trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
1.2.2007
Nguyễn Khải
Những bài học của đấu tranh cách mạng
 
Dưới đề mục “Đấu tranh phê bình”, tạp chí Văn nghệ Quân đội số 5/1958 đăng liền 4 bài viết phê phán Nhân văn-Giai phẩm theo thứ tự sau đây: "Những bài học của đấu tranh cách mạng" của Nguyễn Khải, "Lời nói và việc làm của Tử Phác" của Lương Ngọc Trác, "Để rõ thêm chân tướng phản động của Trần Dần" của Hữu Mai và "Vạch thêm những hoạt động đen tối của một số cầm đầu trong nhóm phá hoại Nhân văn-Giai phẩm" của Từ Bích Hoàng. Tiếp theo bài của nhà văn Hữu Mai, xin giới thiệu tiếp với độc giả của hôm nay, nửa thế kỉ sau phong trào văn nghệ phản kháng này, bài viết của nhà văn Nguyễn Khải.
talawas
Hai cuộc hội nghị nghiên cứu về chính trị và văn nghệ do Tiểu ban văn nghệ trực thuộc Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tổ chức và lãnh đạo vừa qua có giá trị lịch sử. Nó là một cuộc cách mạng về tư tưởng trong toàn bộ cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Hội nghị đã lấy đấu tranh cách mạng làm phương châm, tư tưởng Mác-Lênin làm vũ khí, chủ nghĩa xã hội làm mục tiêu. Hơn hai tháng, những phần tử tham gia nhóm Nhân văn, có tư tưởng chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội đã phải đầu hàng chân lý của Đảng, số lớn tình nguyện gia nhập vào đội quân cách mạng; những phần tử tiêu cực có nhiều lúc đầu hàng những khuynh hướng chính trị phản động, đã nhen lại được lửa chiến đấu, cùng với những chiến sĩ gan dạ bước lên hàng đầu. Và cũng có thể lác đác một vài người nào đó đã mất hết phẩm chất chính trị của người cách mạng, vẫn còn hoang mang, hoài nghi thì hãy cứ để họ đứng đấy, sớm muộn nếu họ không thu hết can đảm mà tiêu diệt nọc độc trong mình thì nọc độc ấy sẽ quật chết họ. Nghĩa là họ cũng không thể đứng lừng chừng như vậy mãi. Trong cuộc đấu tranh cách mạng sôi sục ấy tôi đã rút ra được một vài kết luận làm bài học cho riêng tôi.


