trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
3.10.2005
Milovan Djilas
Giai cấp mới
10 kì
Phạm Minh Ngọc dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11 
 
Lời người dịch: Milovan Djilas, nhà hoạt động chính trị Nam Tư, sinh ngày 12 tháng 6 năm 1911 tại làng Podbishtre, gần thành phố Kolashin, Montenegro. Ông học luật và văn chương tại trường tổng hợp Belgrad, vào Đảng cộng sản vào năm 1932, lúc vừa tròn 21 tuổi. Ngay trong năm đó, ông đã bị chính quyền bắt tù vì tổ chức biểu tình. Ông tiếp tục hoạt động sau khi được tha vào năm 1935 và gặp Tito vào năm 1937, rồi trở thành một trong những người bạn chiến đấu thân cận nhất của Tito trong thời chiến tranh thế giới thứ hai. Sau chiến tranh Milovan Djilas được bầu làm Phó tổng thống Nam Tư. Năm 1948, khi Nam Tư xung đột với Moskva về ý thức hệ, ông được giao phụ trách công tác tư tưởng với nhiệm vụ chứng minh cách hiểu chủ nghĩa cộng sản của Tito là đúng.

Nhưng cuộc đời thật trớ trêu, chính việc phân tích một cách khoa học chế độ cộng sản ở Nam Tư đã cho thấy những mặt trái của nó và suy rộng ra là mặt trái của chế độ chuyên chính vô sản nói chung. Vì những hoạt động lí luận “ngược dòng” của mình, năm 1954 Milovan Djilas bị khai trừ khỏi Đảng, bị tước hết các chức vụ, và năm 1955 thì bị xử tù án treo. Tháng 12 năm 1956, Milovan Djilas bị xử ba năm tù giam vì đã ủng hộ cuộc khởi nghĩa ở Hungari. Bản thảo tác phẩm Giai cấp mới được Milovan Djilas hoàn thành trong tù, được bí mật gửi ra nước ngoài và xuất bản ở New York năm 1957. Vì vụ này ông bị kết án bảy năm tù giam. Milovan Djilas được tha trước thời hạn vào năm 1961. Ngay sau đó ông cho xuất bản từng phần tác phẩm Nói chuyện với Stalin, và vì vậy năm 1962 lại phải ra toà một lần nữa. Năm 1966, Milovan Djilas được ân xá và được chính phủ cấp lương hưu vì có công trong cuộc kháng chiến chống phát xít, nhưng vẫn bị cấm xuất bản trên lãnh thổ Nam Tư, cấm phát biểu với giới báo chí trong thời hạn 5 năm. Song điều đó không ngăn được ông tiếp tục sáng tác. Trong thời gian từ 1970 đến 1986 ông bị cấm xuất ngoại. Năm 1982 ông lên tiếng ủng hộ Công đoàn Đoàn kết Ba Lan, và trong những năm 1990 ông liên tiếp lên án chính sách của chính quyền Milosevich. Trong số các tác phẩm của Milovan Djilas xuất bản từ năm 1966 có thể kể thêm: Xã hội không hoàn hảo, xuất bản năm 1969; Hồi kí của một nhà cách mạng, xuất bản năm 1973 và Tito: chuyện nội bộ, xuất bản năm 1980.

Milovan Djilas mất ngày 20 tháng 4 năm 1995, thọ 84 tuổi.

Giai cấp mới được dịch sang tiếng Nga và được xuất bản trước hết theo lối Samizdat từ đầu những năm 60 của thế kỉ trước, sau đó in trong tập sách dưới nhan đề: Bộ mặt của chế độ toàn trị cùng với hai tác phẩm: Nói chuyện với Stalin và Xã hội không hoàn hảo. Tin rằng hai tác phẩm này cũng sẽ ra mắt độc giả tiếng Việt trong một ngày không xa.
Lời nói đầu

Tất cả những điều trình bày ở đây có thể được viết theo một cách khác. Có thể được viết như câu chuyện về một trong những cuộc cách mạng của thời hiện đại, hay như sự trình bày một quan điểm, và cuối cùng như sự phản tỉnh của một nhà cách mạng.

Vì vậy bạn đọc chớ lấy làm ngạc nhiên khi thấy tất cả những điều đó, mỗi thứ một ít, trong những trang dưới đây. Đây có thể là sự tập hợp không đầy đủ những yếu tố vừa nêu – các câu chuyện, các nhận định và hồi kí cá nhân, nhưng đấy chính là ý định của tôi: sử dụng nhiều cách tiếp cận để vẽ lên mặt thật của chủ nghĩa cộng sản trong một tác phẩm sao cho vừa ngắn gọn vừa đầy đủ nhất. Khía cạnh hàn lâm có thể bị thiệt hai nhưng bức tranh lại đầy đủ hơn, sống động hơn.

Ngoài ra, hoàn cảnh của tôi rất bấp bênh, tôi chỉ có thể làm chủ một phần bằng cách không khuất phục nó mà thôi, cho nên tôi buộc phải vội vã viết ra những điều mình đã thấy và đã suy tư, nếu có điều kiện làm việc một cách cẩn trọng hơn thì có thể bổ cứu, có thể sửa đổi cả một vài kết luận nữa.

Nhận thức rõ tính vĩ đại của những xung đột trong thế giới ngày nay, một thế giới đang quằn quại đổi thay và đang hợp nhất, tôi không nghĩ rằng mình có thể phán những lời thông thái hay đưa ra những bản kết án cuối cùng. Thiển nghĩ không người nào, không nước nào có thể làm được việc đó. Tôi cũng không kì vọng hiểu cái thế giới bên ngoài thế giới cộng sản mà tôi có may mắn hay là không may được sống trong đó. Và khi tôi nói đến những lĩnh vực nằm ngoài biên giới của mình thì chỉ là để mô tả cái bên trong một cách rõ ràng hơn mà thôi.

