trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
21.5.2007
Hồng Vân
Lê-nin-nít hay Tơ-rốt-skít?
 
Năm 1956, lợi dụng lúc Đảng ta phát hiện một số sai lầm trong công tác, một số phần tử cơ hội chủ nghĩa vội vàng níu lấy “dịp may hiếm có” ấy để tung ra đủ thứ luận điệu, tấn công điên cuồng vào sự lãnh đạo của Đảng ta trên nhiều mặt đặc biệt là trên mặt văn nghệ. Bọn họ tưởng có thể há mồm thổi ra những luồng gió độc đủ làm khô héo hết cả vườn cây văn nghệ trẻ tuổi mà Đảng và nhân dân ta đã cố công vun trồng. Họ tưởng tung ra cái gậy tà thuật “tự do vô chính phủ” thì có thể đẩy giới văn nghệ ít nhiều được cách mạng rèn luyện sẵn sàng đi vào con đường đối lập với Đảng và nhà nước xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Và nhất là họ tưởng với áp lực của những luận điệu cơ hội Tơ-rốt-skít và cái công ty lừa bịp “ai viết nấy chịu trách nhiệm” là Đảng ta sẽ phải thay đổi đường lối văn nghệ, xa rời những nguyên tắc văn nghệ của Lê-nin, tự rút lui cương vị lãnh đạo của mình trên mặt trận văn nghệ nhường chỗ cho giai cấp tư sản và những đầy tớ tinh thần của chúng tha hồ hoành hoành phá phách. Nhưng bọn họ đã thất bại một cách nhục nhã.

Như uống phải thuốc hùng hoàng, những tư tưởng “mác xít” giả hiệu của họ đã hiện nguyên hình là những tư tưởng chống Đảng chống chế độ, những tư tưởng rắn độc nguy hiểm. Có điều đáng lẽ phải từ bỏ những tư tưởng phản động nói trên, công khai thừa nhận sai lầm của mình, thì những phần tử đó trước sau vẫn kiên trì những tư tưởng và hoạt động của họ được Mỹ - Diệm ở miền Nam hết lời khen ngợi và khuyến khích.

Còn một ngày nào, những tư tưởng phản động chưa chịu hạ khí giới đầu hàng, chúng ta còn phải tiếp tục đấu tranh vạch trần những tư tưởng phản động đó, nâng cao cảnh giác cách mạng và ý chí phấn đấu cho đường lối văn nghệ của Đảng và của giai cấp công nhân hoàn toàn thắng lợi.

Trong số những người khoác áo Lê-nin-nít để xuyên tạc Lê-nin, phản lại Lê-nin, tuyên bố chịu sự lãnh đạo của Đảng để chống Đảng này, tôi muốn nói đến Trương Tửu. (Cố nhiên trong khi viết tôi sẽ vạch luôn chân tướng tư tưởng nhiều phần tử khác nữa chẳng hạn Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang v.v… cũng ở cái trong cái công ty “mác xít” giả hiệu kẻ hô người ứng, kẻ hát người vỗ tay này).

Trương Tửu từ trước đến nay vẫn vỗ ngực tự nhận là một nhà “lý luận văn học mác xít”, (và sau này khi Cách mạng thành công thì nhận thêm là nhà “mác xít lê-nin-nít”). Không kể những bài, những sách viết trước cách mạng sặc sụa những lý luận phản mác xít những lý luận kiểu Tơ-rốt-skít, sau Cách mạng tháng Tám Trương Tửu có viết một quyển Tương lai văn Nghệ Việt Nam (Hàn Thuyên xuất bản) và gần đây một số bài viết trong “Giai phẩm” mùa thu mùa đông (Minh Đức xuất bản) đề cập đến những vấn đề về đường lối văn nghệ, quan hệ giữa văn nghệ và chính trị.

Cả hai bài này tuy thời gian viết cách nhau hàng mười mấy năm, và cố nhiên có những chỗ khác nhau về chi tiết, căn bản là với dụng ý thần thánh hóa văn nghệ, đem văn nghệ đối lập với chính trị với sự lãnh đạo của Đảng đòi trả chuyên môn về cho chuyên môn đòi cho văn nghệ có quyền phát hiện những “sự thực toàn diện” (!) giúp cho giai cấp tư sản tấn công vào Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Bộc lộ trắng trợn nhất là trong những bài báo gần đây, Trương Tửu lại nấp sau nhiều câu trích dẫn của Lê-nin và tự chứng minh đường lối của Trương Tửu là đường lối lê-nin-nít còn Đảng ta, Đảng lãnh đạo văn nghệ trong bao nhiêu năm nay là “đã không thực hiện đúng tinh thần của lý thuyết Lê-nin về quan hệ giữa văn nghệ và chính trị”.

Vậy Trương Tửu là gì? Lê-nin hay phản Lê-nin? Lê-nin-nít hay thực chất là Tơ-rốt-skít?

Bài viết này của tôi chỉ nhằm giải quyết vấn đề đó. Cũng chỉ vì nhằm giải quyết vấn đề này, cố nhiên tôi chưa phê phán hết mọi quan điểm lớn nhỏ của Trương Tửu, chỉ tập trung vào những điểm mà Trương Tửu cố tình xuyên tạc Lê-nin và nhai lại hoặc chế biến những luận điệu của bè lũ Tơ-rốt-skít trong hoàn cảnh mới mà thôi.


I. Hoàn cảnh Liên Xô trong những năm khôi phục kinh tế và tiến lên xã hội chủ nghĩa

Tại sao tôi chưa đi thẳng ngay vào những “luận điểm” của Trương Tửu mà còn dài dòng nói đến những hoàn cảnh chính trị và đấu tranh tư tưởng trong văn học Liên Xô?

Chính là vì, trong bài viết của mình, dưới đề mục “Tự do tư tưởng của người văn nghệ và sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Bôn-sê-vích” Trương Tửu cố chứng minh rằng chỉ dưới sự lãnh đạo của Đảng Bôn-sê-vích trong thời kỳ Lê-nin mới xác lập được quan hệ đúng đắn giữa văn nghệ và chính trị. Còn những Đảng khác cụ thể là Đảng lao động Việt Nam thì tinh thần lý thuyết của Lê-nin không được thực hiện đúng đắn. Dụng ý thật là thâm độc! Nhưng thâm độc hơn, Trương Tửu ngay khi đưa ra một cái mẫu về “quan hệ giữa chính trị và văn nghệ” kiểu Lê-nin (!) đã cố trình bày một cách xuyên tạc những ý kiến của Lê-nin và những quyết nghị của Đảng Bôn-sê-vích thành ra một thứ lý thuyết cơ hội chủ nghĩa, đồng lõa với luận điệu của bè lũ Tơ-rốt-skít. Vạch toang cái màn dụng tâm đen tối đó ra, sẽ thấy rõ Trương Tửu là ai? Lê-nin-nít hay Tơ-rốt-skít?

Tôi muốn đi ngay vào hoàn cảnh Liên Xô trong những năm khôi phục kinh tế, thực hiện chính sách kinh tế mới. Cố nhiên vào khoảng trước Cách mạng tháng Mười, trong những năm 1905-1907 Lê-nin đã phải đấu tranh chống những khuynh hướng tự do vô chính phủ, những khuynh hướng tự do tư sản, vạch mặt những nhà “mác xít hợp pháp” kiểu Strouvé, những nhà "mác xít" nói thay cho giai cấp tư sản, nói những điều mà giai cấp thống trị muốn nói. Giới thiệu được thời kỳ này cũng rất hay vì nó sẽ giúp cho các bạn đọc liên hệ được với các nhà "mác xít hợp pháp" ở nước ta kiểu nhóm Hàn Thuyên trong thời kỳ Pháp Nhật. Nhưng phạm vi bài này không cho phép. Tôi cũng không nói đến hoàn cảnh thời kỳ Nội chiến ở Liên Xô mà một số nhà văn “có tự do nội tâm” “có lương tâm nghệ thuật” đã khom lưng cúi cổ làm tay sai cho bọn Bạch vệ và bọn đế quốc bên ngoài. Giới thiệu thời kỳ này không phải không giúp cho bạn đọc thấy rõ chân tướng của bọn “làm văn” thực chất là những tên “mật thám cầm bút” chuyên nghề tác động tinh thần nhưng lại luôn mồm nói đến “nhân phẩm” và ngang nhiên chửi các nhà văn kháng chiến là “hèn” là “nô lệ cho chính trị.”…

Và thường là bọn dưới bọn trên và những thứ “lương tâm nghệ thuật” cặn bã, những “điệu tâm hồn” phản phúc lại tìm gặp đến nhau: ngưu tầm ngưu, mã tầm mã.

