trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
8.7.2005
Phan Xuân Lâm
Về bản cáo phó cho Nhân văn-Giai phẩm của ông Đỗ Minh Tuấn
 
Trong bài „Quyền lực con người trong xã hội dân sự - Phần 2“ đăng trên talawas ngày 21-6-2005, ông Đỗ Minh Tuấn đã dành ra một số đoạn để so sánh mình với Nhân văn-Giai phẩm (NVGP). Hai khiá cạnh chính mà ông Tuấn đưa ra để so sánh là một về lượng và hai về chất. Về lượng thì ông tự nhận định rằng „không có nghệ sĩ nào, kể cả Nhân văn-Giai phẩm bị quy kết nặng nhiều lần như vậy những năm 1996-1997“ bằng ông; ngoài ra ông có trích thêm lời một trong những nhân vật chính của Nhân văn-Giai phẩm, ông Nguyễn Hữu Đang, nói riêng với ông rằng „một mình mày làm một cái Nhân văn-Giai phẩm“. Về chất thì qua đoạn trích sau đây:

một bước nhảy ghê gớm về đạo đức của thế hệ tôi vượt thoát khỏi lực trọng trường của đạo lý truyền thống để bay vào vũ trụ quyền lực giành lấy tự do. Các vị Nhân văn xưa đáng kính ở sự nhẫn nhục chịu đựng, họ chịu chết, chịu bị quyền lực giày xéo chứ không chịu đấu tranh, không thèm đối thoại. Họ tự coi cái sọt rác của đời này là ngai vàng của đời sau và cái khoái cảm đạo đức của nạn nhân khiến họ yên tâm quẳng hết những bê bối của thời đại mình cho cháu con giải quyết. Nếu chúng tôi cũng bị trói buộc bởi những đạo lý thất bại đó, thì chúng tôi cũng sẽ cam chịu chết như họ và sau vụ Juda, Ðỗ Minh Tuấn sẽ trở thành những cái bóng của Ðặng Ðình Hưng, Lê Ðạt, Trần Dần... để rồi được hậu thế thanh minh, rửa nhục, tung hô. Nhưng chúng tôi không chịu làm liệt sĩ văn hoá như họ. Chúng tôi biết hậu thế có việc riêng của thời đại mới, không nên lười biếng uỷ thác danh dự và chân lý của thế hệ mình cho chúng truy lĩnh. Nếu hôm nay mình có thể dọn dẹp được phần nào những bê bối của thời đại mình, của bản thân mình thì con cháu sau này sẽ có thêm thời gian quan tâm đến tương lai. Vả chăng, nếu thời đại hôm nay không chấp nhận việc dùng lại cái máy hơi nước của ngày xưa, thì tại sao lại phải xài mãi những đạo lý của thời Nguyễn Du, Nguyễn Trãi? Mỗi thời đại cần sáng tạo ra đạo lý của mình, muốn vậy, trước hết cần có đủ nội lực để bứt khỏi lực hút của những nhược điểm nhân danh đạo lý truyền thống, những căn bệnh sang trọng của cha anh đã trói họ từ bên trong nhân cách.

Nhìn nhận lại sự thất bại của những người trí thức có thực tài của thế hệ đi trước, tôi thấy họ có những nhược điểm: Không tấn công, lười biếng trong lao động chính trị, không liên minh với nhau và không nắm lấy tổ chức. Nếu những giáo sư có tài ngồi với nhau để bầu Chủ tịch Hội đồng khoa học, thì thường là một anh bất tài vô học nhất được thắng thế vì các Giáo sư tài giỏi kia không ai chịu ai, họ bầu như thế để thiên hạ nhìn vào nghĩ là đây là các giáo sư cho anh chàng bất tài kia ngồi vào ghế đó thôi, chứ thực ra anh ta không xứng. Ðám vô học ngồi được lên đầu trí thức là do những người có tài không đủ bản lĩnh liên kết với nhau. Trí thức Việt Nam xưa nay thường coi khinh chính quyền, để chính quyền rơi vào tay kẻ dốt nát. Khi kẻ dốt nát đè lên đầu lên cổ thì lại cam chịu, chửi bới, trông chờ ở đời sau.
Chúng tôi phải vượt qua những nhược điểm văn hoá đó, phải biết tấn công, liên kết lại, làm chủ quyền lực, giáp lá cà với nó, giành giật lấy tự do. Chuột chỉ sợ mèo, không sợ hổ, mình là con hổ nhưng cũng phải biết đi cạnh mấy con mèo để chuột đỡ coi khinh. Ðó là triết lý sống đằng sau hành trình của chúng tôi tiếp cận với những lãnh đạo cao cấp nhất để khiếu kiện, đối thoại và tư vấn để đưa thông tin, ý chí và trí tuệ của mình vào xã hội từ năm 1978 đến đầu thập kỷ 90.“

