trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
1.6.2004
Nguyễn Bản
Trần Đức Thảo - Sự ngơ ngác của người lữ hành vất vả
Nhân đọc bài "Trần Đức Thảo, người lữ hành vất vả" của Nguyễn Đình Thi trong Những người lao động sáng tạo thế kỉ - Tập I, Nhà xuất bản Lao Động, Hà Nội, 2001
 
Bốn mươi năm kể từ quyết định trở về nước cho đến lúc quay lại Paris (1952-1992) chính là quãng thời gian mà Trần Đức Thảo đã tự nguyện trải qua để "làm cho cuộc đời ăn nhập với triết học". Với tư cách là một người Marxist, ông đã góp phần căn bản trong việc cung cấp cho "vận động hiện thực" diễn ra suốt nửa cuối thế kỉ vừa qua tại Việt Nam một biện minh triết học, một cứu cánh luận mang tầm lịch sử thế giới. Cuộc vận động này, oái oăm thay, đã chà đạp không thương xót lên số phận cá nhân và tư cách trí thức của ông. Vượt lên phạm vi của những hệ lụy chính trị, bốn mươi năm đó đồng thời cũng là hành trạng lí thuyết của triết gia Trần Đức Thảo với mục tiêu "liên hợp được những cội rễ vật chất, sinh vật, lịch sử, xã hội của con người với ý thức tự do của nó" (Trần Đạo). Hành trạng tư tưởng thuần lí này, một ngoại lệ đặc biệt trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, về phần mình lại không in một dấu ấn đáng kể nào lên đời sống tinh thần hay tác động đến viễn cảnh của nó, khả dĩ tạo ra một lằn ranh truyền thống mới. Các tư liệu sau đây: bài phát ngôn lập trường chính thức trên tạp chí "Học Tập" năm 1958 (Khắc Thành), hồi ức của một người đồng hành trí thức có số phận may mắn hơn (Nguyễn Đình Thi), tiếng nói suy tư của một học trò cũ (Nguyễn Bản) và nhận định về sự nghiệp triết học của Trần Đức Thảo, nhìn từ mốc cuối cùng của cuộc đời ông ở Paris (Trần Đạo), là những mảng ghép đầy tương phản có thể gợi ra bức tranh toàn cảnh của một số phận và sự nghiệp đặc biệt. Bức tranh ấy, trong thời gian gần đây, có nguy cơ đã bị biến dạng bởi một số thao tác tráo trở của "vận động hiện thực" trong giai đoạn tái địa phương hoá và hậu triết học triệt để của nó.
talawas
Không phải đợi đến khi là sinh viên trường Đại học Sư phạm Văn khoa, học bộ môn "lịch sử tư tưởng nhân loại" tôi mới biết giáo sư Trần Đức Thảo, mà từ năm 1952, tôi đã là một trong những người đón ông ở khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc, trên đường ông về nước tham gia kháng chiến. Nhưng trong số hơn nghìn người mít tinh đón ông, có lẽ không nhiều người như tôi lại đã từng đọc bài viết rất xúc động của ông thay mặt sinh viên và trí thức Việt Nam du học ở Pháp bày tỏ nhiệt tình yêu nước nồng nàn đối với đất nước vừa giành được độc lập hồi tháng 8 -1945. Bài viết, đúng hơn là thư gửi về Tổ quốc được in trên tờ Cờ giải phóng, cơ quan của Đảng Cộng sản Đông Dương, in rất đẹp, giấy trắng tinh, chữ Cờ giải phóng màu đỏ tươi, in ở nhà in IDEO, Tràng Tiền, và theo tôi nhớ chỉ ra được sáu bảy số rồi thay bằng Sự thật của Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác.

Ông Nguyễn Đình Thi viết: "Mấy năm sau, những ngày về Hà Nội, tôi được biết anh Trần Đức Thảo làm Trưởng khoa Trường đại học của ta", người ta cũng gọi ông là Chủ nhiệm khoa Sử! Chiếc thẻ sinh viên năm thứ ba ban Văn học năm học 1955-1956, tôi vẫn giữ làm kỷ niệm, với chữ ký của giáo sư Trần Đức Thảo với chức danh Phó giám đốc trường Đại học Sư phạm Văn khoa, một chữ ký giản dị, không kèm theo họ, chữ "t" ký như chữ "t" viết thường chứ không viết hoa, đủ chứng minh sự lầm lẫn của ông Thi. Vậy đó, giáo sư Trần Đức Thảo là Phó giám đốc trường Đại học Sư phạm Văn khoa bên cạnh giáo sư Phó Giám đốc Nguyễn Mạnh Tường chứ không phải là trưởng khoa. [1] Cũng xin nói thêm, "trường đại học của ta" trong câu trích của Nguyễn Đình Thi rất mơ hồ, cả nước (miền Bắc) lúc đó mới chỉ có ba trường đại học, Đại học Văn khoa do giáo sư Đặng Thai Mai làm giám đốc, Đại học Sư phạm khoa học, giám đốc là giáo sư Lê Văn Thiêm và Đại học Y dược khoa giám đốc là giáo sư bác sĩ Hồ Đắc Di. Tới khi hai lớp Văn ba và Sử ba chúng tôi tốt nghiệp tháng 7 - 1956, tháng Chín, tháng Mười năm đó mới có thêm ba trường đại học Tổng hợp, Bách khoa và Nông lâm.