1. Văn nghệ là một mặt trận

Mặt trận văn nghệ không phải là một danh từ đọc cho kêu, mà chính là một thực tế chiến đấu. Trong cuộc đấu tranh giai cấp, cách mạng từ mặt trận đó mà xuất hiện, lên tiếng, và sau khi cách mạng thắng lợi rồi thì mặt trận văn nghệ, tư tưởng vẫn là nơi đọ gươm cuối cùng giữa ta và kẻ địch. Mấy năm vừa qua bọn đầu sỏ phá hoại đã âm mưu bước lên vũ đài chính trị bằng cái cửa ngách văn học nghệ thuật. Phát lệnh đầu tiên của chúng là: cho được tự do phê bình đường lối lãnh đạo văn nghệ của Đảng, phê bình một số cán bộ lãnh đạo của Đảng. Một số đồng chí chúng ta vẫn vô tư: “Vâng, xin mời các anh cứ mạnh dạn góp ý kiến”. Bọn chúng mạnh dạn hơn thật, tạo nên “vụ án văn học Trần Dần”; đánh dấu hỏi: chế độ này có đảm bảo được tư do sáng tác cho văn nghệ sĩ không? Đã có nhiều đồng chí mủi lòng quay lại trách lãnh đạo: “Sao ta không chịu sửa sai nhanh lên để người sáng tác được yên tâm, không khí văn nghệ được thoải mái, vui vẻ”. Lập tức bọn chúng hô lớn khẩu hiệu: Trăm hoa đua nở, đảm bảo các xu hướng nghệ thuật tự do phát triển, thổi phồng “tính chất riêng biệt của văn nghệ”, “chính trị văn nghệ cùng đi song song”. Đến lúc ấy thì khá nhiều người vỗ tay hoan nghênh: “một giai đoạn văn học nghệ thuật mới đã mở ra trước mắt”. Thế là thời cơ thuận lợi nhất của bọn phá hoại đã đến, chúng công khai quẳng tấm áo nghệ thuật giả hiệu – nhưng cũng đã làm lóa mắt một số người – phất cờ gióng trống quảng cáo những luận điệu chính trị phản động, đề xướng “đường lối riêng tiến lên chủ nghĩa xã hội” “không theo Nga, chẳng theo Mỹ”, kêu gọi biểu tình để lật đổ “bộ máy quan liêu hiện hành”, nhăm nhe mưu đồ vương bá. Báo Nhân văn bị đóng cửa, âm mưu chính trị của chúng bị vỡ lở, thất bại. Nguyễn Hữu Đang rút về làm “cố vấn tối cao” cho nhà xuất bản Minh Đức, ngày đêm bày mưu tính kế chuẩn bị một thời cơ thuận lợi nào sẽ đến. Trương Tửu, Trần Đức Thảo lợi dụng diễn đàn trường đại học công khai truyền bá tư tưởng chính trị Tờ-rốt-kít, gấp rút đào tạo chân tay. Phan Khôi ăn lương thân sĩ, cơm rượu ngày hai bữa, làm “thơ luân lưu” chửi Đảng, chửi chế độ. Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt cuộn khúc trong các tổ chức văn học, rèn một loạt “dao hai lưỡi”, nung nấu chí phục thù, khiêu khích, chia rẽ, đánh kéo những phần tử yếu bóng vía. Trong tình hình nghiêm trọng ấy, đáng nhẽ chúng ta phải nêu khẩu hiệu: “Quét sạch tư tưởng thù địch của nhóm Nhân văn-Giai phẩm” thì có người lại kêu gọi: “Sáng tác trước hết, sáng tác trên hết, lấy sáng tác mà đấu sáng tác”. Đáng nhẽ chúng ta phải giám sát chặt chẽ các cơ quan xuất bản, báo chí, ngăn ngừa những nọc độc của chúng từ đấy phun ra, thì có người lại đề xướng: “tái bản sách cũ, tái bản tất cả, phải tin ở sự sáng suốt của quần chúng”. Đáng nhẽ chúng ta phải ủng hộ những đồng chí đã kịp thời vạch trần những luận điệu lập lờ hai mặt chửi Đảng, chửi chế độ trong các sáng tác của bọn Nhân văn, thì có người lại làm ra “nhân đạo”, oán trách: “Đừng nên thành kiến với anh em có sai lầm, phải tôn trọng sự sáng tạo nghệ thuật của họ”. Thế là tình hình đã thành ra như sau: một số cơ quan văn nghệ tuy danh nghĩa là của Nhà nước, nhưng lại thực hiện khá nhiều chủ trương chống lại Nhà nước; tiếng nói chính thống trong các cơ quan ấy không phải là tiếng nói của Đảng, mà lại là những tiếng nói chống Đảng; những người có quyền không phải là chúng ta mà hóa ra lại nằm trong tay bọn phá hoại. Từ chỗ ấy bọn chúng đã thổi khúc dạo đầu của bài kèn tiến quân công phá vào sự nghiệp vĩ đại của nhân dân, của Đảng. Kể đến bây giờ mới vỡ lẽ những mưu mô nguy hiểm của nhóm phá hoại Nhân văn-Giai phẩm thì cũng hơi muộn, nhưng bài học rút ra từ đấy sẽ không bao giờ quên được. Quả thật văn nghệ là một mặt trận, văn nghệ sĩ là một đội quân, sách báo, sân khấu là nơi tác chiến. Nếu tư tưởng xã hội chủ nghĩa không chiếm lĩnh trận địa thì tư tưởng tư sản phản động sẽ chiếm lĩnh, nếu tư tưởng Đảng không chiếm lĩnh thì tư tưởng chống Đảng, chống Nhà nước sẽ chiếm lĩnh, nếu mặt trận văn nghệ bị bỏ lơi thì các mặt trận khác sẽ chịu tổn thất nặng nề. Cuộc chiến đấu quyết liệt ấy chắc chắn còn phải dài lâu, ít ra cũng phải mất vài chục năm nữa mới có thể kết thúc được.


