trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
16.8.2005
Ðỗ Minh Tuấn
Một cách nhìn siêu hình và cuồng tín về nhóm Nhân văn-Giai phẩm
 
Sau bài viết của tôi trả lời ông Phan Xuân Lâm khẳng định rõ tôi không có ý định viết cáo phó cho nhóm Nhân văn-Giai phẩm (NVGP) cũng không có thái độ so sánh mình với nhóm này theo lối tự coi mình là anh hùng hơn họ, talawas đã liên tục tung ra hai bài viết “Ngàn năm bia miệng” của Nguyên Trường và “Làm thế nào để giết chết tinh thần Nhân văn-Giai phẩm” của Quốc Việt. Hai bài viết này thể hiện hai cách tư duy, hai tầm văn hoá, nhưng đều có chung một thái độ cố chấp và cuồng tín, đem bàn thờ và biểu ngữ đặt đầy buồng hội nghị khoa học, dẫn đến những nhận định sai lầm, cảm tính và thiên lệch do cách nhìn siêu hình, định kiến và méo mó mà tôi sẽ phân tích cụ thể dưới đây. Tôi tập trung đối thoại với bài của Quốc Việt vì trong đó có nhiều quan điểm sai lầm và bảo thủ được trình diễn dưới dạng giả học thuật, nhiều ý kiến hạ thấp tầm văn hoá của NVGP thể hiện dưới dạng đề cao sự đối đầu chính trị của nhóm này với nền chuyên chính vô sản (CCVS) đương thời.


Thái độ cuồng tín, văn hoá phiệt

Khi xem xét lại một sự vật, một hiện tượng, một phong trào xã hội từ góc độ khoa học, người nghiên cứu có quyền xem xét các tư liệu mới, đứng từ một góc độ hoàn toàn mới để giải cấu trúc các mô hình cũ, thực hiện các hành vi tái cấu trúc để nhận diện bản chất, qui luật vận động của sự vật, hiện tượng và phong trào đó. Không thể đem những dư luận dân gian mơ hồ bất định theo kiểu bia miệng để thay thế những xét đoán khoa học tỉnh táo, những nhận định thành văn, những hướng tiếp cận mới như cái cách ông Nguyên Trường mong muốn. Càng không thể coi những cách tiếp cận mới, những quan niệm mới đó là những hành vi bôi bẩn lên những mô hình cũ như cách Quốc Việt đã nhận xét về cách tiếp cận của tôi với phong trào NVGP. Vì nói như thế chẳng khác nào kết tội Lobaxepki với hình học không gian đã bôi bẩn lên hào quang của hình học Ơclit. Xuất phát điểm và cách đặt vấn đề của Quốc Việt trong bài viết của ông hoàn toàn mang tính bảo thủ, cuồng tín, giống như thái độ một tín đồ bảo vệ giáo chủ vậy. Vì cách đặt vấn đề lấy việc bảo vệ "hào quang", "biểu tượng" của NVGP làm cứu cánh là thái độ phản khoa học và phản dân chủ, nhiễm nặng tinh thần ngu dân cuồng tín của thầy tu, không thấy được sự vận động khách quan nghiệt ngã của các quá trình giải thiêng trong đời sống đương đại.

  1. Trong thời đại bùng nổ truyền thông, toàn cầu hoá ngay cả các biểu tượng lừng lững như K. Marx, Mao Trạch Ðông, Hồ Chí Minh cũng phải chịu những thử thách của quá trình giải thiêng hết sức hỗn tạp, thậm chí rất ngỗ ngược, tại sao lại không thể chấp nhận một ứng xử tương tự với nhóm NVGP.
  2. Các biểu tượng luôn luôn có sự vận động biến đổi nội dung qua các thời đại và các nền văn hoá. Chẳng hạn, đồng đô la Mỹ là biểu tượng của sự giàu có, thành đạt, nhưng cũng có thể là biểu tượng của tính thực dụng.
  3. Ngay cả các biểu tượng có tính bền vững thống nhất tương đối, vẫn được các nhóm xã hội, tôn giáo và sắc tộc nhìn nhận khác nhau như biểu tượng Thượng đế có nội dung sắc thái khác nhau trong Thiên chúa giáo, Hồi giáo, biểu tượng Chúa Jêsu có ý nghĩa khác nhau trong Công giáo và trong đạo Tin lành.
Vì vậy, đem biểu tượng NVGP sực mùi chính trị trong đầu mình, đem hào quang NVGP chói gắt trong mắt mình áp đặt vào không gian tinh thần công cộng để bắt mọi người tuân thủ theo kiểu nghi lễ tôn giáo là một thái độ văn hoá phiệt không có chỗ đứng trong xã hội dân chủ văn minh.