ông Tuấn vạch ra những nhược điểm của Nhân văn-Giai phẩm và tuyên dương việc mình và thế hệ mình (?) đã vượt qua những nhược điểm đó.

Bây giờ tôi xin phép được lần lượt có ý kiến về những thành tích kể trên.


1. Về lượng

Tôi không được rõ mức độ của những quy kết dành cho ông Tuấn. Những quy kết này do cấp nào đưa ra? Có kéo theo hậu quả là những hình thức kỷ luật, những biện pháp trừng phạt cụ thể không? Những hậu quả này tác động vào cuộc đời, sự nghiệp của ông Tuấn ra sao? Nhưng những gì mà những người chủ chốt trong NVGP phải chịu đựng thì có thể kể ra sơ sơ như sau: Đầu tiên là họp toàn cơ quan để đấu tranh, kiểm điểm. Sau đó là họp toàn ngành để đấu tranh, kiểm điểm. Tất cả những cuộc họp này đều diễn ra công khai, có báo chí đưa tin chứ không phải là họp kín giữa mấy nhân vật nào đó. Sau đó từ cấp chính trị cao nhất đến các cấp bên dưới đều có nghị quyết, quyết định kỷ luật, rồi các phương tiện thông tin đại chúng đăng hàng loạt thư ngỏ của quần chúng „vạch trần bộ mặt của NVGP“ cũng như hàng loạt bài phê bình của cán bộ văn hoá và cán bộ chính trị. Tất cả những người có dính líu đến NVGP đều bị đưa đi lao động cải tạo, đình chỉ công tác và đình chỉ xuất bản, giáng chức, gạt ra ngoài lề. Những người bị coi là đầu sỏ thì bị đưa ra toà, kết án tù. Ba mươi năm sau NVGP mới được „phục hồi“ theo kiểu Việt Nam, tức là không có nghị quyết, quyết định chính thức nào đánh giá nhìn nhận lại những biện pháp kỉ luật quá tàn nhẫn và bất công của ba mươi năm trước, người ta chỉ lặng lặng chấp nhận cho những người NVGP được trở về sinh hoạt văn nghệ một cách không ồn ào, cho phép xuất bản những tác phẩm „vô hại“ của họ, thỉnh thoảng cho họ lên ti-vi tham dự vào những buổi họp mặt hiếu hỉ, thỉnh thoảng cho phép họ nói bóng gió chung chung về „quá khứ đau khổ“ nhưng không được phép đề cập cụ thể đó là những đau khổ gì do ai gây nên. Mỗi khi có người nào trong NVGP qua đời, người ta đăng lên những lời chia buồn và những lời đánh giá chung chung, nhắc lại những kỷ niệm oanh liệt của thời kháng chiến, hoạt động chung với những „anh em“ khác, chứ không phải những kỷ niệm của thời tù đầy, cải tạo, cô lập khỏi những „anh em“ khác. Những bản cáo phó ấy đã được soạn thảo rất kỹ lưỡng để cuối cùng không nói lên điều gì cả. Có những người NVGP như Trần Đức Thảo, ba mươi năm trước bị coi là con rắn độc cắn vào cách mạng, bỗng nhiên lại được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và được coi là tấm gương sáng của một nhà trí thức mác-xít lỗi lạc nổi tiếng toàn thế giới, đại diện cho cách mạng Việt Nam, trí tuệ và tầm cao Việt Nam, niềm tự hào của Việt Nam, nhưng cũng chẳng có một lời chính thức nào để rút lại cái bản án „con rắn độc“. Những người NVGP bị kết án ồn ào cho cả nước đều biết, bị sỉ nhục, bị đày đoạ suốt ba thập kỷ, đến khi phục hồi thì phục hồi trong lặng lẽ, ai biết thì biết không biết thì cũng thôi. Cuộc đời của họ và gia đình họ trong những năm tháng dằng dặc này ra sao? Sự nghiệp của họ bị chặn đứng ra sao?