Tất cả những điều trình bày ở đây đã được nói đến ở đâu đó, bằng những từ ngữ khác từ trước rồi. Cuốn sách này có thể chỉ là một cách làm mới lại màu sắc, không gian và có thể bất ngờ làm nảy sinh một tư tưởng độc đáo nào đó. Công việc của tôi chỉ là: nói theo cách của mình những điều người khác đã biết, đã cảm hoặc có thể đã nói theo cách của họ từ rất lâu rồi.

Để đọc những dòng này, độc giả không cần một kiến thức triết học hay xã hội học đặc biệt nào, ngay cả ở những chỗ tôi buộc phải sử dụng biện pháp khái quát hoá. Mục đích của tôi là dùng khái quát hoá để mô tả thế giới cộng sản chứ không phải là để triết lí về nó.

Tôi cho rằng tư biện là phương pháp tốt nhất và cũng phù hợp nhất cho việc trình bày các tư tưởng của mình. Mặc dù những trang ghi chép dưới đây không chứa nhiều các dẫn chứng, số liệu và sự kiện, không có nghĩa là các kết luận được dẫn ra không thể chứng minh được bằng cách ấy. Tôi muốn được vừa thảo luận vừa trình bày các quan sát của mình để đi đến kết luận. Đấy cũng là do ước mong làm cho tác phẩm ngắn hơn và đơn giản hơn, điều đó cũng phù hợp với câu chuyện và cách tư duy của cá nhân tôi.

Tôi, một trí thức đã đi trọn con đường mà một đảng viên cộng sản có thể đi. Từ những chức vụ thấp nhất, từ các tổ chức cơ sở cho đến quốc gia và quốc tế; từ việc thành lập một đảng cộng sản chân chính, chuẩn bị cách mạng, đến việc tham gia xây dựng cái gọi là chế độ xã hội chủ nghĩa. Không ai buộc tôi phải tham gia hay từ bỏ chủ nghĩa cộng sản cả. Tôi đã tự quyết, theo niềm tin của mình, một cách tự do. Tôi không coi mình là người thất vọng, tuy cũng có lúc như thế. Không, tôi đã tham gia một cách có ý thức, đã trình bày bức tranh và đi đến những kết luận trong cuốn sách này. Càng rời xa chủ nghĩa cộng sản, tôi càng tiến gần đến lí tưởng của chủ nghĩa xã hội dân chủ. Cuốn sách nhất định thể hiện sự phát triển tư tưởng của chính tôi, nhưng đây tất nhiên không phải là mục đích của tác giả.

Tôi cho rằng phê bình chủ nghĩa cộng sản như là một tư tưởng là một việc làm không cần thiết. Tư tưởng bình đẳng và bác ái tồn tại cũng lâu như chính loài người, được chủ nghĩa cộng sản ủng hộ trên lời nói, vốn mang trong mình nó sức hấp dẫn vĩnh hằng đối với những chiến sĩ tranh đấu cho tự do và tiến bộ. Sức hấp dẫn mang tính nhân bản của những lí tưởng đó đã làm cho việc phê phán chúng trở thành không chỉ phản động mà còn trống rỗng và vô nghĩa nữa.

Tôi cũng không đi sâu vào chi tiết trong việc phê phán các lí thuyết cộng sản mặc dù tôi nghĩ rằng đấy là việc có ích và cần làm lúc này. Trong tác phẩm tôi chỉ tập trung mô tả đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản hiện đại, nếu có nói đến lí thuyết thì cũng chỉ ở những chỗ chẳng đặng đừng.

Dễ hiểu là trong một tác phẩm ngắn như thế này thật khó mà trình bày hết những điều đã quan sát và những kết luận đã rút ra được. Việc phải dẫn ra nhiều khái quát cũng là đương nhiên.

Như vậy là từ phía mình tôi đã trình bày những điều cần thiết nhất trước khi bắt đầu câu chuyện, dù điều đó có thể khó hiểu đối với độc giả sống trong một thế giới khác, thế giới phi cộng sản, nhưng lại là dễ hiểu đối với người sống trong lòng chế độ cộng sản. Cả những điều được mô tả trong cuốn sách cùng ý tưởng của nó đều không phải là công của tôi. Tất cả đều là sản phẩm của thế giới mà tôi đang sống và tôi đang phê phán. Tôi đã thấy và đã trình bày tất cả mà không ngượng ngùng khi thú nhận rằng mình đã là sản phẩm của nó, có lúc đã là người tham gia xây dựng nó và bây giờ là người phê phán nó.

Sự không nhất quán chỉ là bề ngoài. Trước đây, cũng như hiện nay, tôi luôn đấu tranh để làm sao cuộc sống được hoàn thiện thêm mỗi ngày. Dù cuộc đấu tranh của tôi không cho kết quả như ý: tôi vẫn tiếp tục đấu tranh và trung thành với chính mình.


Nguồn gốc


1.

Chủ nghĩa cộng sản, như ta đã biết, có nguồn gốc sâu xa từ trong quá khứ, mặc dù “cuộc đời thực” của nó chỉ bắt đầu cùng với sự phát triển nền công nghiệp hiện đại ở Tây Âu.

Cơ sở của lí thuyết cộng sản - vật chất có trước và tất cả đều vận động - được kế thừa từ những nhà tư tưởng giai đoạn trước đó không lâu. Nhưng chủ nghĩa cộng sản càng kéo dài, càng mạnh lên thì vai trò của các nguyên lí nói trên càng nhỏ đi. Điều đó cũng là dễ hiểu: sau khi nắm được “tay lái” nó chỉ còn đo thế giới bên ngoài bằng chính cái thước của mình và không còn muốn vận động, không còn muốn thay đổi nữa.

Biện chứng pháp, chủ nghĩa duy vật và sự biến đổi của thế giới không phụ thuộc vào ý chí của con người, đấy là những hòn đá tảng của chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa Mác cổ điển.

Các lí thuyết gia cộng sản, trong đó có Marx và Engels không phát minh ra bất kì nguyên lí nào của học thuyết. Tất cả các nguyên lí đều được “lấy từ bên ngoài” và được liên kết thành một hệ thống đặt cơ sở cho một thế giới quan mới.

