trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
3.10.2005
Milovan Djilas
Giai cấp mới
10 kì
Phạm Minh Ngọc dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11 
 
Đặc điểm của cách mạng


1.

Những ai đã từng biết, dù không nhiều, lịch sử của các nước đã từng diễn ra các cuộc cách mạng cộng sản đều thấy rằng ở đấy từng tồn tại nhiều đảng phái không hài lòng với hiện tình của đất nước. Nổi bật nhất là nước Nga, nơi đảng thực hiện thành công công cuộc cách mạng không phải là tổ chức cách mạng duy nhất vào thời điểm đó.

Đảng cộng sản không chỉ có thái độ cách mạng đối với hiện tình đất nước mà còn là lực lượng tỏ thái độ kiên quyết nhất, nhất quán nhất của tư tưởng cải tạo xã hội theo hướng công nghiệp hoá. Trên thực tế, đấy chính là sự tiêu diệt một cách triệt để quan hệ sở hữu cũ - lực cản trên đường dẫn đến mục đích đã được lựa chọn. Không có đảng nào có thái độ quyết liệt như vậy đối với quan hệ sở hữu, không có đảng nào có xu hướng công nghiệp hoá đến như vậy.

Nhưng ta vẫn chưa thể hiểu tại sao các đảng đó phải ghi vào cương lĩnh của mình là các đảng xã hội chủ nghĩa.

Trong điều kiện lạc hậu của nước Nga Sa Hoàng, sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa không những không có khả năng tiến hành công nghiệp hoá mà còn là lực cản đối với quá trình công nghiệp hoá. Vì quan hệ sở hữu này đang nằm trong một nước với những di sản năng nề của chủ nghĩa phong kiến và trong một thế giới, nơi các nước tư bản chủ nghĩa không muốn nhả khu vực nguyên liệu rộng lớn và một thị trường đầy tiềm năng khỏi tay mình.

Phù hợp với quá khứ của mình, nước Nga Sa Hoàng không bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp. Nga là nước duy nhất ở châu Âu không biết đến phong trào Cải cách tôn giáo và Phục hưng, không có các thành phố châu Âu trung cổ. Và cái đất nước lạc hậu ấy, cái đất nước nửa nông nô với chính quyền độc tài chuyên chế và chế độ tập trung quan liêu ấy đã bị ném vào vòng xoáy của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa thế giới, vào mạng lưới của các trung tâm tài chính quốc tế.

Lenin trong tác phẩm Chủ nghĩa đế quốc, giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản đã đưa ra các số liệu chứng tỏ rằng ba phần tư tài sản của các ngân hàng lớn nhất tại Nga là do tư bản nước ngoài kiểm soát. Trotsky trong tác phẩm Lịch sử cách mạng Nga nhấn mạnh rằng người nước ngoài nắm giữ 40% cổ phiếu của nền công nghiệp Nga, mà trong các lĩnh vực quan trọng thì tỉ lệ này còn cao hơn. Rõ ràng là người nước ngoài cũng nắm giữ phần cốt yếu trong các ngành kinh tế chính của Nam Tư nữa. Bản thân những thí dụ này không chứng tỏ được điều gì nếu không có sự kiện là trong khi tư bản nước ngoài buộc các nước này đóng vai trò nguồn cung cấp nguyên liệu và nhân công rẻ mạt lại làm mọi cách nhằm ngăn chặn các nước đó phát triển. Trên thực tế người ta đã tiến hành chính sách giữ cho các nước đó ở mãi trong tình trạng chậm tiến, thậm chí làm thoái hoá cả một dân tộc.

Như vậy là một đảng nào đó nhận trách nhiệm tiến hành cách mạnh, thì về mặt đối nội nó phải tiến hành chính sách chống tư sản, và về đối ngoại phải chống đế quốc.

Tư sản dân tộc còn rất non yếu, chỉ đóng vai trò tay sai, đóng vai kẻ thừa hành chính sách của tư bản nước ngoài mà thôi. Gắn bó máu thịt với cuộc cách mạng công nghiệp hoá không phải là giai cấp tư sản mà chính là giai cấp vô sản, giai cấp xuất hiện do việc bần cùng hoá ngày càng nhiều tầng lớp nông dân. Nếu việc tiêu diệt sự bóc lột dã man là vấn đề sống còn của những người đã trở thành vô sản thì công nghiệp hoá lại là vấn đề sống còn của những người nông dân đang sắp trở thành vô sản. Để có thể đồng thời thể hiện được quyền lợi của cả hai nhóm này, phong trào phải đưa ra các tư tưởng, khẩu hiệu và lời hứa có xu hướng chống tư sản, nghĩa là xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, đảng cách mạng không thể tiến hành cách mạng công nghiệp hoá mà không tập trung vào tay mình toàn bộ nguồn nội lực, mà trước hết là những nguồn lực thuộc quyền sở hữu của tư bản địa phương đang bị quần chúng căm ghét vì bị bóc lột thậm tệ và bị đối xử một cách vô nhân đạo. Đảng cách mạng cũng phải có thái độ tương tự đối với tư bản ngoại quốc.

Các đảng phái khác không có và cũng không thể có cương lĩnh tương tự như vậy. Tất cả các đảng phái này đều bị quá khứ đè nặng, đều muốn giữ lại các quan hệ đã trở nên trì trệ hoặc trong trường hợp tốt nhất thì cũng chỉ muốn tiến lên một cách chậm chạp, một cách hoà bình mà thôi. Các đảng có xu hướng chống tư bản, thí dụ những người xã hội-cách mạng Nga kêu gọi quay trở lại với đời sống nông nghiệp bán khai. Còn cương lĩnh của những người xã hội chủ nghĩa, thí dụ như những người menshevik Nga, cuối cùng cũng chỉ là loại bỏ bằng vũ lực các cản trở cho sự phát triển tư bản chủ nghĩa vì họ cho rằng chỉ có chủ nghĩa tư bản phát triển mới tạo tiền đề để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nhưng ở đây vấn đề lại hoàn toàn khác: đối với các nước này việc quay trở lại hay phát triển tư bản chủ nghĩa đều không thực tế, đều không thể thực hiện được.

Chỉ có đảng cổ động cho cuộc cách mạng chống tư bản và tiến hành công nghiệp hoá nhanh chóng đất nước mới có cơ may giành được thành công. Đấy rõ ràng phải là đảng hành động theo các nguyên lí của chủ nghĩa xã hội. Trong những điều kiện có sẵn như thế, đảng này, về mặt tư tưởng phải dựa vào học thuyết, một mặt, nhấn mạnh rằng công nghiệp hoá là tiến bộ và không thể đảo ngược được và mặt khác nhấn mạnh rằng cách mạng nhất định sẽ nổ ra. Lí thuyết ấy đã có sẵn rồi, chỉ cần cải biến nó cho phù hợp là xong. Đấy là chủ nghĩa Marx, khía cạnh cách mạng của chủ nghĩa Marx. Dựa vào chủ nghĩa Marx cách mạng cũng như phong trào xã hội chủ nghĩa châu Âu đối với đảng ấy là điều tự nhiên cũng như sau này, trong quá trình phát triển của cách mạng và sự biến đổi về cơ cấu trong các nước tư bản phát triển, nó nhất định sẽ li khai với các đảng xã hội chủ nghĩa châu Âu vì các đảng này đã chuyển sang con đường cải cách. Để tiến hành cách mạng và công nghiệp hoá một cách nhanh chóng phải cần rất nhiều hi sinh, cần phải có những cuộc thanh trừng dã man, lí trí không thể nào tưởng tượng nổi, để buộc người ta tin vào lời hứa “xây dựng thiên đàng trên trái đất”. Tiến theo nguyên tắc chung đó, theo con đường có ít chống đối nhất đó, rời bỏ các quan điểm mác-xít và xã hội chủ nghĩa, những người thực thi cách mạng và công nghiệp hoá vì mục đích thực tiễn đã quên các nguyên lí đó, đã thay chúng bằng những điều ngược lại, nhưng cũng không chối bỏ hoàn toàn được chúng.

