trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
26.7.2005
Quốc Việt
Làm thế nào để giết chết tinh thần Nhân văn-Giai phẩm?
 
Gần nửa thế kỉ đã qua đi sau những sự kiện liên quan đến Nhân văn-Giai phẩm (NVGP), một trong những sự kiện văn hoá chính trị và tư tưởng nổi bật nhất ở Việt Nam trong thế kỉ 20 mà sức ám ảnh của nó đè nặng lên các hoạt động văn hoá tư tưởng của Việt Nam cho đến tận ngày nay. Thế nhưng, cụm từ NVGP vẫn là những gì không được miêu tả và đánh giá rõ ràng. Với một người Việt bình thường chỉ tiếp xúc với thông tin chính thống, NVGP đơn giản là một nhóm văn nghệ sĩ phản động chống Đảng (và như vậy, gần như đồng nghĩa với chống nhà nước, chống cách mạng, phản bội tổ quốc …) vào những năm 50-60 của thế kỉ 20.

Cho tới ngày hôm nay, những nỗ lực “quên” những gì liên quan đến NVGP làm liên tưởng đến những cố gắng tập thể và có tổ chức nhằm tẩy rửa các kí ức tập thể về NVGP (xem bài của Nguyễn Huệ Chi) và hướng dẫn dư luận xã hội ra xa những vấn đề cơ bản mà NVGP đã nhen nhúm lên và đã bị thất bại.

Bên cạnh những nỗ lực có tổ chức ấy là những nhận định, đánh giá về NVGP với một cố gắng khác nhằm tách rời nó khỏi không gian chính trị xã hội: chúng giản lược NVGP thành những vấn đề cá nhân, hoặc văn học thuần túy. Lối tiếp cận cá nhân hoá, văn học hoá chính trị và tư tưởng này là một phương cách khác, tinh vi hơn, giết chết tinh thần NVGP. Hai hình thức đối xử với tinh thần NVGP này, cùng với những khẩu hiệu chính trị thời thượng “khép lại quá khứ” được diễn giải một cách thô thiển, làm cho sự biến dạng của tinh thần NVGP qua cái thấu kính xã hội Việt Nam ngày càng trở nên trọn vẹn.

Trong hai bài viết gần đây trên talawas, tác giả Đỗ Minh Tuấn (ĐMT) đã đưa ra một số đánh giá về NVGP và về trí thức trong một vị thế tạo ra cảm giác rằng những phát biểu ấy là một phát ngôn đại diện cho thế hệ trí thức sau 1975. Những đánh giá và so sánh thiếu căn cứ và có phần vô trách nhiệm về NVGP ấy đại diện cho tinh thần cá nhân hoá và văn học hoá chính trị-tư tưởng nói trên và cần một phân tích nghiêm túc. Trong một chừng mực hạn hẹp, khuôn trong nhận thức của một cá nhân “ngoại giới” với thế giới các nhà văn, thơ, lí luận…, người viết bài này muốn tham gia góp ý về những đánh giá, so sánh giữa NVGP và “chúng tôi” mà ĐMT coi mình là một đại diện tiêu biểu.

Bài viết này chỉ giới hạn trong một vài luận điểm được trình bày rõ ràng trong bài viết của ĐMT về NVGP, chứ không phải là một bài phản biện toàn diện về các ý kiến, các thao tác và các đánh giá trong bài viết của ĐMT. Nó cũng không phải là một nghiên cứu về NVGP cũng như về đề tài quyền lực dân sự và tinh thần trí thức, một điều mà rõ ràng là vượt khỏi kiến thức và khả năng của người viết. Mặc dù vậy, tôi tin rằng những điều mà tôi đề cập đến, sẽ không thừa. Tôi cũng hi vọng rằng, những người có liên quan hoặc ít nhiều quan tâm đến vấn đề này cùng tham gia vào việc tìm hiểu và đánh giá đúng mức một sự kiện quá khứ vẫn còn hết sức thời sự này.


I. Nhân văn-Giai phẩm

Những ý kiến đánh giá của ĐMT về NVGP có thể tóm gọn lại trong các ý chính sau:

  1. Thất bại của NVGP là do lười biếng trong lao động chính trị, không tổ chức, không liên minh với nhau, không nắm lấy tổ chức, đối lại với ĐMT đã chăm chỉ trong lao động chính trị, liên minh với nhau và nắm lấy tổ chức.
  2. Thất bại của NVGP do giới hạn của đạo lí truyền thống, ở tinh thần liệt sĩ văn hoá, cao ngạo trí thức rởm, đối lại với ĐMT đã “vượt thoát khỏi đạo lí truyền thống”, chịu đựng hi sinh và nhẫn nhục cộng sinh với quyền lực: một thứ “tử vì đạo” trong quan hệ với quyền lực.
  3. NVGP là những hoạt động bè phái trong văn học học nghệ thuật, tự thất bại do ứng xử bất cần, do kĩ thuật tổ chức và do không chủ động nắm lấy lãnh đạo, đối lại với ĐMT đã “gắn sự tự vệ của mình với một nỗ lực đổi mới chính trị ở cấp vĩ mô, tiến tới chủ động tấn công tác động, đối thoại, tư vấn gây sức ép vào các lãnh đạo cao cấp để đưa ra những nguyên tắc mới, nhân sự mới vào trong đời sống”.