2. Đoàn kết tiểu tư sản và đoàn kết cách mạng

Muốn đoàn kết với nhau được thực thà thì phải đấu tranh, đấu tranh để thống nhất lý tưởng thì sự đoàn kết mới lâu dài được. Câu ấy nghe như cũ, nhưng hiểu được nó không phải là dễ, không phải ai cũng hiểu như ai. Trong giới văn nghệ có một vài đồng chí thực hiện đoàn kết trên cơ sở nhận thức chính trị như thế này: mọi người chung quanh ta đều có lòng lành cả, họ có thể có khuyết điểm này nọ ta nên tha thứ, hoặc dùng lời lẽ phải chăng mà bảo ban, không nên làm mếch lòng nhau. Họ mời nhau đi uống nước chè, ăn bún bung, đọc sách ngâm thơ cùng nhau, cười nói vui vẻ. Nhưng khốn một nỗi xã hội ta chưa phải đã “hòa cả làng” như vậy, chưa phải mọi người đều đã một lòng ủng hộ Đảng Lao động, ủng hộ chủ nghĩa xã hội. Vì nếu mọi người đều là ta cả thì cách mạng cũng không còn nữa. Cho nên anh vui vẻ với họ, nhưng họ lại lợi dụng sự “chín bỏ làm mười” của anh để lợi dụng anh thực hiện ý định xấu của họ. Kết quả tai hại đã đến như sau: hôm đầu anh và họ, cả hai đều hoan hỉ nhận định “Đảng ta lãnh đạo tài tình”. Hôm thứ hai chỉ có anh nói còn họ ngồi im. Hôm thứ ba họ nói “Đảng Lao động lãnh đạo tồi”, và hôm thứ tư thì chính mồm anh lắp lại: “Đảng lãnh đạo tồi thật!”, còn họ thì không cần nói gì cả và chỉ nhìn anh mủm mỉm cười. Quả nhiên hai người vẫn đoàn kết với nhau, nhưng là đoàn kết trên những nguyên tắc của họ đặt ra, chứ không phải trên những nguyên tắc của Đảng. Nghĩa là anh đã bị họ giắt mũi lúc nào không biết, trong khi đó có ai phê bình anh hữu, theo đuôi thì anh lại to mồm cãi lại “Vì tôi mà quần chúng mới đi theo Đảng”. Phân tích hiện tượng trên tôi thấy thế nào – Theo ý tôi thì anh tiểu tư sản thích đoàn kết trên sinh hoạt, chứ không thích đoàn kết trên lý tưởng. Một tách cà-phê, một chén trà tầu, một múi cam, một bó rau húng thú vị hơn là sự sinh hoạt tư tưởng trong cơ quan. Biếu nhau một cái áo cho con, chăm nom giúp nhau lúc vợ đẻ con ốm thấy nghĩa nặng ơn sâu hơn là sự giúp đỡ nhau nhìn rõ những sai lầm, kiên quyết cải tạo tư tưởng. Nhưng sự thực thì lại chính cái việc đấu tranh tư tưởng với nhau mới là nghĩa nặng ơn sâu, vì nó quyết định sinh mệnh chính trị và sự nghiệp sáng tác của nhau. Cho nên muốn làm bạn với nhau thì nhất định phải cùng là đồng chí, muốn cùng một chí hướng thì phải đấu tranh với những sai lầm của nhau trên nguyên tắc của Đảng. Ta có thể và nên nhân nhượng, tha thứ cho nhau trong sinh hoạt, nhưng phải nghiêm khắc bảo vệ sự thống nhất tư tưởng, chứ không phải là “thống nhất về sinh hoạt còn tư tưởng khác biệt cũng được, đó là quyền tự do của mỗi người, không hề gì!”.