Ông Tuấn chưa một ngày nào bị tù đầy, bị đi cải tạo, bị chính thức treo bút, bị chính thức khai trừ khỏi sinh hoạt văn nghệ. Ông mới chỉ bị „ba bốn lần ngấp nghé cửa nhà giam và trại cải tạo“, „suýt bị đuổi học“, „suýt bị đi cải tạo“. Dù tự đánh giá rất cao tình trạng bị „giam lỏng rất cao tay“ của mình, liệu ông Tuấn có nên cho rằng bi kịch của ông còn nặng nề hơn những gì đã xảy ra với những người NVGP hay xét lại? Cái „án không thành văn“ mà ông phải chịu đựng có thể so sánh với cái án cũng không thành văn mà các ông Bùi Ngọc Tấn, Vũ Thư Hiên, Hoàng Minh Chính... phải chịu đựng không? Tôi thấy ông anh hùng, tôi bái phục lắm, nhưng tôi cũng bái phục những anh hùng khác. Liệu có cần luận anh hùng bằng cách chỉ có mình là anh hùng nhất, những người khác anh hùng không thấm vào đâu so với mình, hay không? (Với khả năng anh-hùng-biện của ông, cứ nghĩ đến mấy trăm KB mà ông sẽ dùng để mắng tôi về tội đã coi nhẹ những hình phạt „suýt bị“ của ông, tôi đã thấy rùng rợn lắm. Cứ xem thái độ không khoan nhượng của ông với bất kì ai „bất đồng chính kiến“ với việc ca ngợi phim Ký ức Điện Biên thì có thể thấy tôi đã không thoả mãn điều kiện duy nhất để đối thoại với ông Tuấn là tuyệt đối tán đồng ông ở mọi điểm. Nhưng xin đành „liều mình như chẳng có“ một lần này thôi. Tôi sẽ không dám ho he gì nữa sau khi được ông Tuấn „giác ngộ“ và „đả thông tư tưởng“.)

Điểm thứ hai có liên quan đến hoàn cảnh lịch sử xã hội. Năm 1956, khi phong trào NVGP nổi lên, Đảng Cộng sản Việt Nam đang ở trên đỉnh cao thắng lợi. Kháng chiến chống Pháp vừa kết thúc vẻ vang với chiến thắng Điện Biên Phủ mới chưa đầy hai năm. Uy tín của chính phủ Cụ Hồ còn vô cùng to lớn, chẳng những với miền Bắc mà với cả miền Nam và trên quốc tế. Việt Nam (miền Bắc) lúc đó là hình ảnh sáng ngời về một dân tộc tự vùng lên giành quyền độc lập dưới ánh sáng của chủ nghĩa cộng sản. Nhìn ra quốc tế, Trung Quốc và Liên Xô đang là những cường quốc của khối XHCN. „Phe ta“ đang cực kỳ hùng mạnh, mà việc dẹp tan những vụ „nổi loạn“ tại vài nước Đông Âu như Hung, Ba Lan, Đông Đức chỉ càng làm thanh thế của „phe ta“ thêm lớn mạnh. Ở thời điểm ấy, sự lãnh đạo của Đảng đạt được một niềm tin tưởng gần như tuyệt đối của quần chúng, chủ nghĩa xã hội và thiên đường cộng sản là những giấc mơ ở ngay trong tầm tay. Mọi hi vọng thực hiện công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đều gửi vào những người cộng sản trong vai trò lãnh đạo. Trong hoàn cảnh ấy, việc đặt câu hỏi về tự do dân chủ trong tư tưởng và sáng tác văn nghệ, đặt vấn đề về vai trò lãnh đạo của Đảng trong văn nghệ, chỉ ra những sai lầm của lãnh đạo, của Đảng, v.v. không thể so sánh với những việc làm tương tự vào thời điểm 1996-1997 của ông Tuấn, tức thời điểm đã 10 năm sau Đổi mới, khi mà „phe ta“ trên thế giới đã sụp đổ, chủ nghĩa cộng sản đã đi vào lịch sử với tư cách là một thử nghiệm thất bại đau thương của nhân loại, các đảng cộng sản trên thế giới và phong trào cộng sản không còn vai trò nào nữa. Bản thân Đảng Cộng sản Việt Nam, kể từ phong trào Đổi mới, cũng đã từ bỏ rất nhiều giáo điều và phải đối mặt với một thực tế là uy tín của Đảng không còn là tuyệt đối, sự lãnh đạo của Đảng không còn nhiều tính chính đáng nữa. Ngoài ra, xã hội Việt Nam một thập kỷ sau Đổi mới cũng không còn là một xã hội đóng kín.