Ở đây, ĐMT không phân biệt hoặc không muốn phân biệt giữa các cá nhân trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào NVGP và sau đó đã trải qua 50 năm sống và làm việc cho đến ngày nay, với phong trào NVGP, mà thực tế chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn ngủi (khoảng từ 1956 đến 1958). Đặt trong văn cảnh bài viết, và bằng cách so sánh theo phân đoạn thời gian, tôi muốn tin rằng, cái mà ĐMT đề cập qua cách nói “các vị nhân văn xưa”, không phải là các vị NVGP trong quãng thời gian sau khi đã bị đập tan, mà là trong chính quãng thời gian ngắn ngủi đó, hoặc thậm chí, ngay chính bản thân phong trào NVGP.



Những sự kiện, những diễn biến chính trị và xã hội của NVGP và liên quan đến NVGP cần những khảo cứu công phu của các nhà nghiên cứu. Trong bảng so sánh dưới đây, tôi chỉ tóm tắt quan điểm cá nhân liên quan đến các nhận xét và so sánh của ĐMT về NVGP.

Bảng 1
Luận đề Nhân văn-Giai phẩm Đỗ Minh Tuấn
Có tổ chức, có liên minh với nhau. Tập hợp một đội ngũ trí thức tương đối rộng (ít nhất là về mặt ý thức) với nhiều thành phần: nhà thơ, nhà biên kịch, nhà văn, giáo sư đại học… Ra được các tờ báo và tạp chí riêng, thể hiện được các quan điểm nghệ thuật, tư tưởng riêng. Tóm lại, tuy chưa phải là một tổ chức thật sự, nhưng đó là khởi điểm, là mầm mống cho một tổ chức thực sự, Một thứ tiền-tổ-chức tất yếu cho mọi tổ chức chính trị. Chính điều này là điều khác cơ bản nhất. ? liên minh với ông Lê Đức Thọ để lật con trai ông Trường Chinh?

? tổ chức và liên minh khác?

Tóm lại, đây là một thứ liên minh không thể gọi khác hơn là liên minh bè phái trong cuộc đấu tranh tự vệ và giành quyền lực trong những tổ chức ở tầm vi mô, không động đến các nguyên lí tư tưởng/ý thức hệ cơ bản của hệ thống.
Nắm lấy tổ chức. Có sự ủng hộ bước đầu, do vậy đã nắm được một số cơ quan ngôn luận, một số nhân vật lãnh đạo. Tuy nhiên, các quan điểm nghệ thuật và tư tưởng của NVGP, khi phát triển đến một tầm mức mới về chất: đe doạ đến hệ thống tổ chức nhà nước và các nguyên tắc cơ bản của Đảng và nhà nước chuyên chính, đã phát triển thành một thứ mâu thuẫn đối kháng trực tiếp. Sự ủng hộ nói trên biến mất hoặc bị tước bỏ. Nói như ĐMT rằng những người như Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần… cũng là những nhân vật lãnh đạo văn nghệ nhưng đã không tranh thủ vị trí của mình là một cách nói lấy được, là một cách trình bày sự kiện phiến diện, cố tình lẫn lộn giữa “ý thức và hệ tư tưởng lãnh đạo xã hội” với “một vài vị trí lãnh đạo trong văn học nghệ thuật”. Quan niệm nắm lấy tổ chức bằng cách “quan hệ” cá nhân với một số cá nhân quyền lực trong bộ máy Đảng cầm quyền, với mục đích sử dụng những quyền lực cá nhân vào việc giải quyết các công việc liên quan đến một số việc nhất định, đa phần là để tự vệ trong một xã hội tù mù về cơ chế hành chính? Đôi khi, quan hệ cá nhân này cũng giúp ích ít nhiều với 2 điều kiện:
  1. sự giúp đỡ đó không được ảnh hưởng tới quyền lực của cá nhân quyền lực kia.
  2. sự giúp đỡ đó không ảnh hưởng tới những nguyên tắc tổ chức nền tảng của bộ máy cầm quyền
Hay là một sự “nắm lấy tổ chức” nào khác mà ĐMT chưa tiết lộ?
Lao động chính trị Có cơ quan phát ngôn và thể hiện tư tưởng. Đấu tranh chính trị công khai bằng các đề xuất, các tác phẩm có mục đích, có định hướng tư tưởng tập trung và nhất quán. Tương tự như trên: lao động chính trị = quan hệ với các cá nhân nắm quyền
Không thèm đối thoạI ? ?
Thành công?
  • Thất bại hoàn toàn với: 2 án tù 15 năm, nhiều án cải tạo không có thời hạn, nhiều án cấm in, cấm viết, cấm giảng dạy. Một số cá nhân được phục hồi một cách dấm dúi sau 30 năm.
  • Thành công với việc tạo ra một chấn động trong xã hội và trong tầng lớp trí thức. Ảnh hưởng của NVGP lên tầng lớp văn nghệ sĩ và cả dân thường trong suốt nửa sau thế kỉ là điều khó phủ nhận. Cho dù chưa bao giờ được tung hô một cách đàng hoàng như ĐMT đã nói, NVGP là vầng hào quang mà các thế hệ trí thức sau đó phải cảm thấy chói mắt. Vầng hào quang này đại diện cho một tinh thần độc lập trí thức ít ỏi của Việt Nam trước một hệ tư tưởng hậu triết học chuyên chính.
  • một số các thành công cá nhân nhất định (Xem thêm các ví dụ trong bài viết của ĐMT).
  • đa phần là để tự vệ một cách chủ động hoặc bị động trước một bộ máy hành chính xơ cứng và giáo điều, những cơ quan quản lí tư tưởng văn hoá vừa độc đoán vừa bất lực.
Ý nghĩa?
  • Gieo mầm tự do ngôn luận và tư tưởng, và tinh thần độc lập trí thức
  • Đe dọa trực tiếp vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản
  • Đe dọa trực tiếp khối tập trung và đoàn kết xung quanh sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản trong thời kì chiến tranh, trong việc xây dựng và duy trì nhà nước chuyên chính toàn trị
  • “một bước nhảy ghê gớm về đạo đức của thế hệ tôi vượt thoát khỏi lực trọng trường của đạo lý truyền thống để bay vào vũ trụ quyền lực giành lấy tự do” (lời của ĐMT).
  • góp phần vào việc “xé rào” từng bước một, cùng với nhiều cá nhân, nhiều yếu tố khác trong quá trình “suồng sã hoá” hình ảnh và vai trò tuyệt đối của Đảng lãnh đạo, trong việc nhích dần đến những không gian tự do hơn của các sinh hoạt trí thức. Tuy nhiên, cách trình bày của ĐMT làm lu mờ những tác động của kinh tế, của công nghệ, của bối cảnh thế giới mà theo tôi có một tầm quan trọng không thể hoài nghi.
  • tuy nhiên, cũng góp phần vào việc kéo dài quá trình tan rã của xã hội toàn trị bằng cách duy trì những ảo tưởng về tự do và về quyền lực dân sự của cá nhân, và làm loãng sự tập trung phát triển cần thiết của giới trí thức trong việc hình thành một không gian trí thức tự do. Xét ở khía cạnh này, nó là một yếu tố cản trở quá trình phát triển của xã hội theo hướng đổi mới tư tưởng, hệ thống, và xây dựng một môi trường trí thức thực sự.