3. Sự phá sản của “chủ nghĩa hoài nghi”

Cũng có thể nói hoài nghi là đặc điểm của trí thức (Trí thức của xã hội cũ chưa được cải tạo). Vì trí thức xuất thân ở giai cấp tiểu tư sản. Mà bản thân tiểu tư sản là cái loại “gió thổi chiều nào che chiều ấy”, tư sản mạnh thì theo tư sản, vô sản mạnh thì theo vô sản. Trong cuộc đấu tranh giai cấp anh tiểu tư sản thường thường lơ lửng ở giữa, nghe ngóng, không hẳn nhập vào cách mạng, mà cũng không dám phản cách mạng, lý tưởng không xác định rõ ràng, khi thế này khi thế khác. Hẳn như thằng tư sản thì lúc nào nó cũng dứt khoát phải chống cách mạng, nhất sống nhị chết; hoặc hẳn như người vô sản lúc nào cũng kiên quyết phấn đấu cho cách mạng tiến lên, tiêu diệt mọi lực lượng đối địch. Những năm vừa qua cũng chứng minh rằng: tiểu tư sản không thể đứng giữa được nữa, hoặc là phản cách mạng thành phần tử tư sản phản động, hoặc một lòng một dạ đi theo cách mạng, thành người vô sản, dần dần xóa bỏ tính chất giai cấp gốc rễ của mình. Ngay đến bây giờ từ trong hàng ngũ cách mạng vẫn tách ra một số người tiểu tư sản nào đó, họ dùn chân lại một chỗ, mắt lơ láo, tai nghe nghóng, bụng phân vân không hiểu con đường cách mạng đương đi kia thật đúng hay không, hay còn một chân lý nào khác. Rút lại họ chỉ là những anh muốn trở về lối cũ, muốn nhập bọn với kẻ thù của chủ nghĩa xã hội. Điều đó cũng dễ hiểu, vì anh tiểu tư sản đi với vô sản rất khó, phải cải tạo tư tưởng nhọc mệt, phải dứt đi những thói quen những cá tính xấu, nhưng có làm được thế anh mới có lối thoát. Còn đi với tư sản thì thú vị hơn nhiều, không những không phải cải tạo tư tưởng mà còn được phát triển những dục vọng, những cá tính, những thói quen của mình lên cao độ, nhưng đấy chỉ là “cái lợi” cho anh trước mắt, còn nhìn về lâu dài thì anh đã bắt đầu choàng dây thòng lọng vào cổ rồi. Những người muốn quay trở lại ấy lấy cớ là “trí thức cần hoài nghi, không nên tin mù quáng” để hợp pháp hoá sự sa đoạ tư tưởng của họ. Thử xem họ hoài nghi những cái gì? Đảng nói: “tư tưởng của nhóm Nhân văn là tư tưởng chính trị phản động”. Họ nói: “cường điệu, nhóm Nhân văn là nhóm hoạt động nghệ thuật”. Đảng nói: “Cách mạng vô sản phải do Liên Xô đứng đầu, lãnh đạo”. Họ nói: “Sùng bái, đầu óc nô lệ, ta theo con đường của ta”. Nhưng khi giai cấp tư sản phát ngôn: phải chiếu cố tư sản, phải để các xu hướng nghệ thuật tự do phát triển, không nên quá tin ở Liên Xô, thì nhất nhất họ đều khen: - đúng, hay, phải, ý kiến độc đáo! – Thế nghĩa là gì? Đảng là một tập thể sáng suốt nhất bảo họ, họ không nghe, nhưng khi bọn tư sản là giai cấp phản động, thối nát (trên lý luận họ cũng biết như thế) bảo họ những điều rất nghịch tai thì họ tin ngay lập tức, không hoài nghi một chút nào. Chẳng qua cái tâm của họ vẫn là cái tâm tư sản. Họ biện bạch “để tôi được tự do tư tưởng” cũng chỉ là để họ được tự do nhập bọn với tư sản, chống lại Đảng. Nếu cứ giữ cái kiểu hoài nghi như thế thì có thể bây giờ họ chưa chống Đảng, nhưng nay mai họ sẽ chống Đảng, làm đày tớ cho giai cấp tư sản. Vì những người đi vào con đường chống Đảng đều bắt đầu bằng sự hoài nghi như thế cả.


