inh cả phòng. Tôi phải lấy cái áo lót mà bưng mũi mình lại.

Sau khi ngủ được một giấc, tôi lại giật mình vì tiếng lục đục của ông Đ. “Ngán thay cái mũi vô duyên, Béo bùi một trận trăm phiền kéo theo!” Đêm ấy ông Đ. đi cầu tới sáu bảy lượt. Việc ấy đã làm tôi chịu khổ sở và mất ngủ lây. Hôm sau thấy người ông xụi lơ, gần như bước không muốn nổi.

Cũng may, cơn bệnh của ông không kéo dài thêm bao lâu. Những ngày kế tiếp, ông Đ. lại bồi dưỡng tới tấp. Có khi ông cầm cả con lạp xưởng để ăn mà không cần nướng. Cá thịt, sữa bánh, đậu phộng, đậu nành rang đã làm ông bận rộn suốt ngày. Nhờ cái bình thuỷ, hằng ngày ông được đám đệ tử ở nhà bếp ưu tiên thêm cho một phích nước nóng để pha trà, pha sữa. Lúc này thì tôi biết ông ta chỉ quen thói độc ẩm.

Với tôi, hằng bữa ông Đ. lại gắp cho một ít đồ ăn, khi miếng thịt heo, khi khúc cá bống, lâu lâu một khúc cá thu. Những khúc cá thu khô ấy đã được hấp chín rồi, tuy khô nhưng ngon ngọt lạ lùng. Có lẽ nhờ sự bồi dưỡng ấy, bệnh ghẻ ở người tôi cũng cầm chừng, không thấy phát triển nữa.

Trước kỳ thăm nuôi kế tiếp vài ngày, một đêm, trong khi ông Đ. đang nói chuyện xuyên tường, bỗng nghe tiếng gõ cửa. Ông hoảng hồn vội bước xuống giường. Ai ngờ lần này cũng chính là hung thần Sơn viếng đêm. Gã nói:

“Kêu anh kia dậy tôi hỏi cái này, còn anh đi ngủ đi!”

Thế là ông Đ. qua cơn hú vía. Ông lay tôi dậy bảo đến gặp cán bộ Sơn. Tôi vừa mở miệng chào thì Sơn nói ngay:

“Anh còn lạp xưởng không? Còn thì cho tôi mượn vài con!”

Tôi lại lúng túng hết sức, làm sao tôi biết được còn hay hết, tôi có giữ nó đâu? Từ khi thăm nuôi tới giờ, ông chủ hờ này thật tình chưa được đụng đến một miếng lạp xưởng nào.

“Dạ, cán bộ cho tôi coi lại đã!”

Tôi quay lại hỏi nhỏ ông Đ. Ông cũng nói nhỏ: Hết rồi! Tôi trở lại nói:

“Thưa cán bộ, hết cả rồi!”

Sơn giận dỗi nạt:

“Thế mà cũng lâu lắc! Đồ ăn trong túi mà cũng không biết hết hay không à? Trong tù ăn uống phải dè xẻn để dành chứ, cứ có bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu, khi bị cúp thăm lúc đó mới biết!”

Rồi anh ta hậm hực bỏ đi. Tôi quay sang nói với ông Đ.:

“Chắc nó giận lắm đấy!”

Ông Đ. nói:

“Kệ nó! Đồ cái thứ vong ơn bội nghĩa! Thật sự tôi còn một cây chứ đâu phải hết. Nhưng nếu mình cho thì nó lại bắt quen. Đêm hôm, chẳng lẽ nó lại dám soát phòng sao mà sợ?”

Tôi chỉ sợ nó nghĩ tôi ích kỷ, nó thù thôi. Nó đâu có biết được tôi chỉ là chủ hờ! Vì thế tôi đề nghị:

“Hay lần thăm sắp đến, ông để tôi giữ cho mấy cái, phòng khi nó đến xin nhé!”

Ông Đ. cười:

“Cứ tới đó rồi hay!”

Tôi thật sự thấy bất mãn với ông Đ. khi ông ấy trả lời như vậy. Cứ làm chủ hờ kiểu này dễ bị chết oan quá!