Bảng so sánh này không phải là một bảng tổng kết toàn diện và đa chiều về NVGP. Vì là một đối thoại với bài viết của ĐMT, nó chỉ bám sát những luận điểm mà tác giả ĐMT đưa ra, dựa trên những hiểu biết cá nhân về NVGP. Với những gì đã được trình bày, tôi cho rằng những đánh giá của ĐMT là những đánh giá hồ đồ, dựa trên các định nghĩa và diễn giải khá tù mù về “tổ chức”, “liên minh”, “lao động chính trị” , “thành công” trong lĩnh vực đấu tranh tư tưởng. Những đánh giá đó tách rời người trí thức nghệ sĩ ra khỏi không gian chính trị văn hoá xã hội mà anh ta đang sống, đặc biệt là môi trường văn học trong một xã hội trải qua nhiều biến đổi như xã hội Việt Nam trong nửa cuối thế kỉ 20. Nó cũng đánh lộn sòng việc tự vệ của một cá nhân trong một xã hội ở thời mạt kì của nhà nước chuyên chính với cuộc đấu tranh tư tưởng có thể gọi là một mất một còn của một đảng chuyên chính trong quá trình xây dựng một nhà nước chuyên chính. Tôi dùng đúng chữ “mạt kì của nhà nước chuyên chính” ở Việt Nam để chỉ chính toàn bộ thời gian từ năm 1978 đến nay. Cái gọi là mạt kì này được đặt trong bối cảnh quốc tế và xã hội rộng lớn, chứ không gói gọn trong 2-3 năm gần đây như ĐMT đã nghĩ. Cái bối cảnh quốc tế và xã hội khởi đầu của mạt kì đó là:

  • Sự trì trệ về kinh tế của Liên Xô bắt đầu từ đầu những năm 70.

  • Mâu thuẫn với Trung Quốc: cái bắt tay Trung Quốc - Mỹ khởi đi từ năm 1972 đến sự kiện Hoàng Sa năm 1974, Campuchia 1976-1978 và chiến tranh biên giới phiá Bắc năm 1979.

  • Sự xuất hiện và phát triển của phong trào Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan

  • Nhận thức của miền Bắc sau 1975 về sự thực “miền Nam dưới ách chiếm đóng và cai trị của Mĩ Ngụy”. Đói kém tràn lan, thuyền nhân, và cấm vận kinh tế.

  • Nhận thức về sự thất bại của kinh tế quốc doanh và sự xuất hiện các hình thức xé rào kinh tế quốc doanh.