Chiến thắng của những người cộng sản (bolshevik) Nga không có liên quan gì đến tính khoa học của các quan điểm của họ. Nếu tính khoa học là sự nhận biết xu hướng phát triển của cách mạng và công nghiệp hoá thì phải nhận rằng đảng bolsevik đúng là một đảng có quan điểm khoa học. Nhưng như thế thì cũng phải nói rằng bất cứ đảng nào nắm được xu thế phát triển cũng đều là đảng có quan điểm khoa học cả.

Chủ nghĩa tư bản, các quan hệ tư bản chủ nghĩa là những hiện tượng tất yếu, phù hợp với mức độ phát triển của xã hội, cũng như bất kì hình thức nào khác mà nhờ đó xã hội thể hiện được các nhu cầu thường trực cũng như khát vọng mở rộng và hoàn thiện nền sản xuất của mình. Tại nước Nga, chủ nghĩa tư bản đã cản trở qui luật này, trong khi ở nước Anh nửa đầu thế kỉ XIX nó chính là lực lượng bảo đảm cho qui luật đó vận hành. Ở Anh muốn đưa nền sản xuất lên một tầng cao mới giai cấp tư sản bắt buộc phải thủ tiêu tầng lớp nông dân, nhưng ở Nga thì chính các chủ doanh nghiệp (nghĩa là các nhà tư sản) lại là nạn nhân. Qui luật vẫn bảo toàn dù hình thức thể hiện có khác và với những diễn viên khác.

Chủ nghĩa xã hội, trong hệ tư tưởng là các khẩu hiệu, những hứa hẹn và những lời có cánh, còn trong thực tế là một hình thức quyền lực và sở hữu đặc thù, trong những hoàn cảnh cụ thể, ở mức độ phát triển sản xuất cụ thể, tự đứng ra nhận trách nhiệm tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp hoá, nhận trách nhiệm cải tiến và mở rộng sản xuất cũng là một sự kiện tất yếu.


2.

Tất cả các cuộc cách mạng trước đây xảy ra là để phá bỏ hệ thống chính trị cản trở sự phát triển của các quan hệ sản xuất đã trở thành chủ đạo trong xã hội. Các cuộc cách mạng đó không thực hiện điều gì khác ngoài việc phá vỡ các cơ cấu chính trị lỗi thời và dọn đường cho các lực lượng và quan hệ sản xuất đã phát triển đầy đủ trong lòng xã hội cũ. Trong những trường hợp khi các nhà cách mạng (những người Jacobin đứng đầu là Robespierre và Saint-Just trong cách mạng Pháp) định dùng các phương tiện bạo lực để tạo lập những quan hệ kinh tế - xã hội mới, thì hành động của họ không tránh khỏi thất bại và chính họ cũng sẽ nhanh chóng bị loại bỏ.

Trong tất cả các cuộc cách mạng trước, sự đàn áp và vũ lực chỉ là hậu quả, là phương tiện trong tay của các lực lượng và quan hệ kinh tế - xã hội đã nắm quyền chủ đạo; và nếu trong cao trào của cách mạng họ có sử dụng vũ lực một cách thái quá thì cuối cùng họ cũng buộc phải trở về với thực tế và khuôn khổ cho phép. Đàn áp và khủng bố dù có vai trò tất yếu thì cũng chỉ là hiện thượng có tính nhất thời.

Theo những điều đã trình bày ở trên, cũng như do những hoàn cảnh riêng biệt đặc thù, tất cả các cuộc cách mạng, dù được tiến hành từ “dưới lên” như ở Pháp hay từ trên xuống như dưới trào Bismark ở Đức, thì cuối cùng các cuộc cách mạng ấy nhất định phải dẫn tới dân chủ về chính trị. Dễ hiểu là vì sao: “công việc chủ yếu” của các cuộc cách mạng đó là phá vỡ hệ thống chính trị chuyên chế lỗi thời, nghĩa là tạo dựng lên các quan hệ chính trị phù hợp các nhu cầu kinh tế và các nhu cầu khác vốn đã chín muồi, phù hợp với nền sản xuất hàng hoá tự do.

Các cuộc cách mạng cộng sản hiện đại được tiến hành trong một hoàn cảnh khác hẳn.

Chúng được thực hiện không phải như một cuộc chuyển tiếp sang – ta gọi là quan hệ kinh tế xã hội chủ nghĩa – các quan hệ đã chín muồi, còn quan hệ tư bản thì đã “chín nẫu” rồi, mà ngược lại, được tiến hành ngay khi chủ nghĩa tư bản còn chưa phát triển, chưa sẵn sàng cho công cuộc công nghiệp hoá toàn bộ đất nước.

Tại Pháp, chủ nghĩa tư bản đã nắm thế thượng phong trong kinh tế, trong các quan hệ xã hội và ngay cả trong nhận thức của người dân từ rất lâu trước khi cách mạng nổ ra. Không thể nói như thế về sự chín muồi của chủ nghĩa xã hội ở Nga, ở Trung Quốc hay Nam Tư được.

Ngay các lãnh tụ cách mạng cũng nhận thức được điều đó. Ngày 7 tháng 3 năm 1918, giữa cao trào cách mạng, Lenin đã nhắc đến chuyện này tại đại hội bất thường lần thứ VII của Đảng cộng sản Nga như sau:

“… Một trong những khác biệt chủ yếu của cách mạng tư sản và cách mạng xã hội chủ nghĩa là đối với cách mạng tư sản vốn thoát thai từ chủ nghĩa phong kiến, trong lòng của chế độ cũ đã hình thành dần dần các tổ chức, các tổ chức đó biến đổi một cách từ từ tất cả các mặt của chế độ phong kiến… Trong khi thực hiện nhiệm vụ này, mọi cuộc cách mạng tư sản chỉ làm mỗi một việc: đẩy nhanh sự phát triển của chủ nghĩa tư sản.

Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở một vị thế hoàn toàn khác. Do những dích dắc của lịch sử, đất nước tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa càng lạc hậu thì giai đoạn chuyển tiếp từ quan hệ tư bản chủ nghĩa sang quan hệ xã hội chủ nghĩa sẽ càng khó khăn…

Sự khác nhau giữa cách mạng xã hội chủ nghĩa và cách mạng tư sản là trong trường hợp sau đã có sẵn các hình thức quan hệ tư bản chủ nghĩa, còn đối với chính quyền Xô Viết, chính quyền vô sản thì các quan hệ này chưa có sẵn, nếu không kể đến các hình thức quan hệ tư bản đã phát triển, thực ra các quan hệ này mới bao trùm phần chóp bu không đáng kể của nền công nghiệp, nó hoàn toàn chưa đụng chạm gì đến ngành nông nghiệp cả”.

