trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
22.10.2008
Trương Nhân Tuấn
Trao đổi với ông Lê Công Phụng về lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam và hai hiệp ước biên giới Việt – Trung
 1   2 
 
3.3. Về thác Bản Giốc, kỳ này ông Phụng không còn nói đến cột mốc từ thời Pháp - Thanh "cắm ở giữa cồn" như năm xưa ông trả lời phỏng vấn báo chí trong nước nữa. Ông chỉ nói rằng VN được 2/3 thác và TQ được 1/3 thác. Nhưng cũng ở tài liệu của nhà nước công bố năm 1979, trang 11 và 12 (xem hình 5, 6) dẫn trên lại ghi rằng:

"Tại khu vực cột mốc 53 (xã Ðàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) trên sông Qui Thuận có thác Bản Giốc, từ lâu là của Việt Nam và chính quyền Bắc Kinh cũng đã công nhận sự thật đó. Ngày 29 tháng 2 năm 1976, phía Trung Quốc đã huy động trên 2.000 người kể cả lực lượng vũ trang lập thành hàng rào bố phòng dày dặc bao quanh toàn bộ khu vực thác Bản Giốc thuộc lãnh thổ Việt Nam, cho công nhân cấp tốc xây dựng một đập kiên cố bằng bê tông cốt sắt ngang qua nhánh sông biên giới, làm việc đã rồi, xâm phạm lãnh thổ Việt Nam trên cồn Pò Thoong và ngang nhiên nhận cồn này là của Trung Quốc.

Năm 1955-1956, Việt Nam đã nhờ Trung Quốc in lại bản đồ nước Việt Nam tỉ lệ 1/100.000. Lợi dụng lòng tin của Việt Nam, họ đã sửa ký hiệu một số đoạn đường biên giới dịch về phía Việt Nam, biến vùng đất của Việt Nam thành của Trung Quốc. Thí dụ: họ đã sửa ký hiệu ở khu vực thác Bản Giốc (mốc 53) thuộc tỉnh Cao Bằng, nơi họ định chiếm một phần thác Bản Giốc của Việt Nam và cồn Pò Thoong…"
Hình 5

Hình 6

Cá nhân tôi thì có 2 tài liệu cho thấy thác Bản Giốc nằm trên lãnh thổ VN và cách đường biên giới đến 2km.

Tài liệu 1: Au Tonkin et sur la frontière du Kwang-si, Par le Commandant Famin, Vice-Président de la Commission d’Abornement des Frontières Sino-Annamites en 1894. Paris, Auguste Challamel, Editeur, Librairie Coloniale, 1895 (Trang 12-13; 142,143). (Tonkin và trên vùng biên-giới Quảng-Tây, của Cdt Famin, Phó Chủ tịch Ủy ban Phân giới năm 1884. Ông Famin là người chỉ huy các đội cắm mốc vùng Bản Giốc.)
Trang 12-13 (xem hình 7, 8): Xác nhận thác Bản Giốc thuộc Việt Nam, cách biên giới 2km, tạm dịch như sau:

"Trên vùng phía Bắc (vùng II Quân Sự), sông Qui Thuận chảy qua Trùng Khánh Phủ. Ðây là một phụ lưu của sông Tây Giang (Si-Kiang). Có chiều rộng khoảng 60 thước, chảy vào đất Bắc (Tonkin) qua cửa Ải Lung và chảy vào lại TQ ở gần một công sự của nước này, có tên Nam Ton, sau khi đã chảy qua một thung lũng rộng lớn và rất trù phú. Hai cây số trước khi rời khỏi đất Bắc, sông này chảy xuống một bậc đá và tạo thành một cái thác tuyệt đẹp cao khoảng 40 thước.

Tài liệu 2 (xem hình 9): Bulletin du service Géologique de l’Indochine (Sở Địa chất Đông Dương), Volume XI, Fascicule I, Etudes Géologiques sur le Nord-Est Du Tonkin, (Feuilles de Bảo Lạc, Cao Bằng, Hà Lang, Bắc Kạn, Thất Khê và Long Châu), Réné Bourrret; Ha Noi – Hai Phong Imprimerie d’Extrême d’Orient – 1922, trang 32-33-34.