Nhưng tôi muốn phân tích hoàn cảnh Liên Xô trong những năm trước sau thời kỳ khôi phục kinh tế và cuộc đấu tranh văn nghệ phức tạp gay go trong thời kỳ này, vì trong những bài viết của họ, Trương Tửu và Nguyễn Hữu Đang khi nói đến những ý kiến của Lê-nin khi nhắc đến nghị quyết của Đảng về thời kỳ đó thường cố giải thích như Lê-nin và Đảng chỉ chống giáo điều máy móc và để cho văn nghệ “tự do không giới hạn” [1] , tha hồ tự phát theo con đường nào thì theo. Họ không hề nhắc đến một chữ cuộc đấu tranh gay go chống những khuynh hướng đối lập với Đảng và Chính quyền Xô-viết của những phần tử văn nghệ sĩ tư sản và nhất là của bè lũ Tơ-rốt-skít.

Vậy hoàn cảnh Liên Xô trong những năm sau Cách mạng tháng Mười qua thời kỳ “chính sách cộng sản thời chiến” Lê-nin và Đảng Cộng sản (b) đề ra chính sách kinh tế mới (NEP) một chính sách nhằm xây dựng nền kinh tế mới của đất nước Xô-viết nhằm củng cố khối liên minh kinh tế giữa công nhân và nông dân, nhưng đồng thời có buông lỏng một phần cho sự kinh doanh tư bản chủ nghĩa. Một “giai cấp tư bản mới” phát sinh. Lê-nin chỉ ra rằng lúc đầu sự tự do thương mại sẽ làm cho chủ nghĩa tư bản phục hồi một phần nào ở trong nước. Nhưng sự phục hồi nhanh chóng của công nghiệp nhà nước sẽ đấu tranh loại trừ dần những vết tích của chủ nghĩa tư bản trong nước. Vì thế xây dựng “Tân kinh tế” là một cuộc đấu tranh giai cấp sống còn giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. “Ai sẽ thắng ai?” Đó là câu hỏi đặt ra.

Bọn tả khuynh cho rằng thực hiện chính sách Tân kinh tế là bỏ rơi những thắng lợi của Cách mạng tháng Mười, trở lại chủ nghĩa tư bản, làm cho chính quyền Xô-viết chết. Bọn hoàn toàn đầu hàng như Tơ-rốt-sky, Di-nô-vi-ép thì không tin ở khả năng phát triển xã hội chủ nghĩa trong một nước, họ “quỳ gối” trước uy lực của chủ nghĩa tư bản và vì muốn làm vững vị trí của chủ nghĩa tư bản trong nước Xô-viết, họ đòi phải có những nhượng bộ quan trọng đối với tư bản tư nhân trong nước cũng như ở ngoài nước. Cả hai bọn cũng đều đi ngược với chủ nghĩa Lê-nin. Đó là về mặt kinh tế.

Về chính trị, mặc dầu bọn Men-sê-vích và bè lũ Tơ-rốt-sky, đã thất thế, Đảng cộng sản (b) Liên Xô đã nắm vững quyền lãnh đạo cách mạng, nhưng những hoạt động đối lập với chính quyền Xô-viết với Lê-nin và Đảng vẫn còn tồn tại. Các nhóm đối lập vẫn còn nằm trong Đảng, chia rẽ phá hoại Đảng. Trong những ngày Lê-nin lâm bệnh nhất là sau khi Lê-nin mất, bọn Tơ-rốt-sky càng hoạt động già. “Trước nhất bọn Tơ-rốt-sky công kích bộ máy của Đảng. Chúng hiểu rằng thiếu một bộ máy rường cột vững vàng thì Đảng không thể tồn tại, không thể làm việc được. Phái đối lập tìm cách lay chuyển phá hoại bộ máy ấy làm cho đảng viên chống lại bộ máy của Đảng, khích cán bộ mới chống cán bộ cũ của Đảng. Trong thư, Tơ-rốt-sky nhằm vào thanh niên học sinh, nhằm vào các Đảng viên trẻ tuổi trong Đảng, vì hai hạng này không biết lịch sử đấu tranh chống chủ nghĩa Tơ-rốt-sky như thế nào. Muốn thu phục thanh niên học sinh, Tơ-rốt-sky phỉnh nịnh họ, gọi họ là cái “phong vũ biểu chắc chắn nhất của Đảng” đồng thời Tơ-rốt-sky tuyên bố rằng đội tiên phong cũ của chủ nghĩa Lê nin đã thoái hóa rồi” [2] .

Ta có thể chia ra mấy luồng chính [3] :

1. Lý luận của Pơ-rô-lê-kun. Pơ-rơ-lê-kun là Hội văn hóa vô sản thành lập từ trước Cách mạng tháng Mười. Họ gồm nhiều nhóm khác nhau và ý kiến cũng có những điểm khác nhau. Họ ít nhiều có công trong việc đấu tranh cho nền văn hóa vô sản. Nhưng vì máy móc hẹp hòi họ rơi vào những lý luận sai lầm, thí dụ: họ cho rằng nền văn hóa tư bản là thối nát cực độ không có giá trị gì, và xây dựng văn hóa vô sản là phải cắt đứt với văn hóa cũ. Họ lẫn lộn văn nghệ và chính trị coi chủ nghĩa duy vật biện chứng với phương pháp sáng tác là một, họ đả kích kịch liệt nhóm “bạn đường” là nhóm mang nặng tư tưởng nghệ thuật tư sản nhưng một bộ phận lớn có khả năng đi với vô sản. Cuối cùng vì một bộ phận trong họ như Bogdanov v.v… là những phần tử trí thức tư sản cho nên họ cũng rơi dần vào lý luận nghệ thuật tư sản, thậm chí họ chủ trương tổ chức văn hóa vô sản độc lập với Đảng và chính quyền Xô-viết. Họ quan niệm rằng: “Hội văn hóa vô sản là tổ chức cao nhất của giai cấp vô sản về văn hóa cũng như Đảng là tổ chức cao nhất của giai cấp về chính trị”. Một số trong bọn họ trở thành những phần tử Tơ-rốt-skít. Tên tơ-rốt-skít A-véc-bát và công ty sau này lại lũng loạn Hội R A P P (Hội nhà văn vô sản Liên Xô) đẩy Hội này đi vào con đường “tả” khuynh trở lại con đường của Pơ-rô-lê-kun thủa trước khiến Đảng phải ra nghị quyết cải tổ tổ chức của Hội đó [4] .

2. Lý luận của bè lũ Tơ-rốt-sky: Bị thất thế về chính trị, bọn Tơ-rốt-sky vội vàng tìm cách gây ảnh hưởng của chúng trước tiên trên lĩnh vực văn hóa. Chúng hoạt động rất mạnh. Tơ-rốt-sky viết khá nhiều về lý luận. Quyển Văn học và cách mạng của hắn có một ảnh hưởng nhất định trong đám văn nghệ sĩ tư sản. Hắn còn đọc nhiều diễn văn và “tham luận” trong các hội nghị văn nghệ. Ngoài lý luận ra, bọn Tơ-rốt-sky còn hoạt động bằng sáng tác, nhưng nguy hiểm nhất là chúng đã hoạt động chia rẽ, bè phái, đả kích vu khống các nhà văn xuất sắc của nền văn học vô sản.

Luận điểm chính của bọn này là phủ nhận việc xây dựng một nền văn hóa vô sản vì chúng quả quyết không thể xây dựng chủ nghĩa xã hội trong một nước được. Chúng chủ trương chỉ có việc “đồng hóa” với văn hóa tư sản. Chúng đối lập văn nghệ với sự lãnh đạo của Đảng, “đòi tự do tuyệt đối” cho văn nghệ. Chúng đả kích việc Đảng dựa vào những nhà văn trung thành với giai cấp vô sản và đòi hỏi phải đoàn kết không điều kiện với nhóm “bạn đường” coi nhóm này như “trung tâm của văn học”. Bọn chúng chẳng “sáng tạo” được tác phẩm gì ra trò ngoài sự vu khống và kêu rên giả tạo, và cuối cùng cái thuyết “cách mạng thường trực” của chúng chỉ còn để bênh vực cho những hành động “thường trực phản cách mạng” mà thôi.

3. Lý luận của Lê-nin và những nghị quyết của Đảng Lê-nin-nít. – Trước hết ta phải nói đến bài “Tổ chức Đảng và văn học Đảng” của Lê-nin viết năm 1905. Sau này những ý kiến của Lê-nin và các nghị quyết của Đảng Cộng sản Liên Xô đều dựa trên cơ sở của bài diễn văn này.