  • Sau khi thống nhất đất nước, đối trọng chủ yếu của một niềm tin tập thể tuyệt đối về tinh thần yêu nước chống ngoại xâm dần biến mất. Bắt đầu sự hẫng hụt về tư tưởng chuyên chính, bắt đầu đi tìm những vật liệu để lấp đầy sự hẫng hụt đó trong kinh tế như khoán và thị trường tự do, còn trong tư tưởng thì là tư tưởng Hồ Chí Minh sau này.

Thực tế, vấn đề cơ bản không nằm ở chỗ xem những năm 1955-1958 là tuyệt đỉnh của nền chuyên chính hay sau năm 1976 là mạt kì của nó. Trong khi tranh luận về việc phán xét xem thời kì nào là thời kì mạnh nhất của nhà nước chuyên chính ở Việt Nam, ta có thể đi xa ra khỏi 2 trọng tâm căn bản sau của phong trào NVGP:

  1. bản chất của phong trào NVGP đối với nền tảng chính trị và tư tưởng của chính thể chuyên chính vô sản
  2. ưu tiên tuyệt đối của một cỗ máy ý thức rõ ràng rằng mình đang chuẩn bị cho một cuộc chiến dài lâu, không cân sức và khó khăn. Những kinh nghiệm xương máu về đoàn kết và sức mạnh của tinh thần trong quá trình hình thành, phát triển Đảng và cuộc kháng chiến chống Pháp đã hình thành nên một ý thức tuyệt đối: sẵn sàng hi sinh cho thắng lợi trong chiến tranh.

Trong khía cạnh đầu tiên, mọi sự kiện và phân tích đều qui về một điểm: NVGP, cũng giống như đàn anh của nó là Trăm hoa đua nở, là mối đe dọa trực tiếp, nguy hiểm đến vai trò lãnh đạo của Đảng, đến nền tảng tư tưởng của nhà nước chuyên chính vô sản, đến các quan niệm cơ bản về vấn đề trí thức đối với sự nghiệp vô sản,… Thất bại tuyệt đối của Trăm hoa đua nở và NVGP nằm chính trong nguyên nhân thắng lợi tuyệt đối của chuyên chính vô sản, một cách trớ trêu, tại những quốc gia nông nghiệp kém phát triển. Người ta có thể thêm vào trước từ “có thể” một cách tuyệt đối đúng bằng từ “chỉ” trong phát kiến đáng tự hào của Lenin: “Cách mạng vô sản chỉ có thể thành công ở những nước nông nghiệp kém phát triển”. Ý nghĩa của nó là: nền chuyên chính vô sản chỉ có thể thành công ở những nơi mà tầng lớp trí thức thành thị và vô sản thị dân yếu kém. Áp dụng vào trường hợp NVGP, có thể nói nó là tàn tích còn sót lại của những tư tưởng trí thức độc lập trước khi bị biến thành những nhà cách mạng vô sản.

Trong khía cạnh thứ hai, bối cảnh lịch sử của Việt Nam thời NVGP là ở thời kì đầu tiên của nhà nước chuyên chính. Trên lãnh vực tư tưởng, lựa chọn với Đảng Cộng sản là: hoặc chuyên chính, hoặc là chết. Sự chia cắt đất nước và bóng đen chiến tranh ngay trong tầm tay càng khiến cho cuộc đấu tranh tư tưởng thêm phần khốc liệt và có ít lựa chọn. Nhận xét về ý thức tuyệt đối chi phối xã hội Việt Nam thời kì đó, nhà văn Bùi Ngọc Tấn, ít nhiều liên quan đến Xét lại và NVGP, đã cho nhân vật của mình nói: Tôi đã góp phần vào chiến thắng (30/4/1975) bằng tự do của mình. Một cách hình tượng, toàn bộ xã hội miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là giới trí thức mỏng manh, đều đã góp phần vào chiến thắng bằng tự do. Đóng góp nhiều là nạn nhân, đóng góp ít nhiều tùy trường hợp là khán giả thụ động và tích cực, đóng góp rất ít là đao phủ.

Lật lại những văn kiện của Đảng Cộng sản, những bài viết trên báo, tạp chí, những cuộc đấu tranh, kiểm điểm,… diễn ra ở các cấp, các ngành văn hoá văn nghệ trong thời kì này, có thể rút ra một số nhận xét sau:

  • NVGP không phải bị qui chụp, qui kết một cách vô căn cứ hoặc là dựa trên các diễn giải văn học sai trái. NVGP là một cuộc đấu tranh tư tưởng toàn diện do Đảng Cộng sản lãnh đạo và dẫn dắt một cách sát sao.

  • Thực sự, NVGP là một phong trào, một khởi điểm tư tưởng đe doạ trực tiếp sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản nói chung, một số chính sách của Đảng trong thời kì này nói riêng.

  • NVGP đặt lại các câu hỏi cơ bản về quan hệ giữa Đảng Cộng sản và trí thức, Đảng Cộng sản và văn hoá văn nghệ. Những vấn đề này không mới và là một trong những vấn đề gây tranh cãi, gây bất đồng trong đội ngũ cộng sản kể từ những ngày đầu tiên hình thành.

