trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcLý luận phê bình văn học
17.10.2008
Hoàng Ngọc-Tuấn
Một quái trạng văn hoá
 
Đọc internet, tình cờ thấy trên báo Tia Sáng ngày 2/10/2008 có một bài viết dưới nhan đề là “Góp chuyện hậu hiện đại“, tôi vào xem cho biết, thì vô cùng kinh ngạc, vì ngay câu đầu tiên của bài viết đã sai đến ngớ ngẩn như thế này:

Từ “hậu hiện đại” (postmodern) xuất hiện lần đầu trong cuốn Hoàn cảnh Hậu hiện đại (La Condition Postmoderne) của Jean-Francois Lyotard...

Câu tuyên bố (với giọng khẳng định như sách giáo khoa tiểu học, dứt khoát, ngắn gọn, không hề “có lẽ” hay “có thể” gì cả) này là do ai viết mà khủng khiếp đến thế? Tôi tự hỏi, và tôi kéo con chuột xuống cuối bài để xem, thì mới biết tác giả là Trịnh Lữ, và tôi càng thấy kinh ngạc khi bài viết này lại là một bài tham luận đọc tại Hội thảo Khoa học “Nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá” do Viện Mỹ thuật và trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội tổ chức vào cuối tháng 9/2008.

Cái điều sai khủng khiếp này khiến tôi nhớ lại một cái điều sai khác, còn khủng khiếp hơn nữa, vừa xảy ra cách đây vài tháng. Trong Hội thảo “Lý luận Văn học Việt Nam thế kỷ XX” tổ chức ngày 7/6/2008 tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ông Hoàng Ngọc Hiến đọc bài tham luận “Tiếp nhận những cách tân của chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại”. (Sau đó, bài tham luận ấy được đăng lại trên tạp chí Sông Hương ngày 16/7/2008.) Trong bài tham luận ấy, ông Hoàng Ngọc Hiến, cũng với thái độ đầy thẩm quyền, dứt khoát, không hề “có lẽ” hay “có thể” gì cả, khẳng định:

Thuật ngữ chủ nghĩa hậu hiện đại lần đầu tiên xuất hiện năm 1977, trong cuốn sách Ngôn ngữ kiến trúc hiện đại của Charles Djenks.

Như thế, ông Trịnh Lữ cho rằng Jean-Francois Lyotard đã đẻ ra từ “postmodern” vào năm 1979 trong cuốn La Condition Postmoderne; còn ông Hoàng Ngọc Hiến thì cho rằng ông Charles Djenks [khổ quá, tên của người ta là Charles JENCKS, thưa ông Hoàng Ngọc Hiến!] đã đẻ ra từ “postmodernism” vào năm 1977 trong cuốn Ngôn ngữ kiến trúc hiện đại [khổ quá, cuốn sách của người ta là Ngôn ngữ kiến trúc HẬU hiện đại, The Language of Post-Modern Architecture, thưa ông Hoàng Ngọc Hiến!]

Cả hai bài tham luận tại hai hội thảo cao cấp đều vấp phải vô số những cái sai về kiến thức và về lập luận, nhưng cái sai dễ thấy nhất là về thời điểm xuất hiện của các từ “hậu hiện đại” và “chủ nghĩa hậu hiện đại”. Thế nhưng, thật lạ lùng, có lẽ chẳng ai có mặt tại hai cái hội thảo ấy phát hiện ra cái gì sai, nên chẳng ai lên tiếng, và vì thế sau đó hai tác giả đã hiên ngang đem gửi đăng trên báo. Hoàng Ngọc Hiến đăng bài tham luận lên tạp chí Sông Hương (diễn đàn của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế); Trịnh Lữ đăng bài tham luận lên tờ Tia Sáng (tờ báo của Bộ Khoa học và Công nghệ, với cái khẩu hiệu “một góc nhìn của trí thức”). Và ban biên tập của cả hai tờ báo ấy cũng hoan hỉ tin là đúng, cho đăng tải nguyên văn những cái sai ấy, và tất nhiên rất nhiều những cái sai khác trong hai bài ấy, mà chẳng hề kiểm chứng hay thắc mắc.