Nội dung của tất cả những văn kiện kể trên đều là đấu tranh bảo vệ những nguyên tắc văn nghệ của Đảng, giữ vững sự liên hệ giữa văn nghệ và chính trị, văn nghệ phải là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản do Đảng lãnh đạo, đặt vấn đề đảng tính của văn nghệ đồng thời cũng đề cập đến đặc điểm văn nghệ và phải dành phạm vi rộng rãi cho việc sáng tác văn nghệ, tính chủ động tích cực của người sáng tác văn nghệ.

Các văn kiện đó đều mang một tính chất chiến đấu rõ rệt. Nó đấu tranh trên hai mặt: chống giáo điều máy móc và chống chủ nghĩa hữu khuynh cơ hội, và những quan điểm nghệ thuật tư sản và chủ nghĩa tự do vô chính phủ.

Trong từng thời kỳ, vấn đề đặt ra có khác nhau, nhưng nội dung cơ bản đều nhất trí [5] .

Cả ba luồng lý luận đó đã đấu tranh nhau sôi nổi, gay gắn, đúng như điều thứ 4 trong nghị quyết 1-7-1925 của Trung ương Đảng Cộng sản Nga: Chính như cuộc đấu tranh giai cấp trong nước ta còn chưa chấm dứt, cuộc đấu tranh giai cấp trên mặt trận văn nghệ cũng còn chưa chấm dứt. Trong xã hội có giai cấp, không có mà cũng không thể có nghệ thuật trung lập tuy rằng giai cấp tính của nghệ thuật nói chung nhất là giai cấp tính của văn học, về hình thức biểu hiện so với chính trị càng nhiều màu nhiều vẻ hơn”.

Nguyễn Hữu Đang, Trương Tửu trong khi trích dẫn Nghị quyết này đều đã không dám nhìn nhận một sự thực hiển nhiên đó mà nghị quyết đã vạch.


II. Lý luận và hoạt động của bè lũ Tơ-rốt-sky về văn nghệ

Trong phạm vi bài này, tôi không trở về phân tích những khuynh hướng sai lầm của Proletkult mà nhiều người đã biết. Tôi sẽ nói nhiều đến lý luận và hoạt động của bè lũ Tơ-rốt-sky mà Trương Tửu và công ty đã chế biến, nhai lại và coi như một “bửu bối” để tấn công vào đường lối văn nghệ của ta, tấn công vào sự lãnh đạo của Đảng.

Tôi sẽ không trình bày ra đây toàn bộ lý luận của bè lũ Tơ-rốt-skít và chỉ tập trung vào những luận điểm chính. Trong các thứ “chủ nghĩa xét lại” về văn nghệ có thể nói những luận điểm của bè lũ Tơ-rốt-skít là trắng trợn nhất vì nó phủ nhận hoàn toàn việc xây dựng “một nền văn hóa vô sản”. Chúng lợi dụng lúc phê bình sự hẹp hòi máy móc của Pơ-rô-lê-kun và cắt đứt với di sản văn hóa cũ, “xây dựng một nền văn hóa vô sản mới tự trên giời rơi xuống” như Lê-nin đã nói để đưa ra cái lý luận cơ hội chủ nghĩa của chúng ra. Trong quyển Văn học và cách mạng (Trang 9) Tơ-rốt-sky đã viết:

“Chỗ khác nhau căn bản giữa giai cấp vô sản và chủ nô, quí tộc phong kiến cho đến giai cấp tư sản là ở một điểm: giai cấp vô sản coi thời kỳ chuyên chính của mình là một thời kỳ quá độ rất ngắn. Giai cấp vô sản trong thời kỳ quá độ ngắn ngủi đó có thể sáng tạo ra một nền văn hóa mới không? Đề xuất nghi vấn này có lý do của nó. Vì rằng thời kỳ cách mạng xã hội là một thời kỳ đấu tranh giai cấp quyết liệt, trong đó phá hoại chiếm một địa vị nhiều hơn là xây dựng mới… Vì rằng lúc đó, giai cấp vô sản cố nhiên ở trong một sự khẩn trương cao độ cho đến giai cấp tính toát ra một cách đầy đủ, tất nhiên tính khả năng xây dựng về văn hóa có kế hoạch không thể không bị giới hạn trong một phạm vi hết sức chật hẹp. Cho nên, trong thời kỳ chuyên chính, chúng ta tuyệt nhiên không bàn đến sáng tạo văn hóa mới, tức là cơ hội xây dựng những giá trị lịch sử lớn nhất mà chỉ đến lúc không còn ở trong bộ máy bằng sắt mà gọi là chuyên chính thì lúc ấy mới có thể xây dựng được một nền văn hóa xưa nay chưa từng có mà lại là nền văn hóa không có giai cấp tính. Do sự thực đó mà không thể không đi đến kết luận rằng: Văn hóa vô sản không những bây giờ không có mà tương lai cũng không thể có được”.

Đó là một thứ lý luận cơ hội chủ nghĩa hết sức nguy hiểm. Ai cũng biết rằng từ cái thuyết “cách mạng xã hội chủ nghĩa không thể thành công trong một nước” đi đến “cách mạng thường trực” “bộ máy bằng sắt gọi là chuyên chính” tất nhiên bè lũ Tơ-rốt-sky phải phủ nhận việc xây dựng văn hóa vô sản. Những lý do mà Tơ-rốt-sky nêu ra nào là “đấu tranh giai cấp quá khẩn trương không có thì giờ nghỉ ngơi” nào là “phá hoại chiếm địa vị nhiều hơn xây dựng v.v…” không đủ để bênh vực cho luận điệu cơ hội chủ nghĩa của hắn. Cũng trong quyển sách ấy hắn viết: “Những danh từ như: Văn học vô sản, và văn hóa vô sản thật là nguy hiểm bởi vì những danh từ ấy hạn chế văn hóa của tương lai trong khuôn khổ của hiện tại”.

Tại sao Tơ-rốt-sky kiên quyết chống xây dựng văn hóa vô sản như vậy?

Chính đúng như trong Đại hội các nhà văn vô sản toàn Liên Xô (1-1925) đã vạch: “Tơ-rốt-sky đưa ra cái lý do chúng ta đang hướng về xã hội vô sản, phủ nhận khả năng nghệ thuật và văn học của giai cấp vô sản, nhưng cũng cùng với lý do này chủ nghĩa Men-sê-vích phủ nhận sự tất yếu của chuyên chính giai cấp, nhà nước giai cấp, và cũng cùng với lý do này, chủ nghĩa vô Chính phủ phủ nhận sự tất yếu của Đảng và Nhà nước…”. Vì thế thực chất của lý luận không thể xây dựng văn hóa vô sản là muốn phủ nhận vô sản chuyên chính, hay ít nhất cũng là muốn tách rời thậm chí đối lập việc xây dựng chính quyền vô sản và văn hóa vô sản.

Không xây dựng văn hóa vô sản thì xây dựng gì? Đó là chỗ bí của bè lũ Tơ-rốt-sky nhưng cũng là dụng ý của chúng. Tơ-rốt-sky cho rằng giai cấp vô sản chỉ cần “đồng hóa với văn hóa tư sản” nghĩa là đi theo con đường văn hóa tư sản.

Mao Trạch Đông trong bài nói chuyện về văn nghệ ở Diên An đã nói, đó là thứ nhị nguyên luận của Tơ-rốt-sky “về chính trị theo chủ nghĩa Mác, về nghệ thuật theo giai cấp tư sản”.

Từ lý luận hoàn toàn phản bội Lê-nin này Tơ-rốt-sky và bè lũ cho rằng Đảng có thể “can thiệp” vào văn nghệ, nhưng chỉ “lãnh đạo phương hướng” còn để cho văn nghệ được “tự do tuyệt đối”. Bọn chúng phản đối việc xây dựng đội ngũ văn học của giai cấp vô sản, đả kích những nhà văn phục vụ tích cực cho chính quyền Xô-viết và coi nhóm “bạn đường” như “trung tâm của văn học”, trong khi Đảng chủ trương:

“Việc lãnh đạo vể phương diện văn học ngay cả những phương tiện tư tưởng và vật chất tất cả đều thuộc về giai cấp công nhân. Quyền lãnh đạo của các nhà văn vô sản hiện nay còn chưa có, Đảng phải giúp cho các nhà văn đó tự mình nắm được cái quyền lợi lịch sử là quyền lãnh đạo này.” (điều 9 của nghị quyết 1-7-1925).