  • NVGP đặt ra một vấn đề có thể đe doạ khối tập trung và nhất trí trong hàng ngũ trí thức nói riêng, xã hội nói chung bằng những chỉ trích một số chính sách, cá nhân của Đảng, bằng việc đòi tự do ngôn luận, tự do sáng tác; và như vậy đe doạ sự tồn tại của nhà nước công nông theo mô hình Xô Viết.

  • Cho dù các cá nhân trực tiếp liên quan đến NVGP có thể không hoàn toàn ý thức được sự nguy hiểm của mình, không đánh giá đúng tầm quan trọng lí luận mình đặt ra (một điều hoàn toàn thực tế mà các sự kiện sau đó cho thấy), bộ máy lãnh đạo của Đảng Cộng sản lúc bấy giờ hoàn toàn ý thức được sự nguy hiểm này và như đã thấy, đã dành một sự quan tâm đặc biệt tới NVGP. Cách giải quyết vấn đề NVGP đã diễn ra theo đúng như đã nó phải diễn ra, giống như cách thức các Đảng Cộng sản cầm quyền khác đã đối xử với một số phong trào trí thức độc lập tại các quốc gia khác.

  • Thất bại của NVGP là tất yếu trong bối cảnh thời sự quốc tế và Việt Nam lúc ấy. Nó cũng chứng tỏ khả năng lãnh đạo sâu sát và sự sắc bén chính trị rất cao của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời điểm đó. Có thể nói không ngoa rằng, thắng lợi tuyệt đối của Đảng Cộng sản trong vụ NVGP mở đường cho những thắng lợi trên mặt trận quân sự những năm tiếp theo.

(Có thể tham khảo: Các tài liệu văn kiện Đảng thời kì 1955-1958 tại Website của Đảng Cộng sản Việt Nam tại: www.cpv.org.vn, các bài viết trong loạt bài “Hồ sơ Nhân văn-Giai phẩm” trên talawas)



Qui giản hoá phong trào NVGP thành một cuộc tranh chấp thiên về văn học và văn nghệ, một “cuộc đảo chính thất bại trong văn nghệ” là một động tác bôi màu bẩn lên vầng hào quang khó miêu tả thành lời mà NVGP có được.

Để biện hộ cho những nhận định của mình, ĐMT đã đặt ra cái gọi là phe NVGP và phe Tố Hữu trong cuộc đấu tranh đó để cố tình quên đi một thực tế rằng thực chất đó là cuộc đấu tranh giữa phe Đảng Cộng sản (như một toàn thể tư tưởng và cách mạng) bao gồm tất cả các nhân vật như Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu,… của mình với một phe là một số trí thức mác-xít hoặc thân cộng sản trong việc định xới lên các vấn đề kinh điển của đảng vô sản và nhà nước chuyên chính như: Vai trò lãnh đạo tuyệt đối của đảng, vấn đề đảng với trí thức, nguyên lí tổ chức tập trung dân chủ, và mô hình nhà nước chuyên chính vô sản.

Những chi tiết do ĐMT cung cấp về việc Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gầm lên khi nghe tin Trần Dần bị bắt hoặc việc Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mang đường sữa đến bệnh viện thăm Trần Dần như để chứng minh cho sự “đứng ngoài” của những vị lãnh đạo Đảng cao nhất trong quá trình đấu tranh trên mặt trận tư tưởng làm người đọc phải đặt câu hỏi về sự liên kết các sự kiện trong lí luận của ĐMT. Những chi tiết trên, cùng lắm chỉ chứng minh một điều là trong một xã hội toàn trị tư tưởng, một cá nhân tưởng như đứng trên một vị trí lãnh đạo cao nhất cũng bị những nguyên lí tư tưởng và tổ chức của xã hội đó nghiền nát và biến thành những bộ phận quan trọng hơn những bộ phận khác trong một cỗ máy. Ở những thời điểm quyết định, cá nhân đó có bổn phận và nghĩa vụ bảo vệ sự toàn vẹn của cỗ máy, nhân danh hay núp bóng những nguyên lí tạo nên cỗ máy đó.

Ở đây, khiá cạnh tình cảm và quan hệ cá nhân giữa đao phủ và nạn nhân trong NVGP cũng như trong các tình huống tương tự là một phương diện khác của đời sống xã hội, hoặc có tác dụng bôi trơn sự vận hành của cỗ máy. Nó còn chỉ ra một điều tưởng như hiển nhiên nhưng rất nhưng rất hay bị bỏ qua một cách vô tư hoặc cố ý: một cá nhân, bên cạnh việc là một chiến sĩ cách mạng, một cái đinh ốc của cỗ máy cách mạng tư tưởng chuyên chính, còn là một con người trong xã hội người. Bản chất phi nhân của một hệ thống toàn trị tư tưởng không nằm ở từng cá nhân, cho dù cá nhân đó nắm giữ những vị trí cao nhất, mà là ở chỗ nó giết chết khiá cạnh Con người để chỉ giữ lại khía cạnh Đinh ốc trong những thời khắc bản lề và quyết định. NVGP là một thời điểm bản lề và quyết định như vậy.