Xác nhận thác Bản Giốc của Việt Nam, tạm dịch như sau:

"… sông Qui Xuân chảy qua gần ở Chi Choi. Sông này sau khi ra khỏi vùng đá vôi Phong Nam, mở rộng phía dưới hạ lưu thung lũng của nó. Tại đây dân bản xứ tưới nước rất nhiều bằng hệ thống tưới bằng ống tre. Con sông này mở một con đường ngoằn ngoèo trong vùng phía Ðông của phủ Trùng Khánh và chảy xuống hết ghềnh thác nầy qua ghềnh thác khác để đến biên giới đông bắc, kế cận Bản Giốc, trước khi chảy qua vùng đồi Bồng Sơn. Công sự Bản Giốc, hiện nay bỏ trống, cheo leo trên một núi đá cao khoảng 30 thước, nhìn xuống những ghềnh thác của con sông và vùng đồng bằng rất đông đảo dân cư, với những tường cao bao quanh. Ðây là một trong những vùng đẹp nhất của Tonkin, nếu không vì xa xôi và vì khó khăn phương tiện lưu thông, nó rất xứng đáng để du khách đến thăm viếng với những hang động, những cây cầu hình chữ Z bắt lên những tảng đá để băng qua sông, và nhất là cái thác hùng vĩ, gọi là thác bậc thềm có tên Tu Tong, được người Châu Âu biết nhiều qua tên Thác Bản Giốc." 

Hình 7

Hình 8

Hình 9

Theo các biên bản phân giới của công ước 1887, cột mốc cắm gần thác mang số 53, tên Bách Nga Khẩu, cắm “bên lề một con đường ở phía Tây Nam và trên phần nối dài của một khu rừng nhỏ” (“au bord du chemin et au SO et sur le prolongement d’un petit bois”) (hình 10, 11)

Hình 10

Hình 11

Ông Phụng nghĩ gì về các tài liệu này?


4. Về Vịnh Bắc Việt

Qua bài phỏng vấn của ông Phụng, một vài chi tiết đáng chú ý ghi nhận: 1) Ông Phụng nói là VBV chưa được phân định ; 2) VBV thuộc tài phán của VN và TQ. Ông Phụng xác định VBV là của VN và TQ.

Về ý kiến thứ nhất, thực ra công ước 1887 mặc dầu phân định biên giới trên đất liền nhưng cũng đã phân định lãnh hải trong VBV, đó là đường kinh tuyến Paris 105° 43’ kinh độ đông (xem hình 12). Từ năm 1977 Việt Nam đã có lập trường này.

Hình 12: Ghi chú trên bản đồ: "Le méridien de Paris 105° 43’ qui passe par la pointe orientale de l’ile Tra-Co, forme la frontière à partir du point où s’est arrêté le traité de la convention." Tạm dịch: Ðường kinh tuyến Paris 105 độ 43 phút đi qua đông điểm của đảo Trà Cổ, làm thành đường biên giới bắt đầu tại điểm mà điều ước của Công Ước chấm dứt."

Carte à l’extrémité orientale de la frontière Sino-annamite telle qu’elle est figurée sur la carte qui accompagne à Procès-verbal signé à Péking, le 26 Juin 1887 – (voir l’extrait ci-joint de ce procès-verbal) – Signature et cachet du Plénipotentiaire Chinois. Tạm dịch: Bản đồ phần cực đông biên giới Việt - Trung sao y bản đồ đính kèm biên bản được ký tại Bắc Kinh ngày 26 tháng 6 năm 1887 - Chữ ký và con dấu của Tổng lý Nha môn.

Ý kiến thứ hai cho thấy ông Phụng có nhận thức vùng biển VBV là vùng biển lịch sử, tức vùng biển “riêng”, thuộc tài phán của TQ và VN. Nhận thức này phù hợp thực tế lịch sử và lập trường của VN. Nhưng không biết vì lý do nào, những nhà lãnh đạo VN sau này, đã bỏ các lập trường này và chấp nhận yêu sách của TQ.

Đây là nguyên nhân chính đã gây thiệt hại cho VN.

Lý ra, vì VBV là biển lịch sử, thuộc tài phán của VN và TQ, ông Phụng cũng phát biểu như thế, nếu hai bên đồng ý hủy bỏ kết quả công ước 1887, biển này có thể phân chia theo điều 15 Luật Biển 1982 [1] . Tức là phân chia theo phương pháp vẽ đường trung tuyến. Phương pháp này đã không được áp dụng.

Nhưng vấn đề cũng sẽ không trầm trọng cho VN nếu việc phân định lại VBV, hai bên VN và TQ tôn trọng luật quốc tế về biển 1982 cũng như tập quán quốc tế.