Luận điểm vật chất có trước được kế thừa từ các nhà duy vật Pháp thế kỉ XVIII. Các nhà tư tưởng trước đó cũng đã nói đến nó, thí dụ Democrit của Hi Lạp cổ đại cũng từng trình bày học thuyết này, dĩ nhiên là dưới một hình thức khác. Luận điểm về sự vận động như là kết quả của cuộc đấu tranh giữa các mặt đối lập, hay như ta vẫn gọi là biện chứng pháp, được kế thừa từ Hegel. Nhưng ngay cả điều này cũng đã được Heraclit nói đến ngay từ thời cổ đại.

Không đi vào chi tiết những sự khác biệt nhất định phải có giữa chủ nghĩa duy vật lịch sử và biện chứng pháp mac-xit, cũng cần phải chỉ rõ rằng khi đưa ra luận điểm về sự vận động, Hegel đã coi các qui luật tối thượng, gọi là “tư tưởng tuyệt đối”, là không thay đổi, là bất biến. Đấy là luận điểm về những qui luật bất biến và không phụ thuộc vào ý chí của con người, nói cho cùng thì đấy là những qui luật điều khiển tự nhiên, xã hội và con người.

Mặc dù Marx và Engels luôn luôn bảo vệ luận điểm về sự vận động, nhưng đồng thời các ông cũng nhấn mạnh rằng các qui luật của thế giới khách quan, thế giới vật chất là những qui luật bất biến và không phụ thuộc vào ý chí của con ngưới. Theo Engels, Marx tin tưởng rằng ông đã phát hiện ra những qui luật chủ yếu liên quan đến đời sống và vận động của xã hội, tương tự như Darwin đã phát minh ra các qui luật của đời sống các loài sinh vật vậy.

Không nghi ngờ gì rằng Marx đã tìm ra một số qui luật vận động của xã hội, đặc biệt là những biểu hiện của chúng trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa tư bản.

Nhưng sự kiện đó, dù đúng đến mức nào, cũng không biện minh được cho niềm tin của những người cộng sản rằng Marx đã tìm ra được tất cả các qui luật vận động của xã hội. Lại càng khó biện minh hơn sự ngoan cố của họ trong việc thực hiện công việc cải tạo xã hội theo những qui luật đó, tương tự như những người dựa vào các qui luật do Lamark và Darwin phát hiện để tạo ra những giống loài mới vậy. Vì trong xã hội loài người luôn luôn có những nhóm và những con người riêng lẻ đầy năng động và sáng tạo hoạt động một cách có ý thức, đấy không phải là thế giới sinh vật vô tri.

Việc chủ nghĩa cộng sản hiện đại hợm hĩnh cho rằng dù chưa phải là tuyệt đối nhưng chủ nghĩa duy vật và biện chứng pháp đã là những phát minh khoa học vĩ đại, hàm chứa mầm mống chế độ độc tài một khi họ nắm quyền. Các tác phẩm của Marx, dù ông không thể tưởng tượng là điều đó lại xảy ra, đã có sẵn cơ sở cho thói kiêu ngạo, hơm hĩnh nêu trên.

Dĩ nhiên là chủ nghĩa cộng sản hiện đại không phủ nhận trật tự pháp chế khách quan, đặt nền tảng trên những qui luật ổn định. Nhưng sau khi giành được quyền lực, trên thực tế cộng sản đã hành xử với xã hội và con người hoàn toàn khác. Quyền của nó đến mức nào thì nó sẽ hành xử như thế ấy.

Như đã nói bên trên, tin rằng họ và chỉ có họ mới nắm được các qui luật vận động của xã hội, những người cộng sản đã rút ra một kết luận vừa đơn giản vừa phản khoa học là họ có toàn quyền can thiệp vào các tiến trình xã hội, có toàn quyền điều khiển các tiến trình đó. Đấy là khuyết tật đầu tiên của hệ thống cộng sản.

Hegel đã coi chế độ quân chủ chuyên chế Phổ là hiện thân của “tư tưởng tuyệt đối” của ông. Người cộng sản có cách hành xử hơi khác. Họ tự coi mình là đại biểu cho những khát vọng khách quan của xã hội. Đấy không chỉ là sự khác nhau giữa họ với Hegel mà còn là sự khác nhau giữa họ với chế độ quân chủ chuyên chế, chế độ quân chủ chuyên chế chưa bao giờ tự hợm hĩnh về mình đến như thế. Vì vậy mà chế độ ấy cũng chưa tuyệt đối chuyên chế như chế độ cộng sản sau này.


2.

Theo thiển ý, chính Hegel cũng phải lấy là kinh ngạc với những phát minh của mình: nếu tất cả đều biến đổi thì tư tưởng của chính ông và xã hội mà ông muốn bảo vệ sẽ còn lại gì? Ông không thể, và như một giáo sư phục vụ hoàng gia, không có quyền đưa ra kết luận trực tiếp liên quan đến số phận của xã hội.

Marx lại là một trường hợp khác. Ngay từ khi còn trẻ ông đã có cơ hội theo dõi cuộc cách mạng năm 1848. Ông có thể và phải đi đến cùng với các kết luận rút ra được từ tư tưởng của Hegel đem áp dụng cho các nhu cầu của xã hội. Chả phải là cuộc đấu tranh đẫm máu giữa các mặt đối lập, một cuộc đấu tranh vì những điều mới lạ, cao cả hơn đã vừa làm rung chuyển cả châu Âu đó ư? Đúng thế, dường như không chỉ Hegel - cái ông Hegel được Marx “dựng dậy” đó, mà chính tất cả các triết lí cũ đã chẳng còn ý nghĩa và chẳng cần cho ai nữa vì khoa học đã phát minh ra những qui luật, trong đó có qui luật xã hội, với một tốc độ nhanh chưa từng có.