“Về quan hệ với nhóm “bạn đường” phải chú ý: a) sự phân hóa của họ, b) tính chất trọng yếu của những “chuyên gia” lành nghề về kỹ thuật văn học của nhiều người trong bọn họ, c) tình hình dao động của một số nhà văn đó. Ở đây phương châm chung là đặt quan hệ chiến thuật thận trọng đối đãi với họ tức là bằng cách nào cho họ mau chóng chuyển biến đến tư tưởng chủ nghĩa cộng sản. Trong lúc Đảng bài trừ những phần tử phản cách mạng và phản vô sản (hiện nay ít đến nỗi không cần nói nữa), trong khi Đảng đấu tranh với tư tưởng của giai cấp tư sản mới hình thành trong hàng ngũ những người “bạn đường” thuộc bộ phận “Đổi tiêu” [6] Đảng cần có thái độ kiên nhẫn đối đãi với hình thái tư tưởng trung gian, phải nhẫn nại giúp đỡ cho rất nhiều hình thái tư tưởng tất nhiên đó, mất dần trong quá trình công tác chặt chẽ với lực lượng văn hóa cộng sản chủ nghĩa” (điều 10 của nghị quyết trên).

Tất nhiên là khi trích dẫn nghị quyết này, Trương Tửu đã không trích dẫn điều 9 nói trên, vì Trương Tửu cũng “lý luận” như Tơ-rốt-sky là Đảng không lãnh đạo “bằng tổ chức” và để cho văn nghệ sĩ “hoàn toàn tự do sáng tác”. Đối với điểm nghị quyết sau thì Trương Tửu cũng không dám “phát hiện sự thực toàn diện” nốt; Trương Tửu cắt béng đi ngay cái khúc giữa nói về việc Đảng bài trừ những phần tử phản cách mạng và phản vô sản, đấu tranh với tư tưởng của giai cấp tư sản mới hình thành và thay bằng ba cái chấm (…) vì thực tế Trương Tửu cùng một nhận định với Tơ-rốt-sky về nhóm “bạn đường” cùng khẳng định văn nghệ = sự thực, văn nghệ sĩ = phát ngôn nhân của “sự thực toàn diện”, làm gì có hạng văn nghệ phản cách mạng, phản vô sản, làm gì có tư tưởng tư sản trong văn nghệ sĩ. Chỉ có tư tưởng phi vô sản trong Đảng mà thôi! Chỗ gặp gỡ thiêng liêng nhất giữa Tơ-rốt-sky và Trương Tửu là ở đó.

Chẳng thế mà Trương Tửu đã cắt xén, xuyên tạc hẳn điều 12 trong nghị quyết nhấn mạnh về nhiệm vụ phê bình của Đảng như sau: “Phê bình, một công cụ giáo dục chủ yếu mà Đảng nắm trong tay, nhiệm vụ nói chung là do tình hình trên quyết định. Phê bình cộng sản chủ nghĩa phải là một phút cũng không bỏ rơi lập trường cộng sản, mảy may cũng không vi phản tư tưởng vô sản. Phải vạch trần ý nghĩa giai cấp khách quan của các tác phẩm văn học, đấu tranh không nhân nhượng với hiện tượng phản cách mạng trong văn học, bóc trần thứ chủ nghĩa tự do của nhóm “Đổi tiêu” v.v… Nhưng đồng thời đối với tất cả các nhóm văn học có thể và chắc chắn đi theo giai cấp vô sản thì phải tỏ ra hết sức chu đáo, thận trọng và nhẫn nại…”

Cái điểm nghị quyết quan trọng này chỉ được Trương Tửu trích từ đoạn “Nhưng đồng thời…”. Còn phần trên Trương Tửu phớt đi không hề nhắc đến. Vì nếu Tơ-rốt-sky đã đề cao nhóm “bạn đường” là “trung tâm của văn học”, không vạch rõ tư tưởng tư sản trong bọn họ và Trương Tửu đã “trót” đề cao văn nghệ sĩ là siêu nhân là “vô sản” nhất về tư tưởng “yêu sự thực hơn Đảng” thì làm gì còn dám nói phê bình văn học là một công cụ của đấu tranh giai cấp? Đấu tranh không nhân nhượng với hiện tượng phản cách mạng trong văn học?

Một điểm đặc biệt của lý luận Tơ-rốt-skít về văn học trong thời kỳ cách mạng chủ nghĩa là xóa mờ tính chất giai cấp của văn học, đề cao hết sức đặc tính của văn nghệ, và bản chất tiến bộ của văn nghệ sĩ, hạ thấp đến phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng về văn nghệ hoặc cho nó một vài cái danh không có thực.

Các nhà lý luận kiểu đó từ Vo-rôn-sky đến Var-đin, từ Bu-kha-rin đến A-véc-bat lúc đầu tuy cũng có công kích Tơ-rốt-sky điểm này hay điểm nọ, nhưng cuối cùng cũng đều “nối gót dũng cảm” của nhau đứng về một trận tuyến: phản bội nguyên tắc văn học của Lê-nin, đồng lõa với bè lũ Tơ-rốt-sky phá hoại sự lãnh đạo về văn nghệ của Đảng và cuối cùng là phản cách mạng.

Bọn chúng đưa ra đủ các thứ lý luận duy tâm về văn nghệ, dựa vào các tờ báo như Đất đỏ chưa khai hoangXuất bản và cách mạng, các tổ chức như “Đường núi” “Xây dựng”, len lỏi vào các nhà xuất bản, các quỹ văn học, để cố đẩy cái “Văn học chống cách mạng” của chúng ra.

Bè lũ Tơ-rốt-skít ra sức đả kích Gor-ki mà chúng gọi là nhà văn tiểu tư sản, mạt sát Mai-a-kốp-ski mà chúng gọi là nhà thơ “cổ động” nghĩa là phục vụ kịp thời chính trị của Đảng. Chúng cho rằng chính vì Mai-a-kốp-ski thiết tha phục vụ cho đường lối chính trị của Đảng nên trong tác phẩm, nghệ thuật tính càng nghèo nàn đi [7] , Nhưng chính Mai-a-kốp-ski, thì lại phê phán chúng:

“Trong văn học, thiếu mục đích rõ ràng, thiếu khuynh hướng giai cấp, không đem thơ ca làm võ khí đấu tranh đó là đặc trưng của chủ nghĩa “xây dựng” (contructivisme) [8] . Bọn Tơ-rốt-skít lợi dụng những tác phẩm hoàn toàn vu khống xã hội Xô-viết của Za-mi-a-tin, Pê-ri-loóc, v.v… mà Mai-a-kốp-ski gọi là những tác phẩm “có thể tăng thêm kho thuốc nổ cho quân thù” “Giữa cái ngày hôm nay mây đen còn bao phủ thì đó cũng ngang như sự phản bội ngay giữa mặt trận” [9] . Chúng dùng những tác phẩm kiểu ấy vào mục đích bôi nhọ Đảng và chính quyền Xô-viết để góp sức vào tiếng hô lừa bịp của chúng: “Đảng đã thoái hóa rồi!. Sự xung đột giữa công nhân và nông dân tất sẽ xảy ra, chính quyền Xô-viết sẽ tan vỡ và chế độ xã hội chủ nghĩa không thể đứng vững được!”. Chúng hô như vậy và chúng hành động cho đạt được âm mưu như vậy.

Cuối cùng Tơ-rốt-sky và bè lũ chỉ còn là một bọn phản cách mạng ti tiện nữa mà thôi. Cái “công ty chuyên nghề khiêu khích” có âm mưu phá hoại ở Việt Nam cũng đang học mót những thủ đoạn tốt đẹp này. Chẳng thế mà Đảng Cộng sản Liên Xô phục hồi cho một số đồng chí bị xử trí oan thì cái công ty đó vội truyền ra cái tin bịa đặt: “Tơ-rốt-sky được phục hồi rồi!”. Thậm chí có phần tử vỗ ngực la ầm lên rằng: “Tơ-rốt-skít ở đây chứ ở đâu!”. Thật thảm hại cho cái hy vọng mong manh của những phần tử cơ hội của phường phản bội.


III. Lê-nin-nít hay Tơ-rốt-skít?

Giữa chủ nghĩa Mác – Lê-nin và luận điệu của bè lũ Tơ-rốt-skít là một cái hố hoàn toàn cách biệt nhau như nước với lửa, như nóng với lạnh. Những kẻ muốn đem dung hòa hai lý luận đó đều bị thất bại thảm hại. Những kẻ muốn đem cái chiêu bài chủ nghĩa Mác – Lê-nin để che đậy cho những lý luận cơ hội chủ nghĩa Tơ-rốt-skít lại càng thất bại nhục nhã. Vì để bên cạnh những ý kiến của Mác – Lê-nin, các quan điểm của Tơ-rốt-skít càng lộ nguyên hình như những hình thù xấu xa bị phơi bày ra ánh sáng.

