trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 51 bài
  1 - 20 / 51 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcLý luận phê bình văn học
9.10.2008
Nguyễn Tôn Hiệt
Đỗ Lai Thúy và trường phái “luộc văn”
 
Đọc bài “Cũng chuyện vay mượn” của Trần Đình Hoà, tôi có mấy ý nghĩ sau đây:

Inrasara vay mượn một vài ý tưởng của Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc-Tuấn và có ghi xuất xứ vào sách tiểu luận. Ông Bùi Bụi không thấy xuất xứ khi đọc bài báo của Inrasara trên mạng, thì Inrasara đã minh giải rồi. Chuyện vậy là rõ ràng, êm đẹp.

Nhưng Đỗ Lai Thúy thì quả là theo một trường phái khác hoàn toàn. Tôi tạm gọi đó là trường phái “luộc văn”. Giống như “luộc xe” vậy. Luộc xe Dream thành xe Trung Quốc là một trường phái đang thịnh hành ở Việt Nam.

*


Tôi trang trọng gọi là “trường phái” vì trước đây Đỗ Lai Thúy cũng đã nổi danh về chuyện “luộc văn” rồi. Có một dạo văn đàn đã lao xao về chuyện Đỗ Lai Thúy luộc văn ông Lê Huy Oanh để viết cuốn Con mắt thơ. Nhưng quả là lúc ấy Đỗ Lai Thúy “luộc” chưa rành nên các món còn sống nhăn, lộ mánh khá rõ. Bây giờ ngón nghề đã cao, nên ông “luộc” ông Nguyễn Hưng Quốc thật là khéo. Xem qua cứ ngỡ “tư tưởng nhớn gặp nhau”. Rất đáng phục.

Bây giờ, tôi xin trích lại đây một đoạn trong bài “Khắc vía tiến sĩ giấy“ do Vietimes phỏng vấn ông Nguyễn Hoà. Trong đó, Nguyễn Hoà có kể về vụ “Con mắt thơ” của Đỗ Lai Thúy như sau. Mời bạn đọc thưởng thức:

NH: Thì như quyển của Đỗ Lai Thúy, Con mắt thơ là cuốn ăn cắp kinh hoàng. Mà 7 năm sau Chu Văn Sơn mới lên tiếng đấy. Xét về bình thơ, Chu Văn Sơn là một trong những người đứng đầu ở Việt Nam hiện nay. Anh ấy đọc nhiều nên biết nguồn gốc những tài liệu Đỗ Lai Thúy “thuổng” là ở đâu.

Hồi ấy chưa được nghỉ hai ngày như bây giờ. Hội Nhà văn họp vào thứ Bảy để xét giải. Anh Nguyên Ngọc bảo mọi người về nghỉ Chủ nhật và cân nhắc kỹ, sáng thứ hai bỏ phiếu. Chiều thứ Bảy, tôi nghe cái tin sắp bỏ phiếu và trong đó có Con mắt thơ. Tôi bảo Chu Văn Sơn cùng đến chỗ anh Nguyên Ngọc, hai thằng đi bằng cái xe Babetta cổ lỗ sĩ của tôi.

Đến nhà Nguyên Ngọc, tôi lấy cuốn của Đỗ Lai Thúy ra (khi đó là cuốn duy nhất về lý luận - phê bình có khả năng đoạt giải) và trình bày: Bọn em chẳng phải hội viên nhưng bọn em ra gặp anh là vì Hội. Ông Ngọc hỏi: Làm sao? Tôi giở cuốn sách và nói: Đây là cuốn ăn cắp. Ông hỏi tiếp: Ăn cắp của ai? Lúc ấy tôi mới lôi ra một loạt tên tuổi mà ông Ngọc cũng quý mến. Ông Ngọc bảo: Sao lại có chuyện đó, ông Đặng Tiến còn viết bài ca ngợi cơ mà? Tôi bảo: Ông Tiến viết cách đây bao nhiêu năm, có thể đã quên rồi. Hoặc có thể người ta cứ để trao giải rồi mới “nện” cho xấu hổ thì sao? Tình huống xã hội có nhiều lắm. Nếu các anh vẫn bỏ phiếu thì em không phản đối, nhưng sẽ lên tiếng. Chúng em không phải phản đối Hội Nhà văn mà lên tiếng để bảo vệ giới tri thức trong nước!