Vì sao họ chẳng hề kiểm chứng, chẳng hề thắc mắc? Vì ông Hoàng Ngọc Hiến đã nổi danh như một giáo sư, học giả hàng đầu ở thủ đô nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam! Vì ông Trịnh Lữ cũng nổi tiếng ở thủ đô chẳng kém gì mấy: ông đã là dịch giả “đáng tin cậy” của một số sách của dăm ba nhà văn quốc tế, và ông đã nhận giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2005! Báo Thể thao & Văn hoá ngày 27/9/2008 nhấn mạnh rằng bài tham luận của Trịnh Lữ là bài “đáng chú ý”. Ký giả Vũ Lâm đã theo dõi cuộc hội thảo ấy, và viết bài tường thuật “Nói chuyện ‘hậu hiện đại’ và ‘toàn cầu hoá’“ trên báo. Ngay ở câu nhập đề, Vũ Lâm đã long trọng giới thiệu Trịnh Lữ trước tất cả những tên tuổi khác, chỉ vì “Dịch giả Trịnh Lữ từng sống ở Mỹ nhiều năm, và khá lịch duyệt văn hóa Âu–Mỹ”!

Trong một xã hội còn quá lạc hậu về mọi phương diện, có lẽ chẳng mấy ai dám nghi ngờ hai ông nổi tiếng, có bằng cấp cao, sành ngoại ngữ, từng chu du nước nọ nước kia rất nhiều, vì thế nên hai cái sai lố bịch ấy lan ra nhanh chóng như hai cái chân lý bằng dầu phộng.

Trong khi tôi đang viết bài này, tôi vào google để xem thử, thì thấy bài của Trịnh Lữ đã được đăng lại nguyên văn trên nhiều websites, đặc biệt nhất là website của Đại học Văn hoá Hà Nội (khoa Sáng tác & Lý luận phê bình). Thầy trò tha hồ mà tiếp thu! Bài của Hoàng Ngọc Hiến thì cũng đã được đăng lại nguyên văn trên nhiều websites, đặc biệt nhất là website của Trung tâm Văn hoá Hội Nhà văn Việt Nam vào ngày 15/9/2008. Văn giới Việt Nam tha hồ mà học hỏi!

Thế nhưng, đáng kinh ngạc hơn nữa, cái điều mà hai tác giả nói sai khủng khiếp ấy lại chẳng phải là điều gì khó khăn phức tạp đến mức khiến họ khó tránh nổi cái sai. Thật vậy, nếu ta thử hỏi một cậu học trò trung học có thái độ hiếu học và tư cách đàng hoàng, rằng: “Các từ ‘postmodern’ và ‘postmodernism’ đã xuất hiện từ lúc nào?”, thì cậu học trò (với cái màn hình internet trước mặt) sẽ có thể nhanh chóng cho ta một câu trả lời còn khá hơn hai ông học giả kia. Thật vậy, câu hỏi này chẳng có gì khó hơn bất cứ một câu hỏi khoa học phổ thông nào. Nó cũng phổ thông như câu hỏi “Những động vật nào đang có nguy cơ bị diệt chủng?”

Tôi thử bỏ ra chừng mươi phút để tìm trên google xem kết quả thế nào, thì đã nhặt được hàng loạt thông tin về xuất xứ và sự tái hiện của các từ “postmodern” và “postmodernism” (trước năm 1977 của ông Hoàng Ngọc Hiến và trước năm 1979 của ông Trịnh Lữ). Tôi chỉ xin liệt kê lại ngay ở đây một cách thô sơ những gì xuất hiện trên google (tất nhiên chẳng đầy đủ, và mức độ chính xác chưa được kiểm chứng):
  • Theo Perry Anderson ghi nhận trong cuốn The Origins of Postmodernity (1998), từ “postmodern” có lẽ xuất hiện đầu tiên trong thập niên 1870 (không nói chính xác năm nào, ở đâu), do John Waitkins Chapman (một hoạ sĩ người Anh) sử dụng để nói về một lối hội hoạ đã vượt qua khỏi phái ấn tượng.

  • Năm 1914, J.M. Thompson sử dụng từ “Post-Modernism” làm nhan đề một bài viết về tôn giáo, được in trên trang 733, tạp chí triết học The Hibbert Journal, Vol XII, No.4, July 1914.

  • Năm 1917, trong cuốn Die Krisis der europäischen Kultur (Nuremberg: Hans Carl, 1917), trang 64, Rudolf Pannwitz dùng từ “post-modernism” để mô tả dạng thức văn hoá diễn ra sau chủ nghĩa hư vô của Nietzsche.

  • Năm 1921 và 1925, từ “postmodernism” đã được sử dụng để mô tả những hình thức mới của mỹ thuật và âm nhạc. (Không rõ ai là những người sử dụng.)

  • Năm 1926, Bernard Iddings Bell đã viết từ “postmodernism” ngay trên bìa cuốn sách Postmodernism and other Essays (Milwaukee: Morehouse Publishing Co., 1926).