Chủ nghĩa thực chứng của Comte đã được coi là phương pháp khoa học; trường phái chính trị kinh tế học Anh (Shmith, Ricardo...) đang nổi lên như cồn; các môn khoa học tự nhiên đầy rẫy các phát minh mang tính thời đại; nền công nghiệp, dựa vào các hướng dẫn kĩ thuật của các nhà nghiên cứu, đang lao lên phía trước với tốc độ chóng mặt; sự đau khổ và những cuộc chiến đấu đầu tiên của giai cấp vô sản đã cho thấy một cách rõ ràng “tật bệnh” của chế độ tư bản non trẻ. Vương quốc của khoa học, ngày đăng quan của nó tưởng như đã cận kề, tưởng như chỉ cần dẹp bỏ cái rào chắn cuối cùng, dẹp bỏ hình thức sở hữu tư bản chủ nghĩa là nhân loại sẽ bước vào thiên đường của hạnh phúc và tự do.

Tất cả đếu đã “chín muồi” cho một phát kiến vĩ đại. Marx có đủ, cả ý tưởng sâu sắc và lòng dũng cảm nữa. Lực lượng xã hội mà ông có thể dựa vào cũng đã sẵn sàng, thậm chí đang ở kề bên.

Marx vừa là một nhà bác học vừa là một nhà tư tưởng. Như một nhà khoa học, ông đã có nhiều phát minh, đặc biệt là tгоng lĩnh vực xã hội học. Nhưng với tư cách một nhà tư tưởng ông còn giành được những thành tích to lớn hơn rất nhiều: Marx đã trang bị tư tưởng cho những phong trào với rất nhiều thành viên và sức mạnh, đầu tiên là ở châu Âu và nay đã lan sang tận châu Á nữa.

Chính Marx-nhà-bác-học hiểu rõ sự phù phiếm của những dự định kiểu ấy, ông không bao giờ nghĩ đến việc tạo ra một hệ thống triết học và tư tưởng bao trùm lên tất cả như thế. “C'est qu'il y a de certain, c'est que moi, je ne suis pas marxiste” (“Chắc chắn rằng tôi không phải là người mac-xít rồi” – ghi chú của người dịch) – chính ông đã nói như thế. Tính khoa học của các luận điểm của Marx là sự ưu việt của ông so với những người xã hội chủ nghĩa trước đây, trong đó có Owen, Fourier, v.v… Việc ông không có ý định coi hệ thống triết học của mình là tuyệt đối đúng cho đến muôn đời sau, không coi nó là một hệ tư tưởng vạn năng lại là một ưu việt so với những đồ đệ của ông sau này, những người, trong trường hợp tốt nhất cũng chỉ có thể được coi là các nhà tư tưởng chứ thật khó mà gọi được là các nhà khoa học (Plekhanov, Labriola, Lenin, Kautsky, Stalin, v.v…). Hệ thống hoá những điều Marx viết, đưa chủ nghĩa Marx thành một cấu trúc chặt chẽ chính là niềm đam mê của họ: kẻ càng ít hiểu triết học, càng không quan tâm đến triết học thì càng đam mê hơn. Thế vẫn chưa hết. Cùng với thời gian những người kế tục Marx đã coi và đã trình bày học thuyết của ông như một hệ thống khép kín, như một thế giới quan toàn năng; họ tự xưng là những người kế tục sự nghiệp của Marx, những người đã đưa các tư tưởng của ông vào thực tiễn. Khoa học càng ngày càng nhường chỗ cho tuyên truyền. Điều đó lại cho phép tuyên truyền khoác lên cho mình cái mặt nạ khoa học.

Là con đẻ của thời đại mình, Marx không công nhận triết học như nó vốn là. Engels, người bạn gần gũi nhất của ông có lần đã cảm thán rằng cùng với sự phát triển của khoa học, triết học đã cáo chung. Không phải chỉ mình Engels có tư tưởng như thế. Cái gọi là triết học khoa học đã trở thành hiện tượng thời thượng, nhất là sau khi chủ nghĩa thực chứng của Comte và chủ nghĩa duy vật của Feuerbach được phổ biến rộng rãi.

Dễ hiểu vì sao Marx lại có quan điểm tiêu cực đối với sự cần thiết, thậm chí khả năng tồn tại của một hệ thống triết lí hữu dụng nào đó. Nhưng tại sao những đồ đệ của Marx lại cố gắng biến những luận điểm của ông thành một hệ thống triết học thống nhất, bao trùm lên tất cả, tạo ra từ đấy một hệ thống triết học duy nhất đúng, thì khó hiểu hơn. Trong khi phủ nhận mọi hệ thống triết học khác, trên thực tế họ đã “sáng tác” ra hệ thống giáo lí “siêu” khoa học và “duy nhất đúng” như họ thường nói. Người cộng sản đại diện cho những giai tầng, do vị trí xã hội của mình, không chấp nhận bất cứ một quan điểm chính thống nào, lại xuất hiện vào đúng giai đoạn khi khoa học trở thành nỗi đam mê của mọi người, khi khoa học đang xâm nhập vào tất cả các lĩnh vực của sản xuất và đời sống, họ chỉ còn mỗi một cách: trở thành những người duy vật, trở thành những “đại diện duy nhất” của những quan điểm và phương pháp “duy nhất” khoa học để biến những quan điểm đó thành hiện thực.

Nếu Marx được “tiếp năng lượng” từ “tinh thần” thời đại cộng với sự đam mê khoa học của một nhà-cách-mạng-bác-học ước mơ tạo cho phong trào công nhân một cơ sở khoa học tương đối hoàn bị, thì trong khi biến các quan điểm của Marx thành giáo điều, các đồ đệ của ông đã hành động trong những điều kiện khác và với những mục đích khác hẳn.

Nếu lí thuyết được gọi là triết học mác-xít (chủ nghĩa duy vật biện chứng) không thể hiện nhu cầu của phong trào công nhân châu Âu lúc đó, một phong trào đang rất cần một hệ tư tưởng mới, một triết lí khép kín, thì nó cũng sẽ bị xếp xó vì thiếu độc đáo và không thật sự sâu sắc. Điều đó chắc chắn đã xảy ra mặc dù tác phẩm của Marx được xếp vào loại những tác phẩm vĩ đại nhất về kinh tế và xã hội học và có thể cũng rất hấp dẫn về mặt văn chương nữa.