Anh Ngọc lại hỏi: Chú cho dẫn chứng đi. Tôi bảo Chu Văn Sơn: Bây giờ tôi cầm quyển của Đỗ Lai Thúy, Sơn cầm cuốn của Lê Huy Oanh, hai thằng cùng “song ca” cho anh ấy nghe nhé!

Tôi và Sơn đọc được nửa trang. Nguyên Ngọc giật mình hỏi: Thế có ngoặc kép không? Tôi nói: Nếu có ngoặc kép thì chúng em đến gặp anh làm gì?

Rồi ông Thúy cũng đến nhà Chu Văn Sơn để nói khó, Sơn không công bố chuyện đó nữa. Thế mà 7 năm sau, ông Thúy vẫn tiếp tục tái bản mấy lần, không sửa chữa, bất chấp thiện chí của đồng nghiệp. Đến năm 2002, tôi phải thốt lên với Chu Văn Sơn: Thôi đến mức này thì không thể nào im lặng được nữa. Ông ấy khinh bọn mình quá. Ông ấy lợi dụng sự tử tế của anh em, vì tôi vẫn nghĩ với những gì ông Thúy đã làm được thì việc gì phải đi ăn cắp. Dù sao ông Thúy cũng có tên tuổi rồi.

PV: Tại sao Đỗ Lai Thúy lại làm thế?

NH: Chẳng biết được.

Thế đấy. Đáng phục chưa!

eVan giới thiệu bài của ông Đỗ Lai Thúy: “Phê bình văn học là gì?” là tiểu luận mới nhất và tâm đắc của Đỗ Lai Thúy. Tác giả đã âm thầm viết nó trong năm 2003...”

Khổ quá. Cuốn sách Văn học Việt Nam từ điểm nhìn H(ậu H)iện đại của ông Nguyễn Hưng Quốc đã xuất bản từ năm 2000. Không âm thầm tí nào. Chỉ có kẻ “luộc” thì mới “âm thầm”.

*


Nói cho ngay, tôi không ngạc nhiên chút nào khi đọc bài “Cũng chuyện vay mượn” của Trần Đình Hòa bởi vì cách đây mấy năm, giống như Trần Đình Hoà, tôi cũng đã tình cờ phát hiện trường hợp Đỗ Lai Thúy “luộc văn” của Nguyễn Hưng Quốc và cả trường hợp Đỗ Lai Thúy “luộc văn” của Nguyễn Văn Trung, một nhà nghiên cứu ở Sài Gòn trước đây. Sau khi phát hiện, tôi có khởi sự viết một bài để trình bày những điều ấy trước công luận, nhưng viết chưa xong thì lại lười biếng và bận bịu, đành bỏ dở, chỉ thỉnh thoảng đem ra kể cho các bạn văn nghe chơi. Từ đó đến nay tôi cũng không thấy ai lên tiếng. Nay nhân đã có bài của Trần Đình Hòa, tôi xin viết thêm mấy đoạn về trường hợp Đỗ Lai Thúy “luộc văn” của Nguyễn Văn Trung.

Trong bài “Phong cách học và phê bình văn học” của Ðỗ Lai Thúy đăng trên eVan vào ngày 11 tháng 3 năm 2005 [1] , Đỗ Lai Thúy ghi nhận và chứng minh rằng “những người đầu tiên [...] nhắc đến từ ‘phong cách’ trong phê bình văn học Việt Nam” là Nguyễn Lộc và Ðỗ Ðức Hiểu; “người đầu tiên thực hành phê bình phong cách học ở Việt Nam là Phan Ngọc”, và rồi ông “khiêm tốn” tự nhận ông là người có công đẩy việc phê bình phong cách học theo một hướng đi mới và lên một tầng cao mới qua hai tác phẩm Mắt thơHồ Xuân Hương, hoài niệm phồn thực.

Phải công nhận Đỗ Lai Thúy là một người dũng cảm khi ca ngợi mình một cách nồng nhiệt như vậy. Tuy nhiên những điều ông tự nhận là những phát hiện của ông lại là những ý tưởng được “luộc” lại từ ông Nguyễn Văn Trung.

