trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
20.9.2008
Maja Narbutt
Ba Lan – Ngày quân Nga rút hết
Phạm Toàn dịch
 
Ngày 17 tháng Chín là ngày mang ý nghĩa hai lần tượng trưng đối với người Ba Lan. Chính là vào ngày 17 tháng Chín 1939, Hồng quân tràn vào nước này que và chỉ rút đi hoàn toàn vào năm 1993, cũng vào một ngày 17 tháng Chín. Tờ Rzeczpospolita nhớ lại chuyện đó.

Quân đội Xô-viết trên đất Ba Lan sau cuộc xâm lăng năm 1939
Ngày 17 tháng Chín năm 1993, vào lúc 5 giờ sáng, đơn vị Hồng quân cuối cùng lên tầu ở nhà ga Gdansk tại Warszawa để rời Ba Lan. Ngày đó, số nhà báo đông hơn số sĩ quan Nga, những người thấy hơi bị “rét” trước cảnh thiên hạ quá vui vẻ xung quanh chuyện họ rút quân. Hiếm có vị nào trả lời các nhà báo. Còn những vị đồng ý trả lời báo chí thì nhắc lại rằng họ không xâm lăng mà ngược lại họ đã giải phóng cho nước Ba Lan. Tối hôm trước, long trọng trước đông đủ quan khách tại Belweder, dinh thự của Tổng thống Cộng hòa Ba Lan, ông Lech Walesa đã tham dự lễ vĩnh biệt tượng trưng quân đội Nga.

"Thế là xong một giai đoạn. Nền công lý lịch sử đang được hoàn tất, Walesa tuyên bố, nhắc nhở mọi người rằng cái ngày 17 tháng Chín thật “đau đớn và u ám” đối với người Ba Lan. Vào ngày đó năm 1939, người Nga tiến sâu vào lãnh thổ Ba Lan, cắm con dao nhọn vào sau lưng chúng tôi [Liên Xô đã hoàn thành phần việc họ ký kết mấy tuần lễ trước đó với phát xít Đức và đã chiếm đóng nước Ba Lan đang chiến đấu chống bọn Quốc xã]. Ông Bộ trưởng Quốc phòng Nga Pavel Gratchev không tới dự lễ tiễn, cả cái phái đoàn được cử từ Moskva tới cũng không tham dự, họ đột nhiên bị mắc một chứng bênh ngoại giao cực kỳ hay lây.

Điều đáng ngạc nhiên là người Nga không hiểu ngay, vì sao người Ba Lan cứ nằng nặc đòi quân đội Nga rút quân đúng vào cái ngày đó. Nhưng khi vỡ nhẽ, thì họ cáu, nhưng quá muộn rồi. Sau khi Liên Xô tan rã, quân đội Nga nấn ná ở lại Ba Lan lâu hơn ở Tiệp Khắc hoặc ở Hungary.

Các nhà nghiên cứu chính trị đều nói những điều chính thức giống nhau: chính phủ của ông Tadeusz Mazowiecki, nội các đầu tiên của Đệ tam Cộng hòa Ba Lan [thành lập năm 1989], đã không đòi quân đội Nga rút quân ngay, vì vào thời điểm thống nhất hai miền nước Đức ấy, nội các đó vẫn coi Hồng quân như là có khả năng bảo vệ biên giới phía Tây.

"Người Nga có cung cách thương lượng rất riêng: họ dọa nạt những người đối thoại, và cánh quân nhân thì giỏi nhất hạng trong cái nghệ thuật này", trưởng đoàn Ba Lan Grzegorz Kostrzewa-Zorbas kể lại. Người Ba Lan đòi quân đội Nga rút đi tay không, còn vũ khí của họ thì mang theo trong những toa tầu bọc sắt kín. Đó là một yêu cầu chính đáng nếu ta biết rằng lính Nga có thói quen bắn súng qua cửa sổ tầu lúc đang chạy.

Còn chuyện tài chính cũng gây ra vô khối điều xúc động. Người Ba Lan mong muốn quân Nga thanh toán mọi thứ họ làm hư hại, nhất là những hư hại môi trường, do việc họ đóng quân từ khi chấm dứt Thế chiến thứ Hai. Người Nga ngay lập tức cãi lại rằng họ sẽ không mang đi theo mà để lại mọi thứ họ đã xây dựng lên. Hàng chục doanh trại và khu nhà mà họ không chịu thừa nhận với Ba Lan đó là những của vô dụng.

"Chúng tôi đã cho qua mọi đòi hỏi bồi thường tài chính, ông Kostrzewa giải thích, vì điều quan trọng bậc nhất không phải là chuyện họ trả tiền hay không, mà là một quân đội ngoại quốc rời khỏi lãnh thổ chúng tôi", càng nhanh càng tốt. "Khi đó chúng tôi đã chọn ‘phương án zéro'." Nếu không, họ còn ở lỳ đó không biết đến bao giờ…"


Bản tiếng Việt © 2008 talawas