Ông Phụng nói rằng VBV được phân chia theo tinh thần luật biển 1982 và tập quán quốc tế nhưng thực tế đã không như vậy.

Ta thấy mọi giới điểm xác định đường biên giới trong VBV đều lấn sang VN, có điểm lấn 17 hải lý, có điểm 30 hải lý. Việc này đã nhượng cho TQ vũng Oanh Ca, xác định bởi các giới điểm 13, 14, 15, 16 là vùng nước giữa vịnh, nơi các chuyên gia quốc tế xác nhận triển vọng có mỏ dầu khí quan trọng. Việc phân chia không theo một tỉ lệ nhất định. Việc lấn sâu của các giới điểm về phía bờ VN không giải thích được, vì không có lý do. Nhiều học giả VN cũng như quốc tế đã chỉ ra các điểm bất bình thường này.

Ông Phụng có nói một chi tiết là TQ đề nghị nhượng cho VN 1.500km² biển chỗ này chỉ để lấy 150 km² ở một nơi khác mà VN từ chối. Điều này thiết nghĩ, nếu phân chia theo Luật Biển 1982, tức dựa lên luật, thì không thể xảy ra. Ở điểm này người ta nghi ngờ lời phát biểu “phân chia theo Luật Biển” của ông Phụng.

Điểm bất bình thường khác, các đảo của VN trong vịnh như đảo Bạch Long Vĩ và đảo Cồn Cỏ thì không được xem là đảo như điều 121 của luật biển 1982.

Nguyên văn điều 121 như sau:

  1. Une île est une étendue naturelle de terre entourée d'eau qui reste découverte à marée haute. (Ðảo là một dải đất tự nhiên, có nước bao bọc chung quanh và không bị nước phủ lúc thủy triều lên.)
  2. Sous réserve du paragraphe 3, la mer territoriale, la zone contiguë, la zone économique exclusive et le plateau continental d'une île sont délimités conformément aux dispositions de la Convention applicables aux autres territoires terrestres. (Một đảo có hải phận, vùng tiếp cận, vùng kinh tế độc quyền và thềm lục địa riêng, ngoại trừ điều kiện ghi dưới phần 3.)
  3. Les rochers qui ne se prêtent pas à l'habitation humaine ou à une vie économique propre, n'ont pas de zone économique exclusive ni de plateau continental. (Những bãi đá [cồn đá] mà người ta không thể sinh sống, hoặc tạo một nền kinh tế tự tại thì không có vùng kinh tế độc quyền cũng như không có thềm lục địa.)

Nếu được xem là đảo theo định nghĩa thì đảo này có lãnh hải, vùng kinh tế độc quyền 200 hải lý và thềm lục địa.

Đảo Bạch Long Vĩ có diện tích 2,5km² khi thủy triều lên và 4km² khi thủy triều xuống, có dân cư sinh sống và có nước ngọt. Đảo Cồn Cỏ diện tích khoảng 2,2km², có dân cư sinh sống và có nước ngọt. Cả hai đều có nền kinh tế tự tại (đánh cá, trồng trọt, chăn nuôi… như xưa nay).

Theo hiệp định phân định VBV thì đảo Bạch Long Vĩ chỉ có hiệu lực 25% (18 hải lý) vùng kinh tế độc quyền (ZEE). Trong khi tập quán quốc tế, chỉ đưa ra 1 thí dụ: trường hợp tương tự giữa hai đảo Groenland (đảo lớn như một lục địa của Đan Mạch) và Jan Mayen (một đảo nhỏ thuộc Na Uy), tương đương tỉ lệ với đảo Hải Nam và Bạch Long Vĩ. Hải phận hai đảo này năm 1992 phải được phân chia theo tinh thần đồng đẳng của Luật Biển 1982.

Đảo Cồn Cỏ, theo hiệp định phân định VBV thì được 50% hiệu lực ZEE. Nhưng điều này không phản ảnh trên bản đồ phân định cũng như tọa độ các giới điểm đã công bố [2] (xem hình 13).

Tôi cho rằng nhượng bộ của VN ở đảo Bạch Long Vĩ và Cồn Cỏ bất chấp Luật Biển 1982 và tập quán quốc tế là một sai lầm chiến lược. Sai lầm chiến lược vì từ sai lầm thứ nhứt sẽ tạo ra một sai lầm thứ hai, gây tổn thất lớn hơn cho VN. Sai lầm thứ nhất làm cho VN thiệt hại trong VBV, nhưng nó tạo ra một tiền lệ không hay cho VN, sai lầm thứ hai, là hóa giải hiệu lực tất cả các đảo của VN tại Hoàng Sa và Trường Sa mà VN có đầy đủ dữ kiện chứng minh hai quần đảo này thuộc về mình.