Tinh thần tự biện kiểu Hegel


Trong bài viết của mình, Quốc Việt đã bộc lộ một thái độ duy tâm chủ quan khi thực hiện hàng loại thao tác tư duy siêu hình, tự biện. Quốc Việt đã tách rời nhóm NVGP và các nhân vật chính trị có thế lực lớn khỏi guồng máy CCVS mà họ là các thành viên quan trọng để mô tả cuộc đụng độ giữa khái niệm NVGP và khái niệm CCVS trong đó tinh thần CCVS được hình dung giống như một thứ tinh thần tuyệt đối và trừu tượng kiểu Hegel vận động khách quan bên ngoài mọi khát vọng và mọi hành động của các thành viên tạo nên cơ thể xã hội của nó. Tinh thần NVGP như trong bài viết cũng là một ý niệm chủ quan trong đầu Quốc Việt, thoát ly khỏi ý thức và các hành vi cụ thể của nhóm này. Nói cách khác, Quốc Việt đã cô lập hoàn toàn hai khái niệm CCVS và NVGP khỏi mọi mối liên hệ biện chứng với nhau và với những con người cụ thể trong xã hội để trình bày cuộc đụng độ của hai khái niệm này một cách chủ quan phiến diện. Trong thực tế cái gọi là tinh thần CCVS và tinh thần NVGP được thể hiện qua những con người cụ thể, những quan hệ cụ thể đan chéo nhằm xâp nhập vào nhau hết sức phong phú, đa dạng và sinh động:
  1. Chính các đại diện của NVGP là những chiếc đinh ốc trong guồng máy chuyên chính vì họ nắm giữ các cương vị lãnh đạo lớn trong văn hoá văn nghệ. Các lãnh tụ cộng sản như Trường Chinh, Phạm Văn Ðồng, Nguyễn Chí Thanh có quan hệ mật thiết về chuyên môn với nhóm NVGP, gián tiếp tạo ra phong trào đó.
  2. Những đại diện của nhóm NVGP đã thể hiện một lập trường CCVS công khai và cực tả khi chủ động đặt vấn đề phê phán thơ Tố Hữu thiếu lập trường cách mạng, thiếu tính Ðảng, không ca ngợi Ðảng (như ý kiến của Lê Ðạt).
  3. Những nhân vật chủ chốt của NVGP như Nguyễn Hữu Ðang, Lê Ðạt luôn ý thức mình là chính thống, mình không có gì sai. Nguyễn Hữu Ðang khi viết xã luận kể lại hiến pháp Trung Quốc cho phép biểu tình cũng tin rằng như vậy là chính thống. Lê Ðạt đến tận giờ vẫn cho rằng mình không có gì sai mà bị xử nặng như thế, rằng đất nước mạnh thì kẻ thù không thể lợi dụng được những tác phẩm như NVGP đã viết để chống phá nền CCVS mà họ tham dự như những thành viên.
  4. Các nhân vật gián tiếp tham gia vào phong trào NVGP đều ý thức rằng chế độ ta căn bản là tự do (Ðào Duy Anh) phong trào dân chủ là do Ðảng phát động và nâng cao dân chủ, coi trọng trí thức là cách thể hiện lòng yêu quý chính thể (Nguyễn Mạnh Tường), tin rằng nền CCVS cho mình quyền phát biểu để xây dựng nền dân chủ đó hoàn thiện hơn. Nói cách khác họ đều gắn những yêu cầu tự do dân chủ với bản chất và uy tín của nền CCVS.
Lối tư duy biện siêu hình của Quốc Việt đã không đếm xỉa đến tất cả những hiện thực tư tưởng, tâm lý và xã hội này, biến những con người cụ thể hồn nhiên, trong sáng ngây thơ của NVGP thành những con thú nhồi bông, bị bóc đi gan ruột thật của mình để thay thế vào đó những khẩu hiệu chống độc tài, toàn trị. Nếu trong nửa thế kỷ qua đã xuất hiện một công nghệ chế tạo các biểu tượng chính trị phục vụ phong trào giải thể hệ thống toàn trị CCVS, thì Quốc Việt là nhà tiếp thị có nghề tuyên truyền quảng cáo cho sản phẩm đồ hộp NVGP. Cái công nghệ chế tạo đồ hộp biểu tượng đó đã nghiền nát các số phận cụ thể, các suy nghĩ tâm tư cụ thể để chế thành món nước sốt chính trị sền sệt trộn lẫn tinh thần tự do quật khởi với sự thất bại thảm thương. Nhìn vào những sản phẩm của công nghệ dân chủ này ta chẳng còn thấy cái day dứt hướng thiện của những con người nồng hậu như Lê Ðạt thấy mình bị oan, chẳng có gì sai sao bị trừng phạt nặng nề vậy, thấy Thụy An chẳng làm gián điệp, chẳng chỉ đạo gì ai mà bị kết án oan, mong sao có ngày người phụ nữ ấy được phục hồi. Cái day dứt về nhân phẩm làm nhói lòng ta ấy đã không có chỗ đứng trong công nghệ chế tạo biểu tượng, củng cố hào quang đầy tinh thần chiến tranh lạnh của những người như Quốc Việt.