Khi những thời điểm bản lề đã qua đi, khía cạnh Con người có thể được khôi phục và duy trì trong chừng mực nó không đe doạ tới hệ thống. Điều này thể hiện qua nhận xét của ĐMT (hay bất cứ một ai khác) về các nhân vật lãnh đạo hoặc thi hành của Đảng khi ở bên ngoài những vị trí đinh ốc của họ hoặc khi xa lánh khỏi những thời điểm bản lề của họ và của Đảng. Các quan hệ dân sự tiền- và hậu NVGP cũng minh chứng cho điều này qua sự phục hồi một số ngườI NVGP (được đạo diễn một cách dấm dúi chứ không phải đàng hoàng và được tung hô như ĐMT miêu tả). Sự phục hồi này được đặt thuần túy trong khía cạnh văn học nghệ thuật thông qua Hội Nhà văn Việt Nam như một thứ điều kiện để làm lu mờ bản chất thật của NVGP. Những thủ đoạn tinh vi trong cuộc đấu tranh chính trị và tư tưởng đối với NVGP và hậu-NVGP này còn cần nhiều cố gắng để làm rõ và soi sáng.

Bằng những phát biểu và so sánh theo hướng giản lược hoá, phi chính trị hoá cuộc đấu tranh tư tưởng của NVGP, ĐMT đã thô thiển hoá NVGP, đã gạt bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong cuộc đấu tranh tư tưởng của vụ án NVGP, và như vậy che đậy bản chất của NVGP: cuộc đấu tranh giữa Đảng Cộng sản với tinh thần độc lập trí thức trong quá trình xây dựng nhà nước công nông, tập trung sức mạnh của dân tộc chuẩn bị cho cuộc chiến tranh thống nhất đất nước. ĐMT giới hạn tầm nhìn của mình quanh một số các thành công tự vệ cá nhân của mình để quanh quẩn trong việc cho rằng NVGP thất bại do “không biết liên minh, không thèm đối thoại, không dám tấn công” để bị “phe Tố Hữu thành công trong việc tước bỏ tư cách thành viên trong nền chuyên chính vô sản, đẩy nhóm này trượt dài trong suốt 30 năm ngoài ý muốn của họ” hay “Gặp nhau trong hứng khởi đổi mới sáng tác, được những người có quyền lực đứng sau ủng hộ sau đó lại buông bỏ”.

Ở đây, ĐMT đã cố ý không phân biệt giữa thành viên trong tổ chức và mầm mống li khai, giữa đổi mới sáng tác và sự khai sinh tư tưởng. NVGP không chỉ đổi mới sáng tác mà còn đòi tự do sáng tác, tự do báo chí, tự do ngôn luận; đòi tách rời văn học nghệ thuật ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng. Đặt ra một phương án liên minh với nhau và bảo vệ quan điểm nghệ thuật của mình, lôi kéo các lãnh đạo Đảng ủng hộ điều đó, ĐMT cố tình văn học hoá chính trị và tư tưởng để hạ thấp vai trò quyết định của chính trị, tư tưởng và Đảng Cộng sản trong sự kiện NVGP. Phương án của ĐMT về một thành công lẽ ra có thể đạt được của NVGP đặt trên một giả thiết không được nói ra: NVGP phải đầu hàng vô điều kiện những quan điểm tư tưởng về tự do sáng tác, tự do báo chí, tư do tư tưởng, và biến thành những cái loa minh hoạ cho đường lối của Đảng. Theo như tinh thần giả thiết của ĐMT, nó phải chi tiết hơn như thế này: Tôi hưá sẽ viết báo đúng theo đường lối sáng tác của đảng, thỉnh thoảng vượt rào một tí cũng là để giúp đảng tốt hơn; tôi hưá sẽ không đòi tự do báo chí, ngôn luận, tư tưởng, không chỉ trích các chủ trương đường lối của Đảng nữa, và tôi sẽ biết sợ. Và kết quả chắc chắn sẽ là: Chúng ta sẽ có những sự thành công về sinh mạng chính trị, sẽ đỡ đau đầu và tốn thời gian tranh luận về NVGP biết bao nhiêu..


II. Đôi điều về trí thức và quyền lực

Những ý kiến về trí thức và quan hệ với quyền lực của ĐMT có thể tóm gọn lại trong các ý chính sau:

  1. Quan niệm về tổ chức, liên minh: ĐMT cho rằng sự liên minh bè phái trong bộ máy quyền lực để tự vệ trước những qui kết chính trị là sự vượt thoát đạo đức ghê gớm nhân danh quyền lợi nhân dân và trí thức.

  2. Quan niệm về thân phận trí thức trong quan hệ với quyền lực: Dựa trên những đánh giá của ĐMT, kẻ sĩ có hai loại: Loại một: là những quan lại,gia nhân của hệ thống quyền lực; loại thứ hai mà ĐMT là đại diện sáng giá nhất: đó là loại kẻ sĩ thuyết khách hiện đại, với một sứ mạng cao cả là định hướng hệ thống quyền lực trong xã hội. Tôi xin kể thêm vào xếp loại của ĐMT một loại nữa: những kẻ sĩ như NVGP hoặc tương tự như thế: cao ngạo trí thức rởm, giữ tinh thần độc lập trí thức với hệ thống quyền lực. Trên thực tế, không ai có thể độc lập với hệ thống quyền lực, điều quan trọng và ý nghĩa của chữ độc lập ở đây là ở tinh thần trí thức độc lập với những khuôn mẫu của hệ thống quyền lực, là ở tinh thần bất khuất không thoả hiệp với quyền lực trong việc bảo vệ tư tưởng của mình, bằng việc theo đuổi độc lập các tư tưởng của mình. Nó làm cho người ta nhớ đến quan niệm về tinh thần Khai sáng của Kant.