  • Năm 1934, trong cuốn Antología de la Poesía española e hispanoamericana: 1882-1932 (Madrid: Centro de Estudios Históricos, 1934) trang xviii-xix, Frederica de Onis dùng từ “postmodernismo” để chỉ chung cho một thời kỳ lịch sử và một phong trào văn học đã diễn ra giữa những năm 1896 và 1905, và sau đó thì đến thời “ultramodernismo”, từ 1914 đến 1932.

  • Năm 1939, từ “postmodernism” được dùng trong cuốn Religion for Living: A Book for Postmodernists (London: The Religious Book Club, 1939) của Bernard Iddings Bell, để nói đến sự thất bại của chủ nghĩa hiện đại thế tục và sự trở về với tôn giáo.

  • Cũng năm 1939, trong quyển thứ 5, trang 43, của bộ Study of History, sử gia Arnold J. Toynbee cho rằng Thế chiến thứ Nhất (1914-1918) là điểm khởi đầu của “Post-Modern Age”. Năm 1954, trong quyển thứ 8 và thứ 9, Arnold J. Toynbee tái sử dụng từ “post-modernism” và cho rằng thời “hậu hiện đại” có thể đã bắt đầu khoảng sau năm 1875, biểu hiện qua sự suy sụp của lý tính Khai sáng và sự nhiễu nhương của xã hội.

  • Năm 1942, H. R. Hays dùng từ “postmodernism” để chỉ một hình thức văn chương mới (không nói chính xác tài liệu nào). Tuy nhiên, Michael Koehler cho rằng Dudley Fitts mới là người sử dụng từ “postmodernism” trong một tuyển tập tiểu luận (không rõ tuyển tập nào) do chính ông làm chủ biên, chứ không phải H. R. Hays, người phụ tá của ông.

  • Ngày 20/8/1951, trong một bức thư gửi Creeley, Charles Olson viết: “any POST-MODERN is born with the ancient confidence that he does belong”, trong Olson-Creeley Correspondence (Santa Rosa, CA: Black Sparrow Press, 1980-96), vol. 7, p.115.

  • Cùng năm 1951, Pico Miran tung ra bản tuyên ngôn A Manifesto for Post-Modern Art (New York: American Art Gallery, 1951).

  • Năm 1959, có một tiểu luận của Irving Howe dưới nhan đề “Mass Society and Post-Modern Fiction”, đăng trong Partisan Review, XXVI (Summer, 1959), trang 420–436.

  • Năm 1960, Harry Levin dùng từ “postmodernism” trong tiểu luận “What Was Modernism?”, Massachusetts Review, vol. 1, no. 4 (August 1960).

  • Năm 1965, Leslie Fiedler dùng từ “postmodernism” trong tiểu luận “The New Mutants,” Partisan Review, vol. 32, no. 4 (Fall 1965).

  • Năm 1968, John Perreault sử dụng từ “postmodernism” (không rõ sử dụng ở đâu); và cùng năm ấy, Amitai Etzioni, trong cuốn The Active Society (New York: Free Press, 1968).

  • Năm 1969, có một số tiểu luận sử dụng từ “postmodern” ngay trên nhan đề, như: G. Feinberg, “Post-Modern Science”, Journal of Philosophy, 66: 19, 1969, pp.638-646; Vytautas Kavolis, “Revolutionary Metaphors and Ambiguous Personalities: Notes Toward an Understanding of Post-Modern Revolutions”, Soundings, vol. 52, 1969, pp.394-414; Herbert G. Reid, “Society in the Postmodern Period”, The Review of Politics, 1969, 31: 3, pp.427-429; và Theodore Ziolkowski, “Toward a Post-Modern Aesthetics”, Mosaic, 2:4, 1969, pp.112-119.

  • Từ năm 1970 đến 1979, có một số lượng to lớn tiểu luận, luận văn tiến sĩ, tạp chí và sách nói về “postmodern” và/hoặc “postmodernism”. Chỉ kể riêng những bài/cuốn có sử dụng các từ “postmodern” và/hoặc “postmodernism” ngay trên nhan đề, ta cũng có thể lập được một danh sách hàng trăm món. [Xin xem phần PHỤ LỤC ở cuối bài này].
Chỉ có những cậu học trò trung học lười biếng, ẩu tả, thì mới vội vã cho ta câu trả lời rằng: “Từ “hậu hiện đại” (postmodern) xuất hiện lần đầu trong cuốn Hoàn cảnh Hậu hiện đại (La Condition Postmoderne) của Jean-Francois Lyotard...”, hay “Thuật ngữ chủ nghĩa hậu hiện đại lần đầu tiên xuất hiện năm 1977, trong cuốn sách Ngôn ngữ kiến trúc hiện đại (sic) của Charles Djenks (sic).”