4. “Nhân vật vĩ đại” hay là cái cá nhân to tướng

Tôi xin mô tả “nhân vật vĩ đại” của phong trào “sáng tạo nghệ thuật” trong mấy năm vừa qua. Sự thúc đấy đầu tiên trong anh ta không phải là chuyện tìm tòi một hình thức nghệ thuật khả dĩ thể hiện nổi cái cuộc sống phong phú mãnh liệt của chúng ta hiện nay, mà là sự suy nghĩ về nội dung của thực tế. Thực tế này đẹp hay là xấu, con đường ta đi đúng hay là sai, Đảng lãnh đạo tài hay là tồi. Rõ ràng đó là sự suy nghĩ về chính trị chứ đâu có phải là sự tìm tòi về nghệ thuật. Nếu anh ta muốn làm chính trị thì đó là điều hay lắm. Vì muốn là một nghệ sĩ lớn phải là một nhà tư tưởng lớn, một nhà hoạt động chính trị lớn. Nhưng anh ta làm chính trị như thế nào? Điều chắc chắn là anh ta không thèm nghiên cứu thực tế, nhất là cũng không thèm biết trong xã hội ta hiện nay ai đương đấu tranh với ai, và ai sẽ thắng. Anh ta nhìn thực tế bằng con mắt “thiên tài” của mình, bằng sự suy nghĩ chủ quan của mình. Vậy cái chủ quan của anh là cái chủ quan gì? Anh đương bất mãn. Bất mãn về tình yêu: tại sao Đảng không cho tôi được yêu tự do, muốn bỏ ai thì bỏ, muốn lấy ai thì lấy. Bất mãn về đời sống: tại sao Đảng không cho tôi được ăn sung mặc sướng, ô-tô nhà lầu, vì tôi đã cống hiến sức lực tài năng cho cách mạng bao nhiêu năm nay. Bất mãn về địa vị: tại sao người này lại được đề bạt, còn tôi Đảng vẫn để đấy. Đứa “tài hèn” lại làm cấp trên đứa “tài cao”. Từ đó anh rút ra những kết luận, đề lên thành nguyên lý: “Đảng chỉ biết lo cái dạ dày còn không biết chăm sóc tình cảm; cách mạng thắng lợi thì chỉ có Trung ương là sướng còn để mặc quần chúng đói khổ, Trung ương xa rời quần chúng, trở lại bóc lột, thống trị quần chúng; đứa nào nịnh nọt thì được đề bạt, ai ngay thẳng thì bị ruồng bỏ, đứa ngu trị đứa khôn, cấp trên thối nát, kẻ dưới trong sạch”. Cái thứ lý luận nguy hiểm trên đã trở lại vuốt ve anh, phỉnh nịnh anh, bợ đỡ những sai lầm của anh, và dồn trách nhiệm vào Đảng. Nó trở thành những luận điểm chính trị để anh nhìn cuộc đời, định giá trị sự việc, tìm hiểu tình hình. Tức là anh đã đứng trên một quan điểm nào khác với quan điểm của Đảng, có thể gọi trắng ra là anh đã đứng trên quan điểm của giai cấp tư sản. Cái đầu, cái mắt của anh đã làm nô lệ cho tư sản rồi nhưng mồm anh vẫn gào to: “Tôi chống lại những tệ lậu của xã hội, phấn đấu cho chủ nghĩa cộng sản. Tôi là một người cộng sản không Đảng, một người cộng sản chân chính hơn ai hết”. Khi đã đứng trên lập trường khác thì anh không thể đồng tình với Đảng được một điểm nào. Đảng bảo đúng, anh nói sai. Đảng bảo thế là phải, anh cãi thế là trái. Anh nhìn cái gì cũng lộn ngược, nhưng lại cảm thấy mình đã phát hiện ra được bao nhiêu điều mới mẻ mà từ trước Đảng không dám nói bao giờ. Đấy là tâm trạng của một anh trồng cây chuối ngược để nhìn đời và chê bai mọi người tại sao lại không thấy được như mình. Ai đồng tình với anh thì là bạn tri kỷ, là người có trí lớn mà bị xã hội bạc đãi, ai đấu tranh với anh thì anh chửi là dốt, bảo thủ, quan liêu. Do đó anh thả cửa nói xấu các lãnh tụ của Đảng, của nhà nước, của cả thế giới vô sản nữa, mà lương tâm không hề cắn rứt mảy may. Tâm trạng luôn luôn u uất, buồn nản, đen tối, tư tưởng rối loạn vì những kích thích, những dục vọng, sinh hoạt buông trôi, trụy lạc. Đấy là điều cắt nghĩa tại sao từ một con người theo cách mạng theo kháng chiến viết được những bài thơ hay, áng văn tốt, trở thành một anh đi hút thuốc phiện, trai gái đĩ điếm, xem bói tướng và đã nghĩ đến chuyện tự tử. Nhân vật vĩ đại đáng thương kia ơi! Rõ là anh còn xa lắm mới được là một người công dân bình thường của chế độ ta, anh đã trở thành một phần tử chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội. Rõ ràng rằng không phải là Đảng đã “tha hóa” mà chính anh đã rơi vào cái hố trụy lạc của giai cấp tư sản. Rõ ràng không phải là anh cứu vớt Đảng mà chính Đảng đương đưa bàn tay đầy thương yêu và độ lượng ra đỡ lấy anh, rửa ráy anh, đặt anh vào hàng ngũ những người cách mạng do Đảng lãnh đạo.