Sự thật là trước Nguyễn Lộc và Đỗ Đức Hiểu rất lâu, trong cuốn Lược khảo văn học, tập 1, xuất bản tại Sài Gòn vào năm 1963 (Xuân Thu in lại tại Hoa Kỳ, 1990), Nguyễn Văn Trung đã dành một phần khá dài trong chương “Viết thế nào” để nói về phong cách (ông dùng chữ “bút pháp”) và vai trò của phong cách trong phê bình văn học.

Ông Nguyễn Văn Trung viết:

“Ở nơi những nhà văn danh tiếng, rất dễ dàng nhận ra lối văn đặc biệt của họ. Cho nên tìm hiểu một nhà văn là tìm hiểu cái đặc biệt, độc đáo trong lối nhìn đời của họ và tìm hiểu cái đặc biệt, độc đáo đó ngay trong lời văn, lối văn, hay nói một cách rộng hơn, trong bút pháp vì bút pháp gắn liền với con người của họ. Chúng tôi cho rằng một phê bình văn học chính đáng phải lấy chính tác phẩm làm khởi điểm và đứng vào quan điểm nghệ thuật của chính tác giả để rút ra những tiêu chuẩn của nghệ thuật.” “… Ði vào tác phẩm văn chương là phải bám sát vào bút pháp, vì tất cả ý nghĩa, tư tưởng, con người tác giả ta muốn tìm hiểu đều ở trong bút pháp.” (tr. 198).

Quan niệm ấy của ông Nguyễn Văn Trung hoàn toàn giống với những gì Đỗ Lai Thúy, hơn 40 năm sau, viết trong bài “Phong cách học và phê bình văn học”. Nó giống cả trong cách khai triển và chứng minh cho quan niệm ấy. Ông Nguyễn Văn Trung đã dành ra mấy trang để phân tích bài “Qua đèo Ngang” của bà huyện Thanh Quan và bài “Qua đèo Ba Dội” của Hồ Xuân Hương. Theo ông, thơ của hai nhà thơ nữ này có nhiều khác biệt, trong đó nét khác biệt căn bản và quan trọng nhất là “Thơ Xuân Hương dùng hình dung từ. Thơ Thanh Quan không dùng.” Nguyễn Văn Trung phân tích tiếp:

“Dùng hình dung từ nghĩa là chú ý tới sự vật và tin vào cái vẻ bề ngoài của nó để nhìn ngắm, lĩnh hội. Với Xuân Hương cái vẻ bề ngoài đó còn phải đặc sắc, phong phú, mãnh liệt nữa.”... “Cho nên những chữ Xuân Hương dùng là những chữ sống động, cựa quậy, bò lổm nhổm, không im lìm, chết cứng ở một chỗ hay yếu ớt, nhạt nhẽo. Những âm vần cũng oang oang sang sảng như của người ăn to nói lớn, lắm lúc như gắt lên, thét ra: chém cha, thây cha, cha kiếp, bá mẹ, bá ngọ.”

...

“Một bút pháp mô tả cuộc đời trong cái vẻ bề ngoài của nó bằng cách sử dụng những hình dung từ nói lên một thái độ yêu đời, lạc quan trước cuộc đời”...

“Ngược lại, trong thơ Thanh Quan, không hề thấy hình dung từ. Nhìn sự vật, bà chỉ kể tên mà không chú ý tới vẻ bề ngoài của nó; bà lãnh đạm với màu sắc, thanh âm, hình dáng của sự vật. Bà nói tới cỏ cây, hoa lá, núi, nhà, hoàng hôn, trời, nước, nhưng không xác định cây xanh hay lá vàng, hoặc trời đẹp, non cao. Bà không chú ý tới cái vẻ bề ngoài của sự vật, nên không tả nó và không chú ý vì không thèm buồn nhìn ngắm, không thích thú gì mà nhìn, không muốn hưởng thụ cuộc đời, vì cuộc đời chẳng có cái gì được đáng hưởng thụ.” (Rải rác từ trang 205 đến trang 211).