Tôi trích dẫn Lenin, nhưng tôi cũng có thể trích dẫn bất kì lãnh tụ cách mạng cộng sản nào, cũng như có thể trích dẫn rất nhiều học giả khẳng định một chuyện hiển nhiên: chưa hề có “các quan hệ” cho chế độ mới. Chính quyền Xô Viết phải xây dựng các quan hệ đó.

Nói chung những người cộng sản giành được chính quyền ở các nước phải mất nhiều công sức thuyết phục, thảo luận và cố gắng “xây dựng chủ nghĩa xã hội”, xây dựng các quan hệ mới mà ta tạm gọi là xã hội chủ nghĩa để làm gì nếu các quan hệ này đã chín muồi trước khi cách mạng cộng sản giành được thắng lợi?

Phân tích như thế, chúng ta đi đến kết luận, sau này mới thấy là có vẻ vô lí: nếu các điều kiện cho xã hội mới chưa chín muồi thì làm cách mạng làm gì? Làm sao cuộc cách mạng ấy lại có thể xảy ra được? Làm sao nó lại có thể đứng vững được mặc dù các quan hệ xã hội mới chưa hề tồn tại trong lòng xã hội cũ?

Cho đến lúc đó chưa có một cuộc cách mạng nào, chưa có đảng nào đặt ra cho mình nhiệm vụ xây dựng các quan hệ xã hội, nghĩa là xây dựng một xã hội hoàn toàn mới. Nhưng đây lại chính là tiền đề của các cuộc cách mạng cộng sản.

Về các qui luật chi phối sự phát triển của xã hội, các lãnh tụ cộng sản cũng chẳng biết nhiều hơn những người khác, nhưng lại phát hiện ra rằng tại đất nước mà họ có thể tiến hành cách mạng cũng có thể tiến hành công nghiệp hoá, nghĩa là có thể thực hiện công cuộc cải tạo xã hội vì nó phù hợp với những giả thuyết của họ. Cách mạng đã thành công trong những “điều kiện chưa chín muồi” là một minh chứng. Xây dựng chủ nghĩa xã hội thì cũng vậy mà thôi. Nếu không cho rằng họ có ảo tưởng là nắm được các qui luật vận động của xã hội thì ta thấy rõ ràng là họ đã thiết kế ra một xã hội mới và bắt đầu công cuộc xây dựng, dù có khi thay đổi, có khi bỏ bớt một số chi tiết thì nói chung họ vẫn tuân thủ thiết kế chính.

Công nghiệp hoá là bắt buộc, là qui luật của xã hội, kết hợp với phương pháp tiến hành, phương pháp cộng sản chủ nghĩa.

Nhưng cả hai điều đó, cùng đồng thời phải phát triển, lại không thể thực hiện trong ngày một ngày hai được, lại cần một khoảng thời gian dài. Sau cách mạng phải tiến hành công nghiệp hoá. Ở phương Tây thì đấy là các lực lượng kinh tế, nằm ngoài chính trị, đấy là chủ nghĩa tư bản. Các nước cộng sản không có các lực lượng như thế, vai trò ấy được đặt lên vai các cơ quan cách mạng, lên vai chính quyền mới, lên vai đảng cách mạng.

Trong các cuộc cách mạng trước đây bạo lực cách mạng biến thành trở lực của phát triển kinh tế ngay sau khi trật tự cũ đã bị đập tan. Trong cách mạng cộng sản bạo lực là điều kiện cần thiết cho phát triển, thậm chí cho sự tiến bộ của cách mạng. Các nhà cách mạng trước đây coi bạo lực là cái ác, là vũ khí cần thiết của cách mạng. Nhưng người cộng sản lại nâng nó lên thành bái vật và mục đích cuối cùng. Đối với xã hội cũ thì các giai cấp và lực lượng cấu thành đã tồn tại từ trước khi nổ ra cách mạng. Cách mạng cộng sản phải tạo ra cả xã hội mới cũng như lực lượng cấu thành xã hội ấy.

Ở phương Tây, sau những “lầm lẫn” và “lệch lạc” cách mạng nhất định sẽ dẫn đến dân chủ, nhưng ở đây, tại phương Đông, cách mạng sẽ kết thúc bằng chế độ độc tài. Các biện pháp đàn áp, khủng bố, các nhà cách mạng và các đảng cách mạng trở thành thừa, thành vật cản đối với phương Tây sau cách mạng. Phương Đông có quan điểm hoàn toàn ngược lại.

Nếu ở phương Tây nền độc tài đi kèm theo cách mạng dù sao cũng chỉ là hiện tượng tạm thời, thì ở phương Đông nó phải kéo dài “tới muôn đời sau”. Điều đó không chỉ bởi vì không thể tiến hành công nghiệp hoá trong một thời gian ngắn mà như ta sẽ thấy trong phần trình bày sau, nó còn kéo dài ngay cả sau khi công nghiệp hoá đã thành công.


3.

Giữa cách mạng cộng sản và các cuộc cách mạng đã diễn ra trong quá khứ, ngoài những điều đã trình bày, còn có một loạt khác biệt quan trọng nữa như sau.

Các cuộc cách mạng trong quá khứ, mặc dù đã chín muồi trong kinh tế và trong nhận thức xã hội, đã không thể nào xảy ra được nếu không có sự trùng hợp nhất định của hoàn cảnh. Khoa học về căn bản đã xác định được các điều kiện cần cho sự bùng nổ và chiến thắng của cách mạng. Phải nhấn mạnh rằng bên cạnh những điều kiện chung, mỗi cuộc cách mạng còn có những đặc điểm riêng, nếu không tính đến và không nắm được các điều kiện đó thì cách mạng không thể xảy ra và không thể thành công được.

Đối với các cuộc cách mạng xảy ra trong quá khứ, chí ít là đối với các cuộc cách mạng lớn nhất, chiến tranh, hay nói đúng hơn sự phá vỡ quốc gia, không phải là điều kiện kích hoạt bắt buộc. Đối với cách mạng cộng sản thì đây là điều kiện căn bản, đảm bảo cho chiến thắng. Kết luận này đúng với cả trường hợp Trung Quốc: cách mạng ở đó đã bắt đầu trước cuộc xâm lược của Nhật, nhưng đã kéo dài cả thập kỉ và chỉ thu được thắng lợi khi chiến tranh kết thúc. Cách mạng năm 1936 ở Tây Ban Nha có thể đã trở thành một ngoại lệ, nhưng cuộc cách mạng này đã không phát triển thành cách mạng cộng sản và không thu được thắng lợi chung cuộc.

Cách mạng cộng sản cần chiến tranh, cần phá huỷ bộ máy nhà nước cũ là vì, như đã nhấn mạnh ở trên, sự chưa chín muồi về kinh tế và xã hội. Để một nhóm nhỏ, dù có được tổ chức tốt và có kỉ luật đi nữa, có thể nắm được chính quyền thì cần phải phá bỏ toàn bộ hệ thống, đặc biệt là bộ máy nhà nước cũ, cần phải tiến hành chiến tranh. Xin nói thêm: chiến tranh với cơ cấu quyền lực cũ và với hệ thống quản lí nhà nước cũ, vốn đã trở thành người thua cuộc.