Ðã có nhiều ý kiến, kể cả ý kiến của những người trong cuộc, cho rằng nhóm NVGP có phần bị oan, bị trừng phạt quá nặng nề, muốn được phục hồi một cách đàng hoàng hơn, công khai hơn, có tầm vóc xã hội hơn. Nhưng Quốc Việt lại cho rằng sự trừng phạt của Ðảng CSVN như vậy là đúng đắn, sáng suốt, nhìn xa trông rộng, phù hợp với nhu cầu bảo vệ độc lập và thống nhất dân tộc. Một cách nhìn như thế có bất cận nhân tình không và có phải là biện hộ cho Ðảng CSVN trong vụ NVGP hay không?

Thực tế là Quốc Việt đã mô tả NVGP như là một cuộc nổi loạn chính trị nguy hiểm đe doạ nền CCVS, từ đó gián tiếp biện hộ cho phản ứng tự vệ chính đáng của nền CCVS khi đàn áp vụ NVGP. Tách rời những người NVGP khỏi nền chuyên chính họ tham gia và tin tưởng, bứt họ khỏi chính những khát vọng văn nghệ rất hồn nhiên và trong sáng của mình để biến họ thành những chiến sĩ tiên phong chống lại chế độ độc tài, đảng trị, tưởng như thế là tôn vinh họ biến họ thành biểu tượng tự do dân chủ, nhưng thực chất là đã coi những quy kết chính trị quá nặng nề, mang tính bảo thủ của phái tuyên huấn đối với nhóm NVGP là chân lý, là phản ứng sinh tồn hợp lý. Nhóm NVGP gồm những văn nghệ sĩ hồn nhiên, trong sáng, cả tin, đúng như ông Nguyên Trường đã nhận xét. Họ gắn bó với CCVS, tin ở chế độ dân chủ, chủ động phát huy tinh thần CCVS để tấn công tư tưởng Maoism coi chính trị là thống soái, với mong muốn trở thành chủ thể của một nền CCVS cởi mở hơn, nơi trăm hoa có thể cùng đua nở và trăm họ có thể biểu tình như bên nước bạn Trung Hoa. Những người đó đã bị Quốc Việt biến thành những quả mìn mang năng lượng tự do dân chủ của Tây Âu gài trong nền CCVS đe doạ sự tồn tại của nền chuyên chính đó nên tất yếu phải bị tiêu diệt như ta đã thấy. NVGP và CCVS đã bị Quốc Việt biến thành những kẻ thù không đội trời chung, cả hai bên đều đúng, đều bản lĩnh và sáng suốt, thật y như cuộc đụng độ của hai kỳ phùng địch thủ trong giới giang hồ. Kẻ có khát vọng tự do, người có tầm nhìn cao rộng, kẻ thua thành biểu tượng toả hào quang, người thắng có chính quyền và những chiến công lừng lẫy mấy chục năm sau đó. Cách tiếp cận vấn đề của Quốc Việt quả có khôn ngoan vì cùng một lúc nó chiên tuyết cho cả nền CCVS và những người chống nó, cùng một lúc vinh danh cả Tố Hữu và những người NVGP. Bí quyết của giải pháp học thuật hai mặt này là tác giả của nó, ông Quốc Việt, đã bưng cái biểu tượng NVGP được dây chuyền công nghệ của truyền thông tư bản dày công chế tạo suốt 50 năm qua đặt vào vành móng ngựa của phiên toà xét xử nhóm NVGP ở những năm cuối cùng của thập kỷ 50 thế kỷ XX. Ðây là trò đánh tráo thời gian, đánh tráo đối tượng rất lắt léo, tinh vi. Mặt khác, cách nhìn nhận của Quốc Việt đầy tinh thần bi quan khi đóng chốt khái niệm CCVS trong tình trạng vĩnh viễn không thay đổi, đầy siêu hình khi phủ nhận quyền năng của các cá nhân tác động lên hệ thống chính trị để từng bước thay đổi nó, như ta đã thấy nó đổi thay rõ rệt trong nửa thế kỷ qua, nhất là trong thời kỳ đổi mới.

Trong bài viết, hơn một lần Quốc Việt nói đến việc nhóm NVGP "đe doạ" nền CCVS, thoạt nghe tưởng như Quốc Việt đề cao bản lĩnh và tầm vóc của nhóm này, nhưng xét cho cùng đó là cách biện hộ cho sự đàn áp của chính quyền với những người NVGP. Anh đe doạ sự tồn tại của tôi, tôi có quyền tiêu diệt anh để tự vệ. Không có điểm tựa nào trong lương tri để nhóm NVGP và những người ủng hộ họ có thể tựa vào đó mà bác bỏ cái lý lẽ dựa trên sự bình đẳng của các số phận này. Lý lẽ của Quốc Việt có khác nào lý lẽ của Ðảng CSVN được Tố Hữu phát ngôn hùng hồn trong bản cáo trạng “Bọn phản động Nhân văn Giai phẩm trước toà án dư luận”. Lý lẽ ấy không có chỗ cho những đòi hỏi phục hồi. Tại sao tôi lại phải phục hồi khi anh đe doạ sự tồn tại của tôi? Chỉ có thể đòi hỏi lòng khoan thứ của kẻ mạnh với kẻ yếu. Nói cách khác, anh đã mạnh rồi, tôi đã bị đánh bại đến tận cùng rồi, lẽ nào anh không tỏ ra nhân đạo hơn, hảo hán hơn với người ngã ngựa để phục hồi cho tôi.

