trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
22.8.2008
Văn Lang
Nhớ về nhà văn Sơn Nam
 
Ba cõi Hồng Bàng thôi hết nhắc
Một vùng mã lạp [1] thế là xong
Đành người tạ thế đi rồi mất
(Nguyễn Quang Diêu: “Viếng mộ Phan Chu Trinh”)

Có lẽ khi gọi bác Sơn Nam là “Ông già Nam bộ”, người ta không chỉ hiểu một cách đơn thuần rằng “ổng” là người yêu mến miền Nam và biết rành về Nam bộ, mà còn muốn nói đến những gì xa rộng hơn nữa. Bởi vì qua Sơn Nam, chúng ta thấy được nhiều điều khá rõ: Thứ nhất, khi đọc Sơn Nam, chúng ta khám phá được lắm điều mình chưa biết về Nam bộ – lịch sử, địa lý, thiên nhiên, con người. Thứ hai, ở Sơn Nam, ai cũng thấy được tình yêu quê hương qua từng ngọn cây con lạch, nhánh lúa tiếng chim, núi đồi sông nước. Thứ ba, và quan trọng nhất, là thấy được gốc gác của con người xứ Việt, đặc biệt là ở miền Nam, nằm ở đâu - để khi nói đến điều “ráng giữ cái gốc”, ít ra còn có được một cái gì đó cụ thể để nghĩ tới.

Dáng người gầy, nước da hơi ngăm đen, nụ cười hóm hỉnh, nhìn bề ngoài không khác gì một người bình thường; đó là hình ảnh của một bác Sơn Nam vào cuối năm 1979. Nhưng có tiếp xúc với bác mới biết đây là một người dễ gần gũi, phóng khoáng, thấy như đã quen biết từ lâu. Khi nói chuyện với bác, thì giờ qua đi lúc nào không hay, vì bác có cách nói chuyện thật vui, làm người nghe cứ cười hoài không dứt.

Bây giờ mọi sự đã lâu quá rồi, ngày đó chuyện trò với bác những gì, tôi chỉ nhớ được rất ít. Chuyện về cụ Phan Chu Trinh, bác nói: Căn nhà ở Chợ Cũ (Sài Gòn), nơi cụ Phan mất và làm đám tang ở đó, bác có đề nghị nên bảo tồn để làm di tích lịch sử mà “nói hoài không ai nghe”. Về “Bến Nhà Rồng” – lúc đó mới được trùng tu xong để làm chỗ kỷ niệm nơi cụ Nguyễn Ái Quốc rời Việt Nam đi Pháp lúc trước – bác bảo: Chỗ đó có phải đâu! Tại nó có vị trí tốt nên mới được chọn đó thôi. Hồi đó có hai hãng tàu thủy khác nhau, hãng tàu mà cụ Nguyễn làm thì bến của nó nằm ở chỗ khuất tuốt phía trên (của sông Sài Gòn), khó thấy, còn cái “Nhà Rồng” là nhà của ông chủ hãng tàu kia, nằm ở chỗ ngon lành…

Trò chuyện miên man, đi vào cuộc sống của các văn nghệ sĩ. Về bản thân, bác nói: “Tôi thì khoẻ, cứ mỗi năm ra được hai bài thôi là xong, còn thì giờ bao nhiêu là của mình”. Tuy bác không nói gì về gia cảnh, nhưng cũng đoán được là (thuở đó) bác cũng chẳng dư dả gì, mà ai cũng biết nhà văn Sơn Nam là người “viết văn để viết văn, để yêu nước, chứ không nhằm mục đích nào khác”. [2]

Hôm đó không may lại bị cúp điện, nên khi thấy tối xuống, bác kiếu ra về. Tôi tiễn bác đi một khúc đường, đến ngang một quán cóc bên đường cả hai lại ghé ngồi xuống bên ly cà phê để nói chuyện tiếp. Bác kể về cuộc sống của những người nghèo ở Sài Gòn…

Rồi bác ra về, hẹn sẽ còn gặp lần khác nói chuyện nhiều hơn, chiếc lưng gầy gò trên chiếc xe đạp cọc cạch. Bác đi rồi tôi mới nhớ ra mình quên hỏi bác một chuyện lớn: hình như bác là bạn thân của thi sĩ Nguyễn Bính. Tôi dặn lòng là lần tới sẽ không quên!