Không phải tính khoa học mà trước hết là mối liên hệ với một phong trào và hơn nữa lại dựa trên tính khả dĩ của những biến đổi xã hội đã làm cho triết học mác-xít có sức mạnh như thế. Triết học này giải thích và khẳng định rằng trật tự thế giới nhất định sẽ thay đổi. Trước hết, và nhất định phải như thế, vì nó tự sinh ra cái đối lập với chính mình, sinh ra kẻ đảo mồ chôn mình. Và thứ hai: giai cấp công nhân muốn và có đủ sức thực hiện những thay đổi đó. Ảnh hưởng của triết lí nhất định phải ngày một tăng; bên trong cũng như bên ngoài giai cấp công nhân đã xuất hiện ảo tưởng rằng đấy là một triết lí bách chiến bách thắng. Nhưng hoá ra nếu không có các điều kiện phù hợp thì dù giai cấp công nhân ở đấy có phát triển và phong trào công nhân có mạnh đến đâu (Anh, Mĩ) thì ảnh hưởng của nó vẫn gần như không có.

Bó hẹp trong những luận điểm của Hegel và chủ nghĩa duy vật, triết học mác-xít có giá trị khoa học không lớn như người ta cố tình gán cho nó. Nó chỉ có ý nghĩa thời đại trong vai trò của một hệ tư tưởng của những giai cấp bị áp bức, đặc biệt là của các phong trào chính trị. Ban đầu, ở châu Âu nó có nghĩa là một hệ tư tưởng và một phong trào chính trị, còn sau đó, ở Nga và châu Á nó là một phong trào chính trị và một hệ thống.


3.

Marx cho rằng sự cáo chung của xã hội tư bản sẽ diễn ra trong cuộc quyết đấu giữa hai giai cấp: tư sản và vô sản. Đối với ông thì điều đó là đương nhiên, hơn nữa trong chủ nghĩa tư bản thời kì đó sự phân biệt giàu nghèo là rất rõ rệt, tạo ra những thái cực đối lập gay gắt và cứ khoảng chục năm lại xảy ra những cuộc khủng hoảng kinh tế chu kì làm rung chuyển toàn bộ xã hội.

Nói cho cùng thì học thuyết của Marx chính là sản phẩm của cách mạng công nghiệp và cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân. Không phải vô tình mà cảnh nghèo khổ đến cùng cực và điều kiện sống không khác gì súc vật của quần chúng kèm theo sự bùng nổ trong công nghiệp được Marx mô tả một cách đầy xót xa trong nhiều trang của cuốn Tư bản luận, một tác phẩm quan trọng nhất của ông. Một loạt các cuộc khủng hoảng, đặc trưng cho chủ nghĩa tư bản thế kỉ XIX, tình trạng nghèo khó và sự tăng dân số đã đưa Marx đến kết luận hoàn toàn có cơ sở rằng lối thoát duy nhất chính là cách mạng. Nhưng ông cũng cho rằng cách mạng không nhất thiết phải xảy ra, nhất là đối ở những nước, nơi mà các thể chế dân chủ đã là một truyền thống. Có lần ông đã chỉ rõ các nước như: Hà Lan, Anh và Mĩ. Nhưng dù sao về tổng thể thì điều đặc biệt nhất trong quan niệm của ông chính là học thuyết về tính tất yếu của cách mạng. Ông tin vào cách mạng, kêu gọi cách mạng, ông là một nhà cách mạng.

Các luận điểm cách mạng của Marx mới chỉ là giả định và hoàn toàn không phải là bắt buộc đối với mọi nước, mọi nơi; Lenin đã biến các luận điểm đó thành nguyên lí tối thượng và vạn năng. Trong tác phẩm Bệnh ấu trĩ tả khuynh trong phong trào cộng sản, một tác phẩm ít tính giáo điều nhất của mình, Lenin đã “phát triển”, nói cách khác, đã sửa luận điểm của Marx ngay đối với các nước vừa nói bên trên. Lenin khẳng định rằng điều Marx nói về nước Anh đã không còn đúng nữa vì trong thời gian chiến tranh (chiến tranh thế giới thứ nhất) nước này đã trở thành quân phiệt và vì vậy giai cấp công nhân Anh chỉ có một lựa chọn: làm cách mạng. Sai lầm của Lenin không chỉ vì ông đã không nhận thức được rằng “chủ nghĩa quân phiệt Anh” chỉ là hiện tượng nhất thời, do chiến tranh để lại. Sai lầm lớn nhất chính là quan niệm sai về sự phát triển của nước Anh và những nước phương Tây khác, những nước đang tiến theo con đường dân chủ hoá và tiến bộ kinh tế. Lenin cũng không hiểu được bản chất của phong trào công nhân Anh, một mặt ông đánh giá quá cao những tư tưởng “khoa học nhất” của mình, cũng có nghĩa là của Marx, và mặt khác không thấy hết những khả năng khách quan của phong trào công nhân và vai trò của giai cấp công nhân trong xã hội. Dù không tuyên bố công khai nhưng chính Lenin đã bắt đầu coi lí thuyết của mình cũng như kinh nghiệm của cách mạng Nga là vạn năng, có thể áp dụng cho tất cả mọi hoàn cảnh.

Theo quan điểm của Marx thì cách mạng sẽ diễn ra trước hết ở các nước tư bản đã phát triển. Kết quả của cách mạng sẽ là xã hội xã hội chủ nghĩa, nơi con người sẽ có nhiều tự do hơn chế độ gọi là chế độ tư sản tự do. Dễ hiểu là tuy phủ nhận “kiểu” chủ nghĩa tư bản đó, nhưng chính Marx lại là sản phẩm của thời đại tự do tư sản.