5. Đi theo Đảng thì sống, rời sự lãnh đạo của Đảng thì chết

Phải có kinh nghiệm xương máu mấy năm vừa qua mới có thể kết luận dứt khoát được như trên. Bây giờ không ai còn nghĩ đến bàn sự quan hệ giữa văn nghệ và chính trị nữa, vì sự thực đã chứng minh quá rõ: chẳng có thứ nghệ thuật nào không có chính trị cả, chính trị là mục đích và nội dung của nghệ thuật. Chỉ có điều nên bàn: theo nghệ thuật của chính trị tư sản hay theo nghệ thuật của chính trị vô sản. Mấy năm vừa qua đã có một số người đi theo thứ chính trị của giai cấp tư sản rồi (mà họ lầm tưởng là thứ chính trị của riêng họ, do họ phát minh ra). Kết quả về sáng tác thì mất chân thực, phản bội lại đời sống, đi vào cái riêng tư u uất buồn nản chán chường của cá nhân, và cuối cùng vẫn là chửi lại Đảng, chửi quần chúng, chửi chế độ. Tác dụng của những sáng tác đó là: quần chúng bảo nhau nếu có dịp gặp những tác giả ấy thì họ sẽ trị tội. Vậy chỉ có cách đi theo đường lối chính trị của vô sản. Có thể và nhất định phải mệt nhọc hơn. Vì muốn sáng tác tốt thì phải nhìn đời cho đúng, phải gây được cái hào hứng cách mạng trong mình, phải yêu cái đời sống hiện nay và tình nguyện sống chết với đời sống tốt đẹp đó. Được thể thì lại phải cải tạo tư tưởng, cải tạo lối sống. Khó nhưng nhất định phải làm nếu không muốn tụt lại, không muốn bế tắc. Có thể năm nay tôi sáng tác vẫn tồi, vẫn công thức, sơ lược, sang năm cũng thế, vài ba năm nữa cũng vẫn thế, thậm chí hàng chục năm nữa vẫn chưa ra được một tác phẩm nào theo ý mình mong muốn. Sự lâu dài đó rất tất nhiên, vì muốn tốt đâu có phải chuyện dễ, nhưng tương lai thì nhất định sẽ sáng tác tốt được, vì con đường mình đi là con đường duy nhất đúng, không có con đường nào khác. Nếu anh nào mới cầm bút mà đã nhăm nhăm định nổi tiếng, làm ăn tắt thì sẽ chết ngay. Vì nếu muốn gây tiếng tăm cũng dễ, chỉ phải cái là không lương thiện. Chẳng hạn như Trần Dần, Lê Đạt mở đầu sự nghiệp lẫy lừng của mình bằng bài thơ “Nhất định thắng”, “Nhân câu chuyện mấy người tự tử”. Nhưng nổi tiếng vì sự nguyền rủa thì thật không hay một chút nào. Danh lợi là cái cửa hấp dẫn nhất để nhử ta vào con đường đồi trụy của giai cấp tư sản.