Những cái sai lố bịch ấy chứng tỏ ông Hoàng Ngọc Hiến chưa từng biết đến một tài liệu nào sử dụng thuật ngữ “chủ nghĩa hậu hiện đại” trước cuốn sách năm 1977 ấy (mà ông đã ghi sai cả tên tác giả lẫn tên sách), và ông Trịnh Lữ chưa từng biết đến một tài liệu nào sử dụng từ “hậu hiện đại” trước khi ông nhìn thấy cuốn sách Hoàn cảnh Hậu hiện đại (La Condition Postmoderne, 1979) của Jean-Francois Lyotard, do Phạm Xuân Nguyên dịch (nxb. Tri Thức, 2007). Cả hai ông đều không biết “hậu hiện đại” có cái gì trước 1977 và 1979, nhưng cả hai ông đều không hề có một chút thắc mắc nào cả.

Thậm chí, hai ông cũng chỉ may mắn lắm là trông thấy hai cái bìa sách ấy, hay nghe người nào nói loáng thoáng về hai cuốn sách ấy là cùng. Vì nếu hai ông thực sự có đọc hai cuốn sách ấy, thì hai ông sẽ tuyệt đối không thể tìm ra trong hai cuốn sách ấy có bất cứ dòng chữ nào ghi rằng hai tác giả ấy là những người đầu tiên đẻ ra các từ “postmodern” và/hoặc “postmodernism”!

Chưa đọc sách, chỉ nghe lóm hay chỉ nhìn thấy cái bìa sách, thế mà các ông tự tin tuyệt đối vào cái biết hạn hẹp đến kỳ quái của mình, và các ông hiên ngang phun châu nhả ngọc về “hậu hiện đại” tại các hội thảo khoa học cao cấp ở thủ đô! Thế là thế nào?

Nếu các ông đi thuyết giảng về “hậu hiện đại”, đem “chủ nghĩa hậu hiện đại” ra mà lý luận trong văn học, trong mỹ thuật, trong khi các ông chỉ biết đoán mò và nói bừa như thế, thì các ông thuyết giảng, lý luận về cái gì vậy? Với cái mớ kiến thức như các ông, mà các ông dám nói thao thao bất tuyệt, suy diễn tràng giang về lịch sử và sự phát triển của mỹ học “hậu hiện đại” thì quả là một quái trạng văn hoá không thể tưởng tượng nổi. Quả là một kiểu “múa gậy vườn hoang”, bất kể trong khu vườn ấy thật ra có hơn 80 triệu người đang sống!

Những cái sai ấy không phải do sơ suất. Là học giả, là giáo sư, thì người ta không ngừng tra vấn, thắc mắc, chứ ai lại có thể chỉ vừa nhìn thấy một cái bìa sách hay vừa nghe lóm là đã vội vàng tự xem là mình tìm ra đáp số! Là học giả, là giáo sư, thì ai lại dám tin tuyệt đối vào những thông tin sơ sài, thiếu thốn đến mức quái dị như thế, rồi nghênh ngang tung ra những cái sai lố bịch mà một cậu học trò trung học (nếu không lười biếng, ẩu tả) cũng không thể sai được! Các ông lại tuyên bố những điều ấy với giọng của sách giáo khoa tiểu học, ngắn gọn, dứt khoát, đầy thẩm quyền, không một chút phân vân “có thể” hay “có lẽ” nào cả. Thế thì chắc chắn những cái sai ấy là do lòng tự cao tự đại không bờ bến của các ông. Lòng tự cao tự đại ấy khiến các ông vớ được cái gì thì tin ngay rằng cái đó phải là cái trước hết, rằng cái đó là sự phát hiện đầu tiên, chính xác và đầy thẩm quyền của riêng các ông, mà thiên hạ cần phải lắng nghe các ông để học hỏi.