Tôi rất đồng ý là vào những năm Đổi mới và sau đó, nhiều vấn đề được giới văn nghệ Việt Nam đặt ra đã đi xa hơn những vấn đề mà NVGP đặt ra, đã vượt qua NVGP. Nhưng nếu coi đó là thành tích cá nhân thì e rằng không phải. Bây giờ không ai tuyên bố rằng trái đất quay xung quanh cái trục của nó rồi bảo rằng mình đã vượt qua Galileo Galilei, đơn giản vì chúng ta không còn ở thời của Galilei nữa. Muốn so sánh, ông Tuấn nên so sánh mình với những văn nghệ sĩ trí thức khác ở cùng thời điểm với mình như Dương Thu Hương, Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Kiến Giang v.v., xem ông có đi xa hơn họ không, chứ không nên lấy mặt bằng của 30 năm trước ra so sánh. Dù không thành thạo chuyện nội bộ của giới văn nghệ, tôi đoán rằng những quy kết mà các trí thức văn nghệ sĩ cùng thời với ông Tuấn vừa kể trên phải nặng nề hơn nhiều lần, bằng chứng là họ đều bị đi tù hoặc nhẹ nhất là bị quản thúc thật, với tất cả những biện pháp hành chính kèm theo chứ không chỉ là giam lỏng theo nghĩa trừu tượng, dù đó là „giam lỏng rất cao tay“.


2. Về chất

Vấn đề mà ông Tuấn đặt ra để đối lập cái gọi là „đạo lý thất bại“ của thế hệ trước với sự chủ động „bay vào vũ trụ quyền lực giành lấy tự do“ của thế hệ sau (thế hệ ông Tuấn?) là một đề tài quá lớn mà tôi không có tham vọng phân tích nổi. Ở đây tôi chỉ muốn đi vào một vài ý, góp phần làm sáng tỏ đôi ba chi tiết.

Không con người nào thích được làm nạn nhân cả. Nếu làm nạn nhân theo một nghĩa trừu tượng thì là chuyện khác, nhưng nạn nhân theo nghĩa cụ thể nhất thì có ai thích „gặm nhấm cái khoái cảm đạo đức“ của việc bị giam cầm và quản thúc ba chục năm trời như ông Nguyễn Hữu Đang hay hơn chục năm nhà đá như ông Phùng Cung, hay bị đi nhổ lạc tướt máu tay như ông Trần Dần? Tôi nghĩ nói như ông Tuấn về các nạn nhân này là có phần không phải nếu không muốn nói là khá nhẫn tâm. Nếu chịu nhìn ra các nước XHCN trước đây thì ông Tuấn sẽ thấy rằng văn nghệ sĩ trí thức bất đồng chính kiến ở các nước ấy trong một thời gian dài cũng không có cách nào khác hơn là bắt buộc phải trở thành nạn nhân của sự khủng bố mà các nền chuyên chính vô sản khắp thế giới đều thi hành với tất cả những ai dám hoài nghi nó. Có người thì giữ được mạng sống nhưng sinh mạng nghệ thuật thì đã bị tiêu tan. Có người thì mạng sống cũng không giữ nổi. Chẳng lẽ từ suối vàng họ chuyển nền „đạo lý thất bại“ về cõi dương? Ông Tuấn có thể nào trách ông Solzhenitsyn đã cam chịu 11 năm trong những trại cải tạo Xô-Viết, trong đó có quần đảo Gulag kinh hồn? Hay có thể nào trách bà Đinh Linh đã cam chịu sau khi trải qua nhiều chốn lao cải bị giáng xuống làm lao công quét rác tại trụ sở của Hội nhà văn Trung Quốc? Ông Tuấn có cái may mắn được phát huy bản lĩnh cá nhân của mình trong giai đoạn mạt kỳ của chuyên chính vô sản, trong giai đoạn „hậu toàn trị“, khi mà cái guồng máy đàn áp và thanh trừng của chuyên chính vô sản không còn có thể hoạt động chuyên cần và triệt để như ba mươi năm trước. Chẳng phải vì ông Tuấn đại diện cho đạo lý tấn công, hay nhưng người NVGP không chịu từ bỏ „đạo lý thất bại“, mà đơn giản là hoàn cảnh chính trị lịch sử đã thay đổi. Điều này tôi cũng đã đề cập ở bên trên.