Trong Cách mạng tháng Mười, Đảng công nhân xã hội dân chủ Nga chỉ có khoảng 200 ngàn thành viên. Năm 1941 Đảng cộng sản Nam Tư có khoảng 10 ngàn đảng viên. Rõ ràng rằng để có thể giành được chính quyền thì bao giờ cũng cần sự ủng hộ tích cực của một bộ phận dân chúng, nhưng trong mọi trường hợp khi một đảng tiến hành cách mạng và giành chính quyền lại có số lượng đảng viên không nhiều thì nó chỉ có thể kì vọng vào những điều may mắn “từ trên trời rơi xuống” mà thôi.

Nói chung một đảng như thế khi chưa nắm được quyền lực thì không bao giờ có thể là đảng có đông đảng viên được.

Phá huỷ hoàn toàn trật tự xã hội cũ và xây dựng một trật tự mới khi các điều kiện về kinh tế và xã hội chưa chín muồi là một nhiệm vụ cực kì khó khăn và có vẻ không thực tế, cho nên đảng đó chỉ có thể lôi kéo được rất ít người, chỉ những người tin tưởng một cách mù quáng vào khả năng biến nó thành hiện thực mới ra nhập đảng mà thôi.

Những hoàn cảnh đặc biệt và một đảng đặc biệt chính là đặc trưng cơ bản của các cuộc cách mạng cộng sản.

Mọi cuộc cách mạng, cũng như mọi cuộc chiến tranh, đều đòi hỏi sự tập trung toàn bộ sức mạnh. Theo Matieza, thì cách mạng Pháp là cuộc cách mạng đầu tiên mà “tất cả nguồn lực của nhân dân: con người, lương thực, vật tư được tập trung vào tay chính phủ”. Cách mạng cộng sản, một cuộc cách mạng “chưa chín muồi” còn đòi hỏi sự tập trung hơn thế nữa: trong tay của đảng không chỉ là các giá trị vật chất mà còn cả các giá trị tinh thần, ngay đảng cũng chính trị hoá và được tổ chức một cách tập trung ở mức độ cao nhất. Chỉ có những đảng cộng sản đã cố kết về mặt chính trị và đoàn kết xung quanh trung ương, không có chia rẽ về mặt tư tưởng mới có khả năng tiến hành cách mạng.

Nếu tiền đề chiến thắng của mọi cuộc cách mạng là sự tập trung tất cả lực lượng và phương tiện cùng với một sự thống nhất nhất định về chính trị của đảng cách mạng thì đối với cách mạng cộng sản điều đó còn có ý nghĩa hơn nữa bởi vì ngay từ đầu nó đã loại trừ mọi nhóm hay chính đảng độc lập tham gia như đồng minh của đảng cộng sản, đồng thời nó còn đòi hỏi chính những người cộng sản một sự thống nhất hoàn toàn về chiến lược và sách lược cũng như quan niệm triết học và cả đạo đức nữa. Sự kiện là những người xã hội-cách mạng cánh tả tham gia vào Cách mạng tháng Mười, cũng như những người không đảng phái và các nhóm thuộc các đảng phái khác nhau tham gia vào cách mạng Trung Quốc hay Nam Tư không những không phủ nhận mà còn khẳng định kết luận trên: những nhóm đó chỉ là tay sai của cộng sản và đến một lúc nào đó họ sẽ phải tự giải tán hoặc bị săn đuổi. Những người xã hội-cách mạng đã bị săn đuổi ngay khi có ý định hoạt động độc lập, còn những nhóm không cộng sản ủng hộ cách mạng ở Trung Quốc và Nam Tư thì trong thực tế đã tự ý thôi hoạt động chính trị ngay từ trước rồi.

Các cuộc cách mạng trước đây không phải là “đặc quyền” của một nhóm duy nhất nào. Trong cao trào của cách mạng, các nhóm khác nhau có thể chèn ép hoặc tiêu diệt lẫn nhau nhưng cách mạng không phải là sự nghiệp của một nhóm duy nhất và cũng không kết thúc bằng việc thiết lập quyền thống trị lâu dài của nhóm đó. Những người Jacobin ở Pháp chỉ có thể nắm giữ chế độ chuyên chế trong một thời gian ngắn. Nền chuyên chế của Napoleon, sinh ra từ trong cách mạng, đồng thời cũng là sự cáo chung của cách mạng và báo hiệu giai đoạn nắm quyền của các tập đoàn tư bản lớn. Nếu trong các cuộc cách mạng trước kia một đảng đóng vai trò chủ đạo, các đảng khác vẫn tiếp tục hoạt động, cho dù một số có bị cấm đoán và săn đuổi thì điều đó cũng không thể kéo dài vì không ai có thể tiêu diệt được họ. Điều đó chỉ xảy ra trong các cuộc cách mạng cộng sản hiện đại về sau này mà thôi. Ngay Công xã Paris, những người cộng sản vẫn coi đây là một cuộc diễn tập của họ, thực chất là một cuộc cách mạng đa đảng phái.

Nếu một đảng nào đó trong những giai đoạn nào đó của cách mạng có đóng vai trò chủ đạo hay vai trò đặc biệt đi nữa thì nó cũng không tập trung hoá về tổ chức và tư tưởng như đảng của những người cộng sản. Ngay những người Thanh giáo ở Anh hay những người Jacobin ở Pháp cũng không bắt buộc phải có quan điểm thống nhất về tư tưởng và triết học mặc dù Thanh giáo là một tổ chức tôn giáo. Về mặt tổ chức thì Jacobin chỉ là liên hiệp các câu lạc bộ, đối với Thanh giáo thì ngay một liên hiệp như vậy cũng không tồn tại. Chỉ có các cuộc cách mạng cộng sản thời hiện đại mới làm cho sự thống nhất về tư tưởng và tổ chức của đảng trở thành qui luật.

Một điều không thể chối cãi được là: trong tất cả các cuộc cách mạng trước đây, sau khi nội chiến và can thiệp từ bên ngoài kết thúc thì các phương pháp cách mạng cũng như các đảng cách mạng đã không còn cần thiết nữa, đảng có thể bị giải tán. Cách mạng cộng sản thì ngược lại, họ tiếp tục sử dụng các hình thức và biện pháp cách mạng, còn đảng cộng sản thì trở nên tập trung hoá hơn bao giờ hết, tư tưởng của đảng trở thành duy nhất đúng.

Lenin đặc biệt nhấn mạnh điều này trong tiến trình cách mạng (Trong Luận cương Hội nghị thứ II Quốc tế cộng sản, phần “Điều kiện kết nạp vào Quốc tế Cộng sản”):

“Trong giai đoạn nội chiến khốc liệt hiện nay đảng cộng sản chỉ có thể thực hiện được nhiệm vụ của mình nếu được tổ chức một cách tập trung nhất, trong đảng phải có kỉ luật sắt, bên cạnh kỉ luật thời chiến, nếu ban chấp hành trung ương là cơ quan quyền lực có uy tín, được giao quyền lực rộng rãi và nhận được sự tin cậy của các đảng viên”

Stalin còn nói thêm:

“Trong điều kiện cuộc đấu tranh trước khi giành được chính quyền chuyên chính, kỉ luật đảng đã là như thế. Sau khi giành được chính quyền kỉ luật đảng càng phải được nâng cao hơn nữa” [1] .