Xin thử so sánh những gì Nguyễn Văn Trung viết ở Sài Gòn đầu thập niên 1960 trích ở trên với những “phát hiện” độc đáo của Đỗ Lai Thúy vào đầu thế kỷ 21 dưới đây:

“Lấy khoảng 30 bài thơ (trong số hơn 50) được coi là đáng tin cậy hơn cả của Hồ Xuân Hương, rồi tiến hành thống kê tần số sử dụng các từ loại của nữ sĩ, tôi nhận thấy: thơ Hồ Xuân Hương sử dụng rất nhiều động từ chỉ hành động như xiên ngang, đâm toạc, tung hê, sương gieo, gió thốc...; những hình dung từ, chủ yếu là tính từ chỉ phẩm chất và trạng từ chỉ mức độ như cầu trắng phau phau, nước trong leo lẻo, cửa son đỏ loét, lún phún mọc, le te lách...; những từ vận mà gợi nghĩa như lênh, đênh, ghềnh, bềnh, tênh với vần ÊNH gợi lên sự bất ổn, dễ vỡ, mòm, lòm, khòm, khom, dòm với vần OM gợi tình trạng gò bó, bức bối...”

Sau đó Ðỗ Lai Thúy so sánh thơ Hồ Xuân Hương với thơ bà huyện Thanh Quan và cũng nhận thấy: “thơ Bà Huyện dùng rất nhiều danh từ, mà lại danh từ Hán Việt.” Hơn nữa, ông cũng lại nhận thấy, như Nguyễn Văn Trung, sự khác biệt trong hệ thống từ loại này phản ánh tâm lý cũng như triết lý sống của các nhà thơ liên hệ:

“Người lựa chọn kiểu ngôn ngữ này là người không chú ý đến bề ngoài sự vật, màu sắc và âm thanh của đời sống. Người không còn hứng thú hưởng thụ cuộc đời.”... “Ngược lại, việc sử dụng nhiều động từ chỉ hành động và tính từ chỉ phẩm chất và trạng từ chỉ mức độ chứng tỏ Xuân Hương rất chú ý đến bề ngoài sự vật. Với bà danh từ (tức ý niệm, bản chất của sự vật) không đủ, mà cũng không cần thiết, nên phải có tính từ để miêu tả những sắc thái muôn hình muôn vẻ của đời sống, phải có động từ để chỉ sự hoạt động của muôn vật, nhất là sự tương tác giữa chúng. Bởi vậy, thế giới thơ Xuân Hương đầy màu sắc, âm thanh, hình khối, ánh sáng như trong hội hè dân gian náo nhiệt. Con người sống trong bầu không khí ấy đều căng mở các giác quan để cảm thụ đời sống, một đời sống được đẩy đến cực hạn.”

Thật là rõ ràng, những tương đồng giữa hai cách phân tích thơ Hồ Xuân Hương và bà huyện Thanh Quan của Nguyễn Văn Trung và Ðỗ Lai Thúy thì vừa nhiều vừa chi tiết đến độ không thể cho là những trùng hợp ngẫu nhiên. Cũng thật là rõ ràng, Ðỗ Lai Thúy đã khai triển các phát hiện của Nguyễn Văn Trung trong cách nhận diện phong cách thơ Hồ Xuân Hương. Nói cách khác là Đỗ Lai Thúy “luộc” lại các ý chính trong cuốn sách của Nguyễn Văn Trung.

Nhưng tại sao khi lược qua lịch sử hình thành và phát triển của lối phê bình theo phong cách học tại Việt Nam, Ðỗ Lai Thúy không hề nhắc gì đến Nguyễn Văn Trung hết vậy cà? Nguyên nhân là vì Nguyễn Văn Trung là một cây bút miền Nam, hay là vì để phi tang một sự “đạo... ý”?

Những câu hỏi ấy tôi xin để cho ông Đỗ Lai Thúy trả lời. Phần tôi, tôi tự cảm thấy đắc ý khi đặt tên cho cái thói “âm thầm” lượm ý của người khác, rồi phi tang xuất xứ để biến nó thành ý của mình, là trường phái “luộc văn”.

03.10.2008

© 2008 talawas



[1]Bài “Phong cách học và phê bình văn học” của Ðỗ Lai Thúy đăng trên eVan thành 2 kỳ: Phong cách học và phê bình văn học [1/2] và Phong cách học và phê bình văn học [2/2] - Đỗ Lai Thúy (11/03/2005).