Điều tai hại nhất của cái thái độ này không chỉ ở chỗ nó làm hạ thấp tư cách của chính chủ thể, mà còn ở chỗ nó không ngừng làm hạ thấp dân trí. Vài ba người tuyên bố nghênh ngang như thế tại những loại hội thảo cao cấp giả hiệu (với mục đích giải ngân), mà không có ai phản đối, thì được báo chí ca tụng, truyền bá rộng ra, rồi hàng loạt người nhắm mắt tin theo. Cứ thế, nó lan dần ra và tạo thành cái “mặt bằng” tri thức của cả một thế hệ. Thử lấy ngay chuyện “hậu hiện đại” làm ví dụ. Suốt thập niên vừa qua, một số học giả nghiêm túc đã không ngừng nỗ lực truyền bá đến độc giả Việt Nam những kiến thức phong phú, đáng tin cậy và được giải thích mạch lạc về các phương diện của chủ nghĩa hậu hiện đại. Thế nhưng, cho đến hôm nay, đại đa số độc giả, ngay cả những người trong văn giới và môi trường học đường ở Việt Nam, vẫn hiểu rất mù mờ và lệch lạc về chủ nghĩa hậu hiện đại. Lý do là có một lực lượng những học giả khác chuyên đi gây nhiễu thông tin. Họ là những kẻ chỉ đọc láp nháp, tìm hiểu sơ sài, rồi tuỳ tiện diễn dịch sao cho vừa ý nhà cầm quyền và vừa ý mình, nhưng họ lại có điều kiện xuất hiện tại các hội thảo khoa học cao cấp giả hiệu để lên gân phun châu nhả ngọc, rồi viết thành tiểu luận, in thành sách, phát tán vô số điều lệch lạc đến độc giả. Trong tình trạng còn thiếu tài liệu, thiếu sách vở để nghiên cứu, giới hiếu học bị rơi vào một cõi hỗn loạn thông tin, toàn là những điều mâu thuẫn, chẳng còn biết đâu là đúng là sai nữa.

Cái quái trạng này đã diễn ra và lặp đi lặp lại trong suốt nhiều năm qua ở Việt Nam. Nếu không có cách nào thay đổi, thì cho dù các học giả nghiêm túc có nỗ lực truyền bá kiến thức đúng đắn đến cách mấy cũng thành vô ích, vì tất cả những nỗ lực của họ sẽ bị bóp méo, phá hoại không ngừng bởi những kẻ háo danh, tự mãn và vô trách nhiệm.
 
Sydney, 16/10/2008
 


Phụ lục

Dưới đây là bản liệt kê một số những tiểu luận, luận văn tiến sĩ, tạp chí và sách được công bố từ 1970 đến 1979 có sử dụng các từ “postmodern” và/hoặc “postmodernism” ngay trên nhan đề. Bản liệt kê này tất nhiên còn rất thiếu sót, vì chỉ là những gì tôi lọc ra từ những tài liệu mà tôi sưu tập được cho công việc nghiên cứu của riêng mình. Trong thập niên 70, những sách báo có sử dụng các từ “postmodern” và/hoặc “postmodernism” trong nội dung có lẽ đã chiếm một số lượng khổng lồ. Từ năm 1980 đến nay, số lượng sách báo (của các ngôn ngữ trên thế giới) có sử dụng từ “postmodern” và/hoặc “postmodernism” ngay trên nhan đề hoặc trong nội dung thì tất nhiên nhiều đến mức bất khả liệt kê!
 
1970:
 
Kavolis, Vytautas, “Post-Modern Man: Psychocultural Responses to Social Trends”, Social Trends, 17: 4, 1970, p.435.
 
1971:
 
Hassan, Ihab Habib, “POSTmodernISM: a Paracritical Bibliography”, New Literary History, 3: 1, Aug. 1971, pp.5-30.
Hassan, Ihab Habib, The Dismemberment of Orpheus: Toward a Postmodern Literature, New York: Oxford University Press, 1971.
New Literary History, 3:1, 1971. Special Issue: Modernism and Postmodernism.
 
1972:
 
Antin, David, “Modernism and Postmodernism: Approaching the Present in American Poetry”, Boundary, 2: 1, 1972, pp.98-133.
Boundary 2, Binghamton, Department of English: State University of New York, vol. 1, Fall 1972. Special Issue: Feminism and Postmodernism.
Kavolis, Vytautas, “An Alternative Postmodernity”, Journal of Aesthetics & Education, 6, Jan-Apr 1972, pp.125-137.
Spanos, William V., “The Detective and the Boundary: Some Notes on the Postmodern Literary Imagination”, Boundary 2: 1, 1972, pp.147-168.
 
1973:
 
Altieri, Charles, “From Symbolist Thought to Immanence: The Ground of Postmodern American Poetics”, Boundary, 2: 1, 1973, pp.605-641.
Galloway, Devid, “Post-Modernism”, Contemporary Literature, 14, 1973, pp.398-405.
Graff, Gerard, “The Myth of the Postmodern Breaktthrough”, TriQuarterly, 26, 1973, pp.383-417.
Hearron, William, “New Approaches in the Post-Modern American Novel”, Dissertation Abstract International, 34: 6, Dec 1973, p.3398 A.
Pütz, Manfred, “The Struggle of the Postmodern: Books on a New Concept in Criticism”, Kritikon Litterarum, 2, 1973, pp.225-237.
TriQuarterly, 26, 1973. Special Issue: On Postmodernism.
 