Tinh thần cảnh giác cách mạng, những đòi hỏi cấp bách về sự thống nhất về mặt tư tưởng, tính đặc thù về chính trị và tư tưởng, chủ nghĩa tập trung, tất cả những điều đó đã không biến mất sau khi giành được chính quyền mà ngược lại ngày càng trở thành gay gắt hơn, trầm trọng hơn.

Trong những cuộc cách mạng trước, giai đoạn áp dụng những biện pháp nghiêm khắc, giai đoạn tập trung quyền lực và độc quyền tư tưởng chỉ giới hạn trong khoảng thời gian xảy ra các sự kiện cách mạng. Đối với cuộc cách mạng cộng sản thì đây chỉ là bước khởi đầu của một nền chuyên chế toàn trị của một nhóm người, của một nền thống trị không có hồi kết.

Bạo lực của các cuộc cách mạng trước, ngay cả trong thời kì gọi là Khủng bố trong Cách mạng Pháp, dù không phải lúc nào cũng công chính, nhưng chỉ nhằm trừ khử những kẻ thù thực sự chứ không phải để loại bỏ những người có thể trở thành kẻ thù. Nếu không kể những cuộc chiến tranh tôn giáo thời Trung cổ, việc tiêu diệt hay săn đuổi những tầng lớp xã hội nhất định chỉ là những hiện tượng cực kì hãn hữu. Những người cộng sản thì khác, nhận thức được rằng cả về lí thuyết và trên thực tế họ xung đột với tất cả các giai cấp và các hệ tư tưởng khác cho nên họ chiến đấu không chỉ chống kẻ thù đã bị lật đổ nhưng vẫn còn sức sống mà họ còn phải chống lại cả những kẻ thù giả định nữa. Tại những nước vùng Ban-tich người ta lập danh sách những người mà họ cho rằng trước đây từng có cảm tình với các đảng phái khác và chỉ trong vài ngày hơn một ngàn người đã bị đàn áp. Việc giết hại hàng ngàn sĩ quan Ba Lan trong khu rừng ở Khatưn cũng nhằm mục đích như thế. Sau khi cách mạng đã xảy ra hàng chục năm, những người cộng sản vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp đàn áp, với hình thức có vẻ tinh vi hơn, nhưng có thể còn trên diện rộng hơn cả trong những ngày cách mạng (thí dụ như cải cách ruộng đất). Sau cách mạng, sự bất dung về tư tưởng càng ngày càng tăng thêm. Nâng cao vai trò của tư tưởng Marx-Lenin đối với đảng cầm quyền là một xu hướng thường trực ngay cả khi nó tự ý hay buộc phải giảm nhẹ các biện pháp đàn áp trực tiếp.

Khi cuộc trấn áp cách mạng chấm dứt thì các cuộc cách mạng trước đây, đặc biệt là cách mạng tư sản, liền hướng sự chú ý sang việc khẳng định quyền tự do cá nhân. Ngay những người cách mạng cũng coi việc đảm bảo các quyền công dân là một sự nghiệp có ý nghĩa trọng đại. Sự độc lập của toà án luôn luôn được coi là thành quả của cách mạng. Chế độ cộng sản ở Liên Xô cũng như ở bất kì quốc gia cộng sản nào khác sau bốn mươi năm tồn tại cũng chưa hề nghĩ tới điều đó.

Nếu coi việc nâng cao quyền công dân và việc người dân được pháp luật bảo vệ là thành quả của các cuộc cách mạng trước đây, thì điều đó không hề xảy ra trong cách mạng cộng sản.

Cuối cùng, còn một sự khác biệt lớn nữa giữa các cuộc cách mạng trước đây và cách mạng cộng sản thời hiện đại.

Các cuộc cách mạng trước đây, đặc biệt là các cuộc cách mạng lớn, nổ ra trong quá trình đấu tranh của các tầng lớp lao động, nhưng thành quả thì lại thuộc về một giai cấp khác, thuộc về giai cấp lãnh đạo thực hiện việc lãnh đạo về mặt tinh thần và thường là cả về mặt tổ chức của cách mạng. Thành quả của cuộc đấu tranh của những người nông dân và vô sản Pháp bị giai cấp tư sản - cách mạng chính là biểu hiện quyền lợi của giai cấp này - chiếm đoạt. Quần chúng cũng tham gia vào cách mạng cộng sản. Nhưng thành quả lại không thuộc về họ mà thuộc về tầng lớp quan liêu. Tầng lớp quan liêu không phải ai khác mà chính là cái đảng vừa thực hiện xong cuộc cách mạng. Trong các cuộc cách mạng cộng sản, các phong trào tiến hành cách mạng không biến mất. Các cuộc cách mạng cộng sản cũng “ăn thịt những người con của mình”, nhưng không ăn thịt tất cả.

Thực ra ngay sau khi cách mạng cộng sản thành công, nhất định phải xảy ra giai đoạn thanh toán nhau khốc liệt, đầy phản trắc giữa các nhóm, các trào lưu có những quan điểm khác nhau về con đường tiến lên của cách mạng. Sự kết án lẫn nhau luôn luôn diễn ra xung quanh việc chứng minh một cách giáo điều rằng ai phản cách mạng một cách “khách quan” hoặc “chủ quan” hơn, hoặc ai là tay sai của kẻ thù “bên trong” hay tư bản quốc tế. Dù cách giải quyết các cuộc tranh luận có như thế nào đi chăng nữa, chiến thắng vẫn thuộc về phía những người theo đuổi quá trình công nghiệp hoá theo các nguyên lí của chủ nghĩa cộng sản - buộc nền sản xuất phải phụ thuộc hoàn toàn vào đảng và các cơ quan nhà nước - một cách kiên trì nhất và kiên quyết nhất. Trong khi ăn thịt những đứa con của mình, cách mạng cộng sản có chừa lại một ít, đặc biệt nó không động đến những người quan trọng, những người cần thiết cho quá trình công nghiệp hoá trong tương lai. Thường thì những nhà cách mạng tin tưởng một cách ngây thơ vào các khẩu hiệu và tư tưởng của cách mạng, tin vào khả năng thực hiện các khẩu hiệu đó bị tiêu diệt trước. Xu hướng coi ý nghĩa của cách mạng là củng cố chính quyền như công cụ của quá trình công nghiệp hoá theo nguyên lí của chủ nghĩa cộng sản là xu hướng thắng thế.

Trong cách mạng cộng sản, lần đầu tiên trong lịch sử một nhóm những người tham gia, các đại diện của cánh lãnh đạo đã thọ được sau thắng lợi, đã sống sót sau khi những người đồng chí của mình bị thủ tiêu. Trong các cuộc cách mạng trước đây nhóm này nhất định bị tiêu diệt. Cách mạng cộng sản là cuộc cách mạng đầu tiên được thực hiện “vì lợi ích” của một nhóm trong số những người cách mạng. Họ và bộ máy quan liêu, tụ tập xung quanh họ là những người được hưởng thành quả của cách mạng. Đấy chính là lí do để cho họ cũng như đông đảo quần chúng giữ mãi ảo tưởng về sự độc đáo của cách mạng, một cuộc cách mạng trung thành với chính mình, với những khẩu hiệu được viết trên những là cờ của mình. Chẳng phải là chính những người đó hay phần lớn trong số họ với những tư tưởng và khẩu hiệu cũ hay đã biến dạng một phần, vẫn lãnh đạo đảng được trui rèn trước cách mạng và nay là những người đứng đầu chính quyền giành được trong cách mạng đó ư?