Ông Nguyễn Hồng Thao, dường như là Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng ban Biên giới hiện nay, trong cuốn Le Viet Nam et ses Différends Maritimes dans la Mer de bien Dong mà ông là tác giả, trang 132, có so sánh trường hợp phân định Bạch Long Vĩ và Hải Nam với đảo Groenland và đảo Jan Mayen. Ông có kết luận là phía VN "préfère" lựa chọn cho đảo Bạch Long Vĩ có hiệu lực 25%.

Vì sao VN lại "thích" làm như thế? Nó bất lợi cho VN mà?

Nguyên do là vì, tôi nghĩ, VN lo ngại TQ đòi hỏi lãnh hải và ZEE ở các đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà họ đã chiếm được của VN bằng vũ lực. VN lựa chọn cách phân định bất lợi cho mình ở đảo Bạch Long Vĩ và Cồn Cỏ nhằm vô hiệu hóa vùng biển kinh tế độc quyền các đảo tại Hoàng Sa và Trường Sa hiện do TQ chiếm đóng. Nhưng đây là dao hai lưỡi, nó cũng vô hiệu hóa tất cả các đảo tại Hoàng Sa và Trường Sa mà VN có đủ bằng chứng lịch sử để chứng minh hai quần đảo này của mình.

Tôi cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy lãnh đạo ĐCSVN muốn buông tay ở Hoàng Sa. Lý ra lãnh hải Biển Đông của VN sẽ rất lớn nếu tính hiệu lực các đảo tại Hoàng Sa và Trường Sa.


5. Vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa

Rất tiếc trong phần phỏng vấn, ông Phụng chỉ nói quá sơ lược tình trạng Hoàng Sa và Trường Sa. Đương nhiên có rất nhiều nghi vấn cần ông Phụng giải thích. Tại sao VN không đưa vấn đề Hoàng Sa ra một toàn án quốc tế? Phát ngôn nhân VN luôn nói rằng VN có đầy đủ bằng chứng để chứng minh Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về VN. Nhưng nếu chỉ nói rồi thôi thì không ăn thua gì. Người dân đòi hỏi một hành động cụ thể nơi nhà cầm quyền. Hiện nay VN là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, VN có tư thế để các nước nghe tiếng nói của mình. Nhưng tại sao VN không làm gì cả? Một tòa án phân xử chỉ có thể thành hình nếu có đồng thuận của hai bên, nhưng ít nhất phải có một bên lên tiếng yêu cầu trước. Tại sao VN không lên tiếng? Xin ông Phụng giải thích việc này.


6. Kết luận

Ông Phụng cho rằng các hiệp định vừa ký kết là một thắng lợi, một thành tích cho ĐCSVN. Qua một số dữ kiện đã trình bày tôi cho rằng ông Phụng quá chủ quan, vì đã có nhiều điều cần phải xét lại.

Về hiệp định phân định trên đất liền, với những tài liệu hiện có, tôi cho rằng đây là một thất bại của VN. Tuy nhiên, hiện nay việc cắm mốc chưa xong, thì ta khó có thể có một kết luận chính xác về tình trạng mất mát về đất đai của VN là bao nhiêu, ở đâu.

Hiệp định phân định VBV cũng là một thất bại cho VN, nó gây thiệt hại cho VN đến 11.00km² biển, đặc biệt nó đã nhượng cho TQ những vùng biển có giá trị về kinh tế và chiến lược. Những gì ông Phụng nói trong buổi phỏng vấn vừa qua về VBV thì không thuyết phục, bởi vì bản đồ cũng như chi tiết tọa độ của các giới điểm trong vịnh BV đã được công bố, luật quốc tế về biển 1982 cũng như tập quán quốc tế về cách phân chia hải phận các đảo thì mọi người có thể tìm hiểu dễ dàng trên các trang web của ONU. Ta thấy việc phân định không công bằng và gây thiệt hại cho Việt Nam.

Ông Phụng nói rằng các hiệp định đã ký kết là một thành tích của ĐCSVN thì tôi nghĩ ông Phụng muốn làm đẹp lòng ĐCSVN mà thôi. Sự thật là các hiệp định này, bản thân của nó là bằng chứng cho thấy ĐCSVN đã không bảo vệ được sự vẹn toàn lãnh thổ của tổ quốc VN mà ông Phụng cũng có trách nhiệm phần nào trong đó.