Điểm tiếp theo, khi ông Tuấn phê bình những người NVGP là „không biết tấn công, lười biếng trong lao động chính trị, không liên minh với nhau và không nắm lấy tổ chức“ thì người đọc tự hỏi, ông Tuấn đã tấn công cái gì, đã đạt được kết quả gì trong lao động chính trị chăm chỉ của ông, đã liên minh với ai, đã nắm được những tổ chức nào? Trong bài viết của ông, ông chỉ trình bày mình khá giống một anh hùng cá nhân, vào sinh ra tử trong hang hùm nọc rắn, chịu đựng biết bao thử thách mà cuối cùng vẫn chiến thắng. Tuy chưa có cơ sở tuyệt đối để khẳng định nhưng tôi xin phép được đưa ra một giả thuyết rằng: sở dĩ những người NVGP bị trừng phạt nặng nề như vậy vì họ không chỉ là một người. HỌ ĐÃ LÀ MỘT TỔ CHỨC hình thành với ít nhiều ngẫu nhiên từ những con người cùng chia sẻ quan điểm. HỌ ĐÃ LÀ MỘT PHONG TRÀO. Trong khi đó, một mình ông Tuấn „làm hẳn một cái Nhân văn-Giai phẩm“ nhưng ông chỉ là một cá nhân riêng lẻ, không lôi kéo được ai, không liên minh với ai. Chính ông trong một đoạn khác của bài viết: „Tại sao, hàng trăm hàng ngàn người biểu tình tụ tập nhau cách xa những người có quyền lực hàng cây số để hô khẩu hiệu thì đó là dân chủ, còn một mình tôi làm những cuộc biểu tình mini đối diện với lãnh đạo để đối thoại, chất vấn và cố vấn nhân danh cuộc sống xanh tươi, nhân danh quyền lợi của những người trí thức thì lại có không được coi là dân chủ?“ đã thừa nhận hành động biểu tình mini đơn lẻ của mình. NVGP là một biểu tượng của trí thức ly khai và bất đồng chính kiến, trong khi ông Tuấn có phải là một biểu tượng mang tính toàn xã hội như vậy không thì điều đó tự ông cũng biết. Vì sao ông đã không trở thành một biểu tượng? Vì cuộc chiến đấu của ông âm thầm đơn độc quá chăng? Nếu vậy thì lời trách NVGP „không biết liên minh, không nắm lấy tổ chức“ là trách cái gì vậy? Có thể ông quan niệm rằng việc tiếp cận được ông trùm Lê Đức Thọ chính là „nắm lấy tổ chức“ của mọi tổ chức rồi chăng? Đã biết bao nhiêu người trước ông từng đi con đường chui vào cái chăn đầy rận của tổ chức ấy rồi, họ còn thành công hơn ông nhiều, từ Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Cù Huy Cận, Chế Lan Viên, đến Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh... Chắc chắn khi dấn thân vào con đường ấy họ cũng quan niệm không xa ông bao nhiêu, rằng đó là „dấn thân vào chính trường tìm kiếm cho mình những đồng minh lớn trong cuộc đấu tranh chung để đổi mới Ðảng và đổi mới xã hội.“ Sau này khi tự nguyện quyết định hoặc bắt buộc phải quyết định „rửa tay gác kiếm“ để „chỉ làm nhân sĩ và nghệ sĩ“ như ông Tuấn, có lẽ họ cũng không thấy đoạn đường đó của mình có gì không ổn mà sẽ rất tự hào là mình đã tham gia „đổi mới Đảng và đổi mới xã hội“. Những người ấy không những „nắm lấy tổ chức“ mà bản thân họ còn trở thành hiện thân mẫu mực của tổ chức. Họ không chỉ „bay vào vũ trụ quyền lực giành lấy tự do“ như ông Tuấn mong muốn đâu, họ đã trở thành chính những „vũ trụ quyền lực“. Nhưng quyền lực ấy để làm gì? Tự do ấy là tự do gì? Solzhenitsyn quan niệm “một bước giản dị của một con người dũng cảm giản dị” là: “không tham dự vào dối trá, không ủng hộ những hành động dối trá! Cứ để nó đến và thậm chí thống trị trong thế giới - nhưng không thông qua ta!“ [1] . Nhiều người trong số những người NVGP, trước khi phong trào nổ ra, đã là những bộ phận quan trọng của “vũ trụ quyền lực” chứ không cần phải tìm đường gõ cửa để “bay vào” đó. Việc họ bứt phá khỏi vũ trụ này quả thật là một khác biệt căn bản về chất so với hành động “bay vào” của ông Tuấn. Theo cách lập luận của ông Tuấn thì Solzhenitsyn cũng đại diện cho “đạo lý thất bại”, vì chỉ cốt giữ sao cho mình “không tham dự vào dối trá”. Liệu có thể “bay vào vũ trụ quyền lực” của dối trá mà không dối trá hay không? Liệu có thể chui vào chiếc chăn đầy rận đó mà không trở thành một con rận không?