4.

Ảo tưởng về mục đích và khả năng thực sự mà cuộc cách mạng cộng sản tạo ra không thể có sức mạnh và sức sống hơn ảo tưởng của các cuộc cách mạng trước đây nếu như nó không đồng thời hé mở cho người ta thấy một cách giải quyết hoàn toàn mới về quan hệ sở hữu, nói một cách khác nếu kết quả của nó không phải là một hình thức sở hữu mới. Tất cả các cuộc cách mạng trước đều ít nhiều tạo ra những biến động về quan hệ sở hữu. Nhưng lúc đó chỉ là một hình thức sở hữu tư nhân này đã chén ép một hình thức sở hữu khác. Bây giờ khác hẳn: đã xảy ra một sự biến đổi căn bản, triệt để, sở hữu tư nhân bị một loại sở hữu trước đó chưa hề tồn tại, sở hữu tập thể lấn át.

Ngay trong tiến trình cách mạng các điền trang lớn cũng như các tập đoàn tư bản kếch xù, nghĩa là những sở hữu có sử dụng lao động làm thuê đã bị tịch thu. Điều đó tạo ra niềm tin rằng lời hứa của những người cách mạng về việc tạo dựng một thiên đàng của công bằng và bình đẳng không phải là những lời nói suông. Đảng và chính quyền do đảng lãnh đạo đồng thời tiến hành những bước tiến mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hoá, điều đó càng củng cố thêm lòng tin của người dân: giờ giải phóng cho dân nghèo đã điểm. Không cần phải giấu giếm, chuyên chế và bạo lực hiện diện khắp nơi. Nhưng đấy chỉ là hiện tượng nhất thời, trong khi các giai cấp bị tước đoạt còn kháng cự, trong khi còn đủ mọi loại “phản động”, trong khi chưa cải tạo xong công nghiệp mà thôi!

Quá trình công nghiệp hoá đã có một số thay đổi. Công nghiệp hoá một đất nước lạc hậu lại không được sự trợ giúp, ngược lại, còn bị bên ngoài cản trở, đòi hỏi phải tập trung trong tay nhà nước tất cả mọi nguồn lực. Quốc hữu hoá các điền trang lớn, các tập đoàn tư bản lớn mới chỉ là bước đầu trong việc tập trung tài sản vào tay chính quyền mới.

Vấn đề chưa kết thúc ở đây. Và cũng không thể kết thúc ở đây được.

Tài sản mới được hình thành, những người cộng sản thường gọi tài sản tập thể hay tài sản xã hội chủ nghĩa, đôi khi họ gọi là tài sản nhà nước, nhất định sẽ mâu thuẫn với những hình thức sở hữu khác. Tài sản mới này phải gánh vác nhiệm vụ chính của quá trình công nghiệp hoá và vì vậy mâu thuẫn sẽ càng ngày càng gay gắt thêm. Tài sản của thợ thủ công, công nhân, nông dân, người buôn bán nhỏ, nghĩa là tại những cơ sở không hề sử dụng lao động làm thuê hoặc sử dụng không đáng kể cũng sẽ bị tập trung. Việc tịch thu tài sản của những chủ sở hữu nhỏ không có liên quan gì đến nhu cầu kinh tế, nghĩa là việc thay đổi hình thức sở hữu không nâng cao được hiệu quả kinh tế.

Khi tiến hành công nghiệp hoá người ta đã tịch thu tài sản của cả những tầng lớp không có biểu hiện chống phá, thậm chí còn giúp đỡ cách mạng nữa. Nhà nước đã trở thành chủ sở hữu, trở thành người quản lí cả những tài sản nhỏ đó nữa. Tài sản tư nhân đã không còn hay đã bị thu nhỏ đến mức vai trò của nó trở thành không đáng kể, đối với những người cầm quyền mới thì việc tiêu diệt hoàn toàn sở hữu tư nhân chỉ còn là vấn đề thời gian.

Trong nhận thức của những người cộng sản và một số quần chúng thì đấy chính là việc thủ tiêu hoàn toàn các giai cấp, là thực hiện lí tưởng xã hội phi giai cấp. Đúng là cùng với việc hoàn thành công nghiệp hoá và tập thể hoá các giai cấp cũ đã không còn. Trong mắt của những người cộng sản thì ảo tưởng về xã hội phi giai cấp đã thành hiện thực. Họ tin như thế hay giả vờ tin như thế mặc cho sự bất bình của quần chúng, thậm chí họ còn tuyên bố một cách dối trá rằng đấy là “tàn dư của quá khứ”, là “âm mưu của kẻ thù giai cấp”.

Tất cả các cuộc cách mạng, thậm chí tất cả các cuộc chiến tranh đều tạo ra ảo tưởng. Ảo tưởng được tạo ra nhân danh những lí tưởng không thể nào thực hiện được, nhưng với người chiến sĩ đang hăng say chiến đấu thì đấy không phải là ảo tưởng, đấy chính là thực tế. Lí tưởng bạc màu, ảo tưởng cũng thành sương khói ngay khi chiến cuộc vừa lụi tàn. Nhưng cách mạng cộng sản thì khác. Ảo tưởng do nó tạo ra còn sống rất lâu trong lòng những người đã từng chiến đấu vì lí tưởng và cả trong quần chúng nữa. Bạo lực, chuyên quyền, cướp bóc trắng trợn, đặc quyền đặc lợi của tầng lớp nắm quyền, tất cả những điều đó vẫn không làm cho một bộ phận dân chúng, chưa nói những người cộng sản, giải thoát khỏi niềm tin mù quáng vào các khẩu hiệu của cách mạng. Dù sao cũng vẫn là “chủ nghĩa xã hội”, dù bất ngờ và dã man thật nhưng chúng ta “vẫn tiến được một bước về phía trước”... Niềm tin và hi vọng của con người vẫn tiếp tục tồn tại ngay cả sau khi đã hoàn thành công nghiệp hoá.

Cách mạng cộng sản đã đưa ra những lí tưởng tuyệt vời nhất, cao cả nhất, đã thực hiện những hành động anh hùng vô song, đồng thời cũng gieo vào lòng người những ảo tưởng bền vững nhất.