Nếu quả thực nhóm NVGP đe doạ sự tồn tại của nền CCVS đương thời thì những đòi hỏi phục hồi nhóm NVGP với những lời phê phán cho rằng chính quyền đấu tố rầm rộ mà phục hồi lặng lẽ như ông Phan Xuân Lâm đã viết quả là lố bịch. Những đòi hỏi phục hồi công khai chỉ có lý có tình khi xuất phát từ một nhận định hoàn toàn khác với nhận định của Quốc Việt, rằng nhóm NVGP chỉ muốn xây dựng một nền CCVS cởi mở hơn, nhưng lại bị qui kết oan là đối địch về chính trị, đe doạ lật đổ chế độ. Nhận định này hoàn toàn có căn cứ trong suy nghĩ của những người chủ chốt như Lê Ðạt, Nguyễn Hữu Ðang. Lê Ðạt đến nay khi trả lời phỏng vấn của Thuỵ Khuê vẫn nói đi nói lại rằng mình có làm gì sai đâu mà bị trừng trị nặng nề như vậy. Rõ ràng, nhận định cho rằng nhóm NVGP đe doạ sự tồn tại của CCVS như Quốc Việt đã nêu trong bài viết là một nhận định hoàn toàn tư biện, không có căn cứ trong thực tế và làm giảm thanh danh văn hoá của nhóm này, vô hình chung biện hộ cho lịch sử đàn áp như đã diễn ra, biến những nghệ sĩ hồn nhiên, cởi mở và trong sáng luôn ý thức phát huy các nguyên tắc CCVS trong văn nghệ thành những kẻ đào ngũ, phản bội, a dua các phong trào dân chủ ngoài biên giới.

Nếu khẳng định rằng nhóm NVGP đe doạ sự tồn tại của chế độ, dù là vô ý thức như Quốc Việt đã rào đón, thì sự trừng trị phải nặng nề hơn nữa, phải bắt giam hàng loại như với nhóm xét lại sau này thì mới tương xứng với tội danh. Nhưng cái án mà chính quyền giành cho họ chỉ là khai trừ khỏi BCH Hội, khai trừ Hội, treo bút có thời hạn và đưa đi lao động cải tạo. Chủ bút báo Nhân văn là Phan Khôi cũng chỉ bị khai trừ Hội. Ngoài hai án tù cho Phùng Quán và Phùng Cung gắn với văn chương, những án tù dành cho Nguyễn Hữu Ðang và Thụy Khuê liên quan đến lý do làm gián điệp và trốn vào Nam. Rõ ràng cách xẻ đôi chiến tuyến siêu hình đơn giản của Quốc Việt, tạo ra một cuộc đối đầu giữa tinh thần NVGP và tinh thần CCVS, hai tinh thần hoàn toàn tách biệt nhau, đối địch nhau và thoát ly mọi số phận cụ thể - là cách xuyên tác hiện thực đời sống một cách tinh vi. Cách hình dung đó thiếu biện chứng vì:
  1. Không thấy rằng những người NVGP đã thể hiện một cách tích cực các nguyên tắc CCVS trong hoạt động lý luận khi phê bình thơ Tố Hữu, đòi Tố Hữu phải lên gân hơn, có tính Ðảng hơn, ca ngợi Ðảng nhiều hơn.
  2. Không thấy rằng tinh thần NVGP đã nảy sinh từ chủ trương phát huy dân chủ "trăm hoa đua nở" của guồng máy CCVS mà những đại diện sáng giá của nhóm NVGP ý thức rõ, thể hiện qua các bài trả lời phỏng vấn của các ông Ðào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường.
  3. Không thấy rằng những lãnh tụ cao cấp trong Ðảng chính là những biểu hiện cụ thể sinh động của nền CCVS đó, họ đã tạo ra những hoạt động dân chủ dẫn đến NVGP, họ nắm trong tay quân đội, công an và guồng máy tổ chức các cấp, không có gì khiến họ sợ NVGP cả. Họ đã từng cho ba đảng cùng tồn tại. Nếu thuyết phục được họ, thì việc cho phép tinh thần NVGP tiếp tục tồn tại như những chính sách đổi mới văn nghệ cởi mở sau này không phải là không thể xảy ra.
Ðể nhìn vấn đề được rõ hơn, ta hãy phân tích cụ thể hai cách nhìn nhận đánh giá về nhóm NVGP:
  1. Quan điểm của Quốc Việt: Nhóm NVGP là những người nghệ sĩ mang tinh thần dân chủ phương Tây, là một nhánh của phong trào dân chủ phương Tây có âm mưu lật đổ nền CCVS nhưng bị thất bại, bị đàn áp và trở thành biểu tượng.
  2. Quan điểm của tôi: Nhóm NVGP là những thành viên cởi mở nhất, tích cực nhất của nền CCVS, họ hồn nhiên, ngây thơ sử dụng quyền tự do dân chủ được tuyên bố phát động công khai để xây dựng một chế độ ngày càng dân chủ nhưng đã bị phe Tuyên huấn lập hồ sơ để thuyết phục TW Ðảng nhìn họ như một nhóm phản động đe doạ nền CCSV.
Cách nhìn của Quốc Việt thực chất là giản lược quan hệ văn hoá, chính trị, xã hội vô cùng phức tạp và sinh động giữa nhóm NVGP và thể chế chính trị CSVS thành quan hệ chính trị một chiều, chết cứng, không vận động. Cách lý giải này mang tính tuyệt đối hoá, biến đời sống sinh động vận động thành khái niệm chính trị chết cứng. Cách lý giải đó không bao quát hết các tư liệu nhiều chiều, nhiều mặt về sự xuất hiện, tồn tại và ảnh hưởng của nhóm NVGP, cũng không cắt nghĩa được sự đổi mới, biến hình, biến dạng và đổi thay nguyên tắc của nền CCSV Việt Nam mấy thập kỷ qua. Theo quan điểm của Quốc Việt thì chỉ có quan hệ địch - ta, thắng - thua trong vụ việc này: hoặc là nền CCVS bị lật đổ, hoặc là NVGP bị đàn áp, không có con đường thứ ba là con đường diễn biến hoà bình, và con đường đổi mới tự vượt lên mình, điều chỉnh, thích nghi để tiếp tục tồn tại và phát triển như nó đã diễn ra.