1974:
 
Kennedy, A., “Dramatic Action, the Modern and the Post-Modern”, The Protean Self, Columbia University Press, 1974, pp.27-61.
Modern Literature, 3, 1974. Special Issue: From Modernism to Postmodernism.
Olson, Charles, “The Act of Writing in the Context of Post-Modern Man”, Olson: The Journal of the Charles Olson Archives, 2, 1974, p.28.
Pinsker, Sanford, “ “Ulysses” and the Post-Modern Temper”, Midwest Quarterly, 15, 1974, pp.406-416.
Schmitz, Neil, “Gertrude Stein as Postmodernist: The Rhetoric of Tender Buttons”, Journal of Modern Literature, 3, 1974, pp.1203-1218.
TriQuarterly, 30, 1974. Special Issue: On Postmodernism.
Wasson, Richard, “From Priest to Prometheus: Culture and Criticism in the Post-Modern Period”, Journal of Modern Literature, 3, 1974, pp.1188-1202.
 
1975:
 
Alpert, Barry, “Post-Modern Oral Poetry: Buckminster Fuller, John Cage and David Antin”, Boundary, 2: 3, Spring 1975, pp.665-682.
Caliban, 12, 1975. Special Issue: Postmodernism.
Calinescu, Matei, “Avant-Garde, Neo-Garde, Post-Modernism: The Culture of Crisis”, Clio, 4: 3, Jun 1975, pp.317-340.
Davidson, Michael, “The Languages of Postmodernism”, Chicago Review, 27, 1975, pp.11-22.
Graff, Gerard, “Babbit at the Abyss: The Social Context of Postmodern American Fiction”, TriQuarterly, 33, 1975, pp.305-337.
Hassan, Ihab Habib, “Joyce, Beckett, and the Post-Modern Imagination”, Tri-Quartely, 34, Autumn 1975, pp.179-200.
Morrissette, Bruce, “Post-Modern Generative Fiction: Novel and Film”, Critical Inquiry, 2, 1975, pp.253-262.
TriQuarterly, 32, 1975. Special Issue: On Postmodernism.
TriQuarterly, 33, 1975. Special Issue: On Postmodernism.
 
1976:
 
Brummett, Barry, “Some Implications of “Process” or “Intersubjectivity” Postmodern Rhetoric”, Philosophy Rhetoric, 9, Winter 1976, pp.21-51.
Caserio, Robert, “Paracriticism, Postmodernism, and Prophecy”, Boundary 2, 5: 1, 1976, pp.167-173.
Cullum, J.W., “Nathan Scott and the Problem of a Postmodern Ethics”, Boundary 2, 2: 3, 1976, pp.965-972.
Noel, Daniel, “Tales of Fiction Power. Dreaming and Imagination in Ronald Sukenick’s Postmodern”, Boundary 2, 5: 1, 1976, pp.117-136.
Spanos, William V., “Heidegger, Kierkegaard, and the Hermeneutic Circle: Towards a Postmodern Theory of Interpretation as Dis-Closure”, Boundary 2, 4: 2, 1976, pp.455-488
Thiher, Allen, “Postmodern Dilemnas: Godard’s Alphaville and Two or Three Thinks That I Know About Her”, Boundary 2, 4: 3, 1976, pp.947-964.
Wilde, Alan, “Berthelme Unfair to Kierkagaard: Some Thoughs on Modern and Postmodern Irony”, Boundary 2, 5: 1, 1976, pp.45-70.
 
1977:
 