Tài liệu tham khảo 
  • Hồ sơ phân định biên giới 1885-1897, mã số Indo – GGI – 65353… 65360. Centre des Archives d’Outre-Mer – Aix-En-Provence – France (CAOM)
  • Thư viện SOM và AOM Aix-En-Provence, France
  • Hồ sơ phân định biên giới Sino-Annamite. Văn khố Bộ Ngoại giao Pháp – Paris
  • Les Frontières du Viet Nam. Các bài viết của các tác giả Charles Fourniau, Mm Tâm Quách Langlet, Nguyễn Thế Anh… Chủ biên P. B. Lafont. Nxb Harmattan, 1989
  • 20 ans de jurisprudence de la Cour internationale de justice, 1975-1995. Tác giả Brigitte Stern, NXB Martinus Nijhoff Publishers, 1998
  • Le Viet Nam et ses Différends Maritimes dans la Mer de bien Dong. Tác giả Nguyễn Hồng Thao, Edition A. Pedone, Paris, juin 2004
  • Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nxb Sự Thật, Hà Nội 1979

© 2008 talawas





[1]Ðiều 15 của Công ước 1982 Luật về Biển như sau: Article 15: "Délimitation de la mer territoriale entre Etats dont les côtes sont adjacentes ou se font face: Lorsque les côtes de deux Etats sont adjacentes ou se font face, ni l’un ni l’autre de ces Etats n’est en droit, sauf accord contraire entre eux, d’étendre sa mer territoriale au-delà de la ligne médiane dont tous les points sont équidistants des points les plus proches des lignes de base à partir desquelles est mesurée la largeur de la mer territoriale de chacun des deux Etats. Cette disposition ne s’applique cependant pas dans le cas où, en raison de l’existence de titres historiques ou d’autres circonstances spéciales, il est nécessaire de délimiter autrement la mer territoriale des deux Etats." (Phân định lãnh hải giữa hai quốc gia kế cận hay đối diện. Khi hai quốc gia kế cận hay đối diện, không một quốc gia nào được quyền mở rộng lãnh hải quá đường trung tuyến mà mọi điểm trên đây cách đều những điểm gần nhất của các đường cơ bản, từ những đường này đo chiều rộng lãnh hải mỗi nước, ngoại trừ có sự thoả thuận riêng giữa hai nước. Ðiều lệ này không áp dụng trong trường hợp có sự hiện hữu những văn kiện lịch sử hay những trường hợp đặc biệt, việc phân định lãnh hải vì thế phải được thực hiện bằng một cách khác.) Chúng ta thấy điều 15 đã dự trù một ngoại lệ. Ðó là trường hợp những vùng biển đã có chủ, được xác nhận qua một "titre de souveraineté", văn kiện chứng nhận chủ quyền. Ðiều này cho phép ta kết luận rằng luật quốc tế về biển công nhận sự hiện hữu những văn kiện liên quan đến quyền chủ quyền trong một vùng biển.
[2]Nguyên văn hiệp ước phân định VBV được trích ra trong ngoặc kép: "mũi Oanh Ca – đảo Hải Nam của Trung Quốc (điểm A) có tọa độ địa lý là vĩ tuyến 18o30’19 Bắc, kinh tuyến 108o41’17 Ðông, qua đảo Cồn Cỏ của Việt Nam đến một điểm (điểm B) trên bờ biển của Việt Nam có tọa độ địa lý là vĩ tuyến 16o57’40 Bắc và kinh tuyến 107o08’42 Ðông." Đường AB là đường đóng cửa vịnh. Từ đây ta suy ra trung điểm của AB, gọi là điểm O có tọa độ: vĩ độ 17° 43’ 59’’ bắc và kinh độ 107° 54’ 59’’ đông. Điểm O sẽ là điểm xác định đường phân định nếu chia theo nguyên tắc lấy trung điểm và không tính đảo Cồn Cỏ.

Ta có tọa độ của Ðiểm số 21, (theo hiệp ước phân định VBV) là điểm xác định đường phân định:

Vĩ độ
17o47’00”
Bắc
Kinh độ
107o58’00”
Ðông

Nếu bỏ qua sai số géodésique (không đáng kể), điểm 21 cách điểm O một khoảng cách 4,24 hải lý, về phía bờ Việt Nam (tức trên đoạn OB). Tức là đảo Cồn Cỏ chỉ có hiệu lực 4,24 hải lý. (hình 13)
Hình 13