Bữa ăn trưa hôm sau, khi ông Đ. gắp một miếng thịt heo kho đưa vào miệng thì cắn nhằm một vật lạ. Ông liền nhả ra xem vật gì. Đó là một bọc nylon xếp nhỏ được ràng rịt kỹ bằng mấy sợi cao- su. Ông mở xem thì thấy bên trong gói một tờ giấy bạc hai mươi đồng và một mảnh giấy ghi hàng chữ: “Tình hình bên ngoài không được yên, cầu ơn trên cho cha được sức khoẻ”. Ông Đ. đưa cho tôi xem và cười khoái trá:

“Làm thế này thì bọn vong ân bội nghĩa làm sao biết được? Cũng may mình tò mò, cứ tưởng vật gì lộn vào mà vứt đi thì hoài của.”

Kỳ thăm nuôi lại đến. Lần này tôi ngồi sát cửa dán mắt vào một lỗ hổng quan sát đám tù nhà bếp đưa quà đến các phòng. Lòng tôi vui vui mỗi lần nghe tên một người quen được thăm. Khi tù nhà bếp phát phần ăn trưa, chúng tôi vẫn chưa được thăm nên cùng nhau ăn liền cho rồi việc. Đến khoảng hai giờ chiều thì tôi được gọi tên. Thấy trên tay anh tù nhà bếp chỉ có vỏn vẹn một xách đệm nhỏ, tôi hơi ngạc nhiên. Hay cái giỏ ấy là của người nào khác? Nhưng quả thật viên cán bộ đến mở cửa phòng tôi.

“Ai thăm nuôi biết không?”

“Mai Hoàng Bích!”

“Không phải!”

Tôi nói đến tên người chị của tôi thì đúng ngay chóc. Xách quà thăm chỉ có bốn ổ bánh mì, một gói cá khô, năm hột vịt lộn, một gói xôi đậu và một nải chuối. Quà tuy ít nhưng tôi mừng lắm, như vậy là người thân của tôi đã biết tôi bị giam ở đây rồi. Cửa vừa đóng thì tôi đem bánh mì và hột vịt lộn ra mời ông Đ. cùng ăn. Nhưng chúng tôi mới ăn nửa chừng thì lại nghe bên ngoài có tiếng gọi tên tôi. Chúng tôi vội dẹp bữa ăn dở dang vừa kịp lúc cửa mở. Đồ thăm gồm hai xách bự sư. Chắc đúng là của Mai Hoàng Bích rồi! Tôi cực kỳ hồi hộp lo lắng. Tôi cứ sợ viên cán bộ nhớ ra được tôi mới nhận quà cách đây chưa tới một tiếng thì thật phiền. Mãi tới khi quà trao cửa đóng xong xuôi, tôi mới thật sự an lòng. Cán bộ vừa đi khỏi, ông Đ. liền hớn hở khui quà. Lần này quà có phần nhiều hơn lần trước.

Trong lúc mọi chuyện tưởng đang tốt đẹp thì chúng tôi bỗng nhận được một cái tin đáng sợ. Đó là vụ anh Kha được thăm nuôi hai lần trong một ngày bị phát giác. Số là anh Kha được người nhà của linh mục Hương đến thăm vào buổi sáng. Vì quà thăm khá lớn nên cán bộ khám đường lưu ý nhớ kỹ. Bất ngờ buổi chiều thì vợ anh Kha lại xin vào thăm nữa. Cán bộ Năm Bình, phó giám thị khám đường nghi ngờ hỏi lý do. Anh Kha bất đắc dĩ phải nói đại là vợ anh đã đến thăm buổi sáng nhưng vì thấy anh còn thiếu vài thứ cần thiết nên lại ra chợ mua thăm thêm một lần. Năm Bình không tin, giao việc này cho cán bộ Sơn tra hỏi.

Lâu nay trong khám đường này, bất cứ người tù nào bị Sơn chiếu cố thì không chết cũng bị thương. Linh mục Hương lẫn anh Kha đều khiếp hãi chờ đại hoạ giáng xuống. Thế nhưng có lẽ nhờ ơn trên che chở, gã hung thần đã cho thông qua việc đó. Thật hú vía!

Sau này tôi mới biết nguyên nhân giúp hai ông thoát nạn. Ông Hương thường ngày ăn uống rất dè xẻn. Vào đêm Sơn đến xin tôi lạp xưởng, Sơn cũng đến hỏi xin anh Kha luôn. Gã nói cần để nhậu với mấy người bạn ở xa mới đến thăm. Rất may ông Hương còn hai con để biếu. Chính những con lạp xưởng béo ngầy ngậy ấy đã cứu hai ông.