Nếu NVGP quả thực chọn con đường đối đầu đe doạ lật đổ nền CCVS như Quốc Việt đã viết, thì số phận của nhóm này không hơn gì nhóm biệt kích C47 ta tóm được trong thời gian đó. Còn nếu nhóm này thực sự chỉ muốn đổi mới về công tác tuyên huấn, muốn mở rộng dân chủ và tự do sáng tác, nghiên cứu, ngây thơ tin tưởng vào chủ trương chung và sự ủng hộ của quân đội, của chính phủ như các tư liệu cho thấy, thì rõ ràng sự thất bại của họ là không tất yếu mà có căn nguyên từ đặc điểm về nhân cách và văn hoá như tôi đã chỉ ra. Ðó là thiếu một sự liên minh với nhau và với lãnh đạo cấp cao đã ủng hộ mình, thiếu sự bàn bạc để đối phó, phản công, cấp thêm tư liệu và trí tuệ cho các cấp cao hơn như cách chúng tôi đã rút kinh nghiệm để làm trong vụ việc ở Viện Triết năm 1987.


Xã hội với cá nhân, nguyên tắc và đổi mới

Khi bình luận về những ý kiến và công việc của chúng tôi liên quan đến các nhận định về thành công và thất bại, tư thế và ý nghĩa, Quốc Việt cũng tỏ ra siêu hình khi tách rời đối lập giữa cá nhân và xã hội, giữa nguyên tắc và đổi mới.
  1. Khi các thông tin, ý tưởng và thái độ của người trí thức được truyền tới các cá nhân lãnh đạo, tác động vào suy nghĩ và tình cảm của họ để thúc đẩy họ ra những quyết định quan trọng, đưa những ý tưởng mới vào nghị quyết và đưa những nhân sự có quan điểm mới vào guồng máy tổ chức, thì đó là những thành công mang tính xã hội, chứ không phải là những kết quả có tính cá nhân.