Bọn Tơ-rốt-skít trên thế giới cuối cùng đều tự lột trần cái chân tướng phản bội của chúng và con đường dắt chúng đi đều là con đường khuất phục trước thế lực tư bản, chống cách mạng điên cuồng. Ở nước ta, bọn Tơ-rốt-skít cũng không thoát ra ngoài cái quy luật nghiệt ngã đó. Hãy lấy ngay bọn Tơ-rốt-skít trong nhóm Hàn Thuyên (Cố nhiên những người cộng tác trong nhóm Hàn Thuyên không phải đều là Tơ-rốt-skít cả, và có những người hiện nay rất tiến bộ). Bọn này chỉ “mác xít” khi nào được đế quốc cho phép. Chủ nghĩa “mác xít” đầu miệng của chúng hoàn toàn khác xa cái chủ nghĩa mác xít của những người cách mạng bị giam cầm và cấm đoán. Mỗi một bước ngoặt quan trọng của lịch sử, bọn chúng lại tự bóc trần ra cái chân tướng phản cách mạng, phản lại chủ nghĩa Mác. Trong những ngày trước khởi nghĩa 1945 bọn Tơ-rốt-skít Lương Đức Thiệp, Nguyễn Tế Mỹ đã trở thành những tên phản cách mạng hèn mạt. Ngày nay, trong giai đoạn đất nước còn chia cắt, bọn Tơ-rốt-skít Nguyễn Đức Quỳnh, Lê Văn Siêu công khai chửi chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa xã hội, chửi thuyết đấu tranh giai cấp, khom lưng quỳ gối ca ngợi, sùng bái chủ nghĩa “cần lao nhân vị” của bè lũ Mỹ - Diệm ở miền Nam. Bộ mặt thực “mác xít” đẹp đẽ của chúng là như vậy!

Trương Tửu sau bao năm ở ngoài vùng kháng chiến, vẫn chưa từ bỏ được quan điểm Tơ-rốt-skít cũ của mình, gần đây lại trở về đường cũ, khoác một chiếc áo mới: chủ nghĩa Lê-nin. Không thể nhầm lẫn được! Rút đi tất cả những ý kiến của Lê-nin mà Trương Tửu trích dẫn trình bày một cách xuyên tạc cắt xén ta sẽ tìm thấy bản chất tư tưởng của Trương Tửu tư tưởng Tơ-rốt-skít.

Cách mạng thường trực – Sự phản kháng thường xuyên đối với thực tại và hiện tại – Chỉnh lý quan hệ sản xuất mới.

Chúng ta không lạ gì cái luận điểm căn bản của chủ nghĩa Tơ-rốt-sky về cách mạng là “Cách mạng thường trực”. Theo Tơ-rốt-sky thì xã hội chủ nghĩa không thể thành công trong một nước; giai cấp vô sản sau khi làm cách mạng thành công trong một nước, phải tiến lên làm cách mạng thế giới ngay thì mới đánh đổ được giai cấp tư bản. Vì thế giai cấp vô sản phải ở trong tình trạng “cách mạng thường trực”. Luận điểm này bị Lê-nin hoàn toàn đập gãy bị cái thực tế xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô lật nhào ngay từ khi nó mới ra đời. Và từ đó “Cách mạng thường trực” đối với bè lũ Tơ-rốt-sky chỉ còn có nghĩa là tấn công thường xuyên vào Đảng Bôn-sê-vích và nhà nước xã hội chủ nghĩa, chỉ còn là thường trực chống lại chế độ xã hội, thực tế xã hội do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo mà nghĩa là “thường trực phản cách mạng” thôi.

Trương Tửu từ lâu bị tiêm nhiễm nọc độc của lý luận này, nhất là luận điệu của tên văn sĩ phản động André Gide [10] : “gieo rắc vào tâm trí mọi người chất men phản kháng bất phục tòng”. Trương Tửu đề cao André Gide lên hàng văn nghệ sĩ “chân chính” và coi lời y như một phương châm văn nghệ cách mạng. Trong quyển Tương lai văn nghệ Việt Nam xuất bản sau khi chính quyền dân chủ nhân dân đã thành lập, Trương Tửu định nghĩa về văn nghệ: “Văn nghệ là gì nếu không phải là sự phản kháng thường xuyên đối với thực tại và hiện tại” và lớn tiếng kêu gọi: “Trong lúc này, một nền văn nghệ xứng với tên của nó, phải xô đẩy người đương thời đến một thái độ “chống hiện tại” “phá đổ hiện tại”. Cái “hiện tại” trước mắt mà Trương Tửu đòi phá đổ lại chính là cái hiện tại chúng ta đang cần xây dựng. Nhiệm vụ của văn nghệ cố nhiên là phải chống với chế độ áp bức bóc lột, chống với mọi bất công tàn ác. Nhưng nó không phải chỉ là chống đối để mà chống đối. Nó biết chống đối cái gì, úng hộ cái gì, nó phải đứng về đâu để chống đối đồng thời để mà xây dựng. Văn nghệ là một hình thái ý thức xã hội nhất định, là một võ khí của đấu tranh giai cấp. Vậy thì sao ngay sau khi chính quyền dân chủ nhân dân đã thành lập, Đảng của giai cấp công nhân đã nắm chính quyền, Trương Tửu lại ném ra cái luận điệu “chống hiện tại” “phá đổ hiện tại”. Dù Trương Tửu có “nói theo lối của văn nghệ” đi nữa (chứ không phải là “lối của người hành động” như Trương Tửu đã viết) thì người ta cũng biết “sự phản kháng thường xuyên đối với hiện tại” nói theo lối văn nghệ của Trương Tửu cũng đồng một nghĩa với “cách mạng thường trực” nói theo lối chính trị, nói theo lối hành động của Tơ-rốt-sky.

Cái điểm lý luận này hầu như đã trở thành nền tảng cho tư tưởng, thái độ của Trương Tửu đối với thực tế chế độ, thực tế xã hội của chúng ta. Sự phân biệt xã hội ta hiện nay với xã hội thực dân, phong kiến đối với Trương Tửu chỉ còn là hình thức. Trương Tửu nhìn sai lầm của ta cũng như những tội ác của giai cấp bóc lột, nhìn bộ máy lãnh đạo của ta cũng như bộ máy thống trị của chúng. “Cách mạng thường trực” “sự phản kháng thường xuyên đối với hiện tại” “chỉ chống sùng bái cá nhân trong lãnh đạo” “chỉnh lý quan hệ sản xuất mới”, bấy nhiêu danh từ tuy có khác nhau, nhưng căn bản vẫn là một: chĩa mũi nhọn đả kích vào cơ sở chế độ của chúng ta, bộ máy lãnh đạo của chúng ta mà tấn công kịch liệt. Dưới chiêu bài phát hiện sự thực, giúp Đảng sửa chữa sai lầm Trương Tửu bịa đặt ra cái “mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất dân tộc và quan hệ sản xuất mới” “tự do văn nghệ sĩ mâu thuẫn với lãnh đạo của Đảng” hòng làm lạc mất cái hướng mâu thuẫn chủ yếu giữa “quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa” giữa “tư tưởng xã hội chủ nghĩa và tư tưởng tư sản” mà thực tế xã hội miền Bắc chúng ta đang đặt ra một cách gay gắt [11] .

Cùng một luận điểm này, Nguyễn Hữu Đang chưa bao giờ là “người làm văn nghệ” bỗng nhảy ra trở thành “một thứ trùm” cho nhóm văn nghệ sĩ cơ hội chủ nghĩa hay nói đúng hơn một “tên trùm khiêu khích gian hiểm”, dõng dạc “tham luận” (!): “Bất cứ phát hiện sự việc gì, hoặc tìm cách giải quyết vấn đề gì, Tổ chúng tôi đều thấy cái nút cuối cùng ở chỗ lãnh đạo!”

Thế là cùng xướng cùng họa, nối gót nhau, bọn cơ hội chủ nghĩa, bọn khiêu khích hèn mạt trút tất cả mọi lời vu khống vào Đảng ta và chế độ chúng ta. Họ không từ một lời nói hiểm độc, một thủ đoạn hèn hạ nào để có thể hạ sự lãnh đạo của Đảng ta xuống, để “phá đổ cái hiện tại mà chúng ta đang xây dựng, để “gieo vào tâm trí quần chúng chất men phản kháng và bất phục tòng”. Trương Tửu cố phân tích một cách khôn khéo và thâm độc cho mọi người có thể hiểu Đảng ta là một “chính đảng đã mất tính chất giai cấp vô sản, không đại diện cho giai cấp vô sản nữa, phản bội Mác Lê-nin, phản bội tinh thần cộng sản chủ nghĩa”, cố chứng minh những cán bộ của Đảng chỉ là những phần tử quan liêu mệnh lệnh y hệt như luận điệu của bè lũ Tơ-rốt-skít đã từng vu khống Đảng Bôn-sê-vích: “Đội tiền phong cũ của chủ nghĩa Lê-nin đã thoái hóa rồi”.