Chia sẻ quan điểm của Marx về việc chế độ tư bản phải được thay thế bằng không chỉ chủ nghĩa xã hội, một hình thái kinh tế - xã hội cao hơn mà còn tự do hơn, những người dân chủ-xã hội có toàn quyền tự nhận là đồ đệ của Marx. Ít nhất thì họ cũng có quyền ngang với những người cộng sản, những người cũng dựa vào Marx, nhưng chỉ khác là luôn khẳng định rằng việc thay thế chủ nghĩa tư bản chỉ có thể được thực hiện bằng con đường cách mạng. Nhưng cả hai, cả cộng sản lẫn xã hội-dân chủ, khi trích dẫn Marx, đều không phải là những đệ tử chân truyền của Marx. Họ chỉ dùng Marx làm tấm bình phong che đậy cho những hoạt động thực tiễn trong những hoàn cảnh đã khác thời Marx rất xa.

Cùng trích dẫn và cùng dựa vào những tư tưởng của Marx phong trào cộng sản và phong trào dân chủ xã hội đã phát triển theo những hướng hoàn toàn khác nhau. Nơi nào mà sự tiến bộ về chính trị và kinh tế bị ngăn chặn, nói một cách khác, nơi nào vai trò khách quan của giai cấp công nhân yếu thì nơi đó nhu cầu hệ thống hoá và giáo điều hoá học thuyết của Marx lại tăng. Đã từng xảy ra như sau: ở một vài nơi, khi mà lực lượng kinh tế và quan hệ xã hội càng chưa sẵn sàng cho phát triển công nghiệp (thí dụ như Nga, sau đó là Trung Quốc) thí khía cạnh cách mạng của học thuyết mac-xít lại càng được vồ vập và sau đó thì biến thành giáo lí. Cánh cách mạng xuất hiện và sau đó chiếm thế thượng phong trong phong trào công nhân. Chủ nghĩa Marx đóng vai trò nòng cốt và sau thắng lợi của các mạng thì trở thành hệ tư tưởng chính thống.

Còn nơi mà sự tiến bộ về chính trị và kinh tế khắc phục được nhu cầu phải làm cách mạng (thí dụ như nước Đức) thì khía cạnh kia, khía cạnh dân chủ của chủ nghĩa Marx thắng thế. Đòi hỏi cải cách, và cùng với nó là xu hướng phi giáo điều hoá trong tư tưởng và trong chính trị, là những đòi hỏi được chấp nhận và được thực hiện từng bước một. Cánh cải cách xuất hiện và chiếm thế thượng phong trong phong trào công nhân.

Trường hợp thứ nhất, dù chỉ là hình thức, mối liên hệ với Marx ngày càng trở nên gắn bó hơn; sự phân li với Marx đã diễn ra rất nhanh trong trường hợp thứ hai.

Trước hết là sự phát triển xã hội rồi sau đó mới đến quan hệ với tư tưởng đã đưa phong trào xã hội chủ nghĩa châu Âu đến sự phân liệt không khoan nhượng và không thể nào khắc phục được. Đại để là sự thay đổi của các điều kiện chính trị và kinh tế trùng hợp với sự thay đổi diễn ra trong tâm trí các lí thuyết gia xã hội chủ nghĩa đã làm cho họ hiểu và lí giải chính hiện thực, dù là tương đối, nghĩa là chưa đầy đủ và phiến diện.

Lenin ở Nga và Bernstein ở Đức, đấy chính là hai thái cực, thể hiện sự khác biệt hoàn toàn cả trong lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội lẫn phong trào công nhân.

Chủ nghĩa Marx “khởi thuỷ” chẳng còn để lại gì: ở phương Tây người ta đã quên hoặc gần như thế; ở phương Đông, sau khi cộng sản giành được quyền thống trị thì biện chứng pháp và chủ nghĩa duy vật mác-xít đã chỉ còn là hình thức và trở thành giáo điều, được dùng để củng cố quyền lực, được dùng để biện hộ cho sự đàn áp và nô dịch về tư tưởng. Chủ nghĩa Marx thực chất cũng đã bị vất bỏ ngay cả ở phương Đông, nó càng ngày càng trở thành một giáo lí xơ cứng. Đối với phần này của thế giới, nó đã không còn là tư tưởng nữa, nó đã trở thành một thứ quyền lực mới, một nền kinh tế mới, một hệ thống xã hội mới.

Dù Marx hay lí thuyết của ông có ảnh hưởng như thế nào thì chính ông cũng không thể ngờ và không nghĩ rằng bước ngoặt như thế lại có thể xảy ra. Tương tự như những người khác, nhà khoa học lớn, người lí giải các qui luật vĩ đại đã bị lịch sử “đánh lừa”.

Sau Marx mọi sự dẵ diễn ra như thế nào?

Trong các nước đã hoàn thành cách mạng công nghiệp (Đức, Anh, Mĩ, v.v…) ngay từ những năm 70 của thế kỉ XIX đã bắt đầu quá trình hình thành các công ty cổ phần và các tập đoàn độc quyền, mà đỉnh điểm của nó kéo dài đến tận đầu thế kỉ XX. Điều đó đã được Gilferding, Gobson và những người khác nghiên cứu, những điều dự đoán của Lenin trong tác phẩm Chủ nghĩa đế quốc, giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản hoá ra là sai.

Sự bần cùng hoá một cách tương đối và tuyệt đối giai cấp công nhân đã không diễn ra ở chính những nước mà Marx nghiên cứu. Luận điểm của Marx lại được khẳng định ở những nước nông nghiệp Đông Âu, điều này đã được Hew Siton-Wotson nhắc tới trong tác phẩm Từ Lenin đến Malenkov (xuất bản ở New York năm 1953). Nếu Tây Âu đánh giá Marx chủ yếu vì vai trò lịch sử và những đóng góp khoa học của ông, thì tại phương Đông, ông được coi ông là nhà tiên tri của thời đại mới, còn học thuyết của ông thì trở thành “thuốc phiện”, trở thành một loại tôn giáo mới.