    Thực tế là trong suốt thời gian tham gia các hoạt động tư vấn thuyết khách tự nguyện, tôi hầu như chẳng làm được gì cho cá nhân mình cả. Những người tôi góp phần đưa lên thì họ có mặc cảm nên không muốn khẳng định tôi mà tôi cũng không nhờ không ép họ. Người cao nhất ký quyết định phong nghệ sĩ ưu tú là người tôi quen biết từ khi ông còn giữ chức Tổng cục trưởng, vậy mà khi tôi bị Bộ Văn hoá gạt khỏi danh sách phong NSƯT hai lần, tôi cũng chẳng nhờ ông. Tôi có cái khoái cảm cá nhân của sự không thèm nhờ đó, để có cái thế mà nói thắng nhiều chân lý. Nếu coi đó là thành công cá nhân thì nhận định của Quốc Việt về tôi mới có thể đúng phần nào. Còn nếu thành công cá nhân là bổng lộc, chức tước và danh vọng thì chẳng có cái gì trong các thứ đó tôi có được nhờ quan hệ với các nhân vật cao cấp của Ðảng CSVN. Trái lại, những quan hệ đó chỉ gây thiệt thòi cho cá nhân vì bị cả hai bên kỳ thị, vì thế, trong hai kiến nghị gửi Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu năm 1998 tôi nói thẳng rằng tôi đã nhận ra là thể chế này làm hại những người ủng hộ nó và làm lợi cho những người chống nó. Ðó cũng là một nguyên nhân sâu xa khiến tôi "rửa tay gác kiếm”.
  2. Nền CCVS của thời NVGP và nền CCVS hôm nay tuy về danh nghĩa vẫn là một, nhưng về thực chất đã có những đổi thay cơ bản về nguyên tắc. Quốc Việt có thể biện hộ rằng Ðảng CSVN đã thay đổi các nguyên tắc để tiếp tục giữ quyền lãnh đạo. Nhưng lý lẽ này phản bác lại lý lẽ của ông về việc Ðảng không thể thay đổi các nguyên tắc của CCVS, rằng Ðảng chỉ thay đổi những gì không động chạm đến các nguyên tắc của guồn máy CCVS. Thực tế đổi mới đã cho thấy các nguyên tắc cởi mở hơn đã trở thành chính thống thay thế các nguyên tắc giáo điều, bảo thủ. Thực chất của sự đổi mới đó là sự thay thế những nguyên tắc Maoist chính trị là thống soái bằng các nguyên tắc mới biện chứng hơn, mềm mại hơn và dân chủ hơn, phù hợp với một thế giới đa phương, đa cực, đa văn hoá. Sự đổi mới đó là kết quả của những diễn biến cụ thể từ cuộc sống xã hội sinh động tác động vào giới cầm quyền trong suốt mấy chục năm, thông qua nhiều quan hệ chính thức và không chính thức, cá nhân và xã hội, trong đó có cả những nỗ lực tác động vào giới cầm quyền của những người như tôi. Ông Nguyên Trường đề cao vai trò "bia miệng" nghĩa là dư luận bất thành văn của xã hội. Nhưng nếu không có người nào đem bia miệng đó gây áp lực với giới lãnh đạo, để họ phải đổi thay chính sách và thái độ, thì bia miệng đó nhiều khi cũng chỉ là thứ ngồi lê đôi mách truyền tụng những tác phẩm do các phe phái hay các kiểu thầy đồ thi trượt sáng tác ra mà thôi.

    Nếu phủ nhận các tác động nhiều chiều nhiều mặt vào cá nhân lãnh tụ, phủ nhận vai trò của các cá nhân có quyền lực thay đổi đường lối và chính sách, phủ nhận sự liên thông của các cá nhân này ra các biến động có tầm xã hội, phủ nhận ý nghĩa xã hội của thuyết khách, phủ nhận sự vận động đổi thay của các nguyên tắc CCVS - như Quốc Việt đã phủ nhận - thì cũng có nghĩa là phủ nhận luôn cả quá trình đổi mới. Thực chất của quan điểm đó là gì? Là chấm dứt đối thoại, tiến hành lật đổ. Ông Quốc Việt có thực sự muốn làm cái việc đó hay không ?
Cách so sánh theo lối ăn bớt, cân điêu

Như tôi đã hơn một lần nói rõ trong bài viết trả lời ông Phan Xuân Lâm rằng tôi không có ý định hạ bệ hay coi thường bản lĩnh và đóng góp của nhóm NVGP, tôi chỉ muốn so sánh hai phương cách hành xử để làm bật lên một tinh thần chính trị chống cộng là thái độ tôn vinh thất bại và coi thất bại như một bằng chứng của chế độ độc tài, nhưng do cách viết chưa thật đầy đủ, chuẩn xác về một vấn đề phức tạp nên đã ngộ sát, tạo ra một sự ngộ nhận rằng tôi tự đánh giá nhóm mình có bản lĩnh cao hơn. Tuy nhiên, trong hai bài viết trao đổi với tôi đăng trên talawas gần đây, các ông Nguyên Trường và Quốc Việt vẫn tiếp tục cố chấp thổi phồng sự so sánh đó, thậm chí lố bịch hoá nó bằng cách lập bảng so sánh không chính xác và không đầy đủ, tạo ra các vế đối lập giả rất kệch cỡm. Nếu xét từ nghệ thuật xuyên tạc và bôi bác thì cách ví von của ông Nguyên Trường và cách lập bảng của ông Quốc Việt đã ít nhiều thành công, nhưng nếu xét từ góc độ khoa học thì đó là ví von cảm tính, so sánh không cùng hệ, theo kiểu đem vô địch cờ vua so với vô địch quyền Anh, trong đó một nước chiếu bí được so với một quả đấm thôi sơn nảy đom đóm mắt.