Sau khi kiểm quà xong, ông Đ. vét đồ cũ của lần thăm trước ra một chén đầy, gồm đủ thịt heo, cá bống và một ít thịt chà bông. Ông nói với tôi:

“Ông coi có dùng được thì cứ dùng!”

Sao lại không dùng được chứ? Tất cả đồ ăn cứ hai ngày ông Đ. lại gởi đám tù nhà bếp hâm một lần nên tôi yên chí lắm. Cơ thể mình đang cần thịt cá quá, đâu dám phụ bạc chúng. Ở trong tù, phí bỏ bất cứ cái gì, tôi đều cảm thấy như mắc phải tội lỗi. Nhân ngày thăm nuôi tù, nhà bếp thường phát phần ăn chiều sớm hơn thường lệ. Tôi liền nhận cả hai phần rồi đem ăn với chén đồ ông Đ. vừa cho ấy. Dù thấy nó hơi thiu, nhưng tôi vẫn hăng hái làm hết.

Chuyện ông Đ. gắp thức ăn cho tôi hằng bữa đã thành lệ rồi. Hôm nay dù mới thăm, ông cũng áp dụng như thế. Sau bữa trưa một lát, tôi đã ăn ba hột vịt lộn với hai ổ bánh mì, tiếp đó tôi lại thộn luôn phần ăn của nhà bếp cộng một chén đồ ăn cũ của ông Đ., nên trong bụng hơi khó chịu. Thành thử, phần cơm cùng thịt cá ông Đ. Đãi, tôi đem về cất lại.

Tối đó, tôi ngồi suy nghĩ mà rùng mình. May bà chị tôi đến thăm sớm và quà không có gì đáng kể nên cán bộ khám đường không để ý. Nếu không, tôi chẳng biết kết quả ra thế nào. Tôi thấy rõ việc thăm nuôi như thế này, nếu kéo dài thì không thể nào ổn được. Chơi dao hoài tất phải có ngày đứt tay. Thế là tôi có ý định bảo ông Đ. chấm dứt vụ mượn tên tôi để thăm nuôi. Nghĩ như vậy, nhưng tôi thấy khó mở miệng nói ra quá. Thế rồi, tôi bắt đầu loanh quanh:

“Ông Đ. này, có thể tối nay thằng Sơn nó đến xin đồ đó. Ông thấy thứ gì nó có thể xin, đưa tôi cất giùm cho một ít. Lỡ khi nó hỏi, tôi phải đưa cho nó chứ, nếu không, tôi ngại lắm.”

Ông Đ. nói:

“Thì khi nó đòi, ông bảo tôi đưa cho cũng được vậy. Mình ở cùng phòng mà, lo gì!”

“Tôi sợ khi một trong hai người mình bị chuyển phòng bất ngờ thì làm sao?”

Có lẽ ông Đ. nghĩ là tôi muốn làm khó ông để đòi chia của. Ông nói:

“Tôi chỉ ngại phiền cho ông phải gói ghém cất giữ lôi thôi, chứ nếu chuyển phòng thì tôi chia cho ông một ít đồ để ông dùng chứ! Ông yên chí, hễ có vụ chuyển phòng là tôi chia cho ông liền.”

Khi đó, tôi thấy trong người mình khó chịu nên cũng không muốn nói gì nữa.

Cái bụng anh ách bắt đầu hành hạ tôi. Tôi lo sợ lắm vì trong phòng không có cầu tiêu. Tôi nghĩ có lẽ tại mình tiếc cái mớ thịt thiu mới nên chuyện. Tại sao cái ngày cả hai người đều có thăm nuôi, mình lại tiếc chi cái của ấy nhỉ? Bụng tôi bắt đầu quặn lên dữ dội nhưng tôi vẫn cố nghiến răng mà nín. Rồi tôi biết không thể nào nín được nữa, tôi năn nỉ ông Đ.:

“Ông làm ơn cho tôi mượn cái hộp bánh của ông một chút đi! Tôi đau bụng quá chịu không nổi rồi!”

Ông Đ. giọng hơi cười:

“Tôi cũng từng bị đau như thế rồi, tôi biết lắm. Nhưng chuyện này, xin lỗi ông Trọng, tôi vẫn quen của ai dùng của nấy thôi.”