Tất cả các dân tộc, bằng cách này hay các khác, đều phải trải qua cách mạng. Các cuộc cách mạng, tuy không thường xuyên, nhưng nhất định phải diễn ra. Cách mạng sẽ đưa đến chế độ chuyên chế, nhưng đồng thời lại dẫn dắt các dân tộc vào con đường mà trước đó họ chưa từng dám bước chân vào. Cách mạng cộng sản không thực hiện, không thể thực hiện được những lí tưởng mà nó từng giương cao trong cuộc đấu tranh. Nhưng nó đã đưa những vùng đất rộng lớn ở châu Á và châu Âu lên con đường văn minh hiện đại. Nó đã tạo ra tiền đề vật chất cho một xã hội tự do hơn trong tương lai. Nếu cách mạng cộng sản đã tạo ra chế độ độc tài tuyệt đối thì đồng thời cũng tạo ra tiền đề để loại bỏ nó trong tương lai. Nếu thế kỉ XIX đã tạo ra nền công nghiệp hiện đại cho phương Tây, thì thế kỉ XX sẽ làm điều đó cho phương Đông. Cái bóng khổng lồ của Lenin đã bao trùm lên một không gian rộng lớn trên lục địa Á-Âu trong suốt gần một trăm năm qua. Cùng với nền độc tài như ở Trung Quốc hay chế độ dân chủ như ở Ấn Độ và Myanmar tất cả các dân tộc châu Á và không chỉ các dân tộc châu Á đang tiến những bước vững chắc trên con đường công nghiệp hoá. Cách mạng Nga đã khởi đầu quá trình này và như vậy ta có thể nói đến giá trị không bao giờ phai mờ của nó.


5.

Từ những điều đã trình bày có thể có cảm tưởng rằng cách mạng cộng sản luôn luôn là một sự tình cờ có tính lịch sử và một sự lừa dối vĩ đại. Theo một nghĩa nào đó thì lí do như sau: không có cuộc cách mạng nào lại đòi hỏi những hoàn cảnh đặc biệt đến như thế và cũng không có cuộc cách mạng nào hứa nhiều như thế mà lại làm ít đến như thế.

Thói mị dân, những lời nói quanh co, không nhất quán là đặc trưng của các lãnh tụ cộng sản, nhất là khi họ buộc phải hứa hẹn một xã hội siêu lí tưởng và “thủ tiêu tất cả áp bức, bóc lột”.

Nhưng cũng không thể nói rằng những người cộng sản đã lừa nhân dân, không thể nói rằng họ đã cố tình đánh lừa rồi sau không chịu thực hiện. Sự thật là: họ không thể thực hiện được điều mà chính họ đã nhiệt liệt tin tưởng. Dĩ nhiên là họ không nhận như thế, họ không dám nhận ngay cả khi buộc phải hành động trái ngược hẳn với những điều đã hứa một cách thực tâm. Theo họ, công nhận điều đó cũng có nghĩa là công nhận rằng cách mạng là vô ích. Và như thế chính họ sẽ là những người vô tích sự. Chuyện đó thì không thể xảy ra được, nhất là đối với họ.

Kết quả cuối cùng của những xung đột xã hội không bao giờ giống và không thể giống với những điều đã được những người tham gia hoạch định từ trước, vì nó phụ thuộc vào một loạt hoàn cảnh mà trí tuệ và kinh nghiệm của con người không thể nắm bắt hết được. Điều đó còn đặc biệt đúng đối với những cuộc cách mạng đỏi hỏi những nỗ lực phi thường, những cuộc cách mạng thực hiện các thay đổi tận gốc rễ, tạo ra niềm tin tuyệt đối rằng sau chiến thắng sẽ là cuộc sống tự do, hạnh phúc cho tất cả mọi người. Cuộc Cách mạng Pháp được thực hiện nhân danh lí trí, với niềm tin rằng tự do, bình đẳng và bác ái nhất định sẽ tới. Cách mạng Nga được thực hiện nhân danh “thế giới quan khoa học”, vì một xã hội không còn giai cấp. Nhưng cả hai cuộc cách mạng đó không thể nào thắng lợi nếu những người cách mạng và cùng với họ là một bộ phận quần chúng không tin tưởng vững chắc vào lí tưởng của mình.

Niềm tin viển vông của những người cộng sản vào khả năng của họ sau cách mạng còn lớn hơn cả niềm tin của những người mà họ dẫn dắt. Công nghiệp hoá là không thể tránh, người cộng sản có thể biết và đã biết điều đó, nhưng hậu quả của nó đối với xã hội và các quan hệ xã hội thì họ không biết, họ chỉ có thể đoán mà thôi.

Các nhà sử học chính thức ở Liên Xô và Nam Tư thường mô tả cách mạng như là kết quả của những hành động được tính toán kĩ lưỡng từ trước. Nhưng thực ra chỉ có phương hướng cách mạnh và đấu tranh vũ trang là được hoạch định còn hình thức sẽ nảy sinh trong quá trình thực hiện, trong những hoàn cảnh cụ thể. Lenin rõ ràng là một trong những nhà cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử cũng không tưởng tượng được cách mạng sẽ nổ ra khi nào và dưới hình thức nào, ông cũng chỉ nắm được điều đó qua thực tiễn của cuộc đấu tranh. Tháng Giêng năm 1917, trước Cách mạng tháng Hai đúng một tháng và trước Cách mạng tháng Mười, cuộc cách mạng đã đưa ông đến quyền lực, có mười tháng, trong buổi thuyết trình trước các đảng viên xã hội Thuỵ Sĩ, ông đã nói như sau:

“Những người già cả chúng tôi có lẽ sẽ không được nhìn thấy những trận chiến quyết định của cuộc cách mạng tương lai. Nhưng tôi có thể nói một cách tin tưởng rằng các bạn trẻ đang hoạt động tích cực trong phong trào xã hội ở Thuỵ Sĩ và trên toàn thế giới sẽ có may mắn không chỉ đấu tranh mà còn chiến thắng trong cuộc các mạng vô sản trong tương lai” [2] .

Có cần thảo luận việc Lenin hay bất kì một người nào khác có thể dự đoán được những hậu quả xã hội của cuộc cách mạng, tiên đoán được những quan hệ sẽ hình thành trong và sau khi cuộc đấu tranh phức tạp và kéo dài ấy kết thúc hay không?

Mặc dù mục tiêu của chủ nghĩa cộng sản là phi thực tế, nhưng khác với những người cách mạng trong quá khứ, người cộng sản tỏ ra rất thực tiễn trong việc thực hiện vai trò lịch sử của mình. Họ đã tiến hành công nghiệp hoá bằng một biện pháp duy nhất có thể: thiết lập chế độ toàn trị tuyệt đối.

Với cách mạng cộng sản, lần đầu tiên trong lịch sử, những người cách mạng không biến mất khỏi vũ đài chính trị mà còn tiến hành xây dựng các quan hệ xã hội mới, trái ngược hẳn với những gì họ từng tin và từng hứa với một tinh thần thực dụng cao độ, mặc dù không giải thoát hoàn toàn khỏi những ảo tưởng của thời tiền cách mạng. Trong quá trình cải tạo và cộng nghiệp hoá, cách mạng cộng sản đã biến chính các nhà cách mạng thành chủ nhân và người sáng tạo của xã hội mới.

Những dự đoán cụ thể của Marx và của Lenin về việc xây dựng một xã hội tự do, phi giai cấp thông qua chuyên chính vô sản tỏ ra là không chính xác. Nhưng công cuộc công nghiệp hoá xã hội trên cơ sở của nền công nghệ hiện đại thì đã thành hiện thực.

Khác với các qui luật khách quan, các qui luật khẳng định tính vạn năng hay có thể nói tính chính xác của mình; một lần nữa ta lại thấy vai trò của con người chỉ là tương đối, các dự đoán của con người chỉ là tương đối.


6.