Tôi nghĩ: Đảng bảo văn nghệ sĩ nên và cần thiết chịu sự lãnh đạo của Đảng, đâu có phải Đảng muốn bắt ta làm nô lệ cho Đảng, kỳ thực chỉ là mong muốn cho ta trở thành những người văn nghệ chân chính, đem hết sức mình, tài mình phục vụ cho sự nghiệp cách mạng. Đảng mong văn nghệ sĩ nên lấy tư tưởng của Đảng làm tư tưởng tác phẩm đâu có phải là Đảng độc đoán, tiêu diệt sự sáng tạo của cá nhân, mà chính vì tư tưởng của Đảng là tư tưởng lớn nhất của thời đại. Đảng yêu cầu văn nghệ sĩ đi vào thực tế đấu tranh của quần chúng, phục vụ những nhiệm vụ trung tâm của cách mạng, đâu có phải Đảng tầm thường hóa công tác nghệ thuật, mà chính vì muốn ngòi bút của ta là một vũ khí, tác phẩm của ta rừng rực bốc cháy lửa chiến đấu, nâng cao thêm tính tích cực và tính cải tạo xã hội của tác phẩm. Đó là vì muốn đề cao vị trí chiến đấu của ta, nhận thấu tác dụng mạnh mẽ của nghệ thuật. Có thể tóm tắt ta với Đảng tuy hai mà một, hay nói cho chính xác hơn, Đảng là cái phần lương tâm, phần lý tưởng, phần người trong ta. Đảng kêu gọi tức là lương tâm và lý tưởng ta thúc giục. Khi nào ta thấy Đảng như xa ta, gượng gạo khi nhắc đến Đảng, thậm chí thù hằn Đảng thì chắc chắn là cái phần đê hèn, phần thú tính (tức là cái chất tư tưởng tư sản bế tắc) đã nổi loạn và nắm chính quyền ở trong ta rồi.


*


Trải qua một cuộc cách mạng về tư tưởng tôi tỉnh ra nhiều lắm, học được nhiều điều thấm thía như máu thịt, mà tôi chắc chỉ đọc sách thì dù thiên kinh vạn quyển cũng không thể làm mình mở mắt ra như vậy được. Nhân đây cũng lại có một bài học nữa: nên đọc sách nhưng càng nên tham gia đấu tranh cách mạng, có đấu tranh trong thực tế thì mình mới có vốn để hiểu và để tiêu sách vở. Đừng làm anh mọt sách, vì anh mọt sách chung quy chỉ là một anh gàn, chỉ tổ làm phiền người khác, chứ chẳng giúp ích gì cho ai.

4-4-58

Nguồn: Văn nghệ Quân Ä‘á»™i, số 5 (tháng 5-1958), tr. 49-53. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.