Istvan Kovacs ở Hung-ga-ri khi phê phán tư tưởng và hoạt động của bọn văn sĩ chống Đảng ở đây cũng đã viết trong bài “Phấn đấu cho một nền văn học có đảng tính”:

“Chúng ta không lạ gì điều đó, Tơ-rốt-sky và bè lũ Tơ-rốt-skít cũng đã từng gọi Đảng và Ban chấp hành trung ương là “Phòng giấy” và những chiến sĩ của Đảng là “thư lại quan liêu”… Lập trường vô chính phủ, chống Đảng của Tibor Dery thể hiện rõ trong tất cả tác phẩm của Dery bắt đầu từ việc phiên dịch quyển sách chống Liên Xô của tên Tơ-rốt-skít André Gide cho đến những hoạt động hiện hành của hắn”.

Các thứ luận điệu Tơ-rốt-skít của Trương Tửu, Nguyễn Hữu Đang dù có trá hình xảo quyệt, dù có nấp sau các ý kiến của Lê-nin vẫn không lừa dối được ai. Thứ luận điệu đó mở rộng ra và hình tượng hóa thì nó sẽ thành “bất mãn” của Sĩ Ngọc, “không bằng lòng hiện trạng”, “Hãy đi mãi” của Trần Dần “dấn vào kho thuốc nổ của đời sống” của Lê Đạt, “người khổng lồ không tim” của Trần Duy”. “Nội dung xã hội và hình thức tự do” của Trần Đức Thảo, “con lợn” “con rùa” của Phan Khôi… và các thứ luận điệu thành văn hay bằng miệng vu khống chế độ và Đảng của chúng ta. Dù nhóm Nhân văn – Giai phẩm có man trá đặt vấn đề “Ai viết người nấy chịu trách nhiệm” chúng ta cũng thừa biết trừ một số ít người cộng tác chưa có ý thức rõ rệt, còn hầu hết là cùng hội cùng thuyền, một đồng một cốt quá khứ và hiện tại thối nát giống nhau, “lương tâm” phản phúc và “điệu tâm hồn” độc địa giống nhau, cùng cấu kết chặt chẽ với nhau, chung một âm mưu thâm độc với nhau, cùng theo một tư tưởng chính trị thống nhất do bọn “trùm” vạch ra: chống Đảng ta, chống chế độ ta, bằng những luận điệu và phương pháp hoạt động mà bè lũ Tơ-rốt-skít xưa nay vẫn quen dùng. Những luận điệu Tơ-rốt-skít đó trước tiên là ở Trương Tửu, Nguyễn Hữu Đang, Trần Đức Thảo nhưng nó dần dần là luận điệu chung của cả công ty.

Một công thức bịp bợm và phản động về quan hệ giữa chính trị và văn nghệ

Đối với Trương Tửu, tất cả những gì có thể gò vào “công thức” là y như họ Trương không ngần ngại vồ lấy cắt đầu cắt đuôi, xén chân xén tay để nhét cho vừa cái khuôn “công thức” đã định sẵn. Ta đã biết và đã nói nhiều đến cái công thức “văn nghệ hướng dẫn chính trị” của Trương Tửu. Muốn chứng minh cho cái công thức này, Trương Tửu đã viện đến các quan điểm duy tâm nhất, thần bí nhất về nghệ thuật. Những nào là “lương tâm nghệ thuật” “tự do nội tâm ” những nào là các văn nghệ sĩ cố điển “hoàn toàn theo sự suy nghĩ riêng, sở nguyện riêng, lương tâm riêng của bản thân họ. Họ hoàn toàn độc lập tác chiến, độc lập tư tưởng, độc lập sáng tác” v.v… dù chế độ thống trị có đàn áp bóp nghẹt tư tưởng đi bao nhiêu nữa, “họ vẫn hoàn toàn tự do tư tưởng”, v.v… Trương Tửu càng cố thần thánh hóa văn nghệ sĩ, đưa họ lên mây bao nhiêu, càng lộ rõ chân tướng phản bội chủ nghĩa Mác, càng tự khắc lên trán mình cái nhãn hiệu duy tâm thần bí đến cực độ bấy nhiêu. Trong bài này tôi không muốn đi sâu vào những vấn đề đó. Tôi muốn nói cái công thức thứ hai, cái công thức mà có thể nói Trương Tửu dồn vào đấy nhiều tâm huyết, nhiều dã tâm nhất đó chính là vấn đề “tự do tư tưởng của văn nghệ sĩ và sự lãnh đạo của Đảng Bôn-sê-vích” hay cũng có thể nói “quan hệ giữa chính trị và văn nghệ, giữa Đảng và văn nghệ sĩ”. Thực ra thì tất cả những cái tiền đề trên kia, những lý luận dài dòng trên kia cuối cùng chỉ là để chứng minh cho cái vấn đề quan trọng đặt ra dưới này. Ta hãy tìm hiểu cái công thức của Trương Tửu, phân tích xem nó là cái nguyên lý của Lê-nin hay công thức bịp bợm của Tơ-rốt-skít?

Cái công thức của Trương Tửu có thể xếp như sau:
  • “Yêu cầu cơ bản của giai cấp vô sản cách mạng hoàn toàn thống nhất với yêu cầu cơ bản của tư tưởng nghệ thuật” tức là “nhận thức đúng về sự thật toàn diện của xã hội của con người”.
    “Không phải một chính đảng cứ tự mệnh là tham mưu của giai cấp vô sản thì tự nhiên nó mang tính chất vô sản trong mọi chủ trương, chính sách, tác phong lãnh đạo”.
    “Nhưng “tinh túy của nghệ thuật là sự thực”. “Văn nghệ sĩ có nhiệm vụ phát hiện sự thực trăm màu nghìn vẻ của con người của xã hội để giúp Đảng nhìn đúng thực tế khách quan. Họ phát hiện những vấn đề do sự thực nêu ra để làm cơ sở cho Đảng vạch chủ trương chính sách. Họ vào thực tế nhìn sự thật để kiểm tra chủ trương chính sách của Đảng”.

  • Vì vậy, “một Đảng cộng sản chân chính phải tạo đầy đủ điều kiện cho văn nghệ sĩ làm tròn nhiệm vụ phát hiện sự thật sâu sắc của cuộc sống” “tuyệt đối không ngăn cản văn nghệ sĩ phát hiện sự thực một cách hoàn toàn tự do”.

  • Nếu như “sợ sự thực, ngăn cấm nói sự thực, không căn cứ sự thực toàn diện (mà văn nghệ sĩ kiểu nhóm Nhân văn phát hiện) để vạch đường lối chủ trương chính sách…” thì Đảng “đã mất tính chất giai cấp vô sản, không đại diện cho giai cấp vô sản nữa, phản bội Mác Lê-nin, phản bội tinh thần cộng sản chủ nghĩa”.

  • Và cuối cùng, nếu không được hoàn toàn tự do sự thực toàn diện (kiểu Trương Tửu) thì văn nghệ “nó cũng tự tạo cho nó điều kiện đó”, vì “văn nghệ sĩ yêu Đảng nhưng họ còn yêu sự thực hơn Đảng”, và Trương Tửu dọa dẫm rằng: “Đảng đừng để văn nghệ sĩ vì sự thực mà đối kháng lại Đảng”.
Trương Tửu cho đó là cái công thức đúng đắn nhất về “quan hệ giữa văn nghệ và Đảng” “mà các vị lãnh tụ cộng sản vĩ đại đều hiểu như vậy”.

Không bịp được đâu hỡi nhà “lý luận” phản động Trương Tửu. Các vị lãnh tụ “cộng sản” (!) mà Trương Tửu nói đây chẳng phải ai xa lạ mà chính là các vị lãnh tụ Tơ-rốt-skít mà Trương Tửu hết lòng sùng bái. Cái công thức mà Trương Tửu dày công bịa đặt ra kia chính là một cái công thức rất bịp bợm và phản động nó chứng mminh rằng: chính trị phụ thuộc vào văn nghệ (như ốc-xy-gien phụ thuộc vào không khí), chính trị phải phục tùng văn nghệ, Đảng phải tuân theo sự hướng dẫn của văn nghệ sĩ và nếu như có sự đối lập thì đó là vì Đảng chứ không phải vì văn nghệ sĩ.

Để cho cái công thức phản động kia có thể lừa dối được những người ngây thơ, non nớt, có thể che đậy được cái dã tâm đẩy văn nghệ sĩ đi vào sự đối lập với Đảng, Trương Tửu, Nguyễn Hữu Đang và công ty cũng như bè lũ Tơ-rốt-skít trước kia đã thổi phồng cái gọi là “bản chất tiến bộ của văn nghệ và trí tuệ”, “lương tâm nghệ thuật” coi như văn nghệ tự thân là cách mạng tiến bộ, là sự thực, “văn nghệ sĩ cứ tự nhiên hứng về chân thiện mỹ” còn Đảng thì trái lại rất có thể “mất tính chất vô sản”.