Cái ấn tượng sinh viên lớp chúng tôi nhớ mãi là sau mỗi bài giảng, giáo sư Trần Đức Thảo thường nhún vai, khoát tay, nở một nụ cưới ngơ ngác như có ý nói: "Thế đấy, lịch sử phát triển của tư tưởng nhân loại nó như thế đấy, thật chẳng hề đơn giản chút nào!" Thầy dành nhiều thì giờ nhất để giảng về Hegel, và ở Hegel chủ yếu là hạt nhân duy lý: Cái gì có lý, cái ấy tồn tại, cái gì tồn tại, cái ấy có lý (ce qui a raison, existe, ce qui existe a raison). Có lẽ người lữ hành vất vả cũng như một số môn đệ của thầy ở lớp Văn ba chúng tôi suốt đời vẫn ngơ ngác về cái mệnh đề xem ra vô cùng đơn giản mà lại hóa ra hết sức phức tạp này, dẫu cả thầy và một số học trò đã phải đi thực tế ở nông trường hoặc hợp tác xã, ít nhất cũng dăm ba tháng, nhiều tới một vài năm để thể nghiệm cái mệnh đề đó.

Ông Nguyễn Đình Thi viết: "Những năm 60, tôi thấy anh Thảo vất vả nhiều, và anh còn gặp một nỗi buồn trong đời tư". Vất vả thì khỏi phải nói rồi. Một lần khoảng năm 66-67 gì đó, tôi thấy thầy ở chợ Hàng Da. Thầy đi chiếc xe đạp Peugeot con vịt, chúng tôi vẫn gọi đùa chiếc xe trẻ con Liên Xô thầy đi bằng cái tên như thế, vì người thầy cao lớn như Tây, đi chiếc xe trẻ con trông rất ngộ. Thầy đang mặc cả mua một bó củi nứa to bằng chiếc vỏ phích, nứa chẻ đôi xếp quay lưng vào nhau rỗng như một ổ rốc két. Tôi lặng lẽ quan sát người lữ hành mặc cả: "Hào rưỡi có được không?" "Cái ông này, củi nứa chứ báu ngọc gì mà nói thách". Cuối cùng, sau những ngày đi thực tế, chẳng biết đầu óc người lữ hành có thực tế hơn chút nào không, nhưng cũng đành chấp nhận giá hai hào, tuy chỉ mua một bó (có thể chỉ đủ tiền mua một bó, hay là vẫn hi vọng đun hết, mua ở chợ khác được giá hào rưỡi chăng?). Nhìn nét mặt ngơ ngác của thầy giữa cái có lý và đang tồn tại, tôi quyết định thôi không đến chào thầy nữa, thầy đi đằng thầy rồi, tôi đi đằng tôi. Lúc này, tôi đã bỏ nghề viết văn được ba bốn năm, lòng lại bỗng thấy trăm mối tơ vò, lại muốn vồ ngay lấy bút ngồi vào bàn viết.

Còn nỗi buồn riêng của thầy mấy năm cuối thập kỷ năm mươi lẽ ra chẳng nên khơi lại làm gì nhưng vì ông Thi đã đụng tới nó và nó lại có đoạn kết thúc hơi bi hài, ít người biết, thiết tưởng cũng nên nói ra. Nỗi buồn riêng, đó là đứa con mới sinh ít lâu bị chết, vợ bỏ đi lấy một người khác ở vị thế chắc chắn hơn, nhiều ánh hào quang hơn. Tới khi người lữ hành vất vả đã đi trọn con đường của mình, lọ tro hài cốt từ bên Pháp gửi về được quản ở nhà tang lễ 125 Phùng Hưng, người vợ cũ chẳng hiểu sao bỗng nhớ tới tình xưa nghĩa cũ, khăng khăng kiến nghị đòi đưa lọ tro vào nghĩa trang Mai Dịch, chẳng hiểu do động lòng thương xót hay muốn nhân đó phủ thêm chút hào quang lên nhân cách của mình. Nhưng cái lý do đó có thể tồn tại. Muốn vào Mai Dịch, phải có Huân chương Độc lập hạng Nhất hoặc cao hơn hoặc theo tiêu chuẩn khác, Tang chế chí đã ghi rõ, trong khi đó người lữ hành vất vả chỉ được huân chương độc lập Hạng Ba. Dùng dằng hơn bốn mươi ngày lưu lại ở 125 Phùng Hưng cuối cùng lọ tro đành đưa ra khu A nghĩa trang Văn Điển.

Nếu quả thực con người có linh hồn và sau khi chết đi, linh hồn vẫn còn tồn tại, tôi tin chắc linh hồn người lữ hành vất vả vẫn chưa hết ngơ ngác trước đoạn cảnh "Thế là finita la comedia" này.

Kỷ niệm một chuyến đi Sài Gòn.

Các bài khác về/của Trần Đức Thảo trên talawas:

Trần Đức Thảo: Niên biểu, 24.4.2004
Michel Keil: Tưởng niệm Trần Đức Thảo, 24.4.2004
Đặng Phùng Quân: Đọc lại Trần Đức Thảo, 24.4.2004
Nguyễn Quyến: Triết gia Trần Đức Thảo, người chiến binh của niềm hi vọng, 26.4.2004



[1] Không biết sự nhầm lẫn kia có cố ý không? Nhà văn Hoàng Quốc Hải trong bài "Trắng án Nguyễn Thị Lộ" in trên báo Văn Nghệ số 7 năm 2003, số đặc biệt về Thơ, đã viết: "Năm Quang Thuận thứ 5 (1464) Lê Thánh Tông xuống chiếu tẩy oan cho ông (Nguyễn Trãi - NB) truy phong chức ... tước Tán Trù Bá. Thật ra, tước mà Lê Thánh Tông phục phong cho Nguyễn Trãi vẫn còn kém một bậc phong cho Ông sau khi cuộc kháng chiến thành công (tước Quan Phục Hầu), đủ chứng tỏ giới cầm quyền không bao giờ chịu thừa nhận chúng có sai lầm".

Nguồn: Văn Nghệ số 44 ngày 1.11.2003