Thực ra, khi liên tưởng tới những nhược điểm của những người thực tài ở thế hệ NVGP tôi muốn so sánh giữa hai triết lý sống kéo theo hai cách hành động và hai hiệu quả chứ không phải là so sánh cá nhân mình với nhóm NVGP. Cách ví von dân dã cảm tính của Nguyên Trường và cách lập bảng hàn lâm của Quốc Việt thực chất là đều là những sự đánh tráo vấn đề rất tinh vi. Dưới những thao tác cân-đong-đo-đếm thoạt trông có vẻ khách quan và khoa học lắm là thói cân điêu của mấy người buôn bán nhỏ. Tại sao lại nói là cân điêu? Vì khi so sánh ông Quốc Việt đã bớt xén những giá trị xã hội, những ý nghĩa xã hội và những ảnh hưởng xã hội có thật trong hoạt động của nhóm chúng tôi, chỉ trình bày những yếu tố cá nhân, nỗ lực cá nhân, thành quả cá nhân. Trong khi đó, ông lại nhấn mạnh hiệu quả xã hội của nhóm NVGP và lờ đi toàn bộ những yếu tố cá nhân, quan niệm cá nhân, quan hệ cá nhân của họ. Chẳng hạn, như tôi đã kể rõ trong bài viết “Quyền lực con người trong xã hội dân sự - phần 2” và bài “Không có cáo phó nào cho nhóm Nhân văn-Giai phẩm”, chúng tôi quan hệ với các Uỷ viên BCT như là những thuyết khách hiện đại, tư vấn, tác động về cả đường lối và tổ chức cụ thể là tích cực tham gia thúc đẩy quá trình đấu tranh đổi mới Ðảng (chống Maoist) và đổi mới văn hoá văn nghệ (Nghị quyết 05 về VHVN), đồng thời tiến cử nhiều nhân sự có tư duy mới tham gia vào guồng máy Ðảng và Nhà nước. Ðó là những thành công mang tính xã hội ở tầm vĩ mô. Nhưng Quốc Việt đã lờ đi những thành công này, chỉ nói đến những thành công của cá nhân mà thực ra gắn với những công việc của thập kỷ 90 sau khi tôi đã rửa tay gác kiếm, từ bỏ con đường làm thuyết khách tư vấn và tác động vào các cấp vĩ mô. Sự đánh tráo thời gian và hiệu quả này của Quốc Việt tỏ ra rất thiếu lương thiện. Ðể độc giả có thể hình dung rõ hơn sự đánh tráo, ăn gian và ngộ nhận của Quốc Việt, tôi xin được sửa lại bảng so sánh của Quốc Việt như sau:

  Nhóm NVGP Nhóm Đỗ Minh Tuấn

Tư cách, quan hệ
  • Là những đảng viên, những cán bộ lãnh đạo trong guồng máy CCVS.
  • Có quan hệ với các lãnh tụ Ðảng như Trường Chinh, Phạm Văn Ðồng, Nguyễn Chí Thanh... từ trước khi xảy ra vụ việc, do quan hệ công việc trong guồng máy.
  • Sau khi trở thành nạn nhân của CCVS mới có những quan hệ với những người chống cộng.
  • Không phải đảng viên, không phải lãnh đạo trong guồng máy.
  • Có quan hệ với ông Lê Ðức Thọ và một số Uỷ viên BCT sau khi xảy ra sự việc, do kiện cáo tự vệ mà phát sinh quan hệ.
  • Ngoài quan hệ với các lãnh tụ Ðảng còn cùng lúc quan hệ với nhiều người có các quan điểm chống đối, các nạn nhân của CCVS

Hành động, Tư tưởng
  • Chủ động tấn công thơ Tố Hữu trên lập trường CCVS tả khuynh, đòi tăng cường tính giai cấp theo tinh thần Macxit, phê phán Tố Hữu không ca ngợi Ðảng, không có bài thơ nào viết về Ðảng.
  • Tấn công vào vai trò lãnh đạo của Tuyên huấn, đòi tự trị trong văn nghệ quân đội bằng các diễn đàn chính thống.
  • Viết trên các báo công khai hợp pháp đòi tự do sáng tác, với ý thức rằng xã hội Việt Nam lúc ấy là xã hội tự do dân chủ.
  • Những sáng tác được in ra và phổ biến hợp pháp trong quần chúng đến năm 1956, gây ra một ảnh hưởng xã hội lan rộng trong giới sinh viên, sau đó bị phái Tuyên huấn tổ chức cho công nhân, văn nghệ sĩ đấu tố, phê phán, qui kết chính trị nặng nề.
  • Ðến nay các tác phẩm của nhóm này đã được in hết, hồ sơ tranh luận, đấu tranh của nhóm này và với nhóm này đã được in lại.
  • Viết thơ day dứt về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, viết chuyên luận Phúc thẩm án Juda phê phán lương tâm của lý tính, lương tâm của chương trình, bị qui tội là ám chỉ Ðảng, chống chủ nghĩa Marx.
  • Phản công lại cánh Ðặng Xuân Kỳ con trai Trường Chinh bằng cách lập hồ sơ mới, qua con đường tiếp cận bán chính thống với các nhóm quyền lực cá nhân.
  • Từ chỗ tự vệ đã tiến tới tư vấn lý luận xây dựng Ðảng, gây sức ép bằng thông tin và lý luận đòi Ðảng phải đổi mới về chính trị và văn hoá văn nghệ, phải chống Maoist một cách quyết liệt hơn.
  • Những sáng tác và Nhật ký để trong ngăn kéo bị lôi ra kiểm điểm qui kết chính trị nặng nề. Những bài viết trên báo trong và ngoài nước cũng bị phê phán qui kết chính trị nặng nề.
  • Ðến nay các tác phẩm bị phê phán vẫn chưa được in và chiếu trong nước. Có tác phẩm điện ảnh chưa được phép công chiếu.
Ðối thoại
  • Chấp nhận sự phê phán qui kết đó, không tìm cách phản công.
  • Không chấp nhận sự phê phán qui kết đó, tìm cách phản công, đối thoại.
Liên minh
  • Không liên minh với những lãnh tụ cấp cao đã ủng hộ mình để cung cấp thông tin, tuyên truyền quan điểm và tư vấn về lý lẽ để biến quan niệm và ý chí của nhóm mình thành đường lối.
  • Không liên minh với nhau để bàn cách đối phó tích cực mà giữ khoảng cách với nhau khi sự việc bùng ra, không thèm tranh thủ thiện ý của các bạn văn để phân hoá họ, trung lập họ, thậm chí còn thách thức đẩy họ về phía bên kia như trường hợp Nguyễn Ðình Thi.
  • Tìm cách thoả hiệp, nhận lỗi cho yên chuyện và bị rơi vào thế trận của cánh tuyên huấn.
  • Tích cực liên minh đối thoại với các lãnh đạo cao cấp để phản công lại sự qui kết, để tư vấn quan điểm tư liệu và lý lẽ tạo nên một sự ủng hộ chính thống ở cấp vĩ mô cho những vấn đề do mình đặt ra.
  • Liên minh chặt chẽ với nhau, phối hợp bàn bạc cách đối phó, tính toán từng đường đi nước bước để phản công, thoát hiểm và mở rộng ra các hoạt động xây dựng Ðảng ở cấp vĩ mô. Tranh thủ sự ủng hộ của lớp trung gian (làm thơ trách móc), nhờ lên tiếng ủng hộ, nhờ đứng tên trog đơn kiện, răn đe kẻ có thái độ xấu, cảnh giác không để rơi vào bẫy.