Tôi phải cố vừa năn nỉ vừa doạ:

“Ông cho tôi mượn rồi ngày mai tôi xin cán bộ bưng đi đổ và sẽ rửa sạch sẽ đàng hoàng cho ông! Nếu ông không cho mượn, lỡ tôi bung ra đây thì ông cũng khổ đó!”

Nhưng ông Đ. cương quyết:

“Tôi đã nói tôi không quen dùng chung cái gì với ai cả! Bây giờ cho ông mượn, lỡ tôi cũng bị đau rồi tôi đi vào đâu?”

Tôi giận điên lên nhưng cố ghìm để khỏi phát ra những ngôn ngữ không đẹp.

Đồ cá nhân của tôi chỉ có cái chén nhôm, cái tô và cái lon gô chứ còn gì nữa đâu? Không lẽ đem cái lon gô mà dùng vào việc ấy thì lấy gì đựng nước uống? Trong lúc tôi toan làm bậy ra tới đâu hay đó thì bất ngờ cán bộ Sơn đến “gõ cửa”. Ông Đ. vội bước tới trình bày sự việc với Sơn. Thật là ông trời đi khỏi, dù đang đêm, Sơn vẫn sốt sắng mở cửa cho tôi đi cầu. Nhưng phải nói là quá khổ, tôi vất vả từng bước, vừa đi vừa kẹp vừa nghiến răng mà nín. May sao, thuyền cũng vượt được bão táp để ghé bến bình an. Sau khi trút được gánh nặng ngàn cân ấy, tôi thoải mái ra về. Ông Đ. đã lấy sẵn quà đưa tôi trao cho Sơn: hai con lạp xưởng, một dúm kẹo sô-cô-la, một trái cam và hai trái quít.

Sau đó, tôi còn phải chịu đựng vài cơn đau nữa nhưng nhẹ hơn. Nhờ có mấy tờ báo gói và mấy cái bao nylon nên mọi chuyện được thu xếp gọn ghẽ.

Gần sáng, tôi mới ngủ được một giấc thoải mái. Sau ngày thăm nuôi, cán bộ khám đường vẫn đi điểm danh trễ hơn thường lệ. Mãi tới khi tù nhà bếp đi phát nước, tôi mới thức dậy. Bỗng một tiếng nói rổn rảng oai vệ lạ hoắc phát ra ngay bên cạnh làm tôi giật nảy mình:

“Ông Trọng đã hết đau bụng chưa?”

Ai ngờ đâu, đó lại là tiếng nói của ông Đ.! Từ khi tôi vào ở chung với ông trong ngôi cổ miếu này, tôi chỉ nghe ông nói với giọng khào khào như nói thầm, tới giờ mới nghe được cái giọng cứng cáp oai vệ ấy. Nhờ được bồi dưỡng đầy đủ, thanh quản của ông nay đã phục hồi. Có lẽ sung sướng vì sự thay đổi ấy, ông cười nói liên miên. Nhưng tôi chỉ gật gật ậm ợ cho qua chuyện. Tôi không sao quên được cách cư xử thiếu độ lượng của ông khi tôi đang lâm cơn đau bụng ngặt nghèo.

Tới khi ăn trưa, ông lại nồng nàn mời tôi nhưng vì phần cơm chiều hôm qua của tôi vẫn còn nên tôi từ chối. Tôi thấy ông có vẻ bồn chồn lo lắng vì chuyện gì đó.

Khi cơm nước xong, tôi nói với ông Đ.:

“Từ nay ông đừng lấy tên tôi để thăm nuôi nữa nghe! Vụ ông Kha vừa qua làm tôi sợ lắm. Phát giác được chuyện gian dối, tụi nó đập chết mình như chơi, xin ông thông cảm cho!”

Lời tôi nói hoàn toàn đúng. Ông Đ. dĩ nhiên cũng biết rõ như thế. Chẳng qua là sự đói khát đã hành hạ thân xác ông quá nên ông phải tạm thời làm liều. Nghe tôi nói xong, ông Đ. lộ vẻ bối rối:

“Ông sợ à? Vậy tôi đề nghị thế này: Ông bảo người chị ông đừng thăm nữa, cứ để người nhà tôi thăm tên ông. Quà thăm anh em mình sẽ chia đôi, được không?”