Amerikastudien, 22: 1, 1977. Special Issue: Postmodernism.
Benamou, Michel; Carmello, Charles, Performance in Postmodern Culture, Milwaukee: Centre for Twentieth-Century Studies, 1977.
Berryhill, Michael, “Walt Whitman and Post-Modern Consciousness”, Dissertation Abstract International, 38: 3, Sept 1977, p.1376 A.
Blake, Harry, “Le post-modernisme américain”, Tel Quel, 71-73, 1977, pp.171-182.
Davis, D., Artculture: Essays on the Post-Modern, New York: Harper and Row, 1977.
Deren, Jane, “Denise Levertov’s Postmodern Poetics: a Study in Theory and Criticism”, Dissertation Abstract International, 38: 4, Oct 1977, p.2111 A.
Hoffmann, Gerhard; Horning, Alfred; Kunow, Rüdiger, “ “Modern”, “Postmodern”, and “Contemporary” Criteria for the Analysis of 20th-Century Literature”, Amerikastudien, 22, 1977, pp.19-46.
Köhler, Michael, “Postmodernismus: Ein begriffsgeschichtlicher Überblick (Post-modernisme: vue d’ensemble: l’histoire du concept)”, Amerikastudien, 22:1, 1977, pp.19-46.
Kundow, R.; Hoffman G.; Hornung A., “Modern, Post-Modern and Contemporary as Criteria for the Analysis of 20th Century Literature”, Amerikastudien, 22: 1, 1977, pp.19-46.
Lodge, David, Modernism, Antimodernism and Postmodernism, Birmingham: University of Birmingham Press, 1977.
Jencks, Charles, The Language of Post-Modern Architecture, New York: Rizzoli, 1977.
Navero, William, “The Emergence of Mythopoetic Post-Modern Image and the Poetics of Charles Olson”, Dissertation Abstract International, 38: 3, Sept 1977, p.1393 A.
Palmer, Richard E., “Postmodernity and Hermeneutics”, Boundary 2: 5-2, 1977, pp.363-393.
Peper Jürgen, “Postmodernismus: Unitary Sensibility ?” Amerikastudien, 22:1, 1977, pp.65-89.
Rice-Savre, Laura, “Abra-Cadaver: the Anti-Detective Story on Postmodern Fiction”, Dissertation Abstract International, 37: 7, Jan 1977, p.4339 A.
Sonheim, A. (ed.), Individuals: Post-Movements Art in America, New York: Dutton, 1977.
 
1978:
 
Hassan, Ihab Habib, “Culture, indeterminacy and Immanence: Margins of the (Post-Modern) Age”, Humanities in Society, 1, Winter 1978, pp.51-85.
Hayman, David, “Double-distancing: An Attribute of the “Post-Modern” Avant-Garde”, Novel. A Forum on Fiction, 12, 1978, pp.33-47.
Gordon, Patricia, “The Function of Literature as Interpreted by Twentieth-Century Writers: the Postmodern Authors”, Dissertation Abstract International, 38: 8, Feb. 1978, p.4816 A.
Kern, Robert, “Composition as Recognition: Robert Creeley and Postmodern Poetics”, Boundary 2, 6: 3, Spring-Fall 1978, pp.211-232.
Knesl, J., “Post-Modern History Critique”, Architectural Design, 48:11-12, 1978, p.576.
Spanos, William V., “The Un-Naming of the Beasts: the Post-Modernity of Sarte’s La nausée”, Criticism, 20: 3, Summer 1978, pp.223-280.
 
1979:
 
