trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcLý luận phê bình văn học
19.9.2008
Nguyễn Tôn Hiệt
Nên định nghĩa tư cách cầm bút của ông Phạm Quang Trung như thế nào cho đúng?
 
Bài viết "Phác thảo lý luận văn chương Việt Nam hải ngoại thế kỷ XX" của Phạm Quang Trung kỳ thực chỉ là bản viết lại có sửa chữa và bổ sung từ bài “Sáng tạo cái mới trong nhãn quan các nhà lý luận văn chương Việt Nam hải ngoại” của chính Phạm Quang Trung đã công bố trên Vanchuongviet.org ngày 7.6.2008.

Cùng ngày 7.6.2008, Inrasara có đáp lại Phạm Quang Trung trên Vanchuongviet.org với bài “Như thể một phương tiện thiện xảo(*)”, và ngày 8.6.2008 trên Tienve.org với bài “Về một lối phê bình chỉ điểm”, trong đó Inrasara đã vạch ra nhiều điểm đáng chê trách trong bài của Phạm Quang Trung.

Sau đó, Phạm Quang Trung đã lẳng lặng tiếp thu một số ý của Inrasara để sửa chữa và bổ sung bài viết của ông, nhưng không một lời cảm ơn Inrasara, và biến bài ấy thành bài "Phác thảo lý luận văn chương Việt Nam hải ngoại thế kỷ XX".

Ở đây, tôi chỉ mời độc giả so sánh sự biến thái trong một đoạn văn của Phạm Quang Trung trước và sau khi bị Inrasara phản công. Tôi xin tô đậm những chỗ đáng lưu ý.

Trong “Sáng tạo cái mới trong nhãn quan các nhà lý luận văn chương Việt Nam hải ngoại”, Phạm Quang Trung viết:

... nổi bật và tiêu biểu hơn cả là Nguyễn Hưng Quốc, và sau đó là Hoàng Ngọc-Tuấn. Họ đều định cư ở Úc, có quan hệ cá nhân gần gũi, thân thiết. Các tập sách lý luận thuần khiết hầu như không có, thường xen cảm quan phê bình. Nhưng xét về chủ định cũng như về ý nghĩa khách quan thì ba tập sách sau đây có thể xem là những công trình lý thuyết đích thực: Thơ, v.v… và v.v… (Nguyễn Hưng Quốc) – Nxb Văn Nghệ, California, 1996; Văn học Việt Nam từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại (Nguyễn Hưng Quốc) – Nxb Văn Nghệ, California , 2000; Văn học hiện đại và hậu hiện đại qua thực tiễn sáng tác và góc nhìn lý thuyết (Hoàng Ngọc-Tuấn) – Nxb Văn Nghệ, California, 2001. Số lượng là chưa nhiều, càng ít hơn nếu chỉ khuôn vào thế kỷ XX. Có điều, những tác động nhiều chiều, thường phi chính thống, lại rất đáng kể. Đây đó, nếu tinh ý, ta có thể nhận ra tiếng đồng vọng xa gần. Dấu ấn rõ rệt hơn cả có lẽ là ở cuốn lý luận, phê bình mang tên Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo của Inrasara (Nxb Văn nghệ - Tp. Hồ Chí Minh, 2006). Những ảnh hưởng sâu xa dường như lại âm thầm nằm trong các sáng tác mới, phần đông là của các cây bút trẻ ở cả ba miền.

Inrasara phản công:

Ông đánh hơi ra và ông “báo cáo”. Ông bắt tận tay Inrasara và các cây bút trẻ ở cả ba miền. Là các tên tuổi nào cụ thể, ông sẽ báo cáo sau. Rất đáo để.

Trời đất! Có công trình lí luận - phê bình “số lượng là chưa nhiều” như Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc-Tuấn mà “tác động nhiều chiều”, “đồng vọng xa gần” để lại “dấu ấn rõ rệt” và “những ảnh hưởng sâu xa” đến “các cây bút trẻ ở cả ba miền” như thế, là ân đức cho văn học quá rồi còn gì.”

Sau đó, trong "Phác thảo lý luận văn chương Việt Nam hải ngoại thế kỷ XX", Phạm Quang Trung lẳng lặng sửa lại thành:

tiêu biểu và nổi bật hơn cả là Nguyễn Hưng Quốc, và sau đó là Hoàng Ngọc-Tuấn. Họ đều định cư ở Úc, có quan hệ cá nhân gần gũi, thân thiết. Các tập sách lý luận thuần khiết hầu như không có, thường xen cảm quan phê bình, như Nguyễn Hưng Quốc với Thơ, v.v… và v.v…, Nxb Văn Nghệ, California, 1996 và Văn học Việt Nam từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại, Nxb Văn Nghệ, California, 2000; Hoàng Ngọc-Tuấn với Văn học hiện đại và hậu hiện đại qua thực tiễn sáng tác và góc nhìn lý thuyết, Nxb Văn Nghệ, California, 2001…

Tức là ông xóa tên Inrasara đi, không còn xem 3 tập sách của Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc-Tuấn là “những công trình lý thuyết đích thực” nữa, và xóa luôn những câu mô tả ảnh hưởng của Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc-Tuấn đối với văn học trong nước như: “tác động nhiều chiều”, “đồng vọng xa gần” để lại “dấu ấn rõ rệt” và “những ảnh hưởng sâu xa” đến “các cây bút trẻ ở cả ba miền”

Để rồi chính ông lại nêu lên câu hỏi::

“Như vậy, có thể thấy, các cây bút lý luận văn chương Việt Nam ở hải ngoại không thiếu tri thức. Kể cả nhiệt huyết cũng không thiếu. Do đâu tiếng nói của họ vọng chưa xa, vang chưa sâu?

Từ vị trí độc giả, tôi muốn hỏi: Chúng tôi nên định nghĩa cái tư cách cầm bút của ông tiến sĩ – phó giáo sư Phạm Quang Trung như thế nào cho đúng?

© 2008 talawas