Bây giờ ông mới nghĩ đến việc chia đôi quà thăm nuôi? Thật sự tôi không hề muốn đòi hỏi như thế. Tôi không phải là kẻ ham ăn uống, tôi chỉ cần một phần nhỏ để giữ thân thể khỏi bệ rạc là đủ. Việc gian dối vừa qua, tôi là người đồng tội với ông. Thế sao ông vẫn tự coi như kẻ ban ơn và tôi là kẻ chịu ơn? Trong hoàn cảnh khốn cùng, tôi đã gắng không nghĩ đến điều đó. Nhưng qua trận đau bụng của tôi vừa rồi, tôi thấy rõ ông chẳng thương tôi chút nào. Vậy tại sao tôi phải lăn mình vào chia hoạn nạn với ông?

“Xin ông thông cảm cho. Trước đây hoàn cảnh còn thuận lợi, người nhà tôi chưa biết tôi ở đây, tôi mới để ông mượn tên. Bây giờ tôi không có cách nào liên lạc để bảo chị tôi ngừng thăm được. Nếu lỡ hai bên thăm trùng nhau bị bắt gặp là chúng ta có thể bị toi mạng cả. Tôi không muốn chết vì miếng ăn.”

Ông Đ. càng xuống nước:

“Thôi thì đành vậy. Nhưng xin ông cho tôi thăm một kỳ chót nữa nhé!”

Phải nói là tôi càng nghĩ tới chuyện thăm nuôi trùng nhau càng sợ. Tôi đâu có tài ứng biến tranh cãi như người ta được! Dính vào là chết! Tôi cố gắng tìm một câu hài nói với ông Đ.:

“Xin ông tha cho. Bây giờ người nhà tôi đã biết tôi ở đây, không chừng bà xã tôi lại lặn lội tới thăm tôi nữa. Nếu rủi bà xã tôi lại gặp một bà Mai Hoàng Bích trẻ đẹp cũng vào thăm nuôi chồng mình, làm sao giải thích với nhau? Rồi mai kia kẻ nam người bắc, có lẽ suốt đời tôi giải oan cũng không được nữa!”

Tới lúc đó ông Đ. mới chịu thôi.

Thế là ông Đ. lại bị cúp thăm nuôi. Tôi biết ông lo buồn lắm. Bây giờ giọng nói ông đã bình thường, bệnh ho cũng giảm, nên tôi nói chuyện với ông nhiều hơn.

Kỳ thăm nuôi kế tiếp, chỉ có chị tôi vào thăm. Tôi cũng nhắn xin chị tôi một cái bô để dùng. Chị tôi thăm đồ ít nhưng đều, không vắng kỳ thăm nào cả. Ông Đ. đã trở thành mồ côi nên tôi luôn vui vẻ san sẻ đồ thăm cho ông.

Thấm thoát, tôi ở trong ngôi cổ miếu này đã được tám tháng. Suốt thời gian ấy tôi không hề được tắm rửa nên toàn thân mốc meo sủi vảy lên cả, trông rất dị hợm. Ngồi trong nhà thì không sao, nhưng bước ra ngoài thì ai cũng nhìn tôi bằng đôi mắt khác lạ. Cũng may là tôi được thăm nuôi đều nên bệnh ghẻ không phát nổi. Ông Đ. càng thâm niên không tắm rửa hơn tôi, mười một tháng. Ông cũng thành một con người mốc meo. Ngôi cổ miếu mốc meo đã che chở hai con người cũng mốc meo như nó!

Thế rồi, một hôm có một đoàn thanh tra trại giam đến khám đường Bà Rịa. Họ đến từng phòng, cho tù ra sân xếp hàng để họ hỏi chuyện, đồng thời họ cũng vào bên trong xem xét.

Khi đến ngôi cổ miếu của chúng tôi, họ chưng hửng nhìn thấy hai nhân vật cổ quái trước mắt. Người trưởng đoàn hỏi:

“Sao các anh lười tắm vậy? Để người nhớp nhúa mốc meo thế mà chịu được à? Tóc tai bù xù dơ dáy không biết ngứa à?”

Ông ta hỏi tôi như thế. Ngặt một điều, lúc ấy mấy gã cán bộ của khám đường đều có mặt cả nên tôi ngập ngừng không dám nói. Ông trưởng đoàn hỏi tiếp:

“Anh bị bệnh gì mà lười tắm rửa như vậy? Nghiện hút hả?”