  3. Quan niệm về thỏa hiệp tư tưởng và về ý thức nô lệ quyền lực chính trị: ĐMT cho rằng “để không bị bắt thì không cần phải thoả hiệp về tư tưởng, chỉ cần khéo léo. ĐMT quan niệm biểu tượng chỉ là các scandal hoặc thất bại, hoặc các tai nạn: “Nhưng không bị bắt, không thất bại, không bị tai nạn lao động thì dù có thành tích đến đâu cũng không đủ tiêu chuẩn để trở thành biểu tượng” . Đó là ám ảnh của văn hoá pop-rock trong suy nghĩ về biểu tượng tư tưởng: một cách coi khinh văn hoá trí thức và tư tưởng. Khi so sánh những nạn-nhân-không-scandal với những kẻ sĩ thuyết khách hiện đại, ĐMT thực đã bị che phủ bởi đánh đồng hiện tượng chạy theo mode, trí tò mò và sự đồng cảm (có thể có) của đám đông để đo lường đánh giá của trí thức và sự sáng suốt của tư tưởng trong việc đánh giá các biểu tượng: bằng việc cho rằng (một cách gián tiếp) biểu tượng NVGP nằm chính trong sự thất bại của nó. Trên thực tế, biểu tượng tri thức của tư tưởng không phải các thất bại và các tai nạn của các cá nhân, mà vì qua các thất bại, các tai nạn, và các thử thách, tinh thần trí thức và những giá trị của chúng được biểu dương. Điều đó cũng giống như G. Bruno trở thành biểu tượng vì ông đã kiên quyết trung thành với niềm tin và tư tưởng của mình trước thử thách khắc nghiệt nhất của mình, chứ không phải chỉ là vì ông bị thiêu sống. Ám ảnh rằng hậu thế lấy tai nạn, lấy ngục tù làm thước đo biểu tượng, ĐMT cố tình lấy cái biểu hiện thay thế cái bản chất, lấy cái vỏ làm cái ruột, và lấy cái cách suy nghĩ đó để khái quát thành những nền tảng cho những nhận định của mình.

  4. Quan niệm về phò chính thống: ĐMT tỏ ra nhầm lẫn khi khăng khăng gán cho Trần Mạnh Hảo tính cách phò chính thống mà thực ra ĐMT là đại diện sâu sắc hơn. Ở đây, phò chính thống, như một tính cách của trí thức, nằm ở suy nghĩ và ý thức rằng có thể thông qua tác động lên các cá nhân quyền lực (và theo đó, hệ thống quyền lực) để định hướng xã hội và thực hiện các mục đích của mình, ở chỗ từ chối theo đưởi tự do và độc lập tư tưởng của mình tách ra khỏi các quyền lợi ngắn hạn của quyền lực và đám đông. Cho rằng phò chính thống chỉ là sự chăm chăm bảo vệ các quan điểm của hệ thống quyền lực là thô thiển hoá một khái niệm sâu sắc và bao quát cho một định hướng tinh thần. Phò chính thống là ý nghĩa khái quát của sự thỏa hiệp và cộng sinh với các cá nhân quyền lực, của sự đánh đổi tinh thần độc lập trí thức (mà trong con mắt của phò chính thống, dễ dàng trở thành cái gọi là cao ngạo trí thức rởm, không thức thời, không chịu liên minh hay không chịu lao động chính trị,…) lấy các mục tiêu và tính toán quyền lợi ngắn hạn. Ở khiá cạnh này, sự chăm chăm bảo vệ hệ thống quyền lực do những hạn chế về nhận thức và lí luận không đại diện cho tinh thần phò chính thống triệt để bằng những cá nhân ý thức được việc đánh đổi tinh thần độc lập trí thức lấy sự hợp tác với hệ thống quyền lực dựa trên những mục đích cá nhân và ngắn hạn. Phải chăng, đó là một trong những khía cạnh của tha hoá tinh thần trí thức trước quyền lực?