Bọn họ cố tình không nhìn nhận văn nghệ là một hình thái ý thức xã hội, tước bỏ tính chất giai cấp của văn nghệ. Họ cố tìm cách xóa nhòa ranh giới giữa văn nghệ cách mạng và văn nghệ phản cách mạng hoặc xa rời cách mạng. Họ cố tình không phân biệt những văn nghệ sĩ cách mạng tận tụy vì cách mạng, đem ngòi bút phục vụ cách mạng, đi vào cách mạng mà vẫn vui lòng, chịu sự lãnh đạo của Đảng của giai cấp công nhân mà vẫn thấy tự do tư tưởng với thứ văn nghệ sĩ nhục nhã quỳ gối trước thế lực đồng tiền bán rẻ “lương tâm nghệ thuật” cho bọn đầu cơ văn hóa, thứ văn nghệ sĩ thực tế chỉ là những tên mật thám cầm bút, những tên tác động tinh thần chính cống. Thứ văn nghệ sĩ này cố nhiên chỉ “phát hiện được những sự thực toàn diện” mà bọn thù địch mong muốn nhưng lại bị quần chúng lao động khinh bỉ, lên án. Thứ văn nghệ sĩ này tất nhiên là sẽ thấy “lương tâm nghệ thuật” cặn bã của mình đối lập với cách mạng và sự lãnh đạo của Đảng cách mạng.

Văn nghệ cách mạng về bản chất thống nhất với chính trị cách mạng, văn nghệ sĩ cách mạng về bản chất thống nhất với sự lãnh đạo của Đảng cách mạng. Nhưng cái quan hệ chính xác nhất vẫn là chính trị lãnh đạo văn nghệ, Đảng lãnh đạo văn nghệ dù rằng do đặc điểm của văn nghệ, sự lãnh đạo ở khu vực này không thể rập khuôn với các công tác cách mạng khác mà phải dành nhiều phạm vi rộng rãi cho sự sáng tác, tôn trọng tính chủ động sáng tạo của người văn nghệ sĩ.

Muốn giải quyết tốt mối quan hệ giữa Đảng và văn nghệ sĩ không phải như Trương Tửu đã nói là Đảng phải để cho văn nghệ sĩ “tự do phát hiện sự thực toàn diện” mà trước tiên Đảng phải giúp đỡ văn nghệ sĩ nhận thức được sự nghiệp văn nghệ phải là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng nói chung, giúp cho văn nghệ sĩ học tập chủ nghĩa Mác Lê-nin và hiểu rõ đường lối chính sách của Đảng, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ đi vào thực tế đấu tranh của cách mạng, hướng dẫn họ nhìn nhận thực tế và biểu hiện thực tế một cách đúng đắn. Trong đời sống xã hội của chúng ta căn bản là tốt tất nhiên cũng có những mặt chưa tốt, những mặt xấu, các chủ trương chính sách của Đảng căn bản là đúng nhưng không phải là không có những điểm thiếu sót thậm chí sai lầm. Đảng lãnh đạo tốt văn nghệ sĩ là làm cho văn nghệ sĩ nắm bắt được tất cả những thực tế phức tạp và biểu hiện lên một cách đúng đắn. Đảng lãnh đạo tốt là khuyến khích những sáng tác biểu hiện trung thực cuộc sống, phê phán những tác phẩm có nội dung sai lầm, thậm chí ngăn chặn lại các tác phẩm có dã tâm bôi nhọ chế độ, có tư tưởng phản cách mạng. Đó chính là yêu cầu cơ bản của sự lãnh đạo của Đảng về văn nghệ và đó cũng chính là yêu cầu cơ bản về tự do tư tưởng của người văn nghệ sĩ chân chính cách mạng nếu như hiểu tự do là nhận thức về quy luật tất yếu của sự vật.

Đâu có phải lãnh đạo tốt là chỉ lãnh đạo cái “hướng” còn để cho văn nghệ sĩ hoàn toàn có quyền tự do tung ra đủ thứ hoa thơm hoa thối, hoa lành hoa độc, tự do viết những bài chống lại Đảng, chống lại chế độ, phát hiện những sự thực toàn diện kiểu đó mà không có quyền phê phán hay ngăn cấm. Đâu có phải lãnh đạo tốt là phải tuân theo những “sự thực phát hiện” của văn nghệ sĩ (cách mạng và phản cách mạng) để vạch ra chủ trương chính sách! Có đâu lãnh đạo tốt là “trả chuyên môn về cho chuyên môn” như Trương Tửu và nhóm Nhân văn – Giai phẩm luôn mồm kêu gào. Cái lối lãnh đạo bằng “hướng” còn để cho văn nghệ sĩ “hoàn toàn tự do” “tự do tuyệt đối” theo kiểu Tơ-rốt-skít này thực chất là hạ thấp đến phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, “Chịu sự lãnh đạo” chỉ còn là một danh từ trống rỗng, hữu danh vô thực. Cái công thức bịp bợm về “Đảng lãnh đạo” văn nghệ của Trương Tửu chẳng có gì khác hơn là Đảng hoàn toàn khoanh tay trước sự tấn công của mọi thứ văn nghệ tư sản, văn nghệ phản động, ngay cả trước sự tấn công của các thứ văn nghệ gián điệp, văn nghệ tác động tinh thần.

Nhưng đó chỉ là ảo tưởng của Trương Tửu, Nguyễn Hữu Đang và công ty. Đảng ta, trung thành với chủ nghĩa Lê-nin không thể thừa nhận “sự lãnh đạo” kiểu cơ hội chủ nghĩa đó. Những người văn nghệ sĩ chân chính vì sự nghiệp cách mạng, vì văn nghệ cách mạng cũng không bao giờ thừa nhận cái “công thức” lừa bịp của họ: “nếu không cho, nó cũng tự tạo điều kiện cho nó” bằng cách ra lập “của hàng” làm thuốc độc tinh thần riêng, lập công ty buôn lậu văn hóa riêng thậm chí cúi đầu ngả tay xin phương tiện của giai cấp bóc lột, của bọn thù địch để đối lập với cách mạng để chống Đảng, chống chế độ như kiểu Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Trương Tửu, Trần Dần, Lê Đạt, Trần Đức Thảo và cả nhóm.


IV. Giữ vững nguyên lý văn nghệ của Lê-nin – Đập tan luận điệu cơ hội Tơ-rốt-skít

Những luận điệu của Trương Tửu và công ty đưa ra dù khéo thêu thùa tô vẽ dưới nhiều màu sắc, dù khoác nhiều thứ áo lòe loẹt tự xưng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin vẫn không thể làm cho người ta nhầm lẫn. Đó là thứ chủ nghĩa Tơ-rốt-skít đã quá lỗi thời. Chủ nghĩa Mác – Lê-nin ngày nay đã thắng lợi vẻ vang, đã trở thành một chân lý quần chúng. Chính vì vậy mà bọn bịp không thể vàng thau lẫn lộn, mướp đắng mạt cưa. Thí dụ khi bọn “bịp lý luận” Nguyễn Hữu Đang, Trương Tửu nêu lên không thể “phục vụ kịp thời” thì quần chúng ngược lại, lại thấy tại sao những người sáng tác của Nhân văn – Giai phẩm đã viết ra những tác phẩm chống Đảng, chống chế độ “kịp thời” đến thế? À, thì ra “không kịp thời” đây có nghĩa là không được “kịp thời phục vụ cách mạng”.

Khi bọn “bịp lý luận” nêu ra là trên tờ báo phải “trăm hoa đua nở” “nhiều ý kiến khác nhau” “ai nấy viết chịu trách nhiệm”, thì ngược lại quần chúng thấy trên Nhân văn – Giai phẩm không hề có một ý kiến nào khác, các quan điểm chống Đảng hoàn toàn nhất trí, và bấy nhiêu “hoa” (!) cũng chỉ được tiết ra một chất độc: hướng chống Đảng, chống chế độ. Ai cũng biết rằng khi những phần tử Nhân văn – Giai phẩm phản đối lập trường tư tưởng thì họ viết ra lại rất có lập trường: lập trường tư sản phản động. Khi bọn họ gào thét “phải giải thể lãnh đạo đi” thì chính là lúc bọn họ tập hợp lực lượng rất nhanh, chiêu binh mãi mã lập bè phái rất nhanh đòi bầu lại “ban trù bị Đại hội văn nghệ” để cướp lấy quyền lãnh đạo về tay những phần tử phản bội lý tưởng cách mạng của nhân dân ta. Khi họ đòi “trả chuyên môn về cho chuyên môn” thì chính là họ muốn giao quyền điều khiển cho những phần tử không biết gì về chuyên môn như Nguyễn Hữu Đang, Trương Tửu, Phan Khôi, Trần Duy… nhưng lại rất phản động về ý thức chính trị.