Nếu muốn có một kết luận không phải trên thực tế khách quan mà theo các qui luật của logic hình thức thì ta có thể nói: cuộc cách mạng cộng sản đã dựa vào bộ máy nhà nước để thực hiện việc cưỡng bách trong những hoàn cảnh đặc biệt, nó đã hoàn thành cuộc cách mạng công nghiệp hoá tương tự như chủ nghĩa tư bản đã làm ở phương Tây cho nên nó chính là cuộc cách mạng tư bản – nhà nước và chiến thắng mà nó mang lại chính là quan hệ tư bản – nhà nước. Điều này đặc biệt đúng khi ta thấy nhà nước làm nhiệm vụ điều chỉnh tất cả quan hệ như chính trị, lao động và các quan hệ khác và điều đặc biệt quan trong là chính quyền làm nhiệm vụ phân phối thu nhập quốc dân, sử dụng những nguốn lực về hình thức đã trở thành sở hữu nhà nước.

Cuộc tranh cãi xung quanh vấn đề là quan hệ ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác là quan hệ tư bản nhà nước, quan hệ xã hội chủ nghĩa hay quan hệ nào khác, là cuộc tranh cãi mang tính giáo điều. Thực ra nó đúng là vấn đề mang tính giáo điều.

Nhưng đây là một vấn đề cực kì quan trọng.

Ngay cả khi giả sử lời khẳng định của Lenin rằng tư bản nhà nước là “thời kì mở đầu của chủ nghĩa xã hội”, hay đây là giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội thì những người dân sống dưới chế độ chuyên chế cộng sản cũng không vì thế mà cảm thấy thoải mái hơn. Nhưng nếu ta có thể nhận thức được, một cách dù là tương đối, đặc điểm của sở hữu và quan hệ xã hội mà cách mạng cộng sản sẽ mang lại thì mới mong giải phóng con người khỏi các gông xiềng của nó. Nếu người ta không nhận thức được bản chất của các quan hệ trong xã hội mà họ đang sống và không biết phương pháp thay đổi các quan hệ đó thì cuộc đấu tranh của họ sẽ trở thành vô ích.

Như vậy, nếu đồng ý rằng cách mạng cộng sản, trái ngược với những lời hứa hẹn và những ảo tưởng, chỉ dẫn đến các quan hệ tư bản nhà nước thì ta sẽ nhận thấy rằng các biện pháp nhằm hoàn thiện hoạt động của bộ máy hành chính, giảm bớt sự tuỳ tiện và áp bức của nó chính là những biện pháp thực tế và đúng đắn. Các lãnh tụ cộng sản đã làm đúng như thế: họ luôn luôn kêu gọi hoàn thiện công tác quản lí hành chính và đấu tranh chống lại “chủ nghĩa quan liêu” mặc dù về mặt lí luận họ không công nhận rằng hệ thống của họ chính là chủ nghĩa tư bản nhà nước.

Nhưng quan hệ ở đây không phải là quan hệ tư bản nhà nước và không thể tìm được lối ra, hệ thống không thể nâng cao hiệu quả một cách rõ rệt bằng biện pháp đơn giản như cải tiến hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, không thể biến nó thành “bộ máy công bằng hơn” được.

Quan hệ trong chủ nghĩa cộng sản rất giống với quan hệ tư bản nhà nước về mặt hình thức và vai trò bao trùm lên toàn bộ của bộ máy nhà nước. Nhưng bên dưới cái mặt nạ đó là một cái gì đó hoàn toàn khác.

Để có thể nhận thức được bản chất các quan hệ xuất hiện trong cách mạng cộng sản và được củng cố vững chắc bởi quá trình công nghiệp hoá và hợp tác hoá cần phải chú ý đến vai trò và phương pháp hoạt động của nhà nước trong chế độ cộng sản. Ở đây phải nhấn mạnh rằng bộ máy nhà nước không phải là công cụ chủ yếu để tạo lập quan hệ sở hữu và các quan hệ xã hội khác, nó chỉ đóng vai trò người bảo vệ các quan hệ ấy mà thôi. Mọi thứ dường như đều được làm nhân danh và phù hợp với các qui định của nhà nước. Nhưng bên trên và đằng sau mọi hành động của nhà nước là đảng cộng sản. Cũng không phải là toàn đảng mà chỉ là tầng lớp quan liêu, tầng lớp chuyên nghiệp của đảng mà thôi. Chính tầng lớp quan liêu này mới là người sử dụng, quản lí và phân phối toàn bộ khối tài sản đã được quốc hữu hoá và tập thể hoá cũng như toàn thể đời sống xã hội nói chung. Chính vai trò độc quyền quản lí và phân phối thu nhập quốc dân cũng như mọi tài sản khác của quốc gia đã biến tầng lớp quan liêu này thành tầng lớp đặc quyền đặc lợi. Các quan hệ xã hội về mặt hình thức và nhìn từ bên ngoài thì có vẻ như là quan hệ tư bản nhà nước. Nguồn gốc của nó cũng dễ làm cho người ta nghĩ như thế: công nghiệp hoá không phải nhờ tư bản mà bằng các biện pháp cưỡng chế. Trong thực tế vai trò đó do một tầng lớp đặc quyền đặc lợi, sử dụng bộ máy nhà nước như là công cụ, như là bình phong về mặt pháp lí, thực hiện. Mọi người cũng đều biết như thế.

Nếu quyền sở hữu chỉ là quyền sử dụng và phân phối và nếu quyền đó chỉ thuộc về một nhóm người nhất định, thì điều đó có nghĩa là trong các nhà nước cộng sản đã xuất hiện một hình thức sở hữu hoàn toàn mới, nghĩa là đã xuất hiện một giai cấp bóc lột mới.

Không phải trên lời nói mà trên thực tế những người cộng sản đã hành động như mọi giai cấp nắm quyền khác, họ cũng không thể hành động khác được, trong khi tin tưởng rằng đang xây dựng một xã hội lí tưởng, họ chỉ xây dựng được cái xã hội phù hợp với sức lực của họ mà thôi. Những điều kiện cho việc hình thành xã hội đó đã chín muồi, cho dù nó không thể chín cho một xã hội lí tưởng như niềm tin mà cách mạng từng hứa hẹn. Như vậy ta có thể kết luận rằng với một số nước, trong một giai đoạn phát triển nhất định thì cuộc cách mạng và xã hội của họ không xuất hiện một cách vô tình và trái tự nhiên. Đấy là lí do vì sao xã hội đó, trong một giai đoạn nhất định, giai đoạn công nghiệp hoá, đã phải chịu và chịu đựng được bạo lực cộng sản, dù nó có tàn khốc và vô nhân đến mức nào. Sau đó thì bạo lực đã không còn cần thiết nữa, nó chỉ còn được sử dụng để đảm bảo đặc quyền ăn cướp của giai cấp mới mà thôi. Khác hẳn với các cuộc cách mạng trong quá khứ, cách mạng cộng sản nhân danh tiêu diệt giai cấp đã lập nên ách thống trị của một giai cấp mới.

Tất cả những điều khác chỉ là ảo tưởng hão huyền.


© 2005 talawas



[1]I. V. Stalin, Toàn tập, Tập 6, trang 182, Moskva, 1954.
[2]V. I. Lenin, Toàn tập, Tập 30, trang 328.

Nguồn: Bản tiếng Nga, tại http://dzhilas-milovan.viv.ru/index.htm