Tôi thấy cán bộ Sơn nhìn tôi, tôi ngán lắm, nhưng tôi vẫn phải trả lời:

“Dạ cán bộ đâu có cho tắm!”

“Không cho tắm à? Bao lâu rồi?”

“Tám tháng!”

Tôi liếc thấy mấy gương mặt những người trong đoàn thanh tra đều có vẻ ngạc nhiên. Ông trưởng đoàn lại quay sang ông Đ. hỏi:

“Còn anh này không được tắm bao lâu rồi?”

Ông Đ. chậm rãi nói:

“Dạ, tôi mới mười một tháng không được tắm!”

Câu nói của ông Đ. làm nhiều người không giữ vẻ nghiêm nghị được nữa. Ông trưởng đoàn nói với đám cán bộ khám đường:

“Cho hai người này đi tắm ngay!”

Cán bộ Sơn ra lệnh lại cho chúng tôi. Thế là chúng tôi đem đồ ra vừa tắm giặt vừa hỉ hả nói chuyện với nhau. Tắm giặt xong, chúng tôi phơi nắng thoải mái cả buổi. Sau đó, anh tù hớt tóc tay xách cái ghế đến bảo chúng tôi:

“Lệnh cán bộ, anh nào tắm giặt xong, ngồi lại hớt tóc!”

Anh ta hớt chớp nhoáng, có lẽ chỉ mười phút, anh đã làm xong cả hai cái đầu. Xong xuôi, anh bảo chúng tôi đem đồ vào phòng và chính anh khoá cửa lại.

Hôm sau, chúng tôi lại được cho ra tắm và đi cầu. Đặc biệt lần này, cả phòng anh Kha lẫn phòng anh Khôi cũng được cho ra tắm luôn một lượt. Cán bộ lại bỏ đi mất nên chúng tôi có cơ hội giới thiệu nhau và nói chuyện với nhau vui vẻ. Lúc này tôi mới thấy rõ linh mục Hương, ông già hơn ông Đ. chừng bốn năm tuổi. Linh mục Nguyễn Minh thì còn quá trẻ, chỉ xấp xỉ với tôi.

Đó là lần chúng tôi được tắm chung duy nhất. Những ngày kế tiếp, chúng tôi vẫn được ra tắm và đi cầu thành lệ. Nhưng cán bộ chia cách thời gian tắm cho từng phòng nên tôi không được gặp những người bạn tù này nữa.

Cũng thời gian này, anh Kha, anh Khôi và tôi đều lần lượt được kêu làm việc bổ túc hồ sơ nhiều lần. Chúng tôi cứ nghĩ là mình sắp được thả về.

Rồi ngày thăm nuôi lại đến. Lần này chị tôi bới đồ khá nhiều, trong đó có một gói thịt lạ lạ cỡ hai ký. Tôi vừa mở ra xem thì ông Đ. nói:

“Ồ, thịt chó!”

Suốt cả đời, tôi không ngó đến thịt chó, không hiểu sao chị tôi lại bới cho tôi? Thế là tôi đưa cả cho ông Đ. Sau này khi về, tôi kể lại chuyện đó với chị tôi thì chị tôi nói:

“Chó đâu mà chó! Tụi nó đánh bẫy bắt được hai con cheo, không dám cho đứa nào ăn một miếng, bới hết cho cậu ăn một bữa cho đã thèm đó chứ!”

Một điều không ngờ là ngay sau ngày thăm nuôi ấy, tôi được lệnh chuyển trại. Ông Đ. thì vẫn ở lại chỗ cũ. Thế là tôi chia cho ông Đ. một ít đồ mới thăm và giã từ ông, giã từ ngôi cổ miếu. Trong giây phút chia tay đó, ông Đ. buồn bã nhưng vẫn cố cất giọng hài:

“Thôi rồi, ngôi cổ miếu này từ nay chỉ còn một mình tôi tu luyện! Sau này, nếu chúng ta đều đã được xuống núi, khi cần, ông cứ đến xã Phước Tỉnh tìm tôi. Chúc ông lên đường may mắn!”
Nguồn: Báo Phụng hoàng cảnh sát quốc gia (Hoa Kỳ)