Câu hỏi của ông Tuấn: “Tại sao ta có quyền lao xuống bùn đen để truy đuổi kẻ thù với tất cả dũng sĩ của người chiến sĩ mà ta lại ngần ngại xông vào những mảnh chiếc ô quyền lực nơi kẻ thù đang ẩn núp, trú chân?” là một câu hỏi nặng tính tu từ nhưng nhẹ về lô-gích nội dung. Ông đã không hề coi Đảng là kẻ thù của mình; khi lao vào hang ổ của Đảng, ông không có ý định truy đuổi Đảng, mà ông đã không ngần ngại xông vào đó là để xây dựng, chăm sóc, trợ giúp Đảng. Như vậy, theo chủ quan của tôi thì ông Tuấn cũng lặp lại giấc mơ, ảo tưởng, hy vọng của những người NVGP là đem thân mình ra làm công cụ, làm phương tiện thực hiện lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản. Bài học của NVGP không làm ông Tuấn chùn bước, vì có lẽ khác với họ, tuy cùng là mong muốn được phục vụ Đảng, nhưng ông Tuấn có cách phục vụ khác. Còn nhớ, ông Nguyễn Đình Thi có câu nói bất hủ về nhà văn Việt Nam: “Chúng ta là những hạt bụi, nhưng là những hạt bụi long lanh dưới ánh sáng của Đảng”. Đến lượt mình, ông Tuấn cho biết: “Trong một kiến nghị tôi đã đề xuất ý kiến đưa những người như Nguyễn Tuân và Nguyễn Ðình Thi vào TW Ðảng để “xức nước hoa cho Ðảng” vì họ là những thần tượng của quần chúng, đưa họ vào TW họ sẽ nghiêm túc hơn ai hết và Đảng cũng sang hơn.” (PXL nhấn mạnh).

Hỡi ôi, khi một nhà văn, một nghệ sĩ chân thành quan niệm rằng tinh hoa của giới văn nghệ sĩ chỉ là để bôi thơm, để làm sang cho một Đảng cầm quyền và độc quyền thì còn có điều gì để nói nữa? Tôi cũng sẽ không dám ho he gì nếu ông Tuấn lại mắng tôi thêm mấy trăm KB về tội đã không nắm được ý nghĩa triết học mang tầm thế giới, tầm thời đại, v.v… của 5 chữ “xức nước hoa cho Đảng”. Còn việc đưa giới tinh hoa ấy vào thành phần lãnh đạo Đảng để họ trở nên “nghiêm túc hơn ai hết” như ông Tuấn kiến nghị thì đấy có phải là một hình thức giam lỏng còn cao tay hơn sự giam lỏng áp dụng với ông Tuấn không? Thế mới biết, ở tình trạng bị mất tự do triền miên, người tù có thể từ trong vô thức mà chân thành gắn bó với người cai tù và chân thành tệ bạc với những tù nhân khác hoặc với những kẻ còn đang được hưởng tự do ra sao.

Xin đề nghị, bản cáo phó cho Nhân văn-Giai phẩm của ông Đỗ Minh Tuấn nên được viết lại.

© 2005 talawas



[1]Alekxandr Solzhenitsyn, Diễn từ Nobel (1970), Đoàn Tử Huyến dịch, talawas 4-7-2005