Vì thế cho nên có thể nói phản động và bịp bợm là “loại biệt tính” của lý luận Nhân văn lý luận Tơ-rốt-skít. Chúng ta kiên quyết đập tan thứ luận điệu cơ hội đó, giữ vững nguyên lý văn nghệ của Lê-nin là nguyên lý đúng đắn nhất mà Đảng ta từ mười mấy năm nay vẫn trung thành thực hiện. Lê-nin đã chỉ cho chúng ta biết rằng: Sự nghiệp văn học phải thành một bộ phận trong toàn bộ sự nghiệp của giai cấp vô sản, phải thành “một cái bánh xe nhỏ và một cái đinh ốc” trong bộ máy xã hội chủ nghĩa do đội tiên phong hoàn toàn giác ngộ của toàn bộ giai cấp công nhân mở máy. Sự nghiệp văn học phải thành một bộ phận khăng khít của công tác Đảng xã hội dân chủ thống nhất có kế hoạch có tổ chức”.

Điều đó đặt cho Đảng vấn đề không thể coi nhẹ lãnh đạo văn nghệ, không thể tách rời thậm chí đối lập sự nghiệp văn học với sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân do Đảng lãnh đạo được. Đảng ta không thể “trả chuyên môn” về cho ai hết. Vì “chuyên môn” và chính trị là hai bộ phận khăng khít trong sự nghiệp cách mạng nói chung, không thể Đảng ta chỉ lãnh đạo về chính trị còn lãnh đạo về văn nghệ thì trả về cho những nhà chuyên môn (!) của giai cấp tư sản kiểu Nguyễn Hữu Đang, Trương Tửu… được! Cố nhiên do đặc điểm của nó, bộ phận văn nghệ không thể rập khuôn với các bộ phận khác trong sự nghiệp cách mạng, và Đảng ta trong khi lãnh đạo văn nghệ bao giờ cũng dành một phạm vi rộng rãi cho sự sáng tạo nghệ thuật cho tính chủ động của văn nghệ sĩ.

Trương Tửu nhắc đến câu này của Lê-nin và đưa lên thành một câu tiêu đề để chứng minh cho quan điểm cơ hội chủ nghĩa của Trương Tửu: Không thể chối cãi được rằng sự nghiệp văn học ít nhân nhượng hơn cả với sự bình quân máy móc, đối với việc san bằng, đối với việc số đông thống trị số ít. Không thể chối cãi được rằng trong sự nghiệp đó, phải đảm bảo phạm vi rộng rãi bao la cho sáng kiến cá nhân, cho chiều hướng cá nhân, đảm bảo phạm vi rộng rãi bao la cho tư tưởng và sức tưởng tượng, cho hình thức và nội dung”.

Nhưng Trương Tửu lại không dám trích dẫn câu Lê-nin tiếp sau đó đã nhấn trở lại “Tất cả những điều đó cũng không lật đổ cái nguyên tắc mà giai cấp tư sản và phái dân chủ của giai cấp tư sản cho là lạ lùng kỳ quái. Sự nghiệp văn học nhất định phải là một bộ phận công tác của Đảng xã hội dân chủ gắn liền chặt chẽ với các bộ phận khác.”

Chúng ta phải phê phán chủ nghĩa giáo điều máy móc vì chủ nghĩa giáo điều không bao giờ đẩy mạnh được sự nghiệp văn học nghệ thuật, phát triển được sức sáng tạo phong phú của người văn nghệ sĩ thiết tha phục vụ cách mạng, nhưng hy vọng rằng phê phán khuynh hướng giáo điều là Đảng ta mở rộng tay đón lấy chủ nghĩa xét lại, ngồi nhìn các thứ “chủ nghĩa phản bội” kiểu chủ nghĩa Tơ-rốt-skít tự do hoành hoàng, dương oai tác quái thì hy vọng đó chỉ là ngông cuồng ảo tưởng. Chúng ta nhất định phải đập tan như cám.

Chúng ta – như Lê-nin đã nói – không thể đứng khoanh tay mà để cho hỗn loạn phát triển nơi nào cũng mặc. Chúng ta phải lãnh đạo quá trình đó một cách hoàn toàn có kế hoạch và tạo nên những thành quả của nó.

Quá trình đấu tranh cho nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa là một quá trình lâu dài và phức tạp. Trước mắt chúng ta, đang diễn ra cuộc đấu tranh tư tưởng gay go và quyết liệt. Khuynh hướng tư tưởng Nhân văn – Giai phẩm không ngừng tấn công vào tư tưởng xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Chỉ có kiên quyết đứng về phía Đảng, bảo vệ những nguyên lý văn nghệ của Lê-nin, đập tan mọi luận điệu cơ hội chủ nghĩa Tơ-rốt-skít, vô chính phủ, mọi thứ chủ nghĩa xét lại, “chủ nghĩa phản bội” mới có thể xây dựng được một nền văn nghệ cách mạng chân chính. Chỉ sau khi quét sạch mọi thứ tư tưởng phản động nói trên, lật mặt nạ khiêu khích, chia rẽ, bè phái của những phần tử, của tập đoàn âm mưu phá hoại, chúng ta mới có thể nói đến việc thảo luận một cách tự do và rộng rãi các vấn đề văn học, nghệ thuật, đẩy cho văn nghệ phát triển tốt tươi lành mạnh lên được. Nếu không, các cuộc thảo luận, các hoạt động văn nghệ sẽ chỉ là những cơ hội để cho những tư tưởng phản động những phần tử khiêu khích lợi dụng làm cho lạc hướng, thậm chí lái vào con đường đen tối chống Đảng chống chế độ mà thôi. Những cuốc đấu tranh tư tưởng vừa qua đã để lại cho chúng ta nhiều kinh nghiệm mà kinh nghiệm lớn nhất là chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh, tư tưởng phản động không một lúc dễ dàng hạ khí giới và mỗi lần có cơ hội nó lại ngóc đầu dậy, tấn công khôn khéo hơn xảo quyệt hơn.

Trong cuộc đấu tranh tư tưởng hiện nay, chúng ta hãy rút lấy bài học kinh nghiệm vừa qua phất cao ngọn cờ chủ nghĩa Mác Lê-nin đoàn kết nhất trí đấu tranh kiên quyết, triệt để, cho đến lúc hoàn toàn thắng lợi.



[1]Trong bài “Lột mặt nạ khiêu khích của Nguyễn Hữu Đang” trong số sau tôi sẽ nói về điểm này. H. V.
[2] Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, Sự thật xuất bản trang 116.
[3]Muốn hiểu rõ tình hình này hơn nên xem quyển Giới thiệu văn học Xô-viết Nhà xuất bản Văn hóa xuất bản.
[4]Xem bài “Xung quanh nhóm Proletkult và nghị quyết về văn học của Đảng” của Hồng Vân trên tuần báo Văn nghệ năm 1956.
[5]Về nguyên lý chủ nghĩa Lê-nin về văn nghệ. Ở đây tôi chỉ tóm tắt, tôi sẽ nói trong phần cuối cùng.
[6]Nhóm “Đổi tiêu” là một phái chính trị tư sản đẻ ra trong số những người tư sản Nga lưu vong ngoại quốc năm 1921. Họ ra tờ tạp chí lấy tên là “Đổi tiêu”. Họ phản ánh quan điểm trí thức tư sản mong muốn chính quyền Xô-viết sẽ thoái hóa và đi vào con đường tư sản.
[7]Việc Mai-a-kốp-ski bị thành kiến đả kích là do bè lũ Tơ-rốt-skít và Bu-kha-rin-nít và đả kích chủ yếu của chúng là vì Mai-a-kốp-ski đã thiết tha phục vụ Đảng chứ không phải vì Mai-a táo bạo, nói mặt xấu của đời sống Xô-viết mà bị công kích như bài tự của Lê Đạt đã nói: H. V.
[8]Toàn tập Maiakovsky quyển 10 trang 360.
[9]Toàn tập Maiakovsky quyển 10 trang 318.
[10]André Gide (1869-1951) nhà văn Pháp, lúc đầu tiến bộ, sau chuyển biến rất nhanh thành một tên phản bội chống Liên Xô và sau thì hợp tác với phát xít Đức.
[11]Về điểm lý luận này trong bài của Hồng Chương “Kiên quyết chống chủ nghĩa xét lại trong văn nghệ” Văn nghệ số 10 đã nói kỹ. Đây chỉ nói qua. H. V.
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ, số 11, tháng 4 năm 1958 – Số đặc biệt chống tÆ° tưởng phản Ä‘á»™ng của Nhân văn –Giai phẩm, trang 26-43. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.