Akin, O., “Style Named Post-Modern”, Architectural Design, 49: B-9, 1979, pp.224-226.
Altieri, Charles, “Postmodernism: A Question of Definition”, Par Rapport, 2, 1979, pp.87-100.
Altieri, Charles, “Modern and Post-Modern: Symbolist and Immanentist Modes of Poetic Thought”, in Enlarging the Temple, Charles Altieri (ed.), Bucknell: Bucknell University Press, 1979, pp.29-52.
Birnholz, A. C., “Artculture: Essays on the Post-Modern de D. Davis”, The Journal of Aesthetics and Art Criticism, 37: 2, Winter 1979, p.245.
Bleikastein, A., “The Paradox of True Lie: on the Fictionality of Fiction (Fiction et vérité chez les modernistes et post-modernistes)”, British Journal of Aesthetics, 20: 3, 1979, pp.229-236.
Blocker, H. Gene, “Autonomy, Reference and Post-Modern Art”, British Journal of Aesthetics, 20: 3, 1979, pp.229-236.
Bonta, J. P. “Modernism and Post-Modernism: a Semiotic View”, Proceedings of the 67th. ACSA Annual Meeting, M.J. Bednar (ed.), Wahington: Association of Collegiate School of Architecture Press, 1979, pp.145-153.
Canter, D.; Groat, L., “Does Post-Modernism Communicate ?”, Progressive Architecture, 60: 12, Dec 1979, pp.84-87.
Colvile, G., “Labor Delivered is Love Regained: Women’s Writing and Art in Postmodern America”, Revue française d’études américaines, 14: 8, 1979, pp.225-242.
Dahrendorf, Ralf, “Post-Modern Values”, New Society, 893,15 Nov 1979, pp.360-362.
Davern, J. M., “Postmodernists”, Architectural Record, 165: 2, Feb 1979, p.4.
Delbaere-Garant, P., “The Divided Worlds of E. Bronte, V. Woolf and J. Frame. (A Post-Modern Perspective)”, English Studies, 60: 6, 1979, pp.699-711.
Groat, Linda N.; Canter, D., “Does Post-Modernism Communicate ?”, Progressive Architecture, 60: 12, Dec 1979, pp.84-87.
Heim, Michael R, “Some Philosophical Proposals for the Role of the Humanities: Toward a Postmodern Logic”, Kinesis, 9, Spring 1979, pp.39-46.
Holdheim, W. Wolfgang, “Wilhelm Worringer and the Polarity of Understanding”, Boundary 2: A Journal of Postmodern Literature and Culture, 8:1, Fall 1979, pp.339-358.
Jencks, Charles, Le langage de l’architecture post-moderne, London: Academy Editions, 1979. [Bản dịch Pháp văn]
Kavolis, Vytautas, “Social Evolution of the Artistic Enterprise”, Research in Sociology of Knowledge, Sciences and Art, 2, 1979, pp.155-188.
Kearney Timothy, “The Poetry of the North: a Post-Modernist Perspective”, The Crane Bag, 3: 2, 1979, pp.45-53.
Krauss, Rosalind E., “John Mason and Post-Modernist Sculpture: New Experiences, New Words”, Art in America, 67: 3, May-Jun 1979, pp.120-127.
Levin, R., “Language of Post-Modern Architecture de C.A. Jencks”, The Journal of Aesthetics and Art Criticism, 37: 2, Winter 1979, p.239.
Lyotard, Jean-François, La condition postmoderne: rapport sur le savoir, Paris: Minuit, 1979.
Malmgren, Carl Darryl, “Fictional Space in the Modernist and Postmodernist American Novel”, Dissertation Abstract International, 40: 6, Dec 1979, p.3291
Miller, R. L., “Supermannerism: New Directions in Post-Modern Architecture de C.R. Smith”, American Institute of Architects, 68: 6, 1979, p.264.
Moffett, K. M., “Assessing Post-Modernism: an Overview”, Bednar, M.J. (ed.), Proceedings of the 67th. ACSA Annuel Meeting, Washington: Association of Collegiate School of Architecture Press, 1979, pp.164-168.
Müler, Heiner, “Reflections on Post-Modernism”, New German Critique, 16, Winter 1979, pp.55-58.
Obrien, D., “Call for Courage: Post-Modern Architecture”, Architectural Review, 165: 986, Apr 1979, p.192.
Par Rapport, 2:2, 1979. Special Issue: Postmodernism.
Parks, Michael E., “Art Education in a Post-Modern Age”, Art Education, 42: 2, Mars 1979, pp.10-13.
Schechner, Richard, “Postmodern Performance - The End of Humanism”, Performing Arts Journal, 4: 11, 1979, pp.9-22.
Schumacher, “Rome: Orphan of the Modern Movement or Cradle of Post-Modernism”, Architectural Design, 49: 3-4, 1979, p.91.
Schurmann, Reiner, “Anti-Humanism. Reflections of the Turn Toward the Post-Modern Epoch”, Man and World, 12: 2, 1979, pp.160-177.
Sexon, L., “First Act Repeated: Myth in the Postmodern Age”, Parabole, 4: 3, Aug 1979, pp.53-71.
Spanos, William V., “De-struction and the Question of Postmodernist Literature: Toward a Definition”, Par Rapport, 2, 1979, pp.107-122.
Spanos, William V., “Postmodern Litarature and the Hermeneutic Crisis”, Union Seminary Quarterly Review, 34: 2, 1979, pp.119-131.
Spanos, William V. (ed.), Martin Heidegger and the Question of Literature: Toward a Postmodern Literary Hermeneutics, Bloomington: Indiana University Press, 1979.
Stephens, S, “Beyond Fragments: Architectural Frame-work Necessary for Assimilating Elements of Post-Modern Period”, Progressive Architecture, 60: 12, Dec 1979, pp.88-90.
Thompson, W. W., “Johnson Original Thinking Post-Modernism”, Architects’ Journal, 196: 23, 6 juin 1979, p.1149.
Thornton, G., “Post-Modern Photography: It Doesn’t Look Modern at All”, Artnews, 78: 4, April 1979, pp.64-69.
Whelan, R., “Art-Culture: Essays on the Post-Modern” de D. Davis, Artnews, 78: 9, Nov 1979, pp.42-43.

© 2008 talawas