Thành công -Ý nghĩa
  • Một bước tập dượt về tự do dân chủ cho dân tộc.
  • Gieo mầm tự do ngộn luận và tư tưởng, và tinh thần độc lập trí thức
  • Trở thành nhân chứng của xã hội toàn trị, góp phần cho truyền thông tư bản lên án chế độ. Đây là thành công ngoài chủ đích của nhóm này nhưng được nhìn nhận như thành công lớn nhất về chính trị theo quan điểm kiểu Quốc Việt.
  • Tạo ra một chất liệu để truyền thông tư bản xây dựng thành biểu tượng tôn giáo-chính trị chống độc tài, đảng trị.
  • Tạo thành những bài học kinh nghiệm cho thế hệ sau.
  • Nhưng cũng kéo dài sự thống trị của chủ nghĩa Mao trong đời sống văn học nghệ thuật vì đã trở thành một bài học cảnh giác của nền CCVS.
  • Ðảo ngược tình thế để tạo nên một thế trận hoà, không phải trả giá lớn về chính trị
  • Góp phần đưa một số quan điểm mới và nhân sự mới vào văn kiện và tổ chức của Ðảng tạo thêm tiền đề cho cuộc đổi mới của toàn xã hội theo hướng đa phương, đa dạng.
  • Tạo ra 4 cuộc tranh luận học thuật trên báo chí trong 3 năm, góp phần đưa những quan điểm văn nghệ mới vào xã hội.
  • Xoá bỏ hố thẳm giữa thể chế chính trị và đời sống, nêu cao tinh thần tự chủ chính trị, hạn chế sự lợi dụng các giá trị đạo đức truyền thống để nô lệ hoá trí thức.
  • Khẳng định bản lĩnh, quyền lực của cá nhân trí thức và sự độc lập trí thức trước các thế lực chính trị.
  • Thách thức quyền lực và các định kiến về giá trị.


Với tất cả những phân tích và so sánh trên đây tôi cho rằng chính Quốc Việt mới là người giết chết tinh thần NVGP khi định nghĩa tinh thần độc lập văn hoá đó như một biểu hiện của mưu đồ chính trị, ghép tinh thần xây dựng xã hội của họ vào một trào lưu chính trị dân chủ hoá sẵn có ở phương Tây, đồng nhất tinh thần văn hoá đầy tính nhân bản trong thực tế của phong trào này với tính chất biểu tượng tôn giáo-chính trị vốn là thành tựu của truyền thông chống cộng nửa thế kỷ qua.

Trong bài của Nguyên Trường và Quốc Việt còn nhiều vấn đề cần trao đổi nghiêm túc như vấn đề tha hoá của trí thức, vấn đề phò chính thống, thời điểm bản lề, thời điểm thịnh suy của một chế độ v.v. Nhưng thời gian có hạn không cho phép tôi viết hết về những vấn đề trên, mong sẽ được trở lại trong dịp khác, khi cuộc trao đổi đã thoát khỏi sự chi phối của cảm quan chính trị và tôn giáo để được nâng lên một tầm vóc học thuật cao hơn.

© 2005 talawas