  5. Quan niệm về các trò chơi chính trị và tác động của nó lên xã hội hiện đại: Thực tế, bằng những phiêu lưu chính trị mà chính ĐMT thú nhận là ảo tưởng, ĐMT mới là người mắc vào vòng kim cô của suy nghĩ truyền thống lạc hậu trong một xã hội hiện đại: đó là ảo tưởng có thể dùng quan hệ cá nhân với các nhân vật quyền lực để gây ảnh hưởng lên đời sống chính trị và tư tưởng trong xã hội toàn trị tư tưởng. Mâu thuẫn của ĐMT là trong khi thừa nhận rằng đó là ảo tưởng, là những phiêu lưu chính trị thời trẻ thì một mặt lại cổ võ nó như một thứ triết lí trí thức, một sự vượt thoát đạo lí ghê gớm. Trong khi thừa nhận rằng quan hệ với các cá nhân quyền lực chỉ là các quan hệ cá nhân chứ không phải là đã nắm được hệ thống: “tôi mới chỉ quan hệ với các quyền lực cá nhân chứ chưa có quan hệ với quyền lực của một guồng máy”, ĐMT ảo tưởng rằng mình là người có thể định hướng những thay đổi của xã hội: “Họ chỉ là những con tàu chạy trên những đường ray định sẵn, còn chúng tôi là những người góp sức đặt những toa tàu như họ vào đường ray và nỗ lực bẻ ghi cho những con tàu ấy chạy đến cái đích mình muốn”. Trong đoạn văn mà ĐMT có ý hé lộ về hình tượng con tàu và người đặt tàu vào đường ray, bạn đọc có thể nghĩ rằng ĐMT đã đóng những vai trò quyết định cho việc đổi mới con tàu văn nghệ thập kỉ 80 hay là những “đóng góp rất nhiều cho Đảng về mặt lí luận và tổ chức”?, và lại như không dính dáng gì đến sự chậm trễ của con tàu này sau đó.

Trong khi tự hào với những quan niệm phi-dĩ âu vi trung, ĐMT lại chia cắt đời sống phức tạp của xã hội thành những mảnh và bộ phận rời rạc, ít có liên quan gì đến nhau để biện hộ cho những phán đoán chủ quan của mình. Trong mối quan hệ tương tác giữa những thư lại của chế độ và đường đi của xã hội, ĐMT, bằng cách trình bày của mình đã lờ đi một khiá cạnh là những con tàu có thể đồng thời đặt đường ray cho chính nó và cho cả những kẻ bẻ ghi đi theo. Cũng nói một cách hình tượng, ngay cả khi có con tàu và người bẻ ghi, chỉ trong cái sát-na con tàu đi qua, nó đã bỏ lại đằng sau mình người đã bẻ ghi cho chính nó.

Tôi tin rằng “những nỗ lực bền bỉ của cá nhân vượt thoát khỏi những âm mưa cô lập và vu cáo, giành lấy quyền tự do làm việc, quyền tự do phát ngôn” là đáng trân trọng và biểu dương. Không thể phủ nhận những cố gắng của các cá nhân trong việc quan hệ với quyền lực và dùng ảnh hưởng cá nhân để có thể tác động lên xã hội. Nhưng cần phải đặt chúng đúng vị trí của mình. Những quan hệ cá nhân mà phần nhiều là để tự vệ này, có thể ví với những dao động lên xuống xung quanh quĩ đạo được định hướng cố định của hệ thống. Cũng như Thủ tướng Phạm Văn Đồng hay Võ Văn Kiệt có thể dùng thư tay để giải quyết và tháo gỡ nhiều sự vụ cá nhân hay tổ chức (cả tích cực lẫn tiêu cực) mà chính những chính sách do ông thông qua gây ra, ông ta bất lực trong việc thay đổi quĩ đạo đã định của hệ thống. Nói một cách khác, thiếu vắng những nỗ lực lí thuyết nền tảng, thiếu vắng những tranh luận tự do và những cố gắng tập thể trong việc thay đổi thiết kế quĩ đạo của hệ thống, những nỗ lực cá nhân này duy nhất có vai trò như các chuyển động về lượng, đối lại với những nỗ lực của NVGP, là những nỗ lực đặc trưng cho các thay đổi về chất ở một tầm cao khác khi đặt ra những tiền đề thay đổi quĩ đạo của hệ thống. Trong một xã hội phức tạp, không ai có thể nhìn vào từng sự việc cụ thể để kết luận sự việc nào hơn sự việc nào. Tuy vậy, vai trò và tầm quan trọng của chúng thì có thể được đánh giá và phân tích một cách khoa học. Và chúng ta nên cố gắng soi sáng những sự kiện lịch sử bằng những phân tích khoa học, có hệ thống, chứ không phải bằng những cách trình bày và so sánh phiến diện, khập khiễng, đề cao cá nhân để xoá nhoà ranh giới giữa chất và lượng, giữa hiện tượng và bản chất như ĐMT đã làm khi so sánh bản thân với NVGP, với những “thư lại” của chế độ.

Cuối cùng, thay cho kết luận của bài viết ngắn ngủi này, tôi hi vọng rằng mọi người liên quan hay quan tâm đến NVGP góp phần hơn nữa của mình trong việc vén bức màn còn rất dày đặc xung quanh NVGP và hậu NVGP. Điều đó không những là trách nhiệm với lịch sử mà còn là trách nhiệm với hiện tại và tương lai. Giải quyết những bê bối của thế hệ mình có một phần rất lớn là nhận chân lịch sử, bài học và những ý nghĩa của chúng. Thếu vắng điều đó, sẽ chỉ có những kết luận, nhận định hồ đồ về quá khứ, và tất nhiên, về cả hiện tại và tương lai.

(q_vietus@yahoo.com)

© 2005 talawas