Khoảng một tuần sau đó, tôi ra thăm Viện Sử học, có kể chuyện mà bác Sơn Nam nói về căn nhà ở Chợ Cũ cho một nhà nghiên cứu về lịch sử cận đại Việt Nam nghe, vị này nói nho nhỏ: Anh biết không, ở Huế dân chúng có đúc một tượng đồng của cụ Phan Bội Châu to lắm, thế mà nó không được dựng lên, cứ để nằm dài dưới đất. Người ta bảo là nếu tượng to thì phải là tượng của người khác, bây giờ chưa có tượng nào to cả, dựng cụ Phan lên thì cụ to nhất nước còn gì! Tượng cụ Phan đã đúc sẵn rồi mà còn thế, huống gì căn nhà mà anh vừa nói!

Trước khi rời thành phố, nghe tôi kể vừa gặp bác Sơn Nam, có anh bạn tặng cho một cuốn sách do bác Sơn Nam viết, in trên giấy đen thui gần như không thấy được chữ để đọc, nhìn thấy mà bất nhẫn. Gặp bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, tôi hỏi tại sao người như nhà văn Sơn Nam mà không trân trọng. Bác sĩ Viện nói: Sơn Nam thì đâu có vấn đề gì! Tôi thấy bác sĩ Viện không hiểu ý mình, ý tôi là người như bác Sơn Nam sao mà để cuộc sống của bác đến hàn vi như thế, và tác phẩm khi xuất bản ra cũng phải biết in ấn sao cho đáng công người viết nó ra. Nhưng thuở đó thực tình tôi chẳng biết gì, bác Sơn Nam là Sơn Nam chứ có “dễ uốn” như Nguyễn Công Hoan đâu! Bản thân bác sĩ Viện, nghe đâu lắm lúc cũng ở trong cảnh ba chìm bảy nổi!

*


Trong hơn 30 năm qua, xã hội Việt Nam biến đổi rất nhiều. Sống trong sự thay đổi đó, “ông già Nam bộ” đã nhận định những gì, suy nghĩ những gì, có lẽ trừ những ai có nghe được bác tâm sự, hầu hết chúng ta không may mắn để biết được. Bởi vì bác Sơn Nam không viết ra bao nhiêu về những điều mình nghĩ, như bác vẫn thường nói: “Ở đời, có người mình chơi được, có người chơi không được. Sự đời cũng vậy.[3]

Nhưng không viết ra không có nghĩa là trong lòng bác không ngổn ngang tâm sự. Không nói gì nhiều, chỉ một việc chứng kiến trong vòng 15 năm qua, nội trong một vùng “miền Nam sông nước” của “ông già” thôi đã có hàng chục ngàn cô gái quê rời bỏ “hương rừng đồng nội” để đi làm dâu tận Đài Loan và Hàn Quốc, lòng “ông già” hẳn đầy trăm mối tơ vò. Trên đồng bằng Cửu Long bát ngát, người nông dân với hai bàn tay trắng cũng không còn có thể chỉ biết chiến đấu với thiên nhiên khắc nghiệt xong là có được chút ruộng vườn của riêng mình. Thành ra, nói như nhận xét của một nhà văn hiện đại, “ông già Nam bộ” đã “chết đi vì quá buồn”, cũng không phải là quá lời. [4]

Nhà văn Sơn Nam đã ra đi, thôi chúng ta cũng chấp nhận tử sinh là lẽ tự nhiên của con người. Nhưng với một dân tộc, việc có thừa kế được tinh thần của lớp người đi trước hay không là điều rất quan trọng. Chúng ta ngậm ngùi khi nghe tin bác Sơn Nam đã ra đi mà các văn nghệ sĩ đương thời thấy lo lắng:

“Tôi rùng mình khi mường tượng làng văn chương Việt Nam làm sao để tìm một người thay thế Sơn Nam. Vóc dáng Sơn Nam không chỉ làm nên bằng sự thông tuệ và từng trải, mà có cả sự cam đảm thờ ơ với mọi hư vinh và sự quyết liệt theo đuổi sự nghiệp cầm bút. Người thông tuệ có đấy, người từng trải có đấy, nhưng người can đảm và người quyết liệt như Sơn Nam thật hiếm hoi.[5]

Mong an lành cho bác nơi bác đến, bác Sơn Nam!

19-08-2008

© 2008 talawas



[1]Ý nói mộ phần. Mã là hàng mã để cúng, lạp là nến.
[2]Lê Thiếu Nhơn: “Nhà văn Sơn Nam qua đời”, eVăn 13-08-2008
[3]Lê Thiếu Nhơn, bđd.
[4]Lê Phú Khải: “Đó là Sơn Nam”, talawas 08-18-2008
[5]Lê Thiếu Nhơn, bđd.