“Khi Engels đến Manchester vào năm 1842 ông đã thấy cảnh 350 ngàn công nhân chen chúc trong những khu nhà ổ chuột ẩm thấp và bẩn thỉu, họ thở bằng bầu không khí đặc quánh như nước trộn với than vậy. Ông đã nhìn thấy trong hầm lò những người phụ nữ cởi trần làm lụng không khác gì súc vật. Những đứa trẻ phải đóng và mở những chiếc cửa thông gió trong tiếng gầm xé tai của đủ loại động cơ. Có đứa còn phải làm cả những việc nặng hơn. Trong những xưởng thêu sự bóc lột còn khủng khiếp đến mức ngay những đứa trẻ bốn tuổi đã phải làm việc để chỉ nhận đồng lương chết đói” [1]

Engels cũng đã thấy nước Anh, một nước Anh nghèo khó, nhưng khủng khiếp hơn và quan trọng là bức tranh còn đen tối hơn, đấy là sự nghèo khó ở Nga, ở Ban Căng, chưa nói tới châu Á và châu Phi.

Xét về mọi khía cạnh, những sự thay đổi trong sản xuất do kĩ nghệ tạo ra ở phương Tây là sự kiện vô tiền khoáng hậu. Các thay đổi đó đã dẫn đến việc hình thành các tập đoàn kinh tế độc quyền và phân chia thế giới hành các khu vực ảnh hưởng của các tập đoàn đó cũng như của các nước đã phát triển. Đấy là lí do dẫn đến cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất và Cách mạng tháng Mười Nga.

Nhưng sự bùng nổ trong lĩnh vực công nghiệp, công cuộc khai thác các thị trường mới và các nguồn nguyên liệu mới đã tạo ra sự thay đổi căn bản trong địa vị của giai cấp công nhân. Lí tưởng cách mạng đã nhường chỗ cho các phương pháp hữu hiệu hơn, có ý nghĩa hơn, trước hết là các phương pháp nghị trường, các phương pháp nhằm cải cách và cải thiện điều kiện vật chất của giai cấp công nhân. Cách mạng đã trở thành vô nghĩa và không thực tế.

Các nước có nền công nghiệp lạc hậu, trước hết là nước Nga, có hoàn cảnh khác hẳn. Họ chỉ có một sự lựa chọn: công nghiệp hoá hay rút khỏi vũ đài lịch sử và trở thành miếng mồi ngon cho các nước đã phát triển và các tập đoàn tư bản độc quyền. Kết quả không thể tránh khỏi được sẽ là sự thoái hoá. Tư sản địa phương, các giai cấp, các đảng phái ở đó đều quá yếu, không thể nào giải quyết được vấn đề công nghiệp hoá đất nước. Cách mạng trở thành tất yếu, thành nhu cầu sống còn của dân tộc. Chỉ có giai cấp vô sản và đảng của nó là có đủ tinh thần và lực lượng để tiến hành cuộc cách mạng này mà thôi.

Tham gia vào việc hoàn thiện và mở rộng sản xuất là qui luật thường trực, nếu không nói là qui luật duy nhất của mọi xã hội, mọi cá nhân. Muốn không bị lạc hậu họ phải trực diện với các xã hội khác, trực diện với mâu thuẫn ngay trong nội bộ của mình. Quá trình phát triển và mở rộng sản xuất nhất định sẽ gặp phải các trở lực, cả trở lực tự nhiên lẫn trở lực do giai đoạn phát triển cụ thể của xã hội đó gây ra. Đấy là các trở lực do hình thức sở hữu, do các quan hệ pháp lí và quan hệ quốc tế cùng nhiều quan hệ khác tạo ra. Xã hội buộc phải loại bỏ dần các trở lực do tự nhiên gây ra. Tương tự như vậy, xã hội, hay đúng hơn, các lực lượng đại diện cho các trào lưu phát triển và mở rộng kinh tế nói trên phải hành động nhằm loại bỏ, biến cải và phá vỡ các trở lực sinh ra từ bên trong hay đưa đến từ bên ngoài. Các giai cấp, các đảng phái, các tư tưởng và hệ thống chính trị, tất cả đều là những biểu hiện của các quá trình vận động hay ngưng trệ.

Không có xã hội hay dân tộc nào đồng ý để sản xuất dẫm chân tại chỗ vì đấy là hiểm hoạ cho sự sống còn của chính họ. Lạc hậu là tự sát. Nhân dân không bao giờ tự nguyện chết, để loại bỏ các trở lực của quá trình sản xuất, nghĩa là loại bỏ những hiểm hoạ đối sự tồn vong của mình, nhân dân sẵn sàng chịu đựng mọi hi sinh.

Hoàn cảnh, các yếu tố vật chất và tinh thần đóng vai trò quyết định xem sự phát triển và mở rộng sản xuất sẽ được thực hiện bởi lực lượng nào và bằng phương tiện gì cũng như hậu quả của tiến trình ấy. Nhưng quá trình sản xuất được hoàn thiện và mở rộng dưới ngọn cờ nào, với sự tham gia của lực lượng nào thì ít phụ thuộc vào con người cũng như việc hình thành xã hội hay dân tộc vậy. Để có thể tồn tại, xã hội và dân tộc sẽ tìm được các lãnh tụ phù hợp với mục đích mà họ có trách nhiệm hoàn thành và có thể hoàn thành trong giai đoạn đó. Tư tưởng cũng vậy mà thôi.

Chủ nghĩa Marx cách mạng xuất hiện tại phương Tây phát triển, trong giai đoạn gọi là chủ nghĩa tự do tư sản đã “di cư” sang phương Đông (nước Nga, Trung Quốc, v.v...) lạc hậu của thời kì chủ nghĩa tư bản độc quyền. Về nguyên tắc, điều đó cũng phù hợp với trình độ phát triển của phương Đông và phương Tây, phù hợp với hoàn cảnh của phong trào công nhân các nơi đó. Phong trào xã hội chủ nghĩa bắt đầu bằng việc tập trung và chỉnh đốn (Quốc tế II) và kết thúc bằng việc chia rẽ thành cánh xã hội-dân chủ (cải cách) và cánh cộng sản (cách mạng), với sự thành công của cách mạng ở Nga và việc thành lập Quốc tế III.

Trong các nước, nơi mà các biện pháp tiến hành công nghiệp hoá hoàn toàn thiếu vắng, cách mạng cộng sản lại xảy ra do những nguyên nhân đặc thù của các dân tộc đó. Cách mạng không thể nào xảy ra được nếu không có những nguyên nhân đặc thù này. Tại nước Nga nửa phong kiến, phong trào cách mạng đã nổi lên trước những người mác-xít cả nửa thế kỉ. Để cách mạng bùng nổ cần phải có một số điều kiện cụ thể đặc biệt về kinh tế, chính trị và quốc tế nữa. Nhưng ở những nơi từng diễn ra cách mạng (Nga, Trung Quốc, Nam Tư) thì điều duy nhất cần lại là nhu cầu thiết yếu nhất, tức nhu cầu cải tạo công nghiệp.

Phong trào xã hội chủ nghĩa ở châu Âu sau Marx không chỉ mang tính duy vật và mác-xít mà trên cơ sở đó đã xuất hiện và ngày càng phát triển nhận thức về sự độc tôn tư tưởng của mình, đấy cũng là tất yếu lịch sử. Bên phía kẻ thù là tất cả các lực lượng của xã hội cũ: tầng lớp tăng lữ và các nhà khoa học, giới thượng lưu và những kẻ cầm quyền, nhưng quan trọng nhất là bộ máy đàn áp, vì thường xuyên xảy ra chiến tranh nên bộ máy này lúc nào cũng sẵn sàng.

Nếu một người nào đó có ý định “lật nhào” cả thế giới này thì trước hết phải tìm cách giải thích nó đã. Nếu sự độc tôn về tư tưởng là điều cần cho mọi phong trào mới nổi thì đối với cách mạng nó lại là biện pháp duy nhất có thể đưa tới chiến thắng. Nhưng nếu phong trào giành được chiến thắng thì điều đó chỉ càng củng cố thêm niềm tin của nó vào chính mình và tư tưởng của mình. Nếu thắng lợi của các cuộc bãi công và đấu tranh trong nghị viện đã củng cố sức mạnh của cánh cải cách trong phong trào xã hội-dân chủ ở Đức và ở một vài nước khác thì với giai cấp vô sản Nga, những người không thể nào tưởng tượng được rằng họ có thể nhận thêm dù chỉ một xu mà không cần đổ máu, lối thoát sẽ chỉ còn là: chiến đấu không khoan nhượng, đấy là cách duy nhất để giải thoát con người ta khỏi nỗi tuyệt vọng và chết đói.

Phần còn lại của Đông Âu như Ba Lan, Tiệp, Hung, Rumani, Bulgari không rơi vào hoàn cảnh như thế. Các nước đó không trải qua cách mạng, Hồng quân Liên Xô đã áp đặt hệ thống cộng sản cho các nước đó. Các nước này không cần, càng không cần phương pháp cộng sản trong việc cải tạo công nghiệp, hơn nữa một vài nước trong số đó đã hoàn thành cải tạo công nghiệp từ trước rồi. Cách mạng đã được du nhập từ bên ngoài vào và từ trên xuống bằng báng súng ngoại bang và bộ máy đàn áp cũng do chính những báng súng đó lập nên. Phong trào cộng sản ở các nước đó, trừ Tiệp, vốn không có sức sống. Vì yếu, chế độ cộng sản ở các nước này phải sao chép Liên Xô cả về hình thức lẫn nội dung. Liên Xô áp đặt cho họ hệ thống của mình, còn cộng sản địa phương thì hồ hởi tiếp thu. Nơi nào mà phong trào càng yếu thì sự sao chép, bắt chước “anh cả”- chế độ cộng sản bá quyền Nga - lại càng cẩn thận, tỉ mỉ hơn.

Các nước như Pháp và Ý, là những nước đã trải qua cách mạng công nghiệp nhưng đảng cộng sản ở đó vẫn tương đối mạnh là do tình hình khó khăn của các nước này, họ không muốn rơi vào tình trạng lạc hậu so với các nước phát triển khác và vì vậy phải trực diện với một số rối loạn xã hội. Nhưng chính vì họ đã trải qua quá trình dân chủ hoá và công nghiệp hoá và phong trào cộng sản ở đó cũng khác với Nam Tư, Nga hay Trung Quốc nên cách mạng ở các nước này không có và sẽ không bao giờ có cơ may thành công. Sống và đấu tranh trong điều kiện của nền dân chủ, chính lãnh đạo các đảng cộng sản đó không thể thoát khỏi được “ảo tưởng” của chế độ đại nghị, còn khi nói đến cách mạng, nếu vần đề ấy xuất hiện, thì họ lại nghĩ ngay đến phong trào cộng sản quốc tế và sự giúp đỡ của Liên Xô chứ không hi vọng dựa vào lực lượng của chính mình. Trong khi cử tri cho rằng các đảng này là đại diện cho những hi vọng, nỗi đau khổ và sự tức giận của mình thì họ cũng lại ngây thơ tin rằng đấy chính là các chiến sĩ đấu tranh cho một nền dân chủ rộng lớn hơn.

Xuất hiện trong giai đoạn đầu của quá trình hình thành một nền công nghiệp tiên tiến, chủ nghĩa cộng sản đã rút khỏi vũ đài hoặc tắt dần ở những nơi mà quá trình này đã hoàn thành, nhưng nó hưng thịnh và phát triển, trở thành thực tiễn ỡ những nơi mà quá trình ấy sẽ phải diễn ra.

Vai trò vừa nói của chủ nghĩa cộng sản trong những nước kém phát triển xác định tính chất của các cuộc cách mạng cộng sản đã thành công tại các nước đó.


© 2005 talawas



[1]Andre’ Moreau, Lịch sử nền chính trị Anh Quốc, Zagreb, 1940, trang 557-558.
Nguồn: Bản tiếng Nga, tại http://dzhilas-